John Steinbeck là nhà văn người Mỹ nổi tiếng từng đoạt giải Nobel Văn học năm 1962, ông là một tiểu thuyết gia, tác giả truyện ngắn, nhà viết kịch xuất sắc. Steinbeck được biết tới nhiều nhất qua tác phẩm từng đoạt giải Pulitzer có tên Chùm nho phẫn nộ.
Vài nét về cuộc đời nhà văn
John Steinbeck tên đầy đủ là John Ernst Steinbeck Jr, ông sinh năm 1902 tại Salinas, California. Steinbeck lớn lên và được nuôi dạy trong hoàn cảnh thiếu thốn khi cha của nhà văn, John Ernst Steinbeck, đã phải cố gắng làm rất nhiều công việc khác nhau nuôi gia đình và cho con cái được ăn học đầy đủ.
Cha ông sở hữu một cửa hàng thức ăn và ngũ cốc, đồng thời quản lý một nhà máy bột mì và từng là thủ quỹ của quận Monterey trong khi mẹ của ông, Olive Hamilton Steinbeck từng là một nhà giáo.
Nhà văn sớm thừa hưởng tình yêu và niềm đam mê với văn học, nghệ thuật từ mẹ, ngay từ khi còn nhỏ, Steinbeck đã được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ những tác phẩm nghệ thuật Hy Lạp cổ, Kinh thánh hay nhiều tác phẩm văn học đương thời nổi tiếng khác.
Ông có một tuổi thơ yên bình khi lớn lên cùng ba chị em gái và dần hình thành một niềm yêu thương với quê hương mình, vùng thung lũng ở California.
Điều ấy đóng góp rất nhiều đến tư duy nghệ thuật và phong cách nghệ thuật của Steinbeck và từ năm mười bốn tuổi, ông vẫn thường ở một mình trong căn phòng nhỏ để sáng tác truyện và thơ, giải phóng tài năng văn học thiên bẩm của bản thân.
Dù có cuộc sống êm đềm nhưng do hoàn cảnh khó khăn của gia đình, ngay từ thời trung học, Steinbeck đã thường xuyên phải đi làm thêm kiếm tiền. Năm 1919, ông bắt đầu theo học tại đại học Stanford, chủ yếu với mục đích làm hài lòng bố mẹ. Mặt khác, ông vẫn say sưa với niềm đam mê văn học và tận dụng những năm tháng sinh viên để bồi dưỡng khả năng viết lách.
Sau đó, nhà văn rời trường đại học khi chưa tốt nghiệp, từ đó chính thức đi theo con đường văn chương. Ông chuyển tới New York, ở đó vừa làm công nhân xây dựng vừa trở thành phóng viên của một tờ báo. Không lâu sau đó, Steinbeck quay về California, ông vẫn tiếp tục sáng tác và làm nhiều công việc để kiếm sống.
Thế nhưng dù có tài năng văn học xuất chúng và gặt hái nhiều thành công trong sự nghiệp, John Steinbeck lại có cuộc sống cá nhân phức tạp, nhiều tranh cãi. Cuộc hôn nhân đầu tiên của ông kéo dài mười hai năm với người vợ cả Carol Henning chấm dứt năm 1942. Năm sau, ông cưới ca sĩ Gwyndolyn Conger, có hai người con Thomas và John.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân với người vợ thứ hai này cũng không mấy hạnh phúc, hai người chính thức đường ai nấy đi vào năm 1949. Một năm sau, Steinbeck tái hôn với Elaine Scott. Người con trai của nhà văn với vợ hai John thường xuyên phải nhập viện vì nghiện codeine. Anh thậm chí còn dính líu tới rượu và ma túy, rồi sau đó qua đời.
John Steinbeck và một đời văn lừng lẫy thế gian
Steinbeck đã phải trải qua một khoảng thời gian chật vật trước khi tên tuổi của ông được biết đến nhiều hơn trên văn đàn. Nhà văn viết cuốn tiểu thuyết Chiếc cúp vàng vào năm 1929, vài năm sau đó, hai tác phẩm Biển Cortez và Gửi vị Thượng đế không quen biết được ra đời.
Những cuốn tiểu thuyết đầu tiên không gặt hái được thành công và nhanh chóng bị chìm vào quên lãng. Mãi đến khi cuốn sách có tên Mẹt bánh mỳ ngô được xuất bản, tên tuổi Steinbeck mới bắt đầu được nhớ tới nhiều hơn. Cuộc sống của ông cũng từ đó dư giả hơn, tạo điều kiện cho nhà văn tiếp tục chuyên tâm sáng tác.
Vào năm 1937, tác phẩm The Red Pony ra đời, trở thành một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp văn chương của Steinbeck. Cùng với đó, một truyện vừa xuất sắc của nhà văn có tên Của chuột và người cũng được phát hành, mang lại cho ông thành công vang dội.
Kiệt tác Chùm nho phẫn nộ của Steinbeck lần đầu xuất hiện trên văn đàn vào năm 1939 và mặc dù từng gây nhiều tranh cãi, cuốn sách vẫn được đón nhận bởi đông đảo quần chúng. Tác phẩm được trao giải Pulitzer và giúp cho Steinbeck nhận được giải Nobel Văn học. Tạp chí Time từng xếp Chùm nho phẫn nộ vào danh sách những tiểu thuyết Anh ngữ hay nhất.
“…Sứ mệnh từ xưa của nhà văn không thay đổi. Nhà văn được trao nhiệm vụ phô bày những lỗi lầm và thất bại xót xa của chúng ta, nhiệm vụ lôi ra ánh sáng những giấc mơ tăm tối và nguy hiểm của chúng ta nhằm nâng đỡ con người chúng ta”
– John Steinbeck
Sự nghiệp của John Steinbeck đã minh chứng cho một đời văn chương vị nhân sinh, hướng đến những giá trị tốt đẹp trong tâm hồn mỗi người. Nhiều vấn đề thời đại đầy nhức nhối như sự lộng quyền hay hoàn cảnh khốn cùng của người nhập cư, người nghèo đã được đề cập đến trong các sáng tác của nhà văn.
Steinbeck cho rằng sự đấu tranh là một quá trình tự nhiên và do vậy, ông luôn ngợi ca sự tự do, đề cao triết lý sống nhân bản cùng với bao suy tư về ranh giới thiện, ác trong tâm hồn con người. Những tác phẩm của ông vượt qua mọi sự băng hoại của thời gian, từ đó những trang văn bắt đầu hành trình lan tỏa vẻ đẹp của nghệ thuật ra khắp thế giới, qua từng thế hệ.
Nhà văn với khả năng quan sát nhạy bén của một người thư ký thời đại, không chỉ đề cập đến trong tiểu thuyết mà cả những truyện ngắn với những vấn đề không bao giờ cũ trong đời sống con người, đặt trong những mối quan hệ xã hội nhiều phức tạp.
Ở tiểu thuyết của Steinbeck, độc giả được chiêm ngưỡng tấm gương hiện thực một cách gần gũi, chân thật, thúc đẩy họ tiến lên trên con đường đi tìm chính bản thân, cũng như đem đến một cái nhìn toàn diện, sâu sắc về xã hội và vận mệnh con người.
Sau tác phẩm này, nhà văn vẫn tiếp tục sáng tác và nhận được nhiều lời khen trong giới phê bình. Đặc biệt, nhà văn có niềm đam mê mãnh liệt với du lịch và ông đã từng đến Việt Nam để viết về cuộc sống và chiến tranh.
Vẻ đẹp của con người trong các sáng tác của ông
Văn chương của John Steinbeck là một lá cờ tiên phong trong phong trào công nhân, các tác phẩm của ông luôn đề cập đến giai cấp lao động theo dòng chảy của lịch sử và xã hội Hoa Kỳ. Tiểu thuyết của ông chạm đến từng ngóc ngách trong cuộc sống thời bấy giờ, hướng đến những người dân nghèo khổ, dưới đáy xã hội với tư tưởng tiến bộ đi vượt thời đại cùng lòng cảm thông sâu sắc.
Các tác phẩm do Steinbeck sáng tác thường để lại nhiều dư âm sâu sắc trong lòng độc giả, đồng thời mang những giá trị vượt thời đại. Những tư tưởng mà ông đề cập đến trong những sáng tác của mình luôn hướng con người tới những điều tốt đẹp dù cho phải trải qua khó khăn, bi kịch.
Kết thúc là nỗi buồn của nhà văn – một cái chết nhỏ nhoi. Anh ta viết từ cuối cùng và hoàn thành nó. Nhưng nó không thực sự được vẹn toàn. Câu chuyện tiếp tục diễn ra và để lại nhà văn ở phía sau, bởi không có câu chuyện nào thực sự kết thúc.
– John Steinbeck
Nổi bật trong đó là tác phẩm Của chuột và người, một câu chuyện kể về George Milton và Lennie Small, hai chàng trai làm công cho một nông trại. Tuy cuộc sống vất vả và công việc nặng nhọc nhưng họ luôn cố gắng đạt được ước mơ sở hữu một nông trại của riêng mình.
Bên bờ sông Salinas trong trẻo, tươi vui, George vẽ ra trước mắt Lennie viễn cảnh tương lai tràn ngập hạnh phúc, khi họ có thể sở hữu một căn nhà nhỏ của riêng mình, khu vườn đầy ắp hoa trái, những loài thú nuôi đáng yêu cùng đồng hành với họ trong những ngày tháng tự do không phải chịu áp bức từ những chủ nô.
George tuy nhỏ bé nhưng thông minh và có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, luôn hành động dứt khoát theo lý trí. Lennie to khỏe như vâm những đầu óc chậm phát triển, lúc nào cũng như một đứa nhóc to xác biết vâng lời và ngoan ngoãn.
Của chuột và người khắc họa bức tranh xã hội Mỹ đương thời, nơi con người phải vật lộn để kiếm sống trong cuộc đại khủng hoảng. Đặc biệt, những người lao động chân tay nghèo khổ thường không có gia đình lẫn của cải, phải liều mạng để làm việc nhưng vẫn chỉ đủ ăn. Họ mất đi sự tự do, tiếng nói mạnh mẽ của chính bản thân cũng theo đó bị vùi lấp bởi sự sợ hãi và nỗi lo về cơm áo gạo tiền.
Tác phẩm kết thúc với một bi kịch đầy bất ngờ và trần trụ, cũng diễn ra cạnh bờ sông Salinas, tượng trung cho vòng lặp khổ đau mà những người dân nghèo chẳng tài nào thoát ra được.
Tuy vậy, độc giả vẫn nhớ mãi về khát khao đổi đời của những người lao động nghèo, như lời Lennie đã nói với George. Niềm hy vọng vẫn chưa hoàn toàn bị vùi dập và ngọn lửa của niềm tin vẫn đang le lói cháy.
“Hãy cố lên anh, chúng ta phải đến được nơi mình mơ ước”
– Của chuột và người.
Một tác phẩm khác của Steinbeck cũng đề cao ước mơ, hạnh phúc và những giá trị cốt lõi trong tâm hồn con người đó là Phía đông vườn địa đàng. Đây cũng được coi là một trong những cuốn sách quan trọng nhất trong sự nghiệp của John Steinbeck.
Phía đông vườn địa đàng có nhân vật trung tâm tên là Adam, anh là hiện thân đầu tiên của loài người trên thế gian. Cuốn tiểu thuyết là tổng hợp những bi kịch điển hình trong cuộc sống của con người, trong đó phải kể đến những cuộc đấu tranh khắc nghiệt giữa tình yêu tuổi trẻ, thiện và ác hay sự sống và cái chết.
“Mỗi người trong mỗi thế hệ đều cần được tẩy uế… cho nên cuộc sống yêu cầu mỗi người phải khoan dung, độ lượng với đồng loại của mình. Sự khoan dung độ lượng ấy là cần thiết, là yếu tố quyết định để mỗi người có thể vượt qua thử thách và hoàn thiện mình.”
– Phía đông vườn địa đàng
Steinbeck cho rằng, niềm tin trong cuộc sống tuy rất đẹp và đáng trân trọng những hoàn toàn không phải thứ để lí tưởng hóa, đồng thời thực tiễn cuộc sống mới là chân lý trong đời. Nhân vật trong tác phẩm của ông dù bị đày đọa bởi những bi kịch cuộc đời nhưng không bao giờ hoàn toàn tuyệt vọng, bế tắc mà vẫn luôn tiếp tục hành trình đi tìm cuộc sống, quyền sống và tìm lại chính mình.
Những tác phẩm của John Steinbeck mang nhiều giá trị nhân văn bởi quan điểm nhạy bén của ông về chủ nghĩa nhân đạo trong văn chương và trong đời thường, được viết bởi một ngòi bút sắc sảo luôn hướng về mọi tầng lớp trong xã hội.
John Steinbeck và kiệt tác Chùm nho phẫn nộ
Chùm nho phẫn nộ là kiệt tác xuất sắc của John Steinbeck, đem lại cho nhà văn nhiều giải thưởng quý giá mà trong đó phải kể đến giải Pulitzer và Nobel Văn học. Đây là một tác phẩm kinh điển của văn học thế kỷ hai mươi, được sánh ngang với tiểu thuyết Túp lều bác Tom của Harriet Beecher Stowe bởi những giá trị nhân văn sâu sắc.
Tiểu thuyết gồm ba mươi chương, phản ánh những biến đổi mạnh mẽ trong cuộc sống ở vùng nông thôn nước Mỹ những năm đầu thế kỷ hai mươi, dưới sự ảnh hưởng và phân hóa của thời đại công nghiệp hóa.
Câu chuyện kể lại hành trình của gia đình Joad từ vùng đất quê nghèo khó Dust Bowl của bang Oklahoma tới miền đất hứa California, nơi công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ. Họ là những nông dân làm thuê, vì túng quẫn mà phải bán đất để tham gia vào cuộc di cư lớn, tiến về miền tây để kiếm sống. Không ít người đã phải bỏ mạng trên con đường ấy bởi đói khát, bệnh tật.
“Họ di chuyển vì họ không thể làm khác được. Chính vì thế mà họ di chuyển mãi. Họ di chuyển bởi họ mong muốn cái tốt đẹp hơn cái họ có. Một khi họ muốn nó, thấy cần có nó thì họ ra đi và tìm nó.”
– Chùm nho phẫn nộ
Thế nhưng, khi đến được California, cuộc sống của họ cũng chẳng khấm khá hơn là bao. Tại đây, họ bị bóc lột, bòn rút sức lao động cũng như chịu những áp lực khủng khiếp về tinh thần, từ đó, bi kịch hình thành như một lẽ tất nhiên.
Khi mới ra đời, Chùm nho phẫn nộ đã vấp phải rất nhiều tranh cãi xoay quanh nội dung và giá trị mà tác phẩm truyền tải. Tuy vậy, vượt lên những bất đồng về quan điểm, sự phổ biến và sức hút của cuốn tiểu thuyết vẫn vượt ra khỏi biên giới Hoa Kỳ.
Chùm nho phẫn nộ đã tái hiện bức tranh nước Mỹ đầy xáo động và ẩn chứa nhiều bi kịch trong xã hội khủng hoảng kinh tế. Ở đó, những người dân nghèo yếu thế phải chịu sự đày đọa và là nguyên nhân của những tội ác liên hồi.
Dẫu vậy, với ngòi bút hướng đến hiện thực nhưng tràn đầy tinh thần nhân văn, những nhân vật của Steinbeck chưa bao giờ bị bỏ rơi trên bờ vực của sự thất vọng cùng cực. Họ vẫn tiếp tục sống, cố gắng giữ cho mình một tâm hồn thiện lương không bị vấy bẩn bởi đói nghèo hay thậm chí là cái chết.
“…giữ gìn cơ sở đạo đức trong bản tính của họ… Nghèo nàn và bất hạnh không huỷ hoại được trong tâm hồn họ tình hữu ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, sự thông cảm với đau khổ của người khác và khả năng giúp đỡ người khác”
– Chùm nho phẫn nộ
Cuốn tiểu thuyết trở thành tuyên ngôn đẩy lùi những gì bất công trong xã hội, lên án mạnh mẽ chính quyền đấy giả tạo, mưu mô, đi ngược lại lý tưởng cao đẹp. Chùm nho phẫn nộ là kết tinh cho quan niệm nghệ thuật của nhà văn, có sức thuyết phục và thức tỉnh nhân loại trong thời đại công nghiệp hoá còn nhiều bất cập.
Năm 1940, tác phẩm này đã được hãng 20th Century-Fox chuyển thể thành phim và đạt được thành công vang dội khi đoạt hai giải Oscars và được xếp trong số mười phim hay nhất mọi thời đại của Mỹ.
John Steinbeck quả thực là tác giả của những áng văn chương lớn về thời đại, đặc biệt ông đã phản ánh một cách chân thực cuộc sống của con người trong cuộc Đại Suy Thoái ở Mỹ. Tuy vậy, những tác phẩm vẫn mang ánh sáng của niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn cũng như đề cập đến vai trò của họ trong sự phát triển, đi lên của xã hội.
Nghệ thuật là con đường đầy kiêu hãnh và người nghệ sĩ cần là người cầm bó đuốc soi sáng những khổ đau, bất công, đồng thời dẫn lối con người tiến về phía trước. Steinbeck đã luôn thấu cảm với nỗi bất hạnh của nhân loại và bằng ngòi bút của mình, nhà văn đã vạch ra những con đường tràn đầy tự do, hy vọng.
Ông đã để lại cho văn học nhân loại những di sản không bao giờ có thể lãng quên. Những tác phẩm mang tư tưởng vượt thời đại ấy đã khiến cho tên tuổi nhà văn luôn được khắc ghi vào dòng chảy của xã hội và nghệ thuật.
Tuệ Anh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất