Được sáng tác trong những năm đầu kháng chiến chống Mỹ, Tiếng gà trưa cũng như nhiều tác phẩm cùng thời đều hướng tới chủ đề chính bao trùm nền văn học Việt Nam bấy giờ là lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng chiến đấu của dân tộc.
Tuy nhiên, với tác phẩm Tiếng gà trưa, nhà thơ Xuân Quỳnh lại đi sâu vào việc khai thác những điều gần gũi, bình dị và bao kỷ niệm thuở ấu thơ của mình để từ đó cất lên những giai điệu hòa nhập vào bản hòa ca thời đại.
Xuân Quỳnh là hồn thơ nữ tính đầy tha thiết mà mạnh bạo
Tác giả Xuân Quỳnh sinh ra tại thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây trong một gia đình công chức nhỏ. Sớm mồ côi mẹ nên suốt những tháng ngày thơ ấu, nữ nhà thơ lớn lên trong tình yêu thương bao la và sự chở che của bà.
Chính vì lớn lên trong hoàn cảnh thiếu hụt tình thương của cả bố lẫn mẹ nên bà luôn ám ảnh với sự xa cách và chia lìa, đồng thời bản thân người thi sĩ ấy cũng thể hiện nỗi khát khao về hạnh phúc gia đình và đôi lứa.
“Cõi đời vốn đã đầy cay cực, xáo động, Xuân Quỳnh lại sinh đúng vào những năm tháng không yên, bản thân, ngay từ trứng nước đã đa mang một cõi lòng không yên định, đầy những lo sợ không đâu như một thứ nghiệp dĩ. Thế mà, người đàn bà ấy lại coi hạnh phúc là yên lành và suốt đời cứ cố kiếm tìm, vun trồng, gìn giữ cái yên trong một thế giới đầy nắng nôi dông bão, trong một thời buổi cơ hồ chẳng có chút nào yên.” – Chu Văn Sơn
Những biến cố cuộc đời là nhân tố góp phần ảnh hưởng sâu sắc tới phong cách sáng tác của nữ nhà thơ Xuân Quỳnh. Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn đã từng nhận xét đó là một hồn thơ bơ vơ giữa “hai bờ khắc nghiệt và yên bình”.
Tuy nhiên, tập thơ đầu tay Chồi biếc lại giúp Xuân Quỳnh lại được nhiều độc giả biết đến như một hồn thơ trẻ trung, sôi nổi nhưng cũng nữ tính với giọng điệu tha thiết, dịu dàng đặc trưng của người con gái.
“Tôi yêu thơ Xuân Quỳnh trước tiên vì cái vẻ trẻ trung tươi tắn, cái vẻ hồn nhiên, cởi mở của người làm thơ, yêu cách viết nghịch ngợm, dí dỏm, không cần làm duyên mà vẫn có duyên của người cầm bút. Chính nó cũng là điểm phân biệt giữa Xuân Quỳnh với một vài nhà thơ nữ khác… Xuân Quỳnh đến với thơ một cách hồn nhiên, không chút cố tình gượng ép. trong thơ chị thực sự có hồn thơ – đó là điều đáng quý nhất đối với những ai được gọi là thi sĩ.” – Chu Văn Nga nhận xét trong tác phẩm Xuân Quỳnh – một chồi thơ mắt biếc
Thơ Xuân Quỳnh thường viết về những điều bình dị, gần gũi xuất hiện trong đời sống thường nhật. Chính những điều giản đơn ấy đã thể hiện rõ nét phong cách sáng tác cũng như cá tính của nữ thi sĩ.
Người nghệ sĩ ấy sở hữu trái tim chân thành, tràn đầy tình yêu thương và khát khao hạnh phúc nhưng đồng thời là một cái tôi nhạy cảm, hay lo âu trước những biến suy cuộc đời.
“Có lẽ thế, thơ Xuân Quỳnh là thơ của một cánh chuồn bay tìm chỗ nương thân trong nắng nôi dông bão của cuộc đời… Cánh chuồn bé bỏng mong manh ấy bay ra từ những ẩn ức của một đứa trẻ côi cút, chơ vơ giữa cõi trần ai đầy bất trắc, trôi nổi vô định này. Nó quá nhạy cảm với bão tố, mang tin bão về, để rồi chẳng tìm đâu ra một chốn nương náu, chở che.” – Chu Văn Sơn
Đến với tập thơ Hoa dọc chiến hào được sáng tác trong những năm kháng chiến chống Mỹ ác liệt, tuy tác phẩm ít nhiều mang cảm thức chiến tranh nhưng độc giả vẫn thấy rõ hồn thơ nữ tính đầy độc đáo của Xuân Quỳnh.
Bức tranh tuổi thơ đầy hoài niệm với người bà và tiếng gà trưa
Tiếng gà trưa là bài thơ được trích từ tập Hoa dọc chiến hào, được xem như cuốn hồi ký ghi lại những kỷ niệm thời thơ ấu của nhà thơ Xuân Quỳnh bên người bà tần tảo, chắt chiu và tràn đầy tình yêu thương cháu.
Đặt trong thời kì thơ mới, nhan đề tác phẩm không để lại nhiều ấn tượng trong lòng độc giả nhưng chính thứ âm thanh quá đỗi quen thuộc ấy lại là dấu hiệu nghệ thuật mở đầu của một bài thơ.
“Các cụ ưa những màu đỏ choét, ta lại ưa những màu xanh nhạt. Các cụ nao nao vì tiếng trùng đêm khuya, ta lại bâng khuâng vì tiếng gà đúng ngọ.” – Lưu Trọng Lư
Tác phẩm nằm trong phạm vi thơ cách mạng chống Mỹ thời kỳ đầu với khát vọng cống hiến cho dân tộc, tinh thần ấy từng được nhà thơ Lê Anh Xuân bộc lộ “Ôi ta thèm được cầm khẩu súng/ Đi giữa đoàn quân cùng với bạn bè”.
Đặt trong hoàn cảnh ra đời như vậy, Tiếng gà trưa của Xuân Quỳnh vừa thể hiện nét chung lẫn nét riêng độc đáo. Bài thơ vẫn khích lệ tinh thần chiến đấu chống giặc của nhân dân nhưng khí thế ấy lại được xuất phát từ dòng hoài niệm.
Không phải những ngôn từ đầy sáo rỗng, Xuân Quỳnh làm dạt dào khát vọng chiến đấu bằng dòng suy tưởng miên man về quá khứ, nơi có bao kỷ niệm thời thơ ấu đẹp đẽ bên người bà.
Âm thanh tiếng gà trưa khơi dậy bao cảm xúc trong lòng người chiến sĩ
Hiện lên ở đầu bài thơ là hình ảnh người lính trên đường hành quân đang “dừng chân bên xóm nhỏ” thì bỗng nhiên vang vọng trong không gian là tiếng gà nhảy ổ “cục… cục tác cục ta”.
“Trên đường hành quân xa
Dừng chân bên xóm nhỏ
Tiếng gà ai nhảy ổ:
“Cục… cục tác cục ta”
Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ.”
Nhiều độc giả đã từng bắt gặp tiếng gà trưa xuất hiện trong tác phẩm Nắng mới của Lưu Trọng Lư qua câu thơ “Mỗi lần nắng mới hắt bên sông/ Xao xác gà trưa gáy não nùng”.
Nếu tiếng gà của Lưu Trọng Lư là thứ thanh âm bổ trợ, xuất hiện sau tín hiệu “nắng mới hắt bên sông” thì trong thơ Xuân Quỳnh. tiếng gà lại đóng vai trò như huyết mạch kết nối toàn bộ tác phẩm.
Mở đầu bài thơ, thanh âm quen thuộc vang lên giữa trưa hè oi ả như chứa đựng những phút giây lắng đọng trong tâm hồn người chiến sĩ trên chặng đường hành quân đầy mệt mỏi.
Âm thanh quen thuộc vang lên làm cho tâm trạng của người chiến sĩ rung động mãnh liệt. Dòng cảm xúc đang xao xuyến ở hiện tại trôi về quá khứ qua những hồi tưởng.
“Nghe xao động nắng trưa
Nghe bàn chân đỡ mỏi
Nghe gọi về tuổi thơ.”
Điệp từ “nghe” kết hợp cùng biện pháp ẩn dụ chuyển đổi cảm giác được nữ nhà thơ sử dụng đã khắc họa rõ nét sự xao động, những biến đổi tinh vi trong tâm trạng và suy nghĩ của người chiến sĩ.
Mỗi lần từ “nghe” được lặp lại, trường lan tỏa âm thanh của tiếng gà càng được bộc lộ rõ nét nhưng đó không phải là sự mở ra theo chiều kích không gian mà là sự chuyển động dựa trên chiều sâu cảm xúc.
Đầu tiên là sự thay đổi trong ngoại cảnh “nghe xao động nắng trưa” rồi tới sự xâm lấn của cảm giác khi “nghe bàn chân đỡ mỏi”, cuối cùng là thấm sâu nơi tâm hồn với “nghe gọi về tuổi thơ”.
Cái tài và cái tình của Xuân Quỳnh ở đây là bà đã miêu tả chân thực những thay đổi tinh vi, khó nói thành lời xuất hiện trong tâm hồn nhân vật chỉ bằng đôi câu thơ nhẹ nhàng nhưng thấm đượm cảm xúc.
Mở đầu bài thơ là “tiếng gà nhảy ổ” quen thuộc văng vẳng ở thực tại nhưng tới cuối khổ, nó lại trở thành âm thanh vang vọng từ quá khứ, từ hồi ức tuổi thơ nơi đong đầy nỗi nhớ.
Những kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ của người cháu khi gắn bó bên bà
Theo dòng hồi tưởng của người chiến sĩ trong phút giây lắng đọng tâm hồn, những kỷ niệm thời thơ ấu ùa về như cuốn phim quay chậm, được nhìn nhận dưới góc nhìn đầy thương nhớ.
Ba chữ “tiếng gà trưa” được lặp đi lặp lại bốn lần ở đầu mỗi khổ, điểm nhịp cho dòng cảm xúc của nhân vật. Nó vừa gợi những hình ảnh trong kỷ niệm tuổi thơ vừa như một sợi dây liên kết các hình ảnh ấy thành dòng tâm tưởng.
“Tiếng gà trưa
Ổ rơm hồng những trứng
Này con gà mái mơ
Khắp mình hoa đốm trắng
Này con gà mái vàng
Lông óng như màu nắng.”
Bức tranh đồng quê được nữ nghệ sĩ Xuân Quỳnh khắc họa thật đặc sắc với nhiều gam màu ấm nóng, đó là ổ rơm đầy ắp trứng hồng, là đàn gà mái với bộ lông sặc sỡ mà óng mượt.
Cô gà mái mơ được khắc họa qua nét hoa văn “khắp mình hoa đốm trắng” khiến bộ lông hiện lên lấp lánh như ánh sao trên bầu trời, bên cạnh là sự xuất hiện của chị mái vàng với bộ cánh “lông óng như màu nắng”.
Từ hình ảnh đàn gà và ổ rơm, hình ảnh người bà hiện lên trong kết nối tự nhiên của mạch cảm xúc. Tiếng gà trưa một lần nữa xuất hiện đầu khổ thơ, đóng vai trò như thanh âm kéo gọi những kỷ niệm tuổi thơ tràn về.
“Tiếng gà trưa
Có tiếng bà vẫn mắng
– Gà đẻ mà mày nhìn
Rồi sau này lang mặt!
Cháu về lấy gương soi
Lòng dại khờ lo lắng.”
Kỷ niệm được tác giả khắc họa trong khổ thơ là lần tò mò xem trộm gà đẻ và bị bà mắng. Tiếng mắng của bà vào thời điểm đấy khiến nhân vật “lòng dại khờ lo lắng” nhưng ở hiện tại, đó lại là lời nói ngọt ngào đầy thương yêu.
Bà mắng vì thương cháu, không muốn cháu bị lang mặt. Theo quan niệm dân gian, nếu nhìn gà đẻ, da mặt sẽ có những đám trắng loang lổ nên bà mới mắng yêu việc nghịch ngợm dại khờ ấy.
Ngòi bút của Xuân Quỳnh thật tinh tế khi miêu tả chân thực những cảm xúc vụng về, đáng yêu của trẻ nhỏ, chỉ nghe bà mắng thôi nhưng cũng lo lắng và hoảng sợ tới nỗi lấy gương soi dù phần nào biết không phải thật.
Trong năm tháng tuổi thơ còn sót lại trong kí ức của cháu, hình ảnh bà vẫn luôn hiện diện nhưng nó không chỉ xuất hiện trong tâm trí mà còn nắm giữ một góc nhỏ nơi trái tim nhân vật.
“Tiếng gà trưa
Tay bà khum soi trứng
Dành từng quả chắt chiu
Cho con gà mái ấp”
Một lần nữa, tiếng gà trưa lại vang lên, xao động mạch cảm xúc nối dài của bài thơ, đồng thời văng vẳng trong tâm hồn nhiều độc giả. Hình tượng người bà tiếp tục được khắc họa thật thật đẹp đẽ dưới ngòi bút của nhà thơ Xuân Quỳnh.
Nếu khổ thơ trên, tình yêu thương của bà thể hiện qua việc nhắc nhở cháu ở những lần nghịch dại thì trong khổ này, mọi thứ lại hiện lên qua hành động “khum soi trứng”.
Tuổi thơ cháu thiếu vắng nhiều điều nên người bà chỉ có tình yêu thương bao la và ổ trứng gà để bù đắp. Việc bà chắt chiu từng quả trứng nhỏ cũng chính là đang mang đến những điều tốt đẹp nhất trong khả năng của mình.
“Cứ hàng năm hàng năm
Khi gió mùa đông tới
Bà lo đàn gà toi
Mong trời đừng sương muối
Để cuối năm bán gà
Cháu được quần áo mới.”
Sự kéo dài của chuỗi thời gian “cứ hàng năm hàng năm” thể hiện cho sự lặp lại của bao nỗi lo âu và mong mỏi của bà. Người bà ấy chưa bao giờ lo nghĩ cho bản thân mình mà luôn đặt những người con, người cháu lên hàng đầu.
Ước muốn “mong trời đừng sương muối” của bà cũng xuất phát từ niềm trăn trở đó. Bà lo “đàn gà toi” không phải vì lợi ích của chính mình mà lo đứa cháu không có được những bộ quần áo mới để đi chơi Tết.
Trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Mỹ, quần áo mới ngày Tết dường như là một điều xa xỉ đối với mỗi đứa trẻ lớn lên ở vùng nông thôn nhưng riêng với cháu, người bà vẫn luôn âm thầm thực hiện mong ước đó.
Những hình ảnh về bà được miêu tả nối tiếp và tạo thành một mạch chảy xuyên suốt. Hóa ra, bà “khum soi trứng”, chắt chiu từng đồng rồi “mong trời đừng sương muối” chỉ để cháu có bộ cánh mới trong lễ Tết.
Tình yêu thương của bà là bao la, không thể đong đếm nổi. Người bà ấy luôn cố gắng bù đắp những thiếu sót về mặt tinh thần, vật chất vì cháu không nhận được nhiều quan tâm từ bố mẹ.
Bà hiện lên qua dòng hồi tưởng của cháu thật đẹp. Vẻ đẹp ấy là những lời mắng yêu ngọt ngào, là sự tần tảo với đôi bàn tay tỉ mỉ “khum soi trứng” và là trái tim đong đầy tình yêu thương.
Người cháu hồi tưởng lại những kỷ niệm thời ấu thơ là để thỏa mãn nỗi nhớ về bà, tìm lại cảm giác vui sướng hồn nhiên khi được bà giúp mình thực hiện bao ước mơ thuở còn nhỏ.
“Ôi cái quần chéo go
Ống rộng dài quết đất
Cái áo cánh trúc bâu
Đi qua nghe sột soạt.”
Niềm vui tuổi thơ trong cảnh nghèo thật giản dị. Những bộ quần áo mới với bao “khuyết điểm” như “ống rộng dài quết đất” hay chiếc áo quá khổ nên “đi qua nghe sột soạt” lại là ước mơ đi vào giấc ngủ của người cháu.
“Tiếng gà trưa
Mang bao nhiêu hạnh phúc
Đêm cháu về nằm mơ
Giấc ngủ hồng sắc trứng.”
Hoàn cảnh ra đời của bộ quần áo đầy “khuyết điểm” ấy được độc giả hiểu theo nhiều cách khác nhau. Đó có thể là chiếc quần, chiếc áo của anh chị nhường lại cho em hay cũng có thể là phần dư để mặc những năm kế tiếp.
Tuy có nhiều cách tiếp cận hình ảnh thơ trong tác phẩm nhưng mục đích cuối của nhà thơ Xuân Quỳnh là khắc họa rõ nét ước mơ nhỏ bé và bình dị của bao đứa trẻ lớn lên trong cảnh nghèo, trong thời chiến tranh.
Chỉ là một món quà mới ngày Tết nhưng nó lại là khát khao, là niềm hạnh phúc ngập tràn tới mức “giấc ngủ hồng sắc trứng”. Những kỷ niệm đẹp đẽ đó đã in đậm trong lòng người chiến sĩ ngay từ tuổi hồn nhiên.
Những suy ngẫm và chiêm nghiệm được kết tinh từ hồi ức quá khứ
Từ dòng hoài niệm về thời thơ ấu đẹp đẽ, hình ảnh người bà và những kỷ niệm tuổi thơ gắn với tiếng gà đã đi sâu vào tâm thức, trở thành một phần thiêng liêng trong tâm khảm người cháu.
Nỗi nhớ những kỷ niệm tuổi thơ của người chiến sĩ cũng vì vậy mà được nâng lên thành chiêm nghiệm sâu sắc về mục đích chiến đấu, lòng quyết tâm đánh đuổi quân thù để bảo vệ nước nhà.
“Cháu chiến đấu hôm nay
Vì lòng yêu Tổ quốc
Vì xóm làng thân thuộc
Bà ơi, cũng vì bà
Vì tiếng gà cục tác
Quả trứng hồng tuổi thơ.”
Lý tưởng chiến đấu cao cả của người chiến sĩ được nhà thơ Xuân Quỳnh lý giải thật độc đáo. Với tác giả, lý do người cháu lên đường đánh giặc không chỉ được gói gọn trong “lòng yêu Tổ quốc” mà còn là tình yêu với những điều bé nhỏ.
Phép liệt kê từ khái quát đến cụ thể Tổ quốc, xóm làng thân thuộc, bà và ổ trứng hồng đã khắc họa rõ nét mục đích chiến đấu của người lính, đồng thời chỉ ra ngọn nguồn cho tấm lòng yêu nước cao cả.
Theo nữ thi sĩ Xuân Quỳnh, lòng yêu quê hương xuất phát từ tình yêu những điều nhỏ bé và bình dị hàng ngày. Nhiều độc giả đã từng bắt gặp ý tưởng này qua câu nói của nhà thơ người Nga Ilya Grigoryevich Ehrenburg.
“Dòng suối đổ vào sông, sông đổ vào dải trường giang Vôn-ga, con sông Vôn-ga đi ra bể. Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trở nên lòng yêu Tổ quốc.” – Ilya Grigoryevich Ehrenburg
Nếu nhà thơ Ilya Grigoryevich Ehrenburg diễn tả những hình ảnh ẩn dụ về lòng yêu nước từ cụ thể tới khái quát thì Xuân Quỳnh lại bắt đầu ý tưởng của mình theo trình tự ngược lại.
Tuy nhiên, hai người nghệ sĩ đều có điểm chung về cách lý giải lòng yêu nước. Tình yêu ấy không phải thứ tình cảm sến sẩm và sáo mòn, nó được bồi đắp từ những điều quen thuộc nhất.
Trong tác phẩm Buổi học cuối cùng của nhà văn Alphonse Daudet, nếu lòng yêu nước của thầy Ha-men được thể hiện qua tình yêu với ngôn ngữ dân tộc thì ở Tiếng gà trưa, đó là tình yêu với xóm làng, người bà và ổ trứng tuổi thơ.
Trong hoàn cảnh chiến đấu chống Mỹ, tình yêu nước của nữ nhà thơ không đậm chất khẩu hiệu mà lại đi sâu khai thác và nhấn mạnh ảnh hưởng của những điều trông thật bình thường.
Hồn thơ Xuân Quỳnh là vậy, đầy vẻ duyên dáng của người thiếu nữ, giàu cảm xúc trong từng lời thơ nhưng cũng thật mạnh mẽ, ngang tàng như một con người thời đại.
Bạch Dương
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất