Sợi tóc là truyện ngắn xuất sắc của nhà văn Thạch Lam, nằm trong tập sách cùng tên và được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1942. Tác phẩm sẽ mở ra khung cảnh đô thị Việt Nam giữa những năm 90 của thế kỷ XX, tại đây một cuộc đấu tranh tâm lý của nhân vật chính sẽ diễn ra, để từ đó nhà văn gửi đến độc giả một thông điệp ý nghĩa.
Đôi nét về nhà văn Thạch Lam và tác phẩm Sợi Tóc
Thạch Lam, tên thật là Nguyễn Tường Vinh, sinh năm 1910 tại Hà Nội và mất khi ông chỉ mới 31 tuổi. Bên cạnh bút danh được sử dụng rộng rãi hiện nay, nhà văn còn được gọi với cái tên Việt Sinh hay Thiện Sỹ.
Cùng với hai anh trai ruột, Thạch Lam trở thành cây bút đắc lực của nhóm Tự lực Văn Đoàn. Ông sống trong thời đại mà văn học lãng mạn lên ngôi và dành được nhiều sự yêu mến vì thế khó tránh khỏi việc nhà văn bị ảnh hưởng bởi lối viết ấy.
Tuy nhiên Thạch Lam vẫn tìm được lối đi riêng, văn chương của ông không xa rời thực tế mà nó là những điều giản dị trong cuộc sống. Nhận xét về ông, Vũ Ngọc Phan từng nói rằng:
“Ngay trong tác phẩm đầu tay (Gió đầu mùa”, người ta đã thấy Thạch Lam đứng vào một phái riêng…Ông có một ngòi bút lặng lẽ, điềm tĩnh vô cùng ngòi bút chuyên tả tỉ mỉ những cái rất nhỏ và rất đẹp… Phải là người giàu tình cảm lắm mới viết được như vậy.”
Đối với ông, quan niệm về cái đẹp không phải những điều đập mạnh vào giác quan như Nguyễn Tuân, mà chỉ đơn giản là ánh đèn nơi gánh hàng chị Tí trong Hai đứa trẻ hay cơn mưa rào trong Gió lạnh đầu mùa.
Giọng văn của Thạch Lam nhẹ nhàng, tinh tế, dễ đi vào lòng người. Ông nổi tiếng với những tác phẩm không có cốt truyện nhưng lại giàu sức gợi và chất thơ, nó gây ấn tượng mạnh mẽ với bạn đọc và tạo nên một sức ám ảnh lớn.
Mặc dù sự nghiệp văn chương của Thạch Lam không dài nhưng ông để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị như Gió lạnh đầu mùa, Nắng trong vườn, ” Một thứ quà của lúa non: Cốm” hay Hà Nội băm sáu phố phường.
Sợi tóc là truyện ngắn đặc sắc, nằm trong tập truyện nổi tiếng cùng tên của Thạch Lam. Tác phẩm n kể về nhân vật chính tên Thành, trong một lần đi chơi với Bân, anh đã nổi lên lòng tham và trong đêm ấy Thành đã có một cuộc đấu tranh tâm lý gay gắt để giữ lại lương tri của mình.
Cuộc đấu tranh giành lại lương tri
Sợi tóc là một câu truyện ngắn, dễ hiểu được tạo nên bởi tình huống đơn giản nhưng chứa đựng trong đó là dòng nội tâm hết sức phức tạp của nhân vật.
Câu chuyện bắt đầu khi Bân, người anh họ của Thành rủ anh xuống phố, để chọn giúp mình một chiếc đồng hồ. Trong suốt cuộc đi chơi ấy, chiếc ví dày cộp với những tờ tiền đủ mệnh giá của Bân đã thu hút sự chú ý của Thành.
Trong khi Thành chẳng có nổi một trăm bạc bỏ túi, thì cái ví của Bân là một sự cám dỗ rất lớn mà anh phải đối mặt. Câu chuyện được đẩy lên cao trào khi Thạch Lam tạo ra một tình huống thuận lời để nhân vật chính có cơ hội lấy được vật chứa đầy tiền bạc trong túi áo của Bân.
Khoảnh khắc ấy, lòng tham của Thành được đánh thức, trong đầu anh bày ra một viễn cảnh tỉ mỉ về việc lấy trộm chiếc ví của Bân. Anh biết rằng mọi chuyện sẽ trôi qua thật êm đẹp và chỉ cần vài lời nói dối, người anh họ cũng chẳng thể nghi ngờ mình.
Thành còn nghĩ đến tình huống, Bân hối hả kể cho anh nghe việc mất ví và anh sẽ diễn thật tự nhiên rồi nhanh chóng tiêu mấy đồng bạc đó.
“Tất cả những cách xếp đặt ấy diễn qua rất nhanh trong trí tôi. Chỉ một thoáng thôi, tôi đủ tưởng trước được các việc xảy ra như thế, êm thấm và yên lặng, và trôi chảy… dễ dàng quá, mà không còn sợ cái gì cả…”
– Sợi tóc
Có khoảnh khắc, chúng ta nghĩ rằng Thành đã bỏ quên lương tri để ăn cắp số tiền của Bân nhưng cái giật mình của anh đã đưa cả nhân vật và độc giả quay về hiện thực để biết rằng Thành vẫn đứng bên bờ vực của cái tốt.
Sau bao nhiêu đắn đo, toan tính, khoảnh khắc Thành bước ra khỏi nhà hát với chiếc áo của mình trên tay và không một đồng tiền nào của Bân trên người, cũng là khi anh thoát khỏi thách thức của lòng tham cũng như mê lực của đồng tiền.
Thành đứng chấp chới giữa ranh giới mong manh của sạch sẽ và bị vẩy bẩn nhưng cuối cùng anh đã giữ cho mình một lương tri sạch sẽ. Chính Thành cũng không hiểu lý do mà anh quyết định như thế, sau khi ra về anh vẫn còn thấy chút tiếc nuối và biết mình không còn cơ hội động vào chiếc ví nữa.
“Tôi cảm thấy một cái thú khoái lạc kỳ dị, khe khẽ và thầm lặng rung động trong người, có lẽ là cái khoái lạc bị cám dỗ, mà cũng có lẽ cái khoái lạc đã đè nén được sự cám dỗ. Và một mối tiếc ngấm ngầm, tôi không tự thú cho tôi biết và cũng cố ý không nghĩ đến, khiến cho cái cảm giác ấy của tâm hồn tôi thêm một vẻ rờn rợn và sâu sắc.”
– Sợi tóc
Thành cảm nhận được khoái lạc của sự cám dỗ, tuy nhiên anh cũng khoan khoái khi chiến thắng được chúng, giữa một khoảng cách chỉ mong manh như sợi tóc. Nhân vật chính đã có thể đứng thẳng lưng bước về và cảm nhận làn gió tạt vào vầng trán nóng, không chút day dứt, lo toan.
Thạch Lam đã khai thác một chủ đề không bao giờ lỗi thời về lòng tham và lương tri con người. Trong xã hội, dù quá khứ hay hiện tại, chúng ta luôn phải đối mặt với những quyết định rằng sẽ thỏa mãn tham vọng cá nhân hay níu lại lương tri trong sáng.
Cuộc đấu tranh trong nội tâm con người sẽ luôn diễn ra và không có hồi kết, buộc chúng ta phải vượt qua và chiến thắng cám dỗ.
Thạch Lam và nét bút quen thuộc
Thạch Lam vốn nổi tiếng là nghệ sĩ thích khám phá những câu chuyện dung dị, xảy ra hàng ngày trong đời sống. Ông tìm tòi ra những vẻ đẹp cũng như góc khuất của con người từ lời nói hay hành động tưởng trừng rất đỗi bình thường quanh mỗi chúng ta.
Sợi tóc vẫn là một tác phẩm không cốt truyện, một lối viết quen thuộc của Thạch Lam, qua hình ảnh nhân vật Thành tác giả triển khai một tình huống, dù không có nhiều tình tiết bất ngờ nhưng lại khai thác sâu nội tâm của nhân vật.
Thành tự nhận mình là người sành sỏi, hiểu biết và cho rằng người anh họ của mình là kẻ ngờ nghệch, vì thế anh dành cho Bân rất ít sự tôn trọng. Thành luôn giữ cho mình suy nghĩ ấy nên việc Bân giàu có khiến anh vô cùng ghen tị.
“Tôi thì trong óc cứ vơ vẩn cái ý nghĩ sao một thằng ngốc như hắn – tôi thấy hắn càng ngốc – lại có lắm tiền thế, còn mình…”
– Sợi tóc
Trong suốt buổi đi chơi, Thành không thoát được ra khỏi những suy nghĩ nhỏ nhen và tầm thường ấy. Anh cho rằng Bân ngốc do hắn cư xử khác anh, không phóng túng mua một chiếc đồng hồ xịn và đắt đỏ dù cho hắn có rất nhiều tiền.
Thạch Lam, mặc dù không đề cập trực tiếp, tuy nhiên qua lối miêu tả suy nghĩ và lời nói của Thành, ông đã khám phá ra góc khuất trong mỗi con người. Độc giả có thể tìm thấy chính mình qua nhân vật, về tính hơn thua, ganh ghét vẫn diễn ra hàng ngày nhưng ít ai để tâm đến. Huy Cận từng nhận xét về truyện ngắn của Thạch Lam:
“Những truyện ngắn của Thạch Lam là hay không phải vì chúng ta có thể xếp các loại truyện ấy vào dòng văn học hiện thực. Những truyện ấy hay vì nó truyền đến cho người xem một cách cảm nhận cuộc đời, một lối cảm xúc xót xa trìu mến trước những cảnh đời nghèo túng, đôi khi tủi cục, đôi lúc hắt hiu.”
Ngòi bút của Thạch Lam khai phá triệt để tâm lý con người, đặc biệt khi họ rơi vào ranh giới mong manh như sợi tóc của thiện và ác, cao thượng và hẹn mọn. Ông mang đến cho người đọc một cái nhìn toàn diện hơn về các vấn đề trong cuộc sống và đưa ra một quan điểm thẳng thắn với mặt xấu của xã hội.
Những sáng tác của Thạch Lam càng trải qua thách thức của thời gian lại càng sáng ngời những giá trị nhân văn, nó mang một sức hút kì diệu đối với nhiều thế hệ bạn đọc. Sợi tóc như một minh chứng cho sức sống mạnh mẽ của văn chương Thạch Lam, một câu chuyên khai thác tâm lý con người trong hoàn cảnh trớ trêu với những vấn đề không bao giờ cũ.
Ngọc Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất