Sinh trưởng trong thời kỳ đất nước lâm vào cảnh lầm than của chiến tranh tàn khốc, Tố Hữu đã chứng kiến bao nỗi khổ đau nhân dân phải chịu dưới ách thống trị của thực dân phong kiến ngay từ thuở nhỏ.

Chính cảnh nước mất nhà tan và bao áp bức, bất công ấy đã hun đúc nên tấm lòng kiên trung với tổ quốc cùng hồn thơ vĩ đại của người nghệ sĩ tài hoa.

Tố Hữu và hồn thơ được nuôi dưỡng ngay từ thuở ấu thơ

Nhà thơ tên thật là Nguyễn Kim Thành, quê ở làng Phù Lai thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế ngày nay, ông là con út trong một gia đình nhà Nho nghèo nhưng có truyền thống hiếu học và yêu nước.

Cha Tố Hữu xuất thân là một nhà Nho song con đường thi cử không thuận lợi, tuy nhiên ông lại là người yêu thích sưu tầm thơ ca, ngay từ thuở nhỏ, Tố Hữu đã được tiếp xúc với rất nhiều thể loại thơ qua sự chỉ dạy của cha.

Tố Hữu là nhà thơ lớn của dòng thơ cách mạng
Tố Hữu là nhà thơ lớn của dòng thơ cách mạng

Có thể nói, hồn thơ cách mạng đanh thép của ông đã được khơi nguồn ngay trong những năm tháng ấu thơ từ chính gia đình của mình. Đến năm mười hai tuổi, mẹ nhà thơ qua đời, ông đã được chuyển đến học ở Trường Quốc Học Huế ngay sau đó một năm.

Ở đây, Tố Hữu đã được tiếp xúc với rất nhiều luồng tư tưởng mới mẻ từ các đại văn hào khắp nơi trên thế giới như Maxim Gorky,  Friedrich Engels, Vladimir Ilyich Lenin cùng nhiều tác giả khác.

Đồng thời thông qua sách báo cùng những lời tuyên truyền của Đảng cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ, Tố Hữu đã sớm có giác ngộ cách mạng, ông tham gia vào Đoàn thanh niên dân chủ Đông Dương vào năm 1936 và được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương hai năm sau đó.

Trong khoảng thời gian này, Tố Hữu đã cho ra đời những tác phẩm đầu tay và được in trên các báo văn nghệ, tuy nhiên, gắn với nghiệp bút nghiêng chưa được bao lâu thì ông bị địch bắt nhốt và đày đi khắp nơi từ Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn đến Đắc Lắc.

Mặc dù sống trong cảnh lao tù nhưng tâm hồn Tố Hữu vẫn luôn tràn đầy nhiệt huyết và niềm tin với cách mạng, ông đã viết thơ động viên tinh thần cho những chiến sĩ khác cũng phải chịu cảnh tù đày như mình.

Mỗi bài thơ của Tố Hữu như ánh sáng chiếu rọi vào nơi ngục sâu tăm tối, giúp cho các đồng đội có thêm hy vọng về ngày được thoát khỏi lao tù của quân thù.

Tố Hữu là người chiến sĩ kiên trung với tổ quốc
Tố Hữu là người chiến sĩ kiên trung với tổ quốc

Đến mùa xuân năm 1942, nhà thơ tìm cách vượt ngục Đắc Giêi đến Thanh Hóa và bắt liên lạc với Đảng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lớn sắp bùng nổ. Vào năm 1945, khi Cách mạng Tháng Tám được châm ngòi, Tố Hữu đã được Đảng tin tưởng bầu làm Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa Thừa Thiên – Huế.

Tố Hữu là người chiến sĩ kiên trung với tổ quốc

Gắn mình với cách mạng và thơ ca suốt hơn bảy mươi năm cuộc đời, Tố Hữu được mệnh danh là ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam, có thể nói, nhà thơ đã dùng chính ngòi bút tài hoa của mình để vẽ nên một lịch sử chiến đấu vẻ vang của dân tộc qua các mặt trận.

Trong những năm tháng gian truân của chiến tranh, Tố Hữu luôn là một trong những người chiến sĩ xung phong có mặt nơi tiền tuyến, ông cùng các đồng chí khác đã xây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở miền Trung và cũng là người dùng ngòi bút của mình để thổi lên chí khí của đồng bào cả nước.

Tháng tám năm 1945, nhận được sự chỉ đạo từ chính quyền Trung ương, Tố Hữu đã cùng các đồng đội là Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Duy Trinh thành lập Ủy ban khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám và chuẩn bị cho cuộc kháng chiến sắp tới.

Người chiến sĩ tài hoa dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu với kẻ thù
Người chiến sĩ tài hoa dùng ngòi bút làm vũ khí chiến đấu với kẻ thù

Dưới sự chỉ đạo tài tình của Tố Hữu cùng các thành viên Tỉnh ủy, cuộc khởi nghĩa đã giành thắng lợi vẻ vang, thành công làm chủ được chính quyền ở Huế, nơi bộ máy tối cao của cố vấn Nhật đóng quân.

Sau đó, trong hai cuộc chiến trường kỳ giành lại độc lập cho đất nước, nhà thơ luôn là chiến sĩ tiên phong trong mọi mặt trận, dùng ngòi bút làm vũ khí, viết nên những bài thơ hào hùng cổ vũ tinh thần cho trăm ngàn chiến sĩ.

“Xẻ dọc Trường Sơn, đi cứu nước

Mà lòng phơi phới dậy tương lai!”

– Bài thơ theo chân Bác

Tố Hữu đã dành trọn cả cuộc đời mình để cống hiến cho Tổ quốc, ông một lòng hướng về độc lập nước nhà và đó cũng là ruột thơ trong cả sự nghiệp bút nghiêng của người thi sĩ.

Cây đại thụ trong làng thơ Việt Nam và những thi phẩm để đời

Có thể nói, thơ ca và cách mạng trong cuộc đời của Tố Hữu luôn có mối quan hệ mật thiết với nhau, khi thiếu đi một trong hai thì hồn thơ của người chiến sĩ kiên trung với Tổ quốc sẽ không còn trọn vẹn.

Sự giao thoa giữa thơ ca và lý tưởng cách mạng trong những thi phẩm của người nghệ sĩ tài hoa
Sự giao thoa giữa thơ ca và lý tưởng cách mạng trong những thi phẩm của người nghệ sĩ tài hoa

Không phải lẽ tự nhiên mà Tố Hữu được mệnh danh là ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam, với quan niệm “dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền”, ông đã dùng tài năng của mình để khích lệ tinh thần chiến đấu của nghĩa sĩ, khơi dậy lòng yêu nước của nhân dân, Tố Hữu đã dành cả sự nghiệp thơ ca của mình để cống hiến cho cách mạng.

 “Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi: “Trăm năm duyên kiếp: Đảng và Thơ.”

– Lời tự bạch của Tố Hữu trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại

Được mệnh danh là nhà thơ của cách mạng và nhân dân, trong các thi phẩm của Tố Hữu luôn chứa đựng chất thép nhưng không vì thế mà đánh mất đi sự mềm mại vốn có của thơ ca, bằng tài hoa của mình, nhà thơ đã dung hợp hài hòa giữa chữ tình và lý tưởng cách mạng.

“Khi đối diện phong trào Thơ mới đang thịnh hành, “Tố Hữu đứng trước hai con đường làm thơ: thơ lãng mạn cách mạng và thơ lãng mạn không cách mạng. Từ khi được Đảng giác ngộ: Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim, Tố Hữu đã bước vào con đường làm cách mạng và con đường làm thơ cách mạng.”

Xuân Diệu

Xuyên suốt các tập thơ Từ ấy, Việt Bắc, Ra trận, Một tiếng đờn và nhiều tác phẩm khác, người ta luôn tìm thấy điểm chung giữa các thi phẩm của Tố Hữu là lý tưởng cách mạng và tình yêu với đất nước, con người, điều này đã trở thành ruột thơ trong suốt sự nghiệp sáng tác của ông.

“Ai về ai có nhớ không?
Ngọn cờ đỏ thắm gió lồng cửa hang.
Nắng trưa rực rỡ sao vàng
Trung ương, Chính phủ luận bàn việc công
Điều quân chiến dịch thu đông
Nông thôn phát động, giao thông mở đường
Giữ đê, phòng hạn, thu lương
Gửi dao miền ngược, thêm trường các khu.”

– Việt Bắc

Ngoài ra, Tố Hữu còn được mệnh danh là người viết thơ về Bác Hồ hay nhất, những vần thơ của ông về vị lãnh tụ vĩ đại luôn chất chứa một niềm mến mộ sâu sắc, có thể nói, tình cảm mà Tố Hữu dành cho Bác được xem như là tình cảm đại biểu của toàn dân.

“Người là Cha, là Bác, là Anh

Trái tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ

 Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa mỗi nhành hoa.”

– Sáng tháng Năm

Đến năm bảy mươi của cuộc đời, Tố Hữu vẫn nồng nàn tấm lòng yêu nước và yêu thơ, đối với ông, cách mạng và thơ ca đã trở thành duyên kiếp trăm năm của mình.

Tố Hữu là ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam
Tố Hữu là ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam

Từ giã cõi trần vào tuổi tám mươi hai, nhà thơ của nhân dân đã để lại cho đời một di sản thơ ca đồ sộ, với tư cách của một người chiến sĩ và nghệ sĩ, Tố Hữu đã cống hiến hết mình cho đời, đến những giây phút cuối cùng, điều nhà thơ nghĩ đến vẫn là cho đi.

“Tạm biệt đời ta yêu quý nhất

Còn mấy dòng thơ, một nắm tro

Thơ gửi bạn đường. Tro bón đất

Sống là cho. Chết cũng là cho.”

Nhà thơ dù đã rời cõi trần đi về phía bên kia bầu trời nhưng tên tuổi ông vẫn luôn sống mãi với tháng năm, điều Tố Hữu để lại cho đất nước là cả cuộc đời mình, ông đã lặng lẽ chôn đời vào những trang thơ, để rồi khi nhắm mắt xuôi tay, cuộc đời ông vẫn còn mãi nhịp đập trong câu chữ.

Diệu Uyển