Đi một ngày đàng, học một sàng khôn – Thành ngữ dân gian

Bên cạnh tinh thần yêu nước, lòng hiếu học cũng là một truyền thống đáng quý của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, có rất nhiều câu thành ngữ và tục ngữ ra đời để khuyên nhủ thế hệ sau như “Học ăn học nói, học gói học mở” hay “Ăn vóc học hay”, “Tiên học lễ, hậu học văn”.

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” nằm trong số đó. Nó được sử dụng để đề cao tầm quan trọng của chuyện học tập và trau dồi kiến thức, đồng thời khẳng định việc đi nhiều, tìm hiểu nhiều, khám phá nhiều chính là chiếc chìa khóa dẫn đến điều này.

Đi một ngày đàng, học một sàng khôn
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn – Thành ngữ dân gian

Ý nghĩa của tục ngữ Đi một ngày đàng, học một sàng khôn

Thành ngữ quen thuộc này được cấu tạo bởi hai vế đối xứng nhau “đi một ngày đàng” và “học một sàng khôn”. Trong đó, “ngày đàng” là một danh từ trừu tượng, vừa ám chỉ không gian lại có ý nghĩa về mặt thời gian.

Nếu như vế thứ nhất diễn tả sự ra đi trong một khoảng thời gian, không kể ngắn hay dài thì phần còn lại của câu tục ngữ chính là kết quả nhận được từ việc chu du đó đây. Vì vậy, “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” mang ý nghĩa khích lệ con người ta chủ động đi đây đi đó để học tập, mở mang kiến thức.

Cách nói đậm chất dân gian ấy còn có một biến thế khác là “Đi một quãng đường, học một sàng khôn”. Dạng thức này được hình thành dựa trên đơn vị không gian và đều đề cao giá trị của việc đi nhiều để học hỏi điều hay, tích lũy kiến thức mới.

Thành ngữ Đi một ngày đàng, học một sàng khôn trong Dế Mèn phiêu lưu ký

Dế Mèn phiêu lưu ký là một áng văn xuôi quen thuộc đối với độc giả Việt Nam mọi lứa tuổi. Tác phẩm được sáng tác bởi Tô Hoài, kể về hành trình trưởng thành của nhân vật Dế Mèn với các cuộc phiêu lưu kỳ thú.

Trên từng chặng đường mình đi qua, Dế Mèn gặp gỡ cũng như tiếp xúc với rất nhiều người bạn như Dế Choắt, Bọ Ngựa hay Dế Trũi. Chính họ đã mang đến cho nhân vật muôn vàn trải nghiệm quý giá, trở nên chín chắn và hoàn thiện hơn.

Từ một kẻ kiêu căng, Dế Mèn dần trở thành chàng trai tử tế, biết yêu thương và giúp đỡ mọi người xung quanh. Quá trình thay đổi tích cực ấy diễn ra xuyên suốt tác phẩm, được nhà văn khắc họa vô cùng sinh động, gần gũi.

Chuyến phiêu lưu để mở mang tầm mắt ấy của chàng dế là một minh chứng tiêu biểu cho câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Chỉ khi dám dấn thân, lăn lộn với cuộc đời thì con người ta mới thực sự trưởng thành và khôn lớn.

Tô Hoài đã xây dựng một nhân vật vừa quen thuộc lại mang đầy ý nghĩa biểu tượng. Dế Mèn cũng chính là những người trẻ, đang loay hoay không ngừng học hỏi để mở rộng tầm nhìn, nâng cao bản thân.

Qua đó, tác giả đã nhấn mạnh tầm quan trọng của chuyện học hành, trải nghiệm. Đây là con đường duy nhất để trau dồi vốn sống, trở nên mạnh mẽ và vững vàng trước mọi thử thách, bão giông.

Hành trình đi một ngày đàng học một sàng khôn trong Muối của rừng

Nguyễn Huy Thiệp là một cây bút tiêu biểu của nền văn học Việt Nam đương đại. Tên tuổi ông gắn liền với những tác phẩm giàu tính triết lý, khiến độc giả không khỏi lặng mình suy ngẫm.

Muối của rừng là một trong số đó, ra đời vào năm 1986. Thông qua chuyến đi săn của nhân vật ông Diểu, văn sĩ đã mang đến cho người đọc bài học giàu tính nhân văn về sự tử tế cùng tấm lòng yêu thương thiên nhiên, muông thú.

Ông Diểu bắt đầu hành trình cùng khẩu súng trên tay, đối đầu với mẹ thiên nhiên và các loài vật nhỏ bé. Thế nhưng sau chuyến đi săn ấy, tâm hồn nhân vật như được gột rửa, trở lại bản nguyên thuần khiết.

Thông qua cuộc hành trình “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” này, ông Diểu đã nhận ra rất nhiều bài học quý giá. Nhân vật ấy chọn hòa vào lòng thiên nhiên, biết cách mở rộng trái tim và yêu thương muôn loài.

Đây cũng chính là tư tưởng mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp muốn truyền tải đến độc giả. Mỗi người cần tự đấu tranh để gìn giữ phẩm chất cao quý, đồng thời học cách sống hài hòa với môi trường xung quanh.

Lên đầu trang