Thời niên thiếu không thể quay lại ấy là tác phẩm gắn với tên tuổi của Đồng Hoa, nội dung cuốn sách xoay quanh La Kỳ Kỳ và hành trình lớn lên của cô một cách chân thật đã vẽ nên một bức tranh thanh xuân hoàn mỹ với nhiều cảm xúc khó quên.
Được bình chọn là tác phẩm đáng đọc nhất của ngôn tình Trung Quốc, Thời niên thiếu không thể quay lại ấy đã gửi đến bạn đọc nhiều thông điệp ý nghĩa trong cuộc sống.
Vài nét về nữ văn sĩ Đồng Hoa và tác phẩm Thời niên thiếu không thể quay lại ấy
Đồng Hoa là cây bút được yêu thích nhất cộng đồng ngôn tình Trung Quốc, cô sinh vào tháng 10 năm 1980 và tốt nghiệp Đại học tại Bắc Kinh. Công việc hiện tại của nữ văn sĩ thuộc chuyên ngành Tài chính và bản thân cô cũng đang học Thạc sĩ Kinh tế tại Philadelphia.
Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng một nhà văn cần nhiều năm rèn giũa để có thể cầm bút và bắt buộc phải tôi luyện từ trẻ, phải đến năm 26 tuổi thì Đồng Hoa mới bắt đầu sáng tác, cô còn có một bút danh khác là Trương Tiểu Tam.
Đã có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của Đồng Hoa được xuất bản như Từng thề ước, Bộ bộ kinh tâm, Bí mật bị thời gian vùi lấp, Đại mạc dao và Vân Trung Ca. Khi được hỏi về cô, một độc giả đã nhận xét rằng:
“Văn của Đồng Hoa được xưng là ‘hành văn bình thản nhập bút trục tầng xâm nhập trạc nhân đau lòng’, không phải loại hoa lệ sáo rỗng, mà trong cái ‘mỹ’ có chút chân chất bình dị, từng bước quen thuộc, thấm vào hồn người.”
Đồng Hoa được bình chọn là Nhiên tình thiên hậu của ngôn tình Trung Quốc vì ngòi bút của cô vô cùng bình dị nhưng lại nhẹ nhàng đi sâu vào trái tim bạn đọc và tạo một ấn tượng khó phai mờ.
Nhờ vậy mà cô được biết đến nhiều hơn bởi bạn đọc trong và ngoài nước với các tác phẩm gửi gắm nhiều ý nghĩa trong cuộc sống, một trong số đó phải kể đến Thời niên thiếu không thể quay lại ấy.
Kể từ khi được xuất bản đầu tiên vào năm 2006 đến nay, cuốn sách này vẫn luôn nằm trong danh sách những tác phẩm được đọc nhiều nhất Trung Quốc.
Trong một bài phỏng vấn trên Báo Văn Nghệ Trung Quốc, Đồng Hoa chia sẻ:
“Tôi viết Thời niên thiếu không thể quay lại ấy sau khi đọc một bài viết về cách giáo dục trẻ con, trong đó có một câu để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi, đại ý là: Cho đứa trẻ không gian, để nó tự mình lựa chọn mới là thứ mà nó thật sự thích, nó ngã, nó biết đau, mới biết sau này phải cẩn thận, nó gặp khó khăn, thì mới biết rút kinh nghiệm. Trẻ con bao giờ cũng lĩnh hội nhanh hơn người lớn. Quan điểm của tôi là: Nếu đứa trẻ phản nghịch rồi, thì đừng tạo thêm áp lực cho nó nữa, sẽ khiến mọi chuyện càng lúc càng đi xa hơn thôi. Thỉnh thoảng, cứ để mặc nó, cho nó không gian và thời gian, tự mình suy nghĩ về những việc mình làm.”
Ban đầu, Đồng Hoa đặt cho tác phẩm cái tên Điệu Van-xơ của tuổi thanh xuân nhưng do kiến nghị của độc giả nói rằng nó không phù hợp và chưa thể hiện những ý nghĩa mà nhà văn muốn nói đến nên cô đã đổi lại thành Thời niên thiếu không thể quay lại ấy.
Nỗi buồn khi bỏ lỡ mối tình đầu và chia xa người thân thiết
Mở đầu Thời niên thiếu không thể quay lại ấy là trận động đất ở Tứ Xuyên, sau đó La Kỳ Kỳ quay về thăm gia đình và một vài người bạn, cảnh vật tại đây khiến cô dần nhớ lại quãng thời gian thanh xuân đã qua của mình.
Suốt thời niên thiếu ấy, La Kỳ Kỳ quen biết được nhiều người và họ mang lại cho cô những ký ức đáng nhớ để rồi khi xa nhau là luyến tiếc không nỡ.
Trương Tuấn là bạn học của La Kỳ Kỳ từ cấp một đến phổ thông, duyên phận của họ bắt đầu từ khi anh nắm tay cô chạy dưới trời mưa, ở khoảnh khắc đó trong lòng La Kỳ Kỳ có một rung cảm khó nói thành lời, tình cảm ấy cứ lớn dần lên khi anh cùng cô ôn thi học sinh giỏi Toán cấp thành phố.
Tuy nhiên những năm cấp hai, khoảng cách về môi trường và sự tự ti của La Kỳ Kỳ đã khiến họ trở nên xa cách.
Phải đến lớp mười một, Trương Tuấn mới chính thức hẹn hò với cô, họ có một khoảng thời gian hạnh phúc với nhau nhưng vì ghen tuông mà dẫn đến chia tay dẫu cho trong lòng vẫn không thể xóa nhòa bóng hình của đối phương.
“Mình chỉ còn biết hát lại bài hát cũ, trong làn nước mắt, nhớ lại cái thời cậu từng yêu mình chân thành và ngốc nghếch như thế, mỉm cười một mình.”
Thời niên thiếu không thể quay lại ấy đã tái hiện một tình yêu ngây thơ mà đẹp đẽ của La Kỳ Kỳ và Trương Tuấn, giúp bạn đọc như được sống lại những ngày tháng trước đây của mình khi yêu một ai đó.
Nỗi buồn thời niên thiếu của La Kỳ Kỳ không chỉ bỏ lỡ mối tình đầu mà còn chia xa người anh thân thiết nhất là Hứa Tiểu Ba.
La Kỳ Kỳ là một cô gái cá tính nên trong một lần tranh chấp với giáo viên, cô bỏ ra ngoài và vô tình gặp Hứa Tiểu Ba tại một quán điện tử.
Anh là người rất thông minh, có quyết tâm học hành tử tế, tuy ăn chơi nhưng vẫn biết giữ mình nên phù hợp với La Kỳ Kỳ. Họ trở nên thân thiết vì anh hiểu chuyện, có trách nhiệm và đem lại cảm giác an toàn cho người bên cạnh.
Hứa Tiểu Ba và cô như anh trai và em gái, giữa họ chung lý tưởng là đại học nên ôn tập cùng nhau và trải qua nhiều kỷ niệm đẹp. Tình cảm ấy đã khiến anh luôn ra sức bảo vệ La Kỳ Kỳ dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào và cưng chiều cô như một đứa trẻ.
Thế nhưng niềm vui chẳng kéo dài được bao lâu, vì tai nạn xảy ra với bạn bè nên Hứa Tiểu Ba nói lời cắt đứt với La Kỳ Kỳ, anh rời xa cô đồng thời bỏ đi nguyện vọng thi đại học của mình. Tương lai của Hứa Tiểu Ba sau này là mưu sinh, còn La Kỳ Kỳ mang theo niềm tin của anh rằng trở thành một người tài giỏi và có ích.
“Kỳ Kỳ, chúng ta cắt đứt đi!”
Khoảnh khắc Hứa Tiểu Ba bảo cô vẽ lên cơ thể mình một hình xăm chẳng thể xoá bỏ chỉ để nói rằng số phận của mình từ nay về sau không thể thay đổi, Thời niên thiếu không thể quay lại ấy đã lấy đi nhiều nước mắt của độc giả ở chi tiết này.
Thời niên thiếu không thể quay lại ấy còn là bức tranh đẹp về tình bạn tuổi học trò
Tác phẩm không chỉ tái hiện tình yêu thuở học trò mà ở đó còn có những câu chuyện đẹp về tình bạn.
La Kỳ Kỳ và Cát Hiểu Phỉ đều là những đứa trẻ có tuổi thơ bất hạnh và không được yêu thương, chính vì vậy mà có thể thấu hiểu và trở thành đôi bạn thân.
Cát Hiểu Phỉ là một cô gái vô cùng xinh đẹp, giỏi giang nhưng vì sai lầm yêu một người không có tình cảm với mình nên chán nản rồi dần dần sa vào con đường hư hỏng.
Sau này cô phải trả một cái giá rất đắt, qua một khoảng thời gian suy sụp thì Cát Hiểu Phỉ đã vực dậy mạnh mẽ dưới sự an ủi của La Kỳ Kỳ, cô quyết định rời khỏi bố mẹ để đến một phương trời mới với lời hứa chắc nịch trước người bạn thân của mình:
“Cho dù có như thế nào đi chăng nữa thì tớ cũng sẽ kiên cường sống tiếp.”
Ngoài Cát Hiểu Phỉ, một trong những người bạn có ảnh hưởng lớn đến thời niên thiếu của La Kỳ Kỳ là Quan Hà, cô luôn khiến người khác ghen tỵ và ngưỡng mộ vì không chỉ xinh đẹp, học giỏi mà còn bởi cách hành xử khiến những người xung quanh yêu quý.
Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài hoàn hảo ấy là một hoàn cảnh bất hạnh, chính nó đã khiến cô trưởng thành và giỏi giang như vậy. Gặp Quan Hà, La Kỳ Kỳ biết tự ti rồi nỗ lực, sau này cả hai trở thành bạn bè và giữa họ có nhiều kỷ niệm đẹp như khi cùng nhau làm báo tường hay chuẩn bị văn nghệ cho lớp.
Dù là thoáng qua nhưng nhờ có Quan Hà mà La Kỳ Kỳ ra sức nỗ lực để hoàn thiện mình hơn. Trương Tuấn, Hứa Tiểu Ba, Cát Hiểu Phỉ, Quan Hà, Lâm Lam, Lý Sân và một số người bạn khác đều là những hồi ức đẹp mà La Kỳ Kỳ nhớ mãi dù đã chia xa.
Mỗi người từng gặp gỡ và quen biết trong thanh xuân của cô đều là những kỷ niệm đẹp, họ đã góp phần làm cho bức tranh thời niên thiếu ấy trở nên hoàn mỹ.
Thời niên thiếu không thể quay lại ấy là hành trình trưởng thành trong giông bão
La Kỳ Kỳ đã kể lại hành trình trưởng thành của mình bằng nhiều sự việc vô cùng rõ ràng và dòng cảm xúc chân thật ấy đã chạm đến trái tim độc giả, để từ đó họ có thể bắt gặp hình ảnh thời niên thiếu của mình lần nữa.
Cô lớn lên dưới vòng tay yêu thương của ông ngoại, tuổi thơ cứ thế mà trôi qua trong hạnh phúc. Thế nhưng đến khi lên lớp một, La Kỳ Kỳ được mẹ đón về nhà và sống cùng một cô em gái khác được cưng nựng hơn mình, do vậy mà cô cảm thấy chán ghét và khép kín hơn.
Quãng đời tiểu học của La Kỳ Kỳ là những ký ức đau khổ khi bị giáo viên mắng chửi một cách tàn nhẫn để rồi cô mặc cảm và dần trở thành học sinh cá biệt.
“Đứa trẻ như em tôi không có cách nào dạy! Tôi sẽ gọi điện thoại cho bố mẹ em!”
Vì còn nhỏ nên La Kỳ Kỳ đã khắc sâu những hành động độc ác ấy để rồi ôm nỗi hận rất lớn trong lòng, cô từng tổn thương và lên tiếng thanh minh nhưng không ai nghe nên dần dần vô cảm trước những tiếng cười, lời nói của bạn bè.
Sau này cô Triệu gặp vấn đề về sức khỏe nên ngừng dạy và cô giáo Cao lên thay thế, đem sự nhiệt huyết và yêu thương của mình để gần gũi học sinh, bao gồm cả La Kỳ Kỳ.
“Tôi giống như cây hoa hướng dương sinh trưởng ở nơi âm u, đã khao khát ánh sáng mặt trời một thời gian rất dài rồi, đang lúc tôi nghĩ thế giới này chỉ toàn là bóng tối, tất cả những người lớn trong mắt tôi đều là những người không đúng, bất công, không người lớn nào có thể mang đến cho tôi chút ấm áp, thì cô giáo Cao lại xuất hiện, cô dùng ánh mắt tin tưởng, chờ mong nhìn tôi, mà tôi lại chần chờ, chần chờ không muốn nhận sự tin tưởng và thân mật của cô.”
Nhờ lòng bao dung trước những hành vi sai phạm cùng sự kiên nhẫn lúc sửa bài của cô giáo Cao đã giúp La Kỳ Kỳ tiến bộ và bứt phá thành Á quân của kì thi học sinh giỏi Toán ở Thành phố.
Gặp gỡ thần đồng Trần Kính là một trong những bước ngoặt lớn nhất cuộc đời cô, nhờ tinh thần kiên định không khuất phục trước người bạn tài giỏi, La Kỳ Kỳ đồng ý nhiều lời thách thức của cậu và nhờ đó mà cô được tiếp cận với nhiều tác phẩm văn học xuất sắc, mở rộng kiến thức của mình.
Một thời gian sau thì Trần Kính nhảy lớp, ngoài giây phút chia ly thì hai người bạn còn cùng nhau hứa hẹn tương lai, điều đó đã khắc sâu trong lòng La Kỳ Kỳ và nó là nguồn động lực để cô cố gắng không ngừng nghỉ.
“Tớ đợi cậu ở Đại học Thanh Hoa.”
Chính vì vậy mà cô chăm chỉ học Tiếng Anh dù là ngày nắng hay mưa, ấm áp hay lạnh lẽo cũng không chùn bước.
“Trên đời này, người khác có thể ruồng bỏ hứa hẹn với mình, chẳng lẽ ngay cả mình cũng muốn ruồng bỏ bản thân sao? Tôi ngồi dậy, mở sách tiếng Anh ra, buộc đầu óc mình phải rũ bỏ tất cả suy nghĩ, bắt đầu làm bài tập ngữ pháp, làm xong bài tập, lại học thuộc mười từ vựng, mới lên giường ngủ.”
Nhờ tố chất thông minh cùng sự cố gắng bền bỉ, cô đỗ vào trường trọng điểm ở tỉnh và đứng đầu khối trong nhiều năm liên tiếp. Thành công hơn là đỗ trạng nguyên kỳ thi Cao khảo, trở thành sinh viên Đại học Thanh Hoa đầy danh giá và được du học Thạc sĩ ở Mỹ, tương lai vô cùng xán lạn.
“Trong truyền thuyết, nếu cá chép muốn hóa rồng, thì phải rút đi toàn bộ vẩy cá trên người mình, chặt đứt vây cá, mới có thể hóa thành rồng; trong truyền thuyết, con chim phải tự đốt cháy mình, trải qua cơn đau thiêu đốt của ngọn lửa, mới có thể hóa thành phượng hoàng. Chẳng lẽ thanh xuân tất yếu phải trải qua ngu muội đau khổ, mới có thể đạt được sự khôn ngoan trưởng thành?”
Vượt qua nhiều chướng ngại tâm lý và luôn kiên cường đối mặt với khó khăn, La Kỳ Kỳ đã đạt được thành công xứng đáng với những nỗ lực của mình.
Sau này cô và Trần Kính gặp nhau ở Đại học Thanh Hoa danh giá với một vị thế khác, họ đều là những sinh viên với tương lai tươi sáng. Trải qua một hành trình nỗ lực, cuối cùng thì hôm ấy La Kỳ Kỳ đã thấm thía câu nói của người bạn thần đồng:
“Đừng bao giờ từ bỏ! Nếu từ bỏ được một lần, thì cậu sẽ quen với việc gặp khó khăn là nản, nhưng nếu cậu vược qua được cậu sẻ quen với việc luôn bước qua sông gió để tiếng về phía trước. Nhìn thì tưởng đây là lựa chọn đơn giản nhất, thực ra ảnh hưởng vô cùng lớn sẽ khiến cuộc đời cậu hoàn toàn rẽ sang một hướng khác.”
Hành trình trưởng thành của La Kỳ Kỳ là sự thay đổi từ học sinh nhút nhát và cá biệt bứt phá thành trạng nguyên xuất sắc.
Thành công hiện tại của La Kỳ Kỳ đều nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ và lòng kiên trì chẳng ngại khó khăn, nỗ lực bền bỉ ấy giúp cô nhận được những thành quả xứng đáng và truyền cảm hứng cho bạn đọc cùng tuổi.
Những thông điệp giàu ý nghĩa và sâu sắc đã làm nên giá trị cho tác phẩm
Thời niên thiếu không thể quay lại ấy được bạn đọc Trung Quốc đáng giá cao vì đó là tuổi trẻ của mỗi người và cuốn sách truyền tải nhiều thông điệp ý nghĩa, giúp độc giả nhìn thấy nhiều điều trong cuộc sống.
“Tính cách của mỗi người có thể được hình thành từ khi mới chào đời, cho đến khi khôn lớn bên gia đình. Thế giới này, chỉ có những gia đình bất lương, chứ không có trẻ con bất lương.”
Tác phẩm truyền tải thông điệp rằng sự ảnh hưởng của gia đình đối với trẻ em là vô cùng lớn, bố mẹ ra sao thì con cái sẽ như vậy cho nên phải giáo dục thật tốt thay vì trách móc trước những hành động sai trái của đứa trẻ.
Hoàn thiện một con người không chỉ là tại gia đình mà còn là ở trường lớp, Thời niên thiếu không thể quay lại ấy xây dựng hai hình ảnh giáo viên đối lập nhau để từ đó nói lên tầm quan trọng và trách nhiệm của nghề giáo.
“Bởi vì ý thức được tầm quan trọng của giáo viên trong cuộc đời học sinh, truyền thống văn hóa Trung Quốc vẫn luôn nhấn mạnh đạo đức tôn sư trọng đạo, tôn kính giáo viên ở Trung Quốc từ lâu đã bay lên thành tiêu chuẩn đạo đức, nhưng người ta lại quên, vì giáo viên có tầm quan trọng vô cùng lớn trong cuộc đời của học sinh, nên thực ra giáo viên cũng cần tôn trọng học sinh của mình.
Có thể tôn trọng một sinh mệnh, thì mới có thể dẫn đường chính xác cho sinh mệnh đó.”
Thông qua tác phẩm, Đồng Hoa đã truyền tải đến một quan niệm sống đúng đắn rằng con người phải biết hy vọng cho dù hoàn cảnh có khó khăn và nghiệt ngã đến đâu. Quan niệm đó cũng cho thấy tầm nhìn và tư tưởng đầy sâu rộng và tiến bộ của nhà văn.
“Ánh sáng thắp sáng cuộc sống không phải cảnh sắc ngày mai, mà là hy vọng tốt đẹp.
Chúng ta có niềm tin hy vọng tốt đẹp, dũng cảm bước đi, vấp ngã lại bò lên, thất bại sẽ thấy nỗ lực, vĩnh viễn tin tưởng ngày mai sẽ tốt hơn, vĩnh viễn tin tưởng dù bản thân mình có bình thường, đều đã có được hạnh phúc thuộc về mình, đó mới là phong cảnh tươi sáng nhất trong cuộc đời bình thường.”
Đồng Hoa quan tâm đến sự giáo dục của gia đình và nhà trường, cô cũng truyền năng lượng lạc quan cho tất cả mọi người. Đặc biệt, đối với những người đang độ tuổi niên thiếu nhà văn còn gửi gắm thông điệp đầy ý nghĩa rằng hãy trân trọng những người trước mắt để sau này không phải hối hận.
“Trái tim của những người trẻ tuổi có sự dịu dàng và tàn khốc trần trụi, chúng ta dễ dàng bị người khác làm tổn thương và cũng dễ dàng làm tổn thương người khác. Thời gian trôi đi, chúng ta sẽ lãng quên rất nhiều người, nhưng những người từng làm tổn thương chúng ta và những người tựng bị chúng ta làm tổn thương đó, sẽ mãi mãi khắc sâu, rõ nét trong tuổi thanh xuân có hối hận của chúng ta.
Nếu bạn đang đọc tác phẩm này và bạn còn trẻ, xin hãy nhớ đối xử với những người bạn gặp thật dịu dàng, không phải vì sự cảm kích của anh hoặc cô ấy đối với bạn, mà là để sau này, khi bất chợt nhìn lại, bạn sẽ thấy trong tuổi thanh xuân của mình hối hận ít đi một chút.”
Thời niên thiếu không thể quay lại ấy là khoảng trời đẹp đẽ với muôn vàn cảm xúc để độc giả được sống lại lần nữa tuổi thanh xuân đáng nhớ của mình.
Tác phẩm đã vượt ra khỏi khuôn khổ ngôn tình để bứt phá thành cuốn sách giáo dục và đem đến cái nhìn tích cực hơn về cuộc sống.
Đó là chuyến khứ hồi đẹp đẽ để ai cũng có thể sống lại những ngày tháng sôi nổi của mình
Thời niên thiếu không thể quay lại ấy không chỉ phù hợp cho những ai đã lớn và từng trải qua những cảm xúc như La Kỳ Kỳ mà còn là sự lựa chọn đầy thích hợp cho tuổi niên thiếu.
Cuốn sách như một lời nhắc nhở đầy thân thương rằng hãy trân trọng hiện tại của mình vì thời niên thiếu không thể trở lại lần hai trong đời.
Thúy Trân
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất