Xoay vòng giữa cuộc sống hiện đại xô bồ vội vã, đôi lúc ta muốn dừng lại để nghỉ ngơi hay lật dở những trang sách mà ở đó tâm hồn được thư thả, ta tìm lại chút cảm xúc, kỷ niệm của mình ở lứa tuổi học trò. Trại hoa vàng có thể nói là một trong những tác phẩm thành công của Nguyễn Nhật Ánh khi viết về đề tài này.
Được xuất bản vào năm 2013, truyện lấy bối cảnh trại hoa vàng của Chuẩn, không chỉ lung linh bởi muôn sắc hoa, xanh màu lá, nơi đây còn chứa đựng bao cuộc trò chuyện nhỏ to, ghi dấu suy tư, bước chuyển mình của những đứa trẻ tuổi mới lớn.
Truyện viết theo ngôi thứ nhất, qua góc nhìn của nhân vật chính là Chuẩn các nhân vật hiện lên rõ nét, mang cá tính và màu sắc riêng biệt.
Người gây ấn tượng nhiều nhất có lẽ là ba của Chuẩn với cách dạy con “hắc ám”, những “cú sút thẳng cẳng vào mông đít”. Ba muốn Chuẩn chỉ tập trung vào việc học, không được ăn chơi la cà theo chúng bạn, mà Chuẩn thì học dở tệ.
Vì vậy khi thường xuyên lãnh những đòn “quyền cước” lẫn “ thiết cước” của ba vào “hạ bàn” đến mức phải nghỉ học ba ngày liền để dưỡng thương, Chuẩn hay có suy nghĩ muốn đổi một ông ba khác hiền lành hơn và ốm yếu hơn.
Chi tiết này khiến người đọc phải bật cười sảng khoái vì ngôn ngữ và cách miêu tả của tác giả quá dễ thương, chân thực.
Nhưng không dừng lại ở đó, nhà văn còn muốn người đọc nhìn sâu hơn về nhân vật người ba, hiểu được tình cảm trong người đàn ông lạnh lùng, cộc cằn này.
Tuy nhà nghèo, sống trong cảnh giật gấu vá vai nhưng ba Chuẩn đã hào phóng tậu một chiếc xe đạp láng coóng, “xịn sò” của thời đó về để trong góc nhà làm giải thưởng cao quý, là chiếc Huy Chương Vàng mà bạn của Chuẩn hay gọi, nhằm tạo động lực cho Chuẩn học hành tiến bộ hơn, đậu được vào lớp 10 trường “quý tộc” Trần Cao Vân chứ không phải là trường Huỳnh Thúc Kháng mà những đứa học tệ như Chuẩn chọn để “ trao thân gửi phận”.
Rồi khi Chuẩn đậu, ông vét sạch tiền trong đáy rương của vợ mở tiệc linh đình chiêu đãi bà con lối xóm “làm như không phải tôi đậu vào lớp mười mà là đậu tiến sĩ vậy”. Một nếp sống, nét đặc trưng của làng quê Việt Nam được tác giả khai thác, họ coi trọng cái chữ và xem con đường học vấn là vinh quang nhất.
Có phải ba Chuẩn hy vọng rất nhiều về tương lai của con mình, mong Chuẩn sau này có thể giúp gia đình thoát nghèo mà chính ông đã không thay đổi được, ông hận bản thân đã không mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho vợ con?
Ở gần cuối truyện, người đọc xúc động và vui mừng cho Chuẩn khi cậu được ba tặng lại cây đàn, bù cho cái mà trước đó ông đã đập nát vì phát hiện bài kiểm tra vật lý ăn “một gậy” của Chuẩn, “ phải chăng những nỗ lực của tôi trong chuyện đèn sách đã thuyết phục được ông rằng học tập và bạn bè không phải là hai thứ nghịch nhau như nước với lửa như trước đây ông vẫn nghĩ?”
Mẹ của Chuẩn ít xuất hiện trong truyện nhưng nổi bật ở bà là lòng yêu thương con vô hạn. Nghe Chuẩn nói muốn về ngoại để thư giãn sau những ngày ôn thi căng thẳng, bà “móc trong túi ra một xấp tiền” dúi vào tay Chuẩn rồi dặn dò, chăm chút bữa ăn có “đĩa thịt bò xào thơm phức”, “ tô canh bí đỏ nấu với đậu phộng” cho Chuẩn để thằng nhỏ có thêm dinh dưỡng, có đầu óc thông minh sáng láng như người ta.
Bà muốn sắm cho Chuẩn bộ quần áo mới đi học nhưng lại sợ chồng. Bà dè dặt, hiền lành, dịu dàng làm ta nhớ đến hình ảnh người mẹ gầy còm bên hàng nước nhỏ, mỗi chiều muộn mái tóc vài ba sợi bạc loanh quanh trong góc bếp chuẩn bị bữa cơm cho gia đình. Một nét đẹp bình dị của người phụ nữ Việt Nam.
Chuẩn còn có một đứa em gái là Châu, con bé tuy còn nhỏ nhưng lại rất hiểu chuyện, đặc biệt rất thương anh. Khi Chuẩn nói nếu thi rớt sẽ ở luôn dưới ngoại, nhỏ Châu rơm rớm nước mắt, nó sụt sịt: “Không được, anh phải về nhà với em! Em sẽ năn nỉ ba cho.”
Nó quan tâm, lo lắng, an ủi anh mình. Không như đối với ba và mẹ, với nhỏ Châu thì Chuẩn chẳng ngần ngại hay lo sợ khi tiết lộ bất kỳ điều gì, từ chuyện học hành cho đến tình cảm. Có lẽ tình anh em đặc biệt là vì thế, tuy cũng có những lúc giận hờn gây gổ nhưng sự gắn kết của “giọt máu đào” chẳng bao giờ để tình yêu thương vơi cạn đi.
Truyện vẽ ra hình ảnh một gia đình nghèo nhưng đầy ắp tình cảm, cho người đọc cảm giác ấm áp gói ghém qua từng nét chữ, trang sách.
Góp một màu sắc hồn nhiên, nghịch ngợm và cũng đầy thú vị cho Trại hoa vàng là đám bạn của Chuẩn. Đầu tiên là Phú ghẻ, Phú thông minh, hài hước lại hay pha trò. Vừa học giỏi vừa nhiều tài lẻ nhưng có điều chắc vì tại ở bẩn nên bị ghẻ để mỗi khi bực bội Chuẩn hậm hực chửi Phú là “ thằng ghẻ ngứa”.
Phú không chỉ là gia sư cho Chuẩn trong học tập, giúp Chuẩn cải thiện mức độ “đầu bò” của mình mà còn là quân sư trong tình yêu, đặc biệt Phú ghẻ đóng một vai trò then chốt trong mối quan hệ giữa Chuẩn và Cẩm Phô – Người thương của Chuẩn.
“Bởi Phú ghẻ có một ưu thế mà cả đời tôi không thể nào mơ thấy nổi: nhà nó ở sát bên nhà Cẩm Phô.”
Cường cũng là bạn thân từ thuở cởi truồng tắm mưa của Chuẩn, nó hay bỡn cợt, chọc ghẹo, chơi thân với Luyện – em trai Cẩm Phô, là đứa duy nhất trong đám bạn của Chuẩn được bước chân vào tiệm thuốc tây Hồng Phát. Nhờ đó mà có thể làm người gửi lời hò hẹn hộ cho Chuẩn.
Và nếu ký ức thời học sinh thiếu một đứa bạn lanh chanh, miệng mồm lúc nào cũng như chim chèo bẻo thì thật là tẻ nhạt, vì vậy Nguyễn Nhật Ánh đã không để điều đáng tiếc đó xảy ra.
Với Liên móm, người đọc có khi vừa giận vừa yêu, giận vì con nhỏ hại nhân vật chính ác quá chừng, yêu vì cái giọng chua lè chua lét của nó đôi khi cũng trở nên mềm mại, dễ nghe, nó là đứa thúc đẩy cho tình yêu phô mai giữa Chuẩn và Cẩm Phô theo kiểu đanh đá riêng mình nó có. Tuổi học trò trong Trại hoa vàng vì nó mà thú vị hơn, đáng nhớ hơn.
Người đẹp trong mộng của Chuẩn và cũng là nữ chính trong truyện là Cẩm Phô, “đứa con gái đã từng “chở che” tôi trước những đòn tấn công của con nhỏ miệng móm, đứa con gái đã khiến tôi lần đầu tiên trong đời phải nghĩ ngợi vẩn vơ”.
Cẩm Phô đi vào mắt đọc giả là cô bé hiền lành, dịu dàng, vừa đẹp người lại đẹp nết. Một bất ngờ đến bật cười là nó còn “ học ngu” hơn Chuẩn đến mức bị lưu ban. Nhưng cũng nhờ vậy mà hai đứa có thời gian gần nhau, kèm cặp nhau học để rồi tiến bộ vượt bậc.
Cẩm Phô là khởi đầu cho những thay đổi trong tâm tư, cho trái tim Chuẩn biết nhớ mong, thổn thức. Hay nói cách khác, Cẩm Phô đã “ làm mới” Chuẩn, một Chuẩn hoàn toàn khác với ở đầu truyện.
Nhân vật chính trong truyện, Chuẩn – Cậu trai nhà nghèo, học hành chẳng khá nhưng có sở thích chơi hoa, chuẩn có riêng cho mình một trại hoa vàng mà có lẽ ai nhìn vào cũng phải trầm trồ khen ngợi.
Qua Chuẩn tác giả đã thể hiện đầy đủ những tình cảm đáng quý đáng trân trọng, tua lại một đoạn ký ức thời còn đi học sống động, tươi vui, một tình yêu đẹp ở cái tuổi đẹp nhất đời người. Đặc biệt là đánh dấu được sự chuyển mình, từ những tình cảm hồn nhiên khẽ khàng bước sang những rung động tinh tế và chân thực.
Nhưng khép lại câu chuyện, để lại trong lòng người đọc những xúc cảm khó diễn tả thành lời có lẽ là nhỏ Thảo. Nhỏ Thảo bằng tuổi Châu, nhà nhỏ sát bên nhà Chuẩn, nhỏ hay qua chơi khi thì để cùng Chuẩn bắt sâu, tưới nước cho vườn hoa, lúc chỉ để đưa Chuẩn quả ổi mình hái được sau vườn.
Thảo dễ thương, thật thà, nhu mì, đọc những chi tiết “không dám nấn ná nữa. Nó ngập ngừng bước lui về phía cổng rào”, “thấy cặp mắt nó đỏ hoe” có lẽ ta chẳng mong dù là vô tình một lần nữa ai đó làm tổn thương cô gái nhỏ bé này.
Nhỏ Thảo biết lắng nghe, háo hức với mọi điều Chuẩn nói, Chuẩn làm.
“ Nó biết giữ im lặng cho tôi “ làm nghệ thuật”. Quả là một con nhỏ cực kỳ đáng yêu.”
Với nhỏ Thảo, Chuẩn luôn là số một. Những lần bắt gặp nhỏ Thảo, đôi lúc tôi tự hỏi có phải là nó có cảm tình với Chuẩn và dụ ý xin Chuẩn tặng hoa hồng phải chăng là bày tỏ tình cảm?
Để rồi đến cuối truyện vỡ ra một niềm tiếc nuối, vấn vương, giữa không khí vui tươi của trại hoa vàng – Nơi đám bạn Chuẩn đang hò reo chúc mừng cho hành động tặng hoa hồng lãng mạn của Chuẩn dành cho Cẩm Phô.
“không hiểu sao tôi vẫn nghe rõ tiếng sột soạt vừa đột ngột phát ra từ khu vườn bên cạnh như thể có một con thỏ vừa phóng ra khỏi chỗ nấp. Tôi giật mình đảo mắt nhìn qua bên kia hàng rào. Thấp thoáng sau bóng cây thưa, một cái bóng nhỏ đang chạy vụt vào nhà khiến tôi bỗng bồi hồi tự hỏi:
Ai như là nhỏ Thảo?”
Có phải là em, cô gái nhỏ?
Em có vừa chạy đi và khóc? Câu hỏi đó chắc đã hơn một lần loanh quanh trong lòng mỗi độc giả.
Ở Trại hoa vàng ta có thể bắt gặp những hình ảnh thân thuộc xung quanh mình, thằng hàng xóm, lần tông xe nhớ đời khi đi học, tình yêu đầu tiên,… từ đó mọi thứ trở nên tự nhiên, nhẹ nhàng như hòa vào ký ức của chính mình, xuôi theo dòng cảm xúc đến cuối cùng và kết thúc đọng lại là một tâm hồn trẻ thơ.
Truyện dẫn dắt người đọc qua những cung bậc cảm xúc của những đứa trẻ tuổi mới biết yêu. Từ lúc gặp lại và nhận ra người mình mến thì “một cảm giác lâng lâng kỳ lạ, nửa như thẹn thùng, nửa lại hân hoan” rồi đến lần nhận được “ bức thư tình” đầu tiên khiến đầu óc bỗng chốc quay cuồng, không đủ kiên nhẫn đợi đến về nhà.
Cố nín thở để trấn áp nỗi hồi hộp, run run mở tờ giấy ra. Mọi điều luôn tự nhiên, chân thực, đáng yêu. Những cuộc đối thoại giữa hai người “nhớ nhau muốn chết” dù toàn là những câu vớ vẩn, chẳng đâu vào đâu, đôi lúc lại chẳng nói gì để mọi thứ rơi vào im lặng nhưng những kẻ đang yêu lại thấy đang gần nhau quá thể.
Không chỉ vậy, Trại hoa vàng vun đắp trong đó còn có tình cảm gia đình, tình bạn bè thân thiết.
Truyện đã được đăng dài kỳ trên báo Mực Tím. Với văn phong thoải mái, hài hước, giản dị, Trại hoa vàng có lẽ là khu vườn bình yên của tâm hồn, là ký ức ta muốn hoài cất giữ.
Bảo Chiêu
Bảo Chiêu
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất