Perfect Blue là tác phẩm đầu tay của vị đạo diễn tài hoa Satoshi Kon, ông đã dẫn dắt người xem bước vào cuộc đời đầy ám ảnh và đáng sợ mà một nữ thần tượng âm nhạc ở “xứ sở mặt trời mọc” phải trải qua.
Bằng những chất liệu của tác phẩm tâm lý tội phạm xen lẫn kinh dị, bộ phim khéo léo đẩy khán giả đến ranh giới giữa thực và hư. Qua đó, Perfect Blue vạch trần nhiều khía cạnh tăm tối trong ngành giải trí Nhật Bản.
Vài nét về bộ phim Perfect Blue
Perfect Blue ra mắt công chúng năm 1997, là đứa con tinh thần của đạo diễn Satoshi Kon và nhà biên kịch Sadayuki Murai. Tác phẩm vốn được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên do tác giả Takeuchi Yoshikazu chấp bút.
Tại thời điểm công bố, kiệt tác này được giới mộ điệu ở các liên hoan phim quốc tế đón nhận. Vô số lời khen có cánh dành cho đạo diễn Satoshi Kon đã gián tiếp khẳng định sức ảnh hưởng to lớn của bộ phim.
Không phải tất cả yếu tố trong phim đều phù hợp với mọi người như những cảnh khỏa thân, các thước phim ám ảnh và rùng rợn nên Perfect Blue bị “gắn mác” chỉ dành cho người trưởng thành.
Bước vào tác phẩm, khán giả được sống cuộc đời của Mima, một nữ thần tượng nhạc Pop ở Nhật Bản. Thế nhưng vì hoàn cảnh bất đắc dĩ, cô phải chuyển hướng trở thành diễn viên.
Cuộc sống Mima bắt đầu có những thay đổi lớn kể từ khoảnh khắc ấy. Nỗi ám ảnh vì sự rình rập của một kẻ lạ mặt cùng áp lực từ công việc diễn viên khiến cô nàng lạc vào ranh giới giữa thực và ảo.
Bộ đôi biên kịch và đạo diễn Perfect Blue đã tạo nên những thước phim với góc quay tinh tế trên nền nhạc dồn dập, mang lại trải nghiệm đầy hồi hộp cho khán giả khi thưởng thức tác phẩm.
Qua đó, Perfect Blue gửi gắm nhiều bức thông điệp quý giá về hành trình tìm kiếm thành công, đồng thời vạch trần những mặt tối của ngành giải trí.
Nữ thần tượng Mima Kirigoe và bước chuyển mình làm diễn viên
Perfect Blue mở đầu bằng buổi biểu diễn cuối cùng của Mima, nữ thần tượng trong nhóm nhạc Pop ba thành viên tên CHAM. Bởi vì theo đuổi nghiệp diễn xuất mà cô nàng phải từ bỏ đam mê ca hát bấy lâu.
“- Trước khi hát bài cuối, chúng mình có tin cần báo với mọi người. Mình, Kirigoe Mima, là một thành viên của nhóm CHAM… Thực ra hôm nay mình sẽ …
– Hôm nay, Mima sẽ tốt nghiệp khỏi CHAM!” – Cô nàng nói lời tạm biệt
Ông bầu Tadokoro và cô quản lý Rumi đã sắp xếp cho Mima có vai diễn đầu tay trong bộ phim truyền hình Double Blind. Nhiều khán giả tỏ ra tiếc nuối trước sự chuyển mình của cô nàng, trong đó có Uchida, một kẻ hâm mộ cuồng nhiệt.
Những lời đe dọa từ kẻ nặc danh
Trở về nhà sau buổi biểu diễn, Mima bất ngờ nhận được một bức thư từ kẻ nặc danh với những từ ngữ đầy đe dọa, hắn thậm chí gọi cô là “kẻ phản bội”.
Đến sáng ngày hôm sau, Mima xuất hiện ở phim trường để chuẩn bị cho cảnh quay đầu tiên. Cô kể cho quản lý Rumi về lá thư mình nhận được cũng như việc nó chứa đường dẫn tới “Phòng của Mima”, một trang web trên Internet.
Trong lúc Mima diễn xuất trước ống kính, ông bầu Tadokoro vô tình mở một bức thư khác từ người hâm mộ của cô. Bất ngờ thay khi nó phát nổ và khiến ông bị thương, kẻ thủ ác thậm chí ghi chú “Đây chỉ là cảnh báo. Lần sau sẽ là thật”.
“- Nè chị Rumi, chị nghĩ sao?
– À…
– Đáng ra chúng ta nên gọi cảnh sát thì hơn.
– Đành phải chấp nhận thôi. Tadokoro đã nói đừng gọi rồi.
– Nhưng đó rõ ràng là phạm tội! Và có thể em đã bị thương rồi.
– Không sao đâu. Chỉ là trò chơi khăm thôi.”
Khi nữ thần tượng trở về nhà, chị quản lý Rumi cũng ghé qua để giúp cô truy cập “Phòng của Mima” trên Internet, đó là trang nhật ký do một kẻ mạo danh lập ra.
Tuy nhiên, mọi thứ lại chính xác đến từng chi tiết, kể cả những hành động trong ngày của Mima. Điều này khiến cô nàng không khỏi ngạc nhiên vì hệt như thể bản thân đã viết chính lời tâm sự đó.
Mặt trái của công việc diễn xuất dần được hé lộ
Sáng hôm sau, ông bầu Tadokoro và quản lý Rumi đã có một cuộc tranh luận về quyết định chuyển Mima sang con đường diễn viên. Ngay lúc ấy, họ cũng nhận được tin tức nhóm CHAM với hai thành viên đang có bước đầu thành công.
Chưa thôi ám ảnh và hoang mang với những chuyện đang xảy ra thì vừa đến công ty, cô lại biết chuyện nhà sản xuất quyết định cho mình thử sức với cảnh phim nhạy cảm.
“- Được mà, chị Rumi. Em sẽ làm. Bởi vì em đã quyết định mình sẽ trở thành diễn viên rồi.
– Vậy à. Mima giỏi lắm! Diễn viên đóng mấy cái này thường mà!…
– Mima, hãy suy nghĩ kĩ đi! Em biết chuyện gì sẽ xảy ra không?” – Mima đồng ý thử sức với cảnh phim nhạy cảm
Trên chuyến tàu trở về nhà, khi nhìn vào bóng của mình trên kính, Mima trong hình dạng một nữ thần tượng đã nói với bản thân cô “Tôi nhất định sẽ từ chối!”. Chỉ tiếc rằng, Mima giờ đây không có lối thoát nào khác ngoài việc “đâm lao phải theo lao”.
Khi ngày ấy đến, trong lúc diễn cảnh phim đầy nóng bỏng, tâm trí Mima lại chỉ mãi nhớ về ánh đèn sân khấu cùng những khán giả nồng nhiệt tại các buổi hòa nhạc.
Nỗi ám ảnh và ảo giác bủa vây tâm trí Mima
Về đến nhà, Mima vô tình phát hiện những con cá mình nuôi đã chết hết mà không rõ nguyên nhân. Khi chứng kiến cảnh tượng ấy, cô chỉ biết bật khóc nức nở và phẫn nộ đến mức phá tung mọi thứ trong phòng.
“- Tất nhiên là tôi không muốn làm rồi. Nhưng tôi không thể làm phiền đến mọi người được.
– Thấy chưa, đã nói rồi mà? Đó là công việc mà cô muốn làm sao? Tệ hết sức!” – Một ảo ảnh của Mima trong gương nói với bản thân cô
Lúc này, kẻ theo dõi Mima là Uchida cũng đang đọc những dòng nhật ký trên trang “Phòng của Mima”, đáng kinh ngạc hơn là khắp phòng hắn đều dán hình của thần tượng.
Chính tình tiết ấy cho khán giả biết, con đường diễn xuất của Mima chắc chắn không bằng phẳng. Những ám ảnh, ảo giác lẫn cảm giác bị kẻ lạ mặt theo dõi sẽ cứ thế bám lấy tâm trí cô nàng.
Perfect Blue xóa nhòa ranh giới giữa thực và ảo
Lấy chủ đề những kẻ rình mò nhưng Perfect Blue lại không đặt người xem vào vị trí của bất kỳ tên biến thái nào. Thay vào đó, điểm nhìn trong phim lại nằm ở nạn nhân của sự theo dõi, Mima.
Điều này khiến người xem nhìn thấy những gì Mima trải qua và thấu hiểu được tâm lý của cô. Nói cách khác, khán giả như ở bên trong cuộc đời ấy, phải chứng kiến ảo giác liên tục xuất hiện trước mắt mình.
Bộ phim mà Mima tham gia, Double Blind cũng có những tình tiết giống với Perfect Blue. Nhân vật Yoko do nữ diễn viên thủ vai gặp vấn đề lớn về tâm lý, cụ thể là mắc bệnh rối loạn nhân cách và đã gây ra án mạng liên hoàn.
Với lối dựng phim có “ý đồ” cùng những ảo giác trong tâm trí Mima, Perfect Blue khiến khán giả như lạc vào mê trận khi thưởng thức. Yếu tố này đã thành công che giấu đi hung thủ thực sự bên trong, kẻ đã gây ra tất cả mọi chuyện.
Kể từ khi Mima quyết định đóng cảnh phim nhạy cảm, khoảng cách giữa nạn nhân và hung thủ trong bộ phim cũng được đạo diễn Satoshi Kon làm mờ một cách hoàn hảo.
Quyết định ấy không chỉ khiến Mima đánh mất hình tượng mà còn làm tâm lý cô thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Nữ diễn viên thấy phiên bản “thần tượng âm nhạc” liên tục xuất hiện trước mắt, trêu ghẹo và cười nhạo mình.
Điều đó cùng sự xuất hiện của trang nhật ký trên mạng khiến khán giả lẫn bản thân cô nàng tự nghi hoặc rằng, một nhân cách khác chính là người gây ra tất cả mọi chuyện.
Văn hóa thần tượng và những góc khuất của ngành giải trí
Perfect Blue đã phản ánh sự chiếm hữu cực đoan từ các công ty chủ quản. Một ứng viên tài năng phải đặt toàn bộ sự nghiệp, sản phẩm nghệ thuật và quyền riêng tư vào tay quản lý.
“- Cái này có đáng để rời bỏ CHAM không?
– Rumi, cô có biết tôi phải khổ thế nào để xin họ cho một nhân vật phụ tái diễn trong phim không? Đây là nơi Mima phải chứng minh liệu cô ấy có được nhìn nhận như một diễn viên không?
– Nhưng, chúng ta nên để Mima làm thần tượng.
– Rumi à, thời thế đã thay đổi với lúc Hidaka Rumi làm thần tượng rồi.” – Rumi và Tadokoro tranh cãi về con đường của Mima
Ra mắt giữa thập niên chín mươi, tác phẩm đã mạnh dạn phản ánh những vấn đề xung quanh ngành giải trí. Từ đó, bộ phim thể hiện góc khuất sau ánh hào quang sân khấu, cho khán giả thấy sự thật trần trụi của văn hóa thần tượng.
Thế nhưng, vì sự canh tranh gay gắt trong ngành giải trí, nhóm CHAM dường như không tạo ra được lợi nhuận cho công ty của ông bầu Tadokoro. Vì thế mà lão mới quyết định cho Mima lấn sân sang nghiệp diễn xuất.
Perfect Blue còn khắc họa sự tương phản của hình tượng Mima. Khác xa một thần tượng mặc váy hồng vui vẻ trên sân khấu, trong cuộc sống bình thường cô gái ấy khoác lên bộ đồ tối màu, đứng trên tàu và nhẩm theo bài hát của mình.
Những tiểu tiết làm nên bức tranh lớn mang tên Perfect Blue
Xuyên suốt Perfect Blue, đạo diễn Satoshi Kon đã tài tình gài gắm nhiều chi tiết ẩn dụ cho chủ đề trong phim cũng như diễn biến tâm lý của nhân vật chính Mami.
Nếu chỉ xem qua bộ phim một lần, khán giả sẽ dễ bỏ qua những điểm xuyết nhỏ bé trong Perfect Blue. Đến khi thưởng thức đến lần tiếp theo, họ mới có thể nhận ra “lời mách bảo” từ vị đạo diễn tài năng.
Sắc xanh và đỏ xuyên suốt Perfect Blue
Việc đặt tên Perfect Blue đã thể hiện dụng ý của đạo diễn. Theo khoa học, màu xanh dương dễ gây ra mù mờ, ảo giác, đây cũng là chủ đề trong bộ phim và sắc xanh là cách bộ phim ám chỉ trạng thái tâm lý trong Mima.
Trong văn hóa Nhật Bản, màu xanh dương còn đại diện cho sự thuần khiết, tượng trưng cho tính nữ mà bất kỳ nữ thần tượng nào cũng muốn đạt được.
Song song với màu xanh lam, sắc đỏ cũng dần xuất hiện trong những thước phim tăm tối, đầy bạo lực và đáng sợ. Đó là biểu tượng của máu, tình yêu, đam mê và tình dục.
Màu đỏ dường như trở thành “thước đo” cho việc sức khỏe tinh thần Mima đi xuống. Khi còn trong nhóm CHAM, cô mặc chiếc váy màu hồng vui tươi, biểu tượng cho nét hồn nhiên. Đến cuối cùng, lúc khoác lên bộ váy màu đỏ thì nữ thần tượng đã đánh mất hoàn toàn sự tỉnh táo.
Màu đỏ của ánh đèn xuất hiện trên phim trường nơi Mima làm việc, cuốn sổ tay, căn hộ cô đang ở hay thậm chí là chiếc váy trình diễn trên sân khấu. Vì vậy, sắc đỏ cũng góp phần thể hiện yếu tố tâm lý tội phạm trong phim.
Việc kết hợp sự nhạt nhòa với sắc thái rực rỡ từ hai màu xanh dương và đỏ đã thể hiện sự nghiệp thăng trầm của Mima, từ một thần tượng mờ nhạt đến nữ diễn viên gợi cảm, quyến rũ.
Chi tiết nhỏ làm nên tác phẩm lớn
Từ những thước phim đầu tiên, khán giả đã được chứng kiến tài năng nghệ thuật của vị đạo diễn qua một chi tiết nhỏ. Đó là khung cảnh kẻ theo dõi Uchida đặt trọn Mima trong lòng bàn tay khi cô biểu diễn trên sân khấu.
Chính thước phim này đã gián tiếp thể hiện sự ám ảnh về sở hữu mà hắn dành cho nữ thần tượng. Từ đó, Perfect Blue dễ dàng khắc họa nỗi đáng sợ mỗi khi nhân vật này xuất hiện trước Mima.
Trong căn phòng cô nàng có một bể cá nhỏ với đèn sáng, hình ảnh này tượng trưng cho việc Mima luôn khao khát được đứng dưới ánh đèn sân khấu. Cùng với đó là chiếc cửa sổ mở, ẩn dụ cho cuộc sống vô tư, thoải mái của nữ thần tượng.
Thế nhưng, khi nhận được bức thư đe dọa thì Mima lập tức kéo rèm cửa lại. Đó là bản năng mách bảo rằng bản thân cô nàng đang bị kẻ nào đó bám đuôi.
Đồng thời, sau khi thực hiện cảnh phim nhạy cảm và phát hiện đàn cá trong bể đã chết, hình tượng trong sáng, đáng yêu của nữ thần tượng chính thức sụp đổ.
“Cô là ai?” – Lời thoại của nhân vật Yoko trong bộ phim Double Blind mà Mami đảm nhận
Không chỉ mang ý nghĩa như một câu thoại, đó còn là câu hỏi mà Mima luôn trăn trở và tự hỏi bản thân, liệu mình là thần tượng âm nhạc trong sáng hay nữ diễn viên đầy gợi cảm.
Tác phẩm đầu tay đầy ấn tượng của đạo diễn Satoshi Kon
Perfect Blue ra đời đã để lại nhiều tiếng vang cho tên tuổi của đạo diễn tài năng Satoshi Kon. Tác phẩm là bệ phóng hoàn hảo, giúp ông hiện thực hóa nhiều dự án mới mẻ hơn.
“Satoshi Kon khắc họa một cách chi tiết cô gái đang trên bờ vực của sự điên loạn khi hình ảnh trong sạch, ngây thơ của cô chuyển thành những vai diễn đáng sợ và thỏa hiệp mà cô đảm nhận trong sự nghiệp diễn xuất của mình…” – Một khán giả nhận xét trên Rotten Tomatoes
Những khung hình trong bộ phim đều được vẽ hoàn toàn bằng tay. Sự tâm huyết này đã mang đến cho khán giả một trải nghiệm điện ảnh vừa gần gũi, vừa chân thực. Việc kết hợp giữa tông màu trầm ấm và nhạt nhòa của Perfect Blue cũng gây ấn tượng cho người xem.
Nét vẽ trong Perfect Blue thể hiện tài tình tâm lý từng nhân vật. Đó là sự quái gở của Uchida với nước da tái nhợt, đôi mắt trắng dã, hàm răng lởm khởm. Đối với Mima, nét yếu đuối và bối rối cũng được truyền tải một cách tinh tế trên gương mặt.
Âm thanh của bộ phim được phụ trách bởi nhạc sĩ Masahiro Ikumi. Giai điệu dồn dập trong những phân cảnh đáng sợ hay sự tĩnh lặng giữa không gian đầy căng thẳng đã tác động mạnh mẽ đến cảm xúc khán giả.
Với nhịp điệu nhẹ nhàng nhưng cũng không kém phần kịch tính, nhạc nền của Perfect Blue đã xuất sắc đưa khán giả đến với thế giới thực trong bộ phim, nhập tâm vào nhân vật Mima và trải nghiệm hết bí ẩn này tới bất ngờ khác.
Nữ hoàng nhạc Pop Madonna thậm chí còn sử dụng những thước phim của Perfect Blue để khiến bài hát What It Feels Like for a Girl trong chuyến lưu diễn Drowned World Tour thêm phần hấp dẫn.
Tầm ảnh hưởng của Perfect Blue đến văn hóa đại chúng
Requiem for a dream (2000), bộ phim tâm lý chính kịch nổi tiếng do Darren Aronofsky giữ vai trò đạo diễn cũng có những phân cảnh “học hỏi” từ kiệt tác Perfect Blue.
Chính vị đạo diễn này đã mua lại bản quyền Perfect Blue để ông có thể tự do tái hiện lại một thước phim giống hệt trong bộ phim gốc. Tác phẩm tiếp theo từ Aronofsky là Black Swan cũng có nhiều điểm tương đồng với “đứa con tinh thần” của Satoshi Kon.
Nina trong Black Swan do Natalie Portman thủ vai và Mima trong Perfect Blue đều vì rối loạn đa nhân cách hoặc ảo tưởng nên nhìn thấy bản sao của chính mình, nó theo chân hai nữ nhân vật đến mọi nơi, làm rối loạn cuộc sống của họ.
“Không hẳn, có những điểm tương đồng giữa các bộ phim, nhưng Black Swan không bị ảnh hưởng bởi Perfect Blue. Black Swan thực sự xuất phát từ vở ballet Hồ thiên nga, chúng tôi muốn kịch tính hóa vở ba lê.” – Đạo diễn Aronofsky chia sẻ về sự giống nhau giữa hai bộ phim
Mặc dụ chính đạo diễn của Black Swan đã lên tiếng đính chính, nhiều khán giả vẫn tìm thấy những điểm trùng hợp đến khó tin từ cảnh quay đến kịch bản trong hai bộ phim huyền thoại này.
Thành công đột phá của Perfect Blue
Về mặt doanh thu, Perfect Blue gặt hái những thành công nhất định với hơn một trăm triệu yên nhật, gần tám trăm ngàn đô. Thế nhưng, tiếng tăm lẫy lừng của bộ phim lại nằm ở giá trị nghệ thuật.
Tác phẩm được giới phê bình đón nhận ở các liên hoan phim quốc tế, đồng thời chiến thắng giải Fantasia Festival vào năm 1997 tại Montréal và Fantasporto Festival ở Bồ Đào Nha.
Không chỉ vậy, Perfect Blue còn nhận về hàng loạt đánh giá tích cực từ các tạp chí lớn như Los Angeles Times, Slant hay Total Film.
“Perfect Blue của Satoshi Kon là lời tiên tri về một thế giới hiện đại được tạo ra bởi sự bão hòa của phương tiện truyền thông và tính thực tế của mạng xã hội.” – Nhà phê bình Jake Cole của tờ Slant đánh giá
Tạp chí Time thì đưa tác phẩm vào danh sách năm phim hoạt hình DVD hay nhất còn Slashfilm gọi đây là bộ phim hoạt hình đáng sợ nhất từ trước đến nay của “xứ sở mặt trời mọc”.
Với 83% đánh giá tính cực trên Rotten Tomatoes, vô số khán giả lẫn giới phê bình đều đồng tình rằng Perfect Blue là kiệt tác đến từ vị đạo diễn tài năng Satoshi Kon.
“Bộ phim đầu tay của Satoshi là một cơn ác mộng với các thần tượng nhạc Pop. Perfect Blue đã thể hiện một cách xuất sắc ranh giới mờ nhạt giữa cuộc sống thực của Mima và màn trình diễn của cô ấy trong ‘Double Bind’ cùng hình ảnh tuyệt đẹp và đầy ám ảnh.” – Cây bút Joe Lipsett của Horror Queers Podcast nhận định
Khai thác góc khuất trong ngành giải trí vào thập niên chín mươi ở Nhật Bản, Perfect Blue đã phơi bày những sự thật trần trụi đằng sau cánh gà của các buổi biểu diễn hào nhoáng.
“Tác phẩm thể hiện mặt tối trong văn hóa giải trí, tôn sùng với các thần tượng âm nhạc, môi trường ảo và những người hâm mộ biến thái. Từ đó, Perfect Blue đưa ra một lời tiên tri sâu sắc về cách những yếu tố này tiếp tục xâm chiếm mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta.” – Một khán giả nhận xét về chủ đề của bộ phim trên Rotten Tomatoes
Từ âm thanh, hình ảnh đến nội dung, mọi thứ đều để lại nhiều ấn tượng cho khán giả. Trong gần chín mươi phút thưởng thức, Perfect Blue sẽ không khiến bất kỳ ai phải thất vọng với trải nghiệm điện ảnh hấp dẫn và đầy kịch tính.
Bí Ngô
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất