Thánh Gióng là câu chuyện gối đầu giường của biết bao đứa trẻ Việt. Cùng với những chuyện kể khác, nó đã trở thành một phần tuổi thơ, vẽ nên những nét đầu tiên trong kí ức và giáo dục trẻ con với từng bài học nhẹ nhàng nhưng sâu lắng.
Tuy có nhiều yếu tố kì ảo, bất thường nhưng câu truyện truyền thuyết này hàm chứa mong muốn của nhân dân. Đất nước thời điểm nào cũng có nhiễu nhương và nhiều mối nguy hại rình rập, bởi vậy cần có anh tài cứu giúp.
Phù Đổng Thiên Vương được xem như biểu tượng lý tưởng cho tinh thần ái quốc chống giặc. Hơn thế, chàng Gióng còn là hình mẫu về tinh thần sục sôi khảng khái và sức mạnh to lớn của tuổi trẻ.
Truyền thuyết là cái nôi nuôi lớn những đứa trẻ
Truyền thuyết là thể loại văn học dân gian đã xuất hiện từ rất lâu, được lưu truyền bằng hình thức truyền miệng hoặc bằng chữ viết. Một số câu chuyện truyền thuyết nổi tiếng ở Việt Nam có thể nhắc đến Sơn tinh Thủy tinh, Con rồng cháu tiên.
Truyền thuyết là tác phẩm tự sự dân gian kể về những nhân vật hoặc sự kiện lịch sử có thật, tuy nhiên được kể theo xu hướng lý tưởng hóa. Loại hình văn học này có sự pha trộn giữa hai yếu tố “thần” và “nhân”.
Nhân vật, sự kiện trong truyền thuyết thường sở hữu sức mạnh kỳ ảo. Qua đó, nhân dân bày tỏ sự ngưỡng mộ, tôn vinh đến những người có công với đất nước.
Đồng thời, cũng có những câu chuyện vừa ca ngợi, vừa phê phán nhân vật lịch sử. Nhưng nhìn chung, phẩm chất đạo đức và quan niệm về cái thiện song hành cái ác luôn được đề cao với mục đích giáo dục, răn dạy.
Hình tượng người anh hùng Thánh Gióng cứu nước của nhân dân
Thánh Gióng là vị cứu tinh trong tâm tưởng nhân dân, người sẽ giữ gìn bình yên của Tổ quốc, qua đó thể hiện niềm tự hào dân tộc khi luôn có người hiền tài xuất hiện vào lúc khó khăn.
“Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có.” – Bình Ngô Đại Cáo (Nguyễn Trãi)
Câu chuyện dân gian phản ánh mong ước của người dân nhưng cũng minh chứng cho sức mạnh quật cường của dân tộc. Những giai thoại truyền đời góp phần gắn kết bao thế hệ và hun đúc lòng yêu nước trong trái tim mỗi công dân.
Cậu bé được sinh ra từ những dị thường
Thánh Gióng kể về một cậu bé ra đời vào thời vua Hùng Vương thứ sáu. Cha mẹ cậu là những người nông dân chất phác, thật thà nhưng mãi chưa có được mụn con. Gióng đến với cha mẹ như món quà lúc họ đã ở tuổi gần đất xa trời.
Không giống những đứa trẻ khác, mẹ mang thai Gióng sau khi ướm chân vào một vết chân khổng lồ lúc đang làm đồng. Tròn mười hai tháng sau, cậu ra đời nhưng đứa trẻ ấy đến năm ba tuổi vẫn không biết nói, biết cười.
“Sáu đời Hùng vận vừa suy
Vũ Ninh có giặc mới đi cầu tài.
Làng Phù Đổng có một người
Sinh ra chẳng nói, chẳng cười trơ trơ.” – Đại Nam quốc sử diễn ca
Năm ấy giặc Ân tràn vào bờ cõi, vua ráo riết sai sứ giả đi khắp nơi tìm người tài. Bất ngờ thay, đứa bé bao năm chưa biết nói ấy khi nghe tin liền mở miệng cất lời mời sứ giả vào nhà.
Khi ấy, Gióng bảo rằng “Ông về tâu vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”. Từ đây, cậu bé ba tuổi trở thành người anh hùng bất tử giúp dân diệt bạo.
Người trai làng Phù Đổng đánh tan giặc xâm lăng
Từ ngày tiếp đón sứ giả, cậu bé Gióng bắt đầu lớn nhanh như thổi. Với sức ăn cực kỳ mạnh mẽ, thân thể cậu bé ba tuổi ngày càng trưởng thành. Dân làng hay tin sự việc này, ai nấy đều mong chóng đến góp gạo, góp sức để nuôi lớn nhân tài.
Giặc đến núi Trâu, tình thế đất nước nguy khốn. Vừa hay đúng lúc sứ giả đem ngựa, áo giáp và roi sắt đến. Gióng bỗng hóa thành thân hình tráng sĩ cao hơn trượng, khí thế oai phong lập tức cưỡi ngựa lên đường.
Gióng cưỡi chiến mã xông pha trận mạc, ngựa sắt thì khè ra ngọn lửa lớn nuốt sống quân thù. Roi sắt đánh đến đâu, khí thế của chàng tướng sĩ càng mạnh mẽ đến đấy, chẳng mấy chốc đã đánh tan mấy lớp quân xâm lăng.
“Trận mây theo ngọn cờ đào,
Ra uy sấm sét, nửa chiều giặc tan.” – Đại Nam quốc sử diễn ca
Bỗng roi sắt gãy, tưởng chừng mất thế thượng phong, thế nhưng Thánh Gióng liền nhổ bụi tre đằng ngà, biểu tượng cho sức mạnh và sự đoàn kết của dân tộc Việt Nam để càn quét lũ cướp nước.
Đám quân thù sợ quá giẫm đạp lên nhau mà bỏ chạy, Gióng bèn đuổi theo đến tận chân núi Sóc Sơn. Giặc tan, tráng sĩ bái vọng cha mẹ, cởi áo giáp sắt rồi một người một ngựa bay thẳng lên trời.
Thánh Gióng là tứ bất tử của nước Việt
Việt Nam có tứ đại bất tử, tức những vị thánh được dân gian tôn thờ vì công dựng nước, giữ nước. Trong đó, Thánh Gióng được gọi với tên Phù Đổng Thiên Vương.
Sau khi dẹp giặc Ân, vua Hùng đã cho xây đền thờ để ghi nhớ công ơn của Thánh Gióng. Qua nhiều lần trùng tu và phát triển theo chiều dài lịch sử, nơi này trở thành Cụm di tích đền Gióng, đặt tại huyện Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội.
Từ thế kỷ mười một, Hội Gióng ra đời và được tổ chức hàng năm vào ba ngày là mùng bảy, mùng tám và mùng chín tháng Tư Âm lịch tại xã Phù Đổng để ca ngợi chiến công của người anh hùng bất tử.
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã công nhận lễ hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người Việt cũng truyền nhau câu ca dao nhắc nhớ:
“Ai ơi mồng chín tháng tư,
Không đi hội Gióng cũng hư mất đời” – Ca dao
Từ lễ hội nhằm tưởng niệm người anh hùng trong truyền thuyết, Hội Gióng đã trở thành dịp để dân tộc Việt Nam bảo vệ những nét đẹp truyền thống của dân tộc. Dẫu trải qua vết tích của thời gian, ngày hội ấy vẫn vẹn nguyên giá trị của hồn cốt Việt.
Sức mạnh của Gióng là đại biểu cho sức trẻ và lòng yêu nước
Hình ảnh đứa bé ba tuổi vươn mình trở thành anh hùng cứu quốc đã cho thấy sức mạnh và tầm quan trọng của lớp người trẻ tuổi trong việc xây dựng nước nhà giàu mạnh.
Trong câu chuyện về Thánh Gióng còn nhiều ngụ ý về năng lực của thanh niên trai tráng trong quá trình bảo vệ, phát triển đất nước. Người trẻ được nhấn mạnh là lực lượng nòng cốt của quốc gia.
“Ôi sức trẻ! Xưa trai Phù Đổng
Vươn vai, lớn bổng dậy nghìn cân
Cưỡi lưng ngựa sắt bay phun lửa
Nhổ bụi tre làng, đuổi giặc Ân!” – Theo chân Bác (Tố Hữu)
Những tin yêu của nhân dân dành cho tuổi trẻ nước nhà được đúc kết và gửi gắm vào nhân vật Thánh Gióng. Thế hệ tiếp bước sẽ tích lũy những kiên trung, quả cảm mà người xưa để lại, phát huy tài sức để dựng xây Tổ Quốc.
Câu chuyện về tình người trong nhân dân
Trước tiên, cha mẹ của Gióng vốn là những người nông dân hiền lành, chất phác. Bởi vì sống thiện lương và hay giúp đỡ mọi người nên ông bà mặc dù hiếm muộn nhưng đã được “ban tặng” một đứa con.
Khi cậu bé chuyển mình lớn nhanh như thổi để đánh giặc, đôi vợ chồng già làm đến mấy cũng không đủ nuôi con. Lúc này, dân làng đã nhiệt tình giúp đỡ, có bao nhiêu cho hết bấy nhiêu, người không có của thì góp sức nấu cơm nuôi Gióng.
Nhờ vào công sức nhân dân mà cậu bé ba tuổi nhanh chóng hoá thân thành anh hùng, cứu lấy bình yên cho đất nước. Thánh Gióng sau đó trả ơn người dân bằng việc đuổi giặc diệt họa.
Trước khi bay lên trời, cậu vẫn không quên đạo làm con mà bái lạy cha mẹ mình. Đây cũng chính là phẩm chất nổi bật trong đạo đức mà người xưa luôn coi trọng.
Dáng hình Việt Nam trong những câu truyện cổ
Những hình ảnh quen thuộc của làng quê Việt luôn được gửi gắm trong văn học. Tuy bình dị, đơn sơ nhưng chúng đã làm thành hồn cốt dân tộc, tạo nên thành trì vững chãi cho mỗi tác phẩm văn chương Việt Nam.
Truyền thuyết Thánh Gióng được lưu truyền rộng rãi trong nhân dân từ những ngày xưa cũ, gắn liền với nhiều địa danh trong lịch sử dân tộc và làm nên bề dày văn hoá của nền văn học nước nhà.
Cây tre gìn giữ bình yên Tổ Quốc
Tre là biểu tượng gắn liền với làng quê Việt Nam. Giống cây chịu thương chịu khó đã làm bạn cùng người dân Việt từ bao đời, tượng trưng cho những phẩm chất tốt đẹp và tinh thần bất khuất của nhân dân.
“Cây tre Việt Nam ! Cây tre xanh, nhũn nhặn, ngay thẳng, thuỷ chung, can đảm. Cây tre mang những đức tính của người hiền là tượng trưng cao quý của dân tộc Việt Nam.” – Cây tre Việt Nam (Thép Mới)
Cây tre đi vào bao tác phẩm văn học, là chủ đề quen thuộc cho những văn nhân, thi nhân sáng tạo trên mảnh đất văn học màu mỡ. Cùng một đề tài nhưng những dòng viết về cây tre Việt không quen nhàm lối cũ mà có dấu ấn riêng biệt.
“Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanhThân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?” – Tre Việt Nam (Nguyễn Duy)
Hình ảnh cây tre cũng xuất hiện trong trận chiến cùng Phù Đổng Thiên Vương năm ấy. Khi roi gãy, Thánh Gióng không nao núng mà nhổ bụi tre lớn ven đường quật túi bụi vào giặc, làm chúng tan tác muôn phương.
Tre cứng cỏi nhưng mềm dẻo, linh hoạt, ấy là phẩm chất ôn nhu và bất khuất, kiên cường. Tre mọc thẳng đều tăm tắp là biểu tượng cho lòng chính trực, thật thà. Cây tre được ví như kết tinh cho những nét đẹp của người dân Việt Nam.
Dòng sông và con suối trong trang văn Thánh Gióng
Việt Nam là quốc gia có lãnh thổ dài và hẹp ngang, lại nằm sát biển nên có hệ thống sông nước dày đặc. Tuy vậy, phiêu lưu trên từng phiến chữ của Thánh Gióng, tương truyền rằng gót ngựa chàng Gióng đi đến đâu, nơi ấy lún xuống tạo thành ao hồ.
Giai thoại về dấu chân ngựa Gióng còn trở thành cảm hứng văn chương cho thi nhân đời sau, viết thành những áng thơ toàn bích mang đậm hơi thở dân gian.
“Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng đất Tổ Hùng Vương” – Đất Nước (Nguyễn Khoa Điềm)
Nếu có dịp ghé thăm Đền Gióng, mỗi người sẽ được nhắc nhớ về người anh hùng cưỡi ngựa sắt, mặc áo giáp sắt, tay cầm roi sắt đánh tan quân thù. Những địa danh gắn liền với câu truyện truyền thuyết Thánh Gióng vẫn còn đó, trở thành minh chứng cho sự gắn kết son sắc giữa văn học và đời sống nhân dân.
An Hạ
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất