Ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tư vẫn luôn khiến người đọc không khỏi đau đáu về tình người. Trang truyện Tro tàn rực rỡ mở ra những góc khuất trong tâm hồn người dân vùng sông nước miền Tây.
Khung cảnh Nam Bộ không còn lấp lánh bởi dòng sông mênh mông, cánh đồng bao la nữa. Thay vào đó, màu xám của khói và màu đỏ của lửa bao trùm lên câu chuyện mới là thứ đọng lại trong tâm trí độc giả.
Nguyễn Ngọc Tư và sứ mệnh thổi vào trang văn chất dân dã của miền Tây
Đặt chân vào thế giới văn chương của nữ nghệ sĩ, người đọc được khám phá những khía cạnh chưa bao giờ thấy từ vùng đồng bằng Nam Bộ. Không chỉ con sông, cánh đồng mà cả mảnh đời, số phận.
Sinh ra ở Cà Mau đất mũi, ngay từ thời thơ ấu, khung cảnh, con người và cuộc sống nơi đây đã thấm sâu vào tâm trí Nguyễn Ngọc Tư. Đó chính là chất liệu làm nên những trang truyện vang tiếng của nữ nhà văn.
Cái chất miền quê sông nước phảng phất trên từng trang văn của cô Tư, mang theo cái tình làng xóm, bờ đất cùng con người hồn hậu nhưng ít nhiều gặp những bất hạnh trong cuộc sống.
Con người trong những câu chuyện của Nguyễn Ngọc Tư xuất hiện thật đặc biệt. Mỗi nhân vật hiện lên với một cảnh ngộ khác nhau, đằng sau sự cô đơn là nỗi đau xuyên suốt hành trình trưởng thành.
Truyện ngắn Tro tàn rực rỡ được rút từ tập Đảo (2014), đây là tập hợp của mười bảy câu chuyện về thế giới của những số phận đắng cay, bẽ bàng, luôn mưu cầu hạnh phúc đơn sơ, trần tục nhưng thật xa vời.
Không phải ngẫu nhiên nữ nhà văn lại chọn cái tên ngắn gọn đến trần trụi là Đảo. Bởi vậy, những trang sách cũng nhiều mưa, gió lạnh, những mái nhà dột. Cái tên ấy khiến người đọc phải tò mò tìm đến truyện ngắn của cô Tư.
Tro tàn rực rỡ là hình ảnh biểu tượng cho tâm hồn xơ xác và lụi tàn
Trong tập Đảo, có lẽ Tro tàn rực rỡ là tác phẩm để lại nhiều ấn tượng và thương nhớ trong lòng độc giả. Không chỉ bởi cái kết bất ngờ mà còn đến từ cách Nguyễn Ngọc Tư miêu tả một cái đẹp mà Tam điên đảo – ngọn lửa.
Cái đẹp luôn là thứ hiện hữu toàn mĩ, toàn bích trong đôi mắt con người. Thế nhưng, trong truyện ngắn của nữ nhà văn, cái đẹp lại hiện lên thật ngang trái, chúng thật tuyệt diệu trong mắt kẻ này nhưng cũng đồng thời tước đi sự sống người kia.
Ngọn lửa lớn vụt lên là dự cảm cho màu sắc của Tro tàn rực rỡ
Tác phẩm Tro tàn rực rỡ mở đầu bằng một đám cháy lớn vụt lên trong đêm. Những bí mật dần được hé lộ qua lời kể của “em”, người đốt căn nhà là anh Tam, oái oăm thay, anh cũng đồng thời là chủ của nó.
Đám cháy được đặt lên đầu câu chuyện dự báo cho người đọc về một thiên truyện éo le với nỗi niềm xung quanh đám cháy rực rỡ kì quái ấy, cùng bao đau thương vây lấy các nhân vật trong truyện.
Là một chi tiết nhỏ trong tác phẩm nhưng Nguyễn Ngọc Tư đã khiến người đọc tò mò khi đến với Tro tàn rực rỡ. Nó không khỏi khiến độc giả tự đặt ra những câu hỏi xung quanh vụ hỏa hoạn lạ lùng ấy.
Nữ nhà văn đã đạt được mục đích của mình, vừa khơi gợi màu sắc của cốt truyện, vừa tạo sự hứng thú nơi người đọc. Kể từ đây, những bức màn sự thật sẽ được cô khéo léo vén lên để thể hiện những góc khuất của con người nơi xóm Thơm Rơm.
Nỗi đau âm ỉ cùng ngọn lửa dữ dội bùng lên trong Tro tàn rực rỡ
Tam, chồng của Nhàn, vốn là một người hiền lành nhưng “hay lên cơn tủi thân”. Bất ngờ hơn, những “cơn tủi thân” ấy lại thật vô lý.
“Chỉ vì Nhàn mệt quá ngủ quên không ngồi chờ bên cửa, chỉ vì con chó hàng xóm sủa dữ quá, và Tam nghĩ “nó khinh ta”, hay vì cái rễ cây me tây gồ lên khỏi mặt đường làm anh ta vấp té.”
Có lẽ, chính cơn say rượu sau khi nhậu đã khiến anh có những cơn buồn tủi vô cớ như vậy “lang thang ngoài đường lúc nửa đêm, lẽ nhè chửi rủa chiếc xuồng vuột dây trôi mất, chửi đom đóm, chửi rạ rơm vướng chân”.
Chân dung của một kẻ bợm rượu dễ khiến người đọc nhớ đến Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao, hắn chửi cả làng Vũ Đại. Điểm chung giữa Tam và hắn là cơn say triền miên xen nỗi tủi thân.
Thế nhưng, giấu sau lớp màn nghiện rượu là sự khổ sở, buồn bực và bất mãn với thực tại. Rượu trở thành thứ thuốc chữa lành nỗi đau và tiếp thêm cho hai nhân vật dũng khí để làm những điều mà bình thường họ chẳng dám làm.
Với Chí Phèo, nhờ rượu mà hắn đã rạch mặt ăn vạ, dám tự tay mình đâm Bá Kiến. Còn Tam, vốn là người hiền lành nhưng khi hơi thở nồng men rượu, anh đã tự mình châm lửa đốt nhà.
Trong mắt Tam “chỉ có đám cháy rực rỡ”, thứ ánh sáng lộng lẫy của ngọn lửa là biểu trưng cho cái đẹp mà anh tha thiết tìm kiếm. Thấy nó, anh quên đi những điều quý giá, thiêng liêng bên cạnh mình.
“Có khi đứng, khi quỳ, giữ một khoảng cách vừa phải với lửa, Tam say đắm, tê mê ngắm chúng cho đến khi những cái lưỡi đỏ khát thèm liếm láp đến mẫu gỗ cuối cùng.”
Anh dường như là một kẻ thất bại, đè nặng trên tâm hồn Tam là sự tủi thân và tự ti mà chẳng tài nào thoát khỏi. Đổ vỡ, tuyệt vọng, vô nghĩa, có lẽ niềm vui sót lại mà anh tìm thấy nằm trong đám cháy rực rỡ và tro tàn của chúng.
Tam không còn là chính mình mỗi khi nương nhờ ngọn lửa và tàn tro
Ảo ảnh về ngọn lửa huy hoàng, tráng lệ cùng đám tro tàn rực rỡ khởi sinh từ căn nhà bị đốt cháy rừng rực. Tam không hiểu ý nghĩa đời mình, anh chọn cách đốt nhà như một sự cố gắng cuối cùng trong tuyệt vọng để “sống”.
“Vẻ mặt rạo rực đó là của một con người khác, không còn là thằng Tam nghèo, chịu nhiều mất mát.”
Trước cái đẹp của ngọn lửa bùng lên, Tam không còn là chính mình. Những đám cháy tự mình bắt lửa khiến anh thấy mình được quên đi kí ức đau buồn, vẩn đục đời thường bủa vây và cứ thế đắm chìm trong cái đẹp bắt mắt ấy.
Tam như sống một cuộc đời khác tươi sáng và ý nghĩa hơn những tháng ngày vật vờ này. Anh không còn là người cha bất lực, “ôm xác con không chịu buông” mà cũng chẳng còn là người chồng hay đánh vợ, “hay tủi thân”.
Nương nhờ vào những đám cháy rực rỡ, Tam chôn giấu được những muộn phiền, cay đắng chất chứa. Ý nghĩa tồn tại của anh là “tro tàn rực rỡ”, một kiếp người vùi mình trong đống tro vỡ vụn để trốn tránh thực tại.
Tình người và sự hoang lạnh của thứ muội than trong Tro tàn rực rỡ
Đến với Tro tàn rực rỡ, người đọc được khám phá những góc khuất trong đời sống hôn nhân của hai cặp vợ chồng. Tẻ nhạt, buồn chán, lạnh lẽo, họ là vợ chồng nhưng dường như chẳng có ràng buộc gì.
Trái ngược với tình yêu tha thiết đến khờ dại của người phụ nữ là thái độ lạnh nhạt, thờ ơ đến ích kỷ của người đàn ông. Bi kịch bị chồng ghẻ lạnh, hững hờ được Nguyễn Ngọc Tư tái hiện trong chất giọng mộc mạc và lối kể giản dị.
Câu chuyện của người phụ nữ mù quáng trong tình yêu
Tro tàn rực rỡ được kể bởi người phụ nữ hàng xóm của Nhàn, họ đều là những mảnh đời bâng quơ giữa cái xóm quê nghèo. Dẫu vậy, trong trái tim nhỏ bé vẫn âm ỉ niềm khao khát hạnh phúc, dù bấp bênh.
Bất công luôn tìm đến kiếp đời của người phụ nữ như cái mệnh. Đối với Nhàn, cô dành trọn tình yêu của mình dành cho Tam, chịu đựng mọi thứ để cứu vãn cuộc hôn nhân đã rơi vào ngõ cụt này.
Lùi lũi, cặm cụi, Nhàn như chết dần, chết mòn trong nơi người ta vẫn gọi là “mái ấm”. Thế nhưng, cái xó ấy cũng chẳng khiến đời cô an yên bởi người chồng mỗi khi phật ý lại đốt đi ngôi nhà mà cô xây lên.
Xây rồi lại đốt, mái nhà vốn vững chãi, kiên cố lại biến thành chốn tạm bợ, nương nhờ bởi họ không biết khi nào mình sẽ cuốn vào đám cháy kinh hoàng kia, chỉ để lại đống tro tàn xám xịt.
“Nhàn nhặt nhạnh, kết lại cái tổ đủ hai vợ chồng chị chui ra chui vào. Nhìn chị kéo mớ lá về, đuôi lá quét lên cỏ một vệt ướt đẫm, em không làm sao nhịn được việc nghĩ đến kết cuộc của chúng : một đống tro than.”
Đứng trước ngôi nhà bị chính tay Tam đốt, Nhàn với tâm trí đang chết mòn, chỉ biết cố lách mình khỏi đám lửa. Ngẩn ngơ ngồi sau lưng chồng và nhìn ngọn lửa thiêu rụi mọi thứ trong đêm.
Sự bình thản đến vô cảm của Nhàn khiến độc giả dễ liên tưởng đến một khán giả nhỏ tuổi đang xem buổi biểu diễn mà bản thân chẳng tài nào hiểu nổi. Cô vẫn luôn khao khát tìm thấy hình ảnh mình trong đôi mắt của chồng, thế nhưng chúng chỉ toàn là màu đỏ từ ánh lửa.
Ẩn sâu trong lớp ngoài điềm nhiên ấy, nỗi đau đớn, buồn tủi vẫn luôn canh cánh trong lòng Nhàn. Trong ánh mắt sâu thẳm phản chiếu lại sự dữ dội của ngọn lửa, có lẽ cô có nhiều hơn những khao khát được chồng một lần đoái hoài.
Trái tim nào cũng mong được yêu thương, dẫu có ở tận cùng tuyệt vọng, những người phụ nữ lầm lũi ấy vẫn mong chờ sự thức tỉnh lương tâm từ người đàn ông khiến mình tổn thương.
Tro tàn rực rỡ là tiếng lòng khao khát hạnh phúc
Tro tàn rực rỡ không chỉ xoay quanh sự lạnh nhạt, thờ ơ mà Nhàn phải đối diện, tác phẩm còn đào sâu vào nỗi đau của “em”, người con gái vội tin vào ánh mắt “mê dại” của chàng trai.
Kỳ lạ thay, chính người kể chuyện “em” cũng cảm thấy ngọn lửa ấy thật “lộng lẫy, xáo động em đến cả mấy tháng sau”. Chỉ có cô mới hiểu được mỗi đám cháy mang một mùi khác nhau.
“Mùi những con mối cánh bén lửa, mùi lá mục, hay mùi nhựa khét xộc ra từ tấm bạt xóc nóc nhà và những sợi dây câu. Em phân biệt được đám cháy nào có mùi những con chuột bị nướng trui trên mái ngói, hay những cái trứng kiến quá lửa.”
“Em” say đắm trước đám cháy của Tam và bắt gặp được hình ảnh của mình trong số phận của Nhàn, “Em thấy mình chính là Nhàn kia, một con đàn bà thèm khát được chồng nhìn thấy.”
Dẫu có mang thai, chồng của cô vẫn dửng dưng bỏ cô một mình, khiến “em” phải đối diện với cảnh ốm nghén. Còn gì đau đớn hơn khi cái tên cất lên từ miệng người mình yêu thương lại không phải là mình.
“Cả khi anh nấc lên và đổ sụp xuống da thịt nhễ nhại của em mấy tiếng Nhàn, Nhàn ơi. Em không kêu, chỉ tự gỡ mấy cọng rơm trên tóc, tự cài cúc áo, và lẳng lặng về.”
Độc giả một lần nữa bắt gặp được cái ghen trong trang văn Nguyễn Ngọc Tư. Không còn là cái ghen ầm ĩ, dán keo dán sắt như Sương, bỏ rơi người phụ nữ như ông Út Vũ trong Cánh đồng bất tận.
Cái ghen trong tác phẩm Tro tàn rực rỡ lại được kìm nén, chịu đựng trong lòng “em”. Ngược lại với sự thô bạo, người đọc cảm nhận được thái độ cảm thông, tha thứ từ một người phụ nữ luôn hết lòng với chồng.
Những người đàn ông tồn tại vô hình trong cuộc sống hôn nhân
Anh Tam, chồng của Nhàn, đam mê cái rực rỡ của ngọn lửa. Dường như một nỗi đau vẫn luôn thường trực trong lòng người đàn ông ấy. Đến mức, anh quên đi thực tại lẫn người vợ của mình.
“Tam không bao giờ ăn cùng, anh không đói. No nê thỏa thuê, bụng căng đầy lửa, anh ngủ đến cả ngày sau. Nằm vạ vật bất cứ chỗ nào.”
Tình yêu trong Tro tàn rực rỡ hình như là thứ xa xỉ lắm, mà chồng chẳng thể dành cho vợ, “Như mọi đàn ông ở cái xó quê này, họ thường không còn nhìn thấy vợ mình chỉ sau đám cưới vài ba tháng, nhiều lắm là vài ba năm”.
Thay vì ở nhà làm việc phụ ba thì “em” sang nhà chồng phụ việc mẹ chồng. Thế nhưng, chồng cô vẫn luôn như vậy, không quan tâm đến vợ con và gia đình.
Anh rời khỏi đất liền, tìm về biển như một cách để chạy trốn thực tại. Để không phải nhớ nhung hình bóng Nhàn, không phải nghe về căn nhà cháy hay những trận đòn khổ sở.
Mâu thuẫn thay, “em” chỉ biết dùng những câu chuyện về gia đình Nhàn để níu kéo đoạn tình cảm gượng ép này. Thế nhưng cô luôn thất bại, bởi vì đôi mắt chồng cô vẫn tối lạnh, u sầu.
“Tẻ nhạt hết sức nói cái xóm Thơm Rơm này, nơi những người đàn ông ngập trong rượu và mối lo thất mùa rớt giá, con cái ốm đau; nơi những người đàn bà suốt ngày cắm mặt vá víu những chỗ rách trong nhà.”
Ở xóm quê Thơm Rơm, mỗi số phận đều mang một nỗi đau ngang trái, cay nghiệt. Khác với phụ nữ, họ thường cố gắng che giấu nỗi đau ấy để cố gắng níu giữ hạnh phúc của mái ấm thì người đàn ông lại chịu đựng và dửng dưng với cuộc sống.
Nguyễn Ngọc Tư thật tài tình khi lồng ghép thứ vận mệnh kỳ quặc vào bốn số phận ấy. Tam cứ mãi đeo đuổi cái đẹp của ngọn lửa, người chồng chôn vùi cảm xúc bằng cách chạy trốn thực tại, hai người vợ vẫn nuôi hy vọng hạnh phúc đến mù quáng.
Nhìn nhận cái đẹp trong những thiên truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư
Nếu trong Tro tàn rực rỡ, ngọn lửa trở thành phương thức tồn tại, là sợi dây mà Tam níu giữ cho những cố gắng tận cùng giữa cuộc đời đang buông rơi thì trong Sầu trên đỉnh Puvan, Vĩnh cũng biến hành trình tìm kiếm cái đẹp thành ý nghĩa đời mình.
Đóa hoa sầu và ngọn lửa, Vĩnh và Tam, những nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư đều chẳng có kết cục tốt đẹp khi liều mình tìm đến cái đẹp hủy diệt.
Đóa hoa sầu mọc lên sau mười ba tháng hạn, chúng nở trên sự nghèo đói, rút cạn sinh lực từng số phận dưới đỉnh Puvan. Còn ngọn lửa kia là hậu quả của việc thiêu rụi cả căn nhà, không chỉ một lần.
Hai nhân vật Tam và Vĩnh đều muốn tìm kiếm ý nghĩa sự sống từ những điều kì dị, khác với người thường. Người đọc không tài nào có thể giải thích, thấu hiểu và chấp nhận hành động ấy.
Có điều, sâu trong lòng mỗi nhân vật đều ẩn chứa những nỗi đau riêng. Vĩnh có một tuổi thơ không được trọn vẹn, anh mất cả gia đình trong trận bom, “một thằng bé gào khóc ngơ ngác trước căn nhà sập bẹp, cháy rùng rùng”.
Với Tam, có lẽ thứ khiến anh trở nên như bây giờ là ký ức về ngày bản thân đánh mất đứa con, “ôm xác con không chịu buông”, nỗi dằn vặt dần dần gặm nhấm phần nhân tính trong con người anh.
Tài năng chèo lái người đọc đến vùng quê Nam Bộ của Nguyễn Ngọc Tư
Những nhân vật đeo đuổi vẻ đẹp huy hoàng, tráng lệ nhưng vô hình và chất chứa đau thương được nữ nhà văn miêu tả như kẻ điên. Cùng với “khoái cảm thẩm mỹ” kỳ dị, họ trở thành con người khác sau chấn thương tâm lý.
Xuyên suốt Tro tàn rực rỡ, người đọc không hề chứng kiến những đoạn miêu tả diễn biến tâm lý kịch tính, câu chuyện nhẹ nhàng đến điềm nhiên. Thế nhưng, cách khắc hoạ ánh mắt, thái độ, hành động đã khiến nội tâm nhân vật trở nên phức tạp.
Câu chuyện không còn màu xanh mơn mởn và vàng bao la của cánh đồng mà thay vào đó, độc giả có thể cảm nhận được màu xám xịt từ ngọn lửa bao trùm không gian xóm Thơm Rơm.
Vẫn là miền Tây sông nước nhưng cách khai thác của Nguyễn Ngọc Tư giờ đã khác. Độc giả được đặt chân khám phá ý nghĩa cuộc đời nhân vật, đồng thời bước vào góc khuất nơi tâm hồn họ.
Ngôn ngữ dân dã, đậm chất Nam Bộ và miền Tây vẫn luôn là thứ khiến người ta nhớ đến nữ nhà văn. Từng áng văn mà Nguyễn Ngọc Tư viết ta đều thấm đẫm cái tình của làng, của đất.
Trong Tro tàn rực rỡ, nhà văn khéo léo đặt câu chuyện trong một vòng tròn oan nghiệt của những số phận nơi xóm Thơm Rơm. Những câu hỏi không lời hồi đáp vẫn tiếp tục xuất hiện trong tâm trí độc giả.
Chúng khiến họ phải tự hỏi, rồi mai này còn ai sẽ giống như Nhàn, Tam, “em” hay chồng “em”, bao nhiêu mảnh đời phải chịu đựng những đau khổ tương tự, liệu cái định mệnh kỳ quái ấy có còn tiếp tục vận lên con người nơi đây.
Bí Ngô
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất