Đồng Hoa là tác giả vô cùng nổi tiếng với độc giả của ngôn tình Trung Quốc, một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của cô là Bộ bộ kinh tâm.
Với sự đầu tư kỹ lưỡng cùng tài năng viết lách thiên bẩm, Đồng Hoa đã mở ra bạn đọc chuyến trải nghiệm đầy mới mẻ về cuộc sống cung đình bên cạnh cuộc đời bi thương của các nhân vật lịch sử.
Vài nét về nữ văn sĩ Đồng Hoa
Đồng Hoa là một trong những cây bút được yêu thích nhất cộng đồng ngôn tình Trung Quốc, cô sinh vào tháng 10 năm 1980 và tốt nghiệp Đại học tại Bắc Kinh.
Công việc hiện tại của nữ văn sĩ thuộc chuyên ngành Tài chính đồng thời bản thân cô bản thân cô cũng đang học Thạc sĩ Kinh tế tại Philadelphia.
Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng một nhà văn cần nhiều năm rèn giũa để có thể cầm bút và bắt buộc phải tôi luyện từ trẻ, phải đến năm hai mươi sáu tuổi thì Đồng Hoa mới bắt đầu sáng tác, cô còn có bút danh khác là Trương Tiểu Tam.
Đã có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của Đồng Hoa được xuất bản như Thời niên thiếu không thể quay lại ấy, Đại mạc dao, Bí mật bị thời gian vùi lấp, Từng thề ước và Vân Trung Ca. Khi được hỏi về cô, một độc giả đã nhận xét rằng:
“Văn của Đồng Hoa được xưng là ‘hành văn bình thản nhập bút trục tầng xâm nhập trạc nhân đau lòng’, không phải loại hoa lệ sáo rỗng, mà trong cái ‘mĩ’ có chút chân chất bình dị, từng bước quen thuộc, thấm vào hồn người.”
Đồng Hoa được bình chọn là Nhiên tình thiên hậu của ngôn tình Trung Quốc vì văn phong của cô tuy rằng vô cùng bình dị nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong trái tim độc giả, nhờ vậy mà tác giả còn nổi tiếng ở nhiều nước khác với các tác phẩm giàu ý nghĩa.
Bộ bộ kinh tâm là chuyến xuyên không về triều đại cuối cùng của Trung Quốc
Cuốn sách gồm một trăm hai mươi sáu chương và được xuất bản lần đầu tiên vào năm 2006, ngay sau khi ra mắt đã nhanh chóng nhận được tình cảm của nhiều độc giả yêu thích truyện ngôn tình cổ trang.
Bộ bộ kinh tâm mở đầu với một nhân viên văn phòng tên Trương Tiểu Văn sống ở thời hiện đại nhưng sau một tai nạn bất ngờ thì cô đã xuyên thời gian và trở về ba trăm năm trước, chính xác là năm Khang Hy thứ bốn mươi ba.
Trương Tiểu Văn tỉnh giấc trong Bát bối lặc phủ tại thành phố Bắc Kinh thời phong kiến, nó hoàn toàn khác xa với thủ đô hiện đại.
Với một thân phận mới, cô cứ thế mà trở thành Mã Nhĩ Thái Nhược Hy, toàn bộ suy nghĩ thuộc về phụ nữ hiện đại phải ký gửi trong cơ thể của một nữ nhân Mãn Châu thời quá khứ.
“Đang dịp giữa hè, cảnh sắc chẳng còn mơn mởn như dạo đầu xuân. Dạo ấy, cây lá biết rằng những ngày đẹp đẽ mới bắt đầu nên cùng khoe sắc tươi rạng rỡ, còn cây lá hiện thời thì cứ âm trầm, hẳn vì biết mình đã tới độ huy hoàng nhất, những ngày tháng sau chỉ có nước lụi tàn dần đi mà thôi. Tâm trạng của Trương Tiểu Văn cũng vậy. Cô đã ở thời xưa đến ngày thứ mười mà vẫn cảm thấy mọi sự như cơn mộng, tưởng đâu hễ tỉnh lại thì mình vẫn là nữ nhân viên văn phòng độc thân hai mươi lăm tuổi với một chồng báo cáo tài chính đang ngóng chờ, chứ không phải cô bé người Mãn chưa đầy mười bốn đang sống ở năm thứ bốn mươi ba Khang Hy.”
– Bộ bộ kinh tâm
Cô dần nhận ra rằng cuộc sống ở đây không giống như trên phim ảnh và nó cũng chẳng khô khan như những kiến thức lịch sử về triều Thanh mà Nhược Hy đã được học, cô từ từ bước vào một cuộc sống quyền quý nhưng chất đầy bi kịch.
Nhược Hy sống cùng với đại gia đình đế vương nhà Ái Tân Giác La, mặc dù những mối tình không được trọn vẹn nhưng cô vẫn may mắn khi có thể kết giao với nhiều bằng hữu tốt.
Người đầu tiên cô gặp gỡ và kết bạn là Thập a ca Dận Ngã, một nam nhân ngây thơ ngốc nghếch, tâm tư đơn thuần của vị hoàng tử này hoàn toàn khác xa với các huynh đệ mưu trí của mình.
Sau một khoảng thời gian vui chơi cùng nhau, Thập a ca đơn phương yêu Nhược Hy nhưng tiếc rằng Khang Hy đã chỉ hôn cho hắn là Minh Ngọc cách cách, Dận Ngã chỉ biết đau khổ chấp chận.
“- Nhược Hy, cô mến Thập ca lắm à?
Nhược Hy đưa tay bắt một chiếc lá vàng vừa bay qua mắt:
– Phải, tôi rất mến Thập a ca. Anh ta phóng khoáng, sôi nổi, biết làm tôi vui, và quan trọng nhất là đối xử với tôi rất tử tế. – Cô hất mạnh chiếc lá trong tay rồi hơi ngửa đầu, nhìn nó chấp chới như múa – Nhưng tôi không mến theo kiểu thiên hạ tưởng tượng. Đối với tôi, Thập a ca chỉ là bạn mà thôi.”
Bi kịch tình yêu của Nhược Hy bắt đầu từ khi cô và Bát a ca nảy sinh tình cảm với nhau, họ đã có những kỷ niệm đẹp đẽ nơi thảo nguyên mênh mông rộng lớn. Họ đã có những lời thề hẹn sẽ luôn đồng hành cùng đối phương, không bao giờ buông tay tình yêu của mình.
Bởi tỷ tỷ của cô là trắc phúc tấn trong phủ Bối lặc của Doãn Tự nên Nhược Hy nghĩ rằng khi mình và Bát a ca đến với nhau thì có thể bên cạnh Nhược Lan nhiều hơn, chính vì vậy mà cô ngày càng khẩn trương với hôn sự của bản thân.
“Chàng đi trước, nàng theo sau. Vào tới lán, Bát a ca bảo Lý Phúc ra canh cửa.
Còn hai người đứng đối diện nhau, chàng vươn tay cuốn Nhược Hy vào lòng. Nàng tựa vào ngực chàng, đầu ngả nơi vai chàng, nghe mùi thuốc đắp của chàng phảng phất. Lại tần ngần một lúc, nàng chầm chậm luồn cả hai tay qua hông chàng. Bát a ca căng người lên, càng ghì chặt nàng hơn.
Hai người yên lặng ôm nhau hồi lâu, rồi Bát a ca thì thầm bên tai nàng:
– Đợi tháng Chín về kinh, ta sẽ xin Hoàng a mã tứ hôn.
Nhược Hy áp đầu vào vai Bát a ca, không nói năng gì, chỉ siết mạnh vòng tay quanh mình chàng.”
– Bộ bộ kinh tâm
Một trong những ký ức đẹp đẽ nhất của cuộc đời Nhược Hy chính là khoảng thời gian ở bên Bát a ca bởi khi ấy cô cảm thấy mình được yêu và bản thân có thể sống hết mình, dòng kỷ niệm hạnh phúc chốn thảo nguyên sẽ mãi mãi in sâu trong lòng cô.
“Thời gian qua, chúng ta đã rất vui, sau này chúng ta cũng có thể vui vẻ như thế. Mùa xuân ra ngoại thành ngắm hoa, mùa hạ ra hồ nước bơi thuyền, mùa thu ra đồng hoang phi ngựa, mùa đông ở bên lò sưởi thưởng tuyết họa mai. Chúng ta có thể đọc sách, làm thơ. Em có thể hát cho anh nghe, cả nhảy múa nữa, chuyến này chưa có dịp múa cho anh xem, nhưng nhất định anh sẽ thích dáng múa của em.
Em luôn mong mỏi được du ngoạn phong cảnh hai bờ nam bắc Trường Giang, chúng ta có thể chơi ở mạn nam mây khói, cũng có thể tìm lên cương bắc mênh mang. Em còn nấu được rất nhiều món ăn, tuy mấy năm rồi chưa mài giũa tay nghề, nhưng chắc vẫn ngon, thậm chí biết nhiều món mà nhìn khắp Đại Thanh cũng không ai ngoài em nấu được. Em còn có thể…”
Sau cùng thì tình cảm của họ vẫn không có được kết quả như ý bởi Nhược Hy là người đến từ thế giới hiện đại, cô biết trước rằng Bát a ca không chỉ không giành được ngai vàng mà còn mang tiếng xấu muôn đời.
Chính vì vậy mà Nhược Hy ra sức khuyên ngăn nhưng Dận Tự vẫn quyết định chọn con đường đế vương, do vậy mà tình yêu của họ đã kết thúc.
Từ đó cô đã khép cửa trái tim mình lại, đến tuổi xuất giá thì quyết định làm cung nữ ngự tiền để hầu hạ Khang Hy Đế, nhờ thế mà Nhược Hy có thể quên đi nỗi đau trong lòng và bắt đầu có thêm nhiều bằng hữu cũng như là học thêm vô số thứ mới mẻ.
Ở đây, cô thực sự thấm thía nỗi đau của hoàng thất khi tận mắt chứng kiến những sóng gió trong cung, các vị a ca của Khang Hy Đế bước vào cuộc chiến tranh giành ngai vàng đầy khốc liệt.
Cửu vương đoạt đích và những màn tranh đấu đẫm máu chốn cung đình
Lịch sử gần ba trăm năm thống trị Trung Hoa của triều đại Mãn Thanh ghi lại nhiều dấu mốc đáng nói, một trong những sự kiện vang danh thiên cổ đó là việc cửu vương đoạt đích.
Nó xảy ra vào thời của Khang Hy Đế, ông có tổng cộng là hai mươi tư người con trai nhưng trong đó đã có chín vị hoàng tử tham gia tranh giành ngôi báu.
Chín vị a ca đó là Đại a ca Dận Thì, Nhị a ca Dận Nhưng, Tam a ca Dận Chỉ, Tứ a ca Dận Chân, Bát a ca Dận Tự, Cửu a ca Dận Đường, Thập a ca Dận Ngã, Thập tam a ca Dận Tường và Thập tứ a ca Dận Đề.
Lật lại trang sử về Thanh triều, các sử gia ghi chép rằng mọi việc bắt đầu từ năm 1675 khi Khang Hy Đế lập Nhị a ca làm Hoàng thái tử dẫu đó chỉ là đứa trẻ một tuổi, khi lớn lên thì trở nên kiêu căng và kết bè phái trong triều khiến vua cha vô cùng bất mãn.
Hai mươi sáu năm sau, Khang Hy Đế giết Thái phó của Thái tử làm cho mâu thuẫn giữa hai cha con bị đẩy lên cao và năm 1708 tại Mộc Lan Vi Trường thì Dận Nhưng bị phế truất hoàn toàn, kết quả của sự kiện đó đã khiến cho phần đông các vị a ca còn lại đều dòm ngó chiếc ghế Hoàng đế.
Đại a ca Dận Thì biết rõ rằng mình không được hoàng a mã yêu thích nên sớm vô vọng chiếc ghế trữ quân nên khuyên cha rằng hãy lập Bát a ca Dận Tự làm hoàng tử, chính vì vậy mà Khang Hy Đế dần dần đề phòng đứa con trai thứ tám của mình.
“Tinh tế ngẫm lại, có lẽ là vì Khang Hy sớm đã sinh lòng kiêng kỵ với hắn rồi, thái tử kết bè đảng đã làm Khang Hy cực kỳ chán ghét, mà hắn lại kết giao với hầu hết các triều thần quan trọng cho nên dù thế nào rơi vào trong mắt Khang Hy vẫn là có ác tâm. Hắn tiến Khang Hy mắng hắn có suy nghĩ không an phận, hắn lui Khang Hy mắng hắn dò xét quân tâm, trừ phi hắn có thể học Tứ a ca hoàn toàn thay đổi cách hành sự, xa lánh các triều thần thì mới có khả năng thay đổi thái độ của Khang Hy đối với hắn, nhưng nhiều năm tâm huyết như vậy hắn sao có thể buông tay đây? Hơn nữa mỗi người một tính cách, muốn hắn học Tứ a ca ‘tâm như chỉ thuỷ’ cũng không có khả năng, nếu có thể thì hắn đã không phải là ‘bát hiền vương’ luôn chiêu hiền đãi sĩ.”
– Bộ bộ kinh tâm
Bi kịch bắt đầu từ khi Tam a ca Dận Chỉ vạch trần sự việc Đại a ca có ý đồ sát hại vị thái tử bị phế truất là Dận Nhưng, chính vì vậy mà Dận Thì và Dận Tự bị Khang Hy Đế ra lệnh giam giữ nhưng sau này chỉ có Bát a ca được thả ra.
Vào năm 1709, Nhị ca a ca Dận Nhưng được khôi phục lại ngôi vị Hoàng thái tử nhưng ít lâu sau thì bị cáo buộc rằng kết bè kết phái với các vị quan lớn trong triều, bởi vậy mà chưa đến một năm sau thì Khang Hy Đế lại hạ chỉ phế truất Hoàng thái tử lần nữa.
Từ đó về sau, Dận Nhưng bị giam cầm đến cuối đời, Tam a ca Dận Chỉ nhìn thấy cục diện rối loạn nên dần rút khỏi cuộc cạnh tranh.
Tình thế khi ấy vô cùng có lợi cho Bát a ca khi ông có được sự ủng hộ từ Thập tứ a ca, Cửu a ca và Thập a ca, hình thành nên Bát gia đảng đối đầu với Tứ gia đảng gồm Dận Chân và Thập tam a ca Dận Tường.
Năm 1722, Khang Hy Đế vì bạo bệnh mà băng hà, cận thần của ông là Long Khoa Đa tuyên bố thánh chỉ rằng Tứ a ca Dận Chân được lập làm Hoàng đế, cuối cùng thì màn tranh đấu Cửu vương đoạt đích kết thúc với sự chiến thắng thuộc về Tứ gia đảng của Ung Thân vương Dận Chân.
“Năm Khang Hy sáu mươi mốt, ngày mười ba, giờ Tuất,tại thư phòng Thanh Khê Sướng Xuân Viên, Khang Hy băng hà. Hưởng dương sáu mươi chín tuổi.
Tất cả người trong phòng ngơ ngác quỳ gối, luôn kịp thời đưa ra chủ ý như Lý Đức Toàn cũng mang một vẻ mặt ngỡ ngàng, Long Khoa Đa khóc nói với Lý Đức Toàn:
– Hoàng thượng vừa mới nói với thần xong, muốn đưa chiếu thư truyền ngôi cho Tứ hoàng tử lại đột nhiên ngất đi.
Nói xong khóc không thành tiếng.”
Đăng cơ xong xuôi, ông quyết định lấy niên hiệu là Ung Chính, chính vì tận mắt chứng kiến thảm kịch của huynh đệ khi tranh giành ngai vàng nên Dận Chân sau này đã tiến hành bí mật chọn trữ quân và không công khai lập Hoàng thái tử.
Người kế thừa đại thống sẽ là cái tên được ghi lại chiếu thư đặt phía sau tấm biển Chính Đại Quang Minh của Càn Thành cung, khi Hoàng đế băng hà mới mở ra và tuyên bố người kế vị.
Việc này được duy trì xuyên suốt từ khi Ung Chính cai trị đến hết triều đại Mãn Thanh bởi hoàng thất không muốn lặp lại sự kiện cửu vương đoạt đích đẫm máu thời Khang Hy Đế.
Theo lịch sử ghi chép, Dận Chân là vị vua có nhiều chủ trương đổi mới đất nước vô cùng tiến bộ và ông chính là người mở ra cho triều Thanh một kỷ nguyên Khang – Càn thịnh thế, những chính sách của Ung Chính Đế là bài học quý giá về cách trị quốc an dân cho vua Càn Long sau này.
Khi đến với Bộ bộ kinh tâm, Đồng Hoa đã tái hiện lại Dận Chân vô cùng tài năng như trong lịch sử nhưng nỗi cô độc của ông thì không ai đề cập đến.
Với trí tưởng tượng phong phú của mình, tác giả đã khắc họa một bóng lưng kiêu hãnh đứng trên ngôi cao nhưng trong lòng lại chất đầy buồn thương, vụn vỡ.
“Đời người như một giấc mộng, vật đổi sao dời, đúng đúng sai sai, ân ân oán oán, chẳng qua chỉ lặng lẽ như mặt trời mặt trăng, như dòng nước trôi đi cuốn theo mọi vết tích, cái khó là ở chỗ người ta không chịu từ bỏ chút si niệm của lòng.”
– Bộ bộ kinh tâm
Nỗi day dứt lớn nhất cuộc đời của ông chính là Thập tam a ca vì mình mà hy sinh tất cả, bởi thế mà sau này Ung Chính Đế luôn cố gắng bù đắp cho người huynh đệ này những gì tốt đẹp nhất.
Đối với Nhược Hy, ông đã trao trọn vẹn tình yêu của mình nhưng thời cuộc ngang trái đã khiến họ không thể ở bên nhau.
“Ta nhất định sẽ cứu thập tam ra, ta nhất định sẽ lấy muội về.”
Mối tình của Tứ a ca Dận Chân và Mã Nhĩ Thái Nhược Hy đã khiến độc giả rơi rất nhiều nước mắt, vì cả hai tuy đã trải qua nhiều sóng gió nhưng đến cuối cùng thì vẫn không thể nắm tay nhau đến cuối đời.
Có những cuộc tình bi thương bị lịch sử che khuất trong Bộ bộ kinh tâm
Nếu tình yêu của Nhược Hy và Bát a ca là nhẹ nhàng sâu đậm thì cô đối với Tứ a ca là tình cảm mãnh liệt, khắc ghi từng chút trong lòng.
Vì là người đến từ thời hiện đại, Nhược Hy sớm biết rằng Dận Chân là Ung Chính tương lai nên cô đã chọn Tứ a ca làm chỗ dựa cho mình và tình cảm của cô đã dần nảy sinh với vị hoàng tử này.
Không chỉ có Nhược Hy mang tình ý mà Dận Chân cũng sớm rung động nên sau khi đăng cơ, ông đối xử rất tốt với cô, khoảng thời gian hiếm hoi được bên nhau và những khó khăn mà họ cùng trải qua sẽ là những ký ức đẹp đẽ nhất trong lòng cả hai.
Bởi vì yêu, Nhược Hy đã cố gắng viết nét chữ giống Dận Chân để bày tỏ tình cảm và nỗi tương tư của mình. Không chỉ vậy mà cô còn sẵn sàng từ bỏ vinh quang của cung nữ ngự tiền để cầu xin cho Tứ gia đảng, ngay cả việc chịu khổ ở Hoán Y Cục thì Nhược Hy cũng bằng lòng.
Dận Chân từ Tứ a ca đa mưu túc trí đến Ung Chính Đế tàn nhẫn giết chết những người từng hãm hại mình, vậy mà đối với Nhược Hy là dịu dàng săn sóc và trao toàn bộ tình yêu của bản thân.
“Nếu muội lo lắng mai sau có tranh chấp hậu cung, thì ta dám đảm bảo với muội, ta tuyệt đối không cho phép xảy ra những chuyện như vậy. Dù có người muốn đối phó với muội, ta cũng sẽ giải quyết sạch sẽ trước khi muội kịp nhận ra.”
– Bộ bộ kinh tâm
Sau khi lên nắm quyền thì Dận Chân vốn nghĩ rằng có thể đồng hành cùng Nhược Hy đến bạc đầu nhưng sự hãm hại của người khác đã khiến cô sảy thai, họ đã phải chịu một cú đả kích và mất mát vô cùng lớn.
Những mưu tính hậu cung cùng sóng gió vương triều đã khiến cả hai vô cùng mệt mỏi khi bảo vệ tình yêu của mình, Dận Chân và Nhược Hy vẫn nắm chặt tay nhau nhưng khi di chiếu gả cô cho Thập tứ a ca được công bố nên họ hoàn toàn chia cắt, ai nấy cũng đau đớn vô cùng.
“Không cần có những nụ hôn dài bất tận, không cần phải nắm tay nhau đi trong mưa gió, cũng chẳng cần hứa hẹn bền lâu trăm năm bạc đầu…Thiên đường đó, là nơi ta đã yêu chàng.”
Nhiều năm cực nhọc ở Hoán Y Cục đã khiến sức khỏe của cô yếu đi rất nhiều, cộng thêm lần sảy thai trước đó nên Nhược Hy phát bệnh nặng, những ngày tháng cuối đời của cô đã được mãn nguyện khi được rời khỏi Tử Cấm Thành nhưng lại mang nỗi nhớ thương dai dẳng.
Cô dành khoảng thời gian cuối cùng để bầu bạn với Thập tứ a ca và không ngừng bày tỏ ý muốn được gặp Dận Chân lần cuối, thế nhưng nguyện vọng ấy không được hoàn thành từ lúc Nhược Hy lâm chung cho đến khi rời khỏi nhân gian.
Đó là nỗi ân hận tột cùng của Ung Chính khi những đổ vỡ trước đây đã khiến họ có khoảng cách, sự ra đi của Nhược Hy chính là một vết dao dài đầy thống khổ trong trái tim của ông.
Cô để lại cho Dận Chân một bức thư, nội dung là nỗi nhớ nhung vô tận:
“Tứ ca,
Đời người như một giấc mộng, thế sự vô lường. Sai sai đúng đúng, ân ân oán oán, cũng chỉ là những ngày tháng lặng lẽ như nước chảy không để lại vết tích. Khó ở chỗ không chịu bỏ đi chút si niệm mà thôi!
Ngày mà người đạm nhiên nói ra một chữ ‘muốn’, cũng là ngày người nắm được chìa khoá để mở cửa trái tim muội; khi huynh ấy vứt bỏ cây dù cùng hứng chịu đau đớn dưới mưa với muội, muội đã hoàn toàn mở cánh cửa lòng ra; khi huynh ấy che chở muội, dùng tấm lưng của mình chắn mũi tên, thì cả đời này muội đã không thể quên được nữa rồi. Những thị phi sau này, chẳng qua chỉ càng lún càng sâu mà thôi.
Lời nói đến đây, chàng có còn muốn nhắc đến Bát gia nữa không?
Từ yêu sinh sân, từ yêu sinh hận, từ yêu sinh si, từ yêu sinh niệm. Từ sau khi ly biệt, sân hận si niệm, tất cả dần dần hoá thành nỗi tương tư. Không biết lúc này người có còn oán hận muội không? Buồn muội giận muội? Tử Đằng trên giàn, nơi nguyệt lãnh phong thanh, giữa bút mực giấy nghiên, trong lòng của Nhược Hy không có Hoàng đế, chỉ có Tứ ca đã lấy đi mất hồn phách của muội!
Tương tư tương vọng bất tương thân, bạc tình chuyển thị đa tình lụy, một ca khúc dịu dàng làm lòng quặn thắt. Nét chữ màu đỏ trên vách ngày càng mơ hồ, nơi Khúc Lan hẻo lánh lại gặp nhau, ngày ngày chờ mong người.
Nhược Hy.”
Cuộc tình ấy cứ như vậy mà kết thúc, người đời từng truyền tai nhau rằng Ung Chính là vị vua vô cùng tàn nhẫn nhưng ít ai biết rằng ông cũng mang nhiều đau thương không cách nào xoa dịu.
Ở trong Tử Cấm Thành ấy không chỉ hiện hữu bóng dáng Dận Chân cô độc ở ngôi cao mà còn có Thập tam a ca sống trong nuối tiếc khi nhớ về hồng nhan tri kỷ là Lục Vu, Nhược Lan luôn dằn vặt bản thân bởi mối tình với người tướng quân xấu số.
Cuộc sống cung đình chính là cao sang phú quý nhưng không thể nào có được hạnh phúc thực sự, huynh đệ tương tàn vì ngôi báu hay bất kỳ ai cũng phải luôn hy sinh tình thân và tình yêu của mình vì số phận.
Bộ bộ kinh tâm kết thúc với sự ra đi của Nhược Hy đã lấy đi không ít nước mắt của độc giả, dẫu vậy thì cuốn sách vẫn được yêu thích vì tình tiết hấp dẫn và không gian đầy mới lạ. Có lẽ đúng như cái tên mà Đồng Hoa đặt cho tác phẩm, Bộ bộ kinh tâm là từng bước từng một đi vào lòng người.
Từ tiểu thuyết bi thương đến phiên bản điện ảnh thành công rực rỡ
Bộ bộ kinh tâm được chuyển thể vào năm 2011 bởi hãng phim Thượng Hải Đường Nhân, ngay sau khi công chiếu vào tháng Chín cùng năm thì nhanh chóng nhận được phản hồi tích cực từ khán giả.
Bộ phim vô cùng thành công bởi những tình tiết chân thực và cảm động được lột tả trọn vẹn nhờ tài năng của Lưu Thy Thy vào vai Nhược Hy, Ngô Kỳ Long hóa thân thành Tứ a ca Dận Chân cùng sự góp mặt của nhiều diễn viên khác.
Ở phiên bản điện ảnh, Bộ bộ kinh tâm vẫn đảm bảo nguyên tác nhưng phần sau của bộ phim là Bộ bộ kinh tình có thay đổi cái kết của hai nhân vật chính. Để thỏa lòng khán giả, các nhà sản xuất đã xây dựng bối cảnh Nhược Hy và Tứ a ca có cơ hội gặp lại ở thời hiện đại để yêu thương nhau.
Cho dù là tiểu thuyết hay phim truyền hình thì Bộ bộ kinh tâm vẫn được yêu thích suốt nhiều năm, chuyến xuyên không của Trương Tiểu Văn đã mở ra cho độc giả một thế giới cung đầy rẫy bi thương và đây sẽ là cách để hiểu hơn về các nhân vật lịch sử thông qua ngòi bút tài năng hơn người của Đồng Hoa.
Thúy Trân
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất