Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất xuất bản năm 2009, là cuốn tiểu thuyết đầu tay của Jonas Jonasson. Đây không chỉ là tác phẩm thành công nhất của nhà văn mà còn tạo nên một cơn sốt trong nền văn học thế giới lúc bấy giờ.
Đôi nét về Jonas Jonasson và tác phẩm Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất
Pär-Ola Jonas Jonasson sinh năm 1961, là một nhà văn đồng thời cũng là nhà báo người Thụy Điển. Ông là chủ của một công ty truyền thông nổi tiếng nhưng đã phải bán công ty vào năm 2003 sau khi mắc phải chứng bệnh trầm cảm và làm việc quá sức.
Pär-Ola Jonas Jonasson chuyển đến một hòn đảo ở Nam Thụy Điển vào năm 2005 và tại đây ông hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất.
Cuốn sách kể về cuộc tẩu thoát qua cửa sổ viện dưỡng lão của ông Allan Karlsson tại lần sinh nhật thứ một trăm của mình.
Xuyên suốt tác phẩm là cuộc chạy trốn của Allan cùng những người bạn khỏi sự truy lùng của cảnh sát, bên cạnh đó tác giả đã đan xen những câu chuyện quá khứ của Allan để tạo nên một cuộc phiêu lưu trăm năm đời người.
Mặc dù bản thảo bị từ chối rất nhiều lần nhưng khi được xuất bản nó đã trở thành một cú nổ bất ngờ khi bán được hơn tám triệu bản cũng như được dịch ra 35 thứ tiếng khác nhau. Vào năm 2013, cuốn sách được chuyển thể thành phim với cùng tựa đề.
Hành trình ngoạn mục trong Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất
Ông Allan Karlsson đã bước sang tuổi một trăm và chỉ còn một tiếng nữa bữa tiệc sinh nhật của ông tại Nhà Già thị trấn sẽ diễn ra nhưng đột nhiên một suy nghĩ quái đản nảy ra trong đầu khiến ông quyết định bỏ trốn.
“Thế là, cụ quay đầu nhìn lại Nhà Già, nơi mà chỉ vài phút trước, cụ đã nghĩ rằng nó sẽ là chỗ cư trú cuối cùng của mình trên trái đất. Rồi cụ tự nhủ mình có thể chết vào dịp khác, ở một nơi nào khác.”
– Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất
Ông mang theo thân hình già nua cùng đầu gối ọp ẹp của mình đến trạm xe buýt của thị trấn, ở đây ông đã trộm chiếc vali của cậu thanh niên thô lỗ mặc chiếc áo Never Again khi cậu ta nhờ ông trông hộ.
Cả bạn đọc và chính nhân vật Allan đều không hiểu tại sao ông lại ăn trộm chiếc vali đó, Allan đưa ra một loạt lí do và cuối cùng chỉ ngồi thư giãn cho rằng mình được làm vậy bởi mình đã sống qua cái tuổi tạo hóa quy định.
Trong cuộc chạy trốn của mình cùng chiếc vali năm mươi triệu crown, Allan đã gặp được những người bạn đồng hành, Julius một tên trộm vặt, Benny chủ quầy bánh mì kẹp và Gunilla chủ nhân một trang trại.
Tác giả đã rất tài tình khi dành đất diễn cho cả tuyến nhân vật phụ, để mỗi người đều hiện lên với một nét tính cách riêng biệt rồi tạo thành một nhóm bạn có một không hai.
Trong suốt cuộc hành trình của mình, cụ Allan khiến độc giả ngạc nhiên khi một nhóm cảnh sát cùng với tổ chức xã hội đen lại không thể truy lùng được một cụ già đã một trăm tuổi, thậm chí qua ngòi bút của nhà văn cụ Allan còn hiện lên rất minh mẫn và quyết đoán.
“Đúng lúc đó bộ não trăm tuổi của Allan đã nảy ra một ý. Đó là một ý tưởng điên rồ, quả thật thế, và có một nguy cơ rõ ràng là cụ sẽ bị bắn giữa chừng, tất nhiên trừ khi rốt cuộc, cụ thực sự là bất tử. Vì vậy, cụ hít một hơi thật sâu và hạ quyết tâm. Với một nụ cười ngây thơ trên môi, cụ bắt đầu đi thẳng về phía kẻ gây rối với khẩu súng lục. Và cụ nói bằng giọng run rẩy nhất của mình:
– Anh có khẩu súng đẹp gớm nhỉ. Có phải là súng thật không? Cho lão xem một cái?
Benny, Julius và Người Đẹp đều nghĩ cụ đã mất trí.
– Dừng lại, Allan! – Benny thét lên.
– Phải, dừng lại, lão già khốn khiếp, nếu không tao bắn đấy. – Thùng Gỗ nói.
Nhưng cụ Allan vẫn loạng choạng đi về phía hắn. Thùng Gỗ lùi một bước, giương thẳng khẩu súng lục một cách đầy đe dọa về phía cụ Allan, và rồi hắn đã… Trong lúc căng thẳng, hắn lùi thêm một bước nữa.”
– Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất
Khi dòng hồi tưởng về quá khứ của Allan được dội về thì nút thắt đã được tháo gỡ về sự điềm tĩnh, liều lĩnh và táo bạo của Allan trong hiện tại. Cả cuộc đời Allan luôn gắn với những cuộc phiêu lưu và quả thực hành trình ở tuổi một trăm này với cụ chẳng hề hấn gì.
Quá khứ oanh liệt của Allan ban đầu gắn liền với những bệnh viện tâm thần và nhà giam, sau đó là những cuộc phiêu lưu vòng quanh thế giới từ châu Âu, châu Mỹ và tới cả châu Á.
Cụ còn là một tay chế tạo bom khét tiếng khi từng làm ở nhà máy chế tạo bom, cố vấn viên rồi đến một chuyên gia chế tạo bom nguyên tử.
Quá khứ và hiện tại đan xen trong những trang văn của Jonas Jonasson nhưng không hề khó hiểu mà nó mang đến một cái nhìn sâu sắc hơn về một cụ già nghe có vẻ gàn dở. Từng trang văn về cuộc đời cụ Allan đều là một chuyến đi li kì và hấp dẫn bạn đọc.
Dòng chảy lịch sử trong Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất
Một trong những điểm hấp dẫn của cuốn tiểu thuyết là Jonas Jonasson đã dùng sự hiểu biết của mình để tạo nên lịch sử, dẫu các sự kiện là hư cấu nhưng đều dựa trên nhưng mốc lịch sử có thật.
Tác giả đã gói gọn hai cuộc chiến tranh thế giới trong câu chuyện về cuộc đời của ông già trăm tuổi.
Độc giả phải nhiều lần bật cười với những tình tiết trong tác phẩm khi tác giả đặt một nhân vật nhỏ bé bên cạnh những nhân vật lịch sử nổi tiếng và tầm cỡ.
Allan đã trở thành ân nhân của Mao Trạch Đông khi cứu ông ra khỏi quả bom do chính cụ đặt, nhận được lời đề nghị chế tạo bom nguyên tử của vợ ông Tưởng Giới Thạch và cả những cuộc gặp mặt với thủ tướng Anh Winstion Churchill, Kim Jong II hay Joseph Stalin.
Với giọng văn dí dỏm tác giả đã vẽ ra một lịch sử không hề khô khan mà vô cùng hấp dẫn, hai cuộc chiến tranh khốc liệt nhất của nhân loại được họa lại thật nhẹ nhàng qua cuộc đời của cụ Allan.
Jonas Jonasson cũng mượn những con chữ để nói lên thực trạng xã hội lúc bấy giờ với những công tố viên ham thành tích, quan chức suy thoái đạo đức và báo chí lá cải đăng tin sai sự thật.
Bên cạnh đó, tác giả cũng đề cập đến nạn phân biệt chủng tộc, sự bất bình đẳng đối với người da đen, vấn đề mà đến bây giờ vẫn còn nhức nhối.
“Việc triệt sản không làm Allan bận tâm lắm. Bù lại, anh được đón tiếp tử tế tại phòng khám của giáo sư Lundborg. Thỉnh thoảng anh trả lời các câu hỏi thập cẩm, chẳng hạn anh có nhu cầu gì khi cho nổ tung người và vật thành muôn mảnh và liệu anh có biết mình có tí máu da đen nào trong người không. Allan đã trả lời rằng anh thấy có sự khác biệt nhất định giữa người và vật khi tính đến niềm vui lúc châm ngòi thuốc nổ.”
– Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất
Ngay từ đầu nhà văn đã khẳng định Allan là một người không theo tôn giáo và không thích chính trị bởi vậy cái nhìn về lịch sử được đưa tới bạn đọc một cách khách quan và chân thực.
Những bài học quý giá từ cuộc hành trình trăm năm
Cuộc đời cụ Allan bủa vây trong những biến cố, thế nhưng chưa một lần cụ than phiền về cuộc đời mình mà luôn điềm tĩnh và lạc quan, vì thế chẳng khó hiểu khi cụ sống sót qua hai cuộc thế chiến.
Một thông điệp rõ nét xuyên suốt tác phẩm mà tác giả muốn gửi gắm đó là chuyện gì đến sẽ đến, hãy luôn sống hết mình.
“Tuy nhiên, cái cuối cùng làm hình thành triết lý sống của Allan lại chính là những gì mẹ cậu đã nói khi họ nhận được tin cha mất. Tất nhiên, cũng phải mất một thời gian trước khi điều này thấm vào tâm hồn người trai trẻ, nhưng một khi ở đó thì nó sẽ tồn tại mãi mãi:
– Bây giờ nó là như thế, nhưng cái gì phải đến sẽ đến.”
– Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất
Khoảnh khắc mà cụ Allan trèo qua cửa sổ để bắt đầu cuộc phiêu lưu ở tuổi một trăm chính là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả bạn đọc, đặc biệt là người trẻ.
Chẳng bao giờ quá muộn để bắt đầu một cuộc hành trình, hãy cứ đi để khám phá thế giới ngoài kia cũng như khám phá về chính bản thân mình.
Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất mang cốt truyện mới lạ cùng với giọng văn hài hước, Jonas Jonasson lôi cuốn người đọc vào từng trang văn của mình để cùng bật cười rồi ngay lập tức lắng lại để suy ngẫm về cuộc đời.
Đây là cuốn sách dành cho bất cứ ai đang xoay xở tìm niềm vui hay động lực để bứt phá trong cuộc sống.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất