“Ba chìm bảy nổi” là câu thành ngữ phổ biến trong lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân Việt Nam cũng như được thể hiện ở các tác phẩm văn học, đơn cử là bài thơ Bánh trôi nước hay truyện ngắn Đi bước nữa.
Ý nghĩa của thành ngữ Ba chìm bảy nổi
Thành ngữ này được cấu tạo bằng cách kết hợp hai tổ hợp “ba chìm”, “bảy nổi” và thể hiện cảnh ngộ khó khăn, phiêu bạt cũng như vất vả, lắm truân chuyên, biến động của một người nào đó.
Trong đó, “chìm” và “nổi” là hai động từ mang nghĩa trái ngược nhau, diễn tả sự chuyển động lặn sâu xuống cũng như nổi lên trên mặt nước. Ngụ ý của câu thành ngữ chỉ việc vừa vượt qua được khó khăn này lại vấp phải éo le, trắc trở khác.
Ngoài Ba chìm bảy nổi, dân gian còn có cách nói khác là “Bảy nổi ba chìm”, “Ba chìm bảy nổi chín (sáu) lênh đênh”. Cách diễn đạt nào cũng đều cho thấy tình trạng lận đận và long đong, lắm nhọc nhằn mà bản thân ai đó tạm chưa thể vượt qua.
Một số thành ngữ mang ý nghĩa tương đồng với “Ba chìm bảy nổi” có thể kể đến “Lên thác xuống ghềnh”, “Dãi gió dầm mưa”, “Dãi nguyệt dầu hoa” hay “Phận mỏng cánh chuồn”.
Thành ngữ Ba chìm bảy nổi trong bài thơ Bánh trôi nước
Trong nền văn học Việt Nam, việc đưa ca dao, thành ngữ hay tục ngữ vào tác phẩm đã trở thành một điều vô cùng quen thuộc. Nó không chỉ khẳng định tài năng, sự sáng tạo mà còn thể hiện tấm lòng yêu mến và quý trọng vốn ngôn ngữ dân tộc của người cầm bút.
Bà Chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương cũng không phải là ngoại lệ khi trong nhiều áng thi ca độc đáo của bà thường xuyên có sự xuất hiện bóng dáng văn học dân gian. Cụ thể, thi sĩ đã vận dụng thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” ở bài thơ Bánh trôi nước.
“Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.” – Bánh trôi nước
Hồ Xuân Hương mượn hình ảnh bánh trôi nước để khắc họa cảnh ngộ đáng thương, lênh đênh của người phụ nữ trong thời đại xưa cũ. Dù vậy, họ vẫn một mực giữ tâm hồn trong sạch, ngời sáng dẫu có bị xã hội phong kiến chà đạp.
Thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” ở thi phẩm được chấp bút bởi Hồ Xuân Hương chứa đựng hai nét nghĩa. Nó vừa tái hiện quá trình luộc bánh trôi nước, lại gợi nên cả cuộc đời đầy thăng trầm, biến động, lắm sóng gió của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam thời phong kiến.
Không chỉ vậy, thi sĩ bộc lộ tình cảm sâu sắc, sự trân trọng và nâng niu với vốn ngôn ngữ giàu có, phong phú của đất nước Việt Nam. Nó được gói ghém trong từng câu chữ, lời thơ đậm đà bản sắc dân tộc.
Sự hiện diện của thành ngữ trong truyện ngắn Đi bước nữa
Truyện ngắn mang nặng cảm hứng thế sự Đi bước nữa do Nguyễn Thế Phương sáng tác cũng có sự hiện diện của thành ngữ “Ba chìm bảy nổi”. Thiên truyện ra mắt công chúng lần đầu năm 1960, được ví như “mầm mống” đổi mới, dự báo trào lưu văn học sau này.
Tác giả đã khai thác một cách triệt để và sâu sắc hiện thực, lột tả những áp lực từ định kiến, lề thói cũ đang đè nặng con người, đặc biệt là phụ nữ trong xã hội Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám.
“Cái con người hai mươi chín mới nói chuyện vợ con đã ba chìm bảy nổi vì nghèo khổ.” – Đi bước nữa
Việc vận dụng thành ngữ vào câu văn trên đã bộc lộ phần nào hoàn cảnh khó khăn, vất vả của cậu thanh niên đang độ tuổi thanh xuân tươi đẹp. Chính cái nghèo khiến cuộc sống anh mất đi niềm vui, ước mơ về hạnh phúc lứa đôi vì vậy mà cũng không còn.
Việc vận dụng thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” vào đoạn văn không chỉ có giá trị về mặt nội dung mà còn mang lại hiệu quả nghệ thuật. Nó khiến câu văn trở nên gần gũi hơn, dễ khơi gợi ở tâm hồn độc giả sự đồng cảm với những phận đời cơ cực.
Hồi ký Bảy nổi ba chìm của nhà văn Bắc Sơn
Với tư cách nghệ sĩ chân chính, tác giả Bắc Sơn không ít lần bày tỏ thái độ tôn trọng, trân quý vốn ngôn ngữ quý báu dân tộc Việt Nam. Chính vì vậy, ông đã khéo léo chọn lựa và biến tấu thành ngữ, đặt tên cho cuốn hồi ký đặc sắc của mình là Bảy nổi ba chìm.
Tác phẩm được ví như cuốn nhật ký ghi lại hành trình sống và viết văn của tác giả Bắc Sơn, từ lúc còn thơ bé cho đến khi lập gia đình, hết mình với con chữ cũng như nghệ thuật. Ở mỗi giai đoạn, văn sĩ đều nếm trải không ít đắng cay cùng dư vị chua chát.
Bằng cách đặt tên đứa con tinh thần là Bảy nổi ba chìm, văn sĩ đã phần nào lột tả những nỗi niềm mặn đắng, truân chuyên trong hành trình sống cũng như nghiệp viết văn. Không ít lần ông vật vã, đau đớn với ý tưởng cùng ngôn từ để cống hiến cho nền văn học nước nhà áng văn chương đặc sắc nhất.
Cuộc đời long đong và truân chuyên của người nông dân trong tiểu thuyết Tắt đèn
Trong tác phẩm Tắt đèn xuất bản lần đầu năm 1937 được viết bởi nhà văn Ngô Tất Tố, cuộc đời cơ cực, tủi nhục và vất vả của người nông dân thấp cổ bé họng giống hệt như câu thành ngữ ba chìm bảy nổi. Họ phải chịu đủ thứ thuế cùng vô vàn xiềng xích từ ách đô hộ thực dân Pháp.
Sở hữu tấm lòng hiền lành, nhân hậu và chất phác thế nhưng người nông dân chẳng có được cuộc sống bình yên, hạnh phúc. Họ phải chịu đựng không ít bất công từ chế độ sưu thuế, rơi vào nhiều tình thế long đong, trắc trở.
Hơn thế nữa, những con người khốn khổ ấy còn không được làm chủ cuộc đời, phải tuân theo muôn vàn yêu cầu vô lý từ bọn tay sai. Họ đành buông xuôi, phó mặc cho dòng đời đẩy đưa, sống một cách lầm lũi, đau đớn.
Vì vậy, thành ngữ “Ba chìm bảy nổi” là vô cùng phù hợp và chuẩn xác khi nói về tình cảnh đáng thương của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Tầng lớp ấy trải qua không ít biến động cũng như những tình huống éo le, nghiệt ngã.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất