Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du được xem là một “đại kiệt tác” của nền văn học trung đại Việt Nam. Tác phẩm xoay quanh cuộc đời và số phận của nhân vật Thúy Kiều, người con gái “sắc đành đòi một tài đành họa hai”.
Tuy nhiên, cuộc đời người con gái tài hoa ấy lại phải trải qua muôn vàn sóng gió và bất hạnh. Dù vậy, Kiều cũng từng hạnh phúc khi được gặp gỡ và nên duyên với Kim Trọng.
Duyên phận đó được thể hiện rõ nhất qua đoạn trích Thề nguyền, nhà thơ làm bật lên nét trong sáng mà da diết của lứa đôi. Bài thơ còn là khát vọng tự do yêu đương của Thuý Kiều và Kim Trọng, họ vượt qua lễ giáo phong kiến để bảo vệ mối tình này.
Nguyễn Du là nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn của văn học Việt Nam
Nguyễn Du sinh năm 1765 và mất năm 1820, ông có tên chữ là Tố Như, hiệu Thanh Hiên. Quê gốc Nguyễn Du ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh nhưng phần lớn thời niên thiếu sống tại Thăng Long.
Ông xuất thân trong một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan triều đình và có truyền thống văn học. Cuộc đời ông gắn bó sâu sắc với những biến cố lịch sử của giai đoạn cuối thế kỉ XVIII – đầu thế kỉ XX.
Đây là giai đoạn lịch sử đầy bất ổn với hai đặc điểm nổi bật là chế độ phong kiến rơi vào khủng hoảng trầm trọng và phong trào nông dân khởi nghĩa nổi lên khắp nơi, đỉnh cao là phong trào Tây Sơn. Chính yếu tố thời đại đã ảnh hưởng sâu sắc tới ngòi bút của Nguyễn Du, đặc biệt khi viết về hiện thực đời sống.
Sự nghiệp văn học của Nguyễn Du gồm nhiều tác phẩm có giá trị bằng chữ Hán và chữ Nôm. Một số tác phẩm viết bằng chữ Hán như Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Với chữ Nôm thì có Truyện Kiều (Đoạn trường tân thanh) và Văn chiêu hồn.
Truyện Kiều là kiệt tác hàng đầu của văn học Việt Nam
Truyện Kiều được sáng tác bởi Nguyễn Du, ông dựa vào cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân bên Trung Quốc để sáng tác ra Truyện Kiều. Truyện gồm 3254 câu thơ lục bát, là kiệt tác số một của nền thơ ca cổ điển Việt Nam.
Từ câu chuyện tình ở Trung Quốc đời Minh, bằng tài năng và tấm lòng, Nguyễn Du đã biến nó thành một khúc ca đau thương người bạc mệnh. Truyện Kiều đã khẳng định mạnh mẽ tài năng, tấm lòng nhân đạo của thiên tài nguyễn Du.
Tác phẩm viết về Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng lại có số phận truân chuyên, éo le và bi kịch. Cô bị đẩy đưa bởi xã hội phong kiến đương thời tàn ác, bất công.
Nhà thơ thông qua cuộc đời Kiều để lên án xã hội ấy, thể hiện ước mơ về một xã hội công bằng và công lý. Tại đó, người phụ nữ được sống đúng với bản năng, tình yêu và tự do của mình.
Nguyễn Du đã “hoán cốt đoạt thai” tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân, khoách lên Truyện Kiều những sáng tạo mới mẻ cả về nội dung và nghệ thuật. Với những giá trị vượt trội, tác phẩm đã đi sâu vào quần chúng nhân dân, trở thành một phần trong đời sống tinh thần của người Việt từ bao đời nay.
Thề nguyền là khúc ca về tình yêu tự do đôi lứa
Trong phần đầu của truyện Gặp gỡ và đính ước (câu một đến câu 242) đã giới thiệu về chị em Thúy Kiều, cuộc gặp gỡ tình cờ với Kim Trọng. Ngay từ lần đầu gặp mặt, Thuý Kiều và Kim Trọng đã trúng tiếng sét ái tình, cả hai “tình trong như đã mặt ngoài còn e”.
Sau đó, Kim Trọng dọn đến ở trọ gần nhà Thuý Kiều. Nhân một lần Kiều bỏ quên chiếc thoa và Kim Trọng bắt được, hai người đã trao kỉ vật rồi hứa hẹn chung thuỷ cùng nhau.
Khi cả nhà Kiều đi mừng thọ bên ngoại, nàng đã chủ động sang nhà Kim Trọng tự tình đến tối. Khi Kiều về nhà, thấy cha mẹ chưa về, nàng lại sang nhà Kim Trọng lần thứ hai.
Đoạn trích Thề nguyền là một trong những phân đoạn đẹp nhất Truyện Kiều, nằm ở phần một của Gặp gỡ và đính ước. Đoạn trích kể về buổi tối hai người gặp nhau tại nhà trọ của Kim Trọng, hai người hứa hẹn, thề nguyền chung thuỷ với nhau đến trọn đời.
Kiều sang nhà Kim Trọng trong tình yêu chớm nở từ lần gặp đầu tiên
Đoạn trích Thề nguyền là màn tình yêu ngọt ngào, lãng mạn giữa nàng Kiều và chàng Kim. Việc Thúy Kiều chủ động sang tìm Kim Trọng đủ để thấy tình yêu trong nàng lớn thế nào.
Kim Trọng vốn đã phải lòng nàng nhưng vẫn còn sợ nàng không đồng ý. May mắn thay, hai người đã nhận ra tình cảm của nhau và chuẩn bị một lễ thề nguyền thiêng liêng, hạnh phúc.
Tâm trạng và tình cảm của Thuý Kiều
Thề nguyền là một trong những đoạn trích tiêu biểu cho tình yêu, thủy chung mà không kém phần bạo dạn của Thúy Kiều. Một cô gái sống ở xã hội phong kiến, sẵn sàng vượt những hủ tục để có được tình yêu với Kim Trọng.
Cửa ngoài vội rủ rèm the
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình
Nhặt thưa, gương dọi đầu cành
Ngọn đèn trông lọt hướng huỳnh hắt hiu
– Thề nguyền
Với bốn câu thơ này, độc giả có thể hình dung ra một khung cảnh lãng mạn, huyền ảo của đêm thề nguyền. Nơi đó có ánh trăng sáng vằng vặc cùng với ngọn đèn hiu hắt, khiến không gian trở nên thật trữ tình, thơ mộng.
Trong xã hội cũ, người con gái thường ở vị trí phụ thuộc, kể cả chuyện hôn nhân vì họ “liễu yếu đào tơ”. Thế nhưng trong Truyện Kiều, người con gái lại dám vượt qua cả hai trở ngại ấy.
Hình ảnh nàng Kiều “xăm xăm băng lối vườn khuya một mình” cho thấy sự chủ động của một cô gái khi yêu, lấy hết can đảm để vượt qua mọi rào cản. Đích tới của cô gặp người mình đang thầm thương, trộm nhớ.
Sự táo bạo, mạnh dạn ấy phá vỡ mọi giới hạn của lễ giáo phong kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”. Mọi định kiến dường như không thể trói buộc đôi chân nàng, làm lu mờ tiếng gọi tình yêu.
Hơn nữa, sức mạnh của tình yêu đã thôi thúc nàng Kiều hành động, nàng đã sống thực với những cảm xúc và mong muốn của mình. Tuy hành động táo bạo nhưng Thúy Kiều vượt quá giới hạn, nàng cũng có những biện minh cho hành động có vẻ nông nổi của mình:
Nàng rằng: “Khoảng vắng đêm trường
Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao
“Khoảng vắng đêm trường” đó là khoảng thời gian dài mà nàng phải vượt qua để tới gặp chàng Kim. Việc Thuý Kiều sang nhà Kim Trọng trong đêm cũng cho thấy nàng đã tự vượt qua nỗi lo, sự băn khoăn về sự tan vỡ để làm chủ tình yêu, tự sắp xếp số phận mình.
Câu thơ “Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa” đã nói lên quan niệm hoàn toàn khác những cô gái cùng thời. Dường như nàng muốn tự tìm ý chung nhân, người phù hợp với bản thân hay vì cha mẹ.
Thúy Kiều từ khi còn sống trong cảnh êm đềm, trướng rủ màn che đã có những dự cảm không lành về tương lai nhiều biến cố. Dù tình yêu đang lúc nồng nàn và say đắm nhất, nàng vẫn lo đây là giấc chiêm bao, mọi thứ rồi sẽ tan biến.
Hành động vội vã của nàng như muốn tranh thủ từng phút, từng giây hạnh phúc bên người yêu. Nàng muốn làm chủ tình yêu của bản thân, từ đó vượt lên mọi rào cản về quan niệm xã hội cũ.
Đoạn thơ thể hiện được tâm trạng và tình cảm của Thúy Kiều. Nàng đã nghe theo tiếng gọi của tình yêu, hành động mà không màng đến lễ giáo phong kiến.
Tâm trạng và thái độ của Kim Trọng
Với chàng Kim, khoảnh khắc này thực sự đáng quý hơn bao giờ hết. Bởi sau những tháng ngày mong chờ, giờ đây đã được gặp trực tiếp để giãi bày nỗi lòng với nàng Kiều:
Sinh vừa tựa án thiu thiu
Dở chiều như tỉnh dở chiều như mê
Tiếng sen sẽ động giấc hòe
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần
Bâng khuâng đỉnh Giáp non thần
Còn ngờ giấc mộng đêm xuân mơ màng
Nguyễn Du đã dùng hình ảnh ước lệ “tiếng sen” để nói về từng bước chân nhẹ nhàng của Thúy Kiều giữa lúc chàng Kim đang nửa tỉnh, nửa mê, luyến tiếc nàng Kiều phải trở về nhà sau lần gặp thứ nhất.
Thế rồi, nàng Kiều bất chợt quay lại khiến tâm trạng chàng bâng khuâng và xao xuyến, tưởng chừng như còn mơ màng trong giấc mộng đêm xuân. Đến khi biết không phải là mơ, Kim Trọng nhanh chóng rước Thuý Kiều vào nhà.
Đoạn thơ là màn gặp gỡ của Thuý Kiều và Kim Trọng, là cuộc hội ngộ của cặp uyên ương thuở mới yêu. Thứ tình yêu thuần khiết, chân thành ấy được xuất phát từ trái tim.
Lời thề nguyền của Kim Trọng và Thuý Kiều
Trước sự xuất hiện đầy bất ngờ của Thúy Kiều, chàng Kim vội mừng làm lễ rước vào. Niềm hân hoan, vui mừng không giấu mà thể hiện ra ngay trong nét mặt và hành động, chàng Kim cho thêm sáp vào đèn để làm cuộc gặp mặt thêm ý nghĩa, thiêng liêng hơn.
Vội mừng làm lễ rước vào
Đài sen nối sáp song đào thêm hương
– Thề nguyền
Hình ảnh nến sáp tạo một không gian ấm áp, hạnh phúc. Những lời thề nguyện, hẹn ước đã được chuẩn bị sẵn, kỉ vật cũng đã sẵn sàng cho khoảnh khắc thề nguyền của hai người:
Tiên thề, cùng thảo một chương
Tóc mây một món, dao vàng chia đôi
Vầng trăng vằng vặc giữa trời
Đinh ninh hai mặt một lời song song
Tóc tơ căn vặn tấc lòng
Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương
Bằng những câu thơ này, độc giả hình dung được không khí trang nghiêm và thiêng liêng biết bao nhiêu. Nguyễn Du sử dụng từ láy “đinh ninh” cùng lời thề “trăm năm tạc một chữ đồng đến xương” để minh chứng tình yêu mãnh liệt của họ dưới vũ trụ bao la.
Buổi thề nguyền ngắn gọn, vội vàng nhưng đầy đủ nghi thức như tiên thề, tóc mây, dao vàng, vầng trăng và lời thề nguyền. Thúy Kiều đã trao cho Kim Trọng tóc mây, thể hiện được tình cảm sâu sắc mà nàng trao cho chàng.
Khung cảnh đêm thề nguyền được Nguyễn Du khắc họa bằng những chi tiết sinh động với đầy đủ ánh sáng, màu sắc và hương thơm. Nét đặc sắc của không gian đã trở thành một kỷ niệm thiêng liêng, khắc sâu trong trái tim hai người Kim và Kiều.
Với nhiều hình ảnh ước lệ cùng điển cố, điển tích, Nguyễn Du đã khắc họa ra một không gian thề nguyền lãng mạn, thơ mộng mà ở đó vầng trăng là nhân chứng cho mối tình son sắt của hai người.
Ánh trăng đã chứng kiến toàn bộ những biến cố trong cuộc đời Thúy Kiều, từ giây phút hạnh phúc, nồng nàn đến khi thề nguyền cùng chàng Kim. Cũng là những phút giây đau khổ, chia ly sau này.
Đoạn trích đã thể hiện đầy cảm động tình yêu sâu nặng của Thúy Kiều dành cho Kim Trọng, cũng có thể thấy được đây là một trong những khoảnh khắc đẹp nhất trong cuộc đời bạc mệnh của nàng Kiều.
Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật trong Thề nguyền
Với nghệ thuật sử dụng từ ngữ có sức gợi tả cùng hệ thống hình ảnh hàm súc, đan xen việc sử dụng điển tích điển cố và nhiều từ láy có giá trị tạo hình, biểu cảm, đoạn trích Thề nguyền giúp độc hiểu về quan niệm tình yêu tự do tiến bộ của Nguyễn Du.
Nguyễn Du đã xây dựng một khung cảnh tuyệt đẹp, đó là đêm trăng tình yêu, vầng trăng ước hẹn để từ đó thể hiện khát khao tự do của Thúy Kiều. Tình yêu giữa Thúy Kiều và Kim Trọng chứa đựng nét trong sáng, thủy chung, son sắc.
Cảnh thề nguyền đêm trăng là khoảnh khắc hạnh phúc nhất cuộc đời của Thúy Kiều, bởi lúc ấy nàng được sống và được yêu một cách cháy bỏng. Không chỉ có lời thề nguyền hay hẹn ước, nàng hiện còn ở bên người mình yêu.
Thông qua tình yêu của Thúy Kiều và Kim Trọng, Nguyễn Du thể hiện tư tưởng nhân đạo về tình yêu thương, sự trân trọng hạnh phúc của con người. Phải kể đến những người phụ nữ dưới chế độ phong kiến xưa, một bộ phận luôn bị kìm hãm bởi lễ giáo.
Hoàng Mạnh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất