Nhà văn Lê Minh Khuê đã không còn xa lạ với độc giả Việt Nam qua những tác phẩm nổi tiếng viết về chiến tranh. Bằng lối viết giản dị, dịu dàng, những trang sách của bà vẫn mãi in đậm trong trái tim mỗi người về một thời đất nước vất vả mà son sắt muôn phần.
Vài nét về tiểu sử và sự nghiệp sáng tác của nhà văn Lê Minh Khuê
Lê Minh Khuê tên thật là Lê Thị Minh Khuê, sinh năm 1949 tại tỉnh Thanh Hóa. Bà sinh ra trong một gia đình có truyền thống Nho học, ông nội và ông ngoại đều là nhà nho nên từ nhỏ, bà đã được giáo dục trong môi trường quy củ, nề nếp.
Cha của nhà văn cũng là một thầy giáo dạy trung học. Mồ côi cha mẹ từ khi còn nhỏ, bà được nuôi dạy bởi gia đình dì ruột, chú và dì đều theo nghề giáo viên.
Năm 1965, Lê Minh Khuê tham gia lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ và chỉ hai năm sau, bà đã có những bài báo đầu tiên được xuất bản. Từ đó, Lê Minh Khuê bắt đầu tập trung vào con đường sáng tác, đặc biệt bà nổi bật với những truyện ngắn, truyện vừa.
Trước năm 1975, sống trong dòng chảy của dân tộc những năm tháng chống Mỹ cứu nước, Lê Minh Khuê đã ý thức sâu sắc tinh thần của thời đại và sẵn sàng hòa mình vào dòng chảy lịch sử. Những tác phẩm mang khuynh hướng sử thi hào hùng và cảm hứng lãng mạn, các sáng tác hướng về con người với lí tưởng sống cao cả chính là điều cốt lõi trong sự nghiệp văn chương của bà.
Sợi chỉ xuyên suốt những tác phẩm của nhà văn chính là cuộc sống đầy vất cả của quân dân Việt Nam trong kháng chiến.Nổi bật hơn cả, nhà văn luôn miêu tả, ca ngợi những người trẻ tuổi ngày đêm chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn máu lửa với tinh thần yêu nước, ý chí sắt đá và sự lạc quan trong gian khổ.
Từ sau 1975, khi đất nước được thống nhất, văn học nghệ thuật cũng có những sự thay đổi rõ rệt từ nội dung đến nghệ thuật. Thay vì những tác phẩm bi tráng mang tính khích lệ tinh thần, đề cao sức mạnh dân tộc, văn học sau 1975 có xu hướng tìm về mọi ngóc ngách trong đời sống mỗi cá nhân, những vấn đề nhức nhối trong xã hội.
Lê Minh Khuê cũng đã nhanh chóng bắt kịp được sự thay đổi của nền văn học nước nhà, từ đó cho ra đời những tác phẩm xuất sắc. Cùng với những nhà văn cùng thời như Nguyễn Minh Châu hay Lê Huy Thiêp, bà cũng xứng đáng là một trong những nhà văn tiêu biểu của thời kỳ đổi mới.
Ngoài việc viết văn, Lê Minh Khuê cũng từng là cây viết cho báo Tiền phong, phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng và Đài Truyền hình Việt Nam, biên tập viên Nhà xuất bản Hội Nhà văn từ 1978 đến khi nghỉ hưu.
Không chỉ nổi tiếng ở trong nước, truyện ngắn Lê Minh Khuê đã được dịch sang tiếng Anh, xuất bản ở Mỹ. Tập truyện ngắn Những bi kịch nhỏ đã được dịch ra tiếng Đức và đoạt giải thưởng xuất bản sách tại Hội chợ sách Frankfurt. Giải thưởng văn học mang tên Byeong Ju Lee của Hàn Quốc cũng được trao cho cho tập truyện ngắn Những ngôi sao, trái đất, dòng sông của Lê Minh Khuê.
Bởi những đóng góp quý giá trong lĩnh vực văn chương nghệ thuật, bà nhận được nhiều giải thưởng quan trọng như Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1987 cho tác phẩm Một chiều xa thành phố, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2001 cho tác phẩm Trong làn gió heo may, Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2012 và Giải thưởng Thành tựu trọn đời cho văn học.
Quan điểm sáng tác và phong cách nghệ thuật của nhà văn
Nhà văn Lê Minh Khuê đến với văn chương từ sớm và trong suốt những năm tháng cuộc đời mình, bà luôn say sưa ghi chép lại tất cả những biến động trong cuộc sống, truyền tải những thông điệp giản dị qua bao sáng tác của mình.
Đối với nhà văn, viết chính là giãi bày những suy nghĩ, cảm xúc bất chợt ùa về trong tâm hồn, là đề cập tới nhiều trăn trở nơi khối óc.
“Nhà văn thế hệ trước viết dưới một ánh sáng vĩnh cửu. Họ nghĩ đến một sự khẳng định, một vị trí tất yếu trong tương lai. Còn mình, chỉ viết cho giây phút này, cho ngày hôm nay. Viết cũng như là sống vậy. Biết ngày mai người ta có đọc mình hay không ? Nhà văn trước kia có thể viết rồi cất vào ngăn kéo và hy vọng giá trị của nó trong tương lai. Còn mình viết ra, chỉ mong có bạn bè thân thiết, con mình đọc, tại thời điểm này, là thắng rồi. Làm sao bắt số đông phải quan tâm đến mình được?”
– Lê Minh Khuê
Theo nhà văn, công việc viết lách bắt nguồn từ nhu cầu tự thân, khi tác giả mang trong mình khát khao được bày tỏ những rung động trong cuộc sống mà họ quan sát được. Không chỉ vậy, Lê Minh Khuê còn ý thức được rằng văn chương còn là sự sáng tạo không ngừng nghỉ của mỗi cá nhân, mang đậm dấu ấn riêng của người viết.
“Tôi quan niệm văn chương phải mang dấu ấn của người viết. Mỗi nhà văn phải có ngôn ngữ giọng điệu riêng không lẫn với người nào càng tốt. Mỗi khi viết tôi chú trọng chi tiết, cách nói năng, cách ứng xử của nhân vật, không để nó quá là “của mình” – nghĩa là nhà văn và nhân vật phải có khoảng cách. Nhân vật sống đời sống của nó, nhà văn đứng ở xa quan sát. Tạo được cách viết này cũng là tạo được một phong cách.”
– Lê Minh Khuê
Đến với những tác phẩm của Lê Minh Khuê, độc giả không chỉ được khám phá một thế giới nghệ thuật phong phú, đặc sắc mà còn thấy được chính bản thân ở trong chính những chi tiết nhỏ mà nhà văn dày công sáng tạo nên.
Một nhà văn chân chính phải đặt con người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, nhờ đó phát hiện ra những điều sâu kín trong tâm hồn mỗi người. Quan trọng hơn cả, đó là văn chương cần làm rõ mối quan hệ giữa người với người, tìm ra những mặt tốt đẹp, những điều xấu xa, hèn mọn trong từng cá nhân, sau đó hướng độc giả đến những giá trị trong sáng hơn.
Chính nhà văn Lê Minh Khuê đã giản dị, khiêm nhường cho rằng bức tranh cuộc sống trong những tác phẩm của bà chỉ đơn giản là tái hiện lại cuộc sống của những người thân thiết mà thôi. Tuy vậy, nhà văn vẫn luôn cố gắng đề cao ước mơ quý giá trong văn chương là sáng tác vì con người và dựa trên mối quan hệ giữa người với người,
“Tôi muốn người đọc đọc tác phẩm của mình thấy được trong cái hiện thực trần trụi vẫn có hơi hướng lãng mạn. Và đâu đó vẫn tồn tại những tính cách nguyên thủy nhất để con người không bị đẩy lùi về phía bóng tối.”
– Lê Minh Khuê
Đọc truyện ngắn của Lê Minh Khuê, dù khốc liệt, gai góc đến đâu nhưng độc giả vẫn có thể cảm nhận được sự nữ tính, nhẹ nhàng trong từng tác phẩm, một dấu ấn đã làm nên tên tuổi nhà văn.
Trong những tác phẩm viết về chiến tranh, ta thấy được một trái tim giàu lòng trắc ẩn, sự nhạy cảm của người phụ nữ qua từng câu chữ. Lê Minh Khuê không nhìn nhận chiến tranh một cách thô ráp và trần trụi mà đối với nhà văn, cuộc chiến là phông nền làm lấp lánh hơn những phẩm giá quý báu, những tình cảm thiêng liêng của con người.
Bằng lối viết nhẹ nhàng mà đầy khắc khoải, những dòng văn của Lê Minh Khuê tuy giản dị nhưng chứa đựng trong đó biết bao ân tình đẹp đẽ.
Lê Minh Khuê và nỗi khắc khoải về một thời đạn bom
Trong kháng chiến chống Mỹ, nhà văn Lê Minh Khuê đã thực hiện sứ mệnh của người cầm bút không biết mệt mỏi, miệt mài phản ánh hiện thực chiến tranh đầy gian khó và không quên ngợi ca những tấm lòng yêu nước thủy chung.
Trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ, chiến tranh trong tâm khảm của nhà văn Lê Minh Khuê là những hồi ức không thể nào quên, nơi gắn liền với bao kỉ niệm dù đau thương mà vẫn đẹp đẽ vô ngần.
Sớm tham gia vào cuộc chiến, cô gái chưa tròn đôi mươi ngày đó đã gói ghém đủ những yêu thương, trong sáng của tuổi trẻ vào những dòng văn của mình, cho dù có biết bao khốc liệt, đau thương.
Bởi lẽ đó, những năm tháng thanh xuân cũng là một chủ đề thường xuyên xuất hiện trong những tác phẩm của Lê Minh Khuê, khi những người trẻ tuổi tạm gác sau lưng tình yêu, sự đơn thuần để hết lòng hy sinh cho Tổ quốc. Dẫu vậy, trong huyết quản của họ vẫn tràn ngập tinh thần lạc quan cùng sự hồn nhiên, hóm hỉnh được hòa vào lòng yêu nước bất hủ.
“Tôi luôn cho rằng, tuổi trẻ là khoảng thời gian quý giá nhất mà ông trời ban cho mỗi người, bao nhiêu tiền cũng không thể đánh đổi. Tôi cũng viết rất nhiều về tuổi trẻ, cả thời chiến và hậu chiến, câu chuyện về những người trẻ với trái tim nhiệt huyết, sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh, đó là vẻ đẹp của mọi thời đại.”
– Lê Minh Khuê
Không ít lần, qua trang sách của nhà văn viết về chiến tranh, độc giả được gặp gỡ những nhân vật trẻ trung, vui tươi và tràn đầy sức sống. Họ là hiện thân cho cả một thế hệ thanh niên thời chống Mỹ, có lòng yêu nước sâu sắc và luôn đầy nhiệt huyết.
Trong tác phẩm Những ngôi sao xa xôi, một trong những truyện ngắn xuất sắc về chiến tranh, nhà văn đã kể câu chuyện xoanh quanh ba cô gái Phương ĐỊnh, Nho và Thao. Dù mỗi người một vẻ nhưng điểm chung của họ là luôn yêu đời, khao khát hạnh phúc cùng nét thanh xuân chưa bao giờ bị khuất lấp bởi khói đạn.
Đặc biệt, câu chuyện được dẫn dắt bằng ngôi thứ nhất bởi nhân vật trung tâm Phương ĐỊnh, khiến độc giả không khỏi liên tưởng đến chính nhà văn Lê Minh Khuê trong những năm tháng trẻ tuổi chiến đấu dọc dãy Trường Sơn.
Chính bản thân Lê Minh Khuê cũng từng có lần chia sẻ rằng bà đã gửi gắm vào nhân vật Phương Định biết bao tâm tư ngày trẻ, dù là giữa hoàn cảnh hiểm nghèo hay trong những giờ phút hạnh phúc.
“Phương Định là một phần của tôi thời son trẻ, hồi đó còn ít tuổi, mới 19, 20, người ta yêu bản thân, có cá tính và đâu đó, dáng vóc, cách hành xử của Phương Định là tôi của thường ngày. Tuy không thể giống hoàn toàn nhưng cũng có chút nào đó.”
– Lê Minh Khuê
Đọc những tác phẩm của Lê Minh Khuê, độc giả như được thấy lại bức tranh kháng chiến đầy gian khó và vĩ đại của dân tộc. Ở đó có những con người không tiếc xuân xanh, thậm chí là cả tính mạng, chỉ một lòng hướng về Tổ quốc thân yêu.
“Trong Những ngôi sao xa xôi, Phương Định biết cô có thể chết bất cứ lúc nào, mỗi lần phá bom là một lần đánh cược với tính mạng. Nhưng cô không sợ, cô quyết “không đi khom” vì rất có thể các anh cao xạ sẽ nhìn thấy.
Thanh xuân ấy còn là những sở thích trẻ trung, Nho thích thêu thùa, chị Thao hay hát và chép bài hát, Phương Định thích ngắm mình trong gương. Họ thích thú, ngạc nhiên, đùa giỡn như những đứa trẻ khi lần đầu chứng kiến mưa đá trong rừng.”
– Lê Minh Khuê
Thế nhưng, Lê Minh Khuê còn đầy tinh tế và ý nhị, khi khai thác tâm lý những cô gái đôi mươi ở những điều tưởng chừng như quá đơn giản, gần gũi. Trong điều kiện gian khó ấy, họ vẫn giữ được nét nữ tính, đơn thuần của tuổi trẻ. Đó chính là biểu hiện cao hơn cả của sự lạc quan, khi con người không đánh mất chính mình trong cuộc sống gian khó.
Sau trùng trùng hiểm nguy, khung cảnh khốc liệt của chiến tranh vẫn được làm dịu lại bởi niềm lạc quan, yêu đời điểm xuyết vào từng câu chữ như những đóa hoa nở giữa trời đông giá buốt. Bởi lẽ ấy, người đọc càng được tiếp thêm niềm tin và sức mạnh để vươn tới tương lai tốt đẹp hơn.
Lê Minh Khuê cũng những trang văn hiện thực sắc sảo
Nhà văn Lê Minh Khuê là một tác giả luôn gắn bó với hiện thực xã hội, đồng thời đề cao giá trị nhân văn trong những hoàn cảnh khắc nghiệt của cuộc sống. Tạm xa đề tài chiến tranh, sau năm 1975, Lê Minh Khuê bắt đầu hành trình mới đi tìm bản ngã con người trong xã hội.
“Nhà văn không hề ảo tưởng về cuộc sống, vì thế chị không quay lưng lại với những nỗi đau nhân thế. Với ý thức viết về cái ác cũng là sự thức tỉnh nhân tính, Lê Minh Khuê đã dám dấn thân, hòa nhập với những thân phận đang chìm dưới đáy sâu của xã hội…”.
– Cao Thị Hồng
Bằng ngòi bút sắc sảo, gai góc, nhà văn đã bám sát những biển chuyển dù là nhỏ nhất của xã hội và tâm lí nhân vật. Những lát cắt cuộc sống trong tác phẩm của bà luôn muôn màu, muôn vẻ, ở đó có những người sa ngã vào bước đường cùng, cũng có nhiều người vẫn giữ gìn được phẩm hạnh cao đẹp.
Nhà văn không bao giờ để những tác phẩm của hình trở nên lỗi thời so với dòng chảy của xã hội. Bà nhìn thấy được trong cuộc sống hiện đại vẫn còn rải rác bao nỗi đau khổ, bức bối. Đặc biệt những tác phẩm bà viết về thời hậu chiến, khi đất nước chuyển mình mạnh mẽ, bên cạnh những thay đổi tốt đẹp vẫn còn đó những vấn đề nhức nhối.
Đó là niềm trăn trở của một người cầm bút khi đứng trước những giá trị truyền thống của dân tộc dần dần bị xói mòn, con người dần rời xa khỏi cộng đồng và không còn sống để yêu thương.
“Tác phẩm thời hậu chiến của bà quan tâm đến hậu quả chiến tranh đối với đất nước mình, những vấn đề sau khi thống nhất đất nước, sự nghèo đói và tình trạng xói mòn văn hóa và tinh thần khi đất nước chuyển đổi sang một xã hội tiêu thụ. Những vấn đề này được thể hiện bằng một văn phong đẹp, chua xót và trang nghiêm”.
– Hội đồng giải thưởng Byeong-ju Lee
Nhà văn tỉ mỉ khắc họa từng chi tiết trong đời sống, thấu hiểu tâm lý từng nhân vật, làm sao cho mỗi tác phẩm của mình đều là một bức tranh cuộc sống đáng suy ngẫm. Mỗi số phận trong sáng tác của Lê Minh Khuê đều gây được ấn tượng khó phai với người đọc, vừa là một điểm sáng vừa là nét buồn vương.
“Khuê là một người đàn bà thấu thị, nhìn sự vật, chiến tranh bằng con mắt xuyên thấu. Và ở dưới đó âm ỉ một tấm lòng nồng nhiệt, giống như tro trấu – ở dưới rất nhiều lửa nhưng nó không cất lên một ngọn lửa mà cứ âm ỉ thôi. Và điều đó là thành công nhất của chị Khuê. Và yêu cầu một cách đọc mới.”
– Nguyễn Thị Minh Thái
Qua lối viết đầy ấn tượng, không những dịu dàng, nữ tính mà còn mang nét sắc sảo đặc trưng, nhà văn Lê Minh Khuê đã đem đến cho văn học Việt Nam một luồng gió mới trẻ trung và sâu sắc. Với cái nhìn thấu suốt về số phận con người, nhà văn Lê Minh Khuê đã giúp người đọc nhìn thế giới qua một lăng kính thật khác, dù muộn phiền nhưng cũng không vơi bớt tình yêu và niềm hy vọng.
Bởi lẽ ấy, giọng điệu tâm tình cùng những thông điệp nhân văn trong những tác phẩm của bà vẫn luôn đưa đẩy bao tâm hồn độc giả yêu văn chương về với giá trị đích thực của cuộc sống, tiếp thêm cho ta niềm tin vào con người dù ở bất cứ hoàn cảnh nào.
Tuệ Anh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất