Văn học có thể xem như một đường may tinh tế trên tấm lụa văn hóa Trung Hoa, những tác phẩm kinh điển cũng như các nhà văn, nhà thơ vĩ đại đã góp một phần công sức rất lớn trong việc nâng cao những tinh hoa văn hoá nước nhà, trong đó không thể không nhắc đến Quách Mạt Nhược.
Ông là một nhà thơ vĩ đại của Trung Hoa và cũng là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho thể loại thơ hiện đại của đất nước này.
Tuy nhiên cuộc đời của nhà thơ cũng gắn liền với không ít những điều tiếng và biến cố, đặc biệt là ở những năm tháng cuối đời.
Quách Mạt Nhược và những cống hiến to lớn cho nước nhà
Nhà thơ sinh năm 1892 tại huyện Lạc Sơn, tỉnh Tứ Xuyên thuộc phía Tây Nam Trung Quốc với tên thật Quách Khai Trinh, tự Đỉnh Đường.
Ông là nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà sử học kiêm cả chính trị gia, mặc dù nổi tiếng với thi ca nhưng tài năng của Quách Mạt Nhược còn nổi bật vượt trội ở rất nhiều phương diện khác bởi những nghiên cứu và đóng góp to lớn của ông.
Nhà thơ đã để lại cho đời sau rất nhiều tư liệu bổ ích về văn tự cổ, những nghiên cứu của ông được lưu truyền rộng rãi trong xã hội ngày nay qua những tài liệu được ghi chép lại như Trung Quốc cổ đại xã hội nghiên cứu, Giáp cốt văn nghiên cứu hay Thập phê phán thư.
Đến với chính trị, Quách Mạt Nhược từng đảm nhiệm những vai trò rất quan trọng như Phó Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương chính trị Trung Quốc và Phó Thủ tướng Quốc vụ viện.
Ông cũng từng tham gia Hội đồng Hòa bình thế giới với vai trò Phó Chủ tịch, từ những đóng góp cho chính trị, nhà thơ đã được trao tặng giải thưởng hòa bình Lênin danh giá vào năm 1951.
Sau này, khi thành lập Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Quách Mạt Nhược giữ chức chủ tịch Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Trung Quốc và là viện trưởng đầu tiên Viện khoa học xã hội Trung Quốc, trước đó ông còn là hiệu trưởng Trường nghệ thuật mang tên Lỗ Tấn.
Mặc dù đã có những đóng góp to lớn với đất nước song Quách Mạt Nhược cũng vấp phải không ít những phê phán trong cuộc Cách mạng văn hóa của nước nhà.
Tuy nhiên lịch sử cũng không bỏ quên công lao của ông, đời sau vẫn biết đến Quách Mạt Nhược như một vĩ nhân của Trung Hoa.
Chuyện tình từ đau thương đến cảm động của một vĩ nhân
Quách Mạt Nhược được biết đến là một người có tư tưởng tiến bộ trong cả văn chương lẫn đời sống cá nhân trong thời đại mới, tuy nhiên dù tư tưởng có tiến bộ đến thế nào thì trong chuyện hôn nhân vẫn phải thuận theo sự sắp đặt của cha mẹ.
Năm ông hai mươi tuổi, khi đang đi học xa nhà thì nhận được thư của mẹ ở quê bảo đã kén cho Quách Mạt Nhược được một cô vợ hiền lành xinh đẹp, bà thúc giục ông nhanh chóng sắp xếp hành lý sớm về quê tổ chức hôn sự.
Quách Mạt Nhược khá mong đợi vào cuộc hôn nhân này bởi như mẹ đề cập trong thư thì cô dâu là một người đoan trang xinh đẹp lại am hiểu chữ nghĩa, cô rất được lòng cha mẹ chồng tương lai, điều này khiến cho ông dù không hài lòng về tuổi tác của vị hôn thê cũng nhanh chóng trở về để gặp mặt.
Vợ sắp cưới của Quách Mạt Nhược là con gái của nhà họ Trương, một gia đình trong thôn, cô tên Trương Quỳnh Hoa và lớn hơn vị hôn phu của mình hai tuổi. Sau khi được mẹ Quách đem sính lễ đến dạm hỏi, cô đã chấp nhận chuyện kết hôn với con trai bà dù chưa một lần gặp mặt.
Ngày hôn lễ, ngay khi nhìn thấy đôi chân bó nhỏ xíu dưới váy vợ mình, Quách Mạt Nhược đã vô cùng kinh hoảng và tức giận mà bỏ đi, ông để lại Trương Quỳnh Hoa với một hôn lễ lạnh lẽo không có chú rể mặc cho khách khứa đã tề tựu đông đủ để chung vui ngày hỉ.
Theo quan niệm của người Trung Hoa thời xưa, chân bó còn được gọi với tên Kim Liên Tam Thốn là biểu trưng cho hình ảnh của người phụ nữ đoan trang con nhà gia giáo.
Tuy nhiên Quách Mạt Nhược với một tư tưởng tiến bộ làm sao có thể chấp nhận được tập tục hủ lậu này, vì sợ làm tổn hại đến thanh danh của Quỳnh Hoa, ông không giải trừ hôn ước mà sau ngày hôn lễ liền kiên quyết thu xếp hành lý rời đi.
Trương Quỳnh Hoa mặc dù đau xót nhưng vẫn ở lại quê nhà phụng dưỡng cha mẹ chồng, cô là một người con dâu hết mực hiếu thuận. Cho đến khi cha mình gần mất, Quách Mạt Nhược mới một lần về thăm quê cũ nhưng lần hồi hương này, ông lại dẫn theo Vu Lập Quân, người vợ hai của mình.
Cha Quách khi thấy con trai trở về với người phụ nữ khác liền chua xót nắm tay Trương Quỳnh Hoa mà rơi lệ, ông đau đớn tự trách nhà họ Quách đã làm lỡ làng đời một người con gái hiền lành.
Khi ấy, Quách Mạt Nhược trước ân tình của Quỳnh Hoa với gia đình mình đã cúi đầu cảm ơn và xin lỗi bà, đó là cái cúi đầu đầu tiên và duy nhất mà ông dành cho một người phụ nữ.
Sau này, khi nhà thơ cùng vợ hai đến Bắc Kinh để sinh sống, Trương Quỳnh Hoa đã có vài lần đến thăm chồng, vợ chồng họ Quách cũng đón tiếp bà vô cùng nồng nhiệt.
Khi Quỳnh Hoa về già, Quách Mạt Nhược đề nghị thuê bảo mẫu đến chăm sóc bà ở quê nhưng Quỳnh Hoa không đồng ý, bà chỉ cảm ơn rồi bảo chồng mình đừng lo lắng.
Trương Quỳnh Hoa qua đời ở tuổi chín mươi sau một quãng đời đơn độc, trước đó trong khoảng thời gian lâm bệnh nặng, hai người con gái của Quách Mạt Nhược và Vu Lập Quân đã về quê cha thăm bà.
Cả hai cô gái khi nhìn thấy Quỳnh Hoa đều nức nở gọi “mẹ ơi”, đó có lẽ là những câu từ cảm động nhất mà bà đã nghe trong suốt cuộc đời mình.
Trước cuộc đời cô đơn của Trương Quỳnh Hoa, Quách Mạt Nhược đã vô cùng ân hận và day dứt trong những năm tháng cuối đời, câu chuyện bi thương về người phụ nữ gần bảy mươi năm đơn độc cũng khiến rất nhiều người thương cảm và rơi lệ xót thương.
Quách Mạt Nhược và một đời thơ vĩ đại
Mặc dù có không ít dị nghị về cách hành xử của ông trong hôn nhân song người ta vẫn không thể phủ nhận những đóng góp của ông đối với Trung Hoa, Quách Mạt Nhược vừa là một vĩ nhân của đất nước vừa là một người cha hết mực yêu thương và bao dung con gái.
Sau khi nhà thơ qua đời, Quách Thái Anh, con gái ông đã cho xuất bản một cuốn hồi ký viết người người cha vĩ đại của mình.
Quách Mạt Nhược có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn học của Trung Hoa, đặc biệt là thi ca, ông là một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho thể loại thơ hiện đại của nước nhà, phá vỡ tất cả những quy tắc phức tạp của thơ cổ mà để cho thi sĩ có thể tự do ngôn luận bày tỏ cảm xúc của mình.
Nói đến Quách Mạt Nhược chắc hẳn phải kể đến tập thơ Nữ Thần, tác phẩm đầu tay và nổi tiếng nhất của nhà thơ.
“Ôi! Nữ thần !
Người hãy đi tìm những con người đầy xúc động như ta
Người hãy đi tìm những ai đang như ta cháy bỏng
Người hãy tới với những người trẻ tuổi đáng yêu
Khơi động tâm hồn họ
Thắp sáng ngọn lửa trong tim óc họ !”
– Trích từ tập thơ Nữ thần
Chính tập thơ này đã làm nên tên tuổi của Quách Mạt Nhược trong văn đàn lúc bấy giờ và cũng là ngòi châm làm bùng lên một thời đại thi ca huy hoàng của Trung Hoa về sau.
Quách Mạt Nhược còn để lại rất nhiều bài thơ nổi tiếng khác, tuy không xuất sắc bằng Nữ thần nhưng cũng có thể xem là danh tác của thi ca như Biệt ly, Khúc ca đau thương nơi Hoàng Hải hay Thiếu niên ưu hoạn.
“Thiếu niên ưu hoạn thâm thương hải
Huyết lãng bài hung lệ dục lưu.
Vạn sự thỉnh tùng ngôi thuỷ nhĩ,
Thần châu thị ngã ngã thần châu.”
– Trích bài thơ Thiếu niên ưu hoạn.
Tuy nhiên, ở những năm tháng cuối đời vì tư tưởng sùng bái Mao Trạch Đông một cách mù quáng và cực đoan, Quách Mạt Nhược bị đánh giá thấp ở một số tác phẩm cũng như vấp phải không ít định kiến từ dư luận Trung Hoa lúc bấy giờ.
Trải qua một cuộc đời từ huy hoàng đến lụi tàn, Quách Mạt Nhược vẫn được xếp vào bậc vĩ nhân bởi những đóng góp to lớn của ông đối với nước nhà, nhà thơ có thể nói là một nhân tài hiếm có của Trung Hoa nói riêng và thế giới nói chung.
Diệu Uyển
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất