Ông lão đánh cá và con cá vàng là tác phẩm nổi tiếng của đại thi hào Aleksandr Sergeyevich Pushkin, người được mệnh danh là niềm tự hào của nền văn học nước Nga.
Câu chuyện có tình tiết vật trả ơn quen thuộc, từ đó ca ngợi phẩm chất tốt đẹp của người nông dân mà đại diện là ông lão đánh cá, đồng thời truyền tải những bài học châm biếm sâu sắc về những thói xấu ở đời qua sự trừng phạt từ cá vàng.
Aleksandr Sergeyevich Pushkin là Mặt trời thi ca nước Nga
Đại thi hào Aleksandr Sergeyevich Pushkin là người nghệ sĩ đa tài với khả năng làm thơ, viết văn, sáng tác kịch thiên bẩm. Cả một đời sống và cống hiến cho nghệ thuật, Đại thi hào đã đóng góp rất nhiều tác phẩm vào nền văn học Nga.
Xuất thân từ tầng lớp quý tộc ở Moscow, Pushkin có nền tảng học thuật vững chắc tại những trường học danh giá. Sau khi tốt nghiệp, ông được bổ nhiệm làm việc trong cơ quan Ngoại giao và tích cực hoạt động nghệ thuật tại Saint Petersburg.
Pushkin được mệnh danh là biểu tượng của trào lưu lãng mạn thế kỉ mười chín. Đại thi hào nổi tiếng nhất với những áng thư tình bởi đối với ông, tình yêu là nguồn sống nuôi dưỡng tâm hồn, đam mê và cuộc sống.
“Tôi yêu em: đến nay chừng có thể
Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai
Nhưng không để em bận lòng thêm nữa
Hay hồn em phải gợn bóng u hoài.Tôi yêu em âm thầm, không hy vọng
Lúc rụt rè, khi hậm hực lòng ghen
Tôi yêu em, yêu chân thành, đằm thắm
Cầu em được người tình như tôi đã yêu em.” – Tôi yêu em (Pushkin)
Ông có những cải cách, sáng tạo các sắc thái ngôn ngữ cao độ, sử dụng phương pháp dịch sao phỏng để chắp vá những lỗ hổng trong hệ thống từ vựng tiếng Nga.
Những cống hiến vĩ đại của Pushkin không những đặt nền móng cho sự phát triển của văn hoá, văn học Nga trong hai thế kỷ mười tám và mười chín mà còn mãi về sau.
“Puskin là một hiện tượng phi thường và có lẽ là hiện tượng duy nhất của tinh thần Nga: đó là con người Nga trong sự phát triển của nó mà có lẽ sau hơn hai trăm năm nữa mới xuất hiện. Trong ông toàn bộ thiên nhiên Nga, tâm hồn Nga, tính cách Nga được phản ánh một cách thuần khiết, đẹp đẽ…” – Nikolay Vasilyevich Gogol
Pushkin cống hiến cho nghệ thuật trong hai mươi năm rồi bước vào cuộc trường chinh nhẹ cánh bay khi chưa tới bốn mươi. Dù vậy, số lượng tác phẩm đồ sộ mà ông để lại chính là kho báu quý của nền văn học dân tộc Nga.
Pushkin viết nhiều nhưng ở thể loại nào cũng có những dấu ấn sâu sắc. Cảm hứng vô tận giúp ông hoàn thành hơn tám trăm bài thơ trữ tình, mười ba bản trường ca cùng vô số tác phẩm truyện ngắn, ca kịch khác.
Những sáng tác nổi tiếng của Pushkin phải kể đến tiểu thuyết Yevgeny Onegin, bi kịch lịch sử Boris Godunov, trường ca Ruslan và Lyudmila, truyện ngắn Con đầm pích.
Truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng: Bóc tách từng tầng nghĩa sâu cay
Năm 1833, truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng được Aleksandr Sergeyevich Pushkin viết lại bằng 205 câu thơ dựa trên cốt truyện dân gian nước Nga, Đức.
Câu chuyện mở ra bằng khung cảnh biển yên bình, ở đó có ông lão đánh cá nghèo khổ cùng những lần kéo lưới thất thu. Vào lần thả lưới thứ ba, ông bắt được một con cá vàng.
Cá vàng khẩn thiết cầu xin được thả đi với lời hứa trả ơn cho ông. Tuy vậy, ông lão đã phóng sinh chú cá mà không đòi hỏi bất cứ điều gì rồi trở về nhà với hai bàn tay trắng.
Tin ấy đến tai bà vợ, những yêu cầu bắt đầu được đặt ra. Lòng tham của người vợ lớn lên, song hành cùng diễn biến cốt truyện theo cấp độ tăng tiến đạt đến cao trào.
Khi đòi hỏi của mụ vợ trở nên khó có thể chấp nhận, cá vàng không hồi đáp yêu cầu từ ông lão mà tức giận tước hết những gì mụ đang có. Từ đó, câu chuyện giúp độc giả rút ra những bài học về lòng tham lam, thói ích kỉ và sự nhu nhược.
Truyện Ông lão đánh cá và con cá vàng không những được xuất bản thành sách, đưa vào chương trình dạy học mà về sau còn chuyển thể thành phim hoạt hình, phim truyện, vở kịch, opera.
Ông lão đánh cá và những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân
Với cách mở đầu ngắn gọn, xúc tích, câu chuyện đã tái dựng khung cảnh miền biển rộng lớn đối lập với căn nhà nhỏ, lụp xụp cũ nát của hai vợ chồng lão đánh cá già. Người chồng hằng ngày ra biển kéo lưới, còn người vợ ở nhà kéo sợi.
Hôm ấy biển lặng, ông lão kéo lưới mãi nhưng không bắt được gì. Đến lần thu thứ ba, có duy nhất một chú cá vàng nhỏ mắc vào. Ông định bụng gỡ con cá ra thì nó lên tiếng van xin.
“Ông lão đánh cá ơi! Ông hãy làm ơn làm phước mà thả cho tôi được trở lại biển, tôi hứa sẽ trả ơn xứng đáng cho ông, dù ông muốn cái gì thì tôi cũng sẽ đồng ý cả!” – Ông lão đánh cá và con cá vàng
Ông lão ngạc nhiên rồi xúc động với lời thỉnh cầu của chú cá nên liền thả nó về biển mà không đòi hỏi điều gì, còn nhắn gửi những điều tốt đẹp dành cho cá vàng.
Ở đây, độc giả có thể cảm nhận được ông lão đánh cá là người hiền lành, có trái tim từ bi và tấm lòng nhân hậu. Dẫu không nhận được lời cầu khẩn của chú cá, có lẽ ông vẫn sẽ phóng sinh nó.
Câu chuyện trở nên hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc qua yếu tố tưởng tượng, nhân hóa được đan xen trong lời nói của cá vàng. Đồng thời hàm ý rằng chú cá này có một thân thế khác thường, bởi nó hứa có thể thực hiện bất kì điều gì ông lão muốn.
Ông lão đánh cá với bản tính trung thực không ham danh lợi đã từ chối lời đề nghị ấy, dù nghèo khó nhưng ông sống dựa trên sức lao động chân chính, kiên trì, bền bỉ.
Lòng tham vô đáy của người vợ xấu xa
Khi trở về nhà, ông lão kể lại toàn câu chuyện kéo lưới gặp cá vàng cho người vợ nghe. Trái ngược với sự hiền lành của ông, mụ vợ nổi giận với chồng vì đã từ chối sự đền ơn của chú cá.
Đối diện với những lời chì chiết, mắng mỏ, ông lão đành trở lại biển tìm gặp cá vàng để yêu cầu chiếc máng lợn mới theo như lời vợ. Chú cá động viên ông rằng lời thỉnh cầu sẽ được thực hiện nên đừng lo lắng mà hãy trở về.
Tuy thế, trong khi ông lão vui mừng vì trước chuồng lợn có cái máng mới thì bà vợ cùng giọng điệu hống hách tỏ ra không hài lòng mà đòi hỏi một ngôi nhà rộng rãi hơn.
Yêu cầu lần này của bà ta cũng nhanh chóng được đáp ứng, thế nhưng mụ vợ vẫn chưa dừng lại. Khi đã có cơ ngơi, vật chất trong tay, mụ đem lòng tham hướng đến địa vị, danh tiếng.
Lần thứ ba và thứ tư, bà lại đòi làm nhất phẩm phu nhân và đến cả nữ hoàng thống trị vương quốc. Những yêu sách này được ông lão nhắn gửi đến cá vàng rồi trở thành hiện thực, thế nhưng cũng chỉ thoả mãn được bà ta trong thời gian ngắn.
Khi có quyền lực cùng kẻ hầu người hạ, mụ vợ biến chồng mình thành đầy tớ, bắt ông phải làm những việc khốn khổ trong nhà. Thậm chí mụ ta còn cắt đứt quan hệ và đuổi ông lão vào thời điểm bà ta được làm nữ hoàng.
“Nhưng mà mụ vợ chẳng mảy may đếm xỉa tới lời nói ấy của ông lão, mụ ta lập tức hạ lệnh cho đám lính đuổi ông lão ra khỏi cung điện của mình. Toán vệ binh lập tức tuốt gươm giáo ra và xông tới khiến cho ông lão sợ đến mức run cầm cập, mặt mày tái mét…” – Ông lão đánh cá và con cá vàng
Lòng tham của người xấu là vô đáy, lúc vị nữ hoàng chán chường với cương vị ấy, bà ta sai người tìm và đem ông lão đến trước mặt. Bà ra lệnh cho ông lão tìm gặp cá vàng để đòi làm Long Vương dưới Thuỷ cung nhằm bắt chú cá phải hầu hạ.
Trong truyện, sự tăng tiến trong đòi hỏi của mụ vợ song hành cùng phản ứng của đại dương. Biển xanh từ trong lành yên ả đến gợn sóng lăn tăn, sóng cuộn dữ dội mịt mù và rồi gom thành giông bão.
Bởi không ai có thể chấp nhận hay đáp ứng cho lòng tham vô giới hạn. Con người được hưởng những gì xứng đáng với sức lao động chân chính, còn những điều ta may mắn được nhận là phước lành nhờ lối sống tử tế.
Vì thế, không nên đòi hỏi người khác đáp ứng những điều tự thân mình không làm được. Hãy trân trọng những gì đang có và thành tâm nỗ lực để đạt được điều bạn mong muốn.
Sự trừng phạt của cá vàng đối với lòng tham vô đáy
Cá vàng là nhân vật đồng hành cùng ông lão khi trải qua những lời dằn vặt, mắng nhiếc. Nó giữ đúng lời hứa trả ơn khi liên tục đáp ứng những thỉnh cầu của ông dành cho bà vợ.
Khi nghe lời gọi, cá vàng xuất hiện và lắng nghe câu chuyện của ông lão, an ủi động viên giúp ông không phiền lòng về người vợ xấu tính. Có lẽ, đây là phước lành dành cho lão già đánh cá nhờ sự hiền lành, chăm chỉ, tốt bụng, thật thà.
Tuy vậy, ông lại không được hưởng sự sung sướng về vật chất mà vẫn trượt dài trên cuộc đời khốn khổ. Thậm chí còn bị hắt hủi bởi chính người vợ mà bản thân gắn bó bao năm.
Cá vàng trả ơn nhưng thực chất những điều ấy là vô ích, vì người nhận được phúc lợi không biết trân trọng chúng. Đứng trước yêu cầu biến người vợ thành Long Vương, chú cá không đáp lại mà lặn xuống biển sâu và lấy lại tất cả.
Nữ hoàng, nhất phẩm phu nhân, ngôi nhà khang trang và thậm chí cái máng lợn mới cũng đều biến mất. Thay vào đó là hình ảnh mụ vợ cùng cảnh vật nghèo khổ quen thuộc khi ông lão trở về.
Cá vàng đáp ứng tất cả yêu sách từ đơn giản đến vô lý của mụ vợ, rồi tước bỏ tất cả. Từ một nữ hoàng quyền quý trở lại thành bà lão già khốn khó, có lẽ đó là sự trừng phạt đáng sợ nhất bà ta nên nhận.
Những điều châm biếm trong tác phẩm ông lão đánh cá và con cá vàng
Tác phẩm thoạt trông đơn giản nhưng chứa nhiều bài học sâu cay, châm biếm điều xấu ẩn hàm. Những phẩm chất không đáng có ấy là thói tham lam, ham danh lợi phù phiếm, phát ngôn thiếu hiểu biết và sự nhu nhược, nhát hèn.
Bản chất của người vợ không tốt nên khi nghe câu chuyện về cá vàng, bà ta liền lợi dụng để đạt được những tham vọng vô đáy. Những yêu cầu theo cấp độ tăng tiến dần đẩy câu chuyện đến cao trào.
Ở bà vợ tập hợp những điều xấu xa mà người phụ nữ không nên có, cách nói chuyện, dùng từ ngữ không chuẩn mực đối với chồng, thói lười biếng chỉ muốn hưởng thụ, sự hống hách khi có tiền quyền.
Tuy vậy, lão đánh cá là nhân tố đòn bẩy giúp người vợ bộc lộ tất thảy tính xấu. Ông lão hiền lành, thật thà, chân chất nhưng lại nhu nhược, thiếu chính kiến. Đáng lẽ, ông nên khuyên nhủ người vợ trước khi những yêu cầu trở nên khó chấp nhận.
Khi người vợ đạt được địa vị nhất phẩm phu nhân hay nữ hoàng, ông lão đành cung phụng theo lệnh bà ta, thậm chí còn run rẩy, lo sợ. Chính những điều ấy khiến ông trở nên đáng thương và cũng đáng trách.
Được xây dựng với hình ảnh yếu thế, phải chăng nhân vật ông lão đánh cá còn hàm chứa ẩn ý nghệ thuật. Pushkin cùng trái tim yêu thương tràn đầy đã khắc hoạ sự cam chịu của ông lão, cũng chính là tầng lớp nhân dân Nga thời bấy giờ.
Không những bị chèn ép bất công, lão còn hứng chịu nhiều điều tiếng từ dân làng vì hiểu nhầm. Từ đó, câu chuyện cũng nhắc mọi người cần cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề theo nhiều phương diện, những việc diễn ra trước mắt chưa hẳn là sự thật.
“Nhiều người chứng kiến cái cảnh này thì lên tiếng mỉa mai, chế giễu ông lão:
– Cho đáng đời! Như thế thì mới sáng mắt ra được, lần sau đừng thấy người sang rồi lao đến mà bắt quàng làm họ.” – Ông lão đánh cá và con cá vàng
Bài học từ những câu chuyện dân gian, cổ tích luôn có ý nghĩa lớn lao trong việc răn dạy con người. Qua việc đọc và thấu hiểu, mỗi người sẽ tự nhìn nhận và đúc kết ra kinh nghiệm, vốn sống cho riêng mình.
Dù hàng thế kỷ trôi qua, giá trị những trang sách của Pushkin vẫn vẹn nguyên như ngày đầu. Nó lưu giữ hơi thở lịch sử, phả lại nhịp đập thời gian và mang tặng con người nhiều bài học triết lý sâu cay, ý nghĩa.
An Hạ
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất