Life of Pi (2013) là một bộ phim được lấy ý tưởng từ tác phẩm Cuộc đời của Pi của tác giả Yann Martel xuất bản vào năm 2001.
Tác phẩm lấy bối cảnh là một câu chuyện về việc sinh tồn của một cậu bé người Ấn Độ trên một chiếc thuyền lênh đênh giữa Thái Bình Dương cùng một con hổ to lớn thuộc dòng Bengal có tên Richard Parker.
Trailer của Life of Pi (2013)
Bộ phim được đạo diễn bởi Lý An, người đã từng nổi danh với những tác phẩm như Chuyện tình sau núi (2005), Sắc giới (2007). Có thể nói, Life Of Pi trên màn ảnh là một câu chuyện hết sức kỳ thú, được lột tả bằng ngôn ngữ điện ảnh đẹp tuyệt vời của Lý An, nội dung phim cũng rất nhân văn và đáng ngưỡng mộ.
Trong một lá thư gửi cho tác giả, Barack Obama đã từng nói Life of Pi là bằng chứng rõ ràng của Thiên Chúa và sức mạnh của việc kể chuyện thông qua hình ảnh.
Trong bộ phim, tất cả câu chuyện được kể lại đều chỉ là câu chuyện trong trí tưởng tượng, một trí tưởng tượng đầy nhân văn của Pi và chính là cách tiếp cận cũng như cảm nhận được về Thiên Chúa.
Life of Pi là một câu chuyện có nội dung đơn giản.
Thật sự vậy, trong Life of Pi, người ta không phải cất công để trăn trở với những chi tiết khó hiểu. Tất cả đều xảy ra rất rõ ràng, mạch lạc.
Câu chuyện được dẫn dắt cũng như kể theo trình tự thời gian và có những khoảng nghỉ hợp lý, khiến cho người xem không hề cảm thấy bị ngợp cũng gặp khó khăn trong việc theo dõi.
Tuy nhiên, ẩn ý của tác giả không nằm ở những chi tiết như vậy, mà toàn bộ cả câu chuyện đều mang đầy những ẩn ý nhân văn về triết lý nhân sinh. Có hàng chục, hàng trăm, hàng ngàn người đã cố gắng mổ xẻ để phân tích nhưng có thể nói rằng Yann Martel thật sự quá giỏi khi có thể lồng ghép được những điều như vậy vào trong một cuốn tiểu thuyết.
Life of Pi và những triết lý tôn giáo xuyên suốt cả bộ phim
Có thể nói, Life Of Pi là một bộ phim về đức tin, về những câu hỏi muôn thuở về tôn giáo. Và câu trả lời được đạo diễn Lý An đưa vào trong phim, thể hiện bằng ngôn ngữ của điện ảnh.
“Có, thượng đế ở trên kia và đang quan sát chúng ta, nếu chúng ta lạc lối, thì người sẽ dẫn dắt chúng ta, thứ chúng ta cần là lòng tin.”
Bản thân là một người vô thần nên hầu hết các bộ phim mang chủ đề tôn giáo đã từng được xếp vào danh sách đen của tôi nhưng khi xem Life Of Pi, cách tiếp cận về niềm tin, tín ngưỡng của con người được xây dựng một cách gần gũi, gần gũi đến trần trụi.
Bộ phim này khiến cho bất kì ai, thuộc bất kì tôn giáo nào đều có thể tiếp nhận một cách dễ dàng.
Từ đó chúng ta hiểu được triết lý mà tác giả muốn gửi gắm, chỉ có một Thiên Chúa, chính là Chúa trong lòng bạn, là đức tin của riêng bạn.
Có thể nói, Life of Pi là một bộ phim có nội dung không thú vị nhưng lại mang đầy triết lý về nhân sinh quan cũng như đức tin, tôn giáo. Đây cũng là một trong những bộ phim hiếm hoi có khả năng tiếp cận tới bất cứ người thuộc bất cứ tôn giáo nào.
Suraj Sharma chàng diễn viên nghiệp dư chưa từng đóng phim
Diễn viên chính của bộ phim lại là một chàng trai 17 tuổi chưa từng biết diễn xuất, được tuyển chọn từ hơn 3000 người trong buổi tuyển chọn.
Trong Life of Pi, một tác phẩm điện ảnh sử dụng nhiều tới công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính thì có lẽ hầu hết các cảnh quay, Suraj Sharma đều phải làm việc với một phông nền xanh, tuy vậy diễn xuất của anh thể hiện lại vô cùng tốt.
Có thể nói, việc diễn một vai diễn với nội tâm sâu sắc và những biểu cảm phức tạp chưa bao giờ là việc dễ dàng kể cả đối với các diễn viên hạng A của Hollywood.
Nhưng đối với Suraj Sharma, người ta cảm thấy sự chân thật tới từng cử động tinh tế nhỏ nhất của ánh mắt, của từng cái chau mày. Dường như Suraj Sharma đã có một tài năng thiên bẩm chỉ chờ đợi Lý An tới để phát triển nó ra mà thôi.
Life of Pi là một tuyệt tác về hình ảnh
Nhắc tới Life of Pi, nếu không nhắc tới đội ngũ làm hình ảnh của bộ phim thì quả thật là một thiếu sót vô cùng lớn.
Có thể nói, ngôn ngữ điện ảnh của Lý An là rất hoa mỹ nhưng để truyền tải được tới người xem thì không thể thiếu được những bàn tay của các nghệ nhân làm hình ảnh.
Những người đã từng nhào nặn ra cảnh hoàng hôn giữa Thái Bình Dương, đã vẽ lên cảnh hàng ngàn con sứa sáng rực cả biển sâu, hay vẽ nên cả một hòn đảo ở giữa mênh mông rộng lớn toàn là nước.
Giữa những cảnh kỳ quan như vậy, con người ta mới thấy mình nhỏ bé. Chính bản thân tôi đã từng nín thở từng hồi khi con cá voi lao thẳng từ dưới nước, quẫy đuôi tạo ra một con sóng lớn giữa lòng đại dương.
Có ở màn ảnh rộng thì mới thấy được, kỹ xảo của bộ phim được làm chi tiết và trau chuốt đến nhường nào.
Bộ phim là một kiệt tác điện ảnh của đạo diễn Lý An
Có nhiều tranh cãi xoay quanh Life of Pi, có những ý kiến cho rằng bộ phim này là một thất bại, có ý kiến lại cho rằng đây là tuyệt phẩm, là tác phẩm tuyệt vời nhất từng được xào nấu bởi đạo diễn Lý An.
Tuy rằng, mỗi người mang một ý kiến riêng nhưng chúng ta không thể phủ nhận được, Lý An đã làm rất tốt trong vai trò một người đạo diễn đối với bộ phim Life of Pi.
Life of Pi là một bộ phim được giao hòa một cách hoàn hảo giữa văn hóa Phương Tây và Phương Đông, giữa các nền tôn giáo với nhau. Có lẽ rằng, nhìn vào Life of Pi người ta sẽ nghĩ rằng bộ phim đơn giản.
Nhưng đặt vào cương vị một người đạo diễn, một bộ phim với hầu hết cảnh quay chi có một thuyền, một người và một hổ nhưng vẫn phải thể hiện được sự tương quan trong ngôn ngữ điện ảnh.
Vẫn phải có những cảnh quay cận cảnh, trung cảnh hay toàn cảnh để khiến cho bộ phim trở nên không nhàm chán và có thể khẳng định rằng Lý An đã làm rất tốt khi khiến người xem dường như không thể rời được mắt khỏi màn ảnh.
Ngoài ra, việc truyển tải những thông điệp về tôn giáo, về tín ngưỡng chưa bao giờ là dễ dàng nhưng Lý An đã khéo léo làm việc đó. Dựa trên ý tưởng từ tác phẩm cũng như đầu óc tài hoa của ông, Life of Pi là một trong những tác phẩm có chủ đề tôn giáo dễ tiếp cận nhất tính tới thời điểm hiện tại.
Và cái kết mở đầy trăn trở của tác phẩm về tôn giáo
Có lẽ rằng nhiều người sẽ thấy khó hiểu với cái kết của Life of Pi, hình ảnh Pi nằm gục trên cát và lắc đầu khi Richard Parker bỏ thẳng vào rừng mà không chào cậu.
Và sau này khi kể lại, Pi đã rơi nước mắt khi nói về Richard Parker. Có lẽ rằng mối liên hệ của Pi và Richard Parker đã không còn là giữa một con người và một con hổ mà gần như là giữa phần con và phần người tựa hai bản ngã của một người hoàn chỉnh vậy.
Tuy nhiên, vẫn chưa dừng ở đó, lột bỏ hoàn toàn sự nhân văn, tác giả đưa chúng ta tới một sự thật trần trụi khi một câu chuyện thứ 2 được kể lại dưới lời kể của Pi cho các chuyên gia người Nhật Bản, một câu chuyện về bốn người trôi nổi trên chiếc xuồng cứu hộ giữa Thái Bình Dương.
Giữa ranh giới của sự sống và cái chết, họ đã ăn thịt lẫn nhau. Những con vật trong câu chuyện cũ tượng trưng cho những người ở câu chuyện mới và chính Richard Parker là hiện thân của Pi, là phần con trong mỗi người, là kẻ sống sót cuối cùng.
Suy cho cùng, chính là tác giả của chúng ta đã ngộ ra ẩn ý của Pi, ngay cả Pi cũng đã chốt lại:
“Trong cả hai câu chuyện, tàu chìm, cả gia đình tôi chết, và tôi phải gánh chịu”.
Cuối cùng, câu chuyện nào cũng không quan trọng nhưng mất mát là thật và Pi là một con người phải sống cả đời, gánh chịu những nỗi đau, gánh chịu một con quỷ bên trong chính bản thân mình.
Và Life of Pi, là một bản hùng ca đầy nhân văn về nhân sinh quan, về niềm tin và nghị lực của con người và trên hết là một bộ phim tuyệt vời.
Nguyễn Nam
Nguyễn Nam
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất