“Viên ngọc sáng của nền văn chương Việt Nam”, “Người suốt đời đi tìm cái đẹp” là những mỹ từ mà độc giả nhiều thế hệ dành tặng cho Nguyễn Tuân, một cây viết tài hoa, uyên bác và có nhiều đóng góp lớn cho văn học nước nhà.
Nguyễn Tuân là nhà Nho tài tử, vậy nên phong cách nghệ thuật của ông vô cùng độc đáo, gói gọn trong một chữ “Ngông”. Văn chương của bậc thầy về ngôn từ ấy phóng túng, tùy hứng nhưng đầy ẩn ý, mỗi đề tài đều được tiếp cận từ nhiều ngành khoa học, lĩnh vực khác nhau nên luôn có những khám phá riêng.
Nguyễn Tuân là nhà văn luôn khát khao chạm tới sự chân thiện mỹ của văn chương
Nguyễn Tuân là một tác gia lớn trong nền văn học Việt Nam, ông sinh năm 1910 tại phố Hàng Bạc, Hà Nội còn nguyên quán ở làng Mọc, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân.
Sinh thời, ngoài tên thật là Nguyễn Tuân thì “ông vua tùy bút” ấy còn có nhiều bút danh khác như Nhất Lang, Thanh Thủy, Thanh Hà, Ngột Lôi Nhật, Ngột Lôi Quật, Ân Ngũ Tuyên, Tuấn Thừa Sắc.
Cây viết tài hoa tột bậc ấy vốn sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống Nho học. Cụ thân sinh của ông tên Nguyễn An Lan, hay còn được gọi là cụ Tú Hải Văn. Do được tiếp xúc với văn chương từ bé nên hồn văn Nguyễn Tuân dẫu phóng khoáng nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.
“Hạt nhân của phong cách nghệ thuật Nguyễn Tuân có thể gói gọn trong một chữ ngông. Cái ngông vừa có màu sắc cổ điển, kế thừa truyền thống tài hoa bất đắc chí của những Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Tản Đà,… và trực tiếp hơn là cụ Tú Lan, thân sinh nhà văn; vừa mang dáng vẻ hiện đại, ảnh hưởng từ các hệ thống triết lý nổi loạn của xã hội tư sản phương Tây như triết lý siêu nhân, quan niệm về con người cao đẳng, thuyết hiện…” – Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh nhận định về Nguyễn Tuân
Tác giả của tập truyện Vang bóng một thời nổi tiếng là người sở hữu học vấn uyên bác, có sự am hiểu sâu sắc trên hầu hết các lĩnh vực như võ thuật, âm nhạc, hội họa, điện ảnh.
Ông lĩnh hội được nhiều tri thức như vậy phần lớn là bởi gia đình từng có thời gian sống ở các tỉnh và thành phố miền Trung, chính hoàn cảnh sống của gia đình đã tạo điều kiện cho Nguyễn Tuân học hỏi nhiều tri thức mới lạ.
Tác giả bắt đầu con đường văn chương từ khoảng đầu những năm 1935, tuy vậy sự nghiệp vẫn chưa có tác phẩm nào tạo được dấu ấn riêng trên văn đàn. Đến năm 1939, ông được công nhận tài năng qua áng văn như Vang bóng một thời, một tuyệt phẩm để đời đầy độc đáo.
“Tập truyện đã làm sống lại cả một thời phong kiến đã qua với những nghệ thuật cổ thanh cao, những nếp sống, sinh hoạt xã hội nho phong của một nền văn minh xưa cũ, nó cũng là niềm nuối tiếc của một tâm hồn hoài cổ trước những cái hay, cái đẹp, những nghệ thuật cầu kỳ của một thời đại đã qua, cái thời ấy nay đã chết rồi, chỉ còn để lại một tiếng vang: Vang Bóng Một Thời.” – Khuyết danh
Nguyễn Tuân được kế thừa đầy đủ tinh hoa Nho học từ truyền thống gia đình. Tuy vậy ông lại sinh bất phùng thời, con tạo xoay vần, văn hóa phương Tây du nhập đã khiến Hán học dần tàn lụi, tất cả những vàng son còn sót lại chỉ là vang bóng một thời.
Sự giao thoa của xã hội Tây Tàu nhố nhăng khiến Nguyễn Tuân bất đắc chí. Giai đoạn đầy biến động ấy đã tạo nên chất “xê dịch” cùng chất “ngông” đặc biệt trong con người và văn phong của ông.
Vẻ đẹp vang bóng một thời là điều mà nhà văn hướng đến trong suốt hành trình tìm kiếm chân thiện mỹ của mình. Những phong tục, thú vui lành mạnh, tao nhã giúp ông thỏa mãn nhớ mong về thuở vàng son oanh liệt trước kia.
“Nguyễn Tuân là một nhà văn cả đời đi tìm kiếm cái thực và cái đẹp. Thực ra, sự thực và cái đẹp của cuộc sống là hai cái đích mà dường như bất kỳ ngòi bút chân chính nào cũng hướng tới nhưng không dễ chiếm lĩnh và chạm vào được. Nguyễn Tuân cũng trên hành trình tìm kiếm nhưng tác phẩm của ông đã chạm được đến cái đẹp, nhất là cái đẹp truyền thống và cái thực phồn hoa chốn thành thị. Nguyễn Tuân là người thưởng thức cái đẹp với tư cách người có văn hóa, có vốn tri thức, biết giá trị của đối tượng mình chiêm ngưỡng”. – Nhà thơ Nguyễn Đình Thi
Sau Cách mạng, “bậc thợ cả văn xuôi” Nguyễn Tuân lại mở ra một hướng đi khác cho sự nghiệp cầm bút. Ông thâm nhập vào cuộc sống thường nhật, tìm tòi những vẻ đẹp bình dị mà bản thân đã bỏ qua trước đây và tự cảm thấy rằng “chỉ có trường đời rộng rãi mới cho những bài học đắt giá về cuộc sống”.
Nguyễn Tuân có sức sáng tạo dồi dào, bền bỉ. Những tác phẩm ông để lại cho đời đều là kiệt tác đỉnh cao với phong cách riêng biệt, không bị trộn lẫn với bất cứ cây bút nào. Nhà văn ghi dấu ấn đặc biệt ở thể loại tùy bút.
Các áng văn của Nguyễn Tuân có sự chuyển biến rõ rệt về tư tưởng cũng như phong cách nghệ thuật ở hai giai đoạn lịch sử. Trước Cách mạng, văn ông thấm đẫm sự kiêu bạc, nổi loạn, chống lại xã hội phàm tục. Còn sau khi Cách mạng thành công, ngòi bút ấy đã hòa mình vào cuộc sống nhân dân, rũ bỏ cái “tôi” đầy khinh bạc trước đó.
Nguyễn Tuân với chặng đường tuổi trẻ đầy ngông nghênh và kiêu bạc
Phong cách văn chương của Nguyễn Tuân thể hiện trọn vẹn trong một chữ “ngông”. Đây cũng là điểm đặc biệt giúp ông khẳng định được vị trí vững chắc trên văn đàn Việt Nam.
Nhà văn có cái tôi rất lớn, không chịu gò bó theo bất cứ khuôn khổ nào, sẵn sàng thể hiện cá tính, khát khao bày tỏ chí hướng giữa cuộc đời, vượt lên trên những điều tầm thường nhỏ bé của thực tại, thoát khỏi khuôn khổ chật hẹp để vươn tới thế giới bao la hơn.
Chất “ngông” ấn tượng trong văn chương và con người Nguyễn Tuân
Chất “ngông” trong con người Nguyễn Tuân là một phản ứng tiêu cực nhưng kiêu ngạo đối với xã hội biến động lúc bấy giờ. Văn hóa phương Tây du nhập khiến nền Nho giáo dần lụi tàn. Chính sự giao thời Tây Tàu đầy nhố nhăng ấy đã ảnh hưởng sâu sắc đến cá tính, tư tưởng cũng như phong cách nghệ thuật của ông.
Năm 1939, vì tham gia bãi khóa chống giáo viên Pháp nói xấu người Việt Nam nên Nguyễn Tuân bị đuổi học và không được làm việc ở bất cứ công sở nào trên toàn cõi Đông Dương.
Sau đó ông cùng một nhóm bạn vượt biên giới sang Lào nhưng chẳng may bị bắt tại Thái Lan và đưa về giam ở Thanh Hóa. Khi vừa được ra tù thì nhà văn tiếp tục đi trái phép vào Sài Gòn, đến Vinh lại bị bắt.
Kể từ đây, Nguyễn Tuân lâm vào tình trạng khủng hoảng tinh thần sâu sắc. Ông lao vào con đường ăn chơi trụy lạc, thành kẻ “đại bất đắc chí”, hệt như một người “hư hỏng hoàn toàn”.
Trên những trang viết, một người “An Nam hoàn toàn” ấy bày tỏ nỗi tiếc nuối xót xa về thời vàng son của Nho học thuở trước. Ông hết sức giữ gìn từng giá trị thiêng liêng nhất đã hun đúc nên quốc hồn, quốc túy Việt Nam.
“Đây là nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp, cái thật. Là người sinh ra để tôn thờ Nghệ Thuật với hai chữ viết hoa.” – Nguyễn Đình Thi chia sẻ về Nguyễn Tuân
Con người rất mực tài hoa đó coi sống chỉ là một cuộc rong chơi. Vậy nên văn của Nguyễn Tuân trước Cách mạng đúng chất là thứ văn chơi đầy thi vị. Ngòi bút ấy nghênh ngang, tài tử, chảy trôi theo dòng ngẫu hứng mà không theo quy luật nào, khiến độc giả như lạc vào những trận đồ bát quái.
Chính sự ngang tàng, khác người đó đã thu hút độc giả đến Nguyễn Tuân. Nhiều độc giả nhận xét rằng đọc văn ông rất “mệt” bởi phải dò tìm trong những trang sách, nấn ná trong thế giới ngôn từ, hình ảnh để bắt gặp và tìm hiểu cái chất ngông ở đấy.
“Có người mê Nguyễn Tuân như điếu đổ, từng chữ. Có người chỉ lướt một đoạn đã không chịu được cái giọng khụng khiệng, khệnh khạng. Triết lý và câu văn của Nguyễn Tuân không giống vị hoài sơn trong thang thuốc bắc, ghẻ bổ một tý lại vô thưởng vô phạt. Cái chơi của Nguyễn Tuân cũng thế. Với người này, không thể thiếu Nguyễn Tuân. Người kia thì không chịu đựng được.” – Nhà văn Tô Hoài chia sẻ trong cuốn Cát bụi chân ai
Tuy khinh bạc và ngông nghênh là thế nhưng ông lại có cái nhìn rất nhân đạo đối với những gì mà người đời cho là xoàng xĩnh, tầm thường. Người phu chữ ấy thể hiện sự trân trọng các thân phận đào nương, kép hát “xướng ca vô loài”, anh đồ kiết xác thất thế cùng đường, ngất ngưởng sống nốt những ngày tàn tạ.
Trên văn đàn Việt Nam, Nguyễn Tuân sáng bật lên như một thực thể cá biệt và duy nhất. Ban đầu, cái chất “ngông” ấy có thể khiến người ta khó chịu, không hợp với “khẩu vị” của nhiều người song càng đọc thì càng bị cuốn theo lối tư duy lạ lẫm, độc đáo của cây bút bậc thầy ấy.
Chữ người tử tù thấm đẫm chất khinh bạc của người anh hùng tài hoa thất thế
Chữ người tử tù được sáng tác trước Cách mạng, lần đầu xuất hiện trên tạp chí Tao Đàn năm 1939. Thiên truyện này ban đầu có tên là Dòng chữ cuối cùng, về sau đổi thành Chữ người tử tù và in trong tập truyện Vang bóng một thời.
Văn phẩm bày tỏ sự bất đắc chí của Nguyễn Tuân giữa thời buổi Tây Tàu nhố nhăng, bộc bạch nỗi tiếc nuối với những bậc Nho sĩ thuở ấy. Nhân vật chính trong tác phẩm là Huấn Cao, một tử tù bị cho là “ngạo ngược”, đầy nguy hiểm song cực kỳ tài hoa.
“Huấn Cao? Hay là cái người mà vùng tỉnh Sơn ta vẫn khen cái tài viết chữ rất nhanh và rất đẹp đó không?
Không, tôi nghe tên quen quen và thấy nhiều người nhắc nhỏm đến cái danh đó luôn, thì tôi cũng hỏi thế thôi.” – Chữ người tử tù
Cảnh cho chữ trong Chữ người tử tù được xem là cảnh tượng chưa nay chưa từng có. Suốt đời cống hiến cho cái đẹp, Nguyễn Tuân đã dồn hết bút lực để tạo nên tuyệt phẩm này bằng bút pháp đối lập, tương phản của chủ nghĩa lãng mạn.
Khung cảnh ấy diễn ra vào lúc đêm khuya, đêm cuối cùng trước khi Huấn Cao phải ra pháp trường lĩnh án. Cái tối, mùi phân chuột, phân gián bao trùm lên cả trại giam tỉnh Sơn, len vào ô cửa nhà tù trong một buồng tối chật hẹp.
“Đêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vắng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián.” – Chữ người tử tù
Trong sự tối tăm nơi gian phòng giam giữ Huấn Cao có cái u ám của chế độ xã hội lúc bấy giờ, khiến những anh hùng như cụ phải đứng lên chống lại triều đình mà ông căm ghét, khinh bỉ.
Tuy vậy, bóng tối không phải là nỗi ám ảnh với người đọc như trong Hai đứa trẻ của Thạch Lam bởi nó nhanh chóng bị đẩy lùi bởi ánh sáng khi Huấn Cao cất bút. Một khung cảnh rực sáng đến chói lòa, “không gian tỏa như đám cháy nhà” từ “ánh sáng đỏ rực của bó đuốc tẩm dầu”.
Đến khi viết xong bức châm, nguồn sáng ấy vẫn còn giữ nguyên độ nóng khi “lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo”. Ánh sáng đã ngự trị suốt cảnh cho chữ và là phông nền chất liệu để hình ảnh con người xuất hiện.
Nghệ thuật thư pháp là một thú chơi thanh cao của người xưa. Nó thường được tổ chức ở những nơi thanh tĩnh, trong thư phòng lộng ngát hương hoa hay mỗi dịp Tết đến xuân về.
“Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua.” – Ông đồ
Vậy mà ở đây nó lại diễn ra trong một phòng giam “chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất đầy phân chuột, phân gián”. Cái dơ bẩn chốn ngục tù hoàn toàn không xứng với cuộc cho chữ của ông Huấn, đặc biệt đây lại là những nét chữ cuối cùng trong cuộc đời vị anh hùng tài hoa thất thế này.
Ở đây Nguyễn Tuân đã đẩy nhân vật đẹp nhất đời văn của mình vào một tình thế hết sức éo le, song chính vì thế mà nhân cách và tấm lòng con người ngày càng được tỏa sáng.
Dù xung quanh có bẩn thỉu thì nơi thu hút ánh nhìn ba con người ấy là “phiến lụa óng”, hiện thân của cái đẹp, trong sáng, trinh bạch. Trên tấm lụa ấy nổi bật “những nét chữ vuông tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão của một đời con người”.
Cả không gian tràn ngập trong mùi thơm của hồ, chậu mực. Hương thơm ấy xua tan đi sự hôi hám vốn có nơi phòng giam người tử tù. Đó cũng chính là biểu tượng của vẻ đẹp, cái tinh khiết đối lập với nhơ bẩn, phàm tục.
“Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?” – Chữ người tử tù
Trên bình diện xã hội, đây là hai con người đối lập nhau khi một người tử tù, người kia cai ngục. Tuy vậy ở phương diện nghệ thuật, họ lại thành tri âm, tri kỷ.
Xuất hiện trong khung cảnh cho chữ là một ông Huấn với tư thế đĩnh đạc “đang tô đậm nét chữ” còn quản ngục “khúm núm”, thơ lại “run run”. Uy quyền và sự tự tin của công chức mẫn cán trong xã hội cũ đã bị cái đẹp nghệ thuật làm nao núng, khuất phục.
Không chỉ vậy, khi viết xong nét chữ, Huấn Cao còn ban cho quản ngục những lời di huấn thiêng liêng về đạo lý làm người. Ông khuyên hắn ta “nên thay chốn ở đi, thầy hãy tìm về quê đã rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ”. Điều ấy cho thấy người nghệ sĩ mong mỏi vị ngục quan được sống trong môi trường đúng với tâm thiện lương của mình.
“Ngục quan cảm động, vái người tử tù một vái, chắp tay nói một câu mà nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: kẻ mê muội này xin bái lĩnh.” – Chữ người tử tù
Đó là nước mắt của sự thành tâm, kính phục, như đóa sen thơm giữa bùn lầy nơi con người quản ngục. Nó khiến nhân vật này trở nên cao cả hơn, giống cái cúi đầu của Cao Bá Quát trước hoa mai vậy.
“Nhất sinh đê thủ bái mai hoa
(Cả đời ta chỉ biết cúi lạy trước một loài hoa, đó là hoa mai)” – Cao Bá Quát
Cả hai nhân vật xích lại gần nhau hơn và cư xử với nhau theo nguyên tắc của cái Đẹp, theo đạo tri kỷ. Ông Huấn Cao trong những giây phút cuối cùng đã tìm thêm cho mình một tri âm ở đời, còn quản ngục dám cởi bỏ lối sống “xanh vỏ đỏ lòng”, để sống thật với bản thân.
Huấn Cao có lẽ sẽ mỉm cười mãn nguyện trước khi lĩnh án, còn quản ngục thay chốn ở, tìm về quê, sống một cuộc đời thuần hậu để giữ gìn cái tâm thiện lương. Đó mới chính là cuộc hạnh ngộ thực sự với cả hai người.
Chữ người tử tù là áng văn tiêu biểu cho phong cách Nguyễn Tuân trước Cách mạng tháng Tám, cá tính cùng với tâm trạng bất mãn trước thời cuộc đã khiến ông phải tìm lối thoát trong cái thú giang hồ, xê dịch, hoài niệm về những vết tích vàng son còn vang bóng.
Hành trình khám phá cái Đẹp bình dị sau Cách mạng của Nguyễn Tuân
Từng là một nhà duy mỹ có hạng, môn đệ trung thành của thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật nhưng khi chuyển sang quan điểm thẩm mỹ mới hiện nay, Nguyễn Tuân thực sự đã tiến hành cuộc Cách mạng cho bản thân đầy khổ ải.
Không còn sự trỗi dậy của cái “tôi” cá nhân đầy vị kỉ, kênh kiệu và ngông nghênh, khinh thế ngạo vận ngày nào. Sau Cách mạng, Nguyễn Tuân mở ra con đường cho chính bản thân mình, ông ý thức được “chỉ có trường đời rộng rãi mới cho những bài học đắt giá về cuộc sống”.
Người nghệ sĩ ấy lại đi nhưng với một tâm thế khác, một sự xâm nhập vào đời sống thường nhật, thưởng thức nét đẹp bình dị mà ông đã vô tình bỏ qua.
Cuộc “lột xác” lịch sử trong đời văn của ông vua tùy bút
Đời sống và đời nghệ thuật của văn nghệ sĩ thời tiền chiến có một trục bản đồ lịch sử là Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nguyễn Tuân cũng không ngoại lệ, ông quan niệm cái mốc lịch sử ấy đã tạo ra sự “lột xác” đầy kỳ diệu.
“Mày hủy diệt hết những con người cũ trong mày đi, những con người mà mày mệnh danh là cố nhân. Đào thải chưa đủ, phải tàn sát, phải giết, giết hết, tất cả những đứa nào ở dĩ vãng hiện về, đòi hỏi bất cứ một tí gì của mày bây giờ, mày phải giết ngay. Mày phải tự hoại nội tâm mày đi đã.” – Lời tâm sự của Nguyễn Tuân trên Tạp chí Văn mới năm 1945
Lời tâm sự tuy chân thành song không tránh khỏi nét bồng bột, cực đoan. Quả lắc đồng hồ tâm lý phải khuynh cảm một chút trong cơn dao động thời cuộc. Dù sao đây cũng là tâm tư, chuyển biến nghệ thuật của nhà văn lúc mới bắt đầu tiếp xúc và tiếp nhận Cách mạng.
Sự kiện lịch sử trọng đại đó dần dần giải thoát tâm hồn nghệ thuật trong Nguyễn Tuân, đưa nhà văn đến gần với nhân dân và cuộc sống chiến đấu. Tuy nhiên, quá trình chuyển biến cũng diễn ra không đơn giản và dễ dàng. Bước từng bước trên đại lộ của cuộc đời mới, nghệ thuật mới, Nguyễn Tuân dần dần nhận ra cái đẹp chân chính.
“Trong cái vội vàng, cái cẩu thả của những tác phẩm xuất bản gần đây, những sản phẩm đã hạ thấp văn chương xuống mực giá trị của một sự đua đòi, người ta lấy làm sung sướng khi thấy một nhà văn kính trọng và yêu mến cái đẹp, coi công việc sáng tạo là công việc quý báu và thiêng liêng.” – Nhà văn Thạch Lam nói về Nguyễn Tuân
Ông dấn thân vào khó khăn, gian khổ để tìm cho ra cái đẹp chân thật, quý giá của cuộc đời. Từ những năm sáu mươi, đặc biệt là khoảng thời gian kháng chiến chống Mỹ, nhà văn mới bước vào thời kỳ chuyển biến thực sự trên hành trình nghệ thuật theo lý tưởng Cách mạng.
Điều đó có được là nhờ những trải nghiệm thực tế, thực tâm, đi sâu vào đời sống lao động, sản xuất và cả tiếp cận với hoạt động chiến đấu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc.
Người lái đò sông Đà ngợi ca nét đẹp bình dị của cuộc sống đời thường
Nếu trước Cách mạng, cái Đẹp mà Nguyễn Tuân theo đuổi là vẻ đẹp vàng son vang bóng một thời thì giai đoạn sáng tác sau này, nhà văn khám phá nét đẹp bình dị nơi quần chúng nhân dân lao động.
Tùy bút Người lái đò sông Đà tiêu biểu cho phong cách sáng tác sau Cách mạng của cây viết tôn thờ chủ nghĩa xê dịch. Viết tác phẩm này, Nguyễn Tuân tự coi mình là người đi tìm cái thứ vàng mười nơi núi sông và con người Tây Bắc, cũng như tìm về cội nguồn của nghệ thuật, cảm hứng sáng tác.
“Đọc Người lái đò sông Đà, ta có ấn tượng rõ rệt về sự tự do của một tài năng, của một đấng hóa công thực sự trong nghệ thuật ngôn từ… Khi gân guốc, khi mềm mại, khi nghiêm nghị như một nhà bác học, khi hồn nhiên như một đứa trẻ thơ, những trang viết, những câu văn của Nguyễn Tuân mang hơi thở ấm nóng của cuộc đời phức tạp, phong phú, đa dạng. Sự tự ý thức sâu sắc về tài năng của mình không phải là một biểu hiện tiêu cực, trái lại, nó tạo nên sự giải phóng năng lượng rất cần thiết để nhà văn có thể sáng tạo nên những tác phẩm kì vĩ…” – Nhận xét của nhà nghiên cứu Phan Huy Đông, in trong tập Vẻ đẹp văn học Cách mạng
Với Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân đã tạo nên một khúc tráng ca bất diệt về hình ảnh con người lao động trong cuộc sống mới. Nhà văn tập trung khắc họa cuộc chiến đấu giáp lá cà giữa người lái đò với dòng thác dữ.
Nếu như con người đơn độc, trong tay chỉ có mái chèo làm vũ khí thì thạch trận sông Đà lại chia làm những lũ đá tướng, đá quân mà mặt hòn nào cũng ngỗ ngược, nhăn nhúm và hiếu chiến.
“Đá ở đây ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền.” – Người lái đò sông Đà
Con sông càng trở nên nham hiểm hơn khi chúng mai phục con thuyền, đặc biệt ở những đòn cận chiến, “mặt nước hò la vang dậy”, ùa vào “bẻ gãy cán chèo vũ khí”, “sóng nước như thể quân liều mạng vào sát nách mà đá trái, mà thúc gối vào bụng, vào hông thuyền”.
Đối mặt với thác lũ có trùng vây thạch trận dữ tợn, ông đò vẫn cực kỳ gan dạ, dũng cảm, điều khiển con thuyền bằng tất cả bản lĩnh nghề nghiệp, “hai tay giữ chắc mái chèo để chúng khỏi bị hất lên khỏi sóng trận địa phóng thẳng vào mình”.
“Ông vua tùy bút” đã khắc họa thành công cảnh cận chiến bằng cái nhìn của một nhà tinh thông quân sự. Dù vô cùng đau đớn, cảm giác “tóe đom đóm đầy bỏng rát” song ông lái đò vẫn “cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái”.
“Mặt sông trong tích tắc loà sáng lên như một cửa bể đom đóm rừng ùa xuống mà châm lửa vào đầu sóng. Nhưng ông đò cố nén vết thương, hai chân vẫn kẹp chặt lấy cuống lái, mặt méo bệch đi như cái luồng sóng đánh hồi lung, đánh đòn tỉa, đánh đòn âm vào chỗ hiểm. Tăng thêm mãi lên tiếng hỗn chiến của nước của đá thác.” – Người lái đò sông Đà
Vẻ đẹp lao động ấy càng nổi bật hơn ở tâm trạng của họ sau mỗi lần vượt thác, “đêm ấy nhà đò đốt lửa trong hang đá, nướng ống cơm lam và toàn bàn tán về cá anh vũ, cá dầm xanh, chả thấy ai bàn thêm một lời nào về cuộc chiến thắng vừa qua”.
Cuộc sống của họ là như thế, ngày nào cũng chiến đấu với sông Đà dữ dội để giành lấy sự sống từ những con thác, nên cũng không có gì hồi hộp, đáng nhớ.
Cái phi thường đã trở thành bình thường trong cuộc sống. Cái đẹp không chỉ có ở những con người “đặc tuyển”, riêng biệt như trước Cách mạng tháng Tám nữa, mà Nguyễn Tuân tìm thấy nó tại chính nhân dân lao động bình dị nơi đây.
“Những biến thiên của con người phố xá, chắp nối lại mà chỉ có ngòi bút Nguyễn Tuân mới phát hiện cho người đọc thấy được những lăng cạnh gốc gác, như muôn vật trong trời đất, khác nhau mà lại dính líu với nhau.” – Cát bụi chân ai
Xây dựng hình tượng ông lái đò, tác giả đã huy động vốn từ vựng phong phú kết hợp nghệ thuật hội họa, âm nhạc, quân sự, điện ảnh, vận dụng tri thức trong chiến đấu, võ thuật để khắc họa, ngợi ca nhân vật. Tất cả tạo nên bài ca về sức mạnh của con người giữa thiên nhiên hùng vĩ.
Bên cạnh đó, ngòi bút rất mực tài hoa của Nguyễn Tuân đã vận dụng linh hoạt những từ ngữ gợi cảm, tinh tế để tái hiện trên trang giấy một con sông với khung cảnh giàu chất thơ.
Dòng sông Đà xuất hiện trong áng văn tùy bút như một sinh thể độc đáo, điều đó trước hết bộc lộ ở tính cách hung bạo. Các phép điệp cấu trúc câu, phép nhân hóa, nhịp câu gấp gáp như gối lên nhau tầng tầng lớp lớp. Nước, đá, sóng, gió hợp lại tạo nên cái độc dữ, thứ hùm beo điên cuồng sẵn sàng làm tất cả những gì đi qua nó tan xác.
“Hàng cây số, nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm như lúc nào cũng đòi nợ xuýt.” – Người lái đò sông Đà
Hình ảnh Đà giang hung bạo, dữ dội nhất được tái hiện trọn vẹn, chân thực qua cảnh thác đá trên sông. Nhà văn cảm nhận con thác ấy qua cái nhìn của khách đi thuyền, đang ngồi một mình tiến dần đến thác. Khi ở xa là ấn tượng về âm thanh, càng đến gần thì ngạc nhiên bởi khung cảnh hùng vĩ.
“Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã nghe thấy tiếng nước réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo.”- Người lái đò sông Đà
Không chỉ say mê những phong cảnh tuyệt mỹ, dữ dội, phi thường mà Nguyễn Tuân còn là nhà văn của cái Đẹp. Dưới ngòi bút tài hoa ấy, sông Đà còn hiện lên với vẻ trữ tình, thơ mộng và đối nghịch với cái cuồng nộ, dữ tợn nơi thác nước.
Dòng sông như áng tóc của người con gái yêu kiều, duyên dáng và đài các. Càng chảy trôi về phía hạ nguồn, nó lại ôm vào lòng mình biết bao vẻ đẹp mây trời huyền ảo, sự gần gũi, ấm áp của làn khói núi người Mèo đốt nương.
“Con Sông Đà tuôn dài tuôn dài như một áng tóc trữ tình, đầu tóc chân tóc ẩn hiện trong mây trời tây Bắc bung nở hoa ban hoa gạo tháng hai va cuồn cuộn mù khói Mèo đốt nương xuân.” – Người lái đò sông Đà
Văn nhân đã miêu tả nét đẹp của sông Đà trong sự gắn bó với con người lao động chất phác. Quan niệm về cái đẹp sau Cách mạnh không còn là sự kiều diễm, phi thường một thời vàng son nữa mà trở thành ấm áp, bình dị nơi cuộc sống hàng ngày.
Thú xê dịch mãnh liệt của một nhà văn suốt đời đi tìm cái đẹp
Sinh thời, Nguyễn Tuân được mệnh danh là “con chiên ngoan đạo của chủ nghĩa xê dịch”. Ông cổ súy một cách tích cực cho lối sống này, khuyến khích con người hãy luôn “thay đổi thực đơn cho mắt”.
Cuộc sống bình lặng, trầm ổn có lẽ là một điều đáng sợ nhất với nhà văn. Đam mê của ông là được đi dọc chiều dài đất nước để khám phá những thứ độc đáo, mới mẻ.
Điều này đã được chính Nguyễn Tuân khẳng định trong tiểu thuyết Thiếu quê hương. Con chiên ngoan đạo của chủ nghĩa xê dịch ấy còn đề từ cho tác phẩm bằng câu văn mượn của tác giả người Pháp Paul Morand rằng “khi tôi chết, hãy thuộc da tôi làm chiếc vali”.
“Bầu trời khô sáng và nền trời xanh gắt mầu biếc cánh chả kia muốn biến tôi hóa làm con chim bằng. Nó thúc giục tôi đừng đứng im. Muốn dời đi đâu thì đi, miễn là đừng ở mãi chốn này. Phải thay đổi.” – Nguyễn Tuân
Giai thoại kể lại rằng, bà Vũ Thị Tuệ, người vợ tào khang của ông từng tâm sự “Cứ thỉnh thoảng nhà tôi lại xách vali ra đi. Tôi không hề ngăn cản nhà tôi trong những chuyến đi, rất yêu quý và phục ông ấy. Tôi không muốn làm phiền ông ấy mặc dù xa ông, tôi buồn biết bao nhiêu”.
Biết làm sao được khi Nguyễn Tuân là người tôn thờ chủ nghĩa xê dịch, thèm những chuyến đi giữa buổi Tây Tàu nhố nhăng, làm tiêu mất bao giá trị tinh thần đẹp đẽ của một thời vàng son. Ông đi để tìm lại vết tích oanh liệt còn vang bóng, níu giữ chúng ở lại với cuộc đời.
“Bốn bể cũng là nhà
Tết này lại ở xa
Hồn quê theo lá rụng
Đất khách đóng trò ma.
Gió bụi quên ngày tháng
Biển hồ gặp xông pha
Đừng cho đàn trẻ biết
Rối ruột khách thiên nha.” – Thơ Nguyễn Tuân gửi về cho vợ trong lần sang Hồng Kông quay bộ phim Cánh đồng ma
Sau Cách mạng tháng Tám, nhà văn vừa đi vừa mở lòng đón nhận những thanh sắc tự do của cuộc sống. “Xê dịch” khiến con người tài hoa, uyên bác ấy như được tháo cũi sổ lồng, phát huy hết mọi sở trường, cất cao lời ngợi ca đất nước và con người Việt Nam trong thời đại mới.
Chính Nguyễn Tuân từng chia sẻ rằng Cách mạng tháng Tám đã cứu sống cuộc đời lẫn những trang viết của mình. Ông hân hoan chào đón cuộc đổi đời lịch sử, tự “lột xác” và chân thành đứng vào hàng ngũ nhà văn Cách mạng.
Nguyễn Tuân xứng đáng là quốc bảo về nghệ thuật ngôn từ trên văn đàn
Nguyễn Tuân đã từng bộc bạch “nghề văn là nghề của chữ, nó là cái nghề dùng chữ nghĩa mà sinh sự”. Độc giả cảm nhận rõ ở ông ý thức trách nhiệm hoàn toàn tự giác cùng tình yêu sâu đậm dành cho ngôn ngữ.
Cây viết ấy là nhà thực hành tài hoa và sáng tạo trong bộ môn nghệ thuật ngôn từ. Có những chữ tưởng chừng như quen thuộc và bình thường song khi được trải lên trang văn Nguyễn Tuân, nó như bừng sáng, tạo ra một ý vị bất ngờ.
“Không biết chừng nào mới lại có một nhà văn như thế… tuôn ra đầu ngọn bút đều như có đóng một dấu triện riêng.” – Nhận xét của nhà nghiên cứu Anh Đức về ngôn ngữ nghệ thuật trong văn Nguyễn Tuân
Nguyễn Tuân sở hữu kho từ vựng hết sức phong phú do cả đời cần cù tích lũy. Bên cạnh việc góp nhặt những từ sẵn có, người phu chữ ấy còn luôn sáng tạo cách dùng mới lạ, tạo nên sự ma lực trong ngôn từ.
Ông đặt ngôn từ vào đúng ngữ cảnh đắc địa, để nó mặc sức tung hoành, từ đó bung ra những vẻ đẹp trước đây chưa từng thấy, giải phóng mọi tiềm năng bấy lâu vẫn ngủ im lìm.
“Từ lúc chưa được ốm nằm, cứ phải ốm đứng, chị Nguyễn từng đã hiểu biết đến nhiều thứ quạnh hiu đang sống trong cái lòng chết của mình.” – Trích truyện ngắn Nguyễn Tuân
Dòng sông ngôn từ trong văn Nguyễn Tuân trở nên độc đáo một phần là nhờ cách kết ghép, thêm bớt theo phong cách riêng của ông. Những từ như “tuổi măng trứng”, “cái phẩm chất thơ ngộ” giúp áng văn trở nên sắc bén và gây ấn tượng mạnh hơn.
“Người thợ kim hoàn của con chữ” không dùng từ một cách đơn thuần, bình thường mà đôi khi dụng ý lệch chuẩn để biến tấu câu văn trở nên mới lạ. “Cái thối inh của xã hội tiền” hay ”cái nhầy nhờn của buổi chợ sớm tại cửa ô” khiến bao thế hệ độc giả phải trầm trồ, thán phục.
”Chúng ta vẫn đắm đuối với nghề Iàm văn, ngày càng chuốt thêm văn tự, ngày càng làm óng tốt dẻo bền hơn lên nữa cái tiếng nói Việt cổ truyền của mình.” – Nguyễn Tuân
Khẩu khí dân dã đầy tự nhiên, thoải mái của tác giả cũng là dấu ấn ghi điểm tuyệt đối. Giọng nói, tiếng nói đặc trưng cứ đan xen vào nhau giúp câu chuyện trở nên chân thực, sinh động.
Khi miêu tả bất kỳ sự vật nào, Nguyễn Tuân cũng đều sử dụng từ ngữ giàu hình ảnh, truyền tải trọn vẹn đến người đọc mọi hàm nghĩa của đối tượng.
“Nước một con sông hiền lành đẩy nhẹ cánh hoa vô định lừ lừ trôi một mình theo những cái xoáy nước yếu đuối.” – Đánh thơ
Nguyễn Tuân luôn biết cách thể hiện sự phong phú về tài năng của mình, ở những chỗ cần làm nổi bật không khí ảm đạm thì lối so sánh, hình ảnh mang vẻ thê lương chết chóc. Khi viết về cảnh sinh hoạt an bình nơi thôn quê, giọng điệu và ngôn từ lại trở nên trong sáng, nhẹ nhàng.
“Đây là cái màu dịu mắt của chất ngọc bích, đấy là cái thứ ao xanh của ông quan Tư mã đất Giang Châu dùng lau nước mắt khi thương đến một người con hát giữa một con thuyền trống trải trôi trong một đám lau sậy trên sông.” – Ngôi mả cũ
Một “bí quyết” trong cách điều khiển ngôn ngữ của Nguyễn Tuân là phép tách từ. Các cụm từ “khoa và hoạn”, “vàng và son”, “danh và lợi”, “bóng thì loáng” khi được tách riêng ra đều mang ý vị mới mẻ, độc đáo.
Có thể nói Nguyễn Tuân đã đạt đến đỉnh cao về khả năng vận dụng ngôn ngữ, được tôn vinh là bậc thầy trong lĩnh vực này. Thành công đó một phần lớn đến từ truyền thống gia đình, sở hữu kiến thức uyên bác, năng khiếu văn chương, sự am tường trên nhiều lĩnh vực của tác giả.
Nguyễn Tuân là một nhà văn lịch lãm, thấu hiểu bài học làm người. Nhờ sự chuyên tâm lao động nghiêm túc và hết mình nên những trước tác của Nguyễn Tuân mãi mãi là viên ngọc quý trong kho tàng văn chương nước nhà.
Tiểu Mai
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất