Haiku là một thể thơ độc đáo và đầy sáng tạo của Nhật Bản. Sự kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và con người xứ Phù Tang đã đưa thơ haiku trở thành biểu tượng văn học nơi đây.

Thay vì khai thác khía cạnh cảm xúc vốn quen thuộc trong thơ ca, thơ haiku chỉ phác họa một khung cảnh thiên nhiên, mở ra bao khoảng trống trong lòng người ngâm thơ. Đây là thứ làm nên làn sóng mới mẻ trong văn học Nhật Bản.

Tinh thần Thiền tông và tình yêu thiên nhiên trong thơ haiku

Thơ haiku ra đời đánh dấu sự kế thừa và sáng tạo truyền thông văn học Nhật Bản. Bởi thể thơ này có nguồn gốc từ tanka (thơ viết bằng tiếng Nhật) và renga (trò chơi nối thơ). Vốn mang phong cách hóm hỉnh, nhưng đến thời Edo, haiku lại mang sắc thái bàng bạc, sâu lắng của Thiền tông.

Kể từ đó, thơ haiku tiếp thu tinh thần Thiền tông với đề tài chủ yếu là thiên nhiên. Phong cảnh bình dị, sự vật nhỏ bé được ghi lại trong một khoảnh khắc của thực tại chợt hiện ra trước mắt nhà thơ.

Bằng hình ảnh một con quạ, một con ếch, một con dế, một tiếng ve, một bông hoa dại nở bên bờ, thi sĩ thể hiện tình yêu với thiên nhiên, quay lưng với những giá trị vật chất như của cải, quyền lực, danh vọng.

Tinh thần Thiền tông và tình yêu thiên nhiên trong thơ haiku

Giây phút của đốn ngộ từ sự tĩnh tại của tâm hồn, đó là dấu ấn Thiền tông, vì thiền đề cao vai trò của khoảnh khắc thực tại với tu tập và giác ngộ. Nhờ sự bừng tỉnh, nhà thơ tìm được mối liên kết trong vạn vật, sự tương giao vũ trụ để viết nên haiku.

Quan niệm vô thường của Thiền tông là cảm nhận cái đẹp trong từng khoảnh khắc mà không phải hướng về vẻ đẹp trường tồn, vĩnh cửu. Bởi vì cuộc đời là vô thường, nên cái đẹp trong thơ haiku thường mong manh, hư ảo.

Cảm nhận tứ thơ độc đáo của haiku bằng mọi giác quan

Thơ haiku ghi lại khoảnh khắc con người tương ngộ với tự nhiên để tìm ra giá trị của bản thân. Từ những tín hiệu mùa, haiku giúp người đọc nhận thức một giá trị nhân sinh, bừng ngộ triết lý Thiền tông thông qua mối tương giao vạn vật.

Nếu thi ca phương Tây đề cao tính duy lý – suy luận – cảm trí thì thơ haiku nằm trong cảm thức thẩm mỹ của các nền văn hóa phương Đông, có đặc trưng chung là đề cao tính trực cảm – trực giác – cảm giác. Đây là cơ sở hình thành cấu tứ độc đáo của thơ.

Thơ haiku dù không miêu tả cảm giác nhưng lại gợi lên cảm giác đậm đà. Nhận xét về thơ haiku Nhật Bản, nhà thơ Tagore (Ấn Độ) cho rằng, trong thơ haiku thì “nhà thơ chỉ giới thiệu đề tài rồi bước nhanh sang một bên”. 

Thơ haiku khơi gợi thiên nhiên qua tầng lớp thị giác

“Thi trung hữu họa” là một đặc điểm nổi bật của thơ haiku, thế nhưng phải họa theo kiểu Vương Duy, tức là chấm phá, gợi mở chứ không miêu tả thiên nhiên đơn thuần.

“Trong đồng hoa cải

trăm mắt ngắm hoa

một bầy chim sẻ” – (Basho)

Bài thơ vẽ nên trước mắt người đọc một tấm thảm vàng của hoa cải. Hoa cải vàng được thu vào “trăm mắt” của lũ chim sẻ, từng cánh chim sẻ nhỏ xíu, đáng thương.

Cái tuyệt vời nhất trong bài là tính đa chiều của thị giác cánh đồng hoa cải vàng hiện rõ trong trăm mắt bầy chim sẻ, ngay chính hoa vàng trên cánh đồng cùng lũ chim sẻ ngộ nghĩnh đáng yêu ấy đều hiện ra trong mắt người sáng tác bài thơ nọ.

Thơ haiku khơi gợi thiên nhiên qua tầng lớp thị giác

Basho đã vẽ ra bức tranh lớn, đẹp và sâu. Người đọc có thể hình dung ngay được các màu sắc khác màu vàng tươi của hoa cải, màu xanh ngọc của mặt trời, màu trắng của lá cùng vài nốt nâu của con chim sẻ.

Tương tự, một thi sĩ haiku của xứ Phù Tang là Issa cũng khắc hoạ phong cảnh thiên nhiên bằng đôi mắt của nhà thơ với con chuồn chuồn.

“Ngọn núi xa

soi trong mắt

chuồn chuồn.”

Đôi mắt của chuồn chuồn trở thành chiếc gương phản chiếu hình ảnh núi cao. Đồng thời, đôi mắt nhà thơ còn chứa đựng khoảnh khắc dãy núi trong mắt chuồn chuồn, điều ấy khiến người đọc thấy thiên nhiên dưới các tầng thị giác.

Một ấn tượng thính giác làm nên thanh âm cho cả bài thơ haiku

Trong văn chương cổ điển một số nước khu vực văn hoá chữ Hán đều có cảm thức ngắm bóng đêm, sương giăng, tiếng gió, tiếng chày đánh vải và cả các thứ của thiên nhiên.

Âm nhạc được miêu tả, phân tích, so sánh với những âm thanh thiên nhiên, âm thanh nghệ thuật có ấn tượng thính giác mạnh mẽ. Chẳng hạn như cách Nguyễn Du và Bạch Cư Dị mô tả tiếng vĩ cầm.

“Khúc đâu Hán, Sở chiến trường

Nghe ra tiếng sắt tiếng vàng chen nhau.” (Truyện Kiều)

“Dây to nhường đổ mưa rào” 

“Mâm ngọc đâu bỗng nẩy hạt châu” 

“Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng

Ngựa sắt giong, xô xát tiếng đao” (Tỳ bà hành)

Với suy nghĩ đó, thi nhân Nhật Bản cũng tạo ra âm thanh trong thơ haiku như một ấn tượng thính giác. Ví như Basho một lần ngang qua các cánh rừng, nghe tiếng vượn hú da diết mà nghĩ về tiếng kêu của những em nhỏ bị bỏ rơi trong khu rừng.

“Tiếng vượn hú não nề

hay tiếng trẻ bị bỏ rơi than khóc

gió mùa thu tái tê.”

Tai nghe tiếng vượn hú mà nhà thơ nghĩ nỗi buồn của đời sống con người (tiếng trẻ em bị bỏ rơi) . Đây còn là sự đối lập giữa nghe và nghĩ, sự chuyển đổi giữa hư và tĩnh âm thanh bên ngoài, tiếng lòng lắng đọng của nhà thơ.

Hai chi tiết vượn hú cùng tiếng trẻ con bị bỏ rơi giữa những đợt gió thu tạo cho người đọc cảm giác một bức tranh trong trang thơ, vừa thực và hư.

Cái hư ảo là khoảng âm giọng không rõ trong khoảnh khắc, cái thực là tiếng lòng của con người với thời cuộc nhân sinh sống mãi trong cuộc đời vốn lắm điều chưa thể kể hết. Thời cuộc nhân sinh tồn tại vĩnh hằng trong cuộc đời vốn nhiều điều chưa nói ra.

Thưởng thức cái đẹp trong thơ haiku bằng khứu giác

Thơ ca nói chung và thơ haiku nói riêng là nghệ thuật sống. Ở đấy, con người phải dùng hết mọi giác quan của bản thân mới cảm thụ trọn vẹn vẻ đẹp của một bài thơ.

“Ở Yamanaka

không cần ngắt hoa cúc bỏ vào

mà nước suối vẫn thơm” – Basho

Bài thơ xuất hiện một cảm giác vô cùng nhạy bén của khứu giác. Thi sĩ ngửi thấy mùi vị của tự nhiên qua một so sánh rằng dù không phải là hoa cúc nhưng nước suối cũng thơm, giống với hoa cúc.

Nước suối thơm tựa hoa cúc thông qua khứu giác tinh nhạy của nhà thơ, cũng là mùi vị đặc trưng của tự nhiên. Ngay lúc ấy, độc giả có thể ngửi thấy mùi vị thơm nhẹ, thanh khiết và mát lạnh.

“Tiếng chuông chùa tan

hương hoa buổi tối

như còn ngân vang.” – Basho

Nhắc tới hương hoa là người đọc nghĩ ngay về sự tinh khiết. Bởi vậy, hương hoa của Basho đã đánh thức tâm hồn bạn đọc. Hương hoa dù tồn tại trên tờ giấy song người đọc có thể ngửi thấy mùi thơm thanh khiết đó.

Ấn tượng về xúc giác trong thơ haiku

Chưa dừng lại ở đôi mắt (thị giác), đôi tai (thính giác) hay mũi (khứu giác), thơ haiku còn gây chú ý ở độc giả với sự miêu tả chân thực những xúc giác.

“Dưới làn nước trôi

một con cua nhỏ

bò lên chân tôi.” – Basho

Bài thơ có cấu trúc vô cùng giản đơn dựa trên xúc giác khi chủ thể trữ tình giữ yên để con cua bé nhỏ đi qua bàn chân nhúng nước của anh. Tính từ miêu tả cảm giác ấy đã bị thi sĩ loại bỏ hoàn toàn.

Tuy nhiên, ở người xem vẫn nảy sinh những cảm nhận vi diệu của việc kết hợp hình ảnh đầy tính vật ngã và rất gắn bó như một tình bạn dễ thương, một sự cộng tác ấm áp giữa hai sinh linh, giữa đất trời, giữa thời gian.

Thơ haiku là thể thơ có dung lượng nhỏ nhất thế giới

Mỗi bài thường có mười bảy âm tiết được ngắt thành ba dòng thơ 5/7/5, có khi viết thành một hàng, có khi xuống hàng. Thường cứ hai dòng bắt vần chân, là vần được gieo ở cuối dòng thơ, với nhau. Điều này khiến haiku không gò bó như thơ Đường.

Tranh thủy mặc của Trung Quốc hay tranh mặc hội của Nhật Bản thường đơn sơ với một vài đường nét giàu sức gợi, còn lại là khoảng trống không gian, thứ tạo ra giao cảm và chiêm nghiệm cho người thưởng thức.

Thơ haiku là thể thơ có dung lượng nhỏ nhất thế giới

Đến với thơ haiku, các thi sĩ xứ Phù Tang cũng tạo nên một không gian trống với những nét gợi tả đơn sơ thông qua ngôn từ. Điều này khiến cảm nhận về thơ haiku trong mỗi độc giả là tự do, mỗi người lại mang một góc nhìn khác nhau

Các nhà thơ thường chỉ có thể phác họa hay gọi tên một cách khách quan một hoặc một vài hình ảnh hay âm thanh chứ không thể diễn giải, lý luận dông dài. Những nét chấm phá trong thơ haiku rất giàu tính tượng trưng. 

Cấu thành thơ haiku chủ yếu là danh từ, ít động từ và không có tính từ. Gọi tên sự vật chứ không miêu tả, để lại khoảng trống mời gọi sự đồng sáng tạo, người đọc phải hóa thân, phải lặng sâu vào lòng sự vật để khám phá điều bí ẩn.

Haiku đã vươn xa ra ngoài biên giới Nhật, trở thành một dòng thơ lớn của thế giới. Ảnh hưởng của haiku trong thế kỷ XX có thể thấy qua thơ ca của hầu hết các ngôn ngữ Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Ả Rập

Các nhà thơ như R.M.Rike, G.Seferis, P.Eluard, A.Ma Chao đều từng thể nghiệm thể thơ huyền diệu này. Các tên tuổi lớn như E.Pound, W.Stevens, R.Wright cũng nhiều lần đặt tâm hồn vào thơ haiku.

Cảm hứng trong thơ haiku của Basho và nét giao thoa với văn học Á Đông

Trong tứ thơ của haiku chỉ gồm thiên nhiên cùng cảnh vật bình dị nhưng giữa những phong cảnh giản đơn ấy lại toát lên những suy nghĩ, chiêm nghiệm, là điều làm nên cảm hứng xuyên suốt trong thơ haiku.

Cảm hứng trong thơ haiku của Basho và nét giao thoa với văn học Á Đông

Những tư tưởng, tình cảm từ mỗi thi sĩ xứ Phù Tang đặt trọn trong mười bảy tiếng của thơ haiku cũng đồng thời mang nét tương giao với tâm tư các nhà thơ khác ở nền văn hóa Á Đông.

Cảm hứng về dấu chủ bia xưa và lẽ hưng phế

Là một nhà thơ tiêu biểu nhất của thể thơ haiku, Basho sở hữu vô số bài thơ về nhiều cảm hứng, chủ đề khác nhau, mà trong đó có thể kể đến như cảm hứng luyến tiếc về một thời xưa cũ.

“Dấu xưa xanh cỏ tháng hè

tráng sĩ tráng sĩ hề

mộng lữ” – Basho

Trên con đường ấy, Basho đã đến với toà thành Takadata, nơi người anh hùng dân tộc Yoshitsune và một số tuỳ tùng trung nghĩa cuối cùng bị giết hại.

Đứng trên toà thành đó, từ trên cao, ông trông thấy đồng bằng Hiraizumi, nơi những thị tộc Fujiwara xưa đã từng có một thời huy hoàng, giờ chỉ còn là một vùng cỏ dại xanh rì. 

Câu chuyện ấy đọng lại trong ông một nỗi thương tiếc sâu sắc, khiến ông sáng tác ra những vần thơ trên.

Độc giả tìm được điểm chung với câu thơ của Độc Tiểu Thanh ký “Tây Hồ hoa uyển dã thành khư” tức Hồ Tây cảnh đẹp như gò hoang”. Cảnh” Tây Hồ” cũng giống đồng bằng Hiraizumi đã thay đổi, biến thành một vùng cỏ dại.

Sự thay đổi ấy khiến cả Nguyễn Du lẫn Baisho cùng tiếc nuối và bùi ngùi về những đổi thay không có vết tích của người xưa trong cảnh cũ, trước lẽ biến thiên thời cuộc.

Cảm hứng về khát vọng tri âm

Haiku đã vươn xa ra ngoài biên giới Nhật, trở thành một dòng thơ lớn. Thế nhưng, đã có những giây phút, Basho không khỏi trăn trở về con đường của mình, ông lo lắng về tương lai thơ haiku.

“Trên con đường này

giữa chiều thu ấy

đi về không ai?” – Basho

“Con đường này” trước hết là con đường Shofu (Tiêu Phong) và là con đường thơ haiku. Thi sĩ Phù Tang Basho lấy nghệ danh với nghĩa là cây chuối, tiêu là chuối, phong là gió.

Vì với ông, hình ảnh tàu lá chuối nhạy cảm đón nhận các đợt gió và mưa rất giống với trái tim rung động theo chiều gió mưa của con người. Ông cũng khát khao giao hoà với thiên nhiên, tạo ra mối gắn kết của con người đến phần còn lại của thế giới.

Cũng giống với tâm tư của Basho, Nguyễn Du cũng tự hỏi lòng bản thân rằng cuộc đời, ai sẽ thấu không, thời gian mới biết lòng nhau, “Bất tri tam bách dư niên hậu/Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”.

Cảm hứng về cố hương

Quê hương, đất nước vốn là những cảm hứng muôn đời trong thơ ca. Với thơ haiku, đây cũng không phải ngoại lệ. Có điều, trong tâm thức Basho, cố hương của thi sĩ lại hiện lên thật bẽ bàng.

“Đất khách mười mùa sương

Về thăm quê ngoảnh lại

Edo là cố hương” – Basho

Vốn dĩ là quê của Basho ở Mie nên khi còn sinh sống ở Edo, ông chỉ thấy đây là nơi đất khách quê người. Ở xứ xa lạ, ai cũng mong ngóng đến ngày được đoàn tụ với gia đình vì nơi mình ra đời chính là nơi đã “chôn nhau cắt rốn”.

Cảm hứng về cố hương

Thế nhưng, khi chia tay Edo thì ông bỗng nhận thấy, Edo đã bỏ lại bao quyến luyến nhớ thương. Nhà thơ khắc hoạ trước mắt hai vùng đất khác nhau, hai khoảng không gian, thời gian xa xôi, đất khách và quê hương, xưa và nay.

“Chim đỗ quyên hót

ở kinh đô

mà nhớ kinh đô.” – Basho

Trong văn học Trung Quốc, chim đỗ quyên đã gắn liền với điển tích Vua Thục vì mất nước mà hóa chim đỗ quyên. Chẳng thế mà trong văn học phương Đông, tiếng loài chim này tượng trưng cho nỗi nhớ nước, hoài vọng về triều đại vàng son.

“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc

Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.” – Qua Đèo Ngang (Bà Huyện Thanh Quan)

Âm thanh tiếng chim đỗ quyên hót đã đánh thức cảm xúc của nhân vật trữ tình và gợi lên nỗi nhớ về quá khứ, một thời tuổi trẻ. Ở giữa kinh đô ngày nay mà nhớ về kinh đô ngày xưa, một kinh đô đầy kỉ niệm gắn với thời trai trẻ. 

Đó là tiếng chim hoặc cũng có thể là tiếng người, có khi đó lại là tiếng lòng nhà thơ. Dù Basho ở kinh đô Kyoto nhưng ông lại “nhớ kinh đô”.

Kyoto hiện tại không phải Kyoto của 20 năm về trước, nhìn cảnh trước mắt mà không khỏi chạnh lòng trước cuộc bãi bể nương dâu của cuộc đời, trước những lẽ hưng phế, đổi thay, vô thường của thế gian.

Cái còn trước mắt khiến người ta ngậm ngùi, nhớ tới một thời xa xăm. Hệt như khi Thôi Hiệu đứng trước Lầu Hoàng Hạc cô hình lẻ bóng hay Nguyễn Du ngậm ngùi “Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”.

Cảm hứng về vạn vật trong mối tương giao hòa hợp

Thơ haiku vốn mang tinh thần của Thiền Tông, chính vì vậy nên cảm hứng tìm kiếm mối tương giao với vạn vật trong vũ trụ không chỉ xuất hiện trong thơ của Basho mà còn ở rất nhiều bài thơ haiku khác.

“Từ bốn phương trời

cánh hoa đào lả tả

gợn sóng mặt hồ Niho.” – Basho

Từ một hiện thực, tác giả nhìn thấy cánh hoa rơi lả tả trong khoảnh khắc thoáng qua nhưng gợi lên nỗi niềm nuối tiếc trước sự tàn phai nhanh chóng của tự nhiên, thiên nhiên.

Điều đó gợi lên trong tâm hồn nhà thơ nỗi buồn thương cho sự ngắn ngủi, hư ảo của kiếp người. Thời gian tuần hoàn nhưng cuộc đời con người thì hữu hạn, từ cánh hoa đào rơi có thể làm hồ nổi sóng.

Bài thơ haiku rất đẹp, lại ẩn chứa cả một triết lý sâu sắc về cuộc đời con người. Sự thể hiện cái tôi cô đơn buồn hay cái đẹp, nỗi buồn cô đơn sâu thẳm, lắng đọng trong sự cô đơn tương giao với đất trời vũ trụ.

Bí Ngô