Tác phẩm Cảnh ngày hè là nét chấm phá tuyệt vời trong kho tàng văn học Việt Nam. Bức họa thiên nhiên không đơn thuần xuất phát từ xúc cảm giao thoa của thi nhân mà nó còn đến từ tình yêu đất nước.
Từ sự nhàn nhã, hưởng thụ để cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên đến những lo âu, pha lẫn niềm tiếc nuối. Đó là toàn bộ mạch cảm xúc của Cảnh ngày hè và cũng chất chứa trong đó nỗi lòng bậc vĩ nhân.
Nguyễn Trãi là bậc vĩ nhân văn võ song toàn
Nguyễn Trãi là thi nhân nổi tiếng trong nền văn học trung đại Việt Nam. Ông được biết đến như người văn võ toàn tài, có cái tâm trong sáng và luôn sống ngay thẳng với phẩm cách trung thực, cao thượng.
Sinh thời, nhà thơ dành trọn cuộc đời cho nền độc lập dân tộc, sự bình yên và no ấm của nhân dân. Năm 1980, ông được tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là danh nhân văn hóa thế giới.
Nguyễn Trãi đã kế thừa và vận dụng thơ luật của Trung Hoa để sáng tác các bài thơ bằng chữ Nôm nhằm khẳng định tiếng nói dân tộc. Điều đó được thể hiện qua những tác phẩm nổi tiếng như Bình Ngô đại cáo, Côn sơn ca, Quốc âm thi tập.
Ông đã dũng cảm vượt khỏi niêm luật Thơ Đường để sáng tạo một thể loại mới là câu thơ sáu chữ, tạo ra thể thất ngôn xen lục ngôn. Nguyễn Trãi còn mạnh dạn đưa vào thơ cách luật những từ ngữ đời thường, hình ảnh cuộc sống dân dã.
Hình ảnh thiên nhiên trong bút pháp thơ Nôm của Nguyễn Trãi có nét khác so với thơ chữ Hán. Đó là sự giản dị, tinh tế tràn trề thi hứng cùng những liên tưởng bay bổng bất ngờ, biểu hiện qua ngôn từ mộc mạc đậm tính dân tộc.
Vì thế ở góc độ thi pháp, có thể thấy Nguyễn Trãi là nhà thơ đầu tiên cắm cột mốc phá vỡ tính quy phạm, khuôn khổ của thơ cách luật để thổi vào đó hồn dân tộc. Bộ Quốc âm thi tập, tiêu biểu nhất là Cảnh ngày hè đã thể hiện rõ điều đó.
Người tiên phong cho nền văn học đương thời phát triển
Ông xứng đáng được tôn vinh là người khai sáng cho văn học thời đại, mở đầu cho nền thi ca cổ điển Việt Nam. Theo các nhà phê bình văn học, Nguyễn Trãi là người đặt nền móng cho sự phát triển thơ tiếng Việt.
“Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc…” – Giáo sư Đào Duy Anh
Bình Ngô đại cáo được Nguyễn Trãi thể hiện qua những con chữ với giọng văn hào hùng, mạnh mẽ. Có lẽ vì thế mà nó được ví như một áng “Thiên cổ hùng văn”.
Cáo Bình Ngô còn có ý nghĩa như một bản tuyên ngôn độc lập. Ra đời sau chiến thắng đánh bại giặc Minh, bài cáo đã thể hiện rõ nét tinh thần và sức mạnh quật cường của dân tộc.
“Nhân nghĩa chi cử, yếu tại an dân,
Điếu phạt chi sư mạc tiên khử bạo.
Duy, ngã Đại Việt chi quốc,
Thực vi văn hiến chi bang.
Sơn xuyên chi phong vực ký thù,
Nam bắc chi phong tục diệc dị.
Tự Triệu, Đinh, Lý, Trần chi triệu tạo ngã quốc,
Dữ Hán, Đường, Tống, Nguyên nhi các đế nhất phương.
Tuy cường nhược thì hữu bất đồng,
Nhi hào kiệt thế vị thường phạp…” – Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi)
Ở một góc độ nhất định, hình ảnh Nguyễn Trãi xuất hiện qua những bài thơ hào hùng, hoành tráng như một bậc quân sự, một chính trị gia kiệt xuất trên nền văn học đương thời.
Để đưa ra nhận xét một cách toàn diện về người anh hùng, độc giả phải đặt con người ấy vào góc độ cuộc sống đời thường mới có thể cảm nhận được tứ thơ muôn hình, muôn vẻ của ông.
Cảnh ngày hè là một ví dụ điển hình để người đọc có cơ hội “cảm” được ý thơ “muôn hình vạn trạng”. Thi phẩm ấy mang vẻ đẹp vô cùng đặc biệt về bức họa thiên nhiên nhưng lại gửi gắm biết bao tâm sự của vị thi nhân.
Quốc âm thi tập là hạt bụi vàng sáng lấp lánh
Theo nhiều nhà phê bình văn học, Quốc âm thi tập là hạt bụi vàng sáng lấp lánh trong sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Trãi. Đây là tập thơ Nôm cổ nhất và được xem như biểu tượng cao quý của nền văn hiến Việt Nam.
“Nhắc tới tên ông là thấy thơ
Như một nguồn thiêng chẳng bến bờ
Nghìn năm sự việc bao thay đổi
Một nét tâm tư chẳng thể mờ” – Tế Hanh
Về khía cạnh nghệ thuật, từ ngữ trong Quốc âm thi tập được tiếp thu từ những thành tựu hán Nôm thời Trần, tập thơ đã sử dụng thành công ngôn ngữ tiếng Việt là chữ Nôm và để lại dấu ấn nổi bật trong nền văn học đương thời.
Thi nhân đã phát huy sự sáng tạo về mặt hình thức bằng cách đưa câu lục xen lẫn với câu thất làm cho bài thơ thêm phong phú về tiết điệu, đó là điều hiếm hoi xuất hiện trong thơ Đường luật.
Đây là sự nỗ lực trong hành trình kiến tạo một lối thơ riêng cho dân tộc. Với giá trị to lớn về nội dung và nghệ thuật, Quốc âm thi tập là thành tựu nổi bật, tiêu biểu trong sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Trãi.
Ông đã tự khẳng định mình trên nền văn học trung đại đương thời và cũng là người tiên phong mở lối cho sự phát triển thơ ca Việt Nam như một học giả nhận xét:
“Nguyễn Trãi là bông hoa đầu mùa tuyệt đẹp của thơ nôm Việt Nam.” – Lê Trí Viễn
Tuy nhiên, vào thời điểm tìm thấy Quốc âm thi tập, giá trị của nó vẫn chưa được công nhận bởi quan niệm cứng nhắc, khuôn khổ về thể thơ. Nhiều nhà tư tưởng còn mang nặng tư duy lối mòn của thơ trung đại đương thời.
Cho đến năm 1957, nhà thơ Xuân Diệu đã thẳng thắn bày tỏ quan niệm của ông qua một bài viết nhằm yêu cầu nhà phê bình cần phải xác định đúng phương hướng đánh giá và có sự đồng cảm cao độ trước thơ Nguyễn Trãi:
“Nguyễn Trãi – nhà thơ mở đầu cho nền văn học cổ điển Việt Nam.” – Xuân Diệu
Nội dung tập thơ hướng đến việc răn dạy, khuyên bảo thế hệ sau giữ vững đạo đức, nhân phẩm. Ngoài ra, tác giả còn bày tỏ những khát vọng, lí tưởng đối với đất nước, nét thơ vì vậy mang nhiều tâm sự ẩn chứa sau vẻ đẹp của thiên nhiên.
Đến với thơ Nguyễn Trãi, tình yêu thiên nhiên hay ca ngợi cảnh vật tươi đẹp chỉ để vô đề. Cái kết mới là ý chí sục sôi của tấm lòng trung thành, son sắc, nguyện một đời vì nước, vì dân.
Khái quát nội dung bức tranh Cảnh ngày hè
Cảnh ngày hè thuộc mục Bảo kính cảnh giới, nằm trong tập thơ Nôm nổi tiếng Quốc âm thi tập được Nguyễn Trãi sáng tác vào những năm tháng ở ẩn, lui khỏi chốn quan trường.
Tác phẩm không chỉ là bức tranh tả cảnh đơn thuần mà còn ẩn chứa nét đẹp tâm hồn của Nguyễn Trãi với tình yêu thiên nhiên và đất nước. Sau này, cố thủ tướng cũng từng nhận xét:
“Nguyễn Trãi là người đầu đội trời Việt Nam, chân đạp đất Việt Nam, tâm hồn lộng gió thời đại…” – Phạm Văn Đồng
Hồn thơ Nguyễn Trãi được phác họa qua những vần thơ Cảnh ngày hè. Ở đây, độc giả không chỉ bắt gặp tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trước vẻ đẹp thiên nhiên của người nghệ sĩ mà còn thấy được tấm lòng cao cả vì nước, vì dân đến từ vị anh hùng dân tộc.
Cảnh ngày hè là nét phác họa của một bức tranh thiên nhiên tuyệt mỹ
Chủ đề mùa hè không hiếm có trong văn học trung đại, nó được nhắc đến nhiều trong thơ văn cổ dân tộc, Hồ Xuân Hương hay Nguyễn Khuyến đều có những bài thơ hay về đề tài này.
“Mùa hè hây hẩy gió nồm đông,
Tiên nữ nằm chơi quá giấc nồng.
Lược trúc chải cài trên mái tóc,
Yếm đào trễ xuống dưới nương long.
Ðôi gò Bồng Đảo sương còn ngậm,
Một lạch Đào Nguyên suối chửa thông.
Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt,
Ði thì cũng dở ở sao xong.” – Vịnh nằm ngủ (Hồ Xuân Hương)
Tuy nhiên, điều khiến Cảnh ngày hè trở nên đặc biệt là bức tranh được pha trộn giữa đường nét mới mẻ, hiện đại với nguyên liệu thô sơ từ cuộc sống đời thường, điều này vô cùng hạn chế và khác biệt trong văn học trung đại.
Bài thơ là thi phẩm tiêu biểu trong kho tàng thi ca của Nguyễn Trãi. Nó vẽ lên cảnh sắc ngày hè vô cùng sinh động, chất chứa tâm nguyện lớn lao của nhà thơ khi hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc vì nhân dân.
Bài thơ được tác giả viết theo thể thơ bát cú Đường luật với bố cục bốn phần rõ ràng đề – thực – luận – kết. Mở đầu là câu lục ngôn bày tỏ cuộc sống đời thường của thi nhân mang giọng điệu vui tươi, thoải mái:
“Rồi hóng mát thuở ngày trường.”
Lối mở đề bằng câu lục ngôn ngắn gọn nhưng đầy đủ về thời gian, tâm trạng của tác giả. Lẽ ra câu thơ phải bảy chữ vì đây là thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật nhưng tác giả đã lược đi một chữ, thể hiện sự phá cách mới mẻ trong văn học nước ta thời ấy.
Đây là sự cố gắng Việt hóa thể thơ Đường Luật của Nguyễn Trãi, một nét chấm phá đầy cá tính. Hình ảnh người thi sĩ hiện lên với tư thế nhàn hạ, thảnh thơi và rất tao nhã.
Nguồn cảm hứng của bài thơ xuất phát từ tâm thế một con người thích an nhàn, hưởng thụ cuộc sống, rũ sạch bụi trần chốn phồn hoa để hòa mình với thiên nhiên.
Có lẽ vì thế mà câu thơ vượt ra khỏi khuôn khổ của luật thơ chặt chẽ để trở nên giản dị, nhịp thơ nhẹ nhàng, sâu lắng làm độc giả liên tưởng đến hình ảnh vị tiên đồng đang thưởng trà trong buổi trưa hè.
Từ “rồi” kết hợp với “ngày trường” cộng hưởng với nhịp thơ một, hai, ba. Thời gian trôi qua một cách chậm rãi, cảm giác thư thái, tận hưởng của sống theo đó mà kéo dài.
Câu thơ như tiếng thở dài chứa đựng tâm trạng của tác giả. Việc nước đã xong xuôi, Nguyễn Trãi có thời gian để nghỉ ngơi, gác lại những “ngày trường” vất vả, yếu tố này càng làm cho người đọc quan tâm và chú ý hơn.
Cả câu thơ không chỉ tái hiện hình ảnh nhà thơ đang thư thái ngồi hóng mát mà còn toát lên một vẻ trầm tư sâu lắng. Nguyễn Trãi ám chỉ đất nước đang trên đà suy thoái, những ý chí và nguyện vọng của ông đều bị dập tắt.
Không còn thiết tha chốn phồn hoa trống rỗng, vô nghĩa nên ông đành rời bỏ triều đình, về quê sinh sống cho vơi đi những phiền muộn đang đè nặng lên vai.
Hoàn cảnh thưởng ngoạn thật đặc biệt, đây là những giây phút hiếm hoi trong cuộc đời của vị quan thanh liêm đã dành cả đời vì nhân dân, đất nước. Gần sáu mươi năm cống hiến nhưng cuối đời, ông cũng chẳng được mang hai chữ “bình yên”.
Bởi lẽ, tấm lòng yêu nước, thương dân có bao giờ nguôi ngoai lo lắng khi chưa hoàn thành tâm nguyện “Quốc thái dân an”. Từ khi còn nhỏ, ông đã quan niệm đi thi không phải cho mình mà vì nước, vì dân:
“Một thân lẩn quất đường khoa mục
Hai chữ mơ màng việc quốc gia.” – Quốc âm thi tập (Nguyễn Trãi)
Khi đọc cả câu thơ, độc giả mới có thể thấy hết được ý nghĩa hàm chứa. Không còn là sự thảnh thơi như đã thấy mà thêm vào đó là nỗi lòng thầm kín của tác giả.
Sức sống trong bức tranh Cảnh ngày hè nảy nở qua từng con chữ
Xuôi theo dòng chảy lịch sử về sáu trăm năm trước, dưới thời Hồng Đức có hai câu thơ cũng miêu tả cảnh ngày hè mang dáng vẻ mộc mạc, thô ráp và dân dã:
“Nước nồng sừng sực đầu rô trỗi
Ngày nắng chang chang lưỡi chó lè.” – Hồng Đức quốc âm (Lê Thánh Tông)
Không khí ngày hè nóng nực, bức bối được thể hiện qua những ngôn từ bình dị. Tuy nhiên, cách miêu tả những điều ấy đã thay đổi và hoàn toàn khác trong thơ ca của Nguyễn Trãi.
Dù trong hoàn cảnh nào, ông vẫn có sự giao cảm mạnh mẽ mà rất đỗi tinh tế của một tâm hồn chan chứa tình yêu thiên nhiên. Bức tranh ấy đã hiện ra thật tươi đẹp, rực rỡ qua ngòi bút thi nhân:
“Hòe lục đùn đùn tán rợp giương.
Thạch lựu hiên còn phun thức đỏ,
Hồng liên trì đã tiễn mùi hương.”
Chỉ ba câu thơ ngắn ngủi, tác giả đã phác họa lên một bức tranh mùa hè nơi đồng quê thật hài hòa, sinh động. Hai động từ “đùn đùn” và “giương” đã cho thấy sự xum xuê của cây hòe, sức sống cây thạch lựu cũng tuôn trào hết lớp này đến lớp khác.
Tính sinh động của bức tranh được tạo nên bởi sự kết hợp giữa màu sắc và cảnh vật. Màu xanh ở cây hòe, sắc đỏ nơi hoa lựu điểm chấm thêm là những đóa sen hồng ngát hương, tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một thực thể tuyệt đẹp.
Bức tranh thiên nhiên như trào dâng sức sống nội sinh mãnh liệt. Cây hòe không vô tri mà được đặt trong sự vận động, phát triển của tự nhiên. Ao sen bị động ở chốn đó nhưng mùi hương dịu nhẹ đang lan tỏa, khuếch tán khắp không gian.
Câu thơ tả cảnh dường như mang tâm trạng của hồn người. Màu đỏ hoa lựu ẩn dụ cho tấm lòng trung thành, trái tim sắc son đối với đất nước. Hương thơm của hoa sen đại diện cho tấm lòng thanh cao, lí tưởng chẳng bao giờ phai nhạt.
Qua ba câu thơ, độc giả có thể cảm nhận được trái tim luôn hướng về dân tộc của Nguyễn Trãi. Không khó để bắt gặp cảnh vật và người có nét tương đồng, gợi nhớ đến một câu thơ cũng miêu tả cảnh hè thật độc đáo:
“Dưới trăng quyên đã gọi hè,
Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông.” – Truyện Kiều (Nguyễn Du)
Nếu Nguyễn Du sử dụng từ láy “lập lòe” để tạo hình sắc cho hoa lựu thì chỉ duy nhất động từ “phun”, Nguyễn Trãi đã mang lại nguồn năng lượng dồi dào, làm sinh động bức tranh thiên nhiên.
Thơ văn trung đại nổi tiếng qua đặc điểm ước lệ tượng trưng thiên về cách cảm nhận mang màu sắc cổ điển, vì vậy mà thi nhân xưa thường tâm đắc với mùa thu hoặc mùa xuân.
Các lầu thơ tuôn trào “quanh đi quẩn lại”, gò bó trong các thể thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường Luật, thất ngôn bát cú Đường Luật hay qua hình ảnh cánh chim nhạn, lá đỏ rừng phong, buổi chiều tàn đầy nỗi buồn.
“Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ,
Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa.
Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm,
Rừng phong lá rụng tiếng như mưa.” – Thơ Tứ thời (Ngô Chi Lan)
Nếu thơ ca cổ điển thiên về những gam màu trầm, ưa tả “tĩnh” thì Nguyễn Trãi dám bước qua khuôn khổ ấy. Ông thoát khỏi vẻ tiêu điều, thanh đạm để đến gần hơn bức tranh thiên nhiên sinh động, tươi vui nhiều màu sắc.
Nguyễn Trãi đã thể hiện một hướng đi khác với gam màu tươi tắn, hiện đại. Cách chọn chủ đề mới lạ, sử dụng ngôn từ tinh tế cũng như sự phá cách ở thể thơ mới.
Cuộc sống thôn quê với vẻ đẹp dân dã qua đôi mắt tinh tế của Nguyễn Trãi
Không chỉ cảm nhận bằng thị giác, khứu giác mà Nguyễn Trãi còn cảm nhận thiên nhiên bằng thính giác để lắng nghe nhịp sống thôn quê. Ông đã dùng cả tấm lòng để vui mừng trước cuộc sống nhộn nhịp của người dân:
“Lao xao chợ cá làng ngư phủ
Dắng dỏi cầm ve lầu tịch dương.”
Cảnh vật không trở nên đìu hiu khi nắng dần tan, nhường chỗ cho hoàng hôn mà trái lại rất rộn rã, sôi động bởi những âm thanh quen thuộc. Tứ thơ của Nguyễn Trãi gần gũi nhưng đường nét lại khác biệt, không đi theo lối mòn như thơ trung đại.
Khoảng thời gian chiều tối thường mang những mảng màu trầm lắng, suy tư. Thế nên những câu thơ, ca dao xuất hiện cảnh chiều tà đều mang nặng nỗi buồn day dứt khó tả:
“Chiều chiều ra đứng ngõ sau
Trông về quê mẹ, ruột đau chín chiều” – Ca dao
Từ nỗi buồn day dứt khi người phụ nữ “xuất giá tòng phu” nhớ về quê mẹ đến nét buồn man mác, pha lẫn tiếc nuối của chị em Kiều lúc hội xuân đã tàn. Buổi chiều trong thơ Nguyễn Du đượm buồn, ngỡ như là điềm báo cuộc sống của Thúy Kiều sau này:
“Tà tà bóng ngả về tây
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.” – Truyện Kiều (Nguyễn Du)
Tuy nhiên, buổi chiều qua bàn tay Nguyễn Trãi ngược lại hoàn toàn, nó mang âm hưởng của tiếng ve kêu như tiếng đàn dân dã mà thanh tao, hối hả nhưng vẫn bình yên trong nắng vàng buổi chiều tà.
Với phép đảo ngữ, hai từ láy “lao xao”, “dắng dỏi” được đưa lên đầu câu để làm nổi bật âm thanh ồn ã, náo nhiệt đặc trưng của cuộc sống làng chài và xóa tan không khí hiu quạnh lúc “tịch dương”.
Cảnh phiên chợ đông đúc, nhộn nhịp gợi liên tưởng đến một cuộc sống thanh bình, ấm êm của người dân. Câu thơ như minh chứng cho thấy Nguyễn Trãi không hề rời xa đời sống mà đang hướng tâm hồn về với cuộc sống giản dị, bắt đầu từ những thứ thân thuộc nhất.
Tác giả sử dụng triệt để các giác quan, đưa hồn thơ vào từng ngóc ngách của cuộc sống. Âm thanh “dắng dỏi” của ve không xa lạ với mùa hè nhưng nó được ví như cung đàn hòa tấu nhịp sống hối hả.
Nhịp thơ nhanh hơn như diễn tả cuộc sống nhộn nhịp, chạy đua với thời gian dẫu cho trời bắt đầu nhá nhem. Khi ấy, khung cảnh êm đềm, thanh bình nơi làng quê hiện ra, khép lại một ngày hối hả.
Cùng chung một chủ đề nhưng ý tứ mỗi bài thơ sẽ khác nhau. Bởi cảm xúc là thứ nuôi dưỡng để ngòi bút các thi sĩ nở hoa, tạo nên những chất thơ khác biệt và độc đáo.
“Sự xúc động là nguồn gốc đầu tiên và duy nhất của thơ ca” – Timofiep
Nếu bức tranh ngày hè náo nhiệt, sinh động qua những vần thơ mà Ức Trai miêu tả thì mùa hạ có phần oi nồng và u uất với nét họa bằng ngôn ngữ của Nguyễn Khuyến:
“Tháng tư đầu mùa hạ
Tiết trời thực oi ả
Tiếng dế kêu thiết tha
Đàn muỗi bay tơi tả.” – Đêm mùa hạ (Nguyễn Khuyến)
Bởi lẽ, bức tranh Cảnh ngày hè được tác giả cảm nhận bằng chính sức sống căng tràn trong tâm hồn, tình yêu tha thiết với cuộc đời. Nguyễn Khuyến thì khác, ông đã “tức cảnh sinh tình”, mượn cảnh vật để giải bày tâm sự.
Nếu ở ẩn theo quan niệm đương thời là xa lánh với cuộc sống đời thường thì Nguyễn Trãi thể hiện theo cách khác, ông đón nhận và thưởng thức cuộc sống thanh bình để quên đi nỗi sầu phiền muộn.
Thi nhân đã đưa hồn thơ hòa vào nhịp sống bình dị, dân dã để lắng lại những nỗi ưu phiền trước thời cuộc bấy giờ. Để từ đó, thổi bùng khát vọng bấy lâu của một người luôn hết lòng vì đất nước và nhân dân.
Quốc thái dân an là tâm nguyện lớn nhất của Nguyễn Trãi
Cảnh ngày hè không đơn thuần chỉ có tâm hồn tinh tế, nhạy cảm trước thiên nhiên mà còn tấm lòng rực cháy vì nước, vì dân của vị anh hùng dân tộc. Nhìn hình ảnh người dân chài lam lũ, ông lại bộc phát lên khát vọng mãnh liệt:
“Dẽ có Ngu cầm đàn một tiếng,
Dân giàu đủ khắp đòi phương.”
Hai câu kết là mô típ thường thấy trong thơ của Nguyễn Trãi, tấm lòng “ưu dân, ái quốc” luôn canh cánh trong lòng vị thi nhân và chỉ chực tuôn ra khi chạm vào đúng hoàn cảnh.
“Dân giàu đủ” mang nét nghĩa cuộc sống của nhân dân được hạnh phúc, ấm no và chính là điều tác giả canh cánh trong lòng bấy lâu nay. Câu thơ mượn điển tích của Trung Quốc nhằm bộc bạch ước nguyện về một triều đại lí tưởng.
Vua Thuấn vì để ca ngợi nhân gian có cuộc sống ấm no, giàu đủ nên đã đàn khúc “Nam phong”, trong đó có câu:
“Nam phong chi thì hề khả dĩ phụ ngô dân chi tài hề.” – Thần thoại Trung Quốc, Khúc hát Nam phong (vua Nghiêu Thuấn)
Câu hát được giải nghĩa là “Gió Nam hoà ấm có thể giải được sự oán hận của dân, gió Nam hợp thời có thể làm cho dân ta thêm nhiều của cải”. Nhà thơ đã mượn hình ảnh cây đàn “Ngu” của triều đại thái bình thịnh trị để ca ngợi cuộc sống tươi vui và tràn đầy hạnh phúc.
Tác giả đồng thời mượn điển tích để nói lên khát vọng của mình, ông mong có được cây đàn của vua Ngu Thuấn để gảy lên khúc Nam phong, mang lại cuộc sống thái bình, no ấm muôn đời.
Hai câu kết của Cảnh ngày hè đã bộc lộ tình yêu to lớn của Ức Trai khi luôn hướng về nhân dân, về đất nước. Thi nhân luôn ôm hoài bão rằng có thể giúp dân xây dựng đời sống đầy đủ, hạnh phúc.
Điểm sáng của bài thơ như hội tụ lại ở hai câu cuối bởi những tư tưởng quá đỗi cao đẹp, mơ ước đó cho thấy ông có một tâm hồn vĩ đại đến nhường nào. Dù có là quan hay đã về ở ẩn, ông đều lo lắng cho cuộc sống của nhân dân.
Tư tưởng nhân nghĩa trong Quốc âm thi tập
Nhân nghĩa là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong cuộc đời của Nguyễn Trãi, trở thành kim chỉ nam trong suy nghĩ, hành động. Điều đó không chỉ thể hiện trong Bình Ngô đại cáo mà còn thể hiện qua nhiều bài thơ ở mục Bảo kính cảnh giới thuộc Quốc âm thi tập.
“Bưu một tấc lòng ưu ái cũ
Đêm ngày cuồn cuộn nước triều dâng.” – Thuật hứng (Nguyễn Trãi)
Với nhà thơ, nhân nghĩa trước hết là dù ở bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn giữ cho mình một cái tâm trong sạch. Trước hết là trừ tham tàn, bạo ngược hay giữ gìn tâm thức không lệch lạc:
“Phú quý chẳng tham, thanh tựa nước.” – Ngôn chí bài 21 (Bốn mươi) của Nguyễn Trãi
Nguyễn Trãi dành cả cuộc đời để làm việc nghĩa, giúp ích cho dân, cho nước, tâm tư chất đầy nỗi lo âu phiền muộn. Một học giả Nho giáo kiêm nhà chính trị nổi tiếng triều đại Bắc Tống có câu nói bất hủ:
“Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc.” – Phạm Trọng Yêm
Nguyễn Trãi đã dành cả đời trọn tình, vẹn nghĩa với nhân dân và đất nước. Câu nói “Lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ” từ Phạm Trọng Yêm thật trùng hợp với phong cách sống cao đẹp của nhà thơ.
Tâm hồn Nguyễn Trãi chứa chan tình yêu thiên nhiên và đất nước. Đó là một tâm hồn nhạy cảm đến thanh tao, tinh tế mà giản dị, tâm hồn ấy tựa sao khuê toả sáng trên bầu trời đêm như vua Lê Thánh Tông từng viết:
“Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo.” – Lê Thánh Tông
Nguyễn Trãi đã cho độc giả thấy một trí tuệ uyên bác qua những vần thơ cùng nhân cách cao thượng, đặc biệt là tâm hồn tinh tế thể hiện rất rõ qua Cảnh ngày hè.
Tác phẩm không những là bức tranh thiên nhiên tuyệt vời mà còn mang vẻ đẹp nhân cách, tâm hồn cao cả của Nguyễn Trãi. Tất cả yếu tố đó đã tạo nên giá trị mà tác phẩm văn học chân chính đem lại.
Giai Kỳ
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất