Tham bát bỏ mâm – Ý nghĩa và sự vận dụng của thành ngữ

Thành ngữ “Tham bát bỏ mâm” được nhân dân vận dụng để phê phán kẻ có cái nhìn thiển cận, chỉ vì tham những lợi lộc nhỏ trước mắt mà bỏ qua nguồn lợi lâu dài, to lớn hơn.

Tham bát bỏ mâm
Tham bát bỏ mâm – Ý nghĩa và sự vận dụng của thành ngữ

Ý nghĩa của thành ngữ Tham bát bỏ mâm

Câu thành ngữ “Tham bát bỏ mâm” được hình thành nhờ vào sự so sánh trực quan và nôm na của dân gian. Trong đó, “bát” chỉ là một phần nhỏ thuộc mâm cỗ lớn.

Thế mà vẫn có kẻ vì lòng tham mà cố giành lấy bát, chẳng mảy may suy tính đến mâm cỗ to kia. Vì vậy, cách nói đậm chất dân gian này được sử dụng để phê phán lối sống ích kỷ và thiển cận, không biết nhìn xa trông rộng.

Thành ngữ này còn được biết đến với biến thể khác là “Tham đĩa bỏ mâm” hay “Tham miếng bỏ bát”. Chúng đều lên án những người có tư tưởng tầm thường, vì cái lợi trước mắt mà đánh mất các yếu tố quan trọng hơn trong cuộc sống.

Ngoài ra, kho tàng văn học dân gian còn có câu thành ngữ khác cũng mang ý nghĩa tương tự là “Tham bong bong bỏ bọng trâu”, được sử dụng rộng rãi trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.

Thành ngữ Tham bát bỏ mâm và truyện ngắn Trẻ con không được ăn thịt chó

Nam Cao là một trong số nhà văn chủ nghĩa hiện thực xuất sắc của đất nước Việt Nam. Ông đã để lại cho đời nhiều tác phẩm nổi bật như Lão Hạc, Chí Phèo, Dì Hảo hay Trẻ con không được ăn thịt chó.

Nằm trong số đó, Trẻ con không được ăn thịt chó được văn sĩ chấp bút vào năm 1942. Tác phẩm đã tái hiện một cách chân thực bức tranh làng quê Việt Nam xơ xác và tiêu điều thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám.

Nhân vật trung tâm của tác phẩm là gã đàn ông nông dân nghèo và nghiện rượu. Hắn nghĩ đến chuyện đi ăn chịu nhưng vì đã lừa quá nhiều người nên không ai dám bán cho.

Chỉ vì quá thèm rượu và mồi ngon, hắn đã nhẫn tâm làm thịt chú chó vện mà vợ vất vả nuôi. Người đàn ông ấy chỉ muốn thỏa mãn bản thân mình, không suy xét đến tình cảnh nghèo khó hiện tại của gia đình.

Cách hành xử ấy của nhân vật người chồng cũng giống như ý nghĩa câu thành ngữ “Tham bát bỏ mâm”. Chỉ vì quá thèm thịt và rượu, hắn đã nhẫn tâm làm thịt chú chó có giá trị bằng số gạo gia đình ăn nửa tháng.

“Con chó to bằng ấy, lúc này bán đâu không nổi ba đồng bạc? Cả nhà ăn gạo hàng nửa tháng. Ấy thế mà cái môi nó vừa máy lên một cái, nó đã phải đè ra mà giết ngay. Ăn hoang, phá hại. Ăn uống thế, có khác gì ăn thịt con không, hở trời?” – Người vợ đau khổ đến cùng cực khi chứng kiến hành vi vô nhân tính của chồng

Thậm chí, hắn còn ngồi nhậu với bạn bè bỏ mặc vợ cùng đàn con thơ nheo nhóc dưới góc bếp. Trong trang viết nhà văn Nam Cao, gã đàn ông ấy không hề hoàn thành trách nhiệm của một người chồng, ngược lại trở thành gánh nặng cho gia đình.

Thông qua truyện ngắn Trẻ con không được ăn thịt chó, văn sĩ đã tái hiện cuộc sống khổ đau của tầng lớp nông dân trong xã hội cũ. Đồng thời, ông cũng lên án những kẻ ích kỷ, chỉ vì miếng ăn mà đánh mất nhân cách cao đẹp vốn có.

Sự vận dụng thành ngữ Tham bát bỏ mâm trong Chị bí thư nhà máy

Tố Hữu được ví như con chim đầu đàn vạch hướng cho cả nền thi ca Việt Nam hiện đại. Các sáng tác của ông đều in đậm hơi hướng sử thi và tính dân tộc, ngợi ca những người anh hùng đã cống hiến hết mình vì đất nước.

Chị bí thư nhà máy nằm trong số tác phẩm đặc sắc của thi sĩ, thuộc tập thơ Một tiếng đờn ra mắt công chúng lần đầu năm 1992. Thông qua đứa con tinh thần này, Tố Hữu đã thể hiện tấm lòng trân trọng và cảm phục trước những người công nhân tích cực lao động dựng xây đất nước.

Bằng tài năng thi ca cùng sự quan sát nhạy bén, nhà thơ đã khắc họa nên hình ảnh chị bí thư nhà máy với nhiều phẩm chất tốt đẹp. Người phụ nữ ấy không chỉ chăm chỉ lao động mà còn sở hữu tính tình ngay thẳng, chính trực.

Trong tác phẩm, Tố Hữu đã vận dụng thành ngữ “Tham bát bỏ mâm” để khẳng định bản chất tốt đẹp của chị bí thư nhà máy. Dù xã hội có nhiều biến động và đổi thay, người phụ nữ ấy vẫn kiên định dệt vải với mong muốn mang đến cho nhân dân những chiếc áo ấm.

“Dám nghĩ, lại dám làm
Ghét ăn gian, nói dối
Ai tham bát bỏ mâm
Chị cứ đi, thẳng lối.” – Tố Hữu đã vận dụng thành ngữ Tham bát bỏ mâm trong tác phẩm

Ngòi bút tài hoa ấy đã vận dụng cách nói đậm chất dân gian một cách tinh tế và khéo léo. Điều này góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho Chị công nhân nhà máy, khiến bài thơ trở nên gần gũi hơn đối với người đọc.

Với đứa con tinh thần này, Tố Hữu đã ngợi ca công lao của những người anh hùng thầm lặng trong thời bình. Chính họ đóng góp sức mình vào công cuộc hồi phục cũng như phát triển đất nước, đem đến cuộc sống ấm no cho nhân dân muôn nơi.

Lên đầu trang