Nền văn học Việt Nam đã xuất hiện không ít những bài thơ viết về mùa xuân với nhiều sắc thái khác nhau. Đó có thể là hình tượng xuân rạo rực trong thơ Xuân Diệu hay xuân buồn bã, lạnh lùng trong các tác phẩm của Hàn Mặc Tử.
Tuy nhiên, đến với Mùa xuân nho nhỏ, hình tượng mùa xuân hiện lên trong thơ lại gắn liền với vẻ đẹp mộng mơ nơi đất trời xứ Huế và khát khao cống hiến hết mình của chính tác giả.
Thanh Hải là nhà thơ với tấm lòng yêu thiên nhiên và đất nước thiết tha
Nhà thơ Thanh Hải tên thật là Phạm Bá Ngoãn, quê huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ông xuất thân trong một gia đình trí thức nghèo với người cha là giáo viên và mẹ làm nghề nông.
Tác giả bắt đầu hoạt động nghệ thuật từ những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp. Sang tới thời kỳ chống Mỹ cứu nước, nhà thơ trở về quê hương và trở thành cây bút có tầm ảnh hưởng tới nền văn học cách mạng ở miền Nam.
Thanh Hải được xem như một nhà thơ chiến sĩ khi ông đã khơi dậy ngọn lửa cách mạng, thúc đẩy người dân miền Nam đứng lên đấu tranh chống đế quốc Mỹ bằng những sáng tác của mình.
“Cuộc đấu tranh bền bỉ, anh dũng của nhân dân miền Nam, của nhân dân Thừa Thiên là nguồn cảm hứng chủ yếu của thơ Thanh Hải.” – Trần Hữu Tả
Thơ của tác giả thường tập trung đi sâu ca ngợi sự hy sinh của những người mẹ, người vợ, người chiến sĩ dũng cảm, kiên cường cùng tình yêu quê hương nồng nàn, mãnh liệt.
“Thanh Hải chưa phải là một nhà thơ lớn. Nhưng một khi tiếng nói của cách mạng vút lên được thành thơ thì dẫu chưa phải một nhà thơ lớn vẫn rất quý.” – Nhà phê bình Hoài Thanh từng nhận định
Tuy viết về đề tài con người trong chiến tranh khốc liệt nhưng văn phong của người nghệ sĩ xứ Huế ấy lại mang âm hưởng nhẹ nhàng và giàu chất nhạc, gắn liền với làn điệu dân ca trữ tình nơi bản thân thuộc về.
Đặc biệt là khi có tuổi, ngòi bút của nhà thơ Thanh Hải lại càng ghi dấu ấn đậm nét, điều đó thể hiện qua Mùa xuân nho nhỏ, bài thơ được viết không lâu trước khi tác giả qua đời.
Hình tượng mùa xuân trong Mùa xuân nho nhỏ
Mùa xuân nho nhỏ là tác phẩm cuối cùng trong sự nghiệp sáng tác văn chương của nhà thơ Thanh Hải. Bài thơ được sáng tác vào tháng 11 năm 1980, khi ông đang phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo ở một bệnh viện tại Huế.
Được viết vào hoàn cảnh đặc biệt như vậy nhưng độc giả lại không bắt gặp tâm trạng nặng nề, bi ai của nhà thơ trước sự suy tàn mà thay vào đó là hình ảnh căng tràn nhựa sống của một mùa xuân đang phát triển.
Bài thơ có thể được xem như lời tâm nguyện của tác giả vào những phút giây cuối đời, thể hiện sâu sắc tấm lòng thiết tha yêu quê hương và khát khao được dâng hiến hết mình cho cuộc sống.
Hình tượng trung tâm được người nghệ sĩ tập trung khai thác là mùa xuân nơi xứ Huế thơ mộng, thời điểm vạn vật sinh sôi nảy nở, hiện lên với vẻ đẹp dịu dàng nhất.
Mùa xuân trong thơ Thanh Hải không chỉ được hiểu theo nghĩa thực mà nó còn là ẩn dụ cho “mùa xuân” của tổ quốc, của cách mạng. Khi ấy chiến tranh đã kết thúc, đất nước bước vào thời kì hòa bình, đổi mới và phát triển.
Trong bức tranh xuân to lớn ấy của đất nước, hình ảnh “mùa xuân nho nhỏ” cũng mang ý nghĩa sâu sắc về mùa xuân đời người. Đó là quãng thời gian có hạn nhưng ông luôn cố gắng hòa nhập và đóng góp vào mùa xuân tổ quốc.
Vẻ đẹp mùa xuân của thiên nhiên và đất trời xứ Huế
Nếu ví Mùa xuân nho nhỏ là một bức họa thì hẳn Thanh Hải phải là người nghệ sĩ thật tài hoa khi chỉ với vài nét phác họa đơn sơ, nhà thơ đã vẽ nên cả một bức tranh xuân đầy thơ mộng và trữ tình.
Một bông hoa lục bình màu tím biếc nổi bật giữa sắc xanh dòng sông và bầu trời, trên cao là âm thanh thánh thót của chú chim chiền chiện, chỉ một vài đường nét như vậy mà cả bức tranh mùa xuân nơi xứ Huế hiện ra trước mắt.
“Mọc giữa dòng sông xanh
Một bông hoa tím biếc
Ôi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.”
Động từ “mọc” được đảo lên đầu câu thơ “Mọc giữa dòng sông xanh” đã diễn tả sự ngạc nhiên và ngỡ ngàng của tác giả trước sức sống mãnh liệt của mùa xuân, khi một bông lục bình nho nhỏ lại có thể vươn mình trong không gian rộng lớn.
“Một bông hoa tím biếc” gợi người đọc liên tưởng về bông lục bình bé nhỏ mang trên mình sắc tím đặc trưng xứ Huế, từ từ phát triển giữa màu xanh bất tận của mặt nước và bầu trời.
Màu tím biếc và sức sống của bông hoa ấy đã tạo nên một nét chấm phá rất riêng trong tác phẩm, khiến bức tranh xuân thoáng qua thật thơ mộng, thanh bình nhưng lại ẩn chứa nhiều nét độc đáo.
Nhiều độc giả đã từng bắt gặp hình ảnh độc đáo như vậy nhưng với mức độ có phần táo bạo hơn qua tác phẩm Tự Tình II của nữ nhà thơ Hồ Xuân Hương.
“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám
Đâm toạc chân mây đá mấy hòn.”
Hơn thế, nếu mùa xuân trong thơ Tố Hữu là “mùa xuân mơ nở trắng rừng”, toàn bộ không gian đều ăm ắp nàu trắng tinh khôi của hoa mơ thì Thanh Hải chỉ cần “một bông hoa tím biếc”.
Bút pháp chấm phá được sử dụng đã tập trung tất cả điểm nhìn lên bông hoa bé nhỏ. Nằm giữa không gian rộng lớn nhưng nó không gợi ra sự cô đơn, lẻ loi mà lại hiện lên với sức sống mạnh mẽ, tiềm tàng khi xuân về.
Hòa cùng những gam màu tươi sáng của cảnh vật là âm thanh chiền chiện tươi vui và rộn ràng. Có lẽ vì đã quá yêu, quá say đắm trước vẻ đẹp thiên nhiên xứ Huế thơ mộng mà nhà thơ đã cất lên tiếng gọi thiết tha, đầy trìu mến.
“Ơi con chim chiền chiện
Hót chi mà vang trời.”
Từ “ơi” bao trùm lên toàn bộ câu thơ bao cảm xúc bồi hồi và tha thiết, thái độ trân trọng tiếng hót lảnh lót của chim chiền chiện giữa bầu trời trong xanh hay chính là vẻ đẹp đất trời xứ Huế khi sang xuân.
Nghệ thuật nhân hóa lời gọi cùng hai tiếng “hót chi”, cách nói thân thương và dịu ngọt của con người xứ Huế đã diễn tả chân thành tình cảm của nhà thơ với thiên nhiên tạo vật.
Âm thanh lảnh lót mà “vang trời” của chú chim khiến mùa xuân nơi cố đô, vốn phảng phất dư vị trầm mặc của nỗi niềm hoài cổ chợt trở nên rực rỡ và rộn ràng, đồng thời tiếng hót ấy cũng làm cho lòng người cảm thấy rạo rực.
Dường như trong bức tranh mùa xuân xứ Huế với dòng sông xanh, bông hoa lục bình và tiếng hót, còn thấp thoáng đâu đó tà áo tím biếc của người thiếu nữ mộng mơ cùng sắc xanh nơi dòng Hương Giang mềm mại.
Cảm xúc của nhà thơ Thanh Hải trước sự hòa quyện giữa sắc màu tươi sáng và tiếng hót “vang trời” của chú chim chiền chiện không chỉ dừng lại ở sự bất ngờ, say đắm xen lẫn rạo rực mà ông còn muốn nâng niu, trân trọng khoảnh khắc đó.
“Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.”
Trước Thanh Hải, độc giả từng bắt gặp một cái tôi cũng tràn đầy niềm thiết tha yêu cuộc sống, luôn cố gắng trân trọng vẻ đẹp của thiên nhiên với thái độ mãnh liệt hơn, khắc khoải hơn là Xuân Diệu.
“Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn;
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn,
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu,
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng.”
Nếu Xuân Diệu là một cái tôi đã vượt lên cả sự nâng niu và trân trọng mà thay vào đó là khát khao được thâu tóm, được hòa quyện với đất trời thì ở Thanh Hải, ước mong của ông lại giản đơn hơn.
Nhà thơ chỉ muốn đưa tay hứng “giọt long lanh rơi”, giọt nước có màu sắc, có âm thanh của tiếng chim chiền chiện. Biện pháp hoán dụ chuyển đổi cảm giác đã khiến độc giả cảm nhận tiếng hót bằng nhiều giác quan và cảm xúc.
Âm thanh của tiếng chim được cất lên thật trong trẻo và tròn trịa, ngân vang giữa không gian to lớn của đất trời khi sang xuân rồi đọng lại thành từng giọt hữu hình long lanh như hạt ngọc.
“Giọt long lanh rơi” là hình ảnh đa nghĩa, người đọc vừa có thể hiểu đó là giọt nước của tiếng chim đọng lại vương vấn trong không gian nhưng cũng có thể xem là giọt cô đọng từ thiên nhiên và lòng người khi mùa xuân về.
Biện pháp hoán dụ chuyển đổi cảm giác đã khiến những sự vật xuất hiện trong thơ trở nên thơ mộng, góp phần bộc lộ niềm say mê và tâm hồn nhạy cảm trước thiên nhiên của chủ thể trữ tình.
Khi bắt gặp những hình ảnh đã làm nên đặc trưng của mùa xuân như vậy, nhà thơ thể hiện thái độ nâng niu, trân trọng đến từng chi tiết nhỏ, “tôi đưa tay tôi hứng”.
“Giọt long lanh” cũng như vẻ đẹp thiên nhiên, đất trời khi xuân sang không bao giờ là vĩnh viễn, nó mong manh và dễ vỡ thành từng mảnh quá khứ. Nhận thức được điều đó, nhà thơ càng thêm trân trọng và nâng niu thực tại.
Với một người đang trong tháng ngày cuối đời, Thanh Hải không thể hiện cảm xúc lo lắng hay sợ hãi trước cái lụi tàn mà ông bộc lộ sự thanh thản, nhẹ nhàng và niềm trân trọng từng phút giây còn lại với cuộc sống.
Mùa xuân của đất nước và cách mạng
Từ vẻ đẹp thiên nhiên và đất trời xứ Huế thơ mộng khi xuân sang, nhà thơ Thanh Hải chuyển sang cảm nhận mùa xuân của đất nước gắn liền với cuộc sống sinh hoạt mỗi người dân.
“Mùa xuân người cầm súng
Lộc giắt đầy quanh lưng
Mùa xuân người ra đồng
Lộc trải dài nương mạ
Tất cả như hối hả
Tất cả như xôn xao…”
Đất nước vừa bước ra khỏi chiến tranh, cuộc sống con người lúc bấy giờ xoay quanh hai nhiệm vụ chính. Trong đó, “người cầm súng” với vai trò chiến đấu bảo vệ tổ quốc và “người ra đồng” làm công việc phát triển kinh tế.
Đây là hình tượng quen thuộc, thường xuất hiện trong nền văn học cách mạng như Đồng chí của Chính Hữu, Quang Dũng với Tây Tiến. Đến Mùa xuân nho nhỏ, hình ảnh đó một lần nữa xuất hiện qua ngòi bút miêu tả mới lạ.
Lộc là chồi non mới nhú, thể hiện sự nảy mầm và tràn trề sức sống của cảnh vật khi mùa xuân tới. Hình ảnh trùng điệp “lộc giắt đầy” và “lộc trải dài” đã tô điểm cho bức tranh xuân một màu xanh tươi mới bạt ngàn.
“Người cầm súng” gắn liền với hình ảnh “lộc giắt đầy quanh lưng”, điều này gợi liên tưởng tới những người lính cụ Hồ, ngày đêm lên đường làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.
“Lộc giắt đầy quanh lưng” người chiến sĩ không chỉ được hiểu là lớp áo bảo vệ hay lớp ngụy trang mà nó còn là mầm gieo bao ước mơ, hy vọng về nền hòa bình của đất nước.
Còn với người ra đồng, mùa xuân của họ là “lộc trải dài nương mạ”. Những con người ấy mang tới mùa màng một màu xanh tươi tốt và gieo trồng hạt mầm của hạnh phúc, ấm no.
Ý thơ trên còn có thể hiểu rằng máu của người lính ra trận, mồ hôi và nước mắt của người ra đồng đã trở thành “lộc”. Đó là hai thứ góp phần giữ lấy mùa xuân cho đất nước, cho dân tộc.
Trong cái màu xanh tươi non kia, một sức sống tràn trề của đất trời và cảnh vật đang dao động. Có lẽ vì vậy mà nhà thơ đã sử dụng các giác quan của mình mà nhìn thấy dưới lớp nhựa dồi dào ấy “Tất cả như hối hả /Tất cả như xôn xao”.
Điệp từ “tất cả” kết hợp với từ láy “hối hả”, “xôn xao” đã khắc họa rõ nét nhịp điệu rộn ràng và tất bật khi mùa xuân về, đồng thời cũng mở ra bao cảm xúc tự hào của tác giả về đất nước.
“Đất nước bốn ngàn năm
Vất vả và gian lao
Đất nước như vì sao
Cứ đi lên phía trước.”
Nếu ở khổ thơ đầu, giọng thơ đầy nhẹ nhàng và trìu mến khi miêu tả bức tranh xuân thì sang đến khổ thơ này, nhịp thơ nhanh hơn, đầy hưng phấn trước vẻ đẹp mùa xuân đất nước.
Tác giả thể hiện niềm tự hào khó giấu của mình về đất nước Việt Nam thân yêu với bốn ngàn năm lịch sử “vất vả và gian lao” nhưng vẫn mạnh mẽ “đi lên phía trước” bằng sức mạnh, ý chí kiên cường.
Hình ảnh so sánh “đất nước như vì sao” đã bộc lộ rõ nét niềm cảm phục của nhà thơ trước một đất nước anh hùng. Trên nền trời đen tối kéo dài “bốn ngàn năm”, dân tộc Việt Nam vẫn tỏa sáng tựa vì sao, băng băng tiến về phía trước.
Đất nước dù có phải đối mặt với nhiều vất vả nhưng vẫn không bị che mờ bởi bóng tối mà trở thành một vì sao luôn tỏa sáng rực rỡ bằng chính sức mạnh nội tại, hướng về tương lai với niềm tin mãnh liệt.
Lời ước nguyện đẹp đẽ trong Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ
Biết ơn và tự hào về đất nước với những con người đã dũng cảm hy sinh thân mình để dành lấy tự do cho dân tộc, nhà thơ Thanh Hải đã đi đến ước nguyện chân thành của chính mình.
“Ta làm con chim hót
Ta làm một nhành hoa
Ta nhập vào hòa ca
Một nốt trầm xao xuyến.
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
Phép điệp “Ta làm…”, “Ta nhập” diễn tả một cách tha thiết và chân thực khát vọng được hòa nhập vào cuộc đời, được cống hiến những phần tốt đẹp nhất của bản thân, dù là bé nhỏ cho đất nước.
Ở khổ thơ đầu, vẻ đẹp của bức tranh xuân được miêu tả qua hình ảnh bông hoa tím biếc, dòng sông xanh và tiếng hót chim chiền chiện. Sang đến hai khổ thơ này, tác giả lại sử dụng những sự vật ấy để nói lên tâm niệm chính mình.
Trong mùa xuân của đất nước, nhà thơ muốn được làm “con chim hót”, “một nhành hoa” và “một nốt trầm xao xuyến” để làm nên “một mùa xuân nho nhỏ” dâng hiến tất cả vẻ đẹp cho cuộc đời.
“Làm con chim hót”, tác giả muốn cất lên tiếng vang ca ngợi vẻ đẹp đất trời, “làm một nhành hoa”, ông mong đem hương thơm tỏa ngát cho cuộc đời và là “một nốt trầm”, Thanh Hải khát khao được “nhập” vào bản hòa ca xao xuyến.
Giữa bản hòa ca cuộc đời ấy, người nghệ sĩ chỉ muốn mình làm một nốt trầm bé nhỏ, nâng đỡ những nốt nhạc khác thăng hoa và vang vọng trong thính phòng, không cần là nốt cao hay nốt ngân dài.
Hình ảnh “nốt trầm” là ẩn dụ cho ước nguyện cống hiến thầm lặng, không cần được biết tới và ca ngợi. Nó xuất hiện trong bài thơ như một dấu lặng, để lại ấn tượng khó phai trong lòng độc giả.
Nhà thơ Thanh Hải thật tinh tế khi kết hợp “nốt trầm” với tính từ “xao xuyến”. “Nốt trầm xao xuyến” là những tâm nguyện khiêm nhường nhưng đẹp đẽ, luôn hiện hữu trong cung đàn muôn bậc của cuộc sống.
Mùa xuân tượng trưng cho những điều đẹp đẽ và tinh túy nhất của đời người, đó là thứ mà người nghệ sĩ muốn được hiến dâng cho cuộc đời chung với tất cả tấm lòng thành kính.
“Nếu là con chim, chiếc lá
Thì chim phải hót, chiếc lá phải xanh
Lẽ nào vay mà không có trả
Sống là cho, đâu phải nhận riêng mình.” – Tố Hữu
Khát khao được cống hiến ấy thật lớn lao và cao đẹp nhưng với riêng nhà thơ Thanh Hải, đó chỉ là “một mùa xuân nho nhỏ”, mùa xuân của đời người được hòa nhập vào mùa xuân chung đất nước.
Tính từ “lặng lẽ” khi đảo lên đầu câu thơ như muốn nhấn mạnh ước nguyện được cống hiến trong thầm lặng, không phô trương, ồn ào. Đó là một lẽ sống cao đẹp nhưng rất khiêm nhường.
Tuy nhiên, khát khao cống hiến hết mình cho quê hương của nhà thơ Thanh Hải không chỉ dừng lại ở tuổi trẻ, tuổi đôi mươi mà nó còn kéo dài suốt cuộc đời, tới khi ông ở độ xế chiều.
“Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.”
Điệp ngữ “dù là” đặt ở đầu hai câu thơ liên tiếp đã khẳng định ước nguyện được dâng hiến miệt mài, không biết mệt mỏi của ông nói riêng và con người Việt Nam nói chung.
Từ “tuổi hai mươi”, lứa tuổi còn căng tràn sức sống cho tới “khi tóc bạc”, hình ảnh hoán dụ tượng trưng cho tuổi già, người nghệ sĩ ấy cứ thế cống hiến cả cuộc đời cho đất nước.
“Mùa xuân – ta xin hát
Câu Nam Ai, Nam Bình
Nước non ngàn dặm mình
Nước non ngàn dặm tình
Nhịp phách tiền đất Huế…”
Những nét đặc trưng của xứ Huế được nhà thơ Thanh Hải đưa vào trong Mùa xuân nho nhỏ qua hình ảnh khúc Nam ai buồn thương và khúc Nam bình dịu dàng, trìu mến.
Khổ thơ cuối đã đúc kết tất cả vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời mùa xuân và xứ Huế mơ mộng, đồng thời cũng là nơi chất chứa bao nỗi niềm tâm sự của một con người đang sống những ngày cuối cuộc đời.
Những bài thơ được viết trên giường bệnh xưa nay không lạ nhưng để tác phẩm thực sự sống thay tác giả, ở lại trò chuyện, an ủi và động viên mọi người thì lại là một việc hiếm.
Đọc văn học Việt Nam trưng đại, nhiều độc giả biết đến bài thơ Cáo tật thị chúng (Có bệnh bảo mọi người) của thiền sư Mãn Giác với hình tượng nhành mai thật độc đáo:
“Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.”
Dịch nghĩa:
“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.”
Phải là người đã trải qua hành trình tu luyện gian khổ thì mới có thể đối mặt cái chết bằng thái độ lạc quan và tích cực như thiền sư Mãn Giác, đặc biệt là việc thể hiện những xúc cảm trong thơ của mình.
Cành mai xuất hiện như một nghịch lý, khi xuân đã tàn thì mai rụng hết nhưng thật lạ khi “đêm qua sân trước một nhành mai”. Điều ấy vượt lên quy luật sinh tử thông thường, mang trong mình biểu tượng của lạc quan và niềm hy vọng.
Mùa xuân nho nhỏ của nhà thơ Thanh Hải cũng như vậy. Nó mang trong mình sức sống của thái độ lạc quan và niềm tin về tương lai tươi sáng của tác giả, người sắp xa rời cõi nhân gian.
Trước lúc đi xa, người nghệ sĩ vẫn cố gắng vượt lên từng bước, để lại cho đời những dư âm cao đẹp nhất và bao tiếng thơ “chân chất bình dị, đôn hậu và chân thành”.
Mùa xuân nho nhỏ hẳn là sự kết hợp nhuần nhuyễn của một ngòi bút phong tình đậm chất Huế và những phút giây thăng hoa của một tâm hồn đang rạo rực với đời, với cuộc sống.
Bạch Dương
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất