Xuất phát từ thái độ phẫn uất, căm ghét trước tình cảnh xã hội Việt Nam những năm đầu thế kỉ XX, Phạm Duy Tốn đã viết Sống chết mặc bay như để phơi bày hiện thực nhức nhối ấy.
Tác phẩm đã tái hiện rõ nét thân phận nhỏ bé, hèn mọn của người nông dân cùng bản tính nhẫn tâm, lòng lang dạ thú ở giai cấp cầm quyền thời phong kiến.
Đôi nét về tác giả Phạm Duy Tốn
Phạm Duy Tốn sinh ra và lớn lên trong gia đình khá giả, có bố làm Chánh tổng, mẹ là cô đầu nổi tiếng một thời. Quê hương của ông ở huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây, nay là Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.
Nhắc tới tác giả Phạm Duy Tốn, độc giả dễ ấn tượng bởi cuộc đời gập ghềnh, làm qua rất nhiều nghề để mưu sinh của ông. Trước khi bén duyên mực bút, người con làng Phượng Vũ từng đảm nhiệm vị trí thông ngôn, dạy học rồi mở tiệm vàng, cao lâu, làm ngân hàng nhưng không được bao lâu lại bỏ việc.
“Theo lời mẹ tôi nói trong lúc răn dạy tôi khi còn bé thì bố tôi là một người rất đam mê, nhưng chóng chán. Làm đủ mọi việc nhưng không bao giờ làm hết một việc. Tính tình đó đã cắt nghĩa được sự hành nghề lung tung của bố tôi trong một quãng đời ngắn ngủi.” – Con trai ông là Phạm Duy bộc bạch trong bài Viết về bố
Từ đó đến cuối đời, Phạm Duy Tốn như nghe được tiếng gọi nơi trái tim nên chuyên tâm theo đuổi nghề viết văn, làm báo. Thời ấy, ông được đánh giá là người kỳ cựu trong làng nghề khi đã viết cho mười một tờ báo, tạp chí, ở cả Hà Nội và Sài Gòn.
Những bài báo được Phạm Duy Tốn cất bút đều bộc lộ mạnh mẽ thái độ bất mãn, căm ghét đối với chế độ thuộc địa hà khắc cùng sự thối nát của bộ máy quan lại, đồng thời thấu hiểu, thương cảm với hoàn cảnh đói khổ cùng cực, nghèo nàn của người dân.
Số lượng tác phẩm Phạm Duy Tốn để lại không nhiều, chỉ có bốn truyện ngắn là Câu chuyện thương tâm, Sống chết mặc bay, Nước đời lắm nỗi, Con người Sở Khanh.
Dẫu vậy, ông vẫn gây ấn tượng bởi văn phong độc đáo, được đón nhận như một hiện tượng mới lạ trong bối cảnh nền văn học đang bắt đầu duy tân, chuyển mình sang hiện đại.
Dù tuổi đời ngắn ngủi nhưng bốn mươi mốt năm sống và làm nghề của Phạm Duy Tốn đã thực sự trọn vẹn khi ông luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến hiện thực, bộ máy quan lại cùng cuộc sống lầm than, khổ cực của người dân.
Tình huống độc đáo trong truyện ngắn Sống chết mặc bay
Sống chết mặc bay là tác phẩm đầu tiên được Phạm Duy Tốn chấp bút và cũng là truyện ngắn có sức vang dội nhất của ông. Truyện đã phản ánh một cách chân thực về cuộc
sống lầm than, đói khổ mà người nông dân phải chịu đựng và bộ mặt độc ác, tàn nhẫn của giai cấp cầm quyền trong xã hội cũ.
Nhà văn khéo léo xây dựng nên một tình huống truyện độc đáo, đủ sức truyền tải những nỗi đau đáu khôn nguôi đang ngự trị trong lòng người nghệ sĩ chân chính bấy giờ.
“Gần một giờ đêm. Trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá; khúc đê làng X, thuộc phủ X. xem chừng núng thế lắm, hai ba đoạn đã thẩm lậu rồi, không khéo thì vỡ mất.”
Trời lúc này đã chuyển về đêm muộn, khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn của con người sau một ngày dài lao động mệt mỏi. Thế nhưng người dân vẫn đang phải chống chọi với nguy cơ vỡ đê.
Từ láy “tầm tã” giúp người đọc hình dung được sự khắc nghiệt của thời tiết nơi đây, mưa xối xả như trút nước xuống trần gian, nước sông vì thế cũng dâng cao khiến khúc đê đầu làng bị lung lay, yếu thế.
Trước tình cảnh khốn khó, ngàn cân treo sợi tóc ấy, mọi người đều không khỏi hốt hoảng, lo lắng, ra sức làm tất cả chỉ mong giữ được khúc đê.
Trái ngược với dáng vẻ cực khổ và vất vả là sự ung dung, nhàn hạ của những kẻ được coi như cha mẹ nhân dân. Họ thản nhiên ngồi đánh tổ tôm, hưởng thụ cao lương mĩ vị, không mảy may lo nghĩ đến tình cảnh nguy nan mà dân chúng đang phải chịu đựng.
Nhà văn sử dụng cách viết ẩn danh “làng X, thuộc phủ X” nhằm dụng ý rằng hiện tượng “sống chết mặc bay” ấy không chỉ diễn ra tại một địa phương cụ thể mà còn tồn tại ở rất nhiều nơi dưới các hình thức tàn nhẫn khác nhau. Ý nghĩa tư tưởng của văn bản cũng vì thế mà trở nên giàu sức khái quát hơn.
Mở đầu bằng một tình huống hết sức căng thẳng, gay cấn như vậy, tác phẩm không chỉ có khả năng định hướng người đọc từ những dòng đầu tiên mà còn phản ánh chân thực bộ máy quan lại vô tâm, tàn nhẫn dưới thời cai trị của thực dân Pháp.
Thân phận nhỏ bé và hèn mọn của người nông dân trong xã hội xưa
Tấm lòng nặng nỗi thương yêu, lo âu cho thân phận người nhỏ bé giúp ngòi bút Phạm Duy Tốn len lỏi vào tận sâu từng ngõ ngách các vấn đề mà nông dân trong xã hội xưa phải chịu đựng.
Ngay từ những dòng đầu tiên, nhà văn đã tái hiện cho người đọc thấy rõ cảnh dân phu đang ra sức giữ đê.
“Dân phu kể hàng trăm nghìn con người, từ chiều đến giờ, hết sức giữ gìn, kẻ thì thuổng, người thì cuốc, kẻ đội đất, kẻ vác tre, nào đắp, nào cừ, bì bõm dưới bùn lầy ngập quá khuỷu chân, người nào người nấy lướt thướt như chuột lột. Tình cảnh trông thật là thảm.”
Biện pháp nghệ thuật liệt kê đã giúp độc giả hình dung một cách chân thực sự lo lắng, bất an cũng như tinh thần quyết tâm giữ từng tấc đê của người nông dân nơi đây.
Họ vượt qua sự khắc nghiệt từ thời tiết, không nề hà công việc nặng nhọc, mặc cho bùn lầy ngập quá khuỷu chân, chỉ mong sao có thể bảo toàn được khúc đê trước tình thế dữ dội của vũ trụ.
“Tình cảnh trông thật là thảm.” – Nhà văn thốt lên khi chứng kiến cảnh lam lũ và khổ cực của dân phu
Chỉ một câu văn ngắn ngủi nhưng độc giả nghe đâu đây sự xúc động, chua xót cùng giọt nước mắt nghẹn ngào, không nói nên lời của nhà văn dành cho những người nông dân thiện lành.
“Than ôi! Sức người khó lòng địch nổi với sức trời! Thế đê không sao cự lại được với thế nước! Lo thay! Nguy thay! Khúc đê này hỏng mất.”
Trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc, cần sự giúp sức thì quan trên lại để nhân dân một mình chống chọi với thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên. Sống dưới chế độ cai trị vô tâm, tàn nhẫn ấy, những con người lương thiện phải chịu đựng tất cả mọi bất công, trái khoáy.
Bộ máy cai trị độc ác và vô nhân tính được thể hiện ở Sống chết mặc bay
Ngòi bút của Phạm Duy Tốn đã đưa người đọc đến một khung cảnh trái ngược. Trong lúc dân phu chân lấm tay bùn, hết sức lo sợ trước nguy cơ không giữ được con đê đầu làng thì tên quan phụ mẫu lại ở trên đình cao vững chãi để chơi tổ tôm.
Với khả năng quan sát tinh tế, nhà văn đã tái hiện lại một cách chân thực không gian trên đình, nơi viên quan đang ngồi.
“Trong đình, đèn thắp sáng trưng, nha lệ lính tráng, kẻ hầu người hạ, đi lại rộn ràng. Trên sập, mới kê ở gian giữa, có một người quan phụ mẫu, uy nghi chễm chện ngồi.”
Không khí nơi đây trang trọng, ấm cúng, đối ngược với tất cả những lo âu, sợ hãi dân phu đang phải chịu đựng ngoài kia. Dẫu viên quan phụ mẫu biết rõ tình trạng hiện tại của con đê đầu làng nhưng vẫn thản nhiên, không mảy may một chút lo lắng.
Sự vô tâm đến mức độc ác ấy còn thể hiện ở việc hắn sẵn sàng hưởng thụ cao lương mĩ vị trong một không gian sang trọng, mặc kệ dân phu đang ra sức vật lộn với thời tiết, chỉ mong giữ được khúc đê.
“Bên cạnh ngài, mé tay trái, bát yến hấp đường phèn, để trong khay khảm, khói bay nghi ngút, tráp đồi mồi chữ nhật để mở, trong ngăn bạc đầy những trầu vàng, cau đậu, rễ tía, hai bên nào ống thuốc bạc, nào đồng hồ vàng, nào dao chuôi ngà, nào ống vôi chạm, ngoáy tai, ví thuốc, quản bút, tăm bông trông mà thích mắt.”
Với thủ pháp nghệ thuật liệt kê kết hợp ngôn ngữ tự sự, biểu cảm, đoạn văn tái hiện rõ nét khung cảnh đường bệ, sang trọng nơi viên quan phụ mẫu đang ngồi. Điều này đã gợi lên trong lòng độc giả sự ngậm ngùi, chua xót trước nỗi bất công, vất vả mà người nông dân hiền lành phải chịu đựng dưới chế độ cai trị độc ác, vô nhân tính.
Thủ pháp tương phản và tăng cấp trong Sống chết mặc bay
Truyện ngắn Sống chết mặc bay là tác phẩm nổi tiếng nhất trong hành trình viết văn của Phạm Duy Tốn. Để làm nên thành công ấy thì bên cạnh giá trị nội dung, độc giả còn hết sức ấn tượng với thủ pháp tương phản và tăng cấp.
Nhà văn hết sức tài tình khai thác hai thủ pháp này để phơi bày trọn vẹn bức tranh hiện thực dưới thời cai trị của thực dân Pháp. Qua đó, độc giả hiểu rõ hơn về tấm lòng nhân đạo cao cả của nghệ sĩ cầm bút chân chính Phạm Duy Tốn.
Thủ pháp tương phản
Truyện ngắn Sống chết mặc bay đã dựng lên bức tranh tương phản rõ nét giữa cảnh dân phu ra sức hộ đê trong trạng thái ngàn cân treo sợi tóc và không gian đường bệ, nguy nga nơi viên quan phụ mẫu ngồi chơi bài.
Thưởng thức truyện ngắn Sống chết mặc bay, độc giả không chỉ nhận thấy cảnh tương phản rõ nét về không gian ngoài đê và trong đình mà còn là sự đối lập ở thái độ giữa hai đối tượng người dân, quan phủ.
Đứng dưới cơn mưa tầm tã như trút nước, người dân trong làng rơi vào trạng thái lo sợ, rối rít, phải huy động mọi sức người sức của để giữ được con đê. Cùng lúc ấy, những người được coi là cha mẹ của dân thì lại ung dung, điềm tĩnh ngồi chơi tổ tôm.
“Tay trái dựa gối xếp, chân phải duỗi thẳng ra, để cho tên người nhà quỳ ở dưới đất mà gãi.”
Dường như, người dân lo sợ, cuống quýt, điêu đứng vì thiên tai bao nhiêu thì quan phủ lại ung dung, điềm tĩnh, nhàn nhã bấy nhiêu. Họ không có một chút lo lắng cho số phận của dân phu.
Không dừng lại ở đó, mức độ tương phản còn được đẩy lên cao hơn, làm tăng sự kịch tính khi sức người cuối cùng đã không thể chống lại được với sức nước. Đáp lại vẻ hốt hoảng, run sợ khi vào báo đê vỡ là sự điềm nhiên, vô tâm của tên quan phủ.
“Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à? Đuổi cổ nó ra.”
Tình huống tương phản cao độ này hẳn đã khơi gợi lên trong lòng độc giả sự cảm thương cho số phận của những người yếu đuối, thấp cổ bé họng dưới chế độ xã hội phong kiến xưa, tình cảnh khốn cùng do thiên tai và sự tàn ác của kẻ cầm quyền.
Cùng với đó, người đọc hiểu thấu bản chất nhẫn tâm, vô nhân tính của một bộ phận quan lại phong kiến, những kẻ ra sức cướp đoạt tài sản, bóc lột sức lao động của dân nghèo.
Thủ pháp tăng cấp
Thủ pháp tăng cấp là một nghệ thuật nổi bật trong văn chương, được hình dung rằng các hình ảnh, chi tiết ở phía sau tăng dần, qua đó làm rõ bản chất của sự việc, hiện tượng tác giả muốn truyền đạt.
Với truyện ngắn Sống chết mặc bay, nhà văn Phạm Duy Tốn đã sử dụng tài tình thủ pháp nghệ thuật tăng cấp ở việc khắc họa hoàn cảnh đối lập giữa người dân và quan phủ.
Những người dân quê đang đối diện với nguy cơ vỡ đê, tình thế ngày một căng thẳng, chất chứa đầy sự hiểm nguy. Thời tiết khi ấy mỗi lúc một mưa to hơn, nước sông dâng cao cùng bao tiếng nhốn nháo, cầu cứu.
Cũng lúc ấy, tên quan phụ mẫu lại thản nhiên ngồi trong đình cao ráo để thỏa mãn ham thú. Điều đáng nói ở đây là hắn ngày càng lún sâu vào tổ tôm, không thể dứt ra được, mặc cho dân chúng khốn khổ chống chọi với thiên tai.
Những người dân hiền lành có lẽ đã nhìn trước được nguy cơ vỡ đê nên chạy vào bẩm báo với tên quan phụ mẫu ở trong đình. Đáp lại sự hốt hoảng, lo sợ là thái độ cáu gắt, không chút quan tâm.
“Mặc kệ!”
Vừa ngắt lời, tên quan quay người và tiếp tục với những lá bài ma lực. Mọi sự quan tâm của kẻ được coi là cha mẹ đều dồn hết ở đó, không có một chút tình thương nào dành cho người dân lành.
Chưa dừng lại ở đó, thủ pháp tăng cấp còn được Phạm Duy Tốn triển khai trong hoàn cảnh căng thẳng và kịch tính hơn. Ngay lúc này, sự khó khăn, hiểm nguy của người dân như lên đến đỉnh điểm.
“Vừa lúc đó thì tiếng người kêu rầm rĩ, càng nghe càng lớn. Lại có tiếng ồn ào như thác chảy xiết; rồi lại có tiếng gà, chó, trâu, bò kêu vang tứ phía.”
Câu văn làm hiện lên một khung cảnh hết phần tán loạn, dường như ai nấy đều đang rất hốt hoảng và run sợ. Người nông dân lam lũ, yếu đuối khi ấy có lẽ đã không biết phải làm gì hơn ngoài việc chạy vào cầu cứu quan trên.
Tưởng rằng quan phụ mẫu sẽ lo lắng và động chút lòng thương, nhưng thái độ ông dành cho dân tình vẫn là sự vô tâm.
“Đê vỡ rồi! Đê vỡ rồi, thời ông cách cổ chúng mày, thời ông bỏ tù chúng mày! Có biết không? Lính đâu? Sao bay dám để cho nó chạy xồng xộc vào đây như vậy? Không còn phép tắc gì nữa à?”
Điều thể hiện rõ sự vô nhân tính của tên quan không chỉ dừng lại ở thái độ tức giận với kẻ mạo phạm mà còn là hành động ông ta quay vào, giục thầy đề chơi tiếp.
Trong suốt cả quá trình dân chúng cực khổ, lam lũ, ra sức để giữ đê thì tên quan phụ mẫu chưa dừng lại một giây phút nào nghĩ cho tình cảnh của nhân dân. Tất cả tâm trí của ông ta đều dồn vào những ván bài, chỉ mong có thể ù lớn mặc ngoài kia đang như thế nào.
Kết thúc tác phẩm là cảnh quan thắng được ván bài to nhất. Hắn vỗ đùi reo mừng sung sướng trong hoàn cảnh dân tình phải khốn đốn trước thực trạng con đê đầu làng đã vỡ.
“Ấy, trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước tràn lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết; kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không nơi chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh thảm sầu, kể sao cho xiết!”
Mức độ khốn khổ đẩy lên đến đỉnh cao, thảm thương hơn bao giờ hết. Đồng thời, qua đó, độc giả hiểu thấu bản chất lòng lang dạ thú, vô nhân tính của quan phụ mẫu, kẻ được coi là cha mẹ nhân dân.
Ông ta không hề dành một chút thì giờ để hỏi thăm tình cảnh những người dân lành, mặc cho họ đang khổ sở, oằn mình dưới thời tiết khắc nghiệt, chỉ mong có thể giữ được khúc đê đầu làng. Hẳn độc giả đã cảm nhận thấy sự vô tâm, tính chất tàn ác, bất nhân của tên quan phủ.
Truyện ngắn đã thể hiện tấm lòng nhân đạo sâu sắc, bộc lộ qua sự cảm thương, xót xa cho thân phận yếu đuối của người nông dân và thái độ căm ghét, phẫn nộ với những hành động độc ác, nhẫn tâm từ viên quan phụ mẫu.
Đã bao nhiêu năm tháng đi qua nhưng Sống chết mặc bay vẫn giữ được trọn vẹn giá trị tư tưởng sâu sắc, xứng đáng là một trong những truyện ngắn hiện thực tiêu biểu, xuất sắc của nền văn học Việt Nam.
Trường Xuân
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất