Có hai thời khắc diễm lệ nhất của một ngày là lúc bình minh ló dạng và bầu trời rũ xuống bóng hoàng hôn, tuy nhiên thời khắc sau vẫn thường được mọi người ca tụng và dành thêm ít phần ưu ái. 

Bởi lẽ khi mặt trời lên, ta hoặc đang say ngủ hoặc quá vội vã với nhịp sống quay cuồng nên không đủ thời gian để nhận ra vẻ đẹp huy hoàng đó. Điều ấy cũng đúng với những nền văn minh nhân loại, khi những phế tích tráng lệ hay những thành quách điêu tàn vẫn cứ được dùng để chiêm bái.

Vậy mà, hiếm người nào sẵn sàng ngoảnh lại phía sau và nhìn sâu, đặt lên câu hỏi rằng phía sau những đổ nát ấy đã từng tồn tại nét lộng lẫy đến dường nào. 

Để trả lời cho câu hỏi ấy, có lẽ không nơi nào phù hợp hơn thành phố Athens của Hy Lạp, nơi được mệnh danh là chiếc nôi của nền văn minh lẫn văn hóa Tây phương.

Athens và câu chuyện về nữ thần bảo hộ Athena 

Cũng như bất kì xứ sở nào khác, thật khó để lần theo vết tích của Athens trên dòng lịch sử bởi càng đi về cái khởi thủy, ta chỉ chứng kiến toàn những điều huyền nhiệm mà thể hiện rõ nhất chính là qua tên gọi.

Theo thần thoại, vùng đất Athens ban đầu mang tên Akiti, lấy theo tên của người đầu tiên cai trị là Quốc vương Akaito. Người kế tục ông sau đó đã tiếp nối việc này khi gọi lãnh thổ bằng tên của chính mình.

Một ngày nọ, Cecrops và thần dân cùng lên một ngọn đồi để đón nhận món quà từ thần biển cả Poseidon và nữ thần trí tuệ Athena.

Thần biển cả Poseidon thì tạo ra một dòng suối từ cây đinh ba của mình, ông mong muốn tạo nên một nguồn nước bất tận để dân chúng không cần phải lo về những mùa khô hạn. Tuy nhiên, dân chúng khi ấy lại chẳng mấy hứng thú bởi nước suối có vị mặn hệt như nước biển.

Đến lượt nữ thần trí tuệ Athena, bà tạo ra một cây ô liu sum suê đẹp đẽ cho người dân. Mọi người ai cũng yêu thích món quà này, bởi nó cho họ đầy đủ thức ăn, dầu và gỗ. Do đó, tất cả cùng tung hô Athena là nữ thần bảo hộ, đồng thời đặt tên thành phố là Athens để tôn vinh bà.

Thần Athena ban tặng cây ô liu (hình minh họa trên một bình gốm cổ)
Thần Athena ban tặng cây ô liu (Họa tiết trên một bình gốm cổ)

Về mặt ngôn ngữ, Athens trong tiếng Hy Lạp cổ nghĩa là Athenai (số nhiều) hoặc Athene (số ít), nó xuất phát từ tàn dư gốc tiền Hy Lạp của Attica với ý nghĩa “chiến binh đấu tranh vì tự do”. Từ năm 1970, nó được chính phủ của nhà nước Hy lạp hiện đại đổi thành Athína.

Hiện tại, các học giả vẫn đang tranh luận liệu tên này có nguồn gốc từ nữ thần bảo hộ Athena (Ἀθήνη, Athēnē) hay nữ thần Athena lấy tên theo thành phố này. Tuy nhiên đa số vẫn nghiêng về phương án thứ hai, đơn giản vì đuôi –ene thường được dùng cho tên địa danh là chủ yếu.

Hành trình từ hang động Schist đến một Athens hiện đại

Những dấu hiệu sớm nhất về sự hiện diện của con người dưới hình thức bộ lạc ở Athens có niên đại vào khoảng đầu đầu thời đại Đồ đồng sớm, khoảng năm 3200 trước Công Nguyên.  Các bộ lạc này tập trung gần hang động Schist trên bán đảo Attica, Hy Lạp cổ. 

Trong vòng 200 năm kế tiếp, dưới sự tác động của con người khu vực xung quanh hang động Schist ấy dần trở thành một “hill-fort”, tức vùng đồi có thành lũy bao quanh, đánh dấu sự ra đời của thành phố Athens cổ đại.

Địa hình "fort-hill" của Athens cổ đại (tranh của Greg Ruhl)
Địa hình “fort-hill” của Athens thời cổ đại

Cũng vào khoảng thời gian này, hai nền văn minh quan trọng thời Đồ đồng sớm là Cycladic và Minoan bắt đầu phát triển, tạo nên những cộng đồng dân cư chính ở Athens.

Đến nay có rất ít thông tin về những thị dân đầu tiên này, tuy nhiên các di chỉ khảo cổ cho thấy họ sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và giao thương vượt biển Địa Trung Hải.

Đến năm 1400 trước Công Nguyên, Athens trở thành trung tâm của hai nền văn minh Mycenae và Acropolis, hai thời kỳ văn hóa quan trọng của Hy Lạp cổ đại và là nơi khởi phát phần lớn văn chương và thần thoại Hy Lạp cổ. 

Dựa trên các di chỉ khảo cổ, có thể thấy từ năm 900 trước Công Nguyên trở đi thì Athens dần trở thành trung tâm thương mại thịnh vượng hàng đầu khu vực.

Điều này bắt nguồn từ lợi thế địa lí nằm ở trung tâm Hy Lạp, giáp biển nên thu hút nhiều thuyền buôn của thương nhân cùng thành lũy kiên cố khó xâm phạm.

Thế nhưng sự phồn vinh này chỉ kéo dài trong khoảng 200 năm, đến những năm 650 trước Công Nguyên thì tình trạng bất ổn xã hội diễn ra trên diện rộng và cuối cùng là dẫn tới những cải cách của Solon, một chính khách của Hy Lạp cổ đại.

Tuy vậy những nỗ lực của ông về sau đã thất bại và dẫn tới chính thể chuyên chế của bạo chúa Peisistratus, sự chuyển biến này đã tạo điều kiện cho sự ra đời của chế độ dân chủ do Cleisthenes khởi xướng vào năm 508 trước Công Nguyên.

Cleisthenes, người khởi xướng nền dân chủ ở Athens
Cleisthenes, người khởi xướng nền dân chủ ở Athens

Trong các thập niên tiếp theo, Athens bước vào thời vàng son của nền dân chủ, những thành tựu văn hóa trong thời kỳ ấy đã đặt nền móng cho cả nền văn minh phương Tây sau này.

Tuy nhiên giai đoạn này cũng không kéo dài lâu vì từ năm 431 trước Công Nguyên trở đi, thành bang này lại rơi vào chinh chiến kéo dài với những đợt suy thoái và hồi phục xen kẽ nhau đến tận thời cận đại. 

Trong số những trận giao tranh ấy, đáng kể nhất là cuộc xâm lược của Đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 1458. Dưới thời chính quyền Ottoman, dân số Athens sụt giảm nghiêm trọng đến mức chỉ ngang một ngôi làng nhỏ.

Đến năm 1687, Athens lại bị bao vây bởi người Venezia, khởi đầu sự phá hủy hàng loạt công trình quan trọng như đền thờ nữ thần Athena hay đền Pathernon. Ngoài ra, trong giai đoạn này vô số tượng đài cổ đại bị chính quyền Ottoman giật sập để lấy nguyên liệu xây tường thành phòng vệ.

Một cuộc nổi dậy của người Hy Lạp đã giúp họ giành được thắng lợi tạm thời từ năm 1822 đến năm 1826, trước khi người Ottoman giành lại quyền kiểm soát.

Trận chiến tiếp tục kéo dài, tàn quân Ottaman vẫn cố cầm cự tới năm 1833 cho đến khi người Hy Lạp giành thắng lợi và thành lập chính quyền mới của mình.

Dù được nhà nước Hy Lạp độc lập chọn là thủ đô vào năm 1834, Athens trên thực tế chỉ là đống đổ nát hoang tàn không người sinh sống.

Do đó, một kế hoạch tái kiến thiết và hiện đại hóa thành phố đã được thực thi với nhiều công trình mang ý nghĩa quan trọng bao gồm Đại học Athens, Thư viện Quốc gia Hy Lạp, Nghị viện Hy Lạp, Dinh Tổng thống và Tòa thị chính Athens.

Trường Đại học Athens
Trường Đại học Athens thời hiện tại

Năm 1896, thành phố trở thành nơi tổ chức Thế vận hội đầu tiên xoay quanh các môn thể thao mùa hè, quy tụ 300 vận động viên từ 15 quốc gia, thi đấu ở 43 hạng mục và 9 môn thể thao khác nhau.

Sự kiện này có ý nghĩa quan trọng bởi nó đánh dấu sự hồi sinh của Thế vận hội Olympic và giúp Athens nhận được nhiều sự chú ý từ cộng đồng quốc tế.

Đến thế kỉ XX, bùng nổ dân số xảy ra buộc Athens phải có những thay đổi hàng loạt về cơ sở hạ tầng với các công trình được xây mới hoàn toàn hoặc mở rộng như Xa lộ Atikki Odos, sân bay quốc tế Athens và hệ thống tàu điện ngầm.

Xa lộ Atikki Odos
Xa lộ Atikki Odos

Sau cuộc cải tổ này, Athens trở thành một thành phố hiện đại bậc nhất Hy Lạp, nó được chọn làm nơi tổ chức Thế vận hội 2004 và mang lại nhiều thành công vang dội cùng uy tín được nâng cao trên trường quốc tế.

Văn hóa đặc trưng tại “cái nôi của nền văn minh phương Tây”

Vốn nổi tiếng với danh hiệu ”cái nôi của nền văn minh phương Tây”, Athens là một trung tâm văn hóa, học thuật và triết học vô cùng thịnh vượng lúc bấy giờ. 

Văn hóa Athens được thể hiện rõ nét qua nghệ thuật điêu khắc tài tình với hàng loạt tác phẩm ấn tượng, phong cách kiến trúc đỉnh cao cùng những bộ trang phục làm nên đặc trưng của người Hy Lạp cổ.

Về mặt học thuật, thành bang được biết đến nhiều nhất bởi lối giáo dục khai phóng vốn có ảnh hưởng sâu rộng đến tận hôm nay và hệ thống chương trình giáo dục được phân chia hợp lí, dù song song đó vẫn tồn tại sự phân biệt giới tương đối rõ rệt. 

Trên cơ sở nền giáo dục tiến bộ ấy, triết học ở Athens đã thăng hoa rực rỡ với vô số học giả uyên bác, giỏi hùng biện với những tác phẩm đặt nền móng cho triết học hiện đại sau này.

Nền giáo dục khai phóng nhưng vẫn tồn tại sự phân biệt của Athens

Giáo dục Athens cổ đại xoay quanh mục tiêu chính là đào luyện công dân trên cơ sở các thành tựu giáo dục và tri thức, đưa họ đến sự phát triển toàn diện về thể chất lẫn tinh thần, bao gồm ba chương trình là Tiểu học, Trung học và Sau trung học.

Khi mới lên bảy, trẻ em Athens sẽ bắt đầu chương trình tiểu học và được dạy cách đọc, viết, đếm, vẽ cùng các bài học về âm nhạc và thể dục. Điều này cũng tương tự với các chương trình ở thời hiện đại và không đặt nặng việc nghiên cứu.

Khác với chương trình tiểu học, chương trình giáo dục trung học sẽ bao gồm các môn khoa học tự nhiên như Sinh học hay Hóa học, thậm chí là dạy về Hình học, Thiên văn học, Triết học hay Thuật hùng biện. 

Với tinh thần khai phóng, ở Athens không hề có khoảng cách giữa thầy và trò mà trong giờ học, họ thường thảo luận một cách thẳng thắn. Thậm chí người học trò còn được khuyến khích tranh luận và hùng biện về quan điểm của mình.

Trường học ở Athens (tranh của Raphael Sanzio)
Trường học ở Athens (tranh của Raphael Sanzio)

Tuy nhiên, giáo dục ở Athens thời Hy Lạp cổ đại vẫn bị ảnh hưởng rất lớn bởi giai tầng xã hội, phân hóa rõ rệt giới thượng lưu và những người ở tầng lớp thấp hơn.

Nhờ có điều kiện kinh tế, giới thượng lưu sẽ dễ dàng hơn trong việc thuê gia sư và đưa con em mình vào những trường công, nơi quy tụ những học giả hàng đầu đất nước.

Những người nghèo khó thì buộc phải cho con học chương trình giáo dục không chính quy, từ đó giới hạn sự học của đứa trẻ.

Ngoài vấn đề kinh tế thì giới tính cũng là một rào cản tương đối lớn, các bé gái chỉ được giáo dục tại nhà bởi cha mẹ hay gia sư thay vì đến trường.

Sở dĩ có sự phân biệt này là vì người Athens quan niệm vai trò của phụ nữ nói chung là chăm lo cho gia đình chứ không phải đảm nhiệm những vị trí quan trọng như cánh đàn ông.

Nghệ thuật Athens với triết lý tôn vinh vẻ đẹp con người

Điêu khắc là ngành chủ đạo cho nền nghệ thuật của Athens, tiêu biểu là những bức tượng tinh xảo, thể hiện trình độ bậc thầy của nghệ nhân như Tượng thần Vệ Nữ thành Milo, tượng Lacoon và các con trai, tượng Chariotee.

Tượng Vệ nữ thành Milo
Tượng Vệ nữ thành Milo

Các tác phẩm này làm từ nhiều chất liệu khác nhau như đá vôi, cẩm thạch, gỗ, đất nung hoặc đồng, trong đó đồng được ưa chuộng hơn cả và sau khi hoàn thiện được thì mạ vàng rồi đính thêm đá quý. 

Một mảng tượng Athens cổ đại được phục dựng với màu sắc nguyên bản (Bảo tàng mỹ thuật San Francisco)
Một mảng tượng Athens cổ đại được phục dựng với màu sắc nguyên bản (Bảo tàng mỹ thuật San Francisco)

Tiếc rằng, theo dòng thời gian trôi thì chúng đa phần bị nung chảy làm vũ khí hoặc bị thời gian bào mòn, những viên đá quý cũng bị đánh cắp đi.

Các bức tượng điêu khắc mà ta thấy hiện nay ở Hy Lạp chủ yếu là các tác phẩm được người La Mã phục dựng lại bằng thạch cao trơn, không được trang trí tỉ mỉ như nguyên bản.

Phong cách điêu khắc chủ đạo ở Athens ban đầu là “Kouros”, nó tập trung khắc họa tư thế của con người trong trạng thái tĩnh và có phần khô cứng. Theo thời gian, nó dần chuyển sang mô tả các động tác của con người với tư thế tự nhiên hơn.

Về sau, phong cách điêu khắc ở Athens khi đã mềm mại hơn thì các bức tượng cũng khác dần đi, chúng tập trung khắc họa hành động của con người và tiêu biểu là Tượng ném đĩa của Myron với chuyển động mạnh mẽ và linh hoạt, Nàng Diana thành Versailles thì mô tả dáng vẻ uyển chuyển nhưng không kém phần dứt khoát.

Tượng Diana thành Versailles
Tượng Nàng Diana thành Versailles hiện được trưng bày tại Hy Lạp

Các tác phẩm điêu khắc phần nhiều là khỏa thân vì người Hy Lạp quan niệm rằng vẻ đẹp thực sự nằm trong cơ thể người trần, một trong những tác phẩm khắc họa rõ nhất triết lý này là Tượng thần Vệ Nữ, ra đời vào thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên.

Bên cạnh điêu khắc, nghệ thuật Athens còn được biết đến qua các loại đồ gốm thượng hạng. Tuy Hy Lạp cổ đại có nhiều thành phố chuyên sản xuất mặt hàng này như Corinth hoặc Cyrene nhưng chỉ gốm Athens là nổi trội nhất về mẫu mã cũng như chất lượng, có lối trang trí vô cùng bắt mắt và khéo léo với tông màu đen pha đỏ là chủ đạo.

Bình pha rượu hai quai của Athens cổ đại
Bình pha rượu hai quai của Athens cổ đại

Những sản phẩm ở Athens chủ yếu là lọ hoa hoặc bình gốm, được dùng trang trí đơn thuần hoặc phục vụ các nghi lễ tôn giáo. Bên cạnh đó, các nghệ nhân cũng chế tác nhiều mặt hàng gia dụng như tô, dĩa, bình nước uống với họa tiết tương tự.

Suốt một thời gian dài, gốm Athens đã giữ vị trí độc tôn ở Hy Lạp nhờ vào chất lượng cùng sự tinh tế của mình.

Những xu hướng thiết kế kiến trúc đã họa nên biểu tượng của Athens

Đến với Athens, chúng ta không thể bỏ qua những ngôi đền cổ kính, uy nghiêm với lối kiến trúc khiến bất kì ai cũng phải trầm trồ thán phục.

Ở Athens có hai xu hướng thiết kế kiến trúc chủ đạo là Doric và Ionic chứ không sử dụng Corinth như phần còn lại của Hy Lạp, được thể hiện rõ nét qua các kiểu cột ở những ngôi đền.  

Trong số đó, Doric là phong cách cổ nhất và đơn giản nhất của Athens. Các cột thuộc phong cách này là một trụ thẳng đứng phình to ở đáy, không có phần đế cột lẫn phần đầu cột.

Giới chuyên môn cho rằng lối kiến trúc này tượng trưng cho sự cường tráng của người đàn ông, thể hiện ở việc nó được sử dụng cho tầng dưới cùng của đấu trường Coliseum do có khả năng chịu lực cao nhất.

Một trong những công trình tiêu biểu của kiến trúc Doric là đền Parthenon, đây là ngôi đền thờ thần Athena và được xây dựng vào thế kỷ thứ năm trước Công Nguyên. Cho đến nay, đền Parthenon vẫn được nhắc đến như công trình xây dựng nổi tiếng nhất còn lại của Hy Lạp cổ đại.

Đền Parthenon ở Athens
Đền Parthenon ở Athens (Ảnh của AussieActive)

Trái ngược với phong cách Doric, phong cách Ionic mang dáng dấp mảnh mai, nữ tính và giàu tính trang trí hơn. Nguồn gốc của lối kiến trúc Ionic là từ Ionia, một thuộc địa của Hy Lạp và nó có 24 gờ sống đứng trong khi cột Doric chỉ có 20 gờ.

Phong cách Doric cũng sở hữu những ngôi đền nổi tiếng sử dụng lối kiến trúc này, tiêu biểu là đền thờ nữ thần Artemis, còn được biết đến với tên gọi đền thờ Diana và được xây dựng vào năm 550 trước Công Nguyên, nguyên vật liệu hoàn toàn là đá cẩm thạch. 

Sự cởi mở đã định hình nên cái nôi của nền triết học phương tây

Triết học ở Athens phát triển phần lớn nhờ vào vị thế là một trung tâm văn hóa của Hy Lạp. Trong khoảng thời gian từ năm 461 trước Công Nguyên đến năm 429 trước Công Nguyên, người cai trị Athens lúc bấy giờ là Perikles đã áp dụng nhiều chính sách văn hóa mới nhằm thúc đẩy tầm ảnh hưởng của thành bang này.

Qua đó, ngày càng nhiều trí thức và học giả từ khắp nơi quy tụ về Athens và làm nền tảng cho một giai đoạn thăng hoa của triết học tại đây. Tuy nhiên, phải đến thời kỳ của những triết gia nổi tiếng như Socrates, Plato và Aristotle thì triết học Athens mới bước vào giai đoạn cực thịnh.

Trong số đó, Socrates sinh ra trong một gia đình lao động ở Athens và được học theo chương trình giáo dục đại trà. Sau vài năm lao động, Socrates chuyển sang theo đuổi con đường phát triển trí tuệ toàn thời gian.

Triết gia Socrates
Triết gia Socrates của thời Hy lạp cổ đại

Ông nổi tiếng bởi phương pháp hùng biện độc đáo kết hợp châm biếm một cách khéo léo, rất nhiều người đối địch ở Athens đã bị đánh bại bởi kĩ năng này của ông và điều này cũng giúp ông có thêm nhiều học trò. 

Plato thì lại khác hẳn với Socrates khi ông ra đời trong một gia đình quý tộc. Thuở thiếu thời của ông vẫn còn chìm trong bí ẩn khi có rất ít thông tin còn sót lại, ông chỉ được biết đến như một triết gia, một người bạn thân thiết đồng thời là học trò xuất sắc của Socrates.

Người ta cho rằng Plato là một nhà phê bình vô cùng gắt gao, không chỉ ở Athens mà còn trong toàn xã hội Hy Lạp. Năm 387 trước Công Nguyên, ông đã thành lập một học viện và góp phần đào tạo ra vô số nhân vật quan trọng trong lịch sử Hy Lạp, bao gồm cả Aristotle. 

Aristotle không sinh ra ở Athens nhưng đã theo học tại học viện của Plato từ năm 17 tuổi. Tại đây, ông đã dành hai mươi năm trau dồi học vấn và giảng dạy đến tận năm 348 trước Công Nguyên, phải đến khi Plato qua đời thì ông mới rời Athens để đến sinh sống và làm việc tại Assos.

Không chỉ được biết đến với những nghiên cứu xuất sắc về triết học mà Aristotle còn là người trực tiếp dạy dỗ Alexandros, hoàng tử của vương quốc Macedonian và cậu bé bồng bột, ốm yếu khi ấy đã vang danh lịch sử khi chinh phục khắp thế giới với cái tên Alexandros Đại đế về sau.

Alexander đại đế
Alexandros đại đế (bức khảm tại bảo tàng Khảo cổ quốc gia Napoli)

Sau khi kết thúc công việc dạy dỗ Alexandros, Aristotle trở lại Athens để tập trung vào việc giảng dạy triết học tại Lyceum, ngôi trường do chính ông sáng lập. 

Nhìn chung, triết học Athens hướng đến giải phóng tinh thần con người khỏi những ràng buộc tôn giáo, từ đó khám phá thế giới xung quanh dưới góc nhìn khoa học. Nó không đứng đơn độc mà còn liên hệ chặt chẽ với chính trị và xã hội.

Tại đó, các lớp học diễn ra rất cởi mở và thầy giáo lẫn học trò có thể thoải mái trao đổi với nhau, các cuộc hùng biện công cộng cũng vô cùng phổ biến và được xem là đặc trưng cơ bản của giới triết gia. 

Một buổi hùng biện ở Athens
Một buổi hùng biện ở Athens

Thời kỳ này cũng có một số tác phẩm tiêu biểu như Chính trị luận của Aristotle, Cộng hòa của Plato hay Socrates với Socrates tự biện.

Trang phục đơn giản và có phần nhẹ nhàng 

Bởi thời tiết nóng quanh năm, người dân Athens thường mặc trang phục rộng rãi, nhẹ nhàng. Giới thượng lưu mặc áo trang trí bởi họa tiết nhiều màu sắc, trong khi giới hạ lưu dùng trang phục trơn và có phần đơn điệu. 

Trang phục chủ yếu của nam là áo trùm hông với tên gọi “chiton”, đây là những mảnh vải lớn hình chữ nhật dài ngang đầu gối hoặc mắt cá chân, được cố định bằng ghim ở vai và thắt lưng ở hông. Chất liệu mà chúng sử dụng chủ yếu là len vào mùa đông hay vải lanh vào mùa hè. 

Trang phục dành cho nữ cũng được làm bằng chất liệu tương tự và trên thực tế không khác nhiều về kiểu dáng so với trang phục nam, được cố định ở các vị trí khác nhau bằng ghim.

Tuy nhiên các mẫu áo dành cho phái nữ thường dài tới mắt cá chân chứ không dài ngang đầu gối như một số kiểu của cánh đàn ông. 

Một số mẫu trang phục nữ ở Athens cổ đại
Một số mẫu trang phục nữ ở Athens cổ đại

Thông thường, trang phục ở Athens được bán ở các khu chợ với mức giá rất cao nên các gia đình đều có nữ nô lệ chuyên phục vụ việc may quần áo riêng.

Ở Athens, từ cái tên cho đến nền giáo dục, nghệ thuật và kiến trúc, triết học đều để lại những nốt trầm bổng đặc sắc trong lịch sử thế giới.

Có điều, ánh bình minh nào cũng qua đi để nhường chỗ cho hoàng hôn nhạt nắng, chỉ người có đủ tinh tế mới tìm thấy ánh huy hoàng sau những điêu tàn le lói của nhân loại.

Một trung tâm văn hóa Athens về lại với huy hoàng như phượng hoàng tái sinh từ đống tro tàn là điều khó có thể thấy lại, thế nhưng ta có thể tin rằng linh hồn Athens và những tinh hoa, giá trị mà nó mang lại sẽ mãi trường tồn, song hành cùng nhân loại trên chặng đường phát triển văn minh bất tận.

Nguyễn Quyền