Suốt cuộc đời làm thầy thuốc, Lê Hữu Trác đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của nền y học Việt Nam. Ông để lại kho tàng quý báu về dược học, văn học, dù trải qua hàng trăm năm vẫn giữ nguyên giá trị và tính ứng dụng.
Lê Hữu Trác là một người thầy vĩ đại, truyền cảm hứng mãnh liệt đến nhiều thế hệ bởi không chỉ đa tài, uyên thâm mà còn sáng ngời trong nhân cách và tư tưởng cao đẹp.
Cuộc đời và sự nghiệp của danh y Lê Hữu Trác
Lê Hữu Trác sinh năm 1724, người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương, nay thuộc Hưng Yên. Ông được biết đến là một danh y lỗi lạc, nhà văn tài hoa, một nho sĩ mang tư tưởng cao đẹp, coi thường danh lợi.
Sinh ra trong gia đình “danh gia vọng tộc” có truyền thống khoa bảng, dòng họ nhiều người đỗ đạt làm đại thần trong triều đình, cùng với việc nổi tiếng là người thông minh nên thuở nhỏ ông đã theo cha đi học ở Kinh thành Thăng Long.
Năm Kỷ Mùi 1739, khi tròn hai mươi tuổi thì cha mất, tuy thi hương đỗ tam trường nhưng ông quyết định bỏ thi. Lê Hữu Trác rời Kinh thành, trở về quê nhà, vừa chăm lo gia đình, vừa chăm chỉ đèn sách với các học thuyết của Nho, Phật, Lão.
Thời Lê Mạt, chế độ phong kiến khủng hoảng nghiêm trọng, Trịnh Nguyễn phân tranh, chia lãnh thổ. Giữa chế độ vua Lê, chúa Trịnh, nhân dân vô cùng cực khổ, các phong trào khởi nghĩa diễn ra khắp nơi để chống lại chế độ phong kiến.
Xã hội đương thời nhiều biến động, Lê Hữu Trác bắt đầu nghiên cứu về binh thư, võ nghệ và đúc kết được nhiều bài học ghi chép lại trong Tâm lĩnh. Vài năm sau khi triều đình tuyển mộ binh lính, ông đã gác bút, đeo gươm tòng quân.
“Nghiên cứu trong vài năm cũng biết được đại khái, mới đeo gươm tòng quân để thí nghiệm sức học của mình.” – Tâm lĩnh (Hải Thượng Lãn Ông)
Khi nhận ra hiện thực rách nát của xã hội phong kiến, những cuộc chiến khởi nghĩa đều bị đàn áp chỉ đem lại mất mát, đau thương cho dân lành. Ông cảm thấy chán nản, muốn rời khỏi quân đội nên nhiều lần từ chối sự đề bạt thăng quan, tiến chức.
Năm 1746, khi anh trai mất, ông đã lấy cớ về chăm lo, báo hiếu mẹ già để xin rút khỏi quân đội, “bẻ tên cởi giáp” nghe theo thiên lương của chính mình, tìm đến con đường mới.
Như những nhà nho chân chính khác, Lê Hữu Trác đã chọn cuộc sống ẩn dật, lánh về quê mẹ nơi đất Hà Tĩnh để sống một đời ẩn sĩ thanh cao và làm thầy thuốc chữa bệnh cho người dân.
Bước ngoặt sự nghiệp của Lê Hữu Trác đến khi bị ốm nặng, dù được chữa trị khắp nơi nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm. May mắn thay, có người mách ông đến nhà thầy thuốc nổi tiếng tên Trần Độc ở Nghệ An.
Trần Độc từng thi đỗ cử nhân nhưng nhận thấy sự thật bẽ bàng chốn quan trường nên từ chối vinh hoa để về quê hành nghề chữa bệnh. Ông uyên bác trong lĩnh vực y học, đã cứu chữa nhiều bệnh nhân nên rất được người dân tin tưởng.
Trong thời gian chữa bệnh, Lê Hữu Trác bắt đầu nghiên cứu sách y học, vốn sẵn trí thông minh, ý chí học tập nên ông có khả năng tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng.
Ông mượn sách về y dược để đọc, nhận thấy nghề y phù hợp với mình và giúp ích cho người nên quyết chí theo học nghề. Sau khi khỏi bệnh về nhà, Hữu Trác vùi đầu vào trong sách vở, tìm hiểu về y học.
Một lần nọ, tướng Trịnh mời ông cầm quân nhưng ông nhất quyết từ chối, theo đuổi chí hướng làm thầy thuốc cứu người. Mùa thu năm Bính Tý 1756, Lê Hữu Trác đến kinh đô mua thêm sách thuốc để nghiên cứu, đồng thời bắt đầu chữa bệnh cho người dân ở địa phương.
Chỉ sau một thập kỷ miệt mài cống hiến, Lê Hữu Trác đã nổi tiếng khắp vùng Nghệ Tĩnh, tiếng lành đồn xa, nhân dân vô cùng yêu quý và kính trọng. Từ đó về sau, ông trở thành y sĩ, dành một phần cuộc đời còn lại để gắn bó với nghề.
Ông đặt danh hiệu thuốc “Hải Thượng Lãn Ông”, trong đó Hải Thượng tượng trưng cho tỉnh Hải Dương, phủ Thượng Hồng quê cha và cũng là xứ Bầu Thượng quê mẹ.
“Lãn Ông” nghĩa là “ông già lười”, ngụ ý lười biếng, nhàm chán trước sự hào nhoáng nhưng trống rỗng của hư danh, tự giải phóng bản thân khỏi sợi dây ràng buộc bởi danh lợi, khao khát tự do nghiên cứu y học.
Vốn kiến thức sâu rộng, tấm lòng lương y cao cả nên việc chẩn đoán bệnh và kê đơn đều được thực hiện rất thận trọng, Hải Thượng Lãn Ông đã chữa khỏi nhiều trường hợp đặc biệt, tên tuổi cứ thế lan khắp chốn, tới tận thủ đô Thăng Long.
Không dừng lại ở việc khám chữa bệnh, ông còn mở lớp đào tạo thầy thuốc, danh tiếng lẫy lừng, nhiều người đều tìm đến đây để học. Ngoài ra, Lê Hữu Trác còn tổ chức hội y nhằm quy tụ những danh y từ khắp nơi về trao đổi học hỏi lẫn nhau.
Lãn Ông là người thầy có phẩm chất cao đẹp, ông luôn dạy học trò về nhân cách của một thầy thuốc chân chính, đề cao tính y đức và tuân thủ tám chữ vàng “Nhân”, “Minh”, “Đức”, “Trí”, “Lượng”, “Thành”, “Khiêm”, “Cần”.
Tám con chữ xoay quanh những phẩm chất đáng quý như nhân ái, sáng suốt, đức độ, tốt bụng, chân thành, khiêm tốn và cần cù. Ông còn khuyên răn học trò tránh lười nhác, keo kiệt, đi theo con đường hư vinh để rồi bất nhân, thất đức.
Khi đã bắt đầu ở ngưỡng tuổi hơn sáu mươi, Hải Thượng Lãn Ông được chúa Trịnh Sâm triệu ra Thăng long để chữa bệnh cho thái tử. Đến thủ đô, ông được đưa đến khám bệnh ngay cho Trịnh Cán.
Tuy nhiên, khi ông đưa đơn thuốc kê lên thì bị các ngự y khác trong phủ ganh ghét, gièm pha và không dùng. Kết quả dẫn đến bệnh tình của con trai chúa Trịnh Sâm không mấy thuyên giảm.
Không lâu sau đó, Trịnh Sâm lâm bệnh, Trịnh Cán thì ốm yếu kéo dài dai dẳng. Ông đành miễn cưỡng lên chữa bệnh, dù khỏi nhưng tuổi cao sức yếu, chỉ ít lâu sau Trịnh Sâm băng hà, con trai là Trịnh Cán lên kế vị.
Trịnh Cán uống thuốc, bệnh thuyên giảm nhưng Lãn Ông xét bệnh thấy khó lòng khỏi, nhân lúc triều đình đang có người tiến cử thái y mới, Hải Thượng Lãn Ông viện cớ tuổi già thoái lui về quê.
Về đến Hương Sơn, ông tiếp tục dạy học, biên soạn bổ sung một số tập trong tác phẩm Y Tông Tâm Lĩnh và viết thêm tập Thượng kinh ký sự cho đến khi mất. Nhân dân vô cùng thương tiếc, tôn kính nên đã an táng Hải Thượng ở chân núi Minh Từ.
Cuốn Thượng kinh ký sự cũng như toàn bộ sách của ông là tài sản vô giá đối với các môn y học, văn học, sử học Việt Nam thời cuối Lê Trịnh đến tận bây giờ.
Tư tưởng của vị danh y Hải Thượng Lãn Ông với tiếng tăm lẫy lừng
Về mặt triết học, Lê Hữu Trác là người theo chủ thuyết nhân bản, về đạo đức thì hướng đến chủ nghĩa nhân đạo. Về thẩm mỹ, ông theo quan niệm nhân văn trình bày cái đẹp, cái bi hài, xây dựng giá trị nghệ thuật trên nền tảng cuộc sống con người.
Ở thế kỷ XVIII, học thuyết âm dương tương đối phổ biến, tuy nhiên đi ngược lại với một số nhà tư tưởng đương thời, Lê Hữu Trác muốn thoát khỏi khuôn khổ về mặt lý thuyết.
Ông mang nhận thức sâu sắc trước diễn biến của xã hội đương thời, Lê Hữu Trác quyết định tránh xa con đường danh lợi, từ bỏ cơ hội “thăng quan tiến chức” để chuyển sang nghề bốc thuốc chữa bệnh.
Thấu tỏ những mâu thuẫn giai cấp trong xã hội Lê Trịnh, Lãn Ông cho rằng nguyên nhân dẫn đến các cuộc khởi nghĩa của quần chúng nhân dân xuất phát từ mâu thuẫn với giai cấp thống trị.
“Kẻ ăn chẳng hết, người lần chẳng ra. Kẻ thì gác tía xướng ca, người thì đói rét kêu la đầy đường.” – Vệ sinh yếu quyết (Lê Hữu Trác)
Vốn có tấm lòng nhân đạo cao cả hướng đến nhân dân, đặc biệt là dân nghèo nên suốt nửa phần đời còn lại, ông không ngừng dốc hết sức lực và tài năng để cứu người.
“Tôi luôn nghĩ một lòng làm phúc giúp người. Đối với người giàu sang, không bị động vì lợi dục; đối với người nghèo hèn, không dám coi thường sự sống, chết.” – Y âm án, y dương án (Lê Hữu Trác)
Xuất phát từ những tư tưởng nhân đạo, đối với con người, Lãn Ông đã đề cao vẻ đẹp của người lao động, cho rằng nét đẹp ấy đến từ da dẻ hồng hào, gân cốt rắn chắc. Từ đó, ông cho rằng cái đẹp thẩm mỹ nó đến từ những điều giản dị.
“Ăn mặc gì cũng đẹp, không nên cạnh tranh, đua đòi, miễn là chất phác, thích nghi với khí hậu.” – Vệ sinh yếu quyết (Lê Hữu Trác)
Về nghệ thuật, Hải Thượng Lãn Ông hướng ngòi bút đến gần hiện thực, sáng tác nhiều trang văn nghiêm khắc phê phán chế độ Lê, Trịnh đầy bất công với những người nông dân nghèo khổ.
Ông quan niệm rằng để làm ra một tuyệt tác văn học, người nghệ sĩ cần phải hoà mình vào thế giới thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống bằng tất cả giác quan.
“Ngắm kỹ những cảnh tuyết sa buổi tối, khói toả ban mai, đỉnh non phun ngậm ánh hào quang, ngoạn thưởng vẻ tự nhiên…rồi về nhập thần.” – Y hải cầu nguyện (Lê Hữu Trác)
Những tác phẩm ấy không chỉ cần phong phú về hình thức mà còn phải đẹp về giá trị nội dung. Vì vậy, người nghệ sĩ trong quá trình thai nghén văn chương nên có đôi mắt tận tường hiện thực đời sống và khả năng thấu cảm được nó.
“Phải có ích thực, chứ không phải chơi.” – Thượng kinh ký sự (Lê Hữu Trác)
Thế kỷ XVIII ở nước Việt đầy biến động, các phong trào quần chúng nhân dân trỗi dậy khắp nơi. Trực tiếp chứng kiến những sự kiện này, Lê Hữu Trác suy tư khi nhìn xã hội bốn bề ngổn ngang.
Ông khao khát “làm con chim sổ lồng”, “con cá thoát lưới”, quyết tâm vứt bỏ vinh hoa phú quý để chọn nghề y. Đây là hướng đi tích cực và đúng đắn, tác động đến bản tính, chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Lê Hữu Trác từ đó về sau.
“Tôi đã hiến thân cho nghề thuốc nên lúc nào cũng muốn làm hết sức mình trước thuật cho nhiều để dựng cờ hồng trong ngành y” – Lê Hữu Trác
Tính chất nghề nghiệp buộc Hải Thượng Lãn Ông phải đối diện với các vấn đề quan trọng như sống, chết, ông đã dứt khoát gạt bỏ quan niệm sống chết có số và khẳng định là do sức khoẻ, khả năng chống lại bệnh tật của con người.
“Sức người ta có thể thay được số trời, tương lai chưa đoán trước được thế nào.” – Thượng kinh ký sự
Có thể thấy Lãn Ông đã có tư duy thực tế, tiến bộ so với thời đại và hạn chế được tư tưởng lỗi thời, phát huy năng lực của sức người để chữa trị cho bệnh nhân.
Lê Hữu Trác đi tìm nguyên nhân của bệnh chứ không giáo điều, câu nệ mà bám vào lý thuyết khiến bệnh tình không thuyên giảm. Ông đưa ra nhiều phương pháp chữa bệnh linh hoạt khi dựa vào thời tiết, phong thổ lẫn thể trạng của người bệnh.
“Không nên quá câu nệ vào thuyết vận khí vì bệnh phát sinh do cả nguyên nhân bên ngoài, cảm nhiễm tùy theo thời tiết.” – Lê Hữu Trác
Việc khám bệnh và kê đơn đều được thực hiện một cách thận trọng bởi cái tâm luôn dành cho con người. Đó là sự khác biệt với các nhà nho đương thời, ông không màng danh lợi mà chỉ nghĩ đến lợi ích bá tánh.
Xuất thân trong gia đình nhà nho, Lê Hữu Trác thấu hiểu sâu sắc lẽ sống, đạo làm người, không dao động mà tìm đến niềm vui trong cuộc sống ẩn dật, thoải mái làm điều bản thân yêu thích để giúp đời, giúp người.
“Cây kia có hoa nên người ta hái; người ta có cái hư danh nên phải lụy chữ danh. Ví bằng trốn cái danh đi có thú hơn không?” – Thượng kinh ký sự
Ở những năm tháng thuộc thế kỷ mười tám, tư tưởng cầu danh lợi, mong muốn làm quan, làm tướng và coi thường nghề bốc thuốc chữa bệnh luôn hiện hữu ở tầng lớp trí thức bấy giờ.
Khi Lê Hữu Trác từ bỏ mọi sự đề cử để lánh về quê, chọn y học như một lẽ sống, ông gặp không ít khó khăn vì dân chúng chỉ coi nghề này hệt như việc làm ruộng.
Mặc kệ miệng đời, tình yêu nghề của Hải Thượng Lãn Ông vẫn không bị suy chuyển. Chính lý tưởng đúng đắn, phẩm chất cao đẹp đã giúp ông đạt những thành tựu xuất sắc về y học, tạc nên tượng đài vững chãi trong lịch sử.
Vị danh y đa tài để lại những giá trị quý báu cho dân tộc
Không chỉ là một vị danh y nổi tiếng, Lê Hữu Trác còn rất đa tài. Điều này được thể hiện qua nhiều tác phẩm văn học do chính ông sáng tác. Nổi bật nhất với bộ sách Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh gồm 28 tập, 66 quyển và được biên soạn trong gần bốn mươi năm.
Nó được chắp bút khi ông bốn mươi tuổi, căn bản hoàn thành khi tròn năm mươi và trong vòng hai mươi năm tiếp theo có bổ sung thêm một số tập như Y hải cầu nguyên, Thượng kinh ký sự và Vận khí bí điển.
Đây là công trình nghiên cứu y học xuất sắc nhất của ông trong thời trung đại Việt Nam, không chỉ có giá trị to lớn về y học mà còn có giá trị văn học, lịch sử, triết học.
Có thể nói rằng, bộ sách viết về Đông y là “nhị thập bát tú” lấp lánh trên bầu trời Y học Phương Đông, được giới y học trong và ngoài nước đánh giá cao, coi đây là bộ “Bách khoa thư Y học” đầu tiên của Việt Nam, đánh dấu bước tiến bộ của nền y học cổ truyền dân tộc.
Tuy Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh là bộ sách thuốc nhưng có một tập không những được giới y sĩ yêu thích mà cũng được các nhà văn, nhà thơ, nhà sử học nước ta đánh giá cao. Đó là Thượng kinh ký sự thuộc thể loại hồi ký, kể lại chuyến đi đến thủ đô Thăng long chữa bệnh của Lê Hữu Trác.
Sách Âm dương y án cũng đã ghi lại một số câu chuyện chữa bệnh, in đậm giá trị nhân văn sâu sắc, để lại cho hậu thế tư tưởng thanh cao về cuộc sống, vứt bỏ sự bon chen trong danh lợi, theo đuổi lương y.
Sự nghiệp của Lê Hữu Trác ảnh hưởng to lớn đối với lịch sử y học Việt Nam, đúng như lời nhận định của hiệu trưởng Trường Đại học Y khoa Hà Nội, Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam.
“Cuộc đời của Lãn Ông là một bài học lớn về truyền thống bảo vệ sức khỏe của dân tộc ta, đạo đức người thầy thuốc Việt Nam, ý chí phấn đấu xây dựng một nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng… Người cán bộ y tế chúng ta rất tự hào về bậc tiền bối, có một sự nghiệp hiển hách như Hải Thượng Lãn Ông, người đã ghi trong lịch sử nước ta những trang sử vàng chói lọi. Chúng ta nguyện noi gương Lãn Ông, kế tục sự nghiệp của Lãn Ông và làm tròn nhiệm vụ của người thầy thuốc Việt Nam, góp phần xây dựng nền y học Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày càng vững mạnh”. – Giáo sư Hồ Đắc Di
27 tập còn lại trong tác phẩm là vốn liếng tri thức và kinh nghiệm ông tích luỹ trong quá trình chữa bệnh, thể hiện quan điểm về đạo đức người thầy thuốc, một trong những suy nghĩ hiếm hoi của một tầng lớp trí thức thời đó.
Thượng kinh ký sự là nét văn chương độc đáo của Lê Hữu Trác
Bộ sách Hải thượng Y Tông Tâm Lĩnh gồm những quyển nói về bài thuốc và cách chữa bệnh, riêng cuốn cuối là Thượng kinh ký sự mang nét văn chương đặc sắc, độc đáo được viết theo thể loại hồi ký.
Dấu ấn ở Thượng kinh kí sự không chỉ nằm ở nội dung mà còn thể hiện qua hình thức khi có nhiều bài thơ chữ Hán đan xen. Tác giả vừa tô đậm thiên nhiên hữu tình, vừa bộc bạch cõi lòng của vị danh y mang tâm hồn và cốt cách thi sĩ.
Trong thời đại đó, trước và sau Lãn Ông, hầu như nền văn học nghệ thuật của nước ta chưa có tác phẩm nào được viết theo lối hồi ký, nhà văn là nhân chứng ghi chép sự kiện một cách chi tiết, tường thuật lại những câu chuyện hằng ngày.
Tập sách này đã mang đến giá trị lịch sử sâu sắc, khắc hoạ sinh động về cuộc sống chúa Trịnh, mô tả vai trò nhất định của một số nhân vật và đề cập mối quan hệ mâu thuẫn của tầng lớp quan lại.
Thượng kinh ký sự được xem như quyển nhật ký của Lê Hữu Trác, ghi chép lại chuyến đi kéo dài chín tháng hai mươi ngày ở chốn kinh đô Thăng Long chữa bệnh cho thế tử Trịnh Cán.
Tác giả đã kể về những điều được chứng kiến ở chốn kinh kỳ, cuộc sống xa hoa của vua chúa và quan lại, kể cả việc chữa bệnh cho thái tử Trịnh Cán hay những cuộc tiếp xúc với các công khanh, nho sĩ đều được ghi chép cụ thể một cách chân thật.
Qua quyển Thượng kinh ký sự, độc giả có thể nhận ra phong cách sống cao đẹp của Lê Hữu Trác trước sự cám dỗ chốn phù hoa hay sự đấu tranh tư tưởng với bản ngã trước vinh hoa phú quý để đổi lấy cuộc sống thanh cao, an nhàn.
Thông qua tác phẩm đó, bạn đọc thấy được tính cách của ông, một người luôn coi thường danh lợi, giàu cảm xúc trước thiên nhiên, tạo vật. Với những giá trị đó, tác phẩm đã độc chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử văn học Việt Nam.
Nhân cách cao đẹp của Lê Hữu Trác gắn với quan niệm hành nghề
Ngoài tư tưởng về nghề, quan điểm về công danh, ông cũng dành sự quan tâm sâu sắc đến đạo đức của người thầy thuốc và thể hiện quan điểm y đức của mình trong lời Y huấn cách ngôn, tập đầu tiên trong bộ sách Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh.
Nhiều nhà nghiên cứu y học nhận thấy những lời ông viết có sự tương đồng với Lời thề của Hippocrate. Kỳ lạ thay, khi hai bậc đại danh y sinh ra từ hai phương trời khác nhau, sống trong hai thời đại khác biệt nhưng lại gặp nhau trong tư tưởng.
Suốt đời Lê Hữu Trác luôn tận tụy với người bệnh, không quản cực nhọc, có khi đêm hôm mưa gió, đường xa xôi hay ngay cả khi bản thân đang mệt mỏi, ốm đau đều đến tận nơi xem bệnh rồi mới cho thuốc.
“Tôi thường thấm thía rằng: Thầy thuốc là người có nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng người ta: Lẽ sống chết, điều phúc họa đều ở trong tay mình xoay chuyển, lẽ nào người có trí tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm hồn không thoáng đạt, trí quả cảm không thận trọng mà dám theo đòi bắt chước học nghề y.” – Lê Hữu Trác
Có thể dùng thuốc gì để chữa, ông sẽ dùng ngay kể cả khi nó đắt tiền, dù biết bệnh nhân không có khả năng chi trả. Có trường hợp đã khỏi bệnh nhưng gia cảnh nghèo túng, ông còn chu cấp thêm cho tiền gạo.
“Phần mình phải hết sức suy nghĩ, đem hết khả năng để làm kế tìm cái sống trong cái chết cho người ta.” – Lê Hữu Trác
Ông là hiện thân mang vẻ đẹp nhân cách cao cả về tấm lòng cương trực, chí khí thanh cao, không màng phú quý. Lãn Ông luôn căn dặn học trò cũng như chính mình phải biết tự trọng, khiêm tốn học hỏi và tôn trọng giúp đỡ đồng nghiệp.
“Khi gặp người cùng nghề cần khiêm tốn, hòa nhã, cẩn thận, chớ nên coi rẻ khinh thường, đối với người cao tuổi thì nên cung kính; đối với người có học thì nên tôn thờ như bậc thầy; đối với người cao ngạo thì nên nhún nhường; đối với người non nớt thì nên dìu dắt; giữ lòng như vậy là điều phúc lớn” – Lê Hữu Trác
Chính vì tấm lòng y đức tỏa sáng trong công việc, Lê Hữu Trác được nhân dân vô cùng kính trọng. Ông là người đúc kết các tinh hoa của y học cổ truyền Việt Nam và để lại nhiều tác phẩm có giá trị cho đến ngày nay.
Ông là người khéo léo trong việc đối nhân xử thế
Những người theo nghề y thường sẽ giúp đỡ lẫn nhau để cùng thống nhất nhận định, cách điều trị. Với người tài hơn mình, Hải Thượng Lãn Ông luôn kính trọng, coi như tiền bối và khiêm tốn học hỏi.
Ông tận tình cứu chữa, đặt ưu tiên hàng đầu đối với bệnh trở nặng, tìm mọi cách để chữa bệnh cho đến khi âm dương ly biệt mới thôi. Đặc biệt, Lãn Ông luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến người nghèo vì họ khó có thể mời danh y thăm bệnh.
“Nhà giầu không thiếu gì thầy thuốc, còn nhà nghèo khó lòng rước được lương y, vậy cần lưu tâm cứu chữa cho những người này thì họ mới sống được”. – Lê Hữu Trác
Phương châm ông đặt ra cho nghề là phải quên đi nhu cầu vật chất của bản thân, níu giữ sinh mạng là sứ mệnh hàng đầu, tài lộc, phú quý chỉ là mây trôi, không nên bận tâm đến.
Người muốn thành công trên đường đời, đóng góp cho xã hội, nhất định phải tìm hướng đi phù hợp, có quan điểm đúng đắn, đặc biệt là đạo đức hành nghề. Toàn bộ tư duy này đều được đúc kết trong tư tưởng và nhân cách của Lãn Ông, một nhân vật lỗi lạc.
Dù mỗi thời đại đều mang những lý tưởng khác nhau, khoa học có tiến bộ nhưng chân lý về nhân cách con người vẫn giữ nguyên giá trị và không thể dung hoà với mọi cạm bẫy, hư vinh.
Giai Kỳ
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất