Đạt giải Nhì trong Giải thưởng cuộc thi viết về quyền trẻ em do Viện Khoa học giáo dục tổ chức cứu trợ trẻ em Thụy Điển vào năm 1992, Cuộc chia tay của những con búp bê là câu chuyện kể về cuộc chia tay đầy đau đớn và cảm động giữa hai anh em Thành và Thủy.
Bằng lối kể chuyện thân tình, nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật tinh tế nhà văn Khánh Hoài đã gián tiếp gửi gắm nhiều thông điệp sâu sắc tới độc giả, qua đó khuyên nhủ mọi người phải biết giữ gìn, bảo vệ hai chữ thiêng liêng “gia đình”.
Đôi nét về tác giả Khánh Hoài
Tác giả Khánh Hoài (bút danh khác thường gọi là Bảo Châu) tên khai sinh là Đỗ Văn Xuyền, ông sinh năm 1937 tại xã Động Kinh, huyện Đông Hưng, Tỉnh Thái Bình. Hiện nay, nhà văn đang sinh sống ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Thuở nhỏ, ông học tiểu học và trung học ở nhiều nơi như Thái Bình, Hà Nội và Hải Phòng. Trong thời gian học Trung học, Khánh Hoài đã tham gia các hoạt động bí mật trong phong trào học sinh, sinh viên.
Năm 1956, nhà văn theo học tại Đại học Sư phạm Hà Nội và tốt nghiệp ba năm sau đó. Sau khi ra trường, ông theo nghiệp nhà giáo và làm hiệu trưởng nhiều trường phổ thông tại Vĩnh Phú trước khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam vào năm 1981.
Từ năm 1988 cho tới nay, Khánh Hoài vẫn miệt mài cống hiến và đảm nhiệm nhiều trọng trách. Ông là Chi Hội trưởng chi hội Văn nghệ Việt Trì, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội kiêm Phó chủ nhiệm thường trực ủy ban bảo vệ chăm sóc trẻ em tại thành phố Việt Trì, Phú Thọ.
Với lời văn tự sự, biểu cảm, tác giả Khánh Hoài đã phác họa nên những bức tranh chân thực, sinh động về các vấn đề xã hội lúc bấy giờ thông qua các tác phẩm như Trận chung kết, Những chuyện bất ngờ, Chuyện chia tay của những con búp bê.
Nhà văn cũng được nhà nước trao tặng rất nhiều giải thưởng danh giá như một bằng chứng công nhận đóng góp to lớn của Khánh Hoài đối với nền văn học nước nhà. Trong đó không thể không nhắc tới Giải Nhì cuộc thi thơ – văn cho truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê của ông.
Truyện ngắn Cuộc chia tay của những con búp bê xoay quanh cuộc chia ly giữa hai anh em Thành và Thủy, nó đã giúp đưa tên tuổi của tác giả Khánh Hoài đến gần hơn với công chúng, đây cũng là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của tác giả.
Ngoài việc được biết tới là một nhà văn, Khánh Hoài còn nổi tiếng với câu chuyện đánh dấu năm mươi năm cho Cuộc hành trình đi tìm chữ Việt cổ kiên trì, bền bỉ với cái tâm trong sáng, lòng tự hào về văn hóa Việt.
Trong năm mươi năm qua, nhà giáo ấy không ngại khó khăn đi đến các vùng sâu, vùng xa để tìm thông tin của những chữ lạ cổ xưa. Đến hôm nay, độc giả có thể tự hào với bộ chữ Khoa Đẩu, một bộ chữ do chính Tổ tiên ta sáng tạo từ hai nghìn năm trước.
Về nhan đề “Cuộc chia tay của những con búp bê”
Cuộc chia tay của những con búp bê là truyện ngắn do Khánh Hoài sáng tác, tác phẩm đã đoạt giải Nhì trong cuộc thi viết văn quốc tế về quyền trẻ em do Viện Khoa học Giáo dục và Tổ chức cứu trợ trẻ em Rát-đa Bác-nen – Thụy Điển tổ chức năm 1992.
Truyện được kể theo ngôi thứ nhất, người kể ở đây là Thành xưng “tôi”. Điều này giúp tác giả thể hiện một cách sâu sắc những tình cảm và khắc họa tâm trạng nhân vật rõ nét nhất, đồng thời tăng thêm tính chân thực, thuyết phục của từng chi tiết.
Bằng lối kể chuyện đơn giản mà sâu sắc, Khánh Hoài đã tái hiện lại trong mắt độc giả về một buổi chia tay đẫm nước mắt và day dứt giữa hai anh em đồng thời ngợi ca tình cảm trong sáng, bền chặt của tình cảm ruột thịt, sự thiêng liêng của hai tiếng “gia đình”.
Nhan đề Cuộc chia tay của những con búp bê chính là sự ẩn dụ cho sự chia ly của hai đứa trẻ, Thành và Thủy ở đây cũng như những con búp bê nhỏ nhắn ấy. Chúng chẳng có lỗi lầm gì, thế nhưng nỗi đau lại dồn lên tâm hồn trẻ con.
Búp bê là vật vô tri, vô giác nhưng Khánh Hoài đã rất tinh tế khi đặt chúng trong hoàn cảnh bị chia tách, cũng như cuộc chia ly xót xa giữa hai đứa trẻ.
Việc đặt nhan đề như vậy vừa gây ấn tượng với độc giả, kích thước sự tò mò vừa gây cho họ những suy tưởng thật sâu xa về hành động của con người. Trong tác phẩm này, chính bậc làm cha làm mẹ đã gián tiếp để lại đau khổ cho con em mình.
Cuộc chia tay của những con búp bê là câu chuyện cảm động về tình cảm anh em sâu sắc
Ngay từ lời mở đầu, độc giả được hé lộ về hoàn cảnh hết sức đáng thương mà hai em Thành và Thủy phải gánh chịu. Cha mẹ của hai đứa trẻ đã ly hôn, người mẹ được quyền nuôi đứa em là Thủy còn Thành vì lớn hơn nên ở với bố.
Cũng từ đây mới diễn ra sự việc chia búp bê của hai đứa trẻ, khi chúng đang gói ghém đồ đạc và thu dọn mọi thứ để chuẩn bị rời xa ngôi nhà đã từng là mái ấm hạnh phúc, cũng là rời xa một phần tuổi thơ của mình.
Cuộc chia ly đẫm nước mắt của hai anh em Thành và Thủy
Hai đứa trẻ tội nghiệp chẳng có quyền lựa chọn cuộc sống cho riêng mình, vì vậy chúng buộc phải chấp nhận hiện thực đầy đau đớn. Thành và Thủy cùng nước mắt ngắn dài, những kỷ niệm tươi đẹp giữa hai anh em dần hiện về trong tâm tưởng:
“Mẹ tôi, giọng khản đặc, từ trong màn nói vọng ra:
– Thôi, hai đứa liệu mà đem chia đồ chơi ra đi.
Vừa nghe thấy thế, em tôi bất giác run lên bần bật, kinh hoàng đưa cặp mắt tuyệt vọng nhìn tôi. Cặp mắt đen của em lúc này buồn thăm thẳm, hai bờ mi đã sưng mọng lên vì khóc nhiều.”
Tờ giấy ly hôn như chiếc cưa cắt ngang tình đoàn tụ, phá vỡ mái ấm gia đình nhỏ nhoi của hai đứa trẻ. Đứa có mẹ thì thôi không có bố, dù thế nào cũng chịu cảnh mất mát và đáng sợ nhất là hai anh em phải chấp nhận xa cách nhau.
Cuộc chia tay của Thành và Thủy đã để lại trong lòng độc giả rất nhiều cảm xúc. Đồng thời qua cuộc chia ly ấy, tác giả Khánh Hoài cũng muốn gửi tới bạn đọc thông điệp hãy bảo vệ, giữ gìn hạnh phúc gia đình để những đứa trẻ vô tội không phải chịu tổn thương, mất mát.
Tình cảm anh em đáng trân trọng giữa Thành và Thủy
Ngay từ đầu câu chuyện, độc giả đã thấy Thành là người anh trai vô cùng tình cảm, có lòng thương yêu em sâu sắc. Cậu cũng là một đứa trẻ hiểu chuyện, điều đó càng làm câu chuyện chia ly này xót xa đến đau lòng.
Tình cảm cha mẹ rạn nứt, gia đình ly tán buộc hai anh em phải chia đôi theo bố và mẹ. Tác giả đã rất khéo léo lựa chọn ngôi kể là nhân vật Thành để giúp người đọc chứng kiến mọi chuyện xảy ra như một vết dao khứa sâu vào tâm hồn đứa trẻ mới lớn.
Khi biết Thủy khóc nức nở trong đêm, Thành dù “cắn chặt môi để khỏi bật tiếng khóc to” nhưng “nước mắt cứ tuôn ra như suối”. Suốt thời gian ấy, cậu đã gắng gượng để che đi trái tim tổn thương, yếu đuối và tỏ ra mạnh mẽ, làm chỗ dựa cho Thủy trong lúc này.
“Đêm qua, lúc nào chợt tỉnh, tôi cũng nghe tiếng nức nở, tức tưởi của em. Tôi cứ phải cắn chặt môi để khỏi bật lên tiếng khóc to, nhưng nước mắt cứ tuôn ra như suối, ướt đầm cả gối và hai cánh tay áo.”
Trong những ngày gia đình hòa thuận, êm ấm, cậu vẫn luôn yêu thương, chiều chuộng người em gái ấy hết mực. Thành chiều nào cũng đón em đi học về, cùng nắm tay nhau và trò chuyện.
“Lâu nay, mải vui chơi bè bạn, chẳng lúc nào tôi chú ý đến em… Từ đấy, chiều nào tôi cũng đi đón em. Chúng tôi nắm tay nhau vừa đi vừa trò chuyện.”
Từng kỷ niệm vui đùa như òa về cùng niềm xót xa vô hạn khi giờ đây, hai đứa trẻ giờ sắp phải xa nhau. Hiện thực quá nghiệt ngã, Thành đã ước đây chỉ là giấc mơ giữa ban ngày nhưng người mẹ bất chợt lên tiếng, dòng tâm tưởng cũng theo đó đứt quãng:
“Đem chia đồ chơi ra đi! – Mẹ tôi ra lệnh.
Thủy mở to đôi mắt như người mất hồn, loạng choạng bám vào cánh tay tôi. Dìu em vào trong nhà, tôi bảo:
– Không phải chia nữa. Anh cho em tất.”
Thành sẵn sàng nhường hết đồ chơi cho em gái, cố che lấp sự tổn thương bên trong bằng vẻ mặt vui vẻ nhưng rồi cậu bé cũng đã khóc, khóc rất nhiều khi chứng kiến đứa em nhỏ sắp rời xa mình.
Khánh Hoài đã rất xuất sắc trong việc khắc họa nên nhân vật Thành quá đỗi chân thực, giúp người đọc như hòa mình vào từng dòng tâm sự mà chứng kiến sự vật, sự việc đang trôi dần tựa thước phim tua chậm.
Người anh trai Thành chính là điểm sáng của truyện ngắn, nhân vật này đã trực tiếp tạo nên sức cuốn hút và lôi cuốn cho câu chuyện. Đó không chỉ là sự cuốn hút với các bạn nhỏ mà ngay cả những bậc phụ huynh cũng phải dừng lại để suy ngẫm.
Hai chú búp bê Em Nhỏ và Vệ Sĩ trong Cuộc chia tay của những con búp bê
Nhân vật Thủy, cô em gái của Thành cũng khiến độc giả không khỏi xúc động, bồi hồi. Thủy là em bé ngoan ngoãn, hiếu thảo và yêu thương người anh trai của mình. Khi anh bị rách áo, em đã khâu vá một cách thành thạo, từng đường kim mũi chỉ được đưa thoăn thoắt.
“Hồi còn học lớp Năm, có lần tôi đi đá bóng, bị xoạc một miếng áo rất to. Sợ mẹ đánh, tôi cứ ngồi lì ngoài bãi không dám về. Nghe lũ bạn tôi mách, em đã đem kim chỉ ra tận sân vận động. Nó bảo:
— Anh cởi áo ra, em vá lại cho. Em vá khéo, mẹ không biết được đâu.”
Đối mặt với cuộc chia tay, Thành và Thủy đều mang cảm giác buồn bã, nặng nề đến tuyệt vọng. Thế nhưng, điều đó không làm tình cảm cả hai mất đi mà còn trở nên sâu đậm hơn.
Đứng trước việc phải chia đồ chơi, Thành thì “Không phải chia nữa. Anh cho em tất” còn Thủy lại “Không, em không lấy. Em để lại hết cho anh”. Đến tận bây giờ, hai anh em vẫn nhường nhịn và cố gắng dành những điều tốt nhất cho nhau.
Khi thấy Thành chia hai con Vệ Sĩ và Em Nhỏ thì Thủy đã giận dữ vì em không muốn chia rẽ chúng. Cuối cùng, hai anh em quyết định để lại khi nhìn thấy hai chú búp bê quàng lên vai nhau.
Bởi vì Thủy không muốn những món đồ chơi vốn gắn bó thân thiết giờ phải chia lìa như hai anh em. Như vậy, em không chỉ là một đứa trẻ hồn nhiên và yêu thương anh mà còn có tấm lòng vị tha.
Thành không muốn chấp nhận việc phải xa cách em gái, vì vậy cậu ước đây chỉ là giấc mơ. Thành đến lớp cùng Thủy và cùng em gái chia tay bạn bè, cô giáo, trường lớp để chuẩn bị bước sang một phần đời khác, phần đời thiếu vắng sự hiện diện của Thành.
Trong tác phẩm, Khánh Hoài cố tình nhắc đến khung cảnh hai anh em ngồi lặng im trong buổi sáng sớm và khi ra khỏi lớp học hai lần. Ngòi bút ông vẫn tả cảnh vật thật vui tươi, dòng người qua lại như bình thường.
Bức tranh cảnh vật này vớt vát một phần nỗi sầu muộn đang âm ỉ trong lòng độc giả, thế nhưng nó cũng như lời khẳng định nghiệt ngã đến đau lòng, chẳng có ai có thể cảm nhận nỗi đau, sự mất mát trong lòng hai đứa trẻ ấy.
Thành và Thủy trơ trọi, mọi vật nhòa đi như thể chỉ còn lại hai anh em ở giữa bức phác họa ấy. Hai đứa trẻ cô đơn giữa cuộc sống này, thậm chí không còn được nương tựa vào nhau, thế nhưng điều đó cũng không kéo độc giả ra khỏi việc mường tượng ngày tháng sắp tới.
Sau đó, Thành dành hầu hết đồ chơi cho em từ bộ tú lơ khơ, bàn cá ngựa, những con ốc biển, bộ chỉ màu, ngay cả hai con búp bê Em Nhỏ và Vệ Sĩ. Cặp búp bê là vật gắn liền với tuổi thơ cả hai đứa nhỏ, Thủy không nỡ để chúng phải chia cách và muốn con Vệ Sĩ canh gác cho anh trai những giấc ngủ ngon.
“Vệ Sĩ thân yêu ở lại nhé! Ở lại gác cho anh tao ngủ nhé! Xa mày, con Em Nhỏ sẽ buồn lắm đấy, nhưng biết làm thế nào…”
Tới đây, Thành đã không kìm được mà “khóc nấc lên”, Thủy cũng rưng rưng hai hàng nước mắt. Cuộc chia tay giữa hai đứa trẻ diễn ra trong tâm trạng hết sức thổn thức, độc giả có thể thấy được sự nghiệt ngã, cái lạnh lùng đến vô tâm mà người chịu trận là những đứa trẻ còn non nớt, bỡ ngỡ trước cuộc đời.
Thông điệp đắt giá và bài học cảnh tỉnh tới các bậc làm cha mẹ của Khánh Hoài
Bằng lối kể chuyện thân tình, sử dụng cặp hình ảnh ẩn dụ sâu sắc hai con búp bê Vệ Sĩ – Em Nhỏ thì Khánh Hoài đã gián tiếp truyền tải thông điệp đáng giá về sự chia ly và tầm quan trọng của mái ấm gia đình.
Những con búp bê không biết nói, không biết cảm nhận, chúng chỉ là đồ chơi của Thành và Thủy nhưng lại ấp ủ niềm khát khao, ao ước về một tổ ấm thực sự. Ở đó, cha mẹ hai đứa trẻ không ly hôn, những con búp bê kia sẽ mãi ở bên nhau, Thành và Thủy cũng sẽ không phải chịu cảnh chia ly.
Trẻ em luôn muốn được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, vì vậy các bậc phụ huynh hãy luôn trân trọng và giữ gìn hạnh phúc gia đình, đừng để những tâm hồn non nớt ấy phải vụn vỡ do hứng chịu cảnh gia đình ly tán.
Trẻ con không có lỗi, chúng chỉ là những tờ giấy trắng. Chính người lớn chúng ta mới là người có lỗi trong chuyện này, khi đã vô tình đánh mất hai chữ “gia đình” là tài sản vô cùng quý giá, là nơi an ủi và nơi bạn có thể nương tựa vào. Vậy nên hãy gắng hết sức giữ gìn nó, đừng bao giờ vì lý do gì mà làm tổn hại tới tổ ấm gia đình, tổn hại tới tình cảm gia đình.
Người lớn hãy cố gắng nâng niu hạnh phúc của trẻ con, hãy vì tổ ấm gia đình và luôn sống mẫu mực, đừng vì những cám dỗ tầm thường mà làm tổn thương trẻ con vô tội, tổn thương hạnh phúc của gia đình.
Mân Côi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất