Gabriele Muccino sinh năm 1967, ông là một đạo diễn phim người Ý và bắt đầu sự nghiệp nổi tiếng của mình chỉ với những bộ phim ngắn đầu tay. Về sau, Muccino trở thành một nhà làm phim nổi tiếng và thành công của Mỹ.
Ông đã đạo diễn hơn 10 bộ phim và nổi tiếng trong vai trò đạo diễn của phim Mưu cầu Hạnh phúc (The Pursuit of Happyness) với sự tham gia của Will Smith, Muccino sau đó đã được đề cử và giành được giải David di Donatello cho Phim nước ngoài xuất sắc nhất.
Trong suốt cuộc đời làm phim, ông cũng hai lần giành được giải David di Donatello cho Đạo diễn xuất sắc nhất khi làm phim L’ultimo bacio (2001) và Ricordati di me (2003).
Sinh ra ở Rome, Gabriele Muccino học chuyên ngành Văn Học Ý tại Đại học Sapienza nhưng đã bỏ học để theo đuổi sự nghiệp đạo diễn. Ít ai biết, xuất phát điểm trong ngành của ông là ở vị trí trợ lý đạo diễn, công việc này đã giúp Muccino có được kinh nghiệm liên quan đến việc làm phim.
Về sau, ông tham gia các khóa học viết kịch bản và ghi danh vào một chương trình đạo diễn tại Học viện điện ảnh thực nghiệm của Rome. Tại đây, những phim ngắn đầu tay do ông sản xuất đã được phát sóng trên kênh truyền hình của Ý, về sau, Muccino trở thành đạo diễn cho một số bộ phim tài liệu.
Nhờ kinh nghiệm tích lũy được, Muccino được tin tưởng trao quyền đạo diễn phim Intolerance (1996). Hai năm sau, bộ phim điện ảnh đầu tiên của ông là Ecco Fatto (1998) đã giành giải Phim hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế Torino.
Come te nessumo mai (1999) là bộ phim tiếp theo mà ông làm đạo diễn, với sự tham gia của em trai mình – Silvio Muccino. Hai năm sau, phim L’ultimo bacio (2001) do ông làm đạo diễn trở thành bước đột phá khiến Gabriele Muccino bỗng chốc thu hút sự chú ý của cả thế giới, giúp ông giành Giải David di Donatello cho Đạo diễn xuất sắc nhất.
Về sau, sự thành công của bộ phim khiến ông quyết định ký hợp đồng với Miramax và chuyển sang làm đạo diễn cho các bộ phim Hollywood.
Bộ phim tiếp theo Muccino chỉ đạo là Ricordati di me (2003) tiếp tục thành công và giúp ông được Will Smith chọn làm đạo diễn của phim Mưu cầu Hạnh phúc (The Pursuit of Happyness).
Sau này, Gabriele Muccino cũng đạo diễn thêm một bộ phim của Smith là Seven Pounds. Phim rất thành công về mặt thương mại khi mang về doanh thu lên tới 168 triệu USD, bản thân Will Smith cũng giành thêm hai giải cho nam diễn viên xuất sắc nhất là NAACP Image và BET.
Chuyển sang dòng phim hài lãng mạn, Muccino tiếp bước với tác phẩm Playing for Keeps (2012) cùng sự tham gia của dàn diễn viên nổi tiếng Gerard Butler, Dennis Quaid và Uma Thurman. Phim mang tính giải trí đơn thuần và chất lượng không được các nhà phê bình đánh giá cao.
Bộ phim tiếp theo của Muccino là Fathers and Daughters (2015) cũng có sự góp mặt của các sao hạng A như Amanda Seyfried , Russell Crowe và Aaron Paul. Phim thuộc thể loại chính kịch, có cách thể hiện nội dung rất nhẹ nhàng và tinh tế, chủ yếu cho người xem tự mình cảm nhận thông qua những chi tiết nhỏ nhặt nhưng đáng giá.
Bộ phim mới nhất của ông – Summertime, là câu chuyện về hai thiếu niên Ý lần đầu tiên đến Mỹ trong mùa hè từ trung học lên đại học. Phim nhận giải David di Donatello cho hạng mục bình chọn của giới trẻ.
Trong suốt cuộc đời làm phim của mình, Gabriele Muccino đã giành được hàng loạt giải thưởng và là “khách quen” tại nhiều Liên hoan phim quốc tế, chúng tôi tạm thống kê dưới đây:
- LHP quốc tế Torino: Đoạt giải phim hay nhất cho phim Ecco Fatto (1998)
- LHP quốc tế Brussels: Đoạt giải phim hay nhất cho phim Come te Nessuno Mai (1999)
- LHP quốc tế Castellinaria: Đoạt giải Golden Castle
- LHP quốc tế độc lập tại Buenos Aires: Đoạt giải OCIC
- Giải thưởng David Di Donatello: Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản hay nhất cho phim L’ultimo bacio (2001)
- Lễ hội Sundance: Giải Audience Award cho phim L’ultimo bacio (2001)
- Giải thưởng David Di Donatello với ba hạng mục chính Đạo diễn xuất sắc nhất, Phim hay nhất và Kịch bản hay nhất cho phim Ricordati di me (2003)
- LHP Thượng Hải: Đoạt giải phim hay nhất cho phim Kiss Me Again (2010)
Với hàng loạt các giải thưởng và đề cử cá nhân, không thể không đề cập riêng bộ phim Mưu cầu Hạnh phúc (The pursuit of Happyness), dấu ấn đầu tiên của đạo diễn Gabriele Muccino tại Mỹ. Bộ phim nhận phản hồi tích cực trong tờ San Francisco Chronicle của nhà phê bình Mick LaSalle khi mang đến tính trung thực và câu chuyện về những thất bại trong cuộc sống.
Không dừng lại ở đó, nhà phê bình Manohla Dargis của tờ New York Times cũng đưa ra nhận xét tương tự, gọi bộ phim là “câu chuyện cổ tích trong hiện thực, một giấc mơ Mỹ được kể một cách khéo léo, liền mạch, là đất diễn cho những biểu cảm ấm áp của Will Smith”.
Khi bàn đến chuyên môn, đạo diễn Muccino khẳng định:
“Tôi tin rằng câu chuyện sẽ quyết định phong cách của riêng bạn, máy ảnh phải luôn di chuyển có tổ chức để khắc họa câu chuyện.
Trong phim Mưu cầu hạnh phúc (The Pursuit of Happyness) có phong cách rất tinh tế bởi tôi muốn có cảm giác rằng tôi đã ăn cắp câu chuyện.
Trong The Last Kiss, tất cả các nhân vật đều bị bắt gặp bởi những kẻ thần kinh của chính họ và máy quay mạnh mẽ hơn nhiều khi theo dõi họ.
Trong Seven Pound, nhân vật đã rất đau khổ và vì thế máy quay đã quay phim từ phía sau đầu để nhìn mọi thứ từ góc nhìn của anh ta.”
Bên cạnh đó, các dụng ý sắp xếp cảnh nền lẫn sử dụng màu sắc, ánh sáng của ông đã cho thấy nhiều sự sáng tạo. Điển hình như cách áp dụng bậc thang, cánh cửa đóng sầm trong phim Mưu cầu Hạnh phúc (The pursuit of Happyness) nhấn mạnh vào tâm lý người xem những khó khăn của nhân vật.
Sự đối lập của góc nhìn nhân vật và góc máy, lẫn sự thay đổi các mảng màu đối lập thể hiện phần nào nội tâm phức tạp, giằng xé của nhân vật khi đang trong nghịch cảnh và đặt mọi hy vọng vào tất cả những gì mình có thể làm.
Tuy nhiên, đoạt nhiều giải thưởng không có nghĩa là nhà phê bình nào cũng thích phong cách của Gabriele Muccino, như nhà phê bình Kevin Crust của tờ Los Angeles Times nhận xét phim Mưu cầu Hạnh phúc (The pursuit of Happyness) vẫn còn quá nhẹ nhàng trong việc miêu tả các vấn đề, và không có những màn diễn đặc sắc.
Một số bộ phim khác của ông cũng nhận được nhiều đánh giá tiêu cực, như Seven Pounds chỉ có tỷ lệ tán thành là 26% trên trang Rotten Tomatoes và cốt truyện bị đánh giá phi logic.
Minh Trí
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất