Ông già và biển cả là câu chuyện kể về một ngư dân tên Santiago luôn khát khao có thể chinh phục được thiên nhiên và đại dương, đó là một cuộc hành trình dài với những cuộc chiến đầy cam go khốc liệt giữa ông lão và những sinh vật nơi biển sâu.

Tác phẩm còn là một khúc ca đẹp về niềm hăng say lao động cũng như ý chí quyết tâm vượt qua tất cả khó khăn của nhân vật, đồng thời cuốn sách cũng là sự ngợi ca của con người trước vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên.

Ông già và biển cả đã nêu lên một chân lý thấm nhuần tính nhân văn: Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại, chỉ cần có niềm tin và ý chí bền vững thì không có gì là không thể vượt qua.

Đôi nét về tác giả Ernest Miller Hemingway và tác phẩm để đời

Ông là một tiểu thuyết gia người Mỹ và thuộc một phần của cộng đồng người xa xứ ở Paris vào thập niên hai mươi của thế kỷ XX, Hemingway còn là một cựu quân nhân trong Chiến tranh thế giới thứ I.

Chân dung của nhà văn Hemingway Ernest
Chân dung của nhà văn Hemingway Ernest

Ông là một trong những tiểu thuyết gia tiêu biểu của thế kỷ XX với lối viết đặc trưng phổ theo nguyên lý Tảng băng trôi, hầu hết những nhân vật trong các tác phẩm của Hemingway đều được xây dựng theo Chủ nghĩa khắc kỷ, tức luôn chấp nhận và vượt qua nghịch cảnh.

Văn chương của ông luôn chứa đựng một giá trị nhân văn sâu sắc cùng những bài học cảm hóa được lòng người, nhiều tiểu thuyết và truyện ngắn của Hemingway hiện nay đã trở thành những tác phẩm kinh điển của nền văn học Mỹ.

Với cuốn tiểu thuyết Ông già và biển cả, Hemingway đã nhận được giải Pulitzer vào năm 1953 và giải Nobel văn học vào năm 1954, tác phẩm đã đánh dấu sự thành công rực rỡ của nhà văn tài hoa trên con đường văn học của mình.

Bìa của cuốn tiểu thuyết Ông già và biển cả
Bìa của cuốn tiểu thuyết Ông già và biển cả

Ông già và biển cả được Hemingway viết vào năm 1951 tại Cuba và đã xuất bản một năm sau đó. Ngay sau khi ra mắt, tác phẩm liền tạo được tiếng vang lớn trong văn đàn trên thế giới lúc bấy giờ và trở thành một cuốn tiểu thuyết kinh điển mọi thời đại.

Ông già và biển cả đã thể hiện rõ nét lối đi riêng biệt của Hemingway trong sự nghiệp viết tiểu thuyết của mình, ngòi bút của ông luôn đi theo nguyên lý Tảng băng trôi, chính phong cách viết này đã tạo nên một chất giọng văn chương đặc biệt không thể trộn lẫn của nhà văn.

Đồng thời tác phẩm cũng đã xây dựng thành công rực rỡ hình tượng nhân vật theo Chủ nghĩa khắc kỷ mà nhà văn vẫn luôn hướng đến, nó đã nêu lên khát vọng của con người và đề cao ý chí quyết tâm đạt được những mơ ước ấy.

Ông già và biển cả cùng khúc ca đẹp về sức mạnh ý chí của con người

Tác phẩm là câu chuyện kể về chuyến hành trình chinh phục biển cả của người ngư dân lớn tuổi, Ông già và biển cả mở đầu bằng một không khí chán chường và buồn bã khi ông lão đã lênh đênh trên biển lớn gần ba tháng có lẽ nhưng vẫn chưa bắt được một con cá nào:

”Lão đã già, một mình một thuyền câu cá trên dòng nhiệt lưu, đã tám mươi tư ngày qua lão không bắt được lấy một mống cá nào.”

Mở đầu của câu chuyện phần nào khiến người đọc cảm thấy bi quan và mệt mỏi trước trước sự vô định của con thuyền nhưng nhân vật trong tác phẩm lại có suy nghĩ hoàn toàn khác. Từ những chi tiết nhỏ nhất của tác phẩm cũng đủ để toát lên sự kiên định của ông lão.

“Mọi thứ trên người lão đều toát lên vẻ già nua, trừ đôi mắt.”

Đôi mắt của ông vẫn sáng rực lên giữa những mệt mỏi, đó là một sự kiên định không vì sức già mà nản lòng cũng không vì khó khăn mà lùi bước. Mong muốn của lão là chinh phục được đại dương sâu thẳm, chút chờ đợi này cũng không đáng là bao.

Tiểu thuyết Ông già và biển cả cùng những triết lý thấm nhuần tính nhân văn
Tiểu thuyết Ông già và biển cả cùng những triết lý thấm nhuần tính nhân văn

Cuối cùng Santiago đã gặp được đối thủ lớn mạnh của đời mình, một sinh vật nơi lòng biển bao la luôn chực chờ để vồ lấy và kéo ông xuống đáy biển sâu, đó là một con cá kiếm khổng lồ với hàm răng bén nhọn. Chiến đấu kịch liệt suốt ba ngày ba đêm, cuối cùng lão ngư dân đã thu được cá về lưới mình.

Trong suốt khoảng thời gian ấy có những lúc sức lực của Santiago như cạn kiệt vì sự dai dẳng của loài sinh vật nơi đại dương, vai thì đau nhức và người lão đã thấm mệt. Santiago dường như chỉ muốn nằm xuống thuyền rồi ngủ một giấc nhưng khát vọng cùng ý chí bên trong đã không cho phép ông làm thế:

”Ta có thể chịu đựng mà không cần ngủ, lão tự nhủ. Nhưng như thế thì thật là quá nguy hiểm. Lão bắt đầu dò dẫm bò về phía đuôi thuyền, thận trọng không làm giật sợi dây. “Có lẽ nó cũng đang lơ mơ ngủ”, lão nghĩ. Nhưng mình không muốn nó được nghỉ ngơi. Nó phải kéo cho đến khi chết.”

Chính sức mạnh của ý chí và niềm tin vào bản thân ấy đã khiến lão vượt qua mọi thử thách nơi biển cả nghìn trùng hiểm nguy. Tuy muốn chinh phục đại dương và luôn đối đầu với những loài sinh vật nơi biển sâu song không có nghĩa là Santiago không yêu biển, với lão:

”Biển như một người phụ nữ, như cái gì đó có thể ban phát hay chối giữ ân huệ.”

Santiago vẫn luôn cảm nhận được vẻ đẹp của đại dương và thiên nhiên, kể cả vẻ đẹp của đối thủ của mình là con cá kiếm, mặc dù phải chiến đấu với nó suốt mấy ngày liền nhưng không vì thế mà lão phủ nhận đi những điều đẹp đẽ mà loài cá mang trên mình:

“Khi ấy, con cá mang cái chết trong mình, sực tỉnh, phóng vút lên khỏi mặt nước phô hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực. Nó dường như treo lơ lửng trong không trung, phía trên ông lão và chiếc thuyền. Thoáng chốc, nó rơi sầm xuống làm nước bắn tung, trùm lên cả ông lão lẫn con thuyền.”

Con cá kiếm ấy sở hữu vẻ đẹp của đại dương, một nét đẹp cao ngạo đến lúc chết vẫn toát lên sức mạnh của bản thân.

Ông già và biển cả trở thành một tuyệt tác nhờ nguyên lý Tảng băng trôi
Ông già và biển cả trở thành một tuyệt tác nhờ nguyên lý Tảng băng trôi

Những tưởng con đường chinh phục biển cả của Santiago đến đây đã kết thúc nhưng không ai biết được phía sau vẫn còn hiểm nguy chờ đợi lão. Bầy cá mập đánh hơi được mùi máu của cá kiếm đã tìm đến bên chiếc thuyền của Santiago.

Liệu vừa sau một trận chiến nảy lửa, ông lão đánh cá có còn đủ sức lực để chống chọi qua lần khó khăn này hay sẽ bỏ mạng nơi biển khơi?

Ông già và biển cả cùng những chân lý thấm nhuần tính nhân văn

Tuy không phải là một cuốn tiểu thuyết dài với nhiều nhân vật cùng những tình tiết kịch tính cao trào song tác phẩm vẫn để lại trong lòng người đọc nhiều dư vị khó quên.

Trích dẫn của tiểu thuyết Ông già và biển cả
Trích dẫn của tiểu thuyết Ông già và biển cả

Ông già và biển cả khiến độc giả sau khi khép lại cuốn sách vẫn chưa thoát ra được những thông điệp sâu sắc được gửi gắm trong tác phẩm.

Ngay từ nhan đề, cuốn tiểu thuyết đã nêu lên một quan điểm sâu sắc bằng phép so sánh giữa ông già và biển cả một cách độc đáo. Có lẽ tác giả muốn để người đọc biết được sức mạnh của con người vượt qua mọi khuôn khổ, đứng ngang bằng và làm chủ cả thiên nhiên.

Bằng nguyên lý Tảng băng trôi, Hemingway không phô bày mọi chân lý trong những trang văn của mình, ngược lại ông muốn độc giả tự mình trải qua từng tình tiết và ngẫm nghĩ mỗi câu chữ để tìm ra được bài học sâu sắc cho bản thân mình.

Những cuộc chiến nảy lửa giữa con người và đại dương
Những cuộc chiến nảy lửa giữa con người và đại dương

Có nhiều người đến lần đọc thứ ba mới hiểu trọn hết những triết lý đáng giá được gửi gắm trong Ông già và biển cả.

Hình ảnh con cá kiếm chính là khát vọng nồng cháy và ước mơ hoài bão mà con người luôn muốn hướng đến. Tuy nhiên đường đi để đến được với điều mình mong muốn không phải lúc nào cũng dễ dàng mà phải trải qua nhiều khó khăn trắc trở nhưng con người lại luôn dễ bỏ cuộc trước những gian nan.

Vậy nên nhân vật lão Santiago chính là một hồi chuông cảnh tỉnh vang vọng đến những kẻ vẫn đang ngủ mê trong bản tính nhu nhược của mình, khiến họ thức tỉnh khỏi cơn mộng quái ác và sống một cuộc đời thật đáng giá.

”Con người không sinh ra để dành cho thất bại. Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại.” – Trích dẫn của tiểu thuyết Ông già và biển cả.

Không chỉ dừng lại ở đấy, trong chi tiết cuối truyện khi Santigo đã đánh được lũ cá mập và trở về thì đã thấy xác con cá kiếm bị rỉa hết thịt chỉ còn lại bộ xương, hình ảnh bầy cá mập ở đây tượng trưng cho những con người hay ghen ghét và đố kỵ với thành công của người khác.

Ông già và biển cả là tiểu thuyết văn học kinh điển mọi thời đại
Ông già và biển cả là tiểu thuyết văn học kinh điển mọi thời đại

Xuyên suốt cuốn tiểu thuyết ngắn là những triết lý nhân sinh vô cùng sâu sắc và cảm động. Bằng giọng văn lôi cuốn và sinh động, tác giả đã dẫn dắt người đọc đi vào một hành trình kiếm tìm lối sống đúng đắn qua những phần nổi của tảng băng trôi.

Ông già và biển cả là một áng văn chương bất hủ thấm nhuần những chân lý nhân văn sâu sắc, tác phẩm đã làm đúng với thiên chức của văn chương là luôn vươn tới và níu giữ mãi mãi tính người cho con người.

Sau tất cả, Ông già và biển cả vẫn luôn là một cuốn tiểu thuyết đáng để chúng ta đọc và suy ngẫm, để biết đâu được trên đường đời truân chuyên gian khó ngoài kia, ta có thể trở thành một lão Santiago thứ hai.

Diệu Uyển