Đại mạc dao là một trong những tác phẩm được yêu thích nhất của nhà văn Đồng Hoa, cuốn sách đã giúp cho bạn đọc có nhiều chiêm nghiệm sâu sắc về cuộc đời từ mối tình êm dịu của các nhân vật.
Vài nét về nữ văn sĩ Đồng Hoa
Đồng Hoa là một trong những cây bút được yêu thích nhất cộng đồng ngôn tình Trung Quốc, cô sinh vào tháng 10 năm 1980 và tốt nghiệp Đại học tại Bắc Kinh, công việc hiện tại của nữ văn sĩ thuộc chuyên ngành Tài chính đồng thời bản thân cô bản thân cô cũng đang học Thạc sĩ Kinh tế tại Philadelphia.
Trái với suy nghĩ của nhiều người rằng một nhà văn cần nhiều năm rèn giũa để có thể cầm bút và bắt buộc phải tôi luyện từ trẻ, phải đến năm hai mươi sáu tuổi thì Đồng Hoa mới bắt đầu sáng tác, cô còn có bút danh khác là Trương Tiểu Tam.
Đã có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của Đồng Hoa được xuất bản như Thời niên thiếu không thể quay lại ấy, Bộ bộ kinh tâm, Bí mật bị thời gian vùi lấp, Từng thề ước và Vân Trung Ca. Khi được hỏi về cô, một độc giả đã nhận xét rằng:
“Văn của Đồng Hoa được xưng là ‘hành văn bình thản nhập bút trục tầng xâm nhập trạc nhân đau lòng’, không phải loại hoa lệ sáo rỗng, mà trong cái ‘mĩ’ có chút chân chất bình dị, từng bước quen thuộc, thấm vào hồn người.”
Đồng Hoa được bình chọn là Nhiên tình thiên hậu của ngôn tình Trung Quốc vì văn phong của cô tuy rằng vô cùng bình dị nhưng để lại ấn tượng sâu sắc trong trái tim độc giả, nhờ vậy mà tác giả còn nổi tiếng ở nhiều nước khác với các tác phẩm giàu ý nghĩa.
Đại mạc dao mở ra một khung cảnh hùng vĩ và chân thực
Tác phẩm nằm trong Đại hán tình duyên hệ liệt và được xuất bản lần đầu vào năm 2006, bộ truyện gồm hai cuốn sách với bốn mươi mốt chương.
Trong phần Hậu ký của cuốn sách, Đồng Hoa từng chia sẻ hoàn cảnh sáng tác Đại mạc dao rằng:
“Dự tính ban đầu cho việc viết câu chuyện này là vì bộ tiểu thuyết đầu tayBộ bộ kinh tâm của tôi. Tôi viết câu chuyện ấy, đến cuối cùng, cảm thấy mình như một con thú bị vây hãm trong lồng, chỉ muốn lao ra, nhưng lại không tìm được bất kỳ lối ra nào.
Vận mệnh của nhân vật đã bị hạn chế bởi hoàn cảnh lớn của cung đình và tính cách của chính nhân vật ấy, tôi cho câu chuyện một kết cục có hướng diễn biến mạch lạc, nhưng trong lòng thì lại rất ức chế. Sau đó trong tình trạng cực kỳ ức chế ấy, tôi muốn viết một câu chuyện về cơ bản thanh thoát, cởi mở hơn, vào lúc lựa chọn bối cảnh truyện, tầm nhìn liền đảo về thời Hán Đường.
Đúng rồi! Hai triều đại này, tinh thần của chúng ta hứng khởi, hào hùng, chúng ta rất tự tin, chúng ta như trăm sông đều chảy về biển. Thế là câu chuyện về Đại mạc dao đã ra đời.”
Nối tiếp Bộ bộ kinh tâm, tác giả đã viết câu chuyện này nhằm giải phóng cho nhân vật cũng như cảm xúc của chính mình nên từng dòng chữ trong Đại mạc dao đều mang một nét phóng khoáng và thoải mái, dẫu rằng thời đại trói buộc con người nhưng họ vẫn cố gắng tìm kiếm hạnh phúc của bản thân mình.
Tác phẩm xoay quanh nhân vật chính là Ngọc Cẩn, nàng lớn lên cùng đàn sói giữa đại mạc và gần như quên rằng mình là con người. Sau này Ngọc Cẩn vô tình cứu sống một vị tướng của Hung Nô nên nàng được ân nhân đưa khỏi thảo nguyên rồi nuôi dưỡng, học cách giao tiếp, tập viết chữ và binh pháp.
Mặc dù không có đàn sói bên cạnh vui chơi như trước đây nhưng tuổi trẻ của Ngọc Cẩn cũng rất vui vẻ khi có Y Trĩ Tà, Ư Thiền và Nhật Đê. Ở đó, nàng còn may mắn có được tình thương từ cha nhưng hạnh phúc chẳng kéo dài bao lâu thì Hung Nô xảy ra nhiều biến cố để rồi Ngọc Cẩn chán nản mà quay về đại mạc.
Không lâu sau, nàng vô tình gặp gỡ một nam nhân ngang qua thảo nguyên và được tặng chiếc váy Lâu Lan cùng lời khuyên nên trở lại làm người, câu nói ấy đã khơi gợi sự tò mò của nàng về mảnh đất Trường An quê cha nên Ngọc Cẩn rời khỏi đại mạc để đến Kinh thành với cái tên mới là Kim Ngọc.
Lần gặp nhau ở thảo nguyên hôm ấy không chỉ để lại dấu ấn trong trái tim nàng mà còn khiến người kia là Mạnh Cửu đem lòng thương nhớ, khi nghe tin Kim Ngọc đến Trường An thì ra sức tìm kiếm và giúp nàng có cuộc sống thoải mái.
Mạnh Cửu húy danh Mạnh Tây Mạc, gia nhân trong nhà hay gọi là Cửu gia, đó là một nam tử khuyết tật nhưng không được sống trong nhàn hạ mà phải có trách nhiệm chấn hưng và đem lại thanh danh cho Thạch phảng của gia tộc.
Mạnh Tây Mạc là người ôn nhu tinh tế tựa như mảnh ngọc sáng giữa bụi bẩn nhân gian bởi chàng có tấm lòng nhân ái, luôn dang tay cứu lấy những mảnh đời bất hạnh.
Với những tính cách ấy của Mạnh Cửu, Kim Ngọc dần rung động đem toàn bộ tình yêu của mình trao cho nam nhân này. Nàng luôn muốn tìm cách để san sẻ với Cửu gia trong lòng, thậm chí còn dùng mối quan hệ của mình để giúp việc làm ăn của Thạch phảng được thuận lợi.
“Cửu gia, khi nào thì nỗi lo lắng giữa hai hàng lông mày của huynh mới có thể biến mất? Đến chừng đó trái tim muội mới có thể thật sự được tự do.”
Mạnh Tây Mạc đã tặng Kim Ngọc một đôi bồ câu, hằng ngày họ thư từ qua lại như cặp tình nhân thật sự tuy rằng nội dung không phải lời mặn nồng đường mật mà là những lời kể bệnh cô tự bịa ra và đơn thuốc Mạnh Cửu gửi cho.
“Niềm vui là đóa hoa không dưng nở ra trong tim, đẹp đẽ yêu kiều, hương ngọt vấn vương lặng lẽ thấm vào lòng. Ký ức của con người hay lừa dối, tôi sợ sẽ có một ngày tôi sẽ không nhớ được rõ ràng niềm vui của ngày hôm nay, cho nên tôi muốn viết hết lại tất cả những gì xảy ra, khi nào tôi già rồi, già đến mức không đi nổi nữa, tôi sẽ ngồi trên giường đọc lại những tấm lụa này, xem lại niềm vui của chính mình, có lẽ thỉnh thoảng cũng có bi thương, nhưng cho dù là niềm vui hay nỗi khổ, đều là dấu vết của những gì tôi trải qua, sống qua, có điều tôi sẽ cố gắng sống sao cho thật vui vẻ…”
Kim Ngọc đã bày tỏ gián tiếp tình cảm của mình bằng cách thổi khúc Việt Nhân Ca nhưng đáp lại chỉ có lời từ chối từ Mạnh Tây Mạc, thế là cô thất vọng và quyết định buông bỏ tất cả để rời khỏi Kinh thành.
“Khúc nhạc không tệ đâu, nhưng muội thổi không hay.”
Kim Ngọc trong lòng có mỗi Mạnh Cửu nên hoàn toàn không quan tâm đến những nam nhân khác, trong đó có Hoắc Khứ Bệnh là một bằng hữu có tình cảm với nàng. Sau khi Kim Ngọc rời khỏi Trường An thì chỉ mỗi hắn đi tìm, trái tim nàng đã dần rung động và mối quan hệ của họ thay đổi từ đây.
Đại mạc dao là sự đấu tranh của con người cho hạnh phúc thuộc về mình
Hoắc Khứ Bệnh đã giữ mỹ nhân lại bên cạnh, khi hắn ra trận thì Kim Ngọc sẽ ở quân trại chờ đợi và trong những lần sốt ruột ngóng trông ấy, nàng đã dần nhận ra sự rung động của trái tim mình.
“Nhưng vầng trăng giữa trời vốn chẳng của riêng ai, chú sói cứ mê mải theo đuổi vầng trăng, mà quên mất bên cạnh nó, vẫn luôn có ngọn gió âm thầm làm bạn.”
Cả hai rất hòa hợp khi Kim Ngọc vốn có tính cách ngông nghênh từ thảo nguyên, Hoắc Khứ Bệnh mang nét kiêu hùng của một tướng quân từng xông pha nhiều trận mạc.
Họ như hai cánh chim tự do chao liệng trên bầu trời rộng lớn, Kim Ngọc và Hoắc Khứ Bệnh đã yêu hết mình mặc cho kết quả có ra sao cũng sẽ không nuối tiếc, nếu như Mạnh Tây Mạc như ánh trăng nơi đại mạc xa xôi thì Hoắc Khứ Bệnh sẽ là bàn tay luôn đồng hành và bảo vệ Kim Ngọc ở bất cứ đâu.
Không lâu sau, hai người cùng nhau quay về Trường An, sự ngỏ lời và tình cảm bất ngờ của Mạnh Cửu khiến Kim Ngọc vô cùng bất ngờ và sau một khoảng thời gian suy nghĩ thì nàng quyết định từ chối để ở bên cạnh Hoắc Khứ Bệnh.
Tình yêu mà Kim Ngọc dành cho Mạnh Tây Mạc không thể như trước đây được nữa, khi ấy Cửu gia của Thạch phảng mới hiểu rằng bản thân mình đã bỏ lỡ nàng mãi mãi.
“Nhất thời để lỡ, là sẽ lỡ cả đời, đời người có rất nhiều chuyện không có cơ hội quay đầu làm lại.”
Đối với Kim Ngọc, cái ôm ấm áp của Hoắc Khứ Bệnh chính là nơi bình yên nhất nhưng thân phận và những ràng buộc chốn cung đình đã khiến họ không thể ở bên nhau, dẫu vậy thì hắn cũng không ngại khó khăn mà còn thẳng thắn bày tỏ rằng nếu Kim Ngọc không làm thê tử thì Hoắc Khứ Bệnh cũng chẳng lập gia thất.
“Ta sẽ khiến nàng không nỡ cáo biệt ta.
Ngọc Nhi, lấy ta nhé. – Nàng mỉm cười: Được.
Ta rất vui, rất rất vui! – Ta cũng rất vui, rất rất vui.
Nguyện người lòng chỉ một, bạc đầu chẳng xa nhau.
Vì người này ở bên cạnh, tôi biết mình rất may mắn.”
Mặc dù nàng chưa có danh phận gì nhưng tình yêu đã khiến Kim Ngọc cam tâm tình nguyện hy sinh cho Hoắc Khứ Bệnh và sau nhiều sóng gió thì họ đã từ bỏ tất cả ở Trường An để đến một phương trời mới, sống một cuộc đời tuy bình thường mà hạnh phúc.
Đại mạc dao là số phận bi thương của nữ nhân chốn cung đình
Nếu như Bộ bộ kinh tâm lấy bối cảnh Thanh triều thì Đại mạc dao lại quay về thời Hán, cuốn sách không chỉ có tình yêu đẹp đẽ của Kim Ngọc và Hoắc Khứ Bệnh và còn có những cuộc tranh đấu hậu cung của Hán Vũ Đế.
Lý Nghiên vốn là bằng hữu của Kim Ngọc nhưng muốn vào cung làm phi vì mối thù của cha và nhờ có dung mạo tuyệt mỹ cùng cốt cách bất phàm được rèn luyện từ nhỏ, Lý Nghiên đã nhanh chóng chiếm lấy sự sủng ái của Hán Vũ Đế.
“Lý Nghiên mới thong dong đi đến, sắc mặt dường như có vài phần mệt mỏi, bộ xiêm y lộng lẫy càng tăng thêm vẻ điềm đạm đáng yêu. Áo gấm lướt đến đâu, người ta nín thở đến đấy, như sợ nếu thở quá mạnh sẽ thổi bay giai nhân thanh cao thoát tục này.”
Chính vì vậy mà nàng trở thành Lý phu nhân và là mối đe dọa đối với Hoàng hậu Vệ Tử Phu, Lý Nghiên phải ra sức tranh đấu và điều này đã khiến nàng mệt mỏi rồi mang bệnh. Đến giây phút cuối cùng, Lý Nghiên nhận ra rằng mình đã vì hận thù mà bỏ lỡ tình yêu thật sự và để tuổi trẻ phí hoài chốn thâm cung.
“Ta mệt quá, mệt quá, chỉ muốn có thể nghỉ ngơi thôi, nếu mẹ nhìn thấy ta, chắc sẽ không trách mắng ta chứ? Ta đã cố hết sức rồi, không biết mẹ đã gặp phụ thân chưa. Ta muốn nghe bài ca du mục bên sông Khổng Tước, mỹ tửu có trân quý đến đâu cũng làm sao ngon hơn một vốc nước trong ở sông Khổng Tước? Thật ra cái ta thích chẳng qua là ban đêm được nhảy múa ca hát quây quần bên lửa trại, ban ngày cùng người mình yêu thương dẫn đàn bò đàn dê đi tìm cỏ ăn, ta thà thân hình sồ sề vì sinh được một bầy con, thà đôi tay thô ráp nứt nẻ vì xe vải, chứ không muốn làm một phu nhân nghiêng nước nghiêng thành…”
Đồng Hoa xây dựng nhân vật Kim Ngọc và Lý Nghiên giống nhau, cả hai đều có mối thù của cha nhưng cách họ đối diện lại không hề giống nhau.
Kim Ngọc đã từ bỏ tất cả để sống một cuộc đời bình yên và tìm được hạnh phúc của mình, còn Lý Nghiên phải dè dặt nơi cung đình rồi phải tận mắt chứng kiến người mình yêu chết đi dưới mũi tên của người khác.
“Lý Nghiên để lại vô số truyền thuyết về dung mạo xinh đẹp của nàng ấy, để lại nỗi nhớ nhung vô hạn cho Lưu Triệt, để lại một câu chuyện truyền kỳ về cô gái nghèo hèn trở thành người phụ nữ được hoàng đế sủng ái nhất, nhưng cuộc tranh đấu cay đắng sau lưng nàng ấy lại hoàn toàn bị mai một giữa trần gian, vùi đến tuyệt tích. Còn tôi, người duy nhất biết được bí mật của nàng ấy, sẽ để mọi thứ vĩnh viễn phủ bụi ở nơi sâu thẳm nhất trong đáy lòng.”
Họ có xuất phát điểm giống nhau nhưng đích đến thì hoàn toàn đối lập, câu chuyện của Kim Ngọc và Lý Nghiên chính là sự lựa chọn của con người trước thù hận.
Đại mạc dao muốn gửi gắm đến bạn đọc lời nhắn nhủ rằng ai buông bỏ được thì sẽ hạnh phúc và nếu cứ ôm lấy chấp niệm thì chỉ nhận lấy đau khổ mà thôi, đây là một thông điệp rất đúng đắn và giàu ý nghĩa.
Từ tiểu thuyết nhẹ nhàng đến phiên bản điện ảnh mới mẻ và thành công
Đại mạc dao được chuyển thể thành phim vào năm 2012 với tên Phong trung kỳ duyên do công ty Điện ảnh Thượng Hải Đường Nhân sản xuất và ngay vừa khi công bố áp phích, bộ phim được khán giả truyền hình đón nhận vô cùng nhiệt tình.
Phong trung kỳ duyên có sự góp mặt của những ngôi sao hàng đầu làng giải trí Hoa ngữ như Lưu Thy Thy hóa thân thành nữ chính Kim Ngọc, Bành Vu Yến đóng tướng quân Hoắc Khứ Bệnh và Hồ Ca thủ vai Mạnh Tây Mạc.
Bộ phim từng bị trì hoãn công chiếu một thời gian vì bị nghi ngờ rằng cung cấp thông tin sai lệch về lịch sử, thế nhưng sau đó đoàn sản xuất đã thay đổi một số tình tiết để phù hợp hơn và nhờ vậy mà Phong trung kỳ duyên thuận lợi phát sóng.
Ở phiên bản điện ảnh, Đại mạc dao vẫn giữ trọn giá trị ban đầu của nó, đó là sự đấu tranh của con người cho hạnh phúc riêng mình dẫu bị thời đại ràng buộc. Bên cạnh đó, cuốn sách còn là lời tâm tình rằng nếu bỏ lỡ tình yêu thì không thể quay lại và con người nên trút bỏ hận thù để theo đuổi niềm vui thật sự trong cuộc đời.
Thúy Trân
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất