Hồ Xuân Hương nổi lên như một hiện tượng độc đáo với nhiều tác phẩm chất chứa bao tiếng lòng và tâm sự của người phụ nữ phong kiến ngày xưa. Từng bài thơ do bà chấp bút đều phảng phất nỗi xót xa cho những phận đời long đong ba chìm bảy nổi.
Tự tình II là một đứa con tinh thần tiêu biểu cho ngòi bút Hồ Xuân Hương, nằm trong chùm thơ Tự tình gồm ba bài. Nó đã thể hiện hoàn cảnh éo le đồng thời bộc lộ cả nỗi niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi của tác giả nói riêng và người phụ nữ Việt Nam thời bấy giờ nói chung.

Hồ Xuân Hương và những vần thơ viết về thân phận người phụ nữ
Hồ Xuân Hương sinh năm 1772 tại mảnh đất Thăng Long kinh kỳ, nơi quy tụ nhiều tài tử giai nhân. Bà là con gái của Sinh đồ Hồ Phi Diễn, quê gốc ở tỉnh Nghệ An ngày nay.
Sinh ra trong một gia đình khá giả coi trọng tri thức nên ngay từ nhỏ, Hồ Xuân Hương đã được tiếp xúc với văn chương sách vở. Bà cũng là người thông minh và nhạy bén, có ý thức sâu sắc về giá trị của bản thân.
Tuy vậy, con đường tình duyên của Hồ Xuân Hương lại vô cùng lận đận và trắc trở. Hai lần tan vỡ hôn nhân đã khiến trái tim bà bị tổn thương sâu sắc, thấm thía những cay đắng, bất công mà kiếp hồng nhan phải gánh chịu.
Chính nỗi đau ấy đã trở thành cảm hứng sáng tác cho thi sĩ, tạo ra giây phút xuất thần với nhiều áng thi ca để đời. Ở bất kỳ bài thơ nào, Hồ Xuân Hương cũng bộc lộ tiếng lòng mình, dệt nên những câu chữ ảo não lay động người thưởng thức.
Nữ thi sĩ tài hoa ấy bộc lộ tấm lòng đồng cảm với người phụ nữ khi phải chịu phận làm lẽ, không được quyết định tình yêu hay vận mệnh của mình. Bà đã dùng thơ ca để giải tỏa tâm trạng, đồng thời mong muốn đấu tranh, giành lại sự công bằng và bình đẳng.
“Hồ Xuân Hương là nữ thi sĩ đi tiên phong dùng thơ ca đòi nữ quyền và bình đẳng giới. Thơ bà thâm trầm, sâu lắng khi diễn tả nỗi cô đơn của người phụ nữ, nhưng mạnh mẽ, bạo liệt trong phê phán những bất công xã hội, những bất bình đẳng giới.” Tiến sĩ Phạm Văn Luân nói về tư tưởng tiến bộ của nữ sĩ thơ Nôm
Gánh chịu không ít đau thương là thế nhưng Hồ Xuân Hương chưa bao giờ ngừng thổn thức và khao khát về một hạnh phúc lứa đôi trọn vẹn. Bà hy vọng rằng mình cùng các người phụ nữ khác rồi cũng sẽ tìm được bến đỗ bình yên, trải qua những tháng ngày viên mãn.
Bà Chúa thơ Nôm này đã để lại cho nền văn học nước nhà kho tàng thi ca đồ sộ và phong phú. Các tác phẩm tiêu biểu phải kể đến là Mời trầu, Bánh trôi nước, Vấn nguyệt, Vịnh cái quạt hay Tự tình I, Tự tình II.
Hoàn cảnh ra đời và nhan đề tác phẩm Tự tình II
Sự ra đời của mỗi áng thi ca đều là kết quả những lần rung động cảm xúc nơi trái tim nhà nghệ sĩ. Tự tình IIcũng không phải ngoại lệ, nó được sáng tác trong một hoàn cảnh vô cùng đặc biệt.
Dân gian tương truyền rằng Hồ Xuân Hương là một người phụ nữ xinh đẹp lại đa tài, tính tình phóng khoáng và giao thiệp rộng. Bà kết giao với rất nhiều tài tử, thường xuyên đàm đạo chuyện đời cũng như bình phẩm văn chương.
Tuy vậy, người phụ nữ ấy vẫn không thoát khỏi số phận lận đận và lắm sóng gió. Cả hai lần lấy chồng bà đều phải làm lẽ, ngậm ngùi chịu kiếp chồng chung.
Vì thế, nữ thi sĩ luôn sống trong sự cô đơn và trống vắng, không được hưởng niềm hạnh phúc lứa đôi vốn có. Nỗi buồn lâu ngày tích tụ ấy đã dày vò tác giả, khiến bà phải bầu bạn với thơ ca để tìm chỗ trú ngụ cho tâm hồn.
Vào giây phút cảm xúc trào dâng, nhà thơ đã thai nghén nên chùm thơ Tự tình, trong đó có cả tác phẩm Tự tình II. Từng câu chữ bà tuôn ra đều phảng phất tâm trạng u buồn cùng sự dằn vặt, muốn vươn lên khỏi cảnh ngộ nhưng lại bị hiện thực ghì sát đất.
Thông qua nhan đề tác phẩm, Hồ Xuân Hương cũng đã phần thể hiện cá tính cùng tài năng nghệ thuật. Tự tình tức là bộc lộ tâm tình, tiếng lòng của mình mà không một chút che đậy hay giấu giếm.
Thi sĩ không hướng đến câu từ hoa mỹ hay cường điệu mà ngược lại, bà sử dụng chất liệu ngôn ngữ dân gian đời thường để đặt tên cho đứa con tinh thần Tự tình II. Đây cũng là một đặc điểm nghệ thuật xuất hiện xuyên suốt nhiều tác phẩm của Hồ Xuân Hương.
Bài thơ là sự tự tình riêng của Hồ Xuân Hương nhưng nó cũng thể hiện cả nỗi đau đớn chung mà người phụ nữ xưa phải chịu đựng. Chính xã hội phong kiến với chế độ nam quyền cùng các định kiến hà khắc đã đẩy họ vào con đường dang dở, bẽ bàng.
Bên cạnh đó, nhan đề Tự tình còn thể hiện cả tư tưởng tiến bộ, khát khao vượt lên trên nghịch cảnh của nhà thơ. Bà không chấp nhận một cuộc đời héo úa và vô nghĩa, ý thức sâu sắc nỗi đau mà mình cùng những người phụ nữ khác phải trải qua.
Đêm khuya cô đơn và vắng lặng trong Tự tình II
Ở Tự tình II, Hồ Xuân Hương đã dựng nên một khung cảnh đêm khuya trầm mặc và tĩnh mịch, khiến con người chìm trong cảm giác rợn ngợp. Đây cũng chính là bức phông nền giúp nhà thơ giãi bày tất cả nỗi u sầu đang dần xâm chiếm, bóp nghẹt trái tim mình.
Giữa không gian vắng lặng ấy, tiếng trống canh từ xa khiến lòng người càng trở nên ảo não và nặng nề hơn. Âm thanh đó không chỉ được lắng nghe bằng thính giác mà còn cả tâm hồn khắc khoải của nhân vật trữ tình, cũng chính là tác giả đang thao thức một mình trong đêm.
“Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn
Trơ cái hồng nhan với nước non”. – Tự tình II
Bằng tài năng nghệ thuật thiên bẩm, Hồ Xuân Hương đã vận dụng bút pháp quen thuộc trong thi ca cổ điển, ấy là lấy động tả tĩnh. Sự xuất hiện của tiếng trống không mang đến bầu không khí vui tươi mà ngược lại, khiến cho cảnh vật thêm phần u buồn hơn.
Nhịp điệu liên hồi giục giã từ tiếng trống tựa như bước đi vội vã của thời gian, đánh thức ở người phụ nữ cảm giác tuyệt vọng. “Kiếp hồng nhan” ấy lo lắng tuổi xuân rồi cũng sẽ qua mau, để lại những khao khát và ước vọng còn đang dang dở.
Nếu như màn đêm giăng mác khắp tâm hồn nhân vật trữ tình nỗi sầu miên man thì chính tiếng trống canh đã khiến bà càng thấm thía hoàn cảnh bẽ bàng của mình. Tác giả không được sống trong niềm hạnh phúc lứa đôi mà phải trơ trọi giữa thênh thang trời đất.
Hằn sâu trong từng tiếng thơ chính là sự đau đớn và chua chát đến cùng cực của tác giả. Hồ Xuân Hương đã sử dụng từ ngữ “cái hồng nhan” để cụ thể hóa phận đời đáng thương, chỉ mình bà đang đối diện với màn đêm tối tăm.
Sở hữu nhan sắc xinh đẹp là thế thế nhưng đến cuối cùng, nhân vật trữ tình vẫn không thoát khỏi kiếp cô đơn. Thi sĩ đã vận dụng thủ pháp nghệ thuật đảo ngữ, đưa chữ “trơ” lên đầu câu thơ nhằm khắc sâu hoàn cảnh tủi hổ của mình.
Ở Tự tình II, Hồ Xuân Hương còn khẳng định tài năng nghệ thuật độc đáo khi dám “hồng nhan” so sánh cùng “nước non”. Điều này đã khuếch đại nỗi buồn trong lòng thi sĩ đến mức ngang bằng với thiên nhiên tạo vật.
Ngoài ra, phép tiểu đối ấy còn bộc lộ cả bản lĩnh cũng như khí phách ngang tàng của Bà Chúa thơ Nôm. Mang phận nữ nhi nhưng Hồ Xuân Hương không chịu thỏa hiệp với thực tại mà luôn khao khát thoát khỏi cuộc đời tù túng cùng các hủ tục phong kiến khắc nghiệt.
Tự tình II và lời tâm sự của người phụ nữ trong thời kỳ phong kiến
Hồn thơ Hồ Xuân Hương là bản cáo trạng tố cáo xã hội phong kiến bất công, coi rẻ thân phận người phụ nữ. Thi sĩ cũng đã từng mơ mộng về một hạnh phúc viên mãn nhưng cuối cùng vẫn không thể vượt lên trên hiện thực nghiệt ngã.
Hoàn cảnh bất hạnh dần hóa thành nỗi phẫn uất, khiến thi sĩ phải cất lên tiếng chửi rủa và lời oán than. Ở bài thơ Làm lẽ, nhà thơ đã trực tiếp gửi gắm vào từng câu chữ bức tranh tâm trạng của mình.
“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.” – Làm lẽ
Nỗi lòng này đã một lần nữa được bà tái hiện trong đứa con tinh thần Tự tình II. Sau khi một mình chờ đợi giữa đêm tối đến vô vọng, người phụ nữ ấy phải tìm tới men say để chạy trốn khỏi thực tại.
“Chén rượu hương đưa say lại tỉnh.” – Tự tình II
Thế nhưng say cũng chỉ là trạng thái tạm thời bởi cuộc đời nhân vật trữ tình vẫn mãi nằm trong vòng luẩn quẩn “say lại tỉnh”. Càng uống, bà lại càng đau đớn hơn khi nghĩ đến phận đời cùng mối lương duyên không thành.
Thi sĩ không sử nhiều từ ngữ để diễn tả cảm xúc mà bà tập trung khắc họa tình cảnh chìm trong men say. Người phụ nữ đáng thương ấy đã bị bức ép vào bước đường cùng, phải tìm đến rượu nhằm xoa dịu tâm hồn đang rỉ máu.
Ở Tự tình II, nỗi buồn xâm chiếm tâm trí “kiếp hồng nhan” và lan tỏa sang cả mọi vật xung quanh. Hồ Xuân Hương đã sử dụng thủ pháp tả cảnh ngụ tình để tô đậm bi kịch tình duyên của mình.
“Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.” – Tự tình II
Thông thường, trăng là hình ảnh tượng trưng cho tình yêu cùng lời hẹn thề lứa đôi. Nó đã từng xuất hiện trong tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc nổi tiếng được chấp bút bởi nữ thi sĩ Đoàn Thị Điểm.
“Hoa giãi nguyệt, nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng.” – Chinh phụ ngâm khúc
Ở Tự tình II, bóng trăng không tròn đầy mà lại “khuyết”, ngụ ý mối tình kia vẫn còn dang dở. Biểu tượng ấy dưới ngòi bút Hồ Xuân Hương gợi lên cả cảm giác lo sợ trước sự chảy trôi của thời gian, tuổi thanh xuân đang dần phai phôi mà hạnh phúc còn chưa về đến.
Hai câu thực trong tác phẩm có sự giao hòa tinh tế giữa cảnh vật và tâm tình thi sĩ. Trước phận đời truân chuyên của người phụ nữ, dường như đến cả thiên nhiên cũng phải nghiêng mình, bày tỏ tấm lòng cảm thông.
Ý thức phản kháng vươn lên khỏi thực tại tàn khốc
Viết về đề tài người phụ nữ trong xã hội đương thời, Hồ Xuân Hương đã xoáy sâu vào những bi kịch và éo le mà họ phải trải qua. Đồng thời, bà còn bộc lộ cả ý chí vùng dậy đấu tranh, đòi lại quyền được làm chủ cuộc sống cũng như hạnh phúc cho “kiếp hồng nhan”.
Đây là một biểu hiện tiêu biểu cho tấm lòng nhân đạo chủ nghĩa cùng tư tưởng tiến bộ vượt thời đại của nữ thi sĩ. Khi lên tiếng trước nỗi bất bình và đòi quyền bình đẳng, giọng điệu nhà thơ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
“Hồ Xuân Hương là con người có bản lĩnh cứng cát, sôi trào sức sống và yêu đến say mê cuộc sống, coi cuộc sống như một niềm vui lớn, trong đó con người khẳng định mình ngay ở lĩnh vực tình yêu, ở cả sự sống tại dạng gốc nguồn của nó.” – Tác giả Lê Trí Viễn nhận xét về tính cách nhà thơ Hồ Xuân Hương
Trong Tự tình II, vào thời điểm nỗi buồn trào dâng đến mức đỉnh điểm, ý chí phản kháng của Hồ Xuân Hương lại một lần nữa trỗi dậy. Bà không thỏa hiệp tiếp tục những tháng ngày hiu quạnh mà muốn giành lấy hạnh phúc, làm chủ cuộc đời.
Khí thế ngang tàng ấy được Hồ Xuân Hương bộc lộ thông qua những dòng thơ miêu tả cảnh vật xung quanh. Chính tác giả đã thổi vào cỏ cây sức sống, khiến chúng vùng mình trỗi dậy mạnh mẽ.
“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.” – Tự tình II
Bà Chúa thơ Nôm đã sử dụng biện pháp tu từ nhân hóa, làm câu thơ trở nên sinh động và hấp dẫn hơn. Dưới cái nhìn của bà, những vật vô tri giác dường như cũng có đời sống cùng tâm tư riêng.
“Xuân Hương là một nghệ sĩ lớn biết phun tâm hồn mình vào cảnh vật, làm cho chúng sống lên ngồn ngộn.” – Nhà thơ Xuân Diệu nhận xét về bút pháp tả vật của Hồ Xuân Hương
Trong trang thơ Hồ Xuân Hương, đám rêu nhỏ bé đã không chịu khuất phục mà dùng hết sức “xiên ngang mặt đất” trỗi dậy mạnh mẽ. Ngay cả hòn đá vốn rắc chắc cũng phải trở nên cứng cáp hơn để “đâm toạc chân mây”, sống một cuộc đời huy hoàng nhất.
“Xuân Hương đón nhận thiên nhiên bằng tất cả các con đường mở rộng của giác quan. Xuân Hương truyền sức sống của mình vào trong cảnh vật. Xuân Hương còn truyền cả cái đa tình của mình vào trong đó nữa.” – Tác giả Lê Hoài Nam bàn luận về những trang thơ viết về cảnh vật của nữ thi sĩ
Chính những dồn nén và bức bối lâu ngày khiến nhân vật trữ tình trở nên mạnh mẽ, ngang ngạnh hơn. Người phụ nữ ấy muốn thoát khỏi chiếc lồng sắt vô hình đã giam giữ tuổi xuân, vùng dậy chống lại các định kiến hà khắc.
Lời thở than của Hồ Xuân Hương và quy luật khắc nghiệt của thời gian
Những bức bối của Hồ Xuân Hương nổi lên bất ngờ như một cơn tố gió lốc nhưng rồi lắng dịu, hóa thành nỗi sầu vô biên. Nhịp điệu bài thơ cũng không còn sôi nổi mà chùng xuống và trở nên da diết hơn.
“Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con.” – Tự tình II
Dù có cố gắng vùng vẫy đến đâu thì cuối cùng, thi sĩ cũng phải quay về cuộc sống thực tại và chấp nhận sự thật nghiệt ngã. Bà không thể chiến thắng quy luật khắc nghiệt của thời gian, đành ngậm ngùi nhìn tuổi xuân dần phôi phai.
Sự nhạy cảm với thời gian ấy xuất phát từ một tâm hồn có ý thức về giá trị cuộc sống. Đối với nhà thơ, từng giây phút trôi qua đều mang đến cơ hội quý giá để tận hưởng niềm vui cũng như hạnh phúc.
Xuân đi rồi cuối cùng lại về với thiên nhiên đất trời nhưng vô cùng phũ phàng, không chờ đợi “kiếp hồng nhan”. Nhan sắc xinh đẹp “khuynh nước khuynh thành” ngày nào cũng sẽ dần héo úa, không thể thoát khỏi quy luật tất yếu của thời gian.
Vì vậy, nhìn thời gian trôi mà trái tim bà trở nên quặn thắt, đau khổ đến tột cùng. Thanh xuân tươi đẹp đang dần khép lại, tước đi cả ước mong về một tình yêu trọn vẹn hằn sâu trong lòng tác giả.
Ở cuối thi phẩm Tự tình II, Hồ Xuân Hương đã kết hợp khéo léo biện pháp nghệ thuật ẩn dụ và nhân hóa. Từ đó, bà nhấn mạnh sự chảy trôi của thời gian, đồng thời tô đậm cả nỗi bất lực, chán chường trong mình.
Hiện thực xã hội phong kiến hà khắc trong Tự tình II
Bài thơ là tiếng lòng của nhân vật trữ tình phải chịu phận làm lẽ, đồng thời cũng đại diện cho những bất công từng đay nghiến người phụ nữ xưa. Chính xã hội phong kiến mục nát với chế độ đa thê đã gián tiếp đẩy họ vào con đường tăm tối.
Trong thời đại đương thời, hạnh phúc lứa đôi đối với người phụ nữ là một chiếc chăn quá hẹp. Họ không được yêu thương và trân trọng, thậm chí còn bị chà đạp, thậm chí trở thành trò mua vui.
Hơn nữa, phận má hồng thời xưa còn bị trói chặt bởi những hủ tục hà khắc. Họ phải nghe theo mọi sự sắp xếp từ bậc sinh thành với quan điểm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, không được tự quyết định tình yêu đời mình.
Chính điều này đã đẩy nhiều người phụ nữ rơi vào cảnh làm lẽ giống như Hồ Xuân Hương. Từng khát khao hạnh phúc nhưng rồi số phận lại trêu đùa, khiến họ cô đơn giữa màn đêm lạnh lẽo.
Tuy vậy, người phụ nữ truyền thống xưa vẫn chưa bao giờ đầu hàng số phận. Đâu đó sâu thẳm trong tâm khảm họ là niềm hy vọng, khao khát về một bến đỗ bình yên và viên mãn.
Những nét nghệ thuật đặc sắc trong thi phẩm
Tự tình II là một tác phẩm đặc sắc của Hồ Xuân Hương ở cả phương diện nội dung lẫn nghệ thuật. Từng vần thơ, câu chữ bà viết ra đều chứa đựng những tầng nghĩa sâu xa, khiến độc giả phải lặng mình suy ngẫm.
Bà Chúa thơ Nôm đã kết hợp một cách sáng tạo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật cùng ngôn ngữ dân tộc. Điều này không làm mất đi phong vị cổ điển vốn có mà còn khiến cho thể loại thi ca ấy một vẻ đẹp mới, gần gũi hơn với người dân Việt Nam.
“Dưới ngòi bút của Hồ Xuân Hương, Đường luật mất hẳn cốt cách quý tộc mà ngoan ngoãn cung hiên vần điệu cần xứng của mình cho và sử dụng theo ý muốn.” – Giáo sư Lê Trí Viễn nói về sự vận dụng khéo léo thể thơ nước ngoài của Hồ Xuân Hương
Không chỉ vậy, lớp ngôn từ trong tác phẩm cũng được thi sĩ cẩn thận mài dũa và chọn lựa. Chúng vừa mộc mạc, quen thuộc với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân lao động lại giàu sức gợi hình, bộc lộ tiếng lòng nhân vật trữ tình.
Trong Tự tình II, Hồ Xuân Hương nhiều lần dùng các động từ mạnh cùng từ láy tượng thanh. Nó mang tới cho bài thơ âm hưởng mạnh mẽ, thể hiện khao khát hạnh phúc đến cháy bỏng cũng như ý chí đứng dậy đấu tranh.
Bên cạnh đó, bà cũng là bậc thầy trong việc sử dụng bút pháp tả cảnh ngụ tình cổ điển. Thông qua khắc họa khung cảnh thiên nhiên xung quanh, Hồ Xuân Hương đã giãi bày sự đau đớn đến xé lòng khi nghĩ về phận duyên dang dở của mình.
Người phụ nữ tài hoa ấy cũng nhiều lần đan xen các biện pháp tu từ như điệp ngữ, nhân hóa hay ẩn dụ. Điều này khiến cho tác phẩm có chiều sâu hơn, thôi thúc độc giả bóc tách lớp vỏ ngôn từ bên ngoài để cảm nhận nỗi lòng được cất giấu ở trong.
Đã có không ít tác phẩm viết về người phụ nữ cũng như những bất công mà họ phải gánh chịu trong xã hội phong kiến ngày xưa. Thế nhưng Hồ Xuân Hương cùng Tự tình II vẫn mãi là một khúc da diết, đánh thức lòng trắc ẩn, cảm thông sâu sắc đối với các mảnh đời ấy.