Nhắc tới Singapore, người ta sẽ nghĩ ngay tới một đảo quốc sư tử vừa hiện đại, năng động vừa mang đậm nét văn hóa truyền thống với nhiều công trình kiến trúc độc đáo, các lễ hội đặc sắc và một nền ẩm thực phong phú.
Và không thể không nhắc đến Lý Quang Diệu, vị thủ tướng đầu tiên và vĩ đại nhất của quốc gia này là người đã vượt qua mọi khó khăn đưa Singapore từ một quốc đảo nhỏ bé vươn lên trở thành một trong “Bốn con hổ châu Á”.
Singapore đã từng là thuộc địa của Anh Quốc, bị Nhật Bản chiếm đóng trong Thế chiến thứ hai, giành được độc lập và hợp nhất với các cựu lãnh thổ khác của Anh Quốc để hình thành Malaysia. Tuy nhiên hai năm sau, Singapore bị trục xuất khỏi Malaysia và trở thành một quốc gia riêng biệt, bước đầu chịu hậu quả hết sức nặng nề.
Lý Quang Diệu là thế hệ thứ 4 của gia tộc di dân
Ông (Lee Kuan Yew) chào đời trong một nhà lều rộng và thoáng tại số 92 đường Kampong Java, Singapore và tháng 9 năm 1923. Bố Lý Quang Diệu là Lý Tiến Khôn, mẹ là Thái Nhận Nương, ngoài ông còn hai anh em và một em gái khác, trong hồi kí có viết ông là thế hệ thứ tư định cư tại Singapore.
Thời bấy giờ, Singapore là thuộc địa của Anh Quốc nên Lý Quang Diệu mang quốc tịch Anh, tiếng Anh cũng là tiếng mẹ đẻ của ông. Ngay từ khi còn bé, nền văn hóa của đất nước đó đã có ảnh hưởng đậm nét trên Lý, một phần là do ông nội đã cho các con trai của mình tiếp thu nền giáo dục này.
Ông nội Lý Vân Long là một đại phú giàu có nhưng sau ảnh hưởng của cuộc Đại khủng hoảng tài sản của gia đình bị tiêu tán khiến cha ông, Lý Tiến Khôn trở thành một chủ cửa hiệu nghèo. Tuy nhiên bốn anh em Lý Quang Diệu vẫn được học hành tử tế.
Lý Quang Diệu theo học tại trường tiểu học Telok Kurau, ông cũng mô tả trong khoảng thời gian đó thành tích học tập của mình không có gì nổi bật.
Sau đó Lý Quang Diệu theo học Học viện Raffles, ông đã phải nỗ lực hết mình để theo kịp vì tại đây có tới 150 học viên đứng đầu toàn Singapore.
Lý Quang Diệu đã vào được top đầu và tham gia phong trào hướng đạo trong ba năm, đồng thời chơi các hoạt động thể dục thể thao như tennis, cricket, hay tham dự các buổi thảo luận của học viện.
Sau này Lý Quang Diệu vừa sang Anh du lịch vừa học tập tại đây nhưng thế chiến thứ hai bùng nổ đã gián đoạn sự nghiệp học hỏi của ông. Anh Quốc bị khủng hoảng, thất bại trước Nhật Bản, tháng hai năm 1945, Lý Quang Diệu bị vây bắt và suýt chết trong vụ thảm sát.
Đã có khoảng năm mươi nghìn tới một trăm nghìn người chết trong cuộc thảm sát này, việc Anh không ngăn chăn các vụ thảm sát là bằng chứng cho thấy Singapore cần phải tự đứng lên giành độc lập cho chính mình.
Trong những năm tháng khó khăn của đất nước, Lý Quang Diệu đã bắt đầu học tiếng Hán và tiếng Nhật từ năm 1942, ông làm việc với người Nhật trong công việc của một người ghi chép những bức điện báo của phe Đồng Minh, cũng như biên tập bản tiếng Anh cho tờ Hodobu (thuộc ban thông tin tuyên truyền của người Nhật) từ năm 1943 đến năm 1944.
Ngoài ra, trong suốt thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Singapore, Lý Quang Diệu còn vận hành hiệu quả những thương vụ chợ đen tiêu thụ một loại keo tapioca gọi là Stikfas.
Sau chiến tranh, ông theo học luật tại Đại học Fitzwilliam, Đại học Cambridge tại Anh Quốc và trong một thời gian ngắn, theo học tại Trường Kinh tế London.
Năm 1949, Lý Quang Diệu trở về Singapore hành nghề luật sư trong một công ty luật của John Laycock. Jonh là một nhà tiên phong trong các hoạt động đa chủng tộc, người cùng với A.P. Rajah và C.C. Tan, thành lập câu lạc bộ đa chủng đầu tiên tại Singapore, thâu nhận người châu Á.
Ngày 30 tháng 9 năm 1950, Lý Quang Diệu kết hôn với Kha Ngọc Chi, một học giả xuất sắc người Singapore, cả hai đều sử dụng tiếng Anh như là ngôn ngữ mẹ đẻ. Sau kết hôn, họ có hai con trai và một con gái.
Lý Quang Diệu do không sõi tiếng Trung Quốc nên đã bắt đầu học tiếng Hán vào năm 1955 ở độ tuổi 32. Ông Diệu lúc trưởng thành mới bắt đầu học tiếng và làm phiên dịch cho người Nhật trong khoảng thời gian Singapore bị Nhật Bản chiếm đóng.
Lý Quang Diệu trở thành thủ tướng đầu tiên và vĩ đại nhất của Singapore
Ngày mùng 9 tháng 8 năm 1965, Quốc hội Malaysia biểu quyết thông qua nghị quyết cắt đứt quan hệ với tiểu bang Singapore, như vậy nước Cộng hoà Singapore được hình thành.
Tân quốc không có tài nguyên thiên nhiên, không có nguồn nước và khả năng quốc phòng thì hết sức nhỏ bé. Nay Lý Quang Diệu phải đứng ra gánh vác trọng trách xây dựng đảo quốc mới vừa được khai sinh này.
“Đối với tôi, đây là một khoảnh khắc đau thương. Suốt cuộc đời tôi, suốt cuộc đời trưởng thành của tôi, tôi luôn tin tưởng vào sự kết hợp và thống nhất của hai vùng lãnh thổ…
Ngay lúc này, tôi, Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore, nhân danh nhân dân và chính quyền Singapore, tuyên bố rằng kể từ hôm nay, ngày 9 tháng 8 năm 1965, Singapore sẽ vĩnh viễn là một quốc gia độc lập, dân chủ với đầy đủ chủ quyền, lập nền trên những nguyên lý của quyền tự do và công bằng hầu mưu tìm phúc lợi và hạnh phúc cho nhân dân đang sinh sống trong một xã hội tối hảo, công bằng và bình đẳng.”
Trong quyển hồi ký của mình, Lý Quang Diệu nói rằng ông không thể ngủ ngon và ngã bệnh sau ngày Singapore độc lập. Sau khi nghe Cao uỷ John Robb tường trình về hoàn cảnh của Lý Quang Diệu, Thủ tướng Anh Harold Wilson bày tỏ những quan ngại của mình và nhận được phúc đáp của Lý Quang Diệu:
“Đừng lo cho Singapore. Đồng sự của tôi và tôi là những người tỉnh táo và chừng mực, ngay cả trong thời điểm đau buồn này. Chúng tôi sẽ cân nhắc mọi hệ lụy có thể xảy ra khi quyết định cho bất cứ động thái nào trên bàn cờ chính trị…”
Lý Quang Diệu khởi sự tìm kiếm sự công nhận của quốc tế cho quốc gia Singapore độc lập. Ngày 21 tháng 9 năm 1965, Singapore gia nhập Liên Hiệp Quốc và ngày 8 tháng 8 năm 1967, gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Vì Singapore chưa bao giờ có một nền văn hoá chủ đạo để dân nhập cư có thể hoà nhập, cũng không có một ngôn ngữ chung, trong hai thập niên 1970 và 1980, cùng với các nỗ lực từ chính phủ và đảng cầm quyền, Lý Quang Diệu cố gắng kiến tạo một bản sắc chung cho Singapore.
Lý Quang Diệu và chính quyền luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của chủ trương bao dung tôn giáo và hoà hợp chủng tộc, sẵn sàng sử dụng luật pháp để chống lại bất kỳ hiểm hoạ nào có thể kích hoạt bạo động tôn giáo và chủng tộc.
Điển hình, Lý Quang Diệu đã cảnh cáo “việc truyền bá phúc âm một cách thiếu nhạy cảm” khi đề cập đến những trường hợp các tín hữu Cơ Đốc chia sẻ đức tin của mình cho người Mã Lai (tuyệt đại đa số theo Hồi giáo). Năm 1974, chính phủ khuyến cáo Thánh Kinh Hội Singapore nên ngưng xuất bản các ấn phẩm tôn giáo bằng tiếng Mã Lai.
Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước dưới cương vị là một vị Thủ tướng, nhờ những chính sách về an ninh, kinh tế, xã hội của Lý Quang Diệu đã biến Singapore từ một quốc gia nghèo nàn, dễ bị tổn thương trở nên hùng mạnh và giàu có.
Trong quá trình kiến thiết đất nước, tài nguyên duy nhất của Singapore là con người
Tách rời khỏi Malaysia là một thiệt hại nặng nề giáng vào nền kinh tế của Singapore khiến khó khăn chồng chất khó khăn, khi quân đội Anh triệt thoái làm mất thêm hơn năm mươi nghìn chỗ làm.
“Singapore không phải là một đất nước tự nhiên mà do con người tạo nên. Chúng tôi thừa hưởng hòn đảo không có phần nội địa, một trái tim không thể xác”
Thay vì phá hủy các cơ sở quân sự (nhà xưởng, đóng tàu…) theo như luật của nước Anh và nhận sự hỗ trợ từ nước ngoài, Lý Quang Diệu đã chuyển đổi chúng trở thành các khu công nghiệp, địa điểm du lịch, căn cứ quân sự phục vụ cho mục đích dân sự. Cùng với sự tư vấn của tiến sĩ, Albert Winsemius, Lý Quang Diệu dẫn đưa Singapore vào con đường công nghiệp hoá.
“Thế giới không ai nợ nần chúng ta. Chúng ta không thể cầm bát đi ăn mày để sống”
Lý Quang Diệu thẳng thừng từ chối những khoản viện trợ nước ngoài để kích thích ý chí của nhân dân, ông bỏ qua các nước châu Á láng giềng để mời gọi sự đầu tư của các nước phương Tây. Chính những hành động quyết liệt, đột phá và khác biệt như vậy đã tạo nên thành công của Singapore, cũng chính là thành công của vị thủ tướng tài ba.
Ông Lý đặc biệt chú trọng tới lĩnh vực giáo dục. Ông chọn tiếng Anh là ngôn ngữ chung và là ngôn ngữ công sở của quốc gia, đồng thời vẫn công nhận tiếng Trung, tiếng Mã Lai và tiếng Tamil là ngôn ngữ chính thức.
Trong thời đại công nghiệp hóa hiện đại hóa toàn cầu như hiện nay, việc sử dụng được tiếng Anh và dùng ngôn ngữ này để tiếp cận với văn minh nhân loại là điều thật sự thiết thực.
Lý Quang Diệu đã sáng suốt đưa người dân của mình tiến tới xã hội công nghệ hiện đại gần hơn rất nhiều. Ông vẫn luôn khẳng định vai trò tối quan trọng của nền giáo dục, xây dựng nên một nhà nước vú em, thúc giục sinh viên đại học sinh con, phạt những người nào đi vệ sinh không xả nước bồn cầu cùng nhiều chính sách thiết thực khác.
Ông đã tạo ra được một nhà nước có tỉ lệ tham nhũng thấp nhất cùng những trường công lập đứng top đầu trên toàn thế giới.
Ông vẫn luôn bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với Việt Nam, đặc biệt là Sài Gòn. Ông đã từng nói:
“Sài Gòn có thể làm được những gì Singapore đã làm… Nếu nhìn vào Sài Gòn và Singapore vào năm 1954, ai đó có thể nói Singapore là thứ vứt đi, không phải Sài Gòn”
Tất cả những quy định hà khắc của Lý Quang Diệu đã khiến nhiều quốc gia lên án rằng Singapore đã can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng tư của người dân. Nhưng ông Lý vẫn luôn kiên định với đường lối lãnh đạo của mình và nói nếu không có những qui định ấy, sẽ không có Singapore ngày hôm nay.
Bộ hồi kí để đời và sức ảnh hưởng của Lý Quang Diệu sau khi rời ghế thủ tướng
Ông giữ chức vụ Thủ tướng trong 31 năm và quyết định nghỉ hưu, bàn giao lại cho con trai của Ngô Tác Đống, con trai của Ngô Khánh Thụy vào ngày 28 tháng 11 năm 1990.
Trong quá trình Ngô Tác Đống làm Thủ tướng, Lý Quang Diệu vẫn tiếp tục duy trì vai trò của mình dưới cương vị bộ trưởng cao cấp và đưa ra những tư vấn. Trước công chúng, ông vẫn nhắc tới Ngô như là “thủ tướng của tôi” để bày tỏ thái độ tôn trọng dành cho thẩm quyền của Ngô.
Tuy nhiên, quan điểm của ông vẫn được lắng nghe trong công luận và trong các buổi họp nội các. Lý Quang Diệu vẫn có tầm ảnh hưởng đặc biệt to lớn trên đảo quốc này và cũng sẵn lòng sử dụng ảnh hưởng ấy khi cần thiết, như ông đã phát biểu trong ngày Quốc khánh năm 1988:
“Ngay cả khi nằm trên giường bệnh, ngay cả khi các bạn đem tôi đi mai táng, nếu tôi nhận thấy đang xảy ra một điều gì sai trái, tôi sẽ ngồi dậy ngay”
Ngày 12 tháng 8 năm 2004, Ngô Tác Đống rút lui để bàn giao chức vụ thủ tướng cho Lý Hiển Long, con trai đầu của Lý Quang Diệu. Ngô trở thành bộ trưởng cao cấp và ông Lý đảm nhiệm một chức vụ mới được thành lập: Bộ trưởng Cố vấn.
Mặc dù có những phản đối và suy nghĩ trái chiều nhưng Lý Quang Diệu kiên quyết để con trai mình quyết định những vấn đề liên quan mật thiết tới đất nước. Tuy vậy, ông vẫn đặc biệt quan tâm đến vấn đề giáo dục và bày tỏ sự quan ngại trước tình hình suy giảm tiếng Hoa phổ thông trong giới trẻ Singapore.
Trong một bài diễn văn đọc trước quốc hội, ông nói: “Người Singapore cần phải học để thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Hoa phổ thông”. Sau đó, vào tháng 1 năm 2005, ông cho xúc tiến một chương trình truyền hình gọi là 华语 Cool!, trong nỗ lực thu hút giới trẻ đến với tiếng Hoa phổ thông.
“Chúng ta cần những nhà lãnh đạo là những người có tầm nhìn xa và rộng, có đầu óc minh mẫn và phóng khoáng, có khả năng nắm bắt cơ hội như chúng ta đã làm… Nhiệm vụ của tôi là tìm ra người kế nhiệm xứng đáng. Tôi đã tìm ra họ, và họ đang ở đây; bây giờ đến lượt họ phải tìm ra người kế nhiệm cho mình. Như thế cần có sự liên tục tìm kiếm và đào tạo những nhà lãnh đạo có năng lực, chân thật, tận tụy và tài năng, là những người làm việc không phải vì mình, mà vì nhân dân và đất nước.”
Lý Quang Diệu vẫn luôn được biết đến với cương vị Thủ tướng đầu tiên của Singapore nhưng không chỉ vậy, ông còn là một nhà văn đại tài. Tất cả những trải nghiệm, đương đầu với bao sóng gió của cuộc đời được Lý Quang Diệu chuyển thể hết thành bộ hồi kí gồm hai quyển Câu Chuyện Singapore và Từ Thế Giới Thứ Ba Vươn Lên Thứ Nhất.
Bộ sách kể về câu chuyện phát triển của Singapore, từ một quốc gia thuộc thế giới thứ ba với tài nguyên nghèo nàn, kinh tế yếu kém và xã hội lạc hậu, dưới sự chèo lái của Chính phủ do nguyên Thủ tướng Lý Quang Diệu lãnh đạo, đã vươn lên trở thành một trong những trung tâm tài chính quốc tế hàng đầu.
Tập một Câu chuyện Singapore là những góc nhìn của ông về lịch sử đất nước cho đến khi tách rời khỏi Malaysia. Xuyên suốt cuốn sách, bối cảnh của Singapore thời bấy giờ được định hình rõ nét qua mạch tư duy của Lý Quang Diệu. Được viết vào năm 1994 và xuất bản năm 1998, ông Lý dẫn dắt người đọc bước qua từng khung bậc cuộc đời của mình.
Từ một chàng thanh niên bôn ba nơi đất khách quê người, may mắn thoát chết trong một trận khủng hoảng, chuyện tình cảm động với người vợ Kha Ngọc Chi tới những bước đi theo hoài bão của ông Lý: những kết giao cùng những mối quan hệ mới, từng bước thâm nhập chính trường, học cách đối nhân xử thế, xây dựng đảng, chèo chống đất nước vượt qua những khó khăn.
Tập một kết thức ở giai đoạn Singapore tách khỏi Malaysia, trở thành một quốc gia riêng biệt và tuyên bố độc lập vào năm 1965. Cuốn sách không chỉ giúp người đọc định hình được một Singapore từng bước lớn mạnh như thế nào mà còn giúp hình dung được bối cảnh thế giới lúc bấy giờ.
Tuy nhiên do giới hạn nội dung còn hạn chế, những khía cạnh về con người Lý Quang Diệu chỉ được thể hiện qua các khía cạnh lịch sử, chính trị khiến những người không hiểu rõ về chúng có thể gây khó hiểu.
Dù vậy, tập một vẫn mở ra được những kiến thức hoàn toàn kì diệu về đằng sau của một đất nước hiện đại như ngày nay.
Giải quyết những vấn đề của tập một, tập hai Từ thế giới thứ ba vươn lên thế giới thứ nhất được viết bằng những gì chân thành, gần gũi nhất của ông Lý và được xuất bản năm 1999.
Cuốn sách hé lộ những ghi chú tỉ mẩn của ông, những hồ sơ mật chưa được hé lộ, sự nỗ lực phi thường và những tư duy táo bạo đễ dẫn dắt, duy trì sự ổn định Singapore tới ngày nay.
“Nhờ có cuộc chiến ở Việt Nam mà các nước như Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, Singapore… có thời gian củng cố lại nền chính trị của mình, vì nếu lúc đó miền Bắc thống nhất Việt Nam sớm, Trung Quốc không cần đưa quân xâm chiếm Đông Nam Á nữa, các Đảng Cộng Sản ở các nước sẽ vùng lên mạnh mẽ, vì lúc đó hình mẫu thành công của Đảng Cộng Sản ở Trung Quốc đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các Đảng Cộng sản ở các nước khác, một chiến thắng nữa ở Việt Nam là rất nguy hiểm. Do vậy, các định chế tài chính hiện giờ ở Đông Nam Á phần lớn đều là nhờ xương máu của nhân dân Việt Nam”.
(Hồi ký Lý Quang Diệu tập hai – Từ thế giới thứ ba vươn lên thế giới thứ nhất)
Nếu tập một có phần khô khan và gây khó hiểu cho người đọc thì tập hai hoàn toàn gây hấp dẫn bằng mạch cảm xúc của Lý Quang Diệu, cách ông đưa ra hướng giải quyết vấn đề cùng những chính sách hợp lý, thuyết phục.
Củng cố được dòng tư duy từ tập một sang tập hai, cùng giọng văn mạch lạc, đanh thép, mang tính lí luận sâu sắc, Lý Quang Diệu đã thể hiện một góc nhìn của ông về những sự kiện lịch sử, các vấn đề liên quan mật thiết đến sự phát triển của quốc gia như chính trị, kinh tế, các tệ nạn xã hội, văn hóa dân tộc.
Bộ sách hồi ký Lý Quang Diệu không đơn thuần chỉ kể về một vị lãnh đạo tài ba, nó còn khiến người đọc hiểu được sự phồn thịnh của một quốc gia phụ thuộc vào tầm nhìn của người đứng đầu xa rộng tới mức nào, lòng kiên định và nỗ lực đến cùng để đạt được đỉnh cao vĩ đại.
Một bộ sách đáng đọc với tất cả mọi người. Đọc, lĩnh hội những điều trong hồi ký viết để hiểu hơn, hỏi hỏi và xây dựng một đất nước giàu mạnh.
Cả một đời, trọn một tình yêu
Những năm cuối đời, vợ của ông Lý, bà Kha Ngọc Chi lâm trọng bệnh và suy giảm trí nhớ phải nằm liệt giường. Đích thân ông đã chăm sóc vợ hàng ngày, đọc cho bà nghe những bài thơ bà thích nghe để bà dễ ngủ.
Ông kể cho bà về những công việc ông làm hằng ngày và đã bền bỉ chăm sóc bà tới những giây phút cuối cùng mà không phụ thuộc
“Bà ấy hiểu những gì tôi tâm sự với bà ấy mỗi đêm. Bà ấy thức để nghe tôi nói. Tôi kể cho bà ấy nghe về những công việc ban ngày, đọc cho bà ấy nghe những bài thơ bà ấy thích.”
Ngày bà Kha Ngọc Chi qua đời, có tới hàng ngàn người tới dự và viếng thăm lễ tăng của bà.
Lần cuối cùng Lý Quang Diệu xuất hiện trước công chúng là khi ông tham dự lễ kỉ niệm 49 năm Quốc Khánh Singapore vào năm 2019 khi ông đã ngoài 90 tuổi. Lý Quang Diệu qua đời vào ngày 23 tháng 3 năm 2015 tại bệnh viện đa khoa Singapore, hưởng thọ 91 tuổi.
Tổng thống Obama đã gọi ông là Người khổng lồ thực sự khi nghe tin Lý Quang Diệu mất. Di sản mà ông Lý đã để lại cho Singapore quá lớn với những dấu ấn đậm nét trong mọi sắc thái của kinh tế, chính trị, đời sống xã hội.
Ông đã dành cả cuộc đời để chiến đấu vì một đất nước Singapore độc lập, hùng mạnh và phồn thịnh.
Tất cả những người dân Singapore vẫn luôn nhắc tới Lý Quang Diệu bằng tất cả những gì tôn trọng và biết ơn nhất. Ông không chỉ là một vị thủ tướng vĩ đại, mà còn là một con người đại diện cho sự táo bạo, tài giỏi và dũng cảm nhất.
Thùy Lam
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất