Mang bi thương nhuộm vào câu chữ, Trương Ái Linh là người dùng ngòi bút tài hoa của mình để thêu dệt nên xã hội Trung Hoa thời Dân Quốc, nơi tình yêu của những phận đời đáng thương bị thời thế loạn lạc làm cho chao đảo.
Những tác phẩm của nữ nhà văn là khúc đàn tịch mịch của đời thường giữa nhân gian khói lửa, ở đấy có ham muốn trần tục, có cái hư vô nơi bể đời mênh mang và có cả sự hoang vắng vô bờ của cuộc sống sau khi tình yêu khép lại bởi bi kịch.
Trương Ái Linh và duyên bút mực nảy nở giữa tuổi thơ thiếu thốn tình thương
Nữ nhà văn tên thật là Trương Anh, bà sinh trưởng trong một gia đình trâm anh thế phiệt bậc nhất thời bấy giờ, cả ông nội và ông ngoại đều là quan lớn trong triều đình nhà Thanh.
Vậy nhưng nhà văn lại phải trải qua một tuổi thơ không mấy êm ấm, cuộc hôn nhân được xem như môn đăng hộ đối của cha mẹ bà do sự sắp đặt từ gia đình chưa bao giờ hạnh phúc.
Sau một khoảng thời gian chung sống, giữa hai người dần hình thành những rạn nứt bởi tư tưởng và tính cách trái ngược nhau, điều này đã khiến cuộc hôn nhân của cha mẹ Trương Ái Linh rơi vào bế tắc.
Trương Quốc Chí cha bà sinh trưởng trong một gia đình nhà Nho thủ cựu mang nặng tư tưởng phong kiến cộng với bản tính phong lưu, ông sớm đã si mê người phụ nữ khác và muốn lập tam thế tứ thiếp để thỏa lòng ham mê nữ sắc của mình.
Ngược lại mẹ Trương Ái Linh là Hoàng Tố Quỳnh đã được tiếp xúc với nền văn minh của Phương Tây từ trước và luôn tự hào mình là người phụ nữ có tư tưởng tiến bộ, không bị gông cùm của những hủ tục lạc hậu thời phong kiến xiềng xích.
Vì vậy, việc Trương Quốc Chí nạp thiếp giống như một đòn đả kích chí mạng vào lòng tự tôn của bà, việc này đã đẩy cuộc hôn nhân đang lưng chừng trên bờ vực đổ vỡ hoàn toàn rạn nứt.
Không dừng lại ở đó, cha của Trương Ái Linh và người vợ hai còn trở thành nô lệ của bàn đèn, đó là tệ nạn thuốc phiện vô cùng nghiêm trọng của Trung Quốc lúc bấy giờ. Chán nản với cuộc hôn nhân bế tắc, Hoàng Tố Quỳnh quyết định dứt áo sang Anh sinh sống.
Cùng khoảng thời gian đó, cả nhà Trương Ái Linh cũng chuyển từ Thượng Hải đến Thiên Tân, mẹ của nhà văn từng về nước khuyên bảo chồng nhưng lời nói của bà chẳng thắng nổi tư tưởng thủ cựu cả đời Trương Quốc Chí mang nặng và cơn nghiện đã ngấm sâu vào người.
Bất lực trước cuộc hôn nhân đã đi vào ngõ cụt, Hoàng Tố Quỳnh quyết định ly hôn và không giành quyền nuôi con nên hai chị em Trương Ái Linh sống với cha nhưng sau đó không lâu, bà đã xảy ra xung đột với Trương Quốc Chí và mẹ kế, vì thế nhà văn đã chuyển đến sống với mẹ.
Mặc dù sống trong gia đình không mấy êm ấm nhưng từ rất sớm, Trương Ái Linh đã bộc lộ được tài năng văn chương của mình.
Chính cuốn tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng đọc năm mười tuổi đã đưa bà bén duyên với nghiệp bút nghiêng, đến năm mười hai tuổi, Trương Ái Linh viết cuốn tiểu thuyết ngắn đầu tay và rất nhiều bài đăng trên tạp san của trường khẳng định năng lực của bà.
Năm 1939, nhà văn nhận được học bổng toàn phần của đại học London nhưng không thể nhập học vì chiến tranh Trung – Nhật nổ ra, vậy nên bà quyết định đăng ký vào ngành văn học Anh ở đại học Hồng Kong để tiếp tục con đường học tập.
Đến năm 1941, khi chỉ còn một học kỳ nữa là khép lại ngày tháng ngồi trên ghế giảng đường của Trương Ái Linh thì Hồng Kong bị quân Nhật chiếm đóng, bà phải quay về Trung Quốc để tiếp tục chương trình nhưng lại gặp phải vấn đề tài chính nên buộc phải thôi học.
Tuy nhiên, may mắn đã mỉm cười với nhà văn khi bà gặp được biên tập viên nổi tiếng Chu Sấu Quyên vào năm 1943, bị những tác phẩm sâu sắc của Trương Ái Linh lay động, ông quyết định giúp đỡ bà thăng tiến trên con đường văn chương.
Nhờ có sự hậu thuẫn vững chắc của Chu Sấu Quyên, nhà văn đã cho ra đời không ít danh tác để đời và dần trở thành một cái tên được xếp vào hàng những tác giả nổi tiếng của Thượng Hải.
Một số tác văn phẩm đặc sắc của Trương Ái Linh như Khuynh Thành Chi Luyến, Sắc, giới hay Bán sinh duyên vẫn còn làm mưa làm gió đến ngày hôm nay.
“Một bậc thầy về truyện ngắn… Thế giới của Trương Ái Linh là một nơi chốn khắc nghiệt và u uẩn nơi con người đấu tranh để tìm thấy lối trong tình yêu nhưng thường thất bại dưới áp lực gia đình, truyền thống và tập tục.”
— The New Yorker
Trương Ái Linh dệt nỗi buồn sâu thẳm của đời vào từng câu chữ khiến thế giới được kiến tạo nên trong văn chương của bà bao giờ cũng mang một sắc màu u uất và đau buồn, đó là nơi mà bao phận đời đã cố gắng quẫy đạp để thoát khỏi gông cùm định kiến, tìm về với tình yêu chân chính nhưng bao giờ cũng kết thúc trong bi kịch.
Những văn phẩm của Trương Ái Linh là gương soi bóng cuộc đời của chính bà, các nhân vật được kiến tạo nên trong tiểu thuyết đều mang một phần tâm tính và khí chất của Trương Ái Linh nhưng đồng thời cũng phải gánh chịu bi kịch của ái tình.
Dù là Bạch Lưu Tô ở Khuynh Thành Chi Luyến hay Cố Mạn Trinh trong Bán sinh duyên đều không thoát khỏi bể khổ tình ái, hạnh phúc với các nhân vật này và cả Trương Ái Linh âu cũng chỉ là chiếc chăn quá hẹp.
Trót trao hương gửi ngọc nhầm người và bi kịch tình yêu mà Trương Ái Linh nhận lại
Cuộc đời mỗi người đều sẽ trải qua một vài mối tình, có thoáng qua nhẹ nhàng và cũng có khắc cốt ghi tâm, vậy nhưng điều bất hạnh nhất là trót trao hương gửi ngọc nhầm người để rồi nhận lại bao đau thương không cách nào xoa dịu, Trương Ái Linh đã đi qua một mối tình như thế.
Năm 1943, nhà văn kết hôn với Hồ Lan Thành, người lớn hơn bà cả thập kỷ và đã có một đời vợ trước cùng vô số nhân tình, cả hai tổ chức hôn lễ trong âm thầm và chỉ có người bạn thân của nhà văn là Fatima Mohideen tham dự hôn lễ.
Trương Ái Linh là tài nữ hào hoa xuất chúng còn Hồ Lan Thành lại là người đàn ông phong lưu vô hạn, ai cũng hiểu rõ ông là một vũng lầy mà khi vướng vào chỉ có tổn thương.
Vậy nhưng người lý trí và kiêu ngạo như nhà văn lại cố chấp tin vào duyên nợ này, bà chấp nhận một hôn lễ đơn điệu mà ngoài giấy kết hôn thì chẳng còn gì đáng giá.
“Tôi và Trương Ái Linh thế này, cũng đủ để thế gian nghĩ là tình cảm sâu như biển, cao như núi, thế nhưng núi cao biển sâu lại không thể đại diện cho chuyện nữ nhi tình trường. Hai người chúng tôi đều hiếm khi nghĩ đến chuyện kết hôn. Nhưng Anh Đệ lại ly hôn với tôi, nên tôi và Trương Ái Linh mới lấy nhau. Năm đó tôi ba mươi tám tuổi, cô ấy hai mươi bốn tuổi. Vì không muốn thời cuộc biến động sau này liên lụy đến cô ấy, nên tôi không nghĩ đến tổ chức hôn lễ sang trọng, mà chỉ viết giấy kết hôn làm chứng, viết rằng :’Hồ Lan Thành – Trương Ái Linh ký kết trọn đời, kết làm chồng vợ, nguyện khiến năm tháng tĩnh lặng, kiếp này bình yên.’ Hai câu trên là Trương Ái Linh soạn, hai câu dưới là tôi soạn, bên cạnh viết Viêm Anh là người làm chứng.”
– Nguyên văn lời của Hồ Lan Thành
Ông từng yêu Trương Ái Linh, đấy là sự thật không thể phủ nhận bởi cả hai đã có với nhau những tháng ngày đẹp đẽ, Hồ Lan Thành ngày ngày cùng bà đọc sách, ngâm thơ, sớm chiều ngắm mặt trời dần dần nhô lên rồi lặn xuống.
Vợ chồng hòa hợp như sắt cầm hòa tấu, sự gặp gỡ với Trương Ái Linh là điều kỳ diệu giúp cho Hồ Lan Thành có thể so dây chỉnh trục cây đàn của đời mình.
Ông yêu Trương Ái Linh nhưng tình yêu ấy lại không đủ lớn để chiến thắng bản tính phong lưu đã ngấm sâu vào xương máu, Hồ Lan Thành dần thay lòng đổi dạ sau một lần về vùng nông thôn Vũ Hán và đã cưới thêm người vợ hai mà không có một lời thông báo nào được gửi đến người vợ ở Thượng Hải của mình.
Trương Ái Linh bàng hoàng khi biết tin nhưng giờ đây bà đã chìm sâu vào tình ái, vậy nên nhà văn hết lần này đến lần khác dung túng cho sự phong lưu của chồng mình, kể cả khi ông đòi hỏi bà phải chăm sóc cho người vợ tư vừa mới phá thai.
Không dừng lại ở đó, khi kháng chiến chống Nhật ở Trung Quốc giành thắng lợi, trong lòng của nhân dân như có một quả bom lớn nổ ra kích thích sự phẫn nộ đối với những tên Hán gian.
Hồ Lan Thành là một trong những cái tên bị bêu rếu nhiều nhất cả trên báo chí và trong miệng đời, không chịu được áp lực từ dư luận, ông đã bỏ trốn và lúc nào cũng có người đẹp kề cạnh.
Trương Ái Linh trong những năm chồng bỏ đi đã chịu áp lực rất lớn từ mọi phía, bà gánh lấy tất cả điều tiếng và chỉ trích mà người đời mang lại với danh nghĩa là vợ của tên Hán gian vô liêm sỉ Hồ Lan Thành.
Trương Ái Linh chưa từng bán nước hay làm chuyện có lỗi với tổ quốc, vậy nhưng khi chính quyền hạch tội vẫn không một ai tin bà trong sạch.
Sự phẫn nộ của nhân dân cần nơi giải tỏa, Hồ Lan Thành đã bỏ trốn nên Trương Ái Linh phải gánh chịu tất cả, chỉ trong một thời gian ngắn, tài nữ bến Thượng Hải đã thân bại danh liệt vì tình yêu sai lầm của mình.
“Một năm sau kháng chiến chống Nhật, chị tôi có thể nói là mất tăm tích trên văn đàn Thượng Hải. Những báo chí ấn phẩm thường hẹn chị ấy giao bản thảo nay cũng đóng sập cửa, có người sợ bị gán cho tội danh Hán gian văn hóa, cũng không dám đòi bản thảo của chị ấy nữa. Chị ấy vốn kín tiếng, nhốt mình trong nhà trầm ngâm, đối với chị ấy mà nói không phải là khó chịu đựng nổi. Có điều cuộc hôn nhân với Hồ Lan Thành không được rõ ràng dứt khoát, có thể là nỗi giày vò sâu kín nhất trong thời gian đó của chị ấy.”
– Trương Tử Tĩnh — Em trai của Trương Ái Linh
Bao năm gây dựng sự nghiệp đều đổ biển, vậy mà trước bao lời luận tội vô căn cứ ấy, Trương Ái Linh lại không lên tiếng thanh minh và bà gần như biến mất hoàn toàn trong khoảng thời gian này.
Ngọn sóng của thời gian rồi sẽ rửa sạch mọi nỗi oan khiên nhưng lại không bao giờ xoa dịu được vết thương lòng mà tài nữ bến Thượng Hải phải gánh chịu, nỗi đau ấy sẽ đi theo bà cả cuộc đời.
Trương Ái Linh không sai, bà chỉ đặt tình yêu nhầm chỗ và điều ấy đã đẩy cuộc đời của người phụ nữ tài hoa này vào bế tắc.
Cái tên Hồ Lan Thành từng khiến Trương Ái Linh nặng lòng suốt ngần ấy năm nhưng cuối cùng dư vị còn đọng lại trong lòng bà về người chồng này lại là thống khổ, nỗi đau mà ông đem đến cho người phụ nữ kiêu bạc như Trương Ái Linh lớn đến nỗi dùng thời gian nửa kiếp người cũng không đủ nguôi ngoai.
Dứt lòng với người đàn ông này là điều may mắn nhất của nhà văn, trong cuốn sách Bởi vì thấu hiểu cho nên từ bi, Bạch Lạc Mai cũng từng viết qua về mối tình khắc cốt ghi tâm của Trương Ái Linh, sau tất cả những ngọt ngào thuở ban đầu thì kết cục nhận lại chỉ có đau thương.
Sau này, bà gặp được đạo diễn Tang Hồ, ông là một người chính trực và lương thiện hơn rất nhiều so với Hồ Lan Thành, đồng thời cũng không mang trong mình bản tính trăng hoa, bao điểm tốt ấy đã dần chiếm được cảm tình của Trương Ái Linh trong những lần cả hai làm việc chung.
Bà yêu Tang Hồ và cả ông cũng như thế nhưng cuối cùng tình cảm ấy lại chết yểu trong sự im lặng của hai người, Tang Hồ hiểu rõ mình chỉ là một chốn dừng chân tạm bợ của Trương Ái Linh sau bao tổn thương từ cuộc tình trước, chính nhà văn cũng hiểu rõ mình sẽ không mang lại được hạnh phúc êm đềm như khói bếp mà Tang Hồ mong muốn.
Hai người kết thúc trong bình lặng hoặc có thể nói họ chưa từng bắt đầu, tuy nhiên cảm giác ấm áp mà Tang Hồ mang lại đã mãi mãi in dấu trên trang văn của Trương Ái Linh.
Cuối cùng, bà chọn kết hôn với nhà biên kịch người Mỹ Ferdinand Reyher và đến New York sinh sống, sau bốn năm Trương Ái Linh mang quốc tịch Mỹ nhưng người chồng thứ hai của bà cũng mất không lâu sau đó, lần này nhà văn quyết định không đi thêm bước nữa và sống cô độc đến cuối đời.
Chuyện tình cảm của Trương Ái Linh là tấm gương soi chiếu lại hình ảnh cuộc hôn nhân của cha mẹ bà, chính những tổn thương sâu sắc về tình yêu mà từ bé phải chứng kiến đã hun đúc nên cái bi kịch trong văn chương của bà, không có cái kết có hậu nào dành cho những cuộc tình được Trương Ái Linh viết nên.
Tài nữ họ Trương và những văn phẩm được dệt nên từ nỗi buồn
Không phải lẽ tự nhiên mà Trương Ái Linh được mệnh danh là tài nữ thời Dân Quốc của Trung Hoa, những văn phẩm của bà đã có ảnh hưởng không nhỏ đến văn đàn thời bấy giờ và cả nền văn học của đất nước này về sau.
“Trương Ái Linh, một tiểu thuyết gia và cây bút truyện ngắn nổi tiếng – người đã mài sắc những nghiên cứu tâm lý đầy tinh tế và ngôn từ chuẩn xác đã được ca ngợi như một bậc kỳ tài của văn học Trung Quốc hiện đại.”
– New York Times
Hồ Lan Thành từng gọi Trương Ái Linh là hoa soi bóng nước thời Dân Quốc, gần như tất cả những điều về thời đại này đều được tìm thấy trong tác phẩm của bà.
Vậy nhưng Trương Ái Linh lại là người sống rất khép kín và gần như không giao lưu với xã hội phồn hoa bên ngoài, vốn sống phong phú nhà văn có được đều là những chuyện vô tình mà cuộc đời tự tìm đến, bà là một trong những nhà văn ít ỏi không đề cập đến chính trị trong văn chương của mình thời bấy giờ.
Trương Ái Linh dùng ngòi bút dịu dàng mà sắc sảo của mình vẽ nên những bức tranh của hiện thực một cách đầy lãng mạn, tình yêu tìm thấy trong câu chữ của bà nhuốm đầy chất thơ nhưng ẩn sâu bên trong vần điệu ấy là nỗi buồn khôn tả.
“Lúc sinh tử hay khi cách biệt, chẳng bỏ nhau lời quyết thệ rồi. ‘Cầm tay nàng hẹn mấy lời/Sống bên nhau mãi đến hồi già nua. Anh thấy đây là tình yêu đau buồn nhất, sống chết và ly biệt, đều là việc lớn mà chúng ta không thể quyết định được. So với sức mạnh của thế giới bên ngoài, con người chúng ta rất nhỏ bé, thực sự nhỏ bé! Nhưng ta vẫn nói rằng: Ta sẽ mãi mãi ở bên nhau – Đời này kiếp này không chia lìa – cứ như bản thân ta làm chủ được vậy.”
– Mối tình khuynh thành
Những lời hứa hẹn đong đầy chất tình như thế chẳng khó để tìm thấy trong tác phẩm của Trương Ái Linh, vậy nhưng cuối cùng bao câu hứa ngọt ngào cũng không cản nổi bi kịch, Bạch Lưu Tô trong câu chuyện Mối tình khuynh thành ấy nào có đến được với kết cục viên mãn của đời mình.
Cả Vương Giai Chi trong Sắc, giới cũng như thế, người đọc biết đến tác phẩm nổi tiếng này đâu chỉ qua xã hội tình tiền hoan lạc mà còn bởi tình yêu khắc cốt ghi tâm của Vương Giai Chi dành cho Dịch tiên sinh, kể cả phải quên đi dòng máu của tổ quốc cuộn trào trong người để rồi cuối cùng phải nhận lại bi kịch tang thương.
Sắc, giới với cốt truyện đặc sắc đã được chuyển thể thành phim và nhận được rất nhiều đánh giá tốt, sức sống mãnh liệt trong tác phẩm của nhà văn không chỉ gói gọn ở những câu chữ mà còn được lưu giữ dưới nhiều hình thức khác nhau.
Trương Ái Linh dẫu không màng đến thế sự nhiễu nhương nhưng vẫn bị cái loạn lạc của thời cuộc gây phiền nhiễu, tài nữ một đời lý trí lại vì chữ tình lầm lạc làm điêu đứng cả thời son trẻ nhưng từ bao tổn thương ấy đã góp phần hun đúc cho sự sâu sắc trong văn chương của bà.
Cuộc đời của Trương Ái Linh là một giai thoại từ đẹp đẽ đến bi thương, đồng thời cái tên của bà cũng là một thanh âm vọng mãi trong bản hòa tấu văn chương của Trung Hoa Dân Quốc.
Diệu Uyển
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất