Những ngày thơ ấu là cuốn tiểu thuyết không xa lạ gì với bạn đọc Việt Nam, đặc biệt là những ai yêu thích nhà văn Nguyên Hồng. Sự gần gũi và chân thực trong tác phẩm là một bản nhạc buồn của số phận tác giả với hàng loạt bi kịch gia đình và những khổ cực khi tuổi đời còn quá nhỏ. 

Vài nét về nhà văn Nguyên Hồng và Những ngày thơ ấu

Nguyên Hồng sinh năm 1918 tại Nam Định và mất năm 1982 ở Bắc Giang, là một trong những cây bút tài năng của Văn học Việt Nam. 

Năm 1996, ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho các tác phẩm là Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, Sóng gầm, Cơn bão đã đến, Thời kỳ đen tối, Khi đứa con ra đời, Thù nhà nợ nước, Núi rừng Yên Thế, Trời xanh, Bước đường viết văn của tôi Những nhân vật ấy đã sống với tôi.

Nhà văn Nguyên Hồng
 Chân dung nhà văn Nguyên Hồng lúc trẻ

Những ngày thơ ấu được đăng lên báo năm 1938 và xuất bản thành sách vào hai năm sau, gồm chín chương là Tiếng kèn, Chúa thương xót tôi, Trụy lạc, Trong lòng mẹ, Đêm nô-en, Trong đêm đông, Đồng xu cái, Sa ngã và Một bước ngắn.

Cuốn sách tái hiện rõ nét tuổi thơ cơ cực và bất hạnh của Nguyên Hồng với những đắng cay xảy đến khi tuổi đời quá nhỏ. Có lẽ ai ai cũng sẽ rơi nước mắt đồng cảm cho một cậu bé ngây thơ phải chịu đủ mọi ngang trái của số phận.

Những ngày thơ ấu
Bìa cuốn Những ngày thơ ấu

Những ngày thơ ấu tái hiện một tuổi thơ chỉ có nỗi buồn và khổ cực

Nguyên Hồng lúc ra đời được nhà nội và nhiều người chào đón, chúc mừng vì cha ông là cai ngục nhưng hạnh phúc chẳng tày gang khi nhà văn lên tám tuổi thì từ bi kịch này đến bi kịch khác xảy ra trong gia đình.

Bìa cuốn Những ngày thơ ấu
Người đọc vô cùng xót xa trước hoàn cảnh không trọn vẹn của gia đình nhà văn Nguyên Hồng

Ngay từ đầu, cuộc hôn nhân của cha mẹ Nguyên Hồng vốn dĩ không có tình yêu, nó chỉ là sự bài tính từ hai gia đình nên chẳng ai hạnh phúc cả và họ phải sống cùng nhau như một trách nhiệm không thể bỏ chứ chẳng có tình cảm vợ chồng thực sự. 

“Vẻ mặt xinh tươi kia, giọng cười nói nhẹ nhàng kia, sự thùy mị kính cẩn kia, sao có thể là của một người đàn bà mà tâm tư hằng giá buốt vì những phiền muộn, những đau đớn cay chua nhất, tối tăm nhất? Hay thầy tôi cũng như mẹ tôi cả hai đều thản nhiên và lặng lẽ để che giấu cả một lòng đau đớn?”

Từ một gia đình giàu có dần trở nên nghèo túng khi mà người cha chỉ biết chìm trong nghiện ngập, không còn tập trung làm ăn.

Vì vậy mà tài sản trong nhà cứ không cánh mà bay theo từng hơi thuốc, không dừng lại ở đó mà những món nợ cứ xuất hiện rồi chất chồng lên bờ vai người vợ tảo tần.

“Hoa tai và nhẫn vàng, mẹ tôi tháo bán đi lúc nào không rõ. Cái thúng thanh con trước kia hễ tan chợ là đầy xu hào, nay chỉ còn loáng thoáng mấy đồng hào con và tiền trinh.”

Những ngày thơ ấu – Nguyên Hồng

Cho đến khi cha mất vào năm ông mười hai tuổi, mẹ Nguyên Hồng rời quê đến nơi khác tha hương cầu thực và tiến thêm bước nữa, còn ông ở lại nhà nội chịu cay đắng suốt bốn năm, sau đó mới được mẹ đón về với một trái tim đầy tổn thương.

“Mẹ ơi! Con khổ quá mẹ ơi! Sao mẹ đi lâu thế? Mãi không về. Người ta đánh con vì con dám cướp lại đồ chơi của con mà con người ta giành lấy. Người ta chửi con, chửi cả mẹ nữa. Mẹ xa con, mẹ có biết không?”


Ở với nội, Nguyên Hồng không được yêu thương che chở, ngược lại còn bị ghẻ lạnh, những lúc chịu bất công, ông chỉ biết nghĩ đến mẹ mình và nỗi mong chờ ấy cứ lớn dần lên trong bốn năm ròng để khi gặp lại mẹ, Nguyên Hồng hạnh phúc vỡ òa. 

Tình mẫu tử có sức mạnh giúp con người vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống

Xuất phát từ lòng biết ơn dành cho người đã sinh ra và nuôi nấng mình và nhiều lần chứng kiến những lần mẹ khổ cực vì cha, trong lòng Nguyên Hồng đã hình thành lòng kính mến rất lớn dành cho mẹ mình. 

Cuốn hồi kí về tuổi thơ của nhà văn Nguyên Hồng
Thật dễ dàng để bắt gặp tình mẫu tử đầy cảm động trong Những ngày thơ ấu

Nhờ vậy mà cho dù bà cô độc ác có buông lời sỉ nhục, chửi mắng mẹ ông cay nghiệt bao nhiêu thì  Nguyên Hồng cũng không bao giờ lay động, ngược lại ông còn dành tình yêu thương mẹ mình rất nhiều.

“Vì tôi biết rõ, nhắc đến mẹ tôi, cô tôi chỉ có ý gieo rắc vào đầu óc tôi những hoài nghi để tôi khinh miệt và ruồng rẫy mẹ tôi, một người đàn bà đã bị cái tội là góa chồng, nợ nần cùng túng quá, phải bỏ con cái đi tha hương cầu thực. Nhưng đời nào tình thương yêu và lòng kính mến mẹ tôi lại bị những rắp tâm tanh bẩn xâm phạm đến…” 

Nguyên Hồng luôn xem mẹ là chỗ dựa tinh thần mà cố gắng sống ở nhà nội, nỗi nhớ nhung trong lòng ngày càng lớn để rồi khi gặp lại, ông chỉ biết nhào vào lòng mẹ mà âu yếm thật nhiều. 

“Tôi ngồi trên đệm xe, đùi áp đùi mẹ tôi, đầu ngả vào cánh tay mẹ tôi, tôi thấy những cảm giác ấm áp đã bao lâu mất đi bỗng lại mơn man khắp da thịt. Hơi quần áo mẹ tôi và những hơi thở ở khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra lúc đó thơm tho lạ thường. Phải bé lại và lăn vào lòng một người mẹ, áp mặt vào bầu sữa nóng của người miệng, để bàn tay người mẹ vuốt ve từ trên trán xuống cằm, và gãi rôm ở sống lưng cho, mới thấy người mẹ có một êm dịu vô cùng.”

– Trích Những ngày thơ ấu 

Nếu như không có một tình yêu cao cả dành cho mẹ thì chắc chắn rằng Nguyên Hồng sẽ tin lời của bà cô mà căm ghét mẹ mình. Chính nhờ lòng yêu thương và kính mến đã giúp ông vượt qua tất cả mọi khổ cực ở nhà nội. Tình mẫu tử rất thiêng liêng và cao cả. 

Khi bi kịch gia đình nối tiếp bi kịch xã hội

Những ngày tiếp theo của Nguyên Hồng cũng phải sống cực khổ vô cùng, ở nhà nội, ông phải chịu thiếu ăn thiếu mặc như cũ.

Đáng buồn hơn là khi đến tuổi cắp sách đến trường đi học, Nguyên Hồng phải nhận lấy đay nghiến và cay nghiệt từ thầy mình. Ông bị hiểu lầm là ăn cắp và bị thầy giáo đánh đập một cách dã man ở trước lớp. 

“Bốp! Chát! Bốp! Chát! Một cái tát trái đập mạnh vào mặt tôi bằng tất cả sức mạnh của con thú dữ đương cuồng lên. Lại một cái tát khác… rồi một cái tát khác… rồi những cái tát khác. Hai bàn tay của thầy giáo vả vào mặt tôi chẳng kỳ mắt mũi, gò má, thái dương.”

Một đứa trẻ vừa cắp sách đến trường lẽ ra phải được yêu thương và bảo vệ. Cho dù có phạm lỗi thì cũng nên nhẹ nhàng nhắc nhở, không được ra tay bạo hành, đó là trách nhiệm của người lớn. Đặc biệt hơn, khi làm thầy thì phải tra cứu rõ ràng câu chuyện rồi mới phán xét, không nên có cái nhìn phiến diện sự việc mà trách oan học trò mình. 

Hồi ký Những ngày thơ ấu
Cuốn sách là sự lựa chọn hàng đầu cho những ai yêu thích nhà văn Nguyên Hồng

Thế nhưng Nguyên Hồng không những chịu cái tát, cái đánh một cách oan ức mà quan trọng là không ai dám đứng ra can ngăn thầy hay bảo vệ ông nên Nguyên Hồng chỉ biết chịu đựng mà thôi.

“Tôi vẫn không kêu khóc vì không hiểu bởi duyên cớ gì mà bị gọi lên đánh. Bị đánh ngay lúc đó tôi không thấy đau đớn, tôi chỉ ngạc nhiên và phẫn uất.”

– Trích Những ngày thơ ấu

Có lẽ, ông rất đau đớn khi mà từ nỗi đau này đến nỗi đau khác cứ lần lượt và liên tiếp chất chồng lên người mình. Ở một độ tuổi như vậy, Nguyên Hồng xứng đáng được vui vẻ cười đùa với bạn bè và chăm chỉ học hành, sống một cách vô lo vô nghĩ.

Nhưng cuộc đời đắng cay với ông làm sao, ngày ngày phải lo đến bữa ăn cái mặc, niềm đam mê cũng bị cắt đứt, thế giới ngày càng tối tăm và không lối thoát khi Nguyên Hồng phải dấn thân vào nhiều con đường khác nhau vì miếng cơm manh áo của mình. 

Bìa tác phẩm Những ngày thơ ấu
Tác phẩm chất chứa rất nhiều cảm xúc đau đớn của nhà văn 

Ông đã kết thúc cuốn hồi ký của mình với cách mở ra nhiều suy nghĩ khác nhau cho độc giả, Nguyên Hồng chọn chạy thoát khỏi thế giới hiện thực của mình như là muốn tránh xa những đau khổ, đắng cay dập vùi lên đứa trẻ tội nghiệp.

Hay đó cũng là một phương trời mới, một nơi có ước mơ và hi vọng tốt đẹp sẽ đến với ông, ở đó sẽ có gia đình hạnh phúc khi mọi người cùng yêu thương nhau, lớp học vui vẻ khi giáo viên thấu hiểu cho học trò và bạn bè cùng chơi đùa với nhau.

“Trống trường lần thứ hai bỗng nổi dậy. Một loạt tiếng rào rào ran lên rồi lịm dần. Một cảm giác lạnh dọi bỗng chạy suốt sống lưng tôi. Như có một bàn tay bằng thép mỏng vuốt từ đầu xuống gáy tôi rồi móc vào xương quai xanh tôi để kéo tôi vào hàng học trò xếp dài ở sân: cái bàn tay của thầy giáo tôi đã giúi tôi vào cái góc tường hình phạt và không bao giờ nhấc cho tôi lên nữa. Tôi vùng đứng dậy, mê man, chạy như biến ra đường…”

Nguyên Hồng sẽ không xa mẹ, không phải cực khổ chịu đựng nhiều cay đắng nữa. Đây là tâm nguyện của ông, cũng chính là ước muốn của bạn đọc. 

Những ngày thơ ấu đã để lại nhiều ý nghĩa vô cùng sâu sắc 

Tác phẩm đã tái hiện chân thật bối cảnh Việt Nam ta thời đó, mặc dù đã chuyển sang giai đoạn hiện đại nhưng cái tư tưởng cổ hủ về người phụ nữ vẫn còn tiếp diễn và mẹ của nhà văn Nguyên Hồng chính là một nạn nhân. 

“Trời! Một sự bêu riếu! Phong tục và lễ nghi cổ hủ đã bắt một người mẹ coi sự sinh nở khi chưa đoạn tang chồng cũ ghê tởm hơn là những tội gian ác xấu xa nhất. Và các thành kiến gông cùm từ ngàn xưa truyền lại đã nâng một đứa con trai chưa đầy mười bốn tuổi lên một địa vị cao trọng để mẹ nó phải khuất phục, cầu khẩn!”

Là một người phụ nữ hiện đại nhưng mẹ ông vẫn bị xiềng xích bởi cách nhìn, cách nghĩ của người đời và đặc biệt là gia đình chồng.

Người phụ nữ ấy đã chịu biết bao cực khổ, phải đi tha hương cầu thực vì từng chén cơm hằng ngày và đi thêm bước nữa để được hạnh phúc cũng như bù đắp cho những cơ cực trong quá khứ nhưng vẫn phải chịu tiếng xấu. 

Bìa tiểu thuyết Những ngày thơ ấu
Những ngày thơ ấu còn chứa những ước mơ của tác giả về một cuộc đời công bằng hơn với mọi người

Không chỉ vậy, Những ngày thơ ấu còn đặc biệt phê phán những người lạm quyền mà hành động bất chấp đúng sai và cảm nhận của người xung quanh mình.

Vì là thầy giáo nên Nguyên Hồng không được kêu la, trách móc mà chỉ biết cắn răng chịu đựng bởi cái lẽ “tôn sư trọng đạo” cho dù thầy làm sai, hiểu lầm và đổ lỗi những việc mà ông không làm để rồi lôi ra đánh đập một cách thậm tệ đầy dã man. 

Bìa cuốn sách
Những ngày thơ ấu là một cuốn sách rất đáng đọc 

Cuốn sách như một thước phim quay chậm về bối cảnh thời đó để người đọc có thể hình dung lại thông qua câu từ hết sức chân thật dưới ngòi bút tài năng của nhà văn Nguyên Hồng.

Chính những ngày tháng cơ cực và cay đắng ấy là bước đệm để ông gặp gỡ nhiều nhân vật kinh điển, góp phần tạo nên thành công của Bỉ vỏ sau này. Những ngày thơ ấu kể lại một quá khứ đau thương của Nguyên Hồng đồng thời để lại nhiều giá trị nhân đạo và những thông điệp vô cùng sâu sắc đối với cuộc sống.

Thúy Trân