Nếu như vùng đồng bằng Bắc Bộ gói gọn trong từng trang viết đầy trìu mến của nhà văn Kim Lân thì đồng quê Nam Bộ lại đầy ắp những bóng hình thiên nhiên, con người trên từng bức tranh bằng ngôn từ của Đoàn Giỏi.
Với một tình yêu nồng đậm với miền đất phía Nam và tài quan sát tỉ mỉ tinh tế, Đoàn Giỏi đã đưa độc giả ở mọi lứa tuổi cảm nhận được hương vị của quê hương qua thơ, ký, truyện ngắn và truyện dài cùng nhiều thể loại khác. Mỗi tác phẩm đều đong đầy yêu thương của nhà văn với vùng quê nắng cháy bỏng cả đất trời.
Vài nét tiêu biểu về cuộc đời của tác giả
Đoàn Giỏi sinh năm 1925 tại thị xã Mỹ Tho, tỉnh Mỹ Tho nay thuộc xã Tân Hiệp, tỉnh Tiền Giang. Nhà văn xuất thân trong một gia đình địa chủ lớn trong vùng và ông giàu lòng yêu nước ngay từ khi còn bé.
Năm 1939, sau khi học xong bậc tiểu học ở quê nhà, Đoàn Giỏi lên Sài Gòn tiếp tục học trung học. Vốn là người say mê hội họa, ông đã trốn gia đình và quyết định thi vào trường Mỹ thuật Gia Định tuy nhiên do bị người nhà phản đối nên nhà văn buộc phải nghỉ sau một năm.
Không thành ở con đường hội họa, Đoàn Giỏi nhất quyết không theo học nguyện vọng của gia đình mà lại theo đuổi văn chương. Sau một lần viết thử một truyện ngắn đầu tay được nhà văn Hồ Biểu Chánh chọn đăng trên tờ Nam kỳ tuần báo, từ đó ông có ý sẽ dấn thân vào con đường chữ nghĩa.
Vào năm 1945 khi cách mạng tháng Tám nổ ra, ông tạm gác lại công việc sáng tác văn của mình để trở về quê hương để tham gia kháng chiến với vị trí là cán bộ thông tin của xã Tân Hiệp.
Hai năm sau, ông được đảm nhận làm công an xã và kiêm nhiệm phụ trách mười xã của huyện Châu Thành đồng thời đảm nhiệm vị trí mới đó là trưởng trinh sát công an huyện và cũng trong thời gian này ông đã chính thức trở thành một người Cộng sản.
Năm 1949 nhà văn Đoàn Giỏi được tỉnh điều động sang làm Phó ty tuyên truyền tỉnh Mỹ Tho, phụ trách phòng văn nghệ kiêm chủ bút cho báo Tiền Phong, cơ quan Mặt trận Việt Minh tỉnh Mỹ Tho.
Một năm sau ông được giữ chức vụ Phó trưởng thông tin Rạch Giá, đến năm 1951 ông đã trở thành ủy viên Thường vụ Ban chấp hành hội văn nghệ Nam Bộ, Phó phòng văn nghệ Sở Thông tin Nam Bộ.
Có niềm đam mê với viết lách một cách kỳ lạ, Đoàn Giỏi không theo chính trị lâu. Sau chiến dịch Điện Biên Phủ thành công năm 1954, nhà văn được tập kết ra ngoài Miền Bắc và công tác tại Đài tiếng nói Việt Nam, tiếp đó ông chuyển sang làm việc ở hội nhà văn Việt Nam.
Khi Cách mạng thành công và thống nhất đất nước năm 1975, ông thường xuyên vào Nam ra Bắc và sinh sống ở cả hai nơi, dành hầu hết thời gian để đi thực tế và sáng tác.
Nhắc đến Đoàn Giỏi là phải nhắc đến cuốn truyện bất hủ Đất rừng phương Nam, tái bản hàng chục lần, từng được dịch ra nhiều thứ tiếng và chuyển thể thành phim. Khi ông sang Liên Xô, đến thăm nhà văn lớn Polevoi, trẻ con Nga bên hàng xóm đã chạy qua tụ tập để biết mặt ông và xin chữ ký.
Sinh thời, nhà thơ Tế Hanh đã nói với nhiều nhà văn quốc tế rằng Đất rừng Phương Nam là truyện Robinson của Việt Nam, vì nó cũng có những trang vàng huyền thoại và hấp dẫn không kém.
Đoàn Giỏi không chỉ là một con người hồn hậu mà còn là một cây viết xuất sắc
Nhà văn Anh Đức còn nhớ như in ngày ông mười bốn tuổi gặp chàng thanh niên Đoàn Giỏi hơn mình chục tuổi:
“Tôi từ một trường trung học kháng chiến ra, về công tác tại Ty Thông tin tỉnh Rạch Giá, vừa lúc anh Đoàn Giỏi từ Mỹ Tho về lãnh chức Phó trưởng Ty. Anh đã có vóc dáng đậm đạp, cái ống píp luôn phì phèo trên miệng.”
Tuy ngoại hình ra vẻ là một tay chơi nhưng Đoàn Giỏi có một tâm hồn mềm mỏng, thuần hậu mà khí khái.
Thời ông làm Trưởng Công an huyện Châu Thành năm 1947, có lần người ta bắt giữ một người khả nghi là Việt gian. Mặc dù người ấy một mực kêu oan nhưng Đoàn Giỏi vẫn cho bắt vì thấy ăn mặc bảnh bao, tướng dạng trí thức, “chỉ có theo thực dân mới được vậy”.
Sau mới biết đó là luật sư Nguyễn Hữu Thọ đang đi công tác bí mật, ông đã cúi đầu hối lỗi, đích thân mời luật sư ra vùng kháng chiến theo lệnh của cấp trên.
Sau này, khi Nguyễn Hữu Thọ ra nhận trọng trách tại Hà Nội, bạn bè khuyên Đoàn Giỏi nên đến chào thăm ông nhưng Đoàn Giỏi nói:
“Bây giờ bác Ba là lãnh tụ, là nghị trưởng (ý nói là Chủ tịch Quốc hội), nếu mình đến thì thiên hạ sẽ nói mình “thấy sang bắt quàng làm họ”.
Không chỉ là một người hồn hậu, khí khái và hào phóng, ông còn là một cây viết xuất sắc và chăm chỉ. Nhà văn Anh Đức từng khâm phục nhận xét về nhà văn Đoàn Giỏi:
“Thật tôi chưa từng thấy ở nước ta có một nhà văn nào như anh, say mê yêu mến thiên nhiên động vật, đến độ có cả một kho tư liệu ghi chép tỉ mỉ, đủ sức để viết dài dài loại truyện này. Có lúc hàng giờ anh say mê kể cho tôi nghe về đời sống của loài cọp, loài sấu, loài tê giác và loài cá. Có một lần, tôi tỏ ý hoài nghi về cái chi tiết anh viết trong tập Chuyện lạ về cá, trong đó anh tả một máy bay Đồng minh bị Nhật bắn cháy, viên phi công nhảy dù rơi xuống vùng biển Hải Phòng thì cá mập ở dưới biển giăng ra đón viên phi công tợ hình như những nan hoa xe đạp. Thấy vậy, anh vung tay, la lên: “Mày không tin hả? Tao bảo đảm trăm phần trăm đúng y như tao viết. Mày ngồi đợi đó, để tao đi lấy tài liệu cho mày coi!”
Tác phẩm truyện ngắn đầu tay Nhớ cố hương năm 1943 đã bắt đầu cho sự nghiệp sáng tác văn chương của ông và là một trong những thành công của nhà văn Đoàn Giỏi.
Trong những năm tháng sống và làm việc ở Miền Bắc, nhà văn cũng có điều kiện để chuyên tâm vào sự nghiệp viết văn của mình, hầu hết những tác phẩm của ông đều viết về con người và mảnh đất Nam Bộ.
Chính những niềm tự hào về một vùng đất trù phú, giàu tình yêu thương, nỗi nhớ và có cả trong đó là sự cảm phục với những con người chân chất thôn quê, ý chí dũng cảm đã khiến Đoàn Giỏi đặt bút viết những câu chuyện bằng cách chân thực và sống động nhất.
Con người Phương Nam trong quá trình tạo dựng cuộc sống, trong cả việc đấu tranh chống giặc ngoại xâm để giải phóng quê hương đó chính là những chất men giúp nhà văn Đoàn Giỏi khơi nguồn được những sáng tác.
Chuyện bên lề và một số tác phẩm tiêu biểu của nhà văn Đoàn Giỏi
Gia đình Đoàn Giỏi đã hiến toàn bộ nhà cửa, ruộng đất cho Chính phủ và trụ sở của Uỷ ban nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang hiện nay chính là nhà của gia đình ông.
Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975 Đoàn Giỏi đi lại rất nhiều giữa hai miền Nam, Bắc nhưng không có nhà riêng, khi ở Hà Nội ông thường ở Hội nhà văn Việt Nam và khi vào Nam ở nhờ nhà bạn bè.
Trong giới văn học có kể về giai thoại Đoàn Giỏi viết Đất rừng phương Nam, vào tháng Hai năm 1957, Đoàn Giỏi nhận được đặt hàng của Hội văn nghệ Việt Nam viết một tác phẩm về thiếu nhi Nam Bộ trong bốn tháng.
Tuy nhiên mãi đến tháng Năm khi nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nhắc lại yêu cầu này và nhấn mạnh thời điểm ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng, Đoàn Giỏi mới bắt đầu chấp bút. Chỉ trong một tháng, ông đã kịp hoàn tất tác phẩm đúng thời gian dự kiến.
Tác phẩm được xuất bản ngay thời điểm ra đời của Nhà xuất bản Kim Đồng và đã thành công vượt mức mong đợi, Đất rừng phương Nam được tái bản rất nhiều lần đồng thời đã dịch và xuất bản ở Liên Xô, Hungari, Trung Quốc, Đức và Cuba.
Với khối lượng tác phẩm đồ sộ, biên độ đề tài rộng, ở đủ các thể loại như tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, truyện kí, bút kí, biên khảo, thơ và kịch thơ, nhà văn Đoàn Giỏi đã biến vùng đất phương Nam trở nên thân thuộc, đáng yêu đối với người đọc.
Những trang văn của ông thấm đượm hơi thở sông nước, rừng cây, những câu chuyện vừa thực vừa kì bí của thiên nhiên Nam Bộ hoang sơ và truyền được hơi thở ấy cho độc giả.
Cùng với tác phẩm Đất rừng phương Nam đã được ấn hành và tái bản liên tục trong những năm vừa qua, nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỉ niệm sáu mươi năm thành lập Nhà xuất bản Kim Đồng, hàng loạt tác phẩm khác gắn liền với tên tuổi nhà văn Đoàn Giỏi tiếp tục được giới thiệu đến bạn đọc.
Trong đó có thể kể đến như Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày nói về đoạn đời lẫy lừng của nhà cách mạng Tôn Đức Thắng ở nhà tù Côn Đảo, nơi được ví là địa ngục trần gian.
Truyện kí Trần Văn Ơn nhắc tới cuộc đời hào hùng của người học sinh anh hùng đã cùng với học sinh sinh viên Sài Gòn tham gia đấu tranh chính trị, xuống đường chống chính phủ bù nhìn của Bảo Đại và sự thống trị của Pháp.
Ngoài ra còn tập truyện ngắn Rừng đêm xào xạc được ví như những bước chân trải dài theo thế kỉ XX và rất nhiều tác phẩm đặc sắc khác được độc giả đón nhận một cách nồng nhiệt.
Với một đời văn trên bốn mươi năm, nhà văn Đoàn Giỏi đã để lại cho đời những dòng đẹp đẽ đậm sắc thái và đầy sinh thú về quê hương, đất nước, con người ở vùng đất Nam bộ thân yêu của Tổ quốc ta. Văn của nhà văn Đoàn Giỏi vừa mang chất trữ tình lại vừa mang tính chất lạ kỳ, sôi động.”
Hay như Chế Lan Viên đã từng nói:
“Văn của Đoàn Giỏi luôn ngồn ngộn nguồn tư liệu và vốn sống mà tác giả chắt lọc. Là một nhà văn chịu khó tìm tòi nghiên cứu mọi chuyện một cách ngọn ngành, nên trang viết của ông thường rất góc cạnh, gồ ghề nhưng cũng đậm đặc chân tình như quê hương ông, miền đất hoang sơ và hào phóng miền Tây Nam bộ. Đoàn Giỏi là một trong những người đầu tiên truyền bá ngôn ngữ Nam bộ hiện đại qua những tác phẩm của mình.”
Chào đón các tác phẩm văn chương của nhà văn Đoàn Giỏi trở lại là chào đón và thêm lần nữa nhìn nhận đầy đủ hơn, trọn vẹn hơn đối với trước tác của ông.
Văn chương ông vẫn nóng hổi hơi thở đương đại, đời sống hôm nay, với các vấn đề về môi trường, về thiên nhiên trong Tê giác trong ngàn xanh, Những chuyện lạ về cá, Rừng đêm xào xạc.
Hay với những chất liệu điện ảnh vốn bị xem là khan hiếm ở các tác phẩm văn học trong Hoa hướng dương, Cá bống mú, yếu tố phiêu lưu vốn dĩ ít được xem là thế mạnh của văn chương Việt trong Cuộc truy tầm kho vũ khí, với bút pháp xây dựng chân dung nhân vật điêu luyện trong Trần Văn Ơn và Người thủy thủ già trên hòn đảo lưu đày.
Với lượng sáng tác lớn và đa dạng về thể loại, đặc biệt cùng phong cách văn chương rất riêng được nhiều người đón nhận, Đoàn Giỏi được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001.
Năm 1989, lúc biết mình mình bị bệnh hiểm nghèo Đoàn Giỏi không tỏ ra để ý đến cái chết mà chỉ nói với người bạn đưa ông vào bệnh viện:
“Không dè mau quá. Tao vô đó tranh thủ viết rồi có chết luôn ở trỏng cũng được! Không biết mày thì sao chớ trong đời tao, lẽ ra tao phải viết được nhiều hơn, ngặt mình ham mê nhiều thứ quá, đôi khi sa đà nên phân tán, uổng quá! Bây giờ có tuổi rồi, tao thấy tiếc, nhưng mà được cái giờ đây tao thấy tánh mình cũng trầm tĩnh hơn, ổn định hơn. Bây giờ tao tránh cãi vã, đã tới hồi chạy nước rút, không hơi đâu ở đó mà cãi…”
Tiếc thay, dù ông có muốn cống hiến thêm cho nền văn học nước nhà cũng không kịp, năm ngày sau khi vào bệnh viện, căn bệnh xơ gan đã kéo ông đi vào cõi vĩnh hằng, để lại tác phẩm dang dở Núi cả mây ngàn.
Lật từng trang sách của Đoàn Giỏi, ta như thấy cả vùng đất trời phương Nam đang hiển hiện ngay trước mắt một cách chân thực và gần gũi hơn bao giờ hết. Nhà văn không chỉ là một nhà chính trị giỏi từng đóng góp nhiều cho đất nước mà đặc biệt hơn, ông đã để lại cho đời một khối lượng văn học đồ sộ và sẽ mãi mãi sống trong lòng độc giả trên toàn thế giới.
Thùy Lam
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất