Là người thi sĩ giữa hai thế kỷ, những sáng tác tài hoa của Tản Đà luôn khiến tâm hồn người đọc rung lên từng hồi thổn thức. Không chỉ vẽ nên bức tranh ngôn từ lãng mạn, ý vị sâu xa, nhà thơ còn gửi vào trang thơ nỗi lòng về nhân sinh và cuộc đời.
Một trong số thi phẩm nổi bật nhất làm nên tên tuổi Tản Đà là Muốn làm thằng Cuội. Không chỉ thể hiện mộng tưởng thoát ly khỏi cõi trần thế đơn thuần, đây còn là nỗi trăn trở khôn nguôi của một con người không tìm thấy tiếng nói chung với thực tại.
Hành trình thơ ca của Tản Đà và tác phẩm Muốn làm thằng Cuội
Tản Đà sinh năm 1889 trong một gia đình có truyền thống khoa bảng tại Sơn Tây, Hà Nội. Tuổi thơ ông không mấy trọn vẹn khi cha mất sớm, cuộc sống gia đình rơi vào tình trạng thiếu thốn đủ bề.
Những sự kiện thuở bé để lại nhiều dấu ấn khó phai trong lòng nhưng Tản Đà vẫn ngày đêm miệt mài đèn sách. Đến năm mười bốn, ông thành thạo các lối từ, chương, thi phú và trở thành thần đồng đất Sơn Tây khi vừa tròn mười lăm.
Sau ba lần đi thi làm quan nhưng vẫn trượt, Tản Đà bắt đầu chuyên tâm vào hành trình sáng tác nghệ thuật. Ông viết được rất nhiều thể loại nhưng thơ vẫn là nơi thi sĩ đặt trọn tấm lòng.
Nhà thơ được Hoài Thanh mệnh danh là “con người giữa hai thế kỷ” có sức sáng tạo vô cùng dồi dào và mãnh liệt. Ngòi bút ông sung sức ở nhiều đề tài khác nhau, từ ca ngợi đến trào phúng, châm biếm hay trữ tình.
Tản Đà luôn có chỗ đứng nhất định trong nền văn học bấy giờ bởi thơ ông mang màu sắc, âm hưởng độc đáo riêng biệt. Nó là sự pha trộn giữa khu vực và thế giới, trung đại phương Đông cùng hiện đại phương Tây.
Chính vì vậy, thi sĩ như một người lữ hành tự do phiêu du đến từng mảnh đất thi ca, không bị gò bó bởi bất kỳ trường phái hay khuôn khổ nào.
Sự thực và cõi mộng luôn ám ảnh tâm trí Tản Đà trong buổi giao thời, thôi thúc ông không ngừng viết, bộc lộ chất “ngông” với người đời. Với tác giả, thơ là nơi giải tỏa nỗi lòng, lên tiếng cho những điều bất công.
“Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám giữ một cái tôi.” – Xuân Diệu nhận xét về phong cách thơ Tản Đà
Các tác phẩm xuất sắc làm nên tên tuổi Tản Đà phải kể đến là Nhớ mộng, Nói với ảnh, Lại say, Đời đáng chán hay Thề non nước, Muốn làm thằng Cuội.
Trong số đó, Muốn làm thằng Cuội được nhà phê bình văn học Hoài Thanh đánh giá là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Tản Đà khi pha lẫn yếu tố lãng mạn và hiện thực tinh tế.
Tâm trạng chán chường của thi sĩ đối với thực tại
Bài thơ Muốn làm thằng Cuội ra đời khi tâm hồn tác giả mang nặng sự chán chường với thực tại. Ông muốn trôi dạt vào cõi mộng mơ huyền ảo, bỏ lại sau lưng vạn nỗi sầu kiếp.
“Đêm thu buồn lắm! Chị Hằng ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi.”
Tản Đà bày tỏ một cách trực diện tâm trạng phiền não, cô đơn chốn trần gian. Ông khao khát bay lên cung trăng để bầu bạn với chị Hằng, giãi bày vạn tâm sự không biết sẻ chia cùng ai.
Sự man mác và tuyệt vọng thấm đượm vào từng lời thơ, tràn ra trang giấy và gợi nhắc bi kịch cả một thế hệ. Họ muốn thay đổi thời cuộc nhưng cuối cùng chỉ đành gặm nhẫm nỗi uất ức, bất mãn vì “sinh nhầm thế kỷ”.
“Kiếp sau xin chớ làm người
Làm con chim nhạn tung trời mà bay.” – Hơn nhau một chén rượu mời bài 1
Hơn một lần tâm trạng ngao ngán sự đời xuất hiện trong thơ Tản Đà, nó như vòng tuần hoàn bám riết lấy tâm thức và câu chữ nhà thơ. Không chỉ là đêm thu mà bất cứ khoảnh khắc nào, ông cũng bơ vơ trơ trọi.
Khát khao cuộc sống tự do nơi cung Trăng
Trần thế không có chỗ cho nhà thơ nên ông đành tìm vùng đất khác để nuôi giấc mộng lớn. Khát khao sống cuộc đời tự do phóng khoáng nơi tiên cảnh đã thể hiện rất rõ cái tôi ngông nghênh của Tản Đà.
“Cung quế đã ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên chơi.”
Thi sĩ mượn hình ảnh “cung quế”, “cành đa” để gợi nhắc câu chuyện cổ tích quen thuộc với người Việt. Ông muốn hóa thành chú Cuội, bầu bạn với chị Hằng và quên đi nỗi bi ai ở đời.
Thế nhưng, sâu xa trong ý thơ của người nghệ sĩ, người đọc còn bắt gặp một tâm hồn lạc lõng và cô quạnh khác. Giống như thi sĩ Tản Đà, chị Hằng cũng cô đơn nơi cung trăng rộng lớn.
Chính vì thế, tuy tác giả “xin chị nhắc lên chơi” nhưng câu thơ không mang sắc thái bi lụy mà trái lại, nó như một lời mời gọi và an ủi Hằng Nga. Cuộc gặp gỡ giữa họ là sự hội ngộ của hai linh hồn lẻ loi, thấu hiểu tâm tư lẫn nhau.
Từ nỗi sầu trong thâm tâm, thi nhân hướng trái tim rộng ra mọi phía, cảm thông sâu sắc tình cảnh của giai nhân cung quế. Đôi hồn cô đơn bầu bạn, sẻ chia mọi vui buồn cùng nhau.
“Có bầu, có bạn, can chi tủi,
Cùng gió, cùng mây, thế mới vui.”
Câu thơ đồng thời diễn tả niềm hạnh phúc từ cả hai phía, “chú Cuội” Tản Đà và tiên nữ Hằng Nga. Nhà thơ đâu chỉ mong giải thoát cảnh đời chán ngán, ông còn muốn san sớt muộn phiền với giai nhân, trở thành tri âm tri kỷ.
Sở hữu tài năng văn học thiên bẩm cùng tư duy thơ độc đáo, thi sĩ diễn tả một cách tinh tế và khéo léo sự gắn kết của đôi bạn cõi trăng mơ diệu kỳ. Cả hai cùng vi vu mây gió, thưởng thức vẻ đẹp tiên giới không vướng bụi trần.
Ước vọng tốt đẹp trong Muốn làm thằng Cuội
Tản Đà thất vọng với cuộc sống, vì vậy mới mong muốn thoát ly và bay đến cung Trăng. Thế nhưng hằn sâu trong câu chữ vẫn là niềm hy vọng thay đổi xã hội, xóa bỏ những điều tàn bạo, bất công.
“Rồi cứ mỗi năm rằm tháng tám.
Tựa nhau trông xuống thế gian, cười.”
Nỗi u uất ở đầu bài thơ giờ đây nhường chỗ cho niềm vui trọn vẹn và nụ cười mãn nguyện. Cái tình tứ “tựa nhau” thể hiện rõ sự lãng mạn độc đáo, vượt khuôn sáo cũ mòn của thi ca truyền thống mà trở nên hiện đại, táo bạo hơn.
Bằng tài năng văn học cùng sự chiêm nghiệm về cuộc đời, Tản Đà đã thai nghén nên một câu thơ vô cùng đặc sắc, mang nhiều nét nghĩa khác nhau.
Nụ cười trong câu thơ cuối vừa là sự mãn nguyện khi rời xa chốn xô bồ, tù túng vừa là lời châm biếm sâu cay. Hơn hết, nó còn biểu hiện cho một kẻ nặng lòng với muôn kiếp nhân sinh.
Chưa một giây phút nào mà người nghệ sĩ Tản Đà thôi đau đáu về cuộc đời và con người. Dẫu nơi đó chỉ mang đến cho ông đau thương nhưng trong thâm tâm, thi sĩ vẫn muốn thay đổi thời cuộc đảo điên, vun đắp một tương lai công bình hơn.
Ước vọng tốt đẹp này luôn dào dạt trong mạch nguồn sáng tác của thi sĩ. Chính nó đã kéo kẻ lãng khách về với hiện thực trần thế, dùng ngòi bút xoa dịu vết thương, nâng đỡ những tâm hồn cùng cảnh ngộ.
Chất ngông lãng mạn của tâm hồn cô đơn
Vốn là người nghệ sĩ suốt đời theo đuổi tự do, Tản Đà không bao giờ chịu khuất phục bởi lề thói, quy chuẩn tầm thường trong xã hội đương thời. Vì vậy, thơ ông luôn mang đậm dấu ấn cái tôi ngông nghênh, lãng mạn.
Cái ngông trong Muốn làm thằng Cuội trước hết chính là thái độ chán ghét thực tại và đi tìm cuộc sống lý tưởng nơi chốn thần tiên xa xôi. Ở xã hội bấy giờ, cảm hứng thoát ly đã vượt xa tư tưởng và quan niệm sống của nhiều bậc nho sĩ ngày xưa.
Với Tản Đà, lên cung Trăng không phải chạy trốn hay quên hết sự đời, chỉ sống với giấc mộng riêng mà là tìm về nơi con người có thể vẽ nên cuộc đời bản thân mong muốn, di dưỡng tâm hồn.
Khác với nhiều người tìm đến men say và những thú vui vô bổ để quên đi nợ đời, thi nhân thoát ly bằng cách đi vào cõi mộng. Cõi huyền vi ấy đã xuất hiện nhiều trong di sản thơ Tản Đà, biểu hiện cho phong cách sống “ngông” lãng mạn.
“Trăm năm một giấc mơ màng
Nghĩ chi cho bận gan vàng hỡi ai?” – Tư tưởng ví cuộc đời như cõi mộng trong bài thơ Đời lắm việc của Tản Đà
Trong Muốn làm thằng Cuội, chất ngông của tác giả còn được bộc lộ ở sự tài tử đa tình. Mong muốn có một người bạn để sẻ chia làm ông gần như u sầu đau đớn, thế nhưng Tản Đà thể hiện điều đó hết sức kín đáo, đậm chất phương Đông.
Với Tản Đà, cái ngông không tách biệt mà hòa quyện vào bản chất thi vị vốn có của thơ ca. Ấy là cá tính mạnh mẽ, không chịu khuất phục mấy trăm năm mà kiên quyết đi tìm sự tự do.
“Tản Đà là thi sĩ đầu tiên, mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng, bạo dạn, dám giữ một cái tôi.” – Nhà thơ Xuân Diệu nói về bản lĩnh và tài năng nghệ thuật của Tản Đà
Là người tiếp thu Nho học đồng thời tìm đến trào lưu thơ mới để thỏa sức vẫy vùng, thi sĩ đã thổi vào trang viết một luồng sinh khí mới, ấy chính là bản ngã vừa ngông nghênh vừa lãng mạn mà không thể lẫn với bất kỳ cây bút nào khác.
Muốn làm thằng Cuội và những đặc sắc nghệ thuật
Bên cạnh đề tài mới lạ cùng mộng tưởng thoát ly trần tục, Muốn làm thằng Cuội còn để lại dấu ấn khó phai trong lòng người đọc bởi những nét đặc sắc nghệ thuật.
Tuy vận dụng thể thơ thất ngôn bát cú đường luật quen thuộc nhưng lớp ngôn ngữ, giọng điệu thơ lại vô cùng dân dã đời thường, mang lại không khí hoài cổ, hiện đại, góp phần tô đậm chất ngông và trữ tình của tác giả.
Giá trị Muốn làm thằng Cuội mang lại không chỉ là sự phản chiếu thời cuộc thông qua khát khao thoát khỏi trần thế mà còn khiến người đọc phải tự vấn, lắng nghe tiếng lòng thổn thức trong mình, từ đó biết trân trọng và nâng niu cuộc sống hơn.
Hạ Miên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất