Từ những cậu nhóc “chân ướt chân ráo” bước vào nền âm nhạc trong thời kỳ dòng nhạc Brit-pop bị thoái trào. Coldplay giờ đây đã khẳng định vị thế của mình khi trở thành ông lớn trong nền âm nhạc đương đại nước Anh và thế giới.
Âm nhạc của nhóm cùng câu chuyện về sự gắn bó giữa các thành viên thực sự đáng ngưỡng mộ. Ban nhạc đã giành nhiều giải thưởng, trong đó có tám giải BRIT Awards, giành giải Ban nhạc Anh quốc hay nhất năm bốn lần và bảy giải Grammy.
Xây những viên gạch đầu tiên
Vào cuối thập niên 90, dòng nhạc Britpop, sau thời kì tung hoành khắp các bảng xếp hạng trên thế giới, cuối cùng cũng cho thấy những dấu hiệu của sự thoái trào. Nhiều ban nhạc chơi theo thể loại này sinh ra trong cùng một thời điểm và khiến khán giả khó nhận thấy sự khác biệt.
Các chàng trai đi lên trong ngày tháng mà Britpop thống trị luôn ấp ủ ý định thành lập một ban nhạc cho riêng mình, Chris Martin với Jonny Buckland cũng không phải ngoại lệ. Cả hai gặp nhau lần đầu vào mùa thu năm 1996, những ngày đầu tiên của đời sinh viên tại trường Đại học College London.
Từ đây, họ làm quen và trao đổi về sở thích của nhau, đặc biệt là niềm đam mê âm nhạc. Chris cùng Jonny quyết định thành lập một ban nhạc mang tên Pectoralz, lúc này Chris Martin đảm nhiệm vai trò hát chính còn Buckland chơi guitar.
Tuy nhiên, một ban nhạc với chỉ hai thành viên vẫn quá ít so với tiêu chuẩn bấy giờ. Thế cho nên, cả hai đã ra sức tìm kiếm thêm các vị trí mới trong thời gian sau đó.
Thành viên tiếp theo tham gia Pectoralz là bassist Guy Berryman, một người bạn học chung lớp với Chris. Cả ba người biết nhau sau khi Guy thấy Chris Martin chơi nhạc sau giờ học tại trường.
Với niềm đam mê âm nhạc có sẵn trong mình, sau một vài trao đổi, Guy Berryman quyết định tham gia nhóm cùng hai thành viên còn lại. Ban nhạc cũng đổi tên thành Starfish và bắt đầu đi biểu diễn tại các buổi quảng bá sản phẩm ở những câu lạc bộ địa phương.
Đầu năm 1998, ban nhạc chào đón một tay trống mới là Will Champion. Phil Harvey, người bạn lâu năm của Chris Martin, cũng được tuyển dụng vào vị trí quản lý ban nhạc kiêm giám đốc sáng tạo, Starfish xem anh như thành viên thứ năm của mình.
Sau khi hoàn thiện đội hình, Starfish đã đổi tên thành Coldplay. Đây là một từ Chris rất thích, tuy nhiên ban đầu nó được đặt cho một ban nhạc khác do Tim Crompton đứng đầu.
Sau đó, Tim quyết định nhượng lại thương hiệu “Coldplay” cho Starfish với lý do từ này nghe có chút gì đó buồn và sâu lắng.
Thời điểm ấy, thủ lĩnh ban nhạc Chris Martin đã đề nghị Tim Crompton tham gia với vai trò người đánh keyboard. Tuy nhiên, anh ấy từ chối và thành lập ban nhạc riêng Keane, sau này trở nên nổi tiếng không kém Coldplay.
Sau vài năm cố gắng tập luyện, thủ lĩnh Chris Martin đã thành thạo nhiều nhạc cụ như piano, guitar, bass. Điều này giúp quá trình viết nhạc trở nên mượt mà hơn khi anh có thể hiện thực hóa các ý tưởng trong đầu mình.
Thời điểm này, Coldplay tích cực tham gia biểu diễn tại các câu lạc bộ trong thành phố, bên cạnh đó ban nhạc còn cho ra mắt một số sản phẩm âm nhạc đầu tay, kể đến có EP Safety năm 1998 và The Blue Room một năm sau đó. Đặc biệt, EP thứ hai được phát hành bởi hãng thu âm lớn Parlophone.
Mặc dù rất hăng hái trong hoạt động biểu diễn, Coldplay vẫn chưa được công chúng chú ý nhiều. Mãi đến đầu năm 1999, khi các thành viên đều tốt nghiệp đại học thì họ mới dồn toàn bộ sức lực cho con đường âm nhạc.
Ở những năm đầu tiên, Coldplay không tránh khỏi guồng quay của dòng nhạc Britpop. Chính Chris thừa nhận rằng anh có xu hướng theo dòng nhạc này và chịu ảnh hưởng lớn từ Travis cũng như Radiohead, các “anh tài” nhạc Britpop nước Anh.
Tuy nhiên, Chris vẫn nhận thức được rằng bản thân cần đổi mới và tránh đi theo lối mòn, khi mà thể loại Britpop ngày càng thoái trào. Để minh chứng điều ấy, Coldplay đã ra mắt album Parachutes vào năm 1999 với nhiều thành công vang dội.
Parachutes là nền móng cho những hào quang sau này của Coldplay
Tháng ba năm 1999, ban nhạc tận hiến nguồn lực của mình để chuẩn bị cho album đầu tay mang tên Parachutes. Họ làm việc cùng nhà sản xuất nổi tiếng Ken Nelson và thu âm ở ba phòng thu khác nhau nhằm cho ra chất lượng ưng ý nhất.
Ban đầu, ban nhạc dự định ra mắt sản phẩm vào giữa năm 1999. Tuy nhiên, điều này bị hoãn do Coldplay đi biểu diễn các tour âm nhạc, khiến tiến độ chậm trễ đến hơn một năm sau đó.
Mùa hè năm 2000, album đầu tay Parachutes của Coldplay chính thức phát hành tại Anh thông qua hãng đĩa Parlophone. Nó đã gây tiếng vang lớn trong giới phê bình và đứng thứ nhất ở bảng xếp hạng Anh Quốc.
Để đưa tên tuổi ra ngoài biên giới nước Anh, Coldplay đã cho phát hành Parachutes tại thị trường Bắc Mỹ vào tháng mười hai cùng năm. Album được hưởng ứng mạnh mẽ từ khán giả Bắc Mĩ, khi nó tạo ra sự mới lạ ở thị trường nơi nhạc Grunge đang thoái trào.
Tận dụng tối đa hiệu ứng tốt mà Parachutes mang lại, ban nhạc quyết định tổ chức tour lưu diễn quảng bá cho nhóm tại Mỹ và Canada vào năm 2001. Từ đó, Coldplay bắt đầu đặt những bước chân đầu tiên trên bản đồ âm nhạc thế giới.
Đây cũng là những bước đầu tiên trong công cuộc trở thành người khổng lồ ở nền nhạc Rock đương đại. Album Parachutes đã bán được hơn 1,6 triệu bản trên toàn cầu, một con số khủng khiếp khi ban đầu Parlophone chỉ mong bán hơn bốn mươi nghìn album mà thôi.
Để giải thích cho sự thành công vô cùng lớn của Parachutes, phải kể đến chiến lược truyền thông hết sức tài tình mà Coldplay đã triển khai. Họ cho ra mắt đĩa đơn đầu tiên của album, Yellow vào giữa năm 2000.
Yellow là một ca khúc với giai điệu bay bổng, lãng mạn và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ công chúng. Nói về bài hát này, Chris Martin cho biết Yellow đề cập đến sự hy sinh trong tình yêu.
Khi ấy, ca khúc này thường được mở tại các buổi hẹn, tiệc cưới hoặc những dịp để bày tỏ tình cảm với đối phương. Từ “Yellow” trong bài vốn không có nghĩa gì cả, vì khi sáng tác đến đây, chàng thủ lĩnh của Coldplay không biết cho thêm vần gì vào.
Thế là anh đã gợi ý đến Yellow – ánh vàng, từ này sau đó được chấp nhận và thêm vào bài hát. Ca khúc cũng là sự định hình phong cách âm nhạc của Coldplay xuyên suốt về sau.
Mở đầu Yellow là những tiếng guitar thùng nhẹ nhàng mộc mạc và sau đó nâng dần lên khi nhịp điệu cùng với nhạc cụ được chơi dồn dập hơn, phá tan sự ảm đạm ban đầu. Các bài hát của Coldplay vì thế rất khó đoán nếu chỉ nghe phần nửa đầu của chúng.
Yellow thực sự đã gây tiếng vang lớn khi đến tận hai mươi năm sau, nó vẫn được đón nhận và mong chờ tại các buổi diễn của Coldplay. Bài hát có vai trò lớn trong việc đưa tên tuổi của nhóm đến gần hơn với khán giả khi vào đến hạng Tư trên bảng xếp hạng Anh quốc.
Yellow cũng giúp cả nhóm được mời đến đại nhạc hội Glastonbury vào tháng sáu cùng năm, đây là lễ hội âm nhạc thường niên sở hữu quy mô rất lớn, bao gồm các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới.
Dù nổi lên với Yellow là vậy, vị trí của Coldplay còn nhỏ bé so với các nghệ sĩ khác ở đại nhạc hội Glastonbury, vì thế hầu như không ai biết đến nhóm. Để nhận được sự chú ý từ đám đông, Chris đã có những động thái được coi như đùa quá trớn.
“Có thể các bạn chưa biết chúng tôi là ai. Tuy nhiên, tôi rất mừng khi các bạn đến xem ban nhạc biểu diễn, nhóm mà sau này sẽ nổi như Bon Jovi. Và chúng tôi là Coldplay.” – Chàng thủ lĩnh đã phát biểu hùng hồn như vậy vào lần đầu tham gia Glastonbury
Bon Jovi là một ban nhạc khá có tiếng lúc bấy giờ, phát biểu của Chris vì thế khiến nhóm nhận lại sự chê bai, chế giễu. Phần lớn cho rằng Coldplay không biết lượng sức mình khi so sánh với đàn anh, tuy nhiên về mặt tích cực thì nhóm khiến khán giả phải để mắt xem họ sẽ làm được gì.
Không ngoài mong đợi, Coldplay cho ra mắt album Parachutes sau đó một tháng, coi như “phát súng” tuyên bố đến từ nhóm nhạc. Điều này cho thấy thực lực của Coldplay cũng như khiến khán giả tại buổi diễn ngày hôm ấy phải trầm trồ, khen ngợi.
Album sau đó nhận được rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ như giải Bạch kim tại Mỹ, giải Album Alternative xuất sắc nhất và Ban nhạc Anh xuất sắc nhất ở lễ trao giải Grammy, vượt qua cả ông lớn Radiohead.
Từ những bước đầu tiên, hình bóng của một triều đại đã được dựng lên và tiếp nối đến tận bây giờ. Ở album đầu tay, Coldplay không chỉ chứng minh cho công chúng về tài năng âm nhạc của mình mà còn là sự khôn khéo trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân.
Coldplay tiếp nối thành công với A Rush of Blood to the Head
Trở lại sau thành công vang dội của Parachutes, Coldplay đã bắt tay vào sản xuất album thứ hai. Nhận thấy các sản phẩm được hoà âm bởi Ken Nelson rất phù hợp với phong cách của mình, ban nhạc quyết định tiếp tục làm việc cùng anh trong đĩa nhạc này.
Vì sự thành công của Parachutes, đặc biệt đĩa đơn Yellow là quá lớn, mọi thứ được xem như giấc mơ tuyệt vời với Coldplay. Tuy nhiên, điều này cũng gây áp lực vô cùng lớn cho ban nhạc khi bắt đầu thực hiện album tiếp theo.
Để không phải chịu những điều tiếng của dư luận, lúc này Coldplay chỉ có một lựa chọn rằng sẽ làm ra một album hay hơn cả Parachutes, hoặc ít nhất là bằng nó về chất lượng cũng như giá trị thương mại.
Thay đổi tư duy và trở nên khác biệt để dẫn đầu
Muốn khác biệt, ắt hẳn Coldplay cần thay đổi trong tư duy cũng như phong cách làm nhạc, thật may khi họ biết rõ điều này. Chris với ý tưởng chẳng giống ai lúc bấy giờ, đã đề nghị thay đổi địa điểm phòng thu sang một nơi hoàn toàn khác.
Ở album thứ hai, Coldplay không còn thu âm trong những studio đắt đỏ với thiết bị hiện đại, ban nhạc cũng không có sự phục vụ chu đáo như lần sản xuất trước. Cả nhóm khi ấy làm việc tại một studio nhỏ, vô danh nằm trên đường Parr, thành phố Liverpool.
Tưởng rằng, khi làm việc trong một môi trường thiếu trang thiết bị cũng như cơ sở vật chất yếu kém thì chất lượng album sẽ đi xuống. Tuy nhiên, Coldplay cho thấy điều ngược lại, A Rush of Blood to the Head ngay khi phát hành đã giữ thứ hạng cao ở nhiều bảng xếp hạng như Billboard.
Ở giai đoạn đầu của quá trình sản xuất, ban nhạc thực sự khá bế tắc trong việc tìm chất liệu và đổi mới phong cách âm nhạc. Tuy nhiên, chỉ sau vài ngày nghỉ ngơi, họ đã quay trở lại với nguồn năng lượng dồi dào cùng niềm đam mê đang lớn hơn bao giờ hết.
Cả nhóm khi ấy lao vào viết nhạc không ngừng nghỉ, thành quả thu về sau đó là hơn ba mươi ca khúc. Chúng hầu hết được thu âm và đưa vào các album tiếp theo.
“Trở về Liverpool sau vài ngày nghỉ ở London, Chris mời tôi đến studio để nghe ca khúc The Scientist anh ấy vừa viết. Lúc đó tôi chỉ nghĩ rằng chúng tôi sẽ chơi bài nhạc này trong nhiều năm sau nữa.” – Guy Berryman bày tỏ sự phấn khích trong lần đầu nghe ca khúc The Scientist với tờ Billboard
Quá trình hình thành nên A Rush of Blood to the Head có nhiều trắc trở, tuy nhiên đây cũng là khoảng thời gian khó quên với mỗi thành viên. Nó cho phép ban nhạc trải nghiệm và khám phá bản thân ở những tầng sâu hơn, từ đó cho ra những bản nhạc bất hủ như In My Place, The Scientist, Clocks.
“Chúng tôi đã làm việc trong một phòng thu rất nhỏ. Tuy nhiên ở đây, chúng tôi có thể nắm bắt được rất nhiều ý tưởng, điều mà ban nhạc chưa từng thấy ở những phòng thu quy mô lớn hơn. Đó thật sự là khoảng thời gian kỳ diệu đối với tôi.” – Will Champion chia sẻ với tờ Billboard
Trước đó, một vài đĩa đơn trong A Rush of Blood to the Head đã được biểu diễn tại sân khấu quảng bá cho Parachutes, bao gồm In My Place, Amsterdam, God Put a Smile Upon Your Face.
Dù lúc ấy những bài hát này hoàn toàn xa lạ với khán giả ở các buổi diễn, chúng vẫn được đón nhận nồng nhiệt. Từ khi ấy, chàng thủ lĩnh của Coldplay đã ấp ủ ý định làm ngay một album nữa để phục vụ công chúng.
Được xây dựng từ những bài hát gây hiệu ứng tốt nhưng vào giai đoạn đầu, A Rush of Blood to the Head khá “ù lỳ” trong quá trình sản xuất. Chỉ khi Chris Martin cho cả nhóm nghe ca khúc Politik do anh viết, họ mới thực sự chú tâm cho album tiếp theo.
Với tuyên bố đây sẽ là đĩa nhạc rất khác so với Parachutes, họ tin rằng mình sẽ làm được điều ấy. Mọi thứ đã được chứng minh khi A Rush of Blood to the Head vượt mặt Parachutes về mặt thứ hạng trên bảng xếp hạng Billboard 200.
Khi Coldplay thực sự quyết tâm thì cả “vũ trụ” sẽ giúp họ
Ngoài nỗ lực từ các thành viên Coldplay, thành công này còn phải tính đến sự hỗ trợ của cả một đội ngũ phía sau. Công ty chủ quản Parlophone thậm chí tỏ ra thoải mái và giúp ban nhạc giảm được phần nào áp lực.
Tất cả những điều Parlophone “nhúng tay” là cung cấp cho ban nhạc một phòng thu để làm bất cứ thứ gì họ muốn, kể cả số lượng bài cũng không đặt ra con số cụ thể.
Tuy nhiên, vẫn có những điều kiện lỏng, lúc này Parlophone đang toan tính một kế hoạch truyền thông lớn cho album. Họ dự định sẽ ra mắt đĩa nhạc trước khi lễ hội âm nhạc đình đám Glastonbury năm 2002 diễn ra.
Khi đó, Coldplay sẽ được trình diễn album mới tại Glastonbury. Đây là một kế hoạch đầy tham vọng, một cơ hội lớn, một nước đi hết sức thuận lợi cho Coldplay. Nó giúp ban nhạc khai thác lợi thế sẵn có để tạo dựng hình ảnh cũng như đến gần hơn với công chúng.
Tuy nhiên, tất cả đã đi chệch hướng so với kế hoạch mà Parlophone đề ra. Năm ấy, Coldplay có suất diễn chính ở lễ hội âm nhạc Glastonbury nhưng album lại ra mắt công chúng sau đó một tuần, việc quảng bá vì vậy không thể diễn ra.
Việc mọi thứ bị trễ tiến độ hóa ra lại là điều tốt khi A Rush of Blood to the Head tiếp nối được hiệu ứng truyền thông từ việc Coldplay diễn chính trong Glastonbury. Bên cạnh đó, Coldplay có thêm thời gian hoàn thiện sản phẩm và tranh thủ bổ sung một số bài nhạc, bao gồm Clocks.
Thời điểm ấy, gần như mọi thứ đã đến giai đoạn hoàn thiện và đang chờ hoà âm. Ngay cả công ty chủ quản Parlophone cũng hoàn tất công tác chuẩn bị cho chiến dịch truyền thông.
Thế nhưng, giám đốc sáng tạo Phil Harvey sau khi nghe thử ca khúc đã tức tốc yêu cầu phải sản xuất Clocks để đưa vào album. Về sau, Clocks nằm trong nhóm những bài ca bất hủ của Coldplay và được công chúng yêu thích cho đến tận bây giờ.
“Clocks là bài hát đầy bí ẩn và làm tôi hết sức ấn tượng. Nó như những bản nhạc khiêu vũ với những câu riff rất bắt tai. Tôi thực sự rất thích nó.” – Will Champion chia sẻ với tờ Exclaim! về bài hát Clocks
Với album mới, Coldplay cho thấy một phong cách làm việc hoàn toàn khác biệt. Ở Parachutes, nhóm nhạc phải thu âm cũng như dựng phối rất nhiều. Lúc ấy, họ làm việc gắn kết và nương vào nhau nhiều hơn.
A Rush of Blood to the Head thì lại khá rời rạc, Chris là người chơi guitar cũng như piano chính, các thành viên còn lại sẽ dựa trên những gì thủ lĩnh viết, từ đó chuẩn bị và chơi ngẫu hứng như thể một bản thu chính thức.
Điều này cho phép họ có không gian phát triển ý tưởng của riêng mình, qua đó tạo nên những bản phối nhiều màu sắc, chất liệu nhưng vẫn giữ được sự liên kết giữa các phần với nhau.
“Đó là khoảng thời gian tuyệt vời đối với ban nhạc, khi Will sẽ nghĩ về cái anh ấy sẽ chơi trên nền của các thành viên còn lại, và điều này được lặp lại ở những người khác. Hơi mất thời gian một chút vì họ chơi như thể họ đang thu âm, rất ngẫu hứng.” – Nhà sản xuất Nelson trả lời phỏng vấn với Billboard
Điều đáng khâm phục ở Coldplay là việc mỗi thành viên đều phấn đấu không ngừng nhằm tạo ra sự khác biệt. Đặc biệt Chris Martin luôn tìm cách để các phần trong bài hát được cải thiện và thường làm việc đến khuya.
Gặt hái thành công ngoài mong đợi
Album A Rush of Blood to the Head thực sự là cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của Coldplay. Ở thời điểm nó ra mắt, nếu một khán giả được hỏi về album này, họ sẽ trả lời rằng đĩa nhạc ấy rất đặc biệt.
Điểm nhấn trong album là những tiếng guitar thùng và piano vô cùng mượt mà của Chris Martin, điều đó khiến cho đĩa nhạc có thêm nhiều tầng cảm xúc hơn. Thành quả ấy vô cùng xứng đáng cho những ngày tháng luyện tập căng thẳng của Chris.
A Rush of Blood to the Head hiện là một trong những album có doanh thu cao nhất của Coldplay khi bán được hơn mười bảy triệu bản trên toàn cầu, thành tích mà những cái tên sau này như Parachutes, Mylo Xyloto chưa thể đạt đến.
Nhờ có A Rush of Blood to the Head, cái tên Coldplay một lần nữa vang lên trong lễ trao giải Grammy năm 2003 ở hạng mục Album nhạc alternative xuất sắc nhất năm. Đĩa nhạc này cũng được khán giả của tờ Rolling Stones bình chọn cho danh sách 500 album hay nhất mọi thời đại.
X&Y và bước chuyển mình mạnh mẽ của Coldplay
Từ một ban nhạc vô danh, Coldplay đã cho ra mắt hai album hết sức thành công, lọt vào danh sách Những album hay nhất mọi thời đại chỉ sau vài năm hoạt động. Điều đó giúp tên tuổi họ ngày càng nổi tiếng, thậm chí được mời diễn chính trong đại nhạc hội Glastonbury ngay sau đĩa nhạc đầu tiên.
Áp lực phải tiến xa, làm được nhiều thứ lớn lao hơn đè nặng lên đôi vai các thành viên Coldplay. Vì thế mà ở nửa sau năm 2003, nhóm không xuất hiện quá nhiều trước công chúng, tần suất đi diễn cũng bị giảm đáng kể.
Dẫu là một khoảng nghỉ yên bình, cả nhóm vẫn tích cực chuẩn bị cho album phòng thu thứ ba X&Y. Tác phẩm này về sau được phát hành vào giữa năm 2005.
Ý tưởng táo bạo với những thanh âm điện tử
Ban đầu, cả nhóm thực hiện album này một cách hết sức nhanh chóng và mượt mà. Số lượng bài hát được viết để chờ duyệt lên đến hơn sáu mươi bài, cho thấy tinh thần tận hiến của Coldplay với dự án X&Y. Ở những album trước, con số này chỉ bằng hai phần ba.
Bên cạnh sự đầu tư trí lực cho album X&Y, Coldplay còn kết hợp những chất liệu mới như âm nhạc điện tử với những tiếng Synthesizer, Piano Rhodes đặc trưng.
Thủ lĩnh ban nhạc Chris Martin cho hay anh lấy cảm hứng chủ yếu từ âm nhạc của U2, David Bowie hay nhóm nhạc đàn anh Kraftwerk. Ngoài những thay đổi ấy, chất điện tử còn được thể hiện trên bìa album.
Phần bìa được hai nghệ sĩ Mark Tappin và Simon Gofton thiết kế dựa trên các khối hộp nhiều màu sắc, lấy cảm hứng từ những mã code Baudot. Đây là loại mã nhị phân ra đời năm 1870, phát minh bởi nhà khoa học người Pháp Émile Baudot.
Bên cạnh đó, số thứ tự của các bài hát trong đĩa nhạc còn được mã hoá. Đơn cử, từ bản nhạc đầu tiên đến thứ sáu sẽ có ký tự “X#”, phần còn lại đánh dấu là “Y#”. Điểm này gây tò mò cho khán giả và phần nào giúp đĩa nhạc bán chạy hơn.
Coldplay đầu tư hơn về mặt nội dung của đĩa nhạc
Nổi tiếng với hai album bất hủ trong làng nhạc thế giới nhưng Coldplay không được đánh giá cao về khả năng sử dụng ngôn từ hay những ẩn dụ mang tính thời đại như The Beatles hay Radiohead.
Tuy nhiên, ban nhạc làm khá tốt trong việc truyền tải những ý niệm của mình đến với công chúng ở album X&Y. Điều này bắt đầu từ cách đặt tên, khi kí hiệu X và Y mang nhiều ẩn ý bên trong nó.
“Trong toán học, người ta thường dùng kí tự X và Y để đại diện cho những ẩn số chưa thể tìm ra. Đây được ví như những thứ cảm xúc khó tả như nghi hoặc, sợ hãi, hy vọng và tình yêu. Tôi dành rất nhiều thời gian để suy nghĩ về nó.” – Thủ lĩnh Chris Martin chia sẻ về album với một trang báo địa phương
Ở những đĩa nhạc trước đó, Chris Martin thường viết ở ngôi kể chuyện thứ nhất với cách xưng hô “I” là chủ yếu. Tuy nhiên, trong album tiếp theo này, đa phần anh hát với chủ ngữ “You”, điều này cho thấy chàng thủ lĩnh hướng tới góc nhìn của người nghe nhiều hơn.
Từ đó, anh tự đặt câu hỏi và băn khoăn về những vấn đề mang tính triết lý với góc nhìn rộng hơn. Điều này cho phép câu chuyện của Chris Martin đến với đại đa số khán giả.
Quá trình làm việc đầy căng thẳng của Coldplay cùng đội ngũ
Để chuẩn bị cho những màn ẩn ý nhiều chất xám như vậy, Chris và đồng đội của mình đã làm việc liên tục trong vòng mười tám tháng. Ban đầu, ban nhạc tiếp tục làm việc với nhà sản xuất Ken Nelson sau hai album trước đó.
Tuy nhiên, khi mọi việc gần hoàn tất, các bản thu âm đã được hòa phối xong thì ban nhạc lại cảm thấy không ưng ý và liên tục sửa đổi album.
“Mỗi lần chúng tôi bước lên sân khấu để biểu diễn những ca khúc ấy, chúng tôi lại thấy mình chơi hay hơn bản thu âm. Thế là cả nhóm quyết định trở lại phòng thu để thu âm tiếp.” – Chris chia sẻ về quá trình thu âm
Sau nhiều nỗ lực thay đổi phần hoà âm nhưng không mang lại quá nhiều khác biệt, ban nhạc quyết định chọn nhà sản xuất mới cho dự án lần này. Ken Nelson bị thay thế bởi cấp dưới trong những dự án trước là Danton Supple.
Sự thay đổi này mang lại một vài điểm sáng tích cực khi Danton được xem là người vận dụng tốt các chất liệu điện tử vào hoà phối. Tuy nhiên, quá trình sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn và trì trệ trong khoảng thời gian dài.
Đa phần các bài hát bị ban nhạc chê là thiếu chiều sâu, ít khác biệt và kém sôi nổi. Sau nhiều cố gắng hoà âm, chúng vẫn bị loại ra khỏi danh sách của đĩa nhạc. Tuy nhiên, X&Y cuối cùng cũng được phát hành rộng rãi vào giữa năm 2005.
Những nỗ lực với X&Y được đền đáp xứng đáng
Không nằm ngoài những kỳ vọng và nỗ lực của ban nhạc, album gây tiếng vang lớn trước công chúng ngay từ ngày đầu ra mắt. Nó được đánh giá là đĩa nhạc khác biệt khi phối hợp nhịp nhàng giữa âm nhạc điện tử cùng âm hưởng Alternative-rock.
Đặc biệt, bài hát chủ đề Speed of Sound đã lọt vào danh sách mười ca khúc được nghe nhiều nhất trong tuần đầu ra mắt tại thị trường Mỹ. Coldplay là ban nhạc Anh đầu tiên sau The Beatles có vinh dự xuất hiện ở bảng xếp hạng này.
Đĩa nhạc bao gồm mười hai ca khúc cùng một bài phụ Til Kingdom Come, ban đầu được Chris viết để thu âm cùng danh ca nổi tiếng Johnny Cash. Tuy nhiên, mọi sự chẳng thành vì Cash đã không may qua đời trước khi thu âm.
Cuối cùng, Til Kingdom Come được đánh dấu “+” trong tập sách album như bài hát không chính thức của đĩa nhạc. Bên cạnh đó, X&Y gây bất ngờ cho công chúng khi quyết định vẫn phát hành ca khúc bị rò rỉ trên internet trước đó, Talk.
Album được nhận vô số lời khen từ những trang uy tín như Blender và AllMusic. Tuy nhiên, một số chuyên gia nhận định rằng đây là đĩa nhạc bắt tai nhưng không đọng lại nhiều, điển hình có tạp chí âm nhạc nổi tiếng Pitchfork Media.
Dù chịu ý kiến trái chiều, X&Y vẫn trở thành đĩa nhạc bán chạy nhất toàn cầu năm 2008 khi doanh số lên đến hơn tám triệu bản. Bên cạnh đó, nó còn giúp Coldplay đoạt giải Album và đĩa đơn xuất sắc nhất tại BRIT Awards.
Coldplay và album Viva La Vida or Death and All His Friends
Vì đạt nhiều thành tích từ ba album phòng thu, Coldplay quyết định có cho mình một khoảng nghỉ dài hạn, không nhiều hoạt động diễn ra trong khoảng thời gian ấy. Điều này khiến phần đông người hâm mộ thất vọng, hụt hẫng khi mong chờ sản phẩm tiếp theo.
Lúc ấy, đại diện hãng đĩa Capitol Records đính chính Coldplay chỉ đang tận hưởng một kỳ nghỉ dài. Họ cũng thông tin thêm là người hâm mộ sẽ không phải chờ đợi album mới quá lâu.
Những ý tưởng ban đầu về album thứ tư
Tháng Mười một năm 2006, một tháng sau khi bassist Guy Berryman đón chào con gái đầu lòng, Coldplay bắt tay vào sản xuất album phòng thu thứ tư với nhiều giá trị nghệ thuật cũng như lịch sử.
Ban nhạc đã làm việc với nhà sản xuất Brian Eno, người có xu hướng sử dụng nhạc điện tử trong hoà âm. Đây là lần đầu anh thực hiện dự án cùng Coldplay, vì thế sự hợp tác này được mong chờ sẽ cho ra những bản thu chất lượng, có chiều sâu.
Quá trình sản xuất ban đầu khá suôn sẻ, Chris Martin muốn thực hiện album mang âm hưởng của các nước Mỹ Latinh và đặc biệt là Tây Ban Nha. Vì thế nên địa điểm phòng thu được chuyển đến những nhà thờ ở thành phố Barcelona xinh đẹp.
“Việc thu âm ở Tây Ban Nha về lý thuyết mà nói nó chẳng có gì khác so với những nơi khác, tuy nhiên cuộc sống nơi đây đã thực sự ngấm vào chúng tôi, điều này tạo ra sự khác biệt.” – Will Champion trả lời trong một cuộc phỏng vấn ngắn
Ở album này, âm nhạc của Coldplay giàu hình ảnh, uyển chuyển, tinh tế và ít thẳng thắn hơn các đĩa nhạc trước đó. Điều này lý giải việc tiếng đàn Violin xuất hiện khá nhiều trong Viva La Vida or Death and All His Friends, đến tận hơn sáu bài.
Ở dự án này, nghệ sĩ Violin nổi tiếng Davide Rossi đã đóng góp không ít chất xám. Tiếng đàn anh mang tới làm rất tốt vai trò khi liên kết những tầng âm thanh khác nhau trong bài, tạo ra bước đệm chuyển mượt mà giữa các phần với nhau.
Cú chuyển giao qua tay EMI với nhiều bất cập
Ban đầu, ban nhạc tập trung vào chất lượng hơn số lượng, vì thế Coldplay chỉ muốn album này ít bài hát nhất có thể với độ dài khoảng 42 phút. Yêu cầu duy nhất là mỗi bài phải mang màu sắc riêng biệt, điều này mang đến thách thức lớn cho họ, làm trì trệ quá trình sản xuất.
Sự chậm trễ cũng được lý giải bởi lịch trình dày đặc của Coldplay năm 2007, cụ thể là America Tour vào tháng ba. Cộng thêm sự chuyển giao công ty quản lý ban nhạc từ Parlophone qua tay EMI, điều này gây ra nhiều bất cập trong quá trình làm việc.
Dù bất cập là thế, nhìn chung quá trình sản xuất Viva La Vida or Death and All His Friends còn thuận lợi hơn nhiều nếu so với người anh trước đó X&Y. Cuối cùng, album cũng được ra mắt vào cuối năm 2008.
Viva La Vida mang chiều sâu về lịch sử và chính trị
Khi vừa ra mắt, đĩa nhạc dành được nhiều sự quan tâm từ công chúng và khuấy đảo các bảng xếp hạng trên toàn thế giới. Đặc biệt với sự trở lại này, Viva La Vida đứng đầu tại hơn hai mươi sáu quốc gia châu Á, cho thấy tầm ảnh hưởng lớn của Coldplay lên thị trường tiềm năng này.
Phía bên kia bờ tây đại dương, ca khúc chủ đề Viva La Vida lần đầu tiên đứng đầu bảng xếp hạng nước Anh và Mỹ cùng lúc. Thành tích này chưa từng có ban nhạc Anh Quốc nào đạt được trước đó.
Viva La Vida cũng là một trong những ca khúc có số lượt nghe và tải xuống nhiều nhất. Đến thời điểm hiện tại, nó đã đạt mốc 830 triệu lượt xem trên kênh Youtube của Coldplay, thành quả tuyệt vời cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của cả đội ngũ.
Ngoài lề, album còn có phần bìa mang giàu tính lịch sử cũng như chính trị. Nó được nghệ sĩ Tappin Gofton thiết kế dựa trên bức tranh Nữ thần Tự do dẫn dắt nhân dân của danh hoạ Eugène Delacroix.
Tappin đã biến đổi một chút để viết thêm dòng chữ VIVA LA VIDA, vốn mang nghĩa “Cuộc sống muôn năm” và tượng trưng cho vinh quang, sự sống, cái chết, sự đấu tranh. Đây là những chủ đề thường được nhắc đến trong các tiểu thuyết của Tây Ban Nha.
Ca khúc chủ đề Viva La Vida được xem như câu chuyện về sự lên xuống, thăng trầm trong cuộc đời vua Louis XVI. Ông sau cùng bị đánh bại bởi Nữ thần Tự do, điều này xuất hiện trong bức tranh ở bìa album.
“Hỡi con dân của ta, ta chết với sự trong sáng trước những điều ta bị kết tội. Máu của ta sẽ là mầm mống cho sự phát triển của nước Pháp muôn năm.” – Đây được coi như lời tuyên thệ cuối của vua Louis XVI trước công chúng
Vua Louis có công lớn trong việc chinh phạt, mở mang bờ cõi cho nước Pháp. Ông từng đứng đầu đất nước và chi phối được cả thế giới. Tuy nhiên, đến cuối cùng bản thân lại sống cô độc trong cảnh tù tội, thể hiện rõ qua lời bài hát Viva La Vida.
Thắng lớn ở mặt trận danh hiệu lẫn thương mại
Bên cạnh Viva La Vida vô cùng thành công, phải kể thêm các ca khúc khác cũng nổi tiếng không kém, nằm trong số những đĩa đơn được tung ra nhằm quảng bá album có Violet Hill, Lost, Strawberry Swing.
Để quảng bá cho album Viva La Vida or Death and All His Friends, Coldplay quyết định tổ chức Viva la Vida Tour ở bốn lục địa trên toàn cầu, hiện diện tại nhiều thành phố như Chicago, Toronto, Paris.
Không nằm ngoài dự tính, nó trở thành một trong những chuyến lưu diễn thành công nhất lịch sử âm nhạc khi có hơn ba triệu khán giả theo dõi trực tuyến, thu về doanh thu kỉ lục lên đến 110 triệu USD. Điều này giúp Coldplay trở thành một trong những ông hoàng của ngành công nghiệp tổ chức sự kiện.
Viva La Vida or Death and All His Friends giúp ban nhạc giành về bốn giải thưởng tại BRIT Awards cùng ba danh hiệu vô cùng quan trọng ở lễ trao giải Grammy lần thứ 51 là Album của năm, Bài hát của năm, Thu âm của năm.
Mylo Xyloto với nội dung độc đáo
Trở lại sau chuyến lưu diễn vô cùng thành công Viva la Vida Tour, Coldplay bắt đầu thực hiện album phòng thu thứ năm Mylo Xyloto. Ở đĩa nhạc này, nhóm tiếp tục chọn nhà sản xuất Brian Eno để “gửi vàng”.
Khi ấy, chàng thủ lĩnh Chris Martin tuyên bố ban nhạc sẽ tiếp tục khai thác những mảng màu âm nhạc điện tử kết hợp với âm thanh guitar thùng mộc mạc. Ngoài ra, Coldplay cũng cố gắng mang đến điều khác biệt so với phong cách trước đó ở Viva La Vida or Death and All His Friends.
Mylo Xyloto được chính thức phát hành vào tháng mười năm 2011, đây là một đĩa nhạc có chủ đề riêng, mang hơi hướng nhạc Opera-rock. Album này về sau đã trở thành quán quân tại một số bảng xếp hạng uy tín ở Anh quốc và Mỹ như Billboard, UK Singles Chart.
Cảm hứng tới từ những thứ rất gần gũi
Nguồn cảm hứng chính của đĩa nhạc đến từ những bức vẽ Graffiti trên đường phố nước Mỹ, từ đây Coldplay xây dựng lên một cốt truyện dành cho nó. Cụ thể, nội dung album là về cuộc chiến chống lại âm thanh và màu sắc tại hành tinh Silencia.
Ở đó, mọi thứ bị nắm thóp bởi chính quyền Major Minus độc tài, kẻ có khả năng kiểm soát dân số thông qua sức mạnh truyền thông. Mục tiêu của hắn là lấy tất cả ánh sáng và âm thanh khỏi hành tinh, làm cho các sinh vật không còn năng lượng để sinh sống nữa.
Album là hành trình theo chân Mylo Xyloto, một quân nhân chống lại những kẻ cướp đi ánh sáng và sử dụng chúng để tạo ra nhiều loại vũ khí, đây được xem như phép so sánh đặc biệt với các nghệ sĩ vẽ Graffiti ngoài đời thật.
Khi ra mắt, Mylo Xyloto đã nhận được nhiều đánh giá tích cực vì sử dụng một giọng nhạc đặc biệt cũng như kết hợp thành thạo nhạc điện tử. Năm đó, các đĩa đơn trong album như Paradise và Every Teardrop Is a Waterfall mang về cho Coldplay tổng cộng ba đề cử tại lễ trao giải Grammy 2012.
Coldplay với nghi án đạo nhạc Việt Nam
Princess of China, một sản phẩm hợp tác giữa Coldplay và nữ ca sĩ Rihanna cũng nằm trong album này. Dù nhận được khá nhiều lời khen cho sự kết hợp ấy, bài hát lại chịu nhiều tai tiếng ở thị trường âm nhạc Việt Nam.
Lúc ấy, dư luận dấy lên nghi vấn về việc Coldplay đạo nhạc bài Ra Ngõ Tụng Kinh của Diva Hà Trần. Đây từng là chủ đề rất nóng bỏng, lấy đi nhiều giấy mực từ cánh báo chí nước nhà vào khoảng thời gian album mới ra mắt.
Cụ thể, Ra Ngõ Tụng Kinh ra mắt trước đó ba năm và hoà phối dựa trên một sample có sẵn. Sau khi Princess of China phát hành, nhiều người ngạc nhiên vì thấy đoạn hook cũng như các câu feel trong bài lại giống với bản của Hà Trần một cách kì lạ.
“Với bài hát của Rihanna thì chưa hẳn là đạo nhạc vì hơn 60% nhạc sĩ sáng tác trên beat, việc hòa âm giống nhau cũng chưa phải là đạo nhạc. Nếu các bạn nghe kĩ phần giang tấu của 2 bài thì sẽ thấy nó khác nhau.” – Nhạc sĩ Phúc Trường chia sẻ quan điểm
Xoay quanh việc này có nhiều luồng ý kiến khác nhau. Chính chủ Hà Trần vào năm 2011 đã rất cương quyết trong vấn đề bản quyền bài hát và định kiện Rihanna. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại thì công chúng vẫn chưa thấy thông tin gì thêm.
Coldplay trước đó thừa nhận đã dùng sample có sẵn từ bài Takk của ban nhạc Sigur Ros. Thông tin này in trên bìa album khi nó được phát hành, nguyên văn như sau “Princess of China features vocals by Rihanna and a sample from Takk written by Girgisson/ Dyrason/ Holm/ Syeinsson from Sigur Ros”.
“Chúa ơi! Tôi hoàn toàn hối hận khi đặt ra cái tên ấy. Nó quá khó để tìm kiếm trên Google.” – Chàng thủ lĩnh Chris Martin chia sẻ với cánh báo chí
Chris Martin cho biết anh cũng rất hối hận khi đặt tên album Mylo Xyloto. Đây là cụm từ khó phát âm và ghi nhớ bởi nó chỉ đơn thuần là được các thành viên nghĩ ra trong quá trình sản xuất.
Coldplay tiếp tục lập kỉ lục bán vé
Dẫu gặp khó khăn, album vẫn chễm chệ ngôi vương ở ba mươi tư bảng xếp hạng lớn nhỏ trên toàn cầu, đồng thời là đĩa nhạc phòng thu thứ ba của Coldplay đứng đầu Billboard 200.
Coldplay sau đó tổ chức tour nhạc quảng bá mang tên Mylo Xyloto Tour vào năm 2012. Đây là chuyến lưu diễn trở lại sau ba năm của nhóm, quy tụ các gương mặt tên tuổi như Jay-Z, Mish Catt, Hinds.
Chuyến lưu diễn được tổ chức vô cùng thành công khi trở thành một trong những chương trình âm nhạc có doanh thu cao nhất thế giới năm 2012, lên đến hơn 170 triệu USD.
Coldplay sâu lắng và buồn bã cùng Ghost Stories
Đến với album phòng thu thứ sáu Ghost Stories, Coldplay đã mang đến cho công chúng một đĩa nhạc khác lạ khi có ca từ đầy suy ngẫm cùng những chất liệu mới mẻ.
Mọi thứ được chuẩn bị trong hơn một năm rưỡi, bắt đầu vào năm 2013. Ban nhạc mời những nhà sản xuất nổi tiếng cùng làm việc chung, phải kể đến là cố nhạc sĩ Avicii, Timbaland và Madeon, ngoài ra còn có sự góp mặt của Jon Hopkins.
Màn thử nghiệm đầy dũng cảm của Coldplay
Ghost Stories được đánh giá là bước thử nghiệm đáng hoan nghênh của Coldplay khi không sử dụng những công thức cũ. Thay vào đó, họ lại dùng nhiều cách chơi nhạc cụ và hiệu ứng mới lạ hơn.
Dù điều này mang đến nhiều ý kiến trái chiều nhưng đĩa nhạc vẫn được người hâm mộ hưởng ứng nhiệt tình. Bên cạnh đó, Ghost Stories còn nhận đề cử hạng mục Album có giọng ca Pop hay nhất tại lễ trao giải Grammy lần thứ 57.
“Phá bỏ những giai điệu, công thức bắt tai dường như là một lựa chọn rủi ro. Bởi vì đó là những gì đã giúp Coldplay đạt được vị trí ngày hôm nay. Tuy nhiên, gần đây Coldplay đã lạm dụng điều đó, khiến cho âm nhạc có cảm giác giả tạo. Vì thế, đây là một bước đi đáng khen cho Coldplay.” – Tom Wilcox chia sẻ với tờ The Guardian
Ở chiều ngược lại, Tim Ingham của Music Business Worldwide lại nhận xét Coldplay đã có một lượng khán giả hùng hậu và không cần phải tạo ra một ca khúc quá bắt tai nữa.
Khi cảm xúc được chuyển thể thành âm nhạc
Ghost Stories là những lời than vãn, chán nản của chàng thủ lĩnh Chris Martin về tình yêu và cuộc sống. Album bị ảnh hưởng nhiều sau cuộc hôn nhân đổ vỡ của Chris cùng người vợ Gwyneth Paltrow.
Sự buồn bã được anh chuyển hoá vào các ca khúc trong album. Đây cũng là lần đầu Coldplay ra mắt đĩa nhạc với nỗi bi quan nhiều đến vậy, điều này khiến đa số khán giả cảm thấy lạ lẫm.
Có luồng ý kiến cho rằng khán giả không thể cảm nhận được thứ mà Chris Martin muốn truyền tải. Dù thế, nhiều chuyên gia khẳng định đây là điều bình thường vì trong quá khứ, đã có những album rất thành công khi khai thác chủ đề này.
“Đây là sự thay đổi lớn của tôi, tôi không muốn bản thân sống trong sự sợ hãi, thất bại, sự từ chối tình yêu.” – Chris Martin trả lời đài BBC
Ghost Stories nói nhiều về sự hối tiếc nhưng đồng thời Chris Martin muốn mọi người hiểu rằng nó đến từ những tình cảm chân thật. Bởi khi ai đó mở lòng ra yêu và đón nhận tình yêu thì họ sẽ biết cho đi, cuộc sống như chuỗi ngày vui buồn lẫn lộn, thứ chúng ta cần làm là chấp nhận nó.
Về quá trình sản xuất, mọi thứ đều diễn ra suôn sẻ như dự tính. Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở việc chàng thủ lĩnh Chris Martin mất phương hướng trong cuộc sống, do đó giai đoạn sáng tác có phần trì trệ hơn.
“Kể từ khi thành lập, ban nhạc luôn làm việc khá rời rạc vì mỗi người chỉ làm tốt nhất ở vị trí của họ. Hai năm gần đây, tâm trí tôi rối bời khi không cảm thấy vui với những thứ chúng tôi làm được, nó như gánh nặng, thứ tôi chẳng thể đổ lỗi hay thay đổi được.” – Chris cho biết khi nói chuyện với đài BBC
Dù cho Ghost Stories không được đánh giá cao như những album trước đó, nó vẫn mang về cho Coldplay danh hiệu Top Rock Album ở lễ trao giải Billboard Music Awards năm 2015 và một đề cử tại Grammy lần thứ năm mươi bảy.
A Head Full of Dreams đầy màu sắc
Sau khi phát hành Ghost Stories sáu tháng, Coldplay bất ngờ công bố đang thực hiện album phòng thu thứ bảy. Trước đó, nhóm nhận nhiều ý kiến trái chiều vì sử dụng phong cách và thể loại hoàn toàn xa lạ, khiến các bài hát có phần ảm đạm, trầm lắng hơn.
Coldplay quyết định thực hiện album tiếp theo như một cách để “phục thù” khi nhóm trưởng Chris Martin tuyên bố đây sẽ là đĩa nhạc đầy màu sắc, bay bổng nhưng không quá phô trương. Anh nhấn mạnh thêm rằng nó có thể làm người nghe bị choáng ngợp.
“Nếu so sánh Ghost Stories với A Head Full of Dreams thì chúng như ngày và đêm vậy, hoàn toàn khác biệt.” – Bassist Guy Berryman trả lời trước BBC
Thông thường họ sẽ nghỉ ngơi khoảng một năm sau khi ra mắt album, tuy nhiên ban nhạc liên tục làm việc với cường độ cao, cho thấy tinh thành tận hiến vì âm nhạc. Nỗ lực không ngừng nghỉ này đã mang lại những thành quả hết sức xứng đáng cho Coldplay.
Cú twist khiến khán giả đứng ngồi không yên
Lúc bấy giờ, Chris Martin gây bất ngờ khi liên hệ album này giống như cuốn truyện thứ bảy trong bộ tiểu thuyết Harry Potter với cùng ý nghĩa là hồi kết. Điều này như ngầm tuyên bố đây sẽ là đĩa nhạc cuối cùng của nhóm.
Sau đó, Chris Martin đã đính chính album A Head Full of Dreams chưa thực sự là đĩa nhạc cuối cùng vì với mỗi thành viên, niềm đam mê vẫn rất cháy bỏng và họ muốn làm thêm nhiều thứ cùng nhau.
“Tôi từng nghĩ rằng A Head Full of Dreams sẽ là đĩa nhạc cuối cùng của ban nhạc, vì chỉ có như vậy tôi mới có thể dồn hết tâm trí của mình vào nó.” – Chàng thủ lĩnh Chris Martin thú thật với trong BBC
Cuối năm 2015, A Head Full of Dreams được phát hành thông qua Parlophone và Atlantic Records. Đĩa nhạc gây nhiều tiếng vang lớn trên dòng chảy âm nhạc lúc bấy giờ.
Coldplay cho thấy tham vọng khi kết hợp nhiều gương mặt tên tuổi
Album được sản xuất chính bởi Rik Simpson và Stargate, đây là màn kết hợp rất đáng mong chờ khi Rik là người đứng sau thành công của nhiều đĩa nhạc trước đó từ Coldplay. Bên cạnh đó, nó còn có sự góp mặt của những nghệ sĩ với tên tuổi lớn.
Có thể kể đến là Beyoncé, Noel Gallagher (cựu thành viên Oasis) và Merry Clayton. Đặc biệt, ban nhạc còn sử dụng một sample mẫu của tổng thống Barack Obama vào bài hát Kaleidoscope.
Đó là một đoạn trong ca khúc Amazing Grace được ông hát tại tang lễ chính trị gia Clementa C.Pinckney. Điều này khiến cho công chúng trở nên phấn khích và đón nhận một cách tích cực, vì thời điểm ấy người dân Hoa Kỳ rất ủng hộ tổng thống Barack Obama.
Màn “phục thù” đầy mãn nhãn từ vị trí của Coldplay
Khi trả lời phỏng vấn đài BBC, Chris cho rằng anh không thực sự thích cách truyền thông cho album Ghost Stories, nó chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Vì thế, với sự trở lại này, ban nhạc và công ty chủ quản đã chú trọng hơn ở khâu quảng bá đĩa nhạc.
Từ những hé lộ vào cuối năm 2014 ở nhiều tờ báo lớn cho đến buổi biểu diễn tại lễ hội Global Citizen Festival, ban nhạc đều tận dụng tối đa số các lần xuất hiện trước công chúng để quảng bá về thông tin đĩa nhạc mới.
Ngoài ra, do việc tổ chức chương trình quảng bá album trước kia không thành công như mong đợi, trưởng nhóm Chris Martin thông tin thêm với báo chí rằng ban nhạc sẽ có chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới cho A Head Full of Dreams và Ghost Stories.
Theo kế hoạch công bố, A Head Full of Dreams Tour được tổ chức ở hầu hết các thành phố lớn như London, Barcelona, Manchester. Đặc biệt hơn, Coldplay sẽ biểu diễn tại Ấn Độ và nhóm nước Nam Mỹ. Điều này tạo nên sự bất ngờ cũng như háo hức cho khán giả hai nơi.
A Head Full of Dreams Tour diễn ra trong hơn một năm, kể từ màn mở đầu ở Nam Mỹ đến khi kết thúc tại Bắc Mỹ. Nó nằm trong nhóm ba chuyến lưu diễn có doanh thu cao nhất mọi thời đại, mang về cho ban nhạc khoảng 523 triệu đô USD.
A Head Full of Dreams thì là một trong những album thành công nhất về mặt thương mại của Coldplay. Bên cạnh đó, chất lượng đĩa nhạc cũng được khẳng định qua việc đứng hạng nhất trên các bảng xếp hạng Anh quốc và Mỹ như UK Albums Chart, Billboard.
Coldplay chạm đến những vì tinh tú trong Music of the Spheres
“Look at the stars, look how they shine for you” là những câu hát do Chris Martin viết cho đĩa đơn thành công nhất của nhóm Yellow vào năm 2000. Có thể thấy, hình ảnh về vũ trụ, các hành tinh luôn được trưởng nhóm Chris đặc biệt quan tâm đến, nó còn xuất hiện tại thế giới ảo tưởng trong album Mylo Xyloto.
Với sự trở lại trong Music of the Spheres, Coldplay đã tự do sáng tạo vũ trụ cho mình. Được biết, đây là đĩa nhạc có chủ đề riêng thứ hai của nhóm, sau Mylo Xyloto.
Thiên văn cùng những ý niệm đĩa nhạc mang trong mình
Tên gọi, nội dung chủ đề của album Music of the Spheres đều liên quan đến các vì tinh tú, dải ngân hà. Nó được truyền cảm hứng bởi lý thuyết thiên văn học cổ điển rằng sự chuyển động của các hành tinh như một dạng âm nhạc, đây là phép so sánh đầy ẩn dụ với những chuyển động bên ngoài không gian.
Thay vì cố gắng tạo ra âm thanh nghe có vẻ giống “hư cấu, vũ trụ” thì Coldplay chỉ làm thứ họ giỏi nhất, đồng hành cùng nhóm còn có nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng Max Martin.
Music of the Spheres mang trong mình những nét đặc trưng nhất của Coldplay. Nó là đĩa nhạc có giai điệu Pop bắt tai, thứ gây phấn khích đến độ đủ để đưa thính giả lên “quỹ đạo thiên hà” và “chạm vào thực thể chói sáng chưa bao giờ nhìn thấy”.
“Chúng tôi cố gắng tiếp cận gần hơn và sử dụng giải ngân hà cũng như vũ trụ để ẩn dụ cho những khó khăn, cơ hội trong thế giới thực tại.” – Tay trống Will Champion trả lời trang Entertainment Weekly
Những ẩn ý về album đã được Coldplay đăng tải lên mạng xã hội trước khi đĩa nhạc ra mắt. Trong đó, có nhiều gợi ý rằng đôi lúc con người cũng là sinh vật ngoài hành tinh.
Sau nhiều lần úp mở thông tin đĩa nhạc, cuối cùng Music of the Spheres cũng được ra mắt vào cuối năm 2021 thông qua Parlophone và Atlantic Records. Ngay lập tức, nó đã gây nên vô số bình luận trái chiều.
Những màn kết hợp đầy bất ngờ với BTS và Selena Gomez
Album Music of the Spheres mở đầu với hai đĩa đơn là High Power và My Universe, trong đó bài đầu tiên đã mang về cho Coldplay đề cử Ca khúc có màn trình diễn ấn tượng nhất tại lễ trao giải Grammy thứ 64.
Bên cạnh đó, My Universe lại nhanh chóng chiếm được cảm tình từ khán giả bởi lần đầu kết hợp cùng nhóm BTS, vốn vô cùng nổi tiếng không chỉ ở Hàn Quốc mà còn trên thế giới.
Đó thực sự là tin chấn động đối với người hâm mộ của cả hai ban nhạc lúc bấy giờ. Sự kết hợp này tạo nên hiệu ứng rất tốt và giúp Coldplay đến gần khán giả Châu Á hơn bao giờ hết. Ca khúc sau đó đứng vị trí thứ nhất trong bảng xếp hạng Billboard 100 và thứ ba tại UK Singles Chart.
Ngoài BTS, Coldplay còn cho thấy sự “chịu chơi” khi kết hợp với hàng loạt nghệ sĩ đình đám như Selena Gomez, We Are KING và Jacob Collier. Ví dụ như trong ca khúc Let Somebody Go, Selena đã mang đến một bài hát đầy đau thương, u sầu.
Với chất giọng êm dịu cùng những đoạn lên xuống nhịp nhàng, Selena và Chris hát như thể họ đang đối thoại với nhau, ăn khớp đến từng câu từng chữ.
Hay như Human Heart với sự góp mặt của bộ đôi We Are KING cùng nghệ sĩ nhạc Jazz Jacob Collier, cả hai đã cho thấy góc nhìn khác nhau giữa nam và nữ về cảm xúc con người.
Đối với thính giả, Music of the Spheres của Coldplay mang đến một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ. Với chủ đề về tình yêu, lồng ghép vào đó là những triết lý, đĩa nhạc đã thành công trong việc truyền tải nội dung tới công chúng.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thể loại nhạc Space Rock có pha chút Ambient đã khiến cho “vũ trụ” của Coldplay trở nên lung linh, sống động hơn bao giờ hết. Họ giúp người nghe cảm nhận đến từng phần trong “dải ngân hà” ấy.
Music of the Spheres còn hướng đến sự tự do mà chẳng có bất kì rào cản, giúp con người nghe trôi bồng bềnh giữa những dòng suy nghĩ, không bị trói buộc vào bất kỳ điểm cố định nào. Như một ngôi sao sáng, đĩa nhạc đã truyền đi thông điệp về tình yêu, cảm xúc một cách trọn vẹn và đẹp đẽ.
Để quảng bá cho đĩa nhạc, Coldplay đã công bố Music of the Spheres World Tour và sẽ xuất hiện tại nhiều thành phố lớn trên thế giới. Nhóm còn tuyên bố sẽ áp dụng nhiều biện pháp nhằm giảm thiểu tối đa mức xả khí CO2 trong quá trình thực hiện.
Hơn hai thập kỷ gắn bó một chặng đường
Hơn hai mươi năm cố gắng không ngừng nghỉ, ban nhạc đã phát triển từ những cậu nhóc vừa học vừa chơi nhạc đến các sân khấu cháy vé liên tục. Hành trình Coldplay trải qua hệt như một điều kỳ diệu mà ai cũng ao ước.
Điều này đến từ đam mê cháy bỏng với âm nhạc của các chàng trai Coldplay. Bên cạnh đó là tình bạn vô cùng gắn bó giữa họ, rất hiếm ban nhạc có thể đi được với nhau trên một chặng đường dài mà vẫn còn đầy đủ thành viên như thế.
Với nhiều thính giả, Coldplay chính là ông vua mới của nền nhạc đương đại thế giới. Dù thành công như vậy, gần đây trưởng nhóm Chris Martin đã chia sẻ một vài thông tin khiến cho người hâm mộ đứng ngồi không yên.
Cụ thể, anh nói Coldplay sẽ dừng chơi nhạc vào năm 2025. Lý do chi tiết vẫn chưa được cung cấp. Tuy nhiên, nhiều người nhận định rằng đây rất có thể là “thuyết âm mưu” cho sự trở lại nào đó của cả nhóm.
Hoàng Vũ
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất