Tuổi thơ dữ dội, một cuốn sách bóc trần sự khốc liệt của chiến tranh nhưng trong đó lại mang hơi thở hồn nhiên của trẻ nhỏ. Tác phẩm được viết bởi nhà văn Phùng Quán, từng câu từng chữ đều thấm đẫm chất nhân văn.
“Tuổi mười bốn đã có những ước ao
Ban đầu cầm súng biết bao là mừng
Mẹ ơi, súng đẹp quá chừng
Con đi đánh trận mẹ đừng lo chi” – Tố Hữu
Những cậu chiến sĩ nhỏ bé, tuy chưa đến tuổi bẻ gãy sừng trâu, người gầy trơ xương cùng bộ quần áo rách rưới nhưng lại mang trong mình sự dũng cảm và nghị lực hiếm có, điều này khiến độc giả không khỏi cảm thán.
Phùng Quán là nhà văn của những trang viết mộc mạc
Phùng Quán là người con của xứ Huế mộng mơ, ông sinh năm 1932 tại xã Thủy Dương, huyện Hương Thủy. Cây bút tài hoa ấy được nhiều thế hệ bạn đọc yêu mến và kính trọng, song hành cùng nhiều tác giả khác như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Nguyễn Khải.
Cả cuộc đời, nhà văn trung thành với Cách mạng và luôn chiến đấu hết mình vì Tổ Quốc, thiết tha phụng sự nhân dân. Trong thời gian phục vụ quân ngũ, ông đã có tiểu thuyết đầu tay mang tên Vượt Côn Đảo, xuất bản năm 1954.
Tác phẩm này đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp cầm bút của nhà văn. Tiểu thuyết Vượt Côn Đảo đã được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật và Giải ba của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1954 – 1955.
“Những sóng gió trong cuộc đời mà số phận buộc Phùng Quán phải trải qua trong 30 năm không làm ông phai nhạt. Ông vẫn âm thầm sống và viết, kiên trì với ngòi bút và vẫn tha thiết một tình yêu dành cho đất nước, nhân dân.” – Kim Phước (Báo Người Lao động)
Sau Vượt Côn Đảo, ông tiếp tục cho ra mắt Tuổi thơ dữ dội, đây là bộ tiểu thuyết được đánh giá thành công nhất và tạo nên tên tuổi nhà văn trong giới độc giả. Tuổi thơ dữ dội về sau được chuyển thể thành phim truyền hình do đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn thực hiện.
Ngoài ra, các tác phẩm tiêu biểu khác của ông có thể kể đến Trên bờ Hiền Lương (1956), Cuộc đời một đôi dép cao su (1956), Tôi muốn mời đến Tổ quốc tôi (1955), Tiếng hát trên địa ngục Côn Đảo (1955), Thạch Sanh cháu Bác Hồ (1955).
Tuổi thơ dữ dội – Bản hòa ca đầy cảm xúc trong chiến tranh
Tuổi thơ dữ dội là cuốn sách đặc biệt được nhà văn Phùng Quán viết ròng rã trong gần hai mươi năm. Tác phẩm được khởi thảo bên Hồ Tây vào năm 1968 và hoàn thành trong lều cỏ giữa hồ Tịnh Tâm năm 1986, tuy nhiên phải hai năm sau mới ra mắt bạn đọc.
Ngay sau khi ra mắt, tiểu thuyết đã gây được tiếng vang lớn và nhận được sự ủng hộ đông đảo từ bạn đọc. Việc tham gia kháng chiến từ những năm tháng thiếu thời đã giúp ông sở hữu những tư liệu đắt giá để viết nên tác phẩm kinh điển này.
“Sách dày 800 trang mà người đọc không bao giờ muốn ngừng lại, bị lôi cuốn vì những nhân vật ngây thơ có, khôn ranh có, anh hùng có, vì những sự việc khi thì ly kỳ, khi thì hài hước, khi thì gây xúc động đến ứa nước mắt…” – Nguyễn Khắc Viện
Tuổi thơ dữ dội thuộc dòng văn học Cách mạng, lấy bối cảnh cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của người dân Huế. Trong đó, những nhân vật điển hình gồm Đội thiếu niên trinh sát của trung đoàn Trần Cao Vân.
Câu chuyện về trung đoàn Trần Cao Vân ở mặt trận Thừa Thiên
Tuổi thơ dữ dội là câu chuyện về trung đoàn Trần Cao Vân do Đội trưởng Lê Thắng đứng đầu, đóng tại mặt trận Thừa Thiên – Huế, có tổng cộng 31 chiến sĩ. Tuy nhiên, tất cả đều ở độ tuổi thiếu niên, các em gia nhập đội quân vì nhiều lý do khác nhau, vốn chẳng ai giống ai.
Trước khi vào Vệ Quốc Đoàn, Hòa “đen” làm nghề bán đậu phộng rang nóng giòn, em Bồng lại chuyên nghề “bánh mì mới ra lò” từ năm mười hai tuổi, Mừng tham gia vào Vệ quốc đoàn chỉ vì trong sân huấn luyện có lá tầm gửi để chữa hen suyễn cho mẹ.
“Trường hợp nhập ngũ của nhiều em thật đặc biệt và khá tức cười, hiếm thấy trong lý lịch các chiến sĩ lớn tuổi…Nhưng cái điều kỳ thú là những tia nước mỏng manh nhỏ bé ấy đã tự len lỏi hoà vào dòng sông Cách Mạng hùng vĩ, lúc nào không ai hay.” – Tuổi thơ dữ dội
Câu chuyện về những người chiến sĩ “nhí” được nhà văn Phùng Quán đan xen, tạo nên một bức tranh rực rỡ và mang nhiều gam màu cảm xúc. Ở độ tuổi vốn “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng họ đã sống hết mình vì Cách mạng, đi kèm theo là ý chí chiến đấu kiên cường.
Giọng văn chân chất, mang đậm màu sắc địa phương của nhà văn khiến bao thế hệ độc giả không khỏi bồi hồi. Lòng tự tôn dân tộc dâng trào khiến chúng ta như hòa chung vào không khí chiến đấu đầy tự hào ấy.
“Chúng ta quyết định ra đi thà chết không lui, để góp phần cùng các anh lớn đánh đuổi bọn thực dân cướp nước ra khỏi bờ cõi Tổ quốc thân yêu của chúng ta. Khi đất nước đã tự do, Tổ quốc đã hoàn toàn độc lập, thì nhất định người Việt Nam chúng ta sẽ được hưởng một cuộc đời sung sướng, hạnh phúc gấp trăm nghìn lần hôm nay.” – Tuổi thơ dữ dội
Tác phẩm được chia làm nhiều phần, kể về những người lính khác nhau như Lượm “sứt”, Vệ “đầu to”, Hiền hay Mừng. Với thế hệ hiện nay, tuổi thơ là quãng thời gian đầy hồn nhiên nhưng với trung đoàn Trần Cao Vân, tuổi thơ là tháng ngày chiến đấu gian khổ, sẵn sàng hy sinh cho Tổ quốc.
Những mảng màu rùng rợn của chiến tranh
Chiến tranh đã đi qua từ lâu nhưng hậu quả nó để lại vẫn còn hiện hữu, không phải người trẻ nào cũng hiểu được một thời gian khó của dân tộc. Với tình yêu đất nước, nhà văn Phùng Quán đã tái hiện cuộc chiến tàn khốc để gửi gắm đến thế hệ độc giả hiện đại.
Trải dài khắp các trang sách là tiếng bom rơi đạn lạc, những đau thương chết chóc cứ thế hiện ra qua từng chương truyện. Tính mạng con người trở nên mong manh biết bao, tựa ngọn đèn chẳng biết bao giờ sẽ vụt tắt.
“Khắp thành phố tiếng súng của bọn giặc bị vây hãm nổ ran ran… chúng bắn lên tới tấp từ bốn phía, như những lằn roi bầm tím quất lên bầu trời thành phố u ám mây chì” – Tuổi thơ dữ dội
Tuy nhiên, dù có chiến tranh thì mỗi người dân vẫn phải tiếp tục cuộc sống thường ngày. Họ chịu gánh nặng của nỗi lo cơm áo gạo tiền, cuộc sống thì bấp bênh và khốn khó cứ thế đeo bám, không biết phải làm thế nào để thoát ra.
“Tụi Tây” còn hết sức tàn bạo và láo xược, ức hiếp dân lành giữa thanh thiên bạch nhật, coi người dân như rơm như cỏ. Họ sống trên chính đất nước, trên chính quê hương của mình nhưng phải chịu tủi nhục biết bao.
“Một bữa, có thằng Tây râu ria xồm xoàm, to chình ình như con bò, thuê xe bác ấy từ ga lớn đến cầu An Cựu mà chẳng trả được cho bác ấy một xu. – Nét mặt Mừng lộ vẻ tức tối – Đã rứa hắn lại còn đá giày vô đít bác ấy, chửi “cô-soong, cô-soong”, bác ấy ngã dúi, va đầu vô cột điện, lõa máu” – Tuổi thơ dữ dội
Không chỉ tiếng bom đạn, không chỉ nỗi sợ hãi trước bọn Đế quốc tàn bạo mà còn một điều khiến người ta phải bất bình căm giận, đó chính là sự đê tiện của bọn Việt gian bán nước.
Kim điệu từng làm trinh sát cùng Lượm và Tư “dát”, sau làm gián điệp cho Tây và lên chiến khu ăn cắp bản đồ của đội trưởng. Bố mẹ Quỳnh “sơn ca”, phó Tổng trấn Trung Kỳ thì làm tay sai phản quốc.
Còn biết bao những người chiến sĩ đã nằm xuống, đã hy sinh thân mình để đổi lấy độc lập, tự do cho đồng bào, cho dân tộc. Máu như chảy ra từ ngòi bút, những gì mà chiến tranh đem lại không thể diễn tả trong một vài dòng ngắn ngủi.
Dáng hình đất nước anh hùng thể hiện qua những người chiến sĩ nhỏ tuổi
Không phải những câu chuyện cổ tích dành cho thiếu nhi, không phải những mẩu chuyện tình yêu lãng mạn tuổi học trò, đây là cuốn tiểu thuyết về cuộc chiến đấu và hy sinh của các chiến sĩ nhỏ tuổi.
Những đứa trẻ đã bỏ qua sự hồn nhiên của tuổi thơ để đứng lên cầm súng chiến đấu, góp phần bảo vệ Tổ Quốc. Sự hy sinh, lòng nhiệt huyết ấy khiến độc giả dù đọc đi đọc lại biết bao nhiêu lần cũng vẫn giữ nguyên sự xúc động và lòng ngưỡng mộ như ban đầu.
“Chú bé loắt choắt
Cái xắc xinh xinh
Cái chân thoăn thoắt
Cái đầu nghênh nghênh
…
Vụt qua mặt trận,
Ðạn bay vèo vèo,
Thư đề “Thượng khẩn”,
Sợ chi hiểm nghèo…” – Lượm “sứt” xuất hiện trong bài thơ Lượm ơi nổi tiếng của Tố Hữu
Cậu bé Lượm kiên cường trước những đòn tra tấn thâm độc của kẻ thù. Nhẫn nhục xắn tay áo để dọn hố xí nhưng vẫn đủ tâm trí lên kế hoạch để vượt ngục cùng hai bạn tù. Ngoài bản lĩnh thì cậu còn rất thông minh, lanh lợi và khôn khéo để tự bảo vệ bản thân và đồng đội.
Quỳnh “sơn ca”, một chiến sĩ nhỏ mang tâm hồn nhạy cảm và kiên định với Cách mạng. Tuy xuất thân từ gia đình giàu có, sống trong nhung lụa, giỏi chơi đàn nhưng vì mê những bản nhạc kháng chiến, em bỏ nhà đi Vệ quốc Đoàn.
“Cái hôm cụ Tuần xé mất cuốn vở nhạc của nó, nó lầm lì nói: “Ba làm rứa, con bỏ nhà con đi Vệ Quốc Đoàn“. Cũng tưởng nó nói dọa, ai ngờ nó trốn nhà nó đi thiệt, đi từ ngày đó cho đến nay.” – Tuổi thơ dữ dội
Đáng thương cho cậu bé ấy khi lại sinh ra trong một gia đình phản quốc. Cha cậu, phó tổng trấn Trung Kỳ là một tay đại Việt gian đã bao lần gây rắc rối cho Cách mạng. Đáng thương hơn, cậu đã uất ức đến vỡ tim mà chết khi biết được sự thật về chính gia đình của mình.
“- Vú và chị về nói lại với ba mạ em… Em nghe chuyện ba, em rất xấu hổ. Tội của ba với kháng chiến to lắm. Mà em còn nhỏ quá, em không đủ sức để chuộc được tội cho ba… Nói với mạ em, ở đây em chẳng cần chi hết. Em chỉ cần tiếng tốt của ba, của mạ, của gia đình thôi…” – Tuổi thơ dữ dội
Vịnh “sưa”, người chiến sĩ nhỏ tuổi đã tự biến mình thành ngọn đuốc sống để giúp bộ đội ta thiêu cháy kho xăng của giặc. Nhắc đến Vịnh, chúng ta lại nhớ đến những người anh hùng dân tộc đã hy sinh thân mình cho Cách mạng, quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh.
Anh hùng Lê Văn Tám đã cảm tử châm lửa đốt kho đạn của giặc, cả kho đạn đã bị phá hủy và bản thân anh cũng vì đó mà hy sinh theo. Anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo.
Bồng “da rắn”, cậu bé luôn tỏ thái độ coi khinh Việt gian, có đôi mắt tinh tường và khả năng nhìn người, nhiều lần phát hiện chiến lợi phẩm mà quân ta bỏ sót sau mỗi trận đánh. Có lần, cậu lặn xuống tận đáy sông để mò bằng được khẩu súng tôm-xông giữa làn đạn kẻ thù.
Cuối cùng là Mừng, chú bé tham gia vào đội thiếu niên trinh sát từ năm mười hai tuổi. Tuy còn nhỏ nhưng rất nhanh nhẹn, giúp đồng đội lập được nhiều chiến công và quyết không làm mất danh dự của Vệ Quốc Đoàn, đến khi hy sinh vẫn day dứt vì bị nghi là Việt gian.
“- Anh ơi, anh đừng nghi em là Việt gian nữa anh hí!
Lời cầu xin khẩn thiết cuối cùng của người chiến sĩ thiếu niên vừa tròn mười ba tuổi đời, yếu ớt và nhỏ gần như một hơi thở, nhưng trong khoảnh khắc ấy đã trùm lấp cả tiếng bom đạn giặc, và cả tiếng sấm rền của trận địa mìn đã làm tanh bành hơn hai đại đội giặc.” – Tuổi thơ dữ dội
Ngoài ra còn hình ảnh của Tư “dát” hay Vệ “đầu to”, tất cả đều được hiện lên đầy sống động, đầy cảm hứng khiến bất cứ ai cũng đều phải ngả mũ nể phục. (…)
Tuổi thơ dữ dội là tác phẩm nói về tình yêu nước đơn thuần, trong sáng, hồn nhiên và ngây thơ nhất. Những đứa trẻ dù xuất thân khác nhau nhưng luôn hết mình để làm nhiệm vụ khi được đứng trong hàng ngũ “Vệ Quốc Đoàn” đáng tự hào ấy.
Nghệ thuật xây dựng nhân vật trong Tuổi thơ dữ dội
Thành công bước đầu của tác giả Phùng Quán là đã xây dựng nhân vật gần gũi như người anh, người chị, người em. Tình đồng đội, đồng chí giữa các chiến sĩ nhỏ tuổi được thể hiện bằng những hành động tuy nhỏ bé nhưng lại cao đẹp vô cùng.
Đó là lúc tìm bạn trong đêm tối, lo lắng khi bạn bị đau chân, chia nhau vắt cơm nắm muối. Bốn phương trời sum vầy tụ họp, cùng ngủ, cùng ăn, cùng chiến đấu. Đó chính là khoảng thời gian vô cùng đáng nhớ và ý nghĩa trong cuộc đời các em.
“…Không sao, cứ ở truồng thế cũng được. Đừng mặc quần áo ướt mà lạnh. Anh quay sang hỏi cả đội:
-Có em nào mặc hai áo hai quần, cởi cho em này mượn bớt một.
Lập tức có hơn chục em cởi áo, quần chạy lại dúi vào tay nó…” – Tuổi thơ dữ dội
Nghệ thuật miêu tả đối lập đã lột tả một cách xuất sắc và chân thực về những thành viên trong đội thiếu niên trinh sát trung đoàn Trần Cao Vân. Ngoại hình tiêu điều, thân hình ốm yếu nhưng ý chí cứng cỏi như sắt thép.
Chiến tranh cướp đi của các em những bữa cơm ngon, những manh áo mới nhưng lại hào phóng ban tặng nào đói rét, nào ghẻ lở, nào ốm đau. Cuộc sống cực khổ ở chiến khu thật quá sức chịu đựng ngay cả với những người lớn.
Những điều đáng quý từ đó được làm nổi bật lên, tuổi còn nhỏ, ăn không đủ no, mặc không đủ ấm nhưng đã đảm nhận hàng loạt công việc quan trọng như giao thư, canh đài quan sát, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.
“Nhưng chưa lúc nào như lúc này, anh thấy tin tưởng một cách sâu sắc rằng, những ngày sắp đến dù vấp phải gian khổ hiểm nghèo đến đâu, nhất định các em cũng sẽ làm đúng được như lời các em vừa hát: “Ra đi, ra đi thà chết không lui…” – Tuổi thơ dữ dội
Việc đặt biệt danh cho mỗi người, mỗi nhân vật cũng là một nét đặc sắc khó quên trong Tuổi thơ dữ dội. Lượm “sứt”, Vịnh “sưa”, Tư “dát”, Bồng “da rắn”, Quỳnh “sơn ca”, Vệ “đầu to” đã gây ấn tượng rất mạnh đối với người đọc.
Những biệt danh đó gắn liền với đặc điểm ngoại hình và tính cách của mỗi nhân vật. Kim “điệu” đỏm dáng, cốt cách nhà giàu, không chịu nổi cảnh cơ cực ở chiến khu nên đã phản bội kháng chiến và đồng đội, làm Việt gian bán nước.
“Sáng nay, trong phòng tra tấn của Ty An Ninh, thằng Kim chỉ mới nếm sơ mấy quả đấm của Năm-ngựa, đã phun ra không thiếu một điều gì. Để nhẹ bớt tội bao nhiêu việc lớn nhỏ, có nhiều việc nó bịa đặt thêm thắt, trút hết lên đầu Lượm.” – Tuổi thơ dữ dội
Còn có Bồng “mắc bệnh gì ngoài da không biết, cứ đến mùa đông da nổi vẩy lên như vẩy rắn, cả đội gọi nó là Bồng-da-rắn. Nó không chịu, bảo vẩy nó giống vẩy trăn hơn. Nhưng cả đội không đứa nào chịu cải tên cho nó là Bồng-da-trăn, cứ gọi Bồng-da-rắn”.
Chính ấn tượng sâu sắc của người đọc với những biệt danh ngộ nghĩnh ngây thơ nhưng đầy ý nghĩa ấy giúp nhân vật trong tác phẩm của Phùng Quán sống mãi với thời gian.
“… Có một viên ngọc quý thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là Tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ được cầm viên ngọc trên tay, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được viết cho thế hệ đó.” – Hoàng Phủ Ngọc Tường
Một nghệ thuật đối lập cũng rất có dụng ý của tác giả là đặt nhân vật vào hai tuyến chính diện và phản diện. Điều đó làm nổi bật lên “chất vàng mười” của lý tưởng Cách mạng từ những người chiến sĩ nhỏ bé.
Chiến tranh gian khó luôn là chất thử hữu hiệu với nhân cách con người. Người sống vị kỷ, chỉ thích hưởng thụ sẽ sớm bị ngọn lửa quái ác của bè lũ Đế quốc thiêu cháy thành những vụn than thảm hại.
Nét trẻ thơ của đội trinh sát nhí cũng được tô đậm, thể hiện trên nhiều đặc điểm như cả tin, hiếu kì, thích phiêu lưu, mạo hiểm hay tỏ ra mình là người lớn. Những điều đó làm nổi bật sự trong sáng, ngây thơ, thánh thiện của các em.
“Nhưng em ngây thơ quá, trong sạch quá. Em không hiểu và cũng không tin, trong cuộc sống mà em đang sống vẫn tồn tại cái ác, cái xấu xa phản trắc, những âm mưu lừa lọc…” – Tuổi thơ dữ dội
Chiến tranh, mưa bom bão đạn nhưng tiếng cười giòn tan, vô tư vẫn không vơi bớt. Sắp ra chiến trận mà tâm hồn người lính thiếu niên vẫn để nơi mấy chú dế, lại thêm cảm giác sung sướng khi được sở hữu một quả lựu đạn.
Cũng chính nét trẻ thơ hồn nhiên ấy giúp các em cứng cỏi, bản lĩnh hơn khi đối diện hiểm nguy, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng. Lòng quả cảm, sự lạc quan luôn hiện hữu khiến mọi việc đều trở nên bớt nặng nề đi rất nhiều.
“- Còn lâu em mới thất kinh! Cha em trước làm Cộng sản, vượt tù đến năm lần tê anh ạ – Vượt đến lần thứ năm thì tụi hắn bắn chết.
– Nếu gặp dịp hay, em còn dám chơi tụi hắn một vố nữa không?
– Sợ chi mà không chơi anh!” – Tuổi thơ dữ dội
Đặc biệt, Phùng Quán còn rất nhạy cảm khi thấu hiểu được những tâm tư tình cảm của các chiến sĩ nhỏ khi phải xa gia đình. Các em cũng muốn được yêu thương, được chăm chút, được vỗ về, “được làm nũng như với cha, với mạ, với anh chị…”.
Vẫn chỉ còn là những chú bé nhưng việc gánh trên vai trách nhiệm nặng nề của đất nước khiến các chiến sĩ nhỏ trưởng thành, đẹp đẽ, đáng yêu, toàn vẹn và giàu sức truyền cảm hơn.
“Lỡ bị quân thù bắt được, dù bị cực hình tàn khốc đến thế nào, cũng quyết không bao giờ phản bội xưng khai” – Tuổi thơ dữ dội
Qua lăng kính của những đứa trẻ đồng thời là những chiến sĩ, nhà văn đã tạo nên nét tương đồng và dị biệt giữa mỗi cá thể, làm nổi bật hơn chân dung mỗi người. Điều này khiến cuốn tiểu thuyết trở nên hấp dẫn và gần gũi hơn với bạn đọc nhỏ tuổi.
Hệ thống nhân vật thiếu nhi là phương tiện quan trọng để nhà văn Phùng Quán bộc lộ tình yêu sâu sắc với quê hương, đất nước, vun đắp để tình cảm ấy nảy mầm trên mảnh đất này, kết nối tâm hồn bé thơ với hồn thiêng sông núi.
Tình huống truyện hồi hộp và bất ngờ
Các tình tiết trong truyện liên tục được đẩy lên cao trào. Những lúc Mừng giáp mặt với Việt gian, Quỳnh đối đáp với người nhà, Lượm kết hợp với Thúi và Lép “sẹo” lên kế hoạch vượt ngục lần thứ ba khiến người đọc hồi hộp, đứng ngồi không yên.
Khi ấy, cả ba đánh cắp chai rượu của một hàng quán để chuốc thuốc ngủ cho tên lính gác. Tuy vậy, hắn cũng suýt làm hỏng kế hoạch của cả bọn, nếu không có anh tù điên cứu giúp kịp thời thì có lẽ kế hoạch đã thất bại.
Hơn hết, các tình tiết ấy được nhà văn Phùng Quán thâu tóm thành một cốt truyện đầy chặt chẽ, giúp độc giả có thể theo dõi liền mạch. Dù Tuổi thơ dữ dội có nhiều chi tiết nhưng về tổng thể, tất cả vẫn có sự liên kết với nhau và mang lại trải nghiệm dễ chịu cho độc giả.
Lối viết giàu cảm xúc và linh hoạt
Ngay từ trang viết đầu tiên, tác giả đã khiến người đọc phải bật khóc vì xót xa, thương cảm cho những mảnh đời bất hạnh không cha không mẹ, mất người thân do bom rơi đạn nổ trong chiến tranh.
“Em muốn theo các anh đánh Tây cho nước nhà được độc lập, để sau ni lỡ mạ em có mắc bệnh chi còn nặng hơn cả bệnh hen suyễn, cũng được Chính phủ chữa cho lành…” – Tuổi thơ dữ dội
Vẫn dòng chảy hoài niệm ấy, nhà văn lại mang đến sự xúc động trước tình yêu thương của những đứa trẻ tự bao bọc lấy nhau ở chiến khu. Vượt qua tất cả nghịch cảnh, khổ sở, các em vẫn tiếp tục sống, hơn hết còn sống một cuộc đời ý nghĩa.
Rẽ sang mạch cảm xúc khác, điều khiến người ta uất ức là đòn tra tấn ghê rợn của kẻ thù trên chính mảnh đất quê hương. Những phân cảnh Lượm bị bắt nhốt trong nhà tù là điển hình về tội ác với trẻ em, với nhân dân Việt Nam.
Đan xen vào nốt trầm buồn của chiến tranh là tiếng cười trong trẻo, vô tư, lạc quan của những đứa trẻ. Khi buông súng ra, các em vẫn muốn chọi gà và đá dế. Nước mắt và nụ cười hòa quyện vào nhau tạo nên một bản giao hưởng đầy cảm xúc.
“Đọc Tuổi thơ dữ dội chính là đọc lại một phần lịch sử tuổi thơ Việt, thấm đẫm xúc động, cảm phục và tự hào…” – Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo
Điểm hay trong nghệ thuật của Tuổi thơ dữ dội là tác giả đã áp dụng thủ pháp đối nghịch trong lối hành văn. Từ đó, người đọc càng thấm thía với từng mảnh đời và xót xa khi đọc đến những trang cuối cùng của tiểu thuyết.
Đặc biệt, phương ngữ Huế trong Tuổi thơ dữ dội đã góp phần rất lớn trong việc làm nên sự thành công của tác phẩm. Điều này mang lại cho cuốn tiểu thuyết một chút rất riêng, rất Việt Nam và rất chân thực.
Thông điệp bên trong tác phẩm Tuổi thơ dữ dội
Tuổi thơ dữ dội xây dựng các nhân vật trở thành biểu tượng lý tưởng hóa về chiến tranh để tiếp cận bạn đọc trẻ, gây dựng nên tình yêu nước tha thiết, nồng nàn. Các thế hệ mầm non mai sau cũng có thể học hỏi cách sống đầy dũng cảm với tinh thần vượt khó.
Điều đó còn giúp thế hệ ngày nay được thấy một phần lịch sử quan trọng của đất nước, được sống lại thời kỳ oai hùng để thêm trân trọng cuộc sống hạnh phúc hiện tại, biết ơn sự hy sinh mà cha ông ta đã trải qua.
Các em nhỏ trải qua một giai đoạn tuổi thơ thực sự dữ dội với tiếng bom đạn rền vang trên bầu trời. Sự dữ dội ấy không bi quan mà trái lại rất bi tráng, nhiệt huyết, mang đậm màu sắc anh hùng ca dành cho những chiến sĩ nhỏ tuổi.
Là một người Việt Nam, chắc hẳn ai cũng dâng trào cảm xúc khi cầm trên tay những trang sử thi vô cùng oanh liệt của dân tộc viết về thời kì chiến đấu bảo vệ Tổ Quốc. Trung đội “nhí” ấy khiến độc giả phải ngả mũ kính phục trước tư cách và bản lĩnh đáng tự hào.
Chìm đắm trong dòng chảy của dòng văn học cách mạng, độc giả cảm nhận rõ bầu không khí chiến đấu gian khổ mà đầy hăng hái. Được cười thích thú với câu chuyện hóm hỉnh của các cậu bé nhưng cũng sẽ khiến bạn ứa nước mắt nghẹn ngào với những gì họ đã trải qua.
“Thật may mắn là, trong thời đại này khi mà sách đang ngày càng trở nên phổ biến và đa dạng, độc giả lại có thể tìm được một cuốn sách khiến mình có thể vừa bật cười, vừa lặng lẽ khóc như thế”
Một cuốn sách chứa đầy tự hào về những cậu thiếu niên anh hùng, vóc dáng nhỏ bé nhưng mang tấm lòng trượng nghĩa lớn lao. Sức ám ảnh từ truyện khiến người đọc phải suy nghĩ để thấm thía được giá trị của hòa bình, của độc lập tự do.
Tiểu Mai
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất