Khi nhắc đến Kim Lân, chúng ta thường nghĩ ngay đến các truyện ngắn nổi tiếng như Làng, Vợ nhặt hay Con chó xấu xí. Bên cạnh đó không thể bỏ qua Người kép già, một trong những tác phẩm đầu tiên do ông chắp bút trước Cách mạng tháng Tám.
Truyện ngắn là niềm thương cảm của nhà văn dành cho những kiếp người làm và yêu nghệ thuật, chính điều này đã tạo nên một dấu ấn riêng cho Người kép già. Ở tác phẩm này, Kim Lân không chỉ khắc họa hiện thực vô tình mà còn ghi lại nền văn hóa với những dấu ấn đặc sắc.
Người kép già là nơi mà những hoàng kim gắn liền với mỗi câu tuồng cổ giờ chỉ còn lại chút ký ức và hy vọng nhỏ nhoi, ẩn dật tận sâu trong tâm trí của một lão kép. Đó là một kẻ luôn kiếm tìm chất nghiện giữa thực thực mơ mơ và lặng lẽ bước qua “vang bóng một thời”.
Ngòi bút của làng quê Việt Nam cùng truyện ngắn Người kép già
Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài, sinh năm 1920 trong một gia đình đông con và lớn lên trên mảnh đất cằn ở làng Chợ Dầu, huyện Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh.
Vì hoàn cảnh nghèo khó nên Kim Lân chỉ học hết bậc Tiểu học rồi ra ngoài bươn chải kiếm tiền. Ngay từ những buổi đầu cơ cực ấy, nhà văn đã thấm nhuần sự lam lũ, nhọc nhằn của người nông dân và nhân dân lao động lúc bấy giờ.
Những trải nghiệm thực tế giúp cho Kim Lân có một vốn sống dày dặn, ông từng khóc cười cùng nhiều kiếp người quẩn quanh nên nhà văn đã đưa kinh nghiệm đời thực chuyển hóa thành chất liệu quý giá để nuôi lớn từng đứa con tinh thần của mình.
Nếu truyện ngắn Nam Cao là những trang viết đau đáu hiện thực hay Nguyễn Tuân với nét đẹp uyên bác, tài hoa thì mỗi tác phẩm mang tên Kim Lân đều cho người đọc cảm nhận được sự mộc mạc, bình dị của làng quê Việt Nam.
Qua nhiều năm, bao thế hệ độc giả đến với truyện ngắn của Kim Lân cốt để tìm kiếm những sự chân thật, dân dã và nét đôn hậu của những người nông dân ở làng quê Việt Nam trong giai đoạn Cách mạng tháng Tám.
Le lói sau những trang viết với hiện thực tàn khốc ấy, Kim Lân luôn dành cho nhân vật của mình là trái tim biết yêu thương trọn vẹn. Dù cuộc đời có lam lũ, vất vả bao nhiêu thì họ vẫn thắp lên ánh sáng nhỏ về hy vọng một tương lai tốt đẹp. Như chính lời tâm tình thuở đầu ông tìm đến với sự nghiệp văn học:
“Viết văn, trước tiên tôi viết cho mình, cho những ước mơ, gửi gắm của chính mình. Sau nữa, đó là những lời bộc bạch, tâm sự với bạn đọc những lời đang nhức nhối, đang thôi thúc.”
Gắn liền với sự chuyển mình của văn học, phong cách truyện ngắn của Kim Lân cũng có nhiều thay đổi rõ rệt. Trước Cách mạng tháng Tám, ông hướng đến mảng đề tài được lấy chất liệu từ những thói quen sinh hoạt và phong tục làng quê.
Giống với tùy bút Vang bóng một thời, các truyện ngắn do Kim Lân chắp bút từ Chó săn, Đánh vật, Đứa con người cô hầu đến Người kép già, tất cả đều in đậm góc nhìn gần gũi và thể hiện được sự am hiểu về văn hoá Việt Nam của ông.
Mỗi mạch truyện là sự tái hiện cuộc sống bình dị của những kiếp người nhân hậu luôn chứa chan tình yêu thương ấm áp. Khác với trào lưu văn học đương thời, Kim Lân chọn một lối đi ít có dấu chân nào từng bước đến, đúng như nhà phê bình văn học Vũ Dương Quỹ nhận xét:
“Những truyện ngắn Kim Lân viết trước Cách mạng tháng Tám, bên những thân phận con người lam lũ vất vả vẫn phập phồng trái tim yêu đời, những mong muốn tuy mơ hồ nhưng da diết, con người đối xử với nhau bao dung, nhân hậu hơn.”
Cách mạng tháng Tám làm thay đổi bộ mặt của văn học đương thời, sự kiện này đã khơi dậy nguồn cảm hứng mới, từ đó mỗi trang viết mang tên Kim Lân cũng có những thay đổi về tầm nhìn cùng nhiều chuyển biến bên trong nhận thức nhân vật.
Hai tác phẩm Làng và Vợ nhặt đã khắc hoạ hiện thực tàn khốc về một đất nước đau thương trong những năm tháng trường kỳ chống Pháp – Nhật. Đó là thảm trạng kinh hoàng mà cái đói, cái chết chóc bi thương đã ám ảnh nhân dân, khiến họ phải sống trong đau đớn.
Khi nói về các đề tài xã hội, mạch truyện Kim Lân luôn nhẹ nhàng, chậm rãi nhưng tác phẩm nào cũng để lại dư vị khó phai. Nguyễn Khải đã có lúc phải bật thốt lên khi đọc những trang viết của cây bút tài hoa này rằng:
“Đó là thần viết, thần mượn tay người để viết nên những trang sách bất hủ.”
Người kép già được ra đời trong những ngày đầu ông bén duyên với văn chương nghệ thuật, tác phẩm như một bức tranh thu nhỏ của ngôi làng đất tuồng yên bình. Chỉ với hai chương truyện, Kim Lân đã thành công phản ánh cả một thời cuộc thịnh suy, những mai một và sống còn của giá trị văn hoá dân tộc.
Truyện ngắn sẽ đưa độc giả trở lại cùng nhịp sống làng quê Bắc Bộ ngày ấy, đông đúc và thân thuộc, người chen người trong những miệng ăn. Cốt truyện viết về ông Trạch, người kép già nghiệp ngập sống trong một xó nhà quê hẻo lánh đã qua thời nổi danh, được người đời săn đón.
Sự lãng quên vô tình của thời gian
Mở đầu câu chuyện, chỉ vỏn vẹn vài câu tả ngắn, Kim Lân đã phác họa nên hình ảnh ông Trạch kép hát với bộ dạng già nua có phần kinh sợ.
“Người kép già ấy, mặt răn reo vì có tuổi, tái xanh vì giang hồ, mắt lờ đờ vì khói thuốc phiện…tuổi xuân qua đem cả giọng hát của ông đi.”
– Người kép già
Vì người ta không còn nghe tuồng cổ nữa nên sẽ chẳng ai nhớ đến bóng dáng lừng lẫy của con hát nổi danh ngày nào. Giọng ca hứng chí của ông Trạch bây giờ đã bị biến đổi, rè rè như tiếng thuốc phiện đi qua nhĩ.
Thời ấy, ông được nhiều chủ rạp tranh nhau đón, bản thân từng sang tận mẫu quốc phô diễn tài nghệ. Đã có những ngày từng đi đây đi đó, lấy vợ này thay vợ khác và cũng có lúc tiền trong tay trăm bạc chục.
Để rồi, khi mà chiếc mặt nạ hát ngày nào bị bám bụi và hiện rõ nét lỗi thời ngay dưới ánh đèn dầu lay lắt thì cũng là lúc ông Trạch bước qua thời hoàng kim.
Người kép hát giải nghệ về lại với hai bàn tay trắng, bản thân sống bám víu vào đứa cháu cùng những đồng tiền thắt lưng buộc bụng của người vợ cũ mà mình từng bỏ lửng suốt mười lăm năm trời.
Ông Trạch vay giật từng đồng để thỏa cơn nghiện ngập, nói như Kim Lân thì, bị cái đói cái nghèo đọa đày cho đến thành tàn tật, thành ngớ ngẩn.
Số phận của ông Trạch chính là biểu trưng cho tình cảnh chung về số phận của những con hát, kép hát lúc bấy giờ. Tuồng cổ vốn là dấu ấn văn hoá truyền thống Việt Nam trong giai đoạn hưng thịnh, được nhà nhà đón nhận, chào mời và tung hô.
Khi đã đổ bóng hết thời thì nó dần rơi vào quên lãng, thờ ơ thậm chí bị xua đuổi và ghét bỏ. Ngay cả giữa làng đất tuồng, khi có một ban tuồng lập ra được diễn tập miễn phí thì cũng chỉ lác đác vài dân ngụ cư hứng thú.
Cuộc đời của những kép hát như nhân vật chính cũng vì thế mà trở nên thăng trầm, có nhiều ảnh hưởng. Ấy thế mà lúc ông Trạch ở trên đỉnh cao danh vọng và tiền tài thì bản thân lại lãng quên những giá trị trân quý bên cạnh mình đến khi trắng tay thì mới nhận ra những người thân còn lại là ai.
Giữa những giao thoa của thời đại, con người luôn tìm đến những khoảng lấp mới mẻ và hợp thời nên sẽ chẳng có ai cố đào bới lại nét đẹp cũ kỹ rồi tự thuyết phục rằng, nó hiện tại vẫn còn vẹn nguyên.
Như Nguyễn Tuân với hành trình đi tìm cái đẹp nghệ thuật, cái thiện cái mỹ, hiểu hết luân hồi đổi thay mới bảo rằng:
“Ngắm vầng trăng rằm, người tinh ý sẽ nhận ra cái vẻ sắp tàn của một vật gì đã mãn khai trong có một thì.”
Hiện thực phũ phàng là lời giục giã cay nghiệt thôi thúc ông Trạch tìm đến thuốc phiện, bản thân xem nó như một cứu cánh để giải thoát chính mình và đắm chìm trong quá khứ với những mơ tưởng đẹp đẽ.
Thắp lên chút hy vọng níu giữ những vang bóng một thời
Ngay từ những mạch đầu của truyện, ông Trạch hiện lên với bộ dạng mắt trợn trừng trợn trạc bên bàn đèn thuốc phiện khiến người ta ghê sợ nhưng ai cũng cảm nhận được, trong một lúc no phiện ấy, ông ta vẫn ngân nga mấy câu tuồng cổ.
Những lúc vui hay thẫn thờ ông Trạch còn hát khe khẽ, lắm khi đứa cháu quát mắng mới ngưng lại. Trong đầu ông luôn thường trực những bài ca ngày ấy, mà theo lời bác Triệu thì.
“Có lẽ óc ông lúc ấy đang đi trở ngược lại thời lừng lẫy, tưng bừng ánh sáng và âm nhạc thuở trước.”
– Người kép già
Thời gian, cái khó cái khổ đã bỏ quên tuồng cổ nhưng đối với con người từng cùng nó đi qua thời huy hoàng nhất thì chưa bao giờ cam tâm để tuồng cổ rơi vào quá khứ. Ông Trạch thường kể cho bác Triệu nghe về thời ấy, bằng chất giọng hào hứng thú vị.
Song phấn khởi bao nhiêu thì thực tại càng khiến ông buông thả, bất lực bấy nhiêu. Nó không chỉ đến từ sự tuyệt vọng của một người mắc kẹt ở chân tường mà còn bắt đầu trong một tâm hồn say mê với nghệ thuật, cuối cùng chỉ còn cách phó mặc để tất cả rơi vào quên lãng.
Khi ban tuồng hát trong làng được mở ra là khi ta thấy tình yêu và hy vọng của ông Trạch dâng trào đến mức cao nhất. Người kép hát chăm chút bàn thờ tổ, không ngừng kỳ vọng bác Triệu sẽ kêu gọi thật đông anh em trong làng đến tập duyệt.
Niềm đam mê trong những năm về trước như được thức tỉnh, nó sống lại với lời ca, sân khấu. Ông Trạch một lần nữa trở về với cái thời ngân nga câu tuồng cổ bằng ái, ố, hỉ, nộ, ai, lạc.
Sau cái mùi thuốc phiện thoang thoảng cùng ngọn đèn dầu chập sáng, chập tối ở chương đầu thì đến bây giờ, tiếng cười kha khả của ông Trạch lần đầu được Kim Lân nhắc đến. Chẳng ai biết ông đã cất dấu nó bao lâu, có thể là ẩn trong cái quẩn quanh tâm trí hay hòa cùng cái mùi nồng nàn của điếu thuốc mơ.
Không chỉ ông Trạch và cả ngôi làng đất tuồng mong mỏi mà có lẽ Kim Lân cũng đặt nhiều hy vọng về một ngày, những kép tuồng, kép hát sẽ trở lại, họ có thể lần nữa được đón nhận và nối tiếp.
Ẩn sau những tâm tình của bác Triệu, có một Kim Lân ấm áp, dù nhà văn thấu hiểu hiện thực và cái lỗi thời lúc bấy giờ nhưng từ đầu đến cuối, ông vẫn luôn đồng tình, bầu bạn lắng nghe, giúp đỡ người kép già.
Bút pháp Kim Lân càng miêu tả hiện thực trần trụi và tha hoá của ông Trạch bao nhiêu thì những niềm đam mê ấp ủ bên trong lão kép già lại càng nhen nhóm, rực cháy bấy nhiêu.
Thân ông chơi vơi giữa một xó nghèo tồi tàn, đói rách nhưng hồn lại bay cao đến nơi nghệ thuật, mảnh đất chỉ có riêng cho mình một vùng trời để thoả mãn. Đây là một trong những đặc điểm khi nói về phong cách sáng tác truyện ngắn quen thuộc của Kim Lân.
Nếu Ngô Tất Tố hay Nam Cao khắc họa những thước phim về số phận những kiếp người phải đối mặt cái khổ giữa cuộc sống thê lương thì khi đến với Kim Lân, nhân vật của ông lại hiện lên với nhiều hy vọng, lạc quan về một tương lai tươi sáng.
Người kép già là cái hồn bình dị và nhân ái của truyện ngắn Kim Lân
Kể và tả hoà quyện xuyên suốt hai chương truyện, nhà văn vẽ nên làng quê Bắc Bộ với nhịp sống chậm rãi, nhẹ nhàng ngay cả trong thời kỳ bị nạn đói bủa vây. Giọng văn mộc mạc cuốn người đọc vào không gian truyện tự nhiên, êm đềm với dòng chảy thời gian về những giai đoạn hưng thịnh, suy tàn đối lập.
Kim Lân không dùng văn phong sắc sảo nhưng vẫn đủ để hiện thực dần hiện ra một cách trần trụi trên mỗi trang viết. Một kiếp người, một kiếp nghề với những đổi thay thăng trầm đã trở thành nỗi ám ảnh khó phai không chỉ với người kép hát mà còn cả độc giả.
Khi khổ cực và những tha thiết miệng ăn khiến con người không còn để tâm đến giá trị tinh thần thì chút hy vọng cuối cùng của ông Trạch như cái với tay cầu cứu, chơi vơi nhưng không ai dám nắm lấy.
Giọng văn bình thản khiến độc giả tưởng chừng Kim Lân đang dửng dưng kể lại nhưng đi sâu vào đó, chúng ta thấy ông viết về người kép già bằng một sự thấu hiểu hơn bao giờ hết. Đến cuối cùng, nhà văn vẫn vẽ nên hy vọng để nhân vật của mình có thêm một lần cuối sống lại tình yêu với nghệ thuật.
Nhưng bản chất văn chương vốn là kể chuyện đời và thuật lẽ thực, để rồi dù có yêu thương đến đâu thì cũng chỉ có thể là cái khoác tay bất lực quay đi của bác Triệu khi kết thúc tác phẩm.
“Vừa hối hận vừa thương ông.”
– Người kép già
Tất cả lòng nhân hậu chỉ còn gói ghém trong tiếng thở dài giữa hiện thực khốc liệt, dù ngòi bút mang tên Kim Lân ấy có cảm thông bao nhiêu thì cũng vĩnh viễn không thể thay đổi được số phận, theo quy luật đào thải của lịch sử, tự nhiên.
Chúng ta có thể giống bác Triệu, thương ông Trạch bởi những tâm huyết và ấp ủ của ông với cái nghề tuồng cổ biết bao năm gắn bó. Chúng ta cũng có thể giống những người dân ở làng đất tuồng ấy, lãng quên những thứ lỗi thời, lẳng lặng và vô tình không hơn không kém.
Sau cùng, những bỏ ngỏ, những day dứt khi khép lại Người kép già của Kim Lân vẫn chính là sự nâng niu các giá trị văn hoá dân tộc, trân quý từng con người làm nghệ thuật và dành trọn vẹn cả một cuộc đời để theo đuổi nó.
Tiểu My
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất