Thơ ca cách mạng đã “hóa thạch” một thời kỳ lịch sử dân tộc không thể nào quên. Những trang thơ sục sôi không khí chiến đấu hào hùng, ngời sáng vẻ đẹp người lính vệ quốc hay những vần thơ đầy nỗi tin yêu trước sự dẫn lối của Đảng vẫn còn đó trong trái tim người đọc bao thế hệ. Đặc biệt là thi phẩm Từ ấy, bài thơ đại diện tiêu biểu cho hồn thơ Tố Hữu một cách hoàn hảo.
Trong Từ ấy, Tố Hữu cũng “thai nghén” nên những câu thơ được tưới tắm trong bầu sinh quyển của tình yêu, lòng biết ơn và sự tự hào sâu sắc trước ánh sáng soi đường chỉ lối của cách mạng.
Nhờ Đảng dẫn dắt, nhà thơ như “tái sinh” thêm lần nữa và “khai sinh” dưới tư cách một con người khác. Thi phẩm khắc họa biến chuyển trong Tố Hữu khi bắt gặp ánh sáng của Đảng, từ tâm hồn đến nhận thức, hành động và sự tái định nghĩa vị thế bản thân giữa cuộc đời.
Tố Hữu là cây đại thụ trong vườn thơ cách mạng Việt Nam
Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, ông sinh năm 1920 tại làng Phù Lai, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nhà thơ được nuôi dưỡng và lớn lên trong bầu không khí cách mạng vô cùng sục sôi và máu lửa.
“Suốt đời, tôi phấn đấu vì sự nghiệp độc lập dân tộc và lý tưởng cộng sản. Cùng với hoạt động cách mạng, tôi làm thơ cũng vì sự nghiệp cách mạng. Đối với tôi: Trăm năm duyên kiếp: Đảng và Thơ.” – Tố Hữu
Trên cương vị một người cộng sản, với những đóng góp to lớn cho Đảng và đất nước, Tố Hữu đã khẳng định vị thế, tấm lòng, tài năng của mình, từ đó nhận được vô số giải thưởng danh giá cũng như sự ghi nhận từ nhân dân.
Trên cương vị một nhà thơ, độc giả cũng thấy được ở thi sĩ một biệt tài mà không phải bất kì ai cũng có. Dẫu viết về Đảng, cách mạng và chiến tranh nhưng thơ ông không hề cứng nhắc mà trái lại luôn dạt dào cảm hứng lãng mạn, thấm đẫm chất trữ tình.
Ngay cả những câu từ viết về vấn đề chính trị tưởng chừng sẽ bị khô khan, sáo rỗng vậy mà Tố Hữu viết một cách chân thành và giàu xúc cảm. Điều đó là biểu hiện của một cây bút trữ tình chính trị xuất sắc.
“Thơ Tố Hữu không phải là một trò tiêu khiển mà là một khí cụ đấu tranh, một công tác vận động của người cách mạng. Người Tố Hữu là một thi sĩ, một chiến sĩ nhưng chúng ta đừng quên cốt cách của nó là thi sĩ.” – Lời giới thiệu tập Thơ của Tố Hữu
Khác với tính chất lãng mạn ở thơ Mới thường tập trung vào thế giới tâm tư tình cảm cá nhân, riêng tư. Cảm hứng lãng mạn cách mạng trong thơ Tố Hữu lại hướng tới những tình cảm lớn lao, tích cực mang tầm vóc cộng đồng, dân tộc.
“Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ, mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền.” – Tố Hữu
Với Tố Hữu, thơ ca trước hết dùng để phục vụ sự nghiệp cách mạng, vì nhân dân đất nước trước khi vì chính nó. Chính bởi thế nên hành trình thơ của thi sĩ Tố Hữu ra đời tương đương với hành trình cách mạng của ông.
Tố Hữu còn là nhà thơ của dân tộc, hồn thơ ông luôn mang đậm phong vị, dấu ấn quê hương bản quán và tinh thần dân tộc. Người đọc có thể thấy cảm hứng chủ đạo trong thơ là cảm hứng lịch sử, dân tộc chứ không phải cảm hứng thế sự, đời tư.
Nhắc tới Tố Hữu trên cương vị là một nhà thơ, độc giả không thể không nghĩ tới những tập thơ tiêu biểu, đặc sắc như Từ ấy, Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa.
Đôi nét về nhan đề Từ ấy
Một nhan đề hay không chỉ khái quát lên được cái “thần”, cái “hồn” của tác phẩm mà còn tạo được ấn tượng với độc giả, thôi thúc họ khám phá tác phẩm. Nhan đề “Từ ấy”vốn nắm giữ vai trò rất quan trọng nên việc lựa chọn nó luôn gắn liền với dụng ý nghệ thuật của riêng tác giả.
Với nhan đề Từ ấy, Tố Hữu đã kín đáo gửi gắm vào đằng sau đó trùng điệp những tầng ý nghĩa khác nhau. Nó đóng vai trò lưu giữ dấu mốc vàng son, thể hiện tâm trạng, cảm xúc và sự lựa chọn của chính nhà thơ.
Nhan đề đánh dấu sự kiện quan trọng trong đời nhà thơ
Trong Tiếng Việt, từ “từ ấy” được dùng như một bản lề đánh dấu và ngăn cách hai chặng đường, hành trình hay mốc thời gian với nhau. Nó xuất hiện như để minh chứng cho một dịp trọng đại, rất đỗi khó quên và có tác động lớn lao, tạo nên những biến chuyển đột phá trong cuộc đời mỗi con người.
Tháng Bảy năm 1938, Tố Hữu vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đây là niềm vinh hạnh to lớn mà không phải bất kỳ thanh niên nào lúc bấy giờ cũng có thể đạt được. Bởi lẽ, việc trở thành Đảng viên đã minh chứng cho quá trình phấn đấu và rèn luyện không ngừng nghỉ.
Độc giả từng thấy một Nam Cao loay hoay, bế tắc trong việc tìm kiếm lối thoát, Huy Cận với nỗi sầu vạn kỷ vì sinh bất phùng thời hay Chế Lan Viên mãi hoài vọng trong cõi điêu tàn mà thốt lên biết bao lời thơ chán ghét hiện thực đương thời. Hầu hết người cùng thời vẫn “băn khoăn tìm kiếm lẽ yêu đời” như thế.
Trong khi đó, Tố Hữu đã xác định và vững vàng đặt những bước chân đầu tiên trên con đường riêng. Lúc người khác vẫn chưa thể minh định, sắp xếp được suy nghĩ, tư tưởng của bản thân thì nhận thức này của nhà thơ có thể xem là bước tiến vô cùng quan trọng.
Sự kiện trọng đại mang tính bước ngoặt này đã khơi nguồn cảm xúc nơi thi nhân, thôi thúc ông cầm bút viết nên bài thơ để lưu lại dịp đặc biệt trong cuộc đời. Nhan đề được tạo nên để đánh dấu một cột mốc vàng son không thể nào quên trong cuộc đời nhà thơ.
Nhan đề thể hiện trạng huống tinh thần đầy hứng khởi của thi nhân
Nhờ được tiếp nhận và giác ngộ lý tưởng cách mạng từ rất sớm, Tố Hữu là một trong số ít thanh niên Việt Nam bấy giờ tìm thấy được kim chỉ nam của cuộc đời để bớt đi phần nào nỗi chống chếnh, bất an nơi tâm hồn.
“Trước khi bắt gặp ánh sáng của Đảng
Đâu những ngày xưa, tôi nhớ tôi
Băn khoăn đi kiếm lẽ yêu đời
Vơ vẩn theo mãi vòng quanh quẩn
Muốn thoát, than ôi, bước chẳng rời
Rồi một hôm nào, tôi thấy tôi
Nhẹ nhàng như con chim cà lơi
Say đồng hương nắng vui ca hát
Trên chín tầng cao bát ngát trời…
Sau khi gặp gỡ ánh sáng của Đảng.” – Tố Hữu
Khi chưa bắt gặp ánh sáng của Đảng, nhà thơ viết “tôi nhớ tôi” thể hiện nỗi mông lung trong việc kiếm tìm và xác định mình giữa cõi đời. Thế nhưng khi được soi sáng thì ông biết mình là ai, mang trên vai sứ mệnh gì khi đến với thế gian. Chính vì vậy nhà thơ mới sung sướng thốt lên “tôi thấy tôi”.
Thật hạnh phúc biết bao khi đang mò mẫm tìm đường trong đêm đen một cách đầy bất an và lo sợ thì bỗng bắt gặp được ánh sáng. Hệt như người sắp đuối nước thì nắm được phao cứu mạng, người lạc đường tìm thấy cánh tay vươn ra dẫn lối, đây quả là sự cứu rỗi đáng nhớ trong đời.
Kể từ cột mốc định mệnh ấy mà tâm hồn nhà thơ bỗng trở thành “vườn hoa lá” ngập tràn hương sắc của sự hân hoan, nỗi tin yêu và niềm hạnh phúc hướng tới ngày mai tươi sáng. Mỗi phút giây trôi qua với Tố Hữu vì thế cũng trở nên thật đáng yêu, đáng sống.
Nếu phần Xiềng xích nói về khoảng thời gian nhà thơ bị bắt giam trong tù, Giải phóng sáng tác khi ông được thả tự do thì Máu lửa lại ra đời khi hoạt động cách mạng của Tố Hữu diễn ra sôi nổi nhất. Từ ấy thuộc phần Máu lửa được xem là bản đàn dạo khúc vui đầu tiên của người cộng sản khi bắt gặp lí tưởng Đảng.
Nhan đề Từ ấy là lời tuyên ngôn của Tố Hữu
Văn học thời kỳ này được chia ra ba trường phái là văn học hiện thực, văn học lãng mạn, văn học cách mạng. Dưới sự cai trị của chế độ thực dân Pháp, văn học cách mạng đã phải chịu nhiều sự cấm đoán. Tuy nhiên, Tố Hữu đã mạnh mẽ hoạt động sôi nổi trên lĩnh vực này.
“Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió
Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây.” – Xuân Diệu
Khác với quan niệm vượt thoát hiện thực và hướng tới một thế giới không tưởng của phần đa những nhà thơ thuộc trường phái lãng mạn, Tố Hữu cho rằng văn học và người nghệ sĩ phải cắm rễ vào hiện thực, phục vụ cho sự nghiệp chung của quốc gia, dân tộc. “Cuộc đời là nơi xuất phát cũng là nơi đi tới của văn học.”.
Nhà thơ cũng như bao người khác, đã từng băn khoăn “tìm kiếm lẽ yêu đời” cho tới khi bắt gặp ánh sáng Đảng, ông mới minh định được lý tưởng sống của đời mình. Từ ấy ra đời để gửi gắm sự lựa chọn nơi nhà thơ là hoàn toàn đứng về phía cách mạng và Đảng, sẵn sàng cống hiến và phụng sự Tổ quốc.
“Thơ của chàng thanh niên Tố Hữu khi ấy từ trái tim vọt ra cũng như thơ của chúng tôi, cũng lãng mạn như thể chúng tôi, nhưng là thứ lãng mạn khác, có nhiều máu huyết hơn; thơ chúng tôi chỉ đập cho mở cửa trời, nhưng thơ Tố Hữu thì mới có chìa khóa: Cách mạng, giải phóng dân tộc, giải phóng cho người lao khổ.” – Xuân Diệu
Như vậy, nhan đề “Từ ấy” đã cho người đọc thấy được ở Tố Hữu tinh thần sẵn sàng mang trọn vẹn đời riêng, đời thơ của mình dâng hiến và phục vụ cho Tổ quốc.
Từ ấy khắc họa sự thay máu trong từng tế bào tâm hồn
Cụm từ mang tính phiếm chỉ “từ ấy” đóng vai trò khép lại chuỗi ngày tìm đường tối tăm, mang đến sự hồi sinh kỳ diệu và mở ra cánh cửa đầy hy vọng. Từ đây, độc giả được thấy Tố Hữu với diện mạo hoàn toàn mới.
Bởi mỗi dòng thơ đều ẩn chứa nguồn cảm xúc nguyên thủy mạnh mẽ nhất của con người đang thức giấc, cựa quậy và phút chốc trào dâng, cuộn xoáy nơi huyết quản nên có thể xem sự đổi mới ấy là khởi nguồn từ bề sâu bên trong của thi nhân.
Khác với ánh sáng nhẹ nhàng, lay thức con người khỏi màn đêm dài lạnh lẽo của mùa xuân, thứ nắng mùa thu ấm áp sưởi ấm tâm hồn con người khỏi tiết trời mưa phùn gió bấc, “nắng hạ” là nắng rực rỡ, chói lòa, cháy bỏng mạnh mẽ và tác động sâu sắc nhất tới mỗi cá thể sống.
Nếu mặt trời vật lý đem lại sự sống cho muôn vật muôn loài thì “mặt trời chân lý” đem lại lẽ sống, lý do để tồn tại và phấn đấu cho Tố Hữu cùng người trẻ chung chí hướng. Sự tác động của mặt trời đặc biệt ấy đã cứu rỗi một kiếp người tưởng chừng đã mãi mắc kẹt và chìm trong đêm tối.
Ở đây, Tố Hữu đã sử dụng liên tiếp hai động từ mạnh là “bừng” và “chói” khiến độc giả thấy được sức ảnh hưởng to lớn của lý tưởng cách mạng đối với tâm hồn nhà thơ. Thứ ánh sáng ấy xuyên thấu trái tim, chiếu rọi tâm hồn, mạnh mẽ vượt qua mọi rào cản và đánh tan màn sương mờ ảo chế ngự tâm trí thi nhân thời gian qua.
Phương diện đầu tiên đón nhận những biến chuyển mới mẻ là “hồn tôi”. Khi tác động sâu sắc được tới phương diện tinh thần, khơi gợi nguồn xúc cảm mãnh liệt và để lại trong tâm hồn ấn tượng khó quên thì một chuỗi phản ứng mang tính hệ quả bao gồm sự thay đổi về nhận thức, hành động cũng sẽ xảy tới.
Thi nhân đã sử dụng phép so sánh thật tài tình, độc đáo khi ví von cái vô hình, trừu tượng “hồn tôi” với cái hữu hình, cụ thể là “vườn hoa lá”. Nếu trước đó khu vườn tâm hồn cằn cỗi, héo khô và chìm trong đêm tối mịt mù thì giờ đây được ánh sáng cách mạng chiếu rọi mà căng tràn nhựa sống tươi mới.
Miêu tả khu vườn tâm hồn, tác giả dùng những từ chỉ mức độ “đậm”, “rộn” nhằm diễn tả trạng thái vượt ngưỡng, đã ở mức cực đại, chín muồi. Nó gợi cho độc giả liên tưởng đến một khu vườn đầy ắp ánh sáng tươi mới, ngập tràn hương thơm cây cỏ, lá hoa, rộn ràng thanh sắc và căng tràn sức sống của vạn vật.
Không chỉ dừng lại ở những liên tưởng ấy, độc giả cũng có thể hiểu tâm hồn thi nhân là vùng đất hoa lá tốt tươi, màu mỡ nên đã hấp dẫn ong bướm, chim muông ghé thăm. Tâm hồn nhà thơ luôn trong trạng thái rộng mở, sẵn sàng hiến dâng hương sắc, mật ngọt, phần đẹp nhất của mình cho cuộc đời này.
Đó cũng chính là khí huyết, tinh thần của một người trẻ luôn nung nấu trong mình khát khao, mong muốn cháy bỏng được đóng góp, tận hiến trọn vẹn đời riêng cho cuộc sống chung.
Tác giả đã sử dụng thật thành công hệ thống thi ảnh giàu giá trị biểu đạt làm nổi bật tình cảm, ý niệm tốt đẹp, nhân văn được lý tưởng cách mạng khai sáng và di dưỡng trong tâm hồn.
“Thơ là đi giữa nhạc và ý. Rơi vào cái vực ý, thì thơ sẽ sâu, nhưng rất dễ khô khan. Rơi vào cái vực nhạc, thì thơ dễ làm đắm say người, nhưng cũng dễ nông cạn. Tố Hữu đã giữ được thế quân bình giữa hai vực thu hút ấy. Thơ của anh vừa ru người trong nhạc, vừa thức người bằng ý.” – Chế Lan Viên
Tố Hữu được mệnh danh là nhà thơ viết hay nhất về cách mạng bằng bút pháp lãng mạn. Dẫu viết về những đề tài khô khan, trừu tượng là thế nhưng giọng thơ của ông bao giờ cũng rất đỗi nhẹ nhàng, đằm thắm và giàu xúc cảm, dễ đi sâu vào lòng người.
Bài thơ Từ ấy cũng rất hiện đại ở chỗ, thi nhân không thể hiện thái độ kín đáo và gián tiếp qua thủ pháp tả cảnh ngụ tình như những nhà thơ xưa. Ở đây, Tố Hữu đã không ngần ngại gọi tên và nêu lên những tâm tư, cảm xúc dâng trào mạnh mẽ bên trong bản thân mình.
Ông đã bày tỏ trực tiếp nỗi hân hoan, sung sướng, rộn ràng trong tâm trí mình bằng lối thơ vắt dòng. Cảm xúc của thi nhân như những cơn lũ cuộn trào mạnh mẽ, đợt sóng này chưa qua thì đợt sóng khác đã ồ ạt tới.
“Thơ Tố Hữu chính đã thoát thai từ phong trào cách mạng, trong hình thức thơ mới, kết hợp với phong cách lãng mạn đương thời trong phần lành mạnh của nó.” – Lê Đình Kỵ
Bên cạnh đó, đoạn thơ còn mang tính cá thể hóa cao và sử dụng lối viết thiên về cảm giác để bày tỏ tâm tư tình cảm. Vậy nên, những dòng thơ được viết nên phần nào mang màu sắc đặc trưng của dòng văn học lãng mạn.
Thi phẩm là sự bừng sáng về nhận thức và hành động
Sau những biến chuyển trong tâm hồn, Tố Hữu tiếp tục có nhiều thay đổi về cả nhận thức lẫn hành động vô cùng tiến bộ và mới mẻ. Về nhận thức, Tố Hữu luôn quan niệm mỗi cá thể phải gắn bó, hòa nhập và có trách nhiệm với cộng đồng, dân tộc.
Xuất phát từ tư tưởng ấy, mỗi hành động của ông cũng luôn thể hiện khao khát rút ngắn khoảng cách đưa bản thân đến gần hơn với đời sống muôn người,đặc biệt là những kiếp người khổ hạnh.
Đi từ vùng đất cái tôi bé nhỏ đến chân trời của cái ta chung
Sử dụng hệ thống hình ảnh và ngôn ngữ mộc mạc, gần gũi cùng âm điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, nhà thơ thể hiện ước vọng chân thành mà tha thiết của cái tôi trữ tình cách mạng là được hòa nhập cùng cuộc đời rộng lớn.
Nếu văn học những năm 1932 – 1945 có phần thiên về cái tôi cá thể thì trong quan niệm của Tố Hữu luôn khẳng định rằng lẽ sống đúng đắn nhất là gắn bó hài hoà giữa “cái tôi cá nhân” và “cái ta tập thể”.
Phương châm sống của người trí thức tiểu tư sản đầu thế kỷ 20 như Huy Cận, Chế Lan Viên, Lưu Trọng Lư là quẩn quanh trong vòng chữ tôi chật hẹp. Tuy nhiên, cuộc hội ngộ quý báu với cách mạng đã làm thay đổi Tố Hữu khiến ông từ chối sống với cái tôi riêng và luôn hướng tới cái ta rộng lớn, hào sảng hơn.
Khi những ích kỷ, nhỏ nhen không còn nữa và cái tôi nhỏ bé đã có ý thức trách nhiệm với cộng đồng, tập thể thì con đường hòa nhập cũng trở nên rộng mở thênh thang.
Cách dùng từ đối xứng giữa “tôi” là số ít với “mọi người” là số nhiều cho thấy nhận thức đúng đắn của tác giả về mối quan hệ mật thiết giữa cá nhân và tập thể. Mỗi con người là một mắt xích tạo nên cộng đồng, là công dân nên phải có trách nhiệm trước những vấn đề trọng đại của Tổ quốc mình.
Nhận thức được sứ mệnh cao cả ấy, Tố Hữu đã có những hành động vô cùng đúng đắn và thiết thực. Động từ “buộc” không phải sự áp đặt, ràng buộc mà là sự chủ động, hoàn toàn tự nguyện, mưu cầu được siết chặt, kéo gần khoảng cách của mình với cuộc đời.
Hơn nữa, động từ “buộc” còn thể hiện cả khát khao, mong muốn mãnh liệt và cháy bỏng được thoát khỏi vòng luẩn quẩn, hạn hẹp của thế giới riêng để hướng tới những điều lớn lao, cao cả hơn trong cuộc đời.
Buộc hồn mình với mọi người trước hết là để thấu hiểu, cảm thông và san sẻ với những vấn đề chung của con người. Nếu cứ mãi tách biệt, cô lập mình thành một ốc đảo riêng biệt thì những cảm xúc, nhận thức và hành động dễ trở nên hạn hẹp, thiên kiến và cực đoan hơn.
Không chỉ dừng lại ở sự thấu cảm để tâm hồn trở nên rộng mở hơn mà khi buộc chặt mình với mọi người, Tố Hữu còn có cơ hội tuyên truyền, vận động lý tưởng cách mạng tới quần chúng.
Chính nỗ lực gắn kết ấy tạo nên cầu nối vững chắc, mối dây liên hệ mật thiết có thể giúp ích cho sự nghiệp giải phóng dân tộc vĩ đại. Ông đã kiếm tìm và mở ra lối đi giúp giải thoát cục diện bế tắc cho quần chúng nhân dân trước bối cảnh đất nước loạn lạc.
Từ “trang trải” không chỉ gợi ấn tượng ở bề rộng với số lượng nhiều và độ bao phủ lớn mà còn ở bề sâu đến từng kiếp người cụ thể dẫu nhỏ bé, bình thường. Tác giả đem tình cảm trang trải khắp muôn nơi trên mọi miền đất nước nhưng không có nghĩa là thứ tình cảm ấy hời hợt, thoáng qua và không cháy bỏng.
Khác với nhà thơ lãng mạn đứng trên thiên đường, trong quá khứ hoặc từ thế giới riêng nhìn về thực tại một cách chán nản, bi quan, Tố Hữu đứng giữa đời và bước đầu nhận thức được trách nhiệm cũng như tầm quan trọng của cá nhân với đất nước.
Bắt nguồn từ sự nhận thức đúng đắn về lẽ sống ấy, ông không chỉ sống cho mình mà mở ra khao khát được tận hiến vì người khác. Mỗi hành động của nhà thơ giờ đây không chỉ cho lợi ích cá nhân mà còn vì những điều lớn lao, ý nghĩa hơn thế.
Thi phẩm Từ ấy đặc biệt gần gũi với những kiếp đời khốn khổ
Tác giả có thể chọn đứng về nhiều phía nhưng lương tâm, trách nhiệm và lòng tự trọng của một người cầm bút với thiên chức đặc biệt luôn dành sự đồng cảm và đứng về phía những kiếp người bé nhỏ, yếu đuối.
“Để hồn tôi với bao hồn khổ
Gần gũi nhau thêm mạnh khối đời.”
“hồn khổ” là hình ảnh hoán dụ lấy bộ phận chỉ tổng thể để đề cập tới những con người vất vả, cơ cực, đang bị áp bức, bóc lột.
Với Tố Hữu, việc đứng về quần chúng nhân dân vốn dĩ chẳng dễ dàng bởi trước đó, ông thuộc giai cấp tiểu tư sản. Chính khoảng cách giai cấp khiến cho tác giả cần trải qua một quá trình đấu tranh, cân nhắc và chọn lựa vô cùng kỹ càng mới có thể đưa ra quyết định.
Cái nhìn của tình yêu thương nơi Tố Hữu khiến độc giả liên tưởng tới nhà văn của những người cùng khổ là Victor Hugo với nhân vật vô cùng thành công là Jean Valjean (Giăng Van-Giăng), luôn xem tình thương đặc biệt với những kiếp người khốn khổ là tôn giáo tối cao suốt đời tôn thờ.
Tình yêu thương và sự cảm thông đã xóa bỏ sự khác biệt giai cấp, kê lại những chỗ vênh lệch, đắp bồi phần hao khuyết để thiết lập sự gắn kết giữa người với người.
Không chỉ nhìn nhận nhân dân ở phương diện bé nhỏ mà nhà thơ còn nhận thức được điều mà không phải ai cũng có thể nhận thấy. Nếu trước năm 1945, văn học nhìn nhận con người là linh hồn tội nghiệp thì Tố Hữu lại nhìn thấy những người dân thấp cổ bé họng ấy tiềm tàng sức chiến đấu, sự nổi dậy và vùng lên vô cùng mạnh mẽ.
Vậy nên nếu trước đây công chúng bày tỏ sự đồng cảm, xót thương cho thân phận khổ đau của họ thì tác giả lại không đơn thuần chỉ dừng lại ở đó. Ông muốn tập hợp những con người ấy thành khối đại đoàn kết bất bại, thành lũy hào, tường thành kiên cố và bất khả xâm phạm.
“khối đời” là hình ảnh ẩn dụ cho những người cùng chung hoàn cảnh và phấn đấu cho lý tưởng, nhiệm vụ chung. Khối đời ấy không thể tồn tại vững mạnh nếu mỗi người là một “chiếc đũa” riêng lẻ.
Nếu những nhà thơ lãng mạn quan niệm khi cái tôi riêng hoà nhập vào cái ta rộng lớn sẽ khiến con người trở nên vô bản sắc, nhạt nhoà, dễ tan biến vào hư không. Tố Hữu lại cho rằng hòa nhập là để trường tồn vĩnh cửu.
Bởi lẽ, cái tôi lãng mạn luôn lo sợ về viễn cảnh bị cái ta nuốt chửng, chỉ cần họ đến gần đám đông cũng là đang tự triệt tiêu chính mình. Còn nhà thơ lại nhận thấy mỗi người là sinh linh bé nhỏ, bất toàn và khi đoàn kết với nhau thì mới có thể tạo nên sức mạnh.
Có lẽ, bài học về câu chuyện bó đũa từ xa xưa và lời dạy đoàn kết tạo nên thành công của Bác Hồ vĩ đại đã ảnh hưởng rất nhiều tới tư tưởng của nhà thơ Tố Hữu.
Sẻ chia không đồng nghĩa với mất đi mà là được nhận lại nhiều hơn thế. Đóng góp công sức của bản thân mình để gia tăng sức mạnh tập thể thì sự tồn tại của mỗi cá nhân cũng được củng cố hơn.
“Giọt nước chỉ hoà vào biển cả mới không cạn mà thôi.” – Đức Phật
Đây có thể xem là bước tiến dài trong nhận thức và hành động. Những câu thơ biểu hiện một nhận thức mới về lẽ sống chan hoà cá nhân và tập thể, giữa cái tôi và cái ta. Trong lẽ sống ấy, con người tìm thấy niềm vui cùng sức mạnh.
Từ ấy là sự tái xác lập vị thế của nhà thơ giữa cuộc đời
Mở đầu khổ thơ, câu thơ định nghĩa “Tôi đã là” mang sắc thái khẳng định mạnh mẽ và đầy dứt khoát. Tác giả xác định mình là thành viên trong đại gia đình quần chúng nhân dân như lẽ tất yếu.
Điệp từ “là”, điệp cấu trúc câu kết hợp với các từ cùng trường nghĩa “con”, “anh”, “em” chỉ những người có gắn bó ruột thịt máu mủ, cho thấy sự thăng cấp trong mối quan hệ của nhà thơ với quần chúng nhân dân.
Không đơn thuần là con hay anh em của một gia đình, thi nhân còn đưa mình vào vị trí là người con, người anh em ruột thịt của toàn thể đồng bào với tâm thế như người thân dưới cùng một mái nhà.
Có lẽ, chỉ xích lại gần nhau thôi là chưa đủ mà mối quan hệ ấy phải gắn bó và khăng khít đến mức trở thành những người ruột thịt thì mới có thể yêu thương lẫn hy sinh vì nhau vô điều kiện.
“Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng.” – Louis Aragon
Sức cảm hóa to lớn ấy đã làm thay đổi Tố Hữu khiến nhà thơ sẵn sàng chia sẻ, gánh vác cùng nhân dân, xoá nhoà ranh giới giai cấp, vượt lên rào cản tầng lớp để xem mọi người là một, ngang bằng như nhau.
Hơn thế nữa, nó còn làm thay đổi cả hệ trí thức tiểu tư sản vốn có lối sống cá nhân trở thành con người, thi sĩ của cách mạng. Độc giả có thể thấy rõ sự thay đổi này ở một số gương mặt tiêu biểu như Xuân Diệu, Huy Cận vào thời điểm trước và sau cách mạng.
Được mệnh danh là người “sắm cả hai vai” trước cách mạng, Huy Cận mãi quẩn quanh trong vòng cái tôi chật hẹp mà không thể nào tìm thấy lối thoát. Giữa thi nhân và cuộc đời luôn tồn tại một khoảng cách không tên xa xăm, diệu vợi khiến ông mãi đắm chìm trong nỗi cô đơn, sầu buồn, ảo não tự tạo.
“Một chiếc linh hồn nhỏ
Mang mang thiên cổ sầu
Những nàng tiên đã chết
Mơ mộng thuở xưa đâu.” – Huy Cận
Sau cách mạng, thơ Huy Cận như được hồi sinh sức sống mới mẻ, tươi vui. Độc giả có cảm giác như bản đàn trầm buồn của ông nay đã có thêm những nốt thăng cao vút mang đầy niềm hy vọng và tin yêu trước cuộc đời.
“Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi.” – Huy Cận
Là một cây viết tiêu biểu về đề tài cách mạng, Tố Hữu đã khéo léo trữ tình hoá một mối quan hệ chính trị tưởng chừng khô khan, giáo điều trở nên gần gũi, mộc mạc, chân tình hơn giữa Đảng với quần chúng nhân dân. Đó là mối quan hệ của những người ruột thịt thân thương với nhau.
Tựa như trong thi phẩm Việt Bắc, khi nói về cuộc chia tay giữa đồng bào và chiến sĩ cách mạng, ông cũng ví von, liên tưởng thành cuộc chia xa của những chàng trai, cô gái đang yêu.
Hay bài thơ Đất Nước của Nguyễn Đình Thi cũng đã sử dụng thành công phương pháp trữ tình hoá mối quan hệ cá nhân với đất nước, tuy rất thiêng liêng và lớn lao nhưng dễ khiến mỗi người choáng ngợp, khó hình dung.
Dùng cách nói truyền cảm như vậy sẽ dễ đi vào lòng người, để lại trong trái tim quần chúng những ấn tượng khó quên về sự hữu ái giai cấp. Đặc biệt, trong bối cảnh chiến tranh, cách nói ấy trước hết phục vụ cho công tác tuyên truyền, vận động tất cả mọi người đứng lên hành động bảo vệ Tổ quốc.
Số từ được tác giả sử dụng theo thứ tự tăng dần từ một cái tôi riêng, “trăm nơi” đến “vạn nhà”. Mở rộng sợi dây liên kết với cuộc đời cũng là tăng thêm trách nhiệm và tình yêu thương đối với mọi người.
Như vậy, người đọc đã thấy được tấm lòng rộng mở cùng tình thương yêu vô bờ bến của tác giả với giống nòi. Được khai sáng bởi cách mạng, nhà thơ thoát khỏi vòng luẩn quẩn của cái tôi chật hẹp, đến với chân trời của cái ta rộng lớn và xác định mình là một thành viên trong đại gia đình 54 dân tộc anh em.
Không chỉ dừng lại ở số từ trừu tượng, chung chung, Tố Hữu đặc biệt quan tâm tới “kiếp phôi pha” là những phận người vất vả, khó khăn và “đầu em nhỏ không áo cơm cù bất cù bơ”, những sinh linh tội nghiệp đáng ra được đùm bọc lại lớn lên giữa cảnh thiếu thốn cái ăn, cái mặc và cả tình yêu thương.
Đặt trong hệ thống với từ “hồn khổ” ở khổ thơ trước, người đọc thấy được tấm lòng nhân ái, tình thương người rộng lớn của tác giả. Thương cho biển người rộng lớn và đặc biệt dành sự quan tâm đến những người yếu thế trong xã hội thay vì bỏ rơi họ ở phía sau.
Biến sự đau đớn, xót xa trước cảnh đời còn lắm bất hạnh, đầy rẫy những khó khăn, ngang trái thành nguồn động lực để sống và chiến đấu vì một cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó chính là sức mạnh của lý tưởng cách mạng đã giác ngộ cho con người về lẽ sống tốt đẹp.
Như vậy, người đọc thấy được sự chuyển biến cao hơn trong vị thế của nhà thơ giữa cuộc đời. Giờ đây, cái tôi riêng đã trở thành một phần máu thịt của cái ta đại đồng.
Từ ấy là tác phẩm tiêu biểu cho ngòi bút trữ tình chính trị
Quá trình hoạt động cách mạng sôi nổi và đầy nhiệt huyết đã trở thành vùng đất màu mỡ, tươi tốt để tác giả khai thác và đưa vào trang thơ của mình những đề tài lớn như Đảng, Bác, dân tộc, lịch sử, thời đại.
“Tả tình hay tả cảnh, kể chuyện mình hay kể chuyện người cũng là để nói cho được cái lý tưởng cộng sản ấy thôi.” – Chế Lan Viên
Đảng và cách mạng luôn đóng vai trò quan trọng trong trái tim nhà thơ thế nên những trang viết luôn bám sát sự nghiệp đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Không có sự kiện lịch sử dân tộc nào mà không hiện hình trong thơ Tố Hữu.
Cảm hứng chủ đạo trong thơ ông chủ yếu xoay quanh những vấn đề lớn lao mang tầm vóc quốc gia, dân tộc chứ không phải cảm hứng đời tư, thế sự vốn hướng về những điều nhỏ nhặt, bình dị đời thường.
Thi nhân tập trung khai thác bản thân dưới tư cách là con người cộng sản đi theo lý tưởng cách mạng hoặc xây dựng nên hình tượng con người đậm chất sử thi tiêu biểu cho cộng đồng, hy sinh vì sự nghiệp chung của dân tộc với những cố gắng phi thường.
Từng dòng cảm xúc phong phú trong thơ đều được nảy nở từ tình yêu, sự tin tưởng đối với cách mạng. Dẫu tình cảm là phương diện riêng tư thì nhà thơ cũng không hướng tới giãi bày xúc cảm của cái tôi bé nhỏ mà đó phải là tình cảm lớn, có ý nghĩa chung với cộng đồng.
Con đường thơ bắt đầu và được di dưỡng dưới sự dẫn dắt của lý tưởng cách mạng, thế nên thơ ông luôn mang đậm màu sắc chính trị là điều tất yếu. Bởi vậy, trước hết người đọc phải nhìn nhận Tố Hữu với tư cách là một cái tôi chiến sĩ.
“Tố Hữu nhìn cách mạng bằng con mắt lãng mạn của một thi sĩ.” – Trần Đăng Khoa
Không những vậy, cái đặc biệt của Tố Hữu là còn mang đến cho thơ ca cách mạng một tiếng nói trữ tình với những cảm xúc của cái tôi hoàn toàn mới mẻ.
Trước mọi vấn đề chính trị của đất nước, trái tim nhà thơ luôn có những rung cảm thật sự mãnh liệt. Nguồn cảm xúc to lớn được tác giả trực tiếp bộc lộ, giãi bày không giấu giếm vào trang thơ.
Hơn nữa, nguồn cảm xúc tuôn trào ấy hết sức chân thật, không hề gượng ép tạo cảm giác khô cứng, giả tạo. Trái lại, sự chân tình đã giúp cho tiếng thơ của thi nhân đến gần hơn với trái tim người đọc.
Tình cảm của ông đối với lý tưởng cách mạng, đời sống cách mạng lại được biểu hiện bằng giọng tâm tình ngọt ngào tha thiết hay rắn rỏi, dõng dạc mang âm hưởng sử thi hùng tráng. Đấy cũng là một trong những biểu hiện trữ tình của ngòi bút Tố Hữu.
“Tố Hữu đã đưa thơ chính trị đạt đến trình độ rất đỗi trữ tình.” – Xuân Diệu
Nhà thơ sử dụng thể thơ lục bát giàu nhạc tính, nhịp điệu góp phần tạo nên tính nhạc, chất thơ cho những tác phẩm viết về đề tài chính trị tưởng chừng khô khan của mình.
“Thơ là nói đến sự đồng điệu của tâm hồn.” – Tố Hữu
Chính xuất phát từ quan niệm đó mà nhân vật trữ tình trong thơ ông có mối quan hệ gần như máu thịt với đất nước, nhân dân, cộng đồng. Tố Hữu cũng thường cất lên những tiếng gọi đầy tình thương mến như Bạn đời ơi, Ôi Tổ quốc, Ơi Bác Hồ ơi, Miền Nam ơi.
Như vậy ngoài cái tôi chiến sĩ, độc giả còn thấy được ở nhà thơ chất thơ, chất trữ tình đầy nghệ sĩ. Quả thực không thể phân tách rạch ròi đời thơ và đời cách mạng đã tồn tại vô cùng nhất quán xuyên suốt cuộc đời ông. Tố Hữu chính là một gương mặt tiêu biểu của dòng thơ lãng mạn cách mạng.
Phượng Linh
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất