Chiếc lá cuối cùng là truyện ngắn nổi tiếng bậc nhất của nhà văn người Mỹ O. Henry. Tác phẩm gây được nhiều tiếng vang bởi những giá trị nhân văn sâu sắc mà nó gửi gắm về tình người, nghị lực sống và giá trị đích thực mà nghệ thuật mang lại.
Bằng tài kể chuyện khéo léo, cách xây dựng tình huống truyện đặc sắc cũng như sự chiêm nghiệm riêng về nghệ thuật, tác giả đã thành công để lại dấu ấn trong trái tim độc giả, biến Chiếc lá cuối cùng trở thành kiệt tác chung của nền văn học thế giới.
Nhà văn của những mảnh đời bất hạnh và tác phẩm Chiếc lá cuối cùng
Henry tên thật là William Sydney Porter, ông sinh năm 1862 tại Greensboro, Bắc Carolina trong một gia đình có cha là bác sĩ. Không may mắn như bạn bè đồng trang lứa, mẹ của O. Henry qua đời vì căn bệnh lao phổi hiểm ác khi ông mới tròn ba tuổi.
Sau khi mẹ mất, William tiếp tục lớn lên trong sự chăm sóc của người bà và cô chú. Dù còn nhỏ nhưng cậu bé ấy lại có niềm đam mê đặc biệt với những cuốn sách, đây cũng là hạt giống khai màn cho sự nghiệp sáng tác dồi dào về sau.
Năm mười lăm tuổi, ông bỏ học và đến làm việc tại hiệu thuốc của chú ruột trước khi chuyển đến bang Texas để mưu sinh. Nhà văn khi ấy đã thử qua đủ nghề, từ đầu bếp nhà hàng, nhân viên thư ký cho đến vẽ kỹ thuật, nhân viên xưởng in.
Trước khi bước vào văn chương, ông làm thư ký ngân hàng nhưng bị buộc tội biển thủ công quỹ, phải lãnh mức án năm năm tù giam. Song vì cải tạo tốt nên O. Henry được trả tự do sau ba năm, ông bắt đầu sáng tác trong quãng thời gian này để kiếm tiền nuôi con.
Khi trở về cuộc sống bình thường, ông tiếp tục cho ra đời nhiều truyện ngắn và lấy bút danh O. Henry. Cái tên này đã gắn bó với cuộc sống và sự nghiệp nhà văn trong suốt quãng đời còn lại.
Sau khi bén duyên với nghề viết, văn sĩ đã để lại cho đời hơn sáu trăm truyện ngắn. Sáng tác của ông đều được đánh giá cao và được công chúng đón nhận nồng nhiệt, điển hình là Quà tặng của những người thông thái, Căn gác xếp, Chiếc lá cuối cùng.
Được xuất bản lần đầu vào năm 1907, Chiếc lá cuối cùng là một trong những truyện ngắn hay nhất, thể hiện rõ ràng và tập trung phong cách sáng tác của nhà văn.
Tác phẩm là câu chuyện đầy cảm động về tình yêu thương, sự đồng cảm và thấu hiểu giữa những con người nhỏ bé trong xã hội cũ. Nó cũng được xem là bản tuyên ngôn, khẳng định sứ mệnh cao cả của văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung.
Giá trị nhân văn sâu sắc của Chiếc lá cuối cùng
Chiếc lá cuối cùng chinh phục trái tim người đọc bằng thứ tình cảm cao đẹp giữa con người với con người. Tác giả đặt mình vào trong sự khốn khổ của từng nhân vật để lắng nghe thật kĩ tiếng lòng, đem nó phơi trải lên trang văn với thái độ trân trọng và cảm thông.
Dẫu sống trong tình cảnh thiếu thốn nhưng các nhân vật trong tác phẩm chưa bao giờ để tình yêu thương đồng loại nguội lạnh. Họ thấu hiểu, kề cạnh, tiếp thêm sức mạnh cho nhau để tạo nên những phép màu kỳ diệu.
Câu chuyện về những số phận khốn khổ
Henry là nhà văn của những số kiếp lay lắt trong xã hội Hoa Kỳ đương thời. Ông không dùng ngòi bút để tô hồng hay đánh bóng hiện thực mà đi vào góc tối số phận để kiếm tìm cảm hứng sáng tác.
Trang viết của văn sĩ luôn có bóng dáng của những con người bất hạnh, đó là hai cô họa sĩ nghèo Giôn-xi và Xiu sống trong căn hộ nhỏ bé, ông cụ Bơ-men sống ở tầng dưới.
Giôn-xi không những chôn vùi ước mơ mà còn phải vật vã chiến đấu với bệnh tật, cụ Bơ-men thì khát khao tạo ra một kiệt tác nghệ thuật dù nay tuổi đã cao. Cả hai đều có ước nguyện riêng nhưng vẫn chưa bao giờ thực hiện được.
Nhân vật trong Chiếc lá cuối cùng, họ tuy là những con người với gương mặt, tên tuổi và giới tính khác nhau nhưng đều có điểm chung, ấy chính là sự thiếu thốn và cơ cực luôn hiện hữu.
Không chỉ tái hiện khó khăn về mặt vật chất của con người, O. Henry còn nhìn thấy ở họ các bi kịch tinh thần. Chính điều ấy khiến những kiếp người nhỏ nhoi dần đánh mất chính mình, rơi vào kiếp “chết dần chết mòn”.
Giôn-xi, cô họa sĩ trẻ với bao hoài bão và nhiệt huyết, lại mắc bệnh sưng phổi và chỉ còn biết ngồi đếm từng chiếc lá trên cây thường xuân. Thời điểm chiếc lá cuối cùng rơi xuống cũng là khi cô thỏa hiệp với số phận và chấp nhận buông xuôi.
Cụ Bơ-men, người họa sĩ với niềm ước ao vẽ được một tác phẩm để đời nhưng trớ trêu thay, mong ước này chưa bao giờ trở thành hiện thực. Cụ chỉ có thể ngồi làm mẫu cho các họa sĩ trẻ, kiếm ít tiền sinh sống qua ngày.
Bầu không khí trong tác phẩm mang sắc thái ảm đạm, thậm chí có phần u ám bởi những trớ trêu của số phận. Thế nhưng, nhà văn không đơn thuần là thuật lại sự nghiệt ngã ấy, ông còn muốn khơi dậy sự thương cảm và nỗi xót xa nơi độc giả.
Với tư cách người nghệ sĩ chân chính, O. Henry đã mang đến cho tác phẩm luồng sáng mới, xua tan đi bóng đêm phủ kín từng nhân vật. Luồng sáng ấy không chỉ là bước ngoặt trong câu chuyện, nó còn là hiện thân của tình yêu thương con người.
Ý nghĩa đằng sau nhan đề Chiếc lá cuối cùng
Sự tài năng của người nghệ sĩ không đợi đến khi anh ta xây dựng một tình huống truyện độc đáo hay những tình tiết bất ngờ, gay cấn mới bộc lộ mà nó nằm ngay trong cách người ấy đắn đo đặt nhan đề cho đứa con tinh thần.
Henry với tư cách một nhà văn chân chính, đã đặt tên cho tác phẩm là Chiếc lá cuối cùng. Không cầu kỳ và hoa mỹ, giản dị nhưng cũng đủ thể hiện nội dung và tư tưởng của toàn câu chuyện.
Chiếc lá cuối cùng là món quà mà cụ Bơ-men dành cho Giôn-xi như một lời an ủi, động viên cô vực dậy tinh thần, chiến thắng bệnh tật để hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nó cũng là hình tượng trung tâm, thâu tóm linh hồn của toàn bộ câu chuyện. Vốn dĩ, lá trên cây thường xuân cứ thay phiên lìa cành như quy luật tạo hóa, chỉ có chiếc lá cuối cùng do cụ Bơ-men vẽ khi trải qua bao cơn gió mạnh, vẫn không buông xuôi.
Chiếc lá thường xuân kia chân thật, sinh động như một chiếc lá thật, không chỉ bởi tài năng hội họa mà còn vì nó là kết tinh của tình thương vô bờ bến. Khi vẽ chiếc lá, người họa sĩ già ấy đã gửi gắm tất cả tấm lòng.
Hơn thế nữa, chiếc lá ấy còn là biểu tượng cho nghệ thuật chân chính mà O. Henry hướng đến. Một tác phẩm nghệ thuật đích thực phải phục vụ con người và hạnh phúc của họ.
Nghệ thuật không cần là “ánh trăng lừa dối”, không nên xa rời thực tế mà chỉ nên và phải nên bắt nguồn từ tình yêu thương con người, giúp họ vượt qua nghịch cảnh cũng như tìm lại chính mình.
Phép màu kỳ diệu từ tình yêu thương con người trong Chiếc lá cuối cùng
Là một nhà viết truyện hiện đại, O. Henry hiểu rõ hơn ai hết khái niệm phép màu. Nó không phải thứ phép thuật từ những vị thần tiên, càng không phải là sự ngẫu nhiên của cuộc sống.
Khi người đọc tưởng chiếc lá cuối cùng sẽ rơi xuống với sự ra đi của Giôn-xi, sự đau khổ của Xiu và tác phẩm không thể nào hoàn thành của cụ Bơ-men thì phép màu, bằng một cách nào đó đã xảy ra và xoay chuyển mọi thứ.
Sau trận mưa tuyết dữ dội hôm ấy, vẫn còn một chiếc lá thường xuân trên tường gạch. Dù cho mưa đập ngoài cửa sổ, gió bấc thi nhau thổi ào ào thì nó vẫn kiên cường bám trụ, không một chút lung lay.
Khi Giôn-xi một lần nữa nhìn thấy nó, cô như hiểu ra chân lý cuộc đời. Chiếc lá ấy đã cứu Giôn-xi khỏi sự tuyệt vọng, truyền cho người họa sĩ trẻ niềm tin yêu và sự ham sống.
“Có một cái gì đấy đã làm cho chiếc lá cuối cùng vẫn còn đó để cho em thấy rằng mình đã tệ như thế nào. Muốn chết là một tội.”
Sự mạnh mẽ của chiếc lá đã khiến cô nhận ra cuộc sống này quý giá đến nhường nào. Sẽ là một cái tội thật lớn nếu như ai đó muốn từ bỏ sự sống của mình chỉ bởi bản thân đang lâm vào nghịch cảnh.
Khi Giôn-xi tìm lại được chính mình và bắt đầu một cuộc sống mới thì cũng là lúc cụ Bơ-men vẽ được kiệt tác của đời mình. Tác phẩm ấy không chỉ được tạo nên từ tài năng hội họa mà còn đến từ sự hi sinh cao cả.
“Em thân yêu ơi, em hãy nhìn ra ngoài cửa sổ, nhìn chiếc lá thường xuân cuối cùng ở trên tường. Em có lấy làm lạ tại sao chẳng bao giờ nó rung rinh hoặc lay động khi gió thổi không? Ồ, em thân yêu, đó chính là kiệt tác của cụ Bơ-men, – cụ vẽ nó ở đấy vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng.”
Hóa ra, chiếc lá thường xuân kiên cường kia chỉ là một họa phẩm từ đôi bàn tay của cụ Bơ-men. Thế nhưng, nó tinh xảo đến mức người họa sĩ như Giôn-xi cũng không thể phân biệt nổi.
Phép màu trong Chiếc lá cuối cùng chính là tác phẩm của cụ Bơ-men, nó là sự hóa thân của tình yêu thương đồng loại, từ trái tim của người làm nghệ thuật thực thụ.
Khi tình yêu thương con người trở thành cội nguồn sức mạnh
Khi Chiếc lá cuối cùng được xuất bản, nó đã lấy đi nước mắt hàng ngàn người đọc. Tác phẩm không chỉ phản ánh phần nào những góc khuất của số phận con người trong xã hội Mỹ đầu thế kỉ XX mà còn khẳng định sức mạnh lớn lao của tình yêu thương.
Xuyên suốt câu chuyện, ngòi bút của O. Henry chưa bao giờ thôi khắc họa sự ấm áp cùng nghĩa cử cao cả từ các nhân vật trong tác phẩm. Sống trong cảnh thiếu thốn vật chất nhưng tâm hồn họ lại phong phú và đẹp đẽ biết bao.
Dù không phải là chị em ruột thịt nhưng Xiu lại kề cạnh chăm sóc và trân quý Giôn-xi như người thân trong nhà. Qua lời nói và hành động của cô, người đọc có thể cảm nhận được cô yêu thương Giôn-xi đến nhường nào.
“Em hãy nghĩ đến chị, nếu em không còn muốn nghĩ đến mình nữa. Chị sẽ làm gì đây?”.
Xiu cũng là cô họa sĩ nghèo, phải chật vật với khó khăn và những nỗi lo lắng. Tưởng như sống trong cái khổ, người ta sẽ ích kỷ nghĩ cho chính mình nhưng ở đây, Xiu vẫn ngày đêm trông chừng, động viên Giôn-xi vượt qua bệnh tật.
Chiếc lá cuối cùng ngời sáng không chỉ vì mỗi tình yêu thương vô bờ bến của Xiu mà còn bởi sự hi sinh cao cả của cụ Bơ-men. Người họa sĩ ấy đã dành tặng cuộc đời mình cho Giôn-xi, giúp cô tìm lại niềm tin đối với cuộc sống.
Người đọc ắt hẳn không thể nào quên được hình ảnh một cụ già yếu ớt gồng mình trong đêm mưa gió để vẽ nên chiếc lá thường xuân hay sự ân cần, lo lắng của cô gái trẻ đối với người bạn của mình.
Từ dáng vẻ u sầu của một người bệnh, nhờ sự yêu thương, chăm sóc và kề cạnh của Xiu cũng như cụ Bơ-men, Giôn-xi đã chiến thắng bệnh tật, khát khao được sống và vẽ vịnh Na – plơ.
Có thể nói, tình yêu của Xiu và cụ Bơ-men chính là hạt nhân mang tính quyết định trong sự hồi phục thần kì của một bệnh nhân tưởng chừng như mất hết hi vọng sống như Giôn-xi.
Thông điệp dành cho người làm nghệ thuật trong tác phẩm
Chiếc lá cuối cùng không chỉ mang đến cho người đọc những thông điệp nhân văn sâu sắc về cuộc đời, sự vượt qua nghịch cảnh để vươn đến một cuộc sống tốt đẹp mà nó còn là lời nhắc nhở, bản tuyên ngôn về nghệ thuật thuật chân chính.
Bàn về mục đích thật sự của nghệ thuật, có rất nhiều ý kiến khác nhau. Đã có thời, người ta cho rằng nghệ thuật chỉ là một phương tiện mua vui cho con người.
Thế nhưng với O. Henry, nghệ thuật không được định nghĩa một cách đơn giản và hời hợt như thế. Nghệ thuật phải là một thứ cao cả, giàu ý nghĩa và sâu sắc hơn.
Cụ Bơ-men cuối cùng cũng đã hoàn thành tâm nguyện tạo ra được một kiệt tác. Tác phẩm để đời ấy của cụ, không phải vẽ về những thứ hào nhoáng, bóng bẩy mà chỉ là chiếc lá thường xuân bình thường.
Thế nhưng, sự bình thường đó lại chứa đựng một sức mạnh cứu rỗi lớn lao. Điều đó đã cho thấy, nghệ thuật phải bắt nguồn từ đời sống mà đâm chồi nảy nở.
“Cuộc đời là nơi bắt đầu cũng là nơi đi tới của văn học” – Tố Hữu khẳng định tầm quan trọng của hiện thực đời sống
Nếu như người nghệ sĩ thoát ly khỏi thực tại, dửng dưng trước nỗi khổ của con người trong thời đại thì tác phẩm khi thai nghén ra sẽ chỉ là thứ nghệ thuật giải trí đơn thuần. Trải qua quy luật đào thải của thời gian, chúng sẽ dần bị lãng quên và biến mất.
Nghệ thuật bắt đầu từ đời sống nhưng không vì thế mà người cầm bút cho phép “đứa con” của mình trở thành một cỗ máy sao chép hiện thực. Nghệ thuật, về bản chất, chính là sự gạn lọc có ý nghĩa của cuộc đời.
Nếu như cụ Bơ-men nhận ra rằng, chỉ chiếc lá kia mới giúp Giôn-xi tìm lại sự thiết tha với cuộc sống thì người làm nghệ thuật cũng phải biết kiếm tìm và chắt chiu những “giọt mật” tinh túy nhất để đưa vào tác phẩm.
Nghệ thuật sẽ không là gì nếu thiếu vắng bóng hình của cuộc sống. Thế nhưng, sự hiện diện của hiện thực trong tác phẩm phải có ý nghĩa, chứa đựng những bài học nhân văn sâu sắc.
Hơn thế nữa, nghệ thuật đích thực, phải là thứ nghệ thuật vị nhân sinh, kiến tạo nên một thế giới mới, tốt đẹp và bác ái hơn.
“Một tác phẩm thật giá trị, phải vượt lên bên trên tất cả bờ cõi và giới hạn, phải là một tác phẩm chung cho cả loài người. Nó phải chứa đựng một cái gì lớn lao, mạnh mẽ, vừa đau đớn lại vừa phấn khởi. Nó ca tụng lòng thương, tình bác ái, sự công bình…Nó làm cho người gần người hơn.” – Nam Cao cũng có lần đề cập giá trị của nghệ thuật chân chính
Nghệ thuật, cũng giống như bức tranh của cụ Bơ-men, phải sinh ra vì con người và vì hạnh phúc con người. Nó phải thúc đẩy con người hướng tới những điều tốt đẹp, thêm nâng niu và trân trọng cuộc sống này hơn.
Kết cấu đảo ngược tình huống và dụng ý nghệ thuật trong Chiếc lá cuối cùng
Nhà văn O. Henry đã rất khéo léo khi xây dựng nghệ thuật đảo ngược tình huống đến hai lần. Việc sử dụng kết cấu ấy không chỉ tăng tính hấp dẫn mà còn làm nổi bật giá trị nhân đạo của tác phẩm.
Lần đảo ngược đầu tiên, Giôn-xi từ một người bệnh mất hết hi vọng với cuộc sống, chỉ chực chờ giây phút chiếc lá cuối cùng lìa khỏi cành đã khỏe lại, yêu đời, chiến thắng bệnh tật và chiến thắng cả bản thân mình.
Sự hồi phục diệu kì này của Giôn-xi xuất phát từ việc cô nhận thức rằng được sống và hiện diện trên cõi đời này quan trọng đến nhường nào. Đến một chiếc lá còn cố gắng bám trụ trên cành cây trong cơn mưa bão thì cô cũng phải cố gắng đến cuối cùng để được bên cạnh những người thân yêu.
Lần đảo ngược thứ hai, người đọc không khỏi bất ngờ khi chứng kiến cụ Bơ-men, từ một con người vốn khỏe mạnh lại ra đi cũng vì căn bệnh viêm phổi ác tính.
Sự ra đi của người họa sĩ già ấy không khỏi làm người đọc bất ngờ, lại còn xót xa hơn nữa khi biết cụ chính là người mạo hiểm tính mạng mình để cứu lấy một cô gái trẻ đã tuyệt vọng như Giôn-xi.
Cụ vẽ chiếc lá thường xuân cuối cùng trong sự thầm lặng. Không ai biết rằng trong trong cái đêm mưa gió kia, cụ Bơ-men đã phải chật vật thế nào nhưng có một điều chắc chắn là, tác phẩm ấy đều được mọi người trân quý như một thứ báu vật.
Cả hai tuyến nhân vật đều có kết cục khác nhau ở cuối câu chuyện thông qua kết cấu đảo ngược tình huống. Tuy nhiên, vận mệnh họ lại được gắn chặt với nhau bằng bức tranh chiếc lá thường xuân, vừa là chi tiết thắt nút và mở nút của tác phẩm.
Có thể nói, tài năng nghệ thuật của O. Henry được bộc lộ rất rõ khi ông sử dụng kết cấu đảo ngược tình huống. Nó không chỉ đưa người đọc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, tăng thêm sự hấp dẫn mà còn khiến câu chuyện trở nên nhân văn hơn với sự hi sinh âm thầm, cao cả của cụ Bơ-men.
Đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm Chiếc lá cuối cùng
Chiếc lá cuối cùng chinh phục người đọc không chỉ ở những giá trị nhân văn mà nó gửi gắm mà còn bởi sự vận dụng, kết hợp một cách điêu luyện các thủ pháp nghệ thuật của nhà văn O. Henry.
Văn sĩ như đặt mình vào trong hoàn cảnh từng nhân vật, đi sâu vào nội tâm để thấu hiểu nỗi lòng của họ. Với nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm trạng, những biến chuyển dù rất tinh vi trong tâm hồn mỗi nhân vật, đều được ông phơi trải lên từng trang văn vô cùng chân thực và sinh động.
Để tạo dựng nên những trang văn khắc họa đầy đủ tâm lý nhân vật như thế, tác giả đã khéo léo kết hợp nhuần nhuyễn vốn ngôn ngữ đa dạng, phong phú. Mỗi câu chữ được viết ra đều có hồn cốt riêng, chuyên chở được ý nghĩa nhà văn muốn gửi gắm.
Henry còn là bậc thầy trong việc xây dựng tình huống truyện. Tác giả xây dựng và sắp xếp các tình tiết vô cùng khéo léo, đặc biệt là cách sử dụng kết cấu đảo ngược tình huống đến hai lần.
Dù đã hơn một thế kỷ trôi qua nhưng Chiếc lá cuối cùng vẫn in dấu trong trái tim bạn đọc bởi giá trị nhân đạo sâu sắc mà nó chứa đựng.
Không chỉ là một bức tranh toàn cảnh về cuộc sống nghèo khổ của những người nhỏ bé trong xã hội Mỹ đương thời, nó còn là thông điệp về tình yêu thương giữa người với người.
Để rồi, độc giả vẫn sẽ tìm đến với O. Henry, đọc những trang viết của ông để hiểu thêm về con người và lẽ sống, nhận ra rằng cuộc sống này vẫn đáng sống và tươi đẹp biết bao.
Hạ Nhiên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất