Là thuật ngữ được nhắc đến trong nhiều năm qua, Asian fishing là vấn đề với người châu Á nói chung và Đông Á nói riêng khi hình ảnh con người của họ bị sử dụng một cách thiếu tôn trọng.
Tuy nhiên, vấn đề này không chỉ xuất hiện ở những người châu Á mà cả châu Phi, các nước Mỹ Latinh cũng xuất hiện tình trạng tương tự. Thậm chí, một số người nổi tiếng như Ariana Grande còn bị tố “tiếp tay” cho Asian fishing.
Asian fishing là gì? Biểu hiện đặc trưng của Asian Fishing
Asian fishing dùng để chỉ một người không phải là người châu Á nhưng lại cố gắng bắt chước đặc điểm nhận dạng của người châu Á, họ làm điều đó thông qua cách trang điểm, lối ăn mặc và cả chỉnh ảnh để có mắt xếch, mắt một mí.
Asian fishing thường liên quan đến những nước vùng Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Cũng giống như Black fishing, hành vi khiến vẻ ngoài giống người da màu, Asian fishing đang trở thành chủ đề được nhiều người quan tâm ở cả đời thực lẫn trên mạng xã hội.
Asian fishing bắt đầu phổ biến từ khi nào?
Nhờ làn sóng Hallyu, văn hóa Hàn Quốc bắt đầu phổ biến trên toàn thế giới, các thần tượng K-pop dần xuất hiện trên bảng xếp hạng âm nhạc toàn cầu. Ở Nhật Bản, những bộ phim Anime cũng được công chúng tại nhiều quốc gia yêu thích.
Tuy nhiên, sự phổ biến này cũng có mặt trái khi một số người bắt đầu thay đổi phong cách trang điểm hoặc lạm dụng các công cụ chỉnh sửa ảnh, qua đó khiến đôi mắt của họ trông xếch lên hoặc giống như mắt một mí.
Dù chỉ nhằm mục đích thẩm mỹ, những video ghi lại quá trình trang điểm này bắt đầu “ngập tràn” những bình luận khiếm nhã, gây phiền toái cho những người có xuất thân từ vùng Đông Á.
Ban đầu, những bình luận này chỉ “vô thưởng vô phạt” nhưng về sau, hashtag #Asianfishing bắt đầu lan rộng và phổ biến trên mạng xã hội. Trên Tiktok, chủ đề này có gần ba trăm triệu lượt xem còn trên Facebook, việc kêu gọi ngừng bắt chước đặc điểm của người châu Á đã xuất hiện.
Asian fishing có phần giống với Catfish, từ lóng dùng để chỉ những người giả mạo danh tính với mục đích xấu. Một số thuật ngữ được dùng thay thế cho Asian fishing bao gồm Asian baiting, Race fishing.
Những vấn đề nổi cộm khi nhắc đến Asian fishing
Một ngày cuối năm 2021, nữ ca sĩ nổi tiếng Ariana Grande đăng một bộ ảnh mới lên Instagram, nền tảng mạng xã hội mà cô sở hữu 300 triệu người theo dõi.
Với má hồng, môi đỏ, kẻ mắt hình cánh, chiếc ruy băng cùng áo khoác blazer nam quá khổ, phong cách đang thịnh hành ở Hàn Quốc, vẻ ngoài Ariana Grande trông như một người châu Á và khiến cộng đồng mạng “dậy sóng”.
Có người cho rằng sự thay đổi của Ariana là điều dễ hiểu, nhất là khi làn sóng văn hóa Hàn Quốc đang tạo ra những ảnh hưởng to lớn với nền công nghiệp giải trí phương Tây.
Tuy nhiên, một số cá nhân nghĩ rằng Ariana Grande đang lạm dụng phong cách châu Á vào những mục đích không mấy tốt đẹp. Trước đây, cô ca sĩ này cũng bị tố là Black fishing khi trang điểm như một người da màu.
“Tôi thấy khó chịu khi mọi người vẫn bênh vực Ariana Grande sau những gì cô ả đã làm, đầu tiên là Black fishing, chế giễu văn hóa bản địa khi trò chuyện với bạn bè, giờ là Asian fishing.” – Dailymail
Năm 2020, khi xu hướng trang điểm “fox eye”, tạo hình đuôi mắt thêm phần sắc sảo thịnh hành thì một số ngôi sao cũng bắt đầu đăng hình với cử chỉ dùng hai tay kéo phần đuôi mắt hẹp và xếch lên trên, thậm chí là dùng băng keo để dán cho mắt xếch hơn.
Trong quá khứ, hình ảnh người châu Á được truyền thông phương Tây xem như ví dụ điển hình về một chủng người thấp kém, man rợ. Ngoài ra, đôi mắt xếch, nhỏ, làn da nhợt nhạt cũng là những đặc điểm được quy chụp cho người châu Á.
Họ thường gán ghép người châu Á vào những nhân vật xảo quyệt, ranh mãnh hay thậm chí là gợi dục. Chính lối tư duy này tạo nên sự phân biệt chủng tộc tồn tại cho đến ngày nay khi nhắc đến người châu Á, đặc biệt là với phụ nữ.
Nếu vấn đề chỉ gói gọn trong một vài xu hướng thời trang hay cách trang điểm để trở nên giống người châu Á thì sẽ không thể gọi là Asian fishing. Tuy nhiên, điều khiến mọi người phẫn nộ là sự thiếu tôn trọng đến con người lẫn một nền văn hóa lâu đời.
Vấn đề này đang ảnh hưởng tới người châu Á thế nào?
Những lần “dậy sóng” cũng như trào lưu sẽ sớm qua đi, tuy nhiên định kiến mà người châu Á phải chịu đựng vẫn còn đó, khi vẻ bề ngoài khiến họ gặp nhiều rắc rối không đáng có.
Asian fishing sẽ không được nhắc tới nếu chỉ là trang điểm hay trang phục, nhưng việc dùng nét đặc trưng của người châu Á để dấy lên hứng thú về tình dục, sự phân biệt chủng tộc và thu lợi một cách thiếu hiểu biết là cực kỳ vô tâm.
Chưa kể đến, tiêu chuẩn vẻ đẹp theo hướng trẻ trung, gầy gò, trông dễ bị kiểm soát vốn hình thành từ văn hóa gia trưởng của người châu Á. Khi họ cố gắng thoát khỏi vấn đề này thì nhiều người lại cố gắng lợi dụng, không hiểu tổn thương mà nó đã gây ra.
Khi xu hướng thời trang của Nhật Bản, Hàn Quốc được phổ biến như e-girl, waifu thì nhiều bạn nữ cũng cố gắng trang điểm theo các phong cách này, thậm chí quay những video chứa hình ảnh gợi dục.
Những điều này dẫn đến sự tình dục hóa quá đà cho người phụ nữ châu Á. Từ đó, nhận thức của mọi người trên thế giới về hình ảnh con người ở đây cũng sai lệch theo.
An Hy
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất