Tiểu thuyết kinh điển từ lâu đã trở thành chỗ dựa tinh thần không thể thiếu trong lòng những người đam mê đọc sách. Người ta yêu thích các quyển tiểu thuyết để qua đó rút ra được những triết lý sâu xa về hiện thực cuộc sống và Thằng gù nhà thờ Đức Bà là một trong số đó.
Nhà thờ Đức Bà Paris hay còn gọi là Thằng gù nhà thờ Đức Bà là một trong những quyển tiểu thuyết nổi bật nhất của nhà văn Victor Hugo. Tác phẩm được ví như tượng đài to lớn của dòng sách tiểu thuyết lãng mạn.
Victor Hugo đại văn hào của kinh đô ánh sáng thế giới
Victor Hugo sinh ngày 26 tháng 2 năm 1802 tại Pháp trong một gia đình có ba anh em. Cuộc đời của ông bao trùm gần như toàn bộ thế kỉ, từ năm 1802 đến 1885 và gắn kết chặt chẽ với những thăng trầm của thời cuộc.
Từ nhỏ, ông đã không được nhận nhiều tình thương từ cha. Sau đó, ông lại phải trải qua một cuộc hôn nhân không mấy hạnh phúc và hứng chịu nỗi đau mất con. Với tâm hồn vốn đã chịu nhiều tổn thương thì tình hình đất nước rối ren lúc bấy giờ lại càng khiến những suy tư về thời đại của nhà văn càng thêm to lớn.
Nỗi phiền muộn, bi thương trong Victor Hugo sớm không còn là những canh cánh trong đời sống riêng mà tự thuở nào đã rộng mở theo chiều sâu biến thành nỗi đau của toàn nhân loại.
“Tôi đã cúi xuống đáy xã hội quan sát và đó là tất cả việc làm của tôi. Tôi muốn tiêu diệt định mệnh tàn ác đè nặng lên nhân loại. Tôi bẻ gãy ách nô lệ. Tôi săn đuổi sự nghèo đói, tôi đẩy lùi sự dốt nát, tôi làm nhẹ bớt bệnh tật. Tôi chiếu sáng cõi tối tăm. Tôi không nhìn thấy sự thù hằn.”
Lòng nhân hậu với trái tim đa cảm của ông rung động trước những kiếp người lao động khốn khổ, trước những cuộc đời bị tước đoạt nhân quyền. Ông nhận thức trách nhiệm của mình đối với xã hội có mối liên hệ chặt chẽ trước những biến động của đất nước.
Ở một giai đoạn lịch sử như thế kỉ XIX khi mà cao trào của Chủ nghĩa lãng mạn lên ngôi, khó mà tìm được nhà văn nào khác ở Pháp dám lên tiếng phản ánh hiện thực xã hội trần trụi như thế. Cũng chính về điểm này đã biến Victor Hugo được ví như một khuôn mặt vĩ đại của thế kỉ, một “cây cổ thụ mênh mông”.
Thằng gù nhà thờ Đức Bà cùng tấn bi kịch về mối tình đầy đau đớn và trái ngang
Tác phẩm Thằng gù nhà thờ Đức Bà ra đời vào năm 1831. Đây là giai đoạn mà sự tài hoa trong sáng tác của Victor Hugo được xem là chạm đến đỉnh cao, ông dùng ngòi bút phục vụ đấu tranh, cổ vũ nhân dân, dùng những con chữ của mình hóa thành thứ vũ khí sắc sảo tố cáo tội ác bất công.
Nguồn cảm hứng để ông tạo nên Thằng gù nhà thờ Đức Bà là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất nước Pháp: nhà thờ Đức Bà. Qua đó ông muốn lưu giữ hình ảnh ngôi nhà thờ cổ kính, sừng sững, uy nghiêm vượt lên trên tất cả biến cố, sống mãi với thời gian.
Thiên tiểu thuyết xuất bản được chia làm mười một quyển. Câu chuyện xoay quanh mối tình đầy bất hạnh, nghiệt ngã giữa Quasimodo và Esméralda. Lấy bối cảnh nước Pháp thời Trung cổ, ông đưa chúng ta đến với một hình ảnh nước Pháp đầy tăm tối với những kẻ lang thang, ăn mày, trộm cắp.
Esméralda là một cô nàng xinh đẹp hành nghề múa rong trước quảng trường của nhà thờ Đức Bà. Cô xuất hiện kéo theo tình yêu của ba người đàn ông, cả ba đều là những mối tình đầy sai trái.
Người đầu tiên đại úy Phoebus, là người mà nàng Esméralda dâng trọn trái tim. Trớ trêu thay anh chàng lại là kẻ trăng hoa, lừa dối, sớm đã có vị hôn thê và chỉ xem nàng như một phương tiện thỏa mãn nhục dục.
Tiếp theo ta kể đến tình yêu đầy cấm kị của phó giám mục Claude Frollo với Esméralda. Từ lâu, ông được xem là biểu tượng của sự khổ hạnh gần như tuyệt đối, là người nhận được nhiều sự tín nhiệm trong nhà thờ.
Thế nhưng, ông không cưỡng lại được sự cám dỗ của Esméralda. Tình yêu mà phó giám mục dành cho nàng là tình yêu đầy tính chiếm hữu, ích kỷ, là thứ tình cảm bệnh hoạn, biến chất mà nơi đó bóng tối đã ngấu nghiến, đè nát sự thánh thiện.
Người cuối cùng cũng là người đặc biệt nhất. Nhân vật chính Quasimodo dưới ngòi bút của Victor Hugo hiện lên với một hình nhân dị dạng, một con quái vật thật sự với vẻ ngoài không một ai dám đến gần, là chàng trai tật nguyền, méo mó, thảm hại, bị xã hội khinh thường.
Tưởng như mọi cảm xúc đã trơ lì nhưng những giọt nước mắt thương cảm cùng sự tốt bụng của Esméralda tựa như một luồng sáng ấm áp xuyên thủng trái tim quanh năm u tối của chàng gù.
Sự tử tế ấy đánh thức tình cảm ngủ yên trong tâm hồn của Quasimodo khiến cậu bất chấp tất cả để bảo vệ người con gái mình tôn thờ. Tình yêu của chàng gù là tình yêu trong câm lặng và tuyệt vọng, cậu ý thức được vẻ ngoài của mình nên chỉ âm thầm từ xa dành cho cô những điều tốt đẹp nhất trong thế giới nhỏ bé của cậu.
Những tình tiết đầy éo le đan xen vào nhau trong câu chuyện, ranh giới giữa yêu thương và thù hận chỉ là sợi chỉ nhỏ mỏng manh. Bi kịch diễn ra khi tình cảm của phó giám ngục Claude Frollo trở nên mất kiểm soát, khi không có được trái tim của Esméralda ông sẵn sàng hủy hoại cô để cũng không một ai có được.
Cao trào nút thắt được đẩy lên đỉnh điểm khi chính Quasimodo quyết định giết chết người đã cưu mang mình thuở nhỏ – phó giám mục, để giải thoát cho người mình yêu. Đó là cảnh tượng chứa rất nhiều ý nghĩa.
Hành động ấy thể hiện sự vùng lên vì tình yêu, sự phản kháng chối bỏ hoàn toàn cái lốt quỷ, là đỉnh điểm của tấn bi kịch làm người và đòi được quyền làm người.
Tình yêu của Quasimodo dành cho Esméralda mãnh liệt bao nhiêu thì tình yêu của nàng dành cho đại úy Phoebus tha thiết bấy nhiêu, nàng cố chấp dâng trọn tình cảm đến nỗi phải đánh đổi bằng cả tính mạng.
Quasimodo sau đó quay trở về căn hầm nơi Esméralda chết rồi tự tử. Sau này người ta phát hiện trong căn hầm có hai bộ xương ôm chặt lấy nhau, họ định tách ra thì phần xương có hình hài không bình thường tan thành tro bụi.
Thằng gù nhà thờ Đức Bà kết thúc cũng là khi mọi mâu thuẫn, bi kịch được giải thoát bằng những cái chết đau đớn, để lại những nỗi oán hờn, những nỗi buồn xác xơ lòng người.
Hơn cả một tình yêu đầy dằn vặt, day dứt Thằng gù nhà thờ Đức Bà còn là bức tranh chân thực phản ánh những góc khuất u tối lúc bấy giờ
Thời đại mà Victor Hugo được sinh ra chứa quá nhiều biến động, bức tranh chân thực ông vẽ ra đều dựa trên những mặt trái trong xã hội ấy. Một xã hội nơi mà vô vàn nghịch lý được giấu dưới lớp vẻ ngoài hào nhoáng.
Nghịch lý rằng những người đáng lẽ ra được hưởng hạnh phúc lại phải kết thúc trong bi thương; những người không xứng đáng lại sống an nhàn, vui vẻ. Hình ảnh tương phản giữa số phận của đại úy Phoebus và chàng trai Quasimodo đã thể hiện rõ rệt điều đó.
Một chàng trai với trái tim nhân hậu dưới lớp vỏ xù xì, vừa chịu đựng thuở thơ ấu bất hạnh vừa không thể chạm đến tình yêu, cuối cùng lại tự kết thúc cuộc đời của chính mình. Thế mà, một gã trăng hoa dưới vẻ bề ngoài đạo mạo lại chiếm trọn tình yêu chân thành của Esméralda.
Hay phải nhắc đến hình tượng nhân vật phó giám mục Claude Frollo, một người uyên thông, sống trong u uẩn hà khắc lại bị nàng Esméralda chinh phục để rồi dần mất đi bản chất ban đầu, trở thành một con quỷ đội lốt tu hành. Victor Hugo đã kín đáo gửi đến cho các đức giáo hoàng, các linh mục trong nhà thờ kia một nụ cười đầy mỉa mai, châm biếm.
Hình ảnh tráng lệ, sừng sững của ngôi nhà thờ cổ cùng thủ pháp tương phản đặc trưng của Victor Hugo
Xuyên suốt tác phẩm, nhà thờ Đức Bà được xem là khung cảnh trọng tâm nhất nơi chứng kiến gần như toàn bộ những cao trào bi kịch xảy ra. Những miêu tả tỉ mỉ đầy ấn tượng được khắc họa rõ nét dưới ngòi bút của Victor Hugo.
Từng chi tiết từ bức tượng con thú trang trí bên ngoài gờ mái đến đường lên gác chuông tối om và nguy hiểm, mọi ngóc ngách đều được đại văn hào khám phá và thuật lại một cách sống động, làm cho công trình kiến trúc kì vĩ ấy như hiện lên trước mắt người đọc.
Trong các tác phẩm tiểu thuyết của mình, Victor Hugo thường sử dụng nghệ thuật tương phản như là một đặc trưng, ở đây cũng không ngoại lệ. Sự tương phản nhằm làm nổi bật sự cao cả cùng nhân phẩm tuyệt vời bị che lấp, ẩn náu trong bản thân những con người bị xã hội bất công tước đoạt nhân quyền làm cho họ tha hóa, trở nên xấu xí thô kệch…
Đại văn hào vô cùng uyên bác, tài tình trong việc sử dụng ngôn từ, chất liệu văn học dân gian và chủ nghĩa lãng mạn cùng những tình huống bi – hài đan chéo nhau tạo nên sức hút độc đáo đến không ngờ.
Sức ảnh hưởng sâu sắc của áng văn tiêu biểu cho một thời đại
Dẫu cho đã hơn một thế kỉ trôi qua nhưng sức hút của thiên tiểu thuyết vẫn không hề suy giảm. Đến nay đã có hơn mười bộ phim lẻ chuyển thể từ thiên tiểu thuyết, bốn bộ phim truyền hình cùng nhiều vở kịch, sân khấu, âm nhạc thậm chí là những vở ba lê.
Tiêu biểu phải kể đến là bộ phim chuyển thể của hãng hoạt hình Walt Disney công chiếu năm 1996. Điểm khác biệt khiến công chúng hạnh phúc hơn chính là kết thúc bộ phim với cái kết có hậu dành cho hai nhân vật chính.
Sau cùng phải nói rằng Thằng gù nhà thờ Đức Bà là một kiệt tác văn chương, chứa đựng tư tưởng đầy tính nhân văn của một con người vĩ đại. Giá trị của thiên truyện từ lâu đã vượt xa khỏi thời đại nó được sinh ra trở nên bất hủ đối với nhân loại.
Đây là tác phẩm đáng để thưởng thức, để suy ngẫm với thông điệp là dù cho hoàn cảnh có tăm tối thế nào thì cũng không thể ngăn cản được cái đẹp hiện hữu, vươn lên, mặc cho sau cùng có phải tuyệt diệt đi nữa. Bức tranh về một nước Pháp thời Trung cổ u tối cùng những bài học ý nghĩa sâu xa mà Victor Hugo gửi gắm chắc chắn sẽ không khiến chúng ta hối hận.
Thanh Thảo
Thanh Thảo
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất