Nguyễn Quang Thiều là một trong những cái tên lớn của nền văn học Việt Nam thời hiện đại. Với phong cách sáng tạo độc đáo, đậm màu sắc ma mị, ông trở thành hiện tượng văn chương đáng chú ý đã làm xao động cộng đồng người yêu văn chương và giới chuyên môn.
Nguyễn Quang Thiều là người nghệ sĩ đa tài
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều sinh năm 1957 ở Hoàng Dương (Làng Chùa), xã Sơn Công, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông là nhà thơ hiện đại của Việt Nam với nhiều cách tân độc đáo trong hình thức sáng tác.
Bên cạnh đó ông còn vô cùng đa tài khi sáng tác văn xuôi, vẽ tranh và viết báo chuyên nghiệp. Nguyễn Quang Thiều từng có mười lăm năm cộng tác với báo Văn nghệ. Ông còn cùng nhà văn, trung tướng công an Hữu Ước sáng lập nên hai tờ báo là An Ninh Thế giới cuối tháng và Cảnh sát toàn cầu.
Gần đây nhất, triển lãm Người thổi sáo của ông đã thu hút sự quan tâm lớn của giới chuyên môn lẫn những người yêu nghệ thuật. Dù chỉ là kẻ đi ngang qua cánh đồng hội họa nhưng các tác phẩm của ông vẫn được đánh giá có cá tính mạnh với dụng ý đảo lộn không gian độc đáo. Ở lĩnh vực nào, Nguyễn Quang Thiều cũng để lại nhiều dấu ấn.
Hiện tại, nhà thơ đang giữ chức Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam kiêm Phó Tổng thư ký thứ nhất Hội nhà văn Á-Phi và tiếp tục có những đóng góp to lớn cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam cũng như thế giới.
Đến nay, Nguyễn Quang Thiều đã xuất bản được bảy tập thơ, mười lăm tập văn xuôi và ba tập sách dịch. Suốt sự nghiệp sáng tác, ông đã được trao tặng hơn hai mươi giải thưởng văn học trong và ngoài nước. Đồng thời, thơ ông cũng được dịch để xuất bản tại nhiều nước khác nhau.
Nổi bật có tập thơ đầu tay Sự mất ngủ của lửa giành được giải A ở giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam năm 1993 và tập Người đàn bà gánh nước (tựa đề bản Anh ngữ là The women carry water) được University of Massachusetts Press xuất bản năm 1997, một năm sau thì được The National Translation Association of America trao giải thưởng.
Con đường đến với văn chương
Không như Trần Đăng Khoa đã viết thơ đăng báo từ năm tám tuổi, Nguyễn Quang Thiều là một trong những trường hợp bắt đầu với thơ ca khá muộn, khi ông đã hai mươi lăm. Thế nhưng, bắt đầu sau không có nghĩa là ông chưa từng viết và sáng tạo.
Có mẹ là bà giáo làng nên ngay từ nhỏ, Nguyễn Quang Thiều đã kế thừa niềm say mê học tập. Ông học giỏi cả môn tự nhiên và xã hội. Riêng với môn văn, điểm số của ông gặp nhiều chênh lệch khi có bài đạt đến điểm mười nhưng cũng có bài chỉ được có hai.
Suốt quá trình trưởng thành, ông chăm đọc sách, học ngoại ngữ và trau dồi tư duy nghệ thuật. Sau khi tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ khoa tiếng Anh, Nguyễn Quang Thiều làm việc và học tiếp tiếng Tây Ban Nha ở Cu Ba. Nhà văn đã đi qua hơn 50 quốc gia, có những nước ông đã trở lại thăm viếng nhiều lần.
Ở mỗi hành trình, ông tiếp xúc với nhiều văn nghệ sĩ, những người từng đoạt giải Pulitzer hay ứng cử viên Nobel. Các buổi đọc sách, trò chuyện với họ đã bồi đắp thêm vốn sống, giúp ông tiếp cận với nền nghệ thuật thế giới mạnh mẽ hơn, từ đó thơ ca ông mang đậm tinh thần đương đại và xác lập một giọng điệu mới trong dòng chảy văn chương dân tộc.
Không gian nông thôn trong các tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều
Tuổi thơ gắn bó với không gian nông thôn thanh bình ở làng Chùa đã trở thành nguồn cảm hứng lớn để Nguyễn Quang Thiều cho ra đời nhiều sáng tác đặc sắc. Từ văn xuôi đến thơ ca, ở lĩnh vực nào ta cũng thấy dáng hình làng quê Hà Tây thấp thoáng ẩn hiện. Dưới ngòi bút tài hoa của mình, ông đã miêu tả thiên nhiên đẹp bình dị, yên ả, đầy âm thanh và màu sắc.
Bên cạnh đó, tình nghĩa của con người thôn quê cùng những phong tục, tập quán truyền thống cũng hiện lên chân thực và sinh động trong các tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều. Với nhà văn, không gian nguồn cội ẩn chứa sự tinh khiết đầy thiêng liêng và mang khả năng chữa lành tâm hồn.
Điển hình như trong truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông, không gian làng quê nên thơ đã khiến cô thiếu nữ tên Chinh đắm say ngay từ cái nhìn đầu tiên và gợi lên niềm ao ước được rời khỏi không gian tù hãm của con thuyền lênh đênh để neo đậu lại vùng đất ấy.
Chính vẻ đẹp của miền quê cũng đã đánh thức con tim, se duyên cho chuyện tình giữa Chinh và Thao bên bến sông rực rỡ hoa cải vàng. Không dừng lại ở đôi tình nhân trong Mùa hoa cải bên sông, các nhân vật khác của Nguyễn Quang Thiều cũng chan chứa tình yêu với thiên nhiên, muông thú và nhờ vậy mà tâm hồn họ được tạo hóa chở che.
“Một buổi sáng thức dậy ra mạn thuyền vo gạo, cô bỗng thấy trên bãi sông Bến Chùa, một thảm màu vàng tươi, một màu vàng xôn xao, ấm áp ùa vào mắt cô. Hoa cải gặp gió ấm đêm qua đã bung nở. Mỗi khi có ngọn gió chạy qua, cả bãi hoa vàng rợn lên như sóng.”
– Mùa hoa cải bên sông
Cùng với văn xuôi, những vần thơ do Nguyễn Quang Thiều chắp bút cũng hiện lên trong kỳ ức đẹp đẽ về làng Chùa và đặc biệt là kỉ niệm với dòng sông quê hương, sông Đáy. Đó là con sông hiền hòa và đắm thắm như người mẹ, đã nuôi dưỡng bao lứa con thơ cùng vạn vật cỏ cây.
“Sông Đáy chảy vào đời tôi
Như mẹ tôi gánh nặng rẽ vào ngõ sau mỗi buổi chiều đi làm về vất vả
Tôi dụi mặt vào lưng người đẫm mồ hôi mát một mảnh sông đêm
Năm tháng sống xa quê tôi như người bước hụt
Cơn mơ vang lên tiếng cá quẫy tuột câu như một tiếng nấc”– Sông Đáy
Vì yêu làng Chùa tha thiết nên khi chứng kiến hồn quê bị nhịp sống thị thành xâm lấn, tàn phá nhà thơ đã trăn trở khôn nguôi. Ông đau xót trước cảnh thiên nhiên héo mòn bởi kỷ nguyên đô thị hóa, công nghiệp hóa và dự cảm về việc con người đánh mất giá trị tinh thần thiêng liêng trong thế giới hiện đại.
“Ngoài kia, những cánh đồng đắng cay vì bệnh tật kéo dài
Hoàng hôn xấu xí
Ngũ cốc đang ngập mình bởi cơn ho hóa chất sặc mùi.”– Lời cầu nguyện
Không gian nông thôn hiện lên trong các tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều với hai mặt đối lập. Những khung cảnh tươi đẹp và đời sống hài hòa đã vỗ về con người xa xứ bao năm, nay đang bị đe dọa bởi chuyển biến nhanh chóng của thời đại.
Hành trình cách tân thơ của Nguyễn Quang Thiều
Với tập thơ Sự mất ngủ của lửa, Nguyễn Quang Thiều đã mở đường cho sự cách tân mạnh mẽ trong nền văn học việt nam sau 1975 và những tác phẩm kế tiếp như Nhịp điệu châu thổ mới (1997), Bài ca những con chim đêm (1999) hay Cây ánh sáng (2009) tiếp tục thúc đẩy sự ra đời của những thi ảnh khác biệt.
Ông tạo nên những trường liên tưởng lạ, ngỡ như không liên quan mà lại có thể cộng hưởng để đẩy cảm xúc lên đến cao trào. Các hình ảnh trong thơ ông không tĩnh tại mà liên tục dãn nở, chuyển động nhanh khác hẳn với các quy luật cũ.
Lối viết thơ của Nguyễn Quang Thiều khiến ta nghĩ đến các thủ pháp của trào lưu hiện đại như siêu thực, tượng trưng hay biểu hiện nhưng ta hoàn toàn không thể xếp ông vào riêng lẻ một trường phái nào. Vì nhà thơ đã kết hợp tài tình và tạo nên nhiều điểm đột phá trên sự kế thừa thành tựu của người đi trước.
Nguyễn Quang Thiều sáng tác về nhiều đề tài với những cách biểu hiện khác nhau và nhiều cung bậc cảm xúc vượt khỏi phạm vi cảm hứng hiện thực hay siêu thực. Ông không mô phỏng, sao chép đời sống để viết thành những vần thơ đầy ẩn ý.
Thay vào đó, Chủ tịch Hội nhà văn ưa thích bày tỏ thái độ thẳng thắn và trực diện nhằm lý giải chính xác bản chất của đối tượng. Hiện thực trong thơ Nguyễn Quang Thiều hiện lên phức tạp và đa diện, từ mặt người, mặt ma quỷ, mặt súc vật đến mặt gỗ.
Những vần thơ có độ kịch tính đặc trưng để khắc họa xung đột dữ dội giữa các thiện và cái ác. Hai mảng màu sáng tối ấy vừa giằng co để làm bá chủ vừa khao khát muốn đồng hóa nhau.
“Một con rắn rúc vào đám tóc anh và nằm phục cái lưỡi anh lộ ra
nó muốn giết anh khi đơn âm đầu tiên của anh phát nổ.”
– Hoa tiêu
Bên cạnh những yếu tố trên, tính truyện và ngôn ngữ kể gần với ngôn ngữ đời sống vốn ít xuất hiện trong thơ Việt trước đó cũng là một dấu ấn của thơ Nguyễn Quang Thiều. Ông viết mà như nói, nói một cách nghệ thuật.
Chính sự sáng tạo độc đáo trong hình thức sáng tác đã giúp các bài thơ của ông vượt qua khỏi khuôn khổ của vần điệu để tự do bộc lộ vẻ đẹp độc nhất. Ta có thể thấy rõ đặc tính này thông qua tập thơ Sự mất ngủ của lửa.
“Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ
Người họ bọc kín bởi những lớp vải nâu và đen…”
– Trên đại lộ
Trong dòng thơ cách tân sau năm 1975, cách nói tỉnh táo và sắc lạnh với ngôn ngữ đầy tính phân tích là điểm nổi bật được thể hiện rõ nét, mang đậm phong cách riêng của nhà thơ. Sự bình tĩnh của Nguyễn Quang Thiều đã đưa người đọc đến những điều cốt lõi, đối diện với mặt trái của đời sống và thấy được những ung nhọt sâu trong từng cơ thể.
Nguồn cảm hứng cho kịch nghệ và điện ảnh
Không chỉ thổi lên làn gió mới cho nền văn học, các tác phẩm của Nguyễn Quang Thiều còn gợi cảm hứng lớn cho các đạo diễn, diễn viên và giới kịch nghệ. Trong đó, nổi bật có tiểu thuyết Kẻ ám sát cánh đồng được hãng phim truyền hình Việt Nam dựng thành bộ phim Chuyện làng Nhô phát sóng phổ biến trên VTV những năm 1998.
Kẻ ám sát cánh đồng ra đời dựa trên vụ chống đối chính quyền gây chấn động dư luận của Trịnh Văn Khải ở tỉnh Hà Nam vào năm 1992. Thời điểm đó, Khải đang làm giảng viên tại Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam.
Vì làng Lạc Nhuế của mình bị cắt đất khi thực hiện chế độ khoán ruộng đất, ông đã đứng lên lãnh đạo dân làng lập thành lũy, tạo thành pháo đài để chống đối chính quyền địa phương.
Tính chất nguy hiểm của hành động này đã lên đến đỉnh điểm khi dân làng đánh chết hai người thanh niên cùng huyện vào làng để mua cá giống ngay tại nhà Trịnh Văn Khải và sau đó giữ xác họ nhiều ngày hòng đòi tiền chuộc theo chỉ thị của ông.
Cùng với Kẻ ám sát cánh đồng, truyện ngắn Mùa hoa cải bên sông cũng được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim Lời nguyền của dòng sông, giành Huy chương Vàng Liên hoan Phim truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho biết, khi đạo diễn Khải Hưng hỏi ông Chủ khảo Liên hoan Phim vì sao ông trao giải cao nhất cho bộ phim đó thì ông ta trả lời.
“Vì nó rất Việt Nam. Nó là của dân tộc anh”
Nguyễn Quang Thiều luôn đứng giữa những sự tranh cãi
Ngay từ những lần đầu tiên thơ ông được đưa ra đánh giá tại các cuộc thi thơ thì Nguyễn Quang Thiều đã tạo nên làn sóng những tranh luận trong giới chuyên môn, từ cuộc thi thơ của báo văn nghệ quân đội năm 1983 đến việc trao giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam cho Sự mất ngủ của lửa mười năm sau đó.
Xuyên suốt những năm tháng miệt mài sáng tác và cách tân thơ ca, cái tên Nguyễn Quang Thiều vẫn luôn là chủ đề nóng hổi trên văn đàn, người khen rất nhiều và những ý kiến chê bai cũng không ít.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, vị tiền bối đã sát cánh bên ông từ thời làm việc ở báo Văn nghệ, trân trọng và công nhận những đóng góp của Nguyễn Quang Thiều trong công cuộc cách tân thơ ca dân tộc. Tác giả Sang thu biết những lối đi mới bao giờ cũng khiến người ta hoài nghi nhưng ông luôn tin vào tài năng của Nguyễn Quang Thiều.
“Nguyễn Quang Thiều đã tạo ra một trường thẩm mỹ cho riêng mình, khước từ mọi ước lệ, khước từ mọi véo von nhễ nhại. Khước từ mọi du dương quen cũ. Nguyễn Quang Thiều huy động tối đa những ngẫu nhiên.”
– Nhà thơ Hữu Thỉnh
Cùng với Hữu Thỉnh, nhà thơ Mai Văn Phấn, hội viên Hội nhà văn cũng dành nhiều sự khen ngợi cho sự độc đáo và mới lạ mà Nguyễn Quang Thiếu mang đến cho thơ ca.
“Trước năm 1975, những tìm kiếm để đạt tới lối biểu đạt mới và hiệu quả mới trong tư tưởng thi ca, rất phức tạp, đến nay còn chưa có sự khảo sát, nghiên cứu và đánh giá xác đáng, đầy đủ. Sau năm 1975, giữa lúc đội ngũ đông đảo các nhà thơ trong nước còn mơ hồ, ngờ hoặc về yêu cầu cách tân thơ, thì tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Nxb. Lao động, 1992) đã cất tiếng nói khẳng định, đặt dấu mốc quan trọng khai mở dòng chảy thi ca cách tân trở về sau.”
Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen, Nguyễn Quang Thiều cũng nhận lại không ít những lời chất vấn, chỉ trích và sự hoài nghi. Đặc biệt, nhà phê bình Trần Mạnh Hảo và Đỗ Hoàng là những người có ý kiến phủ nhận Nguyễn Quang Thiều vô cùng đanh thép.
Đỗ Hoàng đã viết một bài dài về thơ Nguyễn Quang Thiều in trên tạp chí Nhà văn & Tác phẩm số ba mươi bảy của tháng chín và tháng mười năm 2019.
“Vô lối của Thiều rất đại ngôn, sáo rỗng, lắm lời, nhiều chữ. Chưa ai đụng đến đã: khóc, rên, đói, nhức, nhói, than, la, khát, thèm, nấc, run, tứa máu, ước muốn… vả ước muốn làm tình (có dấu hiệu hiếp dâm) nhan nhản trong các trang viết của Thiều.”
– Nhà phê bình văn học Đỗ Hoàng
Trong khi đó, nhà phê bình Trần Mạnh Hảo còn gửi cả một bài tham luận đồ sộ cho hội thảo Nguyễn Quang Thiều trong sự đổi mới thơ Việt Nam đương đại do Viện Văn học tổ chức vào năm 2012 để tỏ rõ lập trường của mình.
“Thi pháp Nguyễn Quang Thiều là thi pháp phản truyền thống: truyền thống cho thơ phải đa nghĩa thì ông Thiều quyết làm thơ đơn nghĩa; truyền thống cho thơ phải kiệm lời thì thơ ông Thiều rất lắm lời; truyền thống cho thơ phải hàm súc thì ông Thiều làm loài thơ lạnh tanh, xóa mọi hàm ngôn ( tâm hồn lạnh tanh máu cá/ nhiệt tình xuống quá độ âm – Chế Lan Viên); truyền thống cho thơ phải êm tai, phải có nhạc tính thì thơ ông Thiều chủ trương phải gắt như mắm tôm; truyền thống cho thơ phải có âm dương điều hòa trong ngữ nghĩa thì ông Thiều chủ trương thơ phải độc âm hay độc dương”
– Nhà phê bình văn học Trần Mạnh Hảo
Mỗi nhà thơ với những góc nhìn và cách tiếp cận đã đưa ra những đánh giá rất khác nhau về Nguyễn Quang Thiều. Cuộc tranh luận của nghệ thuật không phải là nút thắt có thể dễ dàng tháo gỡ.
Tài năng Nguyễn Quang Thiều thực sự đến đâu và những sáng tác của ông có giá trị thế nào. Nghi vấn đó chỉ có thể được hồi đáp bởi sự lựa chọn huyền diệu và công bằng của bạn đọc muôn thế hệ.
Dù còn nhiều bàn luận nhưng không thể phủ nhận nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có nhiều đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà. Hiện nay với tư cách là Chủ tịch Hội nhà văn, ông được kỳ vọng sẽ thăng hoa nhiều hơn nữa trong sự nghiệp và nâng đỡ thế hệ ngòi bút trẻ mạnh dạn bộc lộ màu sắc cá nhân để cùng làm phong phú dòng chảy văn học dân tộc.
Hạnh Vi
Hanh Vi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất