Pink Floyd luôn và sẽ luôn là biểu tượng đối với mỗi người yêu Rock & Roll, khi nhiều album của họ nằm trong nhóm đầu các bảng xếp hạng uy tín như Billboard, Rolling Stones một thời gian dài, số lượng đĩa bán ra lên đến hàng trăm triệu bản.
Tuy nhiên, đằng sau sự hào nhoáng và thành công ấy cũng có không ít thăng trầm. Đơn cử là nhóm từng có một thành viên do sử dụng LSD nên vướng nhiều rắc rối, xích mích giữa các thành viên về công việc rồi bất hòa và kiện nhau ra toà.
Thời điểm ban nhạc Pink Floyd ra đời
Năm 1965, dòng nhạc British Pop với tiếng guitar điện, nhịp trống Jazz đã thống trị hầu hết các quán bar, sàn nhảy ở thành phố London thời đó. Lúc bấy giờ, ba chàng trai Rick Wright, Roger Waters và Nick Mason đã lập lên ban nhạc Rock T-set với khát vọng chinh phục những thứ to lớn.
Họ bắt đầu hoạt động tại các phòng trà trên đường Regent, gần ngôi trường London Polytechnic. Thời kì này, những ca khúc mà T-set trình diễn phần lớn đến từ ban nhạc The Searchers, số khác thì được viết bởi Ken Chapman, người quản lý nhóm lúc bấy giờ.
Lúc này, dòng nhạc họ chơi vẫn chưa được định hình rõ ràng khi trên thực tế, T-set vẫn chỉ là một ban nhạc nghiệp dư. Tuy nhiên, tình hình đảo ngược khi Syd Barrett dọn tới ở cùng Roger Waters, chính anh sau này đã từng bước dẫn dắt nhóm trưởng thành hơn trong con đường âm nhạc.
Syd Barrett lúc bấy giờ là cậu thanh niên nhỏ tuổi và tới London để nhập học một trường mỹ thuật tại đây. Đồng thời, anh cũng là một người bạn từ nhỏ của Roger Waters khi Waters thường tới nhà xem Syd Barrett chơi đàn guitar.
Ngay từ những ngày đầu tiên, Syd Barrett đã luôn toát ra điều gì đó khác biệt so với phần còn lại, như Nick Mason từng chia sẻ “Vào thời kỳ mà các thanh nhiên ù lì vì nhút nhát, e dè thì Syd khác hẳn. Tôi không bao giờ quên lần đầu chúng tôi gặp nhau: anh ấy rất chủ động tiến tới và giới thiệu về bản thân”.
Từ khi tham gia vào nhóm, với kỹ năng chơi guitar tuyệt vời cùng khả năng viết lời “miễn chê”, Syd Barrett nghiễm nhiên trở thành thủ lĩnh của ban nhạc. Cũng từ đây, Pink Floyd được đặt để thay thế cái tên trước đó là T-set.
Ban nhạc có nhiều thăng trầm trong lịch sử nền âm nhạc Rock & Roll
Pink Floyd là ban nhạc có nhiều thăng trầm trong lịch sử nền âm nhạc Rock & Roll. Họ trải qua rất nhiều thời kì tăm tối cũng như rực rỡ và ở mỗi giai đoạn, Pink Floyd lại mang trong mình những điểm riêng biệt, mang phong cách đặc trưng của người lãnh đạo.
Tuy nhiên, dù ở thời kì nào thì họ vẫn vượt qua được khó khăn để rồi có những cú chuyển mình ngoạn mục, vươn tới đỉnh cao như album Meddle với sự dẫn dắt của Roger Waters và David Gilmour.
Thời hoàng kim của Syd Barret
Vào năm 1966, ban nhạc chủ yếu vẫn chơi các bản Rock & Roll nhưng đã tổ chức buổi diễn bán vé tại nhiều câu lạc bộ, hộp đêm bấy giờ. Tiêu biểu là Marquee, câu lạc bộ nơi Pink Floyd gặp được hai người đồng hành chất lượng King và Jenny.
Họ có cùng đam mê âm nhạc với Pink Floyd, cũng là người nhìn ra tiềm năng của ban nhạc. Vì thế, King không ngần ngại bỏ ra một phần tiền thừa kế để mua trang thiết bị cho ban nhạc sử dụng.
Dưới sự dẫn dắt khôn ngoan bởi King và Jenny, Pink Floyd từng bước trở thành một phần của nền âm nhạc London, thoát khỏi cái mác nghiệp dư và bắt đầu trình diễn tại các câu lạc bộ có tiếng thời bấy giờ như UFO, All Saints Hall.
Âm nhạc của Pink Floyd được ví như “cuộc du ngoạn với âm thanh” vì nhóm luôn tìm kiếm, thử nghiệm nhiều chất liệu khác nhau. Họ thường bắt đầu bằng những vật dụng thô sơ, tác động lên nó để tạo ra nhịp điệu và rồi, một hành trình âm nhạc như hiện ra trước mắt người xem.
“Trong buổi lễ khai trương của tờ báo IT mới, một ban nhạc pop mang tên Pink Floyd đã chơi một thứ âm nhạc rất rộn ràng kèm theo hiệu ứng ánh sáng được chiếu trên màn hình lớn phía sau họ. Như một ảo giác.” – Tờ The Sunday Times nhận xét về nhóm
Âm nhạc của Pink Floyd như một loại ảo giác, vì vậy mà nó tạo ra nhiều ý kiến trái chiều dù ban nhạc khi ấy đã được biết đến khá rộng rãi và cũng có album đầu tiên thành công là The Piper at the Gates of Dawn.
Cụ thể là vào cuối năm 1966, ban nhạc khi ấy có một số buổi diễn bị yêu cầu từ chối thanh toán. Nguyên nhân đơn giản vì các chủ câu lạc bộ cho rằng thứ họ trình diễn không phải âm nhạc.
Bước tiến nổi bật của nhóm trong thời kì này phải kể đến việc ký kết hợp đồng với EMI, công ty đại diện cho The Beatles, Queen. Ca khúc Arnold Leyne được thu âm vào đầu năm 1967 đã làm cho EMI thích thú, mang về cho Pink Floyd bản hợp đồng nhận trước năm nghìn bảng vào ba ngày sau đó.
Bài hát này sau đó được công ty đại diện trên phát hành và doanh số đứng thứ hai mươi nước Anh lúc bấy giờ, đây thực sự là dấu ấn lớn trên sự nghiệp âm nhạc của nhóm.
Album đầu tiên The Piper at the Gates of Dawn sau khi được phát hành thì đã đứng vị trí thứ sáu trên BXH âm nhạc nước Anh trong hơn 14 tuần kể từ thời điểm ra mắt.
Điều này khiến cho tên tuổi của Pink Floyd lên như diều gặp gió, ngày càng có nhiều người đến xem họ diễn ở những quán bar, phòng trà nổi tiếng. Mặc dù thành công là thế nhưng nó đã mang một tin không vui đến cho ban nhạc.
Đó là việc Syd Barrett, một chàng trai luôn cháy hết mình với âm nhạc và hội họa, không thể nào chịu đựng được sức ép của sự nổi tiếng, bên cạnh đó hệ thần kinh của anh cũng chẳng còn như trước do sử dụng LSD (một chất kích thích gây ảo giác mạnh) trong thời gian dài.
Cũng nhờ Syd Barrett sử dụng LSD mà Pink Floyd đã đặt chấm phá đầu tiên cho cuộc cách mạng ảo giác mà về sau xâm nhập vào cả điện ảnh, văn học, tạo nên phong cách riêng trong âm nhạc của nhóm.
Ban nhạc được mệnh danh là “người tình của trào lưu ảo giác London” khi mạo hiểm thử nghiệm kết hợp những nét nhạc blues, thính phòng cùng các hòa âm nghịch tai.
Để có được thứ âm nhạc này, người nghệ sĩ thường phiêu diêu với các chất ma túy ảo giác, chất kích thích như cần sa hay LSD.
Thời điểm ấy, không ai có thể đoán được Barrett sẽ định làm trò gì tiếp theo, các thành viên đều bất lực với anh khi ở mỗi bản thu, vị thủ lĩnh lại đánh một kiểu khác nhau. Thậm chí trong show diễn, Barrett chỉ đánh liên tục một nốt từ đầu cho tới cuối bài.
“Tôi tìm thấy Barrett trong phòng thay đồ và anh ấy trông rất xa vời. Roger Waters và tôi xốc anh ấy lên, đưa ra sân khấu. Ban nhạc đã bắt đầu chơi mà Syd vẫn đứng đây. Anh ấy kẹp đàn guitar vào nách và tay thì buông thõng xuống.” – Trợ lý của nhóm là June Child đã phải thốt lên như vậy
Vì vậy, ban nhạc quyết định gọi David Gilmour vào để hỗ trợ Barrett vào cuối năm 1967. Tuy nhiên, tình hình giữa chàng thủ lĩnh và cả nhóm ngày càng căng thẳng.
Đến tháng 4 năm 1968, Barrett chính thức rời Pink Floyd và để lại một mớ hỗn độn khi các thành viên khác không thể nghĩ ra nổi chữ nào để viết nhạc.
Từng bước thoát khỏi thời kỳ đen tối với Roger Waters và David Gilmour
Sau khi chàng thủ lĩnh Syd Barrett rời đi, mọi thứ thật tồi tệ nhưng người ở lại vẫn phải cố gắng bước tiếp. Ngay sau đó, họ đã quay lại Abbey Road Studios để ghi album thứ hai A Saucerful of Secrets.
Vì trước đây, đa phần sáng tác do Syd phụ trách nên khi thiếu vắng anh, mọi thứ như ngưng đọng, chẳng ai viết được câu nào cho ra hồn. Lúc này, cả nhóm đã bắt đầu tập viết lời, đặc biệt là Waters, về sau trở thành người đóng góp chủ đạo cho các album kế tiếp.
Trong tư liệu về lịch sử của ban nhạc, chính Waters thừa nhận rằng anh phải ngồi hàng tá giờ trong phòng để viết lời, thế nhưng kết quả lại chẳng như mong muốn.
Ở giai đoạn này, tất cả thành viên trong nhóm đều được khuyến khích viết nhạc và sử dụng những thiết bị mới để thu âm các bản demo tại nhà riêng. Điều đó dẫn đến sự không thống nhất, điển hình là việc tất cả đã tranh cãi rất nhiều về đoạn trống dài tận hai mươi phút trong bài Remember a Day của Nick Mason.
Dù khó khăn là vậy, Pink Floyd vẫn tiếp tục cho ra mắt thêm ba album nữa vào các năm 1969, 1970 và 1971. Đây là nỗ lực rất lớn của cả ban nhạc vì album thứ ba và thứ tư Ummagumma, Atom Heart Mother đã thắng lớn về mặt doanh số và được thị trường đón nhận nồng nhiệt.
Thế nhưng, đằng sau những thành công đó là sự rệu rã, mệt mỏi của các thành viên. Đôi khi họ không thực sự biết mình đang làm việc này để làm gì, tất cả đều xem hai album như một nỗi xấu hổ, sự giả tạo và không đáng trân trọng.
Đỉnh điểm là khi Waters, người viết chính cho album Atom Heart Mother nói rằng anh sẽ thích hơn nếu nó “được ném vào thùng rác và không ai phải nghe nó nữa”. Chính David Gilmour lúc ấy cũng đồng quan điểm với anh.
Năm 1971, sau những show diễn quảng bá cho album Atom Heart Mother tại châu Âu và Hoa Kỳ, nhóm quay trở lại phòng thu, tiếp tục lặp đi lặp lại những việc dường như đã chán ngấy với họ lúc đó là thu âm cho album thứ năm, Meddle.
Sau những mệt mỏi ở hai album trước, Pink Floyd dần nhận ra họ không thực sự chơi nhạc cho bản thân mà chỉ chạy theo thị trường, chạy theo nhà sản xuất, cố ra nhạc đều đặn để kiếm tiền.
Vì thế mà họ quyết định mạo hiểm khi đi tìm những chất liệu mới hơn để mang vào Rock, chính điều đó đã đưa âm nhạc của Pink Floyd chạm đến một tầm cao mới.
Nhóm bắt đầu sử dụng những âm thanh lạ tai, đặc biệt hơn khi chúng không đến từ nhạc cụ mà từ các đồ dùng trong nhà như cây bút chì, chảo chiên trứng, thậm chí ở album Animals, họ còn thêm vào cả tiếng hú của chó.
Với những nỗ lực như vậy, album Meddle ra đời với một tâm thế hoàn toàn khác, nó đươc coi như sự chuyển mình giữa các thời đại. Từ đây, Meddle đã không chỉ khẳng định vai trò lãnh đạo quan trọng của David Gilmour, nó còn là lời tuyên bố mạnh mẽ rằng ban nhạc đã trỗi dậy và lớn mạnh thêm một lần nữa.
Cuối cùng thì ban nhạc cũng có thể tự tin bước tiếp mà không có hình bóng chàng thủ lĩnh năm xưa. Nhóm lần lượt cho ra mắt nhiều album như The Dark Side of the Moon (1973) với nhiều ẩn ý sâu bên trong, Wish You Were Here (1975) là lời tri ân tới Syd Barrett.
Pink Floyd trở lại đầy mạnh mẽ với hai album để đời liên tiếp
Khi đoàn tàu Pink Floyd được Waters dẫn dắt, ban nhạc đã từng bước trở lại sau sự ra đi của Barret. Trong những bước tiến ấy, phải kể đến sự ra đời của album Dark Side of the Moon với lối ẩn dụ đầy tinh tế và mang nhiều tầng nghĩa, về sau trở thành album Rock thành công nhất về mặt thương mại.
Ngay sau sự thành công của Dark Side of the Moon, ban nhạc tiếp tục cho ra mắt album tiếp theo mang tên Wish You Were Here như lời tri ân với vị thuyền trưởng Syd Barret. Với câu từ mộc mạc, giản dị, album được đón nhận một cách rộng rãi.
Dark Side of the Moon và mong muốn thoát khỏi những kìm kẹp của xã hội
Từ giữa năm 1972 đến đầu năm 1973, ban nhạc tập trung thu âm album Dark Side of the Moon tại Abbey Road Studios. Thoạt đầu, khi nhìn vào tên album, công chúng sẽ nghĩ nó liên quan đến vật lý và thiên văn học, thế nhưng đây lại là cách ẩn dụ rất sâu sắc của Pink Floyd.
Bởi vì bìa album là lăng kính khúc xạ của Geogre Hardie với chùm sáng trắng, đại diện cho sự thống nhất đi qua một lăng kính, thứ mà đại diện cho xã hội. Kết quả của sự khúc xạ là một chùm ánh sáng đủ màu thể hiện sự hỗn mang, thiếu tính thống nhất.
Hình ảnh này ẩn ý rằng con người khi sinh ra luôn mang trong mình những thứ tốt đẹp, thuần khiết nhất. Sau quá trình lớn lên và trưởng thành, họ mang trong mình nhiều nhân cách khác nhau, đại diện bởi các màu sắc khác nhau.
Điều này cũng ngầm ám chỉ âm nhạc của Pink Floyd luôn có sự hỗn loạn và không thống nhất bên trong. Bởi lẽ nhạc của họ phản ánh những gì đang xảy ra trong xã hội thời điểm bấy giờ.
Đầu năm 1973, Dark Side of the Moon chính thức được phát hành ở dạng đĩa than và ngay lập tức trở thành hiện tượng âm nhạc thời ấy. Đây cũng là một trong những album Rock thành công nhất về mặt thương mại của Pink Floyd.
Dark Side of the Moon nằm trên bảng xếp hạng Billboard trong mười bốn năm, bán được hơn bốn mươi triệu bản trên toàn thế giới. Tại Anh, album đứng thứ hai và ở trên bảng xếp hạng UK trong 364 tuần. Sự thành công của album mang lại khối tài sản khổng lồ cho các thành viên Pink Floyd.
Waters và Wright khi ấy mua những trang trại rộng lớn, Mason sưu tập nhiều chiếc ô tô đắt đỏ. Album này nhận được nhiều lời nhận xét có cánh đến từ giới phê bình, tạp chí âm nhạc Rolling Stone thì miêu tả Dark Side of the Moon như “một album tuyệt vời với sự phong phú về kết cấu và ý tưởng”.
Wish you were here là lời tri ân đến vị thủ lĩnh Syd Barret
Không ngủ quên trên chiến thắng, cả nhóm đã quay lại phòng thu để chuẩn bị cho album thứ chín mang tên Wish you were here. Vì đã sử dụng hầu hết các chất liệu mới, đặc biệt là sau sự thành công của Dark Side of the Moon, sức lực và cảm xúc của Pink Floyd như bị vắt kiệt.
Thật khó khăn khi làm việc trên chất liệu mới vì họ gần như đã khai phá toàn bộ chất liệu và áp dụng vào các album trước. Giai đoạn này thực sự bế tắc khi Wrights miêu tả những buổi đầu thu âm “rơi vào giai đoạn khó khăn”, Waters thì cảm thấy như “bị tra tấn”.
Trong khi đó, David Gilmour lại thấy thích thú trong việc phát triển những chất liệu họ đang có. Tuy nhiên, sự thất bại trong hôn nhân của Mason khiến anh gặp tình trạng bất ổn và thờ ơ với mọi thứ, công việc vì vậy xuống dốc đi nhiều.
Khó khăn là vậy nhưng “người khổng lồ” sẽ luôn có hướng đi riêng. Sau vài tuần bế tắc, Waters trở lại với một số sáng tác mở đầu cho album, lúc này David Gilmour đã viết phần nhạc với những đoạn guitar theo kiểu four-note, từng được người thủ lĩnh Syd Barrett sử dụng rất nhiều.
Cũng chính điều này khiến cho Roger Waters nhớ về Syd, anh chia sẻ rằng “Bởi vì tôi muốn tới gần nhất có thể những gì mà tôi đang cảm thấy… sự vô định, những sầu muộn không thể tránh được trước sự ra đi của Syd”.
Từ đây, những ý tưởng dần được nhen nhóm, tựa đề Wish you were here được xem như một lời nhắc cho tất cả khán giả nghe nhạc và Pink Floyd luôn nhớ về người thủ lĩnh Syd Barrett rằng “Giá như anh ở đây”.
Một sự thật thú vị là trong lúc bốn thành viên còn lại của Pink Floyd đang đắm say, đau đớn hát về thủ lĩnh cũ của họ thì có một người đàn ông lạ mặt bước vào. Gã ta trông béo phì, đầu trọc, lông mày cạo, trên tay cầm một chiếc túi nhựa.
Roger Waters, thủ lĩnh sau này của nhóm thì không biết danh tính anh chàng trong khi David Gilmour tưởng là nhân viên của EMI. Richard Wright lại nghĩ đây là bạn của Waters, Nick Mason cũng mù mịt chẳng hiểu người nào vừa xuất hiện.
Người đàn ông lạ mặt ấy không ai khác ngoài Syd Barrett, người mà cả nhóm đang dạt dào hồi tưởng trên những khuông nhạc. Khi “kinh hoàng” nhận ra điều này, vài người đã bật khóc.
Barrett nói rằng anh tới để giúp ghi âm, thế nhưng anh không tỏ ra như đang quan tâm khi nghe bản phối Shine On You Crazy Diamond. Cái tên này vốn rất đặc biệt, “Shine on” có nghĩa là tiếp tục tỏa sáng, “You Crazy Diamond” ám chỉ Syd Barrett.
Điều này củng cố rằng Syd vẫn luôn ở trong tim Pink Floyd, vẫn là một người thủ lĩnh tuyệt vời. Barrett sau đó cũng tham gia tiệc cưới của David Gilmour ở căn tin EMI rồi rời đi không lời từ biệt. Phải đến 31 năm sau thì họ mới gặp lại nhau, tiếc rằng khi ấy anh đã qua đời.
Bài hát chủ đề, cũng là bài hát nổi bật nhất của album này chính là Wish You Were Here. Nó được mở đầu bằng những tạp âm xa xôi trên đài phát thanh, rồi từ xa tiến lại gần là tiếng guitar acoustic 12 dây thủ thỉ và bắt đầu với giọng hát như tiếng thở dài sát bên tai.
Sau đó, giọng của David Gilmour cất lên thật vang “So, So You Think You Can Hear Me”. Lời của bài hát là toàn bộ tâm tư và tình cảm mà Pink Floyd muốn gửi đến Syd Barrett. Nhóm vẫn luôn muốn anh quay trở lại một lần nữa nhưng có lẽ là không thể vì trông Syd thật “xa rời thực tế”.
Ở một số ca khúc khác, Roger Waters ám chỉ nó không phải về Barrett mà là hình tượng chung về những người chọn cách vùi đầu trong cát như con đà điểu trước thách thức cuộc sống. Độc đoán, thích nói về bản thân vốn là thói quen của anh.
Thế nhưng, dù Waters phát biểu thế nào thì Gilmour vẫn nhận thấy rằng dù ở bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào, anh luôn biểu diễn ca khúc với tấm lòng tưởng nhớ hướng về Syd Barrett.
Bản thân Wish You Were Here chỉ là một bản đồng ca đơn giản nhưng chính bởi sự cộng hưởng và sức nặng cảm xúc, nó trở thành một trong những ca khúc hay nhất của Pink Floyd.
Bóng tối trở lại trên con đường danh vọng của Pink Floyd
Pink Floyd tiếp tục thành công ở album sau đó Animals, được Waters lấy ý tưởng từ tiểu thuyết của George Orwell về trang trại súc vật. Các ca khúc trong album hướng trực diện đến các tầng lớp xã hội, vốn bị miêu tả như chó, lợn và cừu.
Khi album được phát hành vào đầu năm 1977, nó đã gặt hái nhiều thành công khi đứng thứ hai trong bảng xếp hạng UK Chart (Anh) và thứ ba ở bảng xếp hạng Rolling Stones (Hoa Kỳ).
“Một trong những thứ khóc liệt nhất, không ngừng nghỉ, đau đớn, như một hình tượng tôn giáo về âm nhạc.” – ENM nhận xét về album
Đây là một album bóc trần về mọi khía cạnh của cuộc sống. Những vấn đề mà Animals đề cập đến không phải ai cũng dám đối diện trực tiếp.
“Một hương vị không mấy dễ chịu về thực tại của những năm gần đây, ngày một đần độn.” – Karl Dallas của Melody Maker miêu tả
Tuy nhiên thì từ đây, những rạn nứt trong mối quan hệ giữa các thành viên đã bắt đầu xuất hiện và ngày càng trở nên nghiêm trọng. Vấn đề liên quan đến việc phân chia tiền bản quyền cho tất cả, bởi vì Animals là album đầu tiên của Pink Floyd mà không có đóng góp từ Wright.
“Animals không phải là đợt thu âm vui vẻ, đó là khi Roger bắt đầu tin rằng anh ta là người duy nhất viết nhạc cho nhóm, rằng nhờ anh ta mà chúng tôi mới tồn tại được, khi anh ta ngày càng đề cao cái tôi của mình, người mà anh ta xung đột là tôi.” – Wright chia sẻ thêm về hành trình tạo ra album Animals
Đỉnh điểm là sau mỗi buổi diễn, Waters thường về luôn sau khi kết thúc hoặc các thành viên không đi chung xe với nhau. Có lần Wright đe doạ anh sẽ rời đi, Gilmour thì cảm thấy “nhóm đã đạt được mức thành công mà họ mong đợi, từ đó không còn gì để làm nữa”.
Từ những rạn nứt ấy mà các album sau này của Pink Floyd đã không giữ được cái chất như trước nữa. Bên cạnh đó, nhiều nhóm nhạc mới nổi với phong cách và dòng nhạc hợp thời, phổ biến hơn như Led Zeppelin, The Who đã dần lên ngôi.
Từ đây, người nghe thể loại nhạc mà Pink Floyd theo đuổi cũng thoái trào và rồi cả nhóm dần bị tụt lại phía sau. Những xung đột vẫn tiếp diễn mà đỉnh điểm là sự ra đi của Wright, David Gilmour cũng suýt chút nữa rời ban nhạc vì bị Roger Waters gạch tên khỏi danh sách.
Cuối cùng, Waters lại là người rời đi vào năm 1985 với vụ kiện về việc sử dụng cái tên Pink Floyd, một điều đáng buồn cho người hâm mộ. Mặc dù đội hình đã không còn như xưa nhưng ở đó vẫn còn Gilmour và Mason ở lại, giữ lửa cho cái tên “Pink Floyd”.
Giai đoạn này, ban nhạc cho ra hai album nữa là A Momentary Lapse of Reason (1987) và The Division Bell (1994) cùng hàng loạt tour diễn lớn. Giữa năm 2014, Gilmour bất ngờ thông báo cho ra mắt album The Endless River nhưng chỉ có sự góp mặt của ba người Gilmour, Wright và Mason.
Thêm vào đó, Gilmour thông báo rằng đây sẽ là album cuối cùng của Pink Floyd, khép lại kỉ nguyên gần năm mươi năm lừng lẫy với nhiều thăng trầm và cả vinh quang.
REUNITE – Lại đây ta hát thật vang bài ca năm ấy
Sau hơn hai mươi năm, tất cả trừ Barrett đã cùng nhau tụ họp để diễn một chương trình hoành tráng tại Live 8. Ở đây, họ lại cùng nhau hát vang những bài ca của tuổi trẻ, của sự nhiệt huyết và của cả thanh xuân.
Đây cũng chính là lời cảm ơn của ban nhạc đến toàn thể người hâm mộ, lời chia tay và cũng là cái kết thật đẹp cho cả bốn người đàn ông. Một thời đi qua là một thời đầy vinh quang, hào nhoáng, cũng có cả những ngày mệt mỏi như muốn buông xuôi.
Giờ đây, mặc dù hành trình của Pink Floyd đã khép lại, chúng ta không còn thấy những chàng trai ấy đứng chung sân khấu một lần nào nữa. Thế nhưng, họ mãi trong tim của người hâm mộ và luôn là huyền thoại của nhạc Rock thế giới.
Hoàng Vũ
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất