Xuất thân từ nghề nhà báo, nổi lên như một đỉnh núi chót vót cao, Ngô Tất Tố là một trong những cây bút lỗi lạc nhất thế kỷ 20. Xuyên suốt sự nghiệp văn chương, ông không ngừng đấu tranh cho sự ấm no, đầy đủ của người dân cày.
Là một nhà nho tiến bộ và thanh cao, những tác phẩm văn học của ông vượt qua sự chọn lọc khắc nghiệt của thời gian, đời đời vẫn được người đọc kính trọng. Trong đó, đoạn trích Tức nước vỡ bờ nói riêng và tiểu thuyết Tắt đèn nói chung được đánh giá là một dấu ấn của nhà văn trên diễn đàn văn học nước nhà.
Người ta kể lại rằng, khi in Tắt đèn vào năm 1939, nhà văn danh tiếng Vũ Trọng Phụng không khỏi khen ngợi rằng “một tác phẩm, tùng lai chưa từng thấy”.
Ngô Tất Tố – Cây bút đa tài của nền văn học Việt Nam
Ngô Tất Tố sinh năm 1893 trong một gia đình Nho nghèo ở nông thôn. Ông là người làng Lộc Hà tổng Hội Phụ phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội).
Trước khi đến với nghiệp viết văn, Ngô Tất Tố đã tập tành làm báo. Năm 1926, ông ra Hà Nội và viết cho tờ An Nam tạp chí, là nấc thang đầu tiên trong sự nghiệp nhà báo đồ sộ của ông sau này.
Một nhà báo chân chính
Từ năm 1936, Ngô Tất Tố bắt đầu viết nhiều hơn các tác phẩm lên tiếng chỉ trích lũ quan lại phong kiến với những thói hư tật xấu, câu văn ông viết chân thực và mỉa mai sâu cay. Vì vậy nên ông bị chính quyền thuộc địa liệt vào “danh sách đen”, chúng nhiều lần cấm ông viết báo và trục xuất ông.
Thế nhưng, tất cả những điều đó cũng không thể ngăn cản ngòi bút Ngô Tất Tố thôi nhắm vào bè lũ quan lại phong kiến tham nhũng, những thói hư tật xấu đã và đang là “con sâu, con rận” làm ung mọt xã hội đương thời.
Nhà văn Ngô Tất Tố được nhận xét là “Một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho”, bởi những đóng góp to lớn trong lĩnh vực báo chí, ngòi bút mạnh dạn và thẳng thắn, thể hiện sự quyết liệt khi phê phán xã hội thuộc địa.
Một nhà văn xuất sắc và tâm huyết
Trên cương vị một nhà văn, phong cách sáng tác của Ngô Tất Tố tập trung vào hai chủ đề lớn: chủ nghĩa hiện thực về người nông dân và nhà văn giao thời. Ông là một trong những cây bút xuất sắc về đề tài người nông dân nghèo trước Cách mạng.
Ngô Tất Tố cũng được coi là nhà văn tiêu biểu trong trào lưu hiện thực phê phán ở Việt Nam trước năm 1945. Ngòi bút của ông luôn hướng về những người lao động, những người “chân lấm tay bùn” và khai thác những vẻ đẹp tiềm ẩn sâu trong tâm hồn họ.
Giai đoạn sau Cách mạng Tháng tám, nhà văn Ngô Tất Tố tập trung vào sáng tác các tác phẩm tuyên truyền trong cuộc kháng chiến chống Pháp của đất nước. Giai đoạn này, ông đã đem tài năng và vốn hiểu biết sâu sắc của mình mà hết lòng phụng sự sự nghiệp chung của Tổ quốc.
Trong sự nghiệp sáng tác của Ngô Tất Tố, tiểu thuyết Tắt đèn là tác phẩm tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán viết về cuộc sống khốn khó của nhân dân ta dưới thời Pháp thuộc, khẳng định được vị trí quan trọng của ông trong nền văn học Việt Nam hiện đại.
Trong tác phẩm, Ngô Tất Tố đã lồng ghép hình tượng nhân vật chị Dậu là một người phụ nữ có tâm hồn cao đẹp, vẻ đẹp tỏa sáng dù trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất. Những tình tiết bi thảm của tác phẩm được đưa lên cao trào, bộc lộ sự nổi loạn của chị Dậu.
Tất cả đều tố cáo sự thối nát của xã hội phong kiến, bọn cường quyền đã uy hiếp những người nghèo khổ và dồn họ vào đường cùng. Hình tượng chị Dậu trở thành tiêu biểu cho tầng lớp những người nông dân cùng quẫn, bế tắc nhưng ẩn chứa một sức sống tiềm tàng vô cùng mạnh mẽ.
Bức tranh xã hội đương thời phản ánh chân thực trong Tức nước vỡ bờ
Tức nước vỡ bờ là đoạn văn tiêu biểu trích trong tiểu thuyết Tắt đèn của nhà văn, đã được đưa vào chương trình giảng dạy văn học ở các trường Trung học cơ sở trên toàn quốc.
Đoạn trích tái hiện đầy sinh động bức tranh xã hội nước ta ở giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám. Đó là thời điểm mà nhân dân phải chịu cảnh lầm than “một cổ hai tròng” dưới sự áp bức dã man của cả giai cấp thống trị phong kiến và thực dân xâm lược.
Một xã hội mục ruỗng, thối nát, đầy rẫy ngang trái, bất công đã đẩy dân ta vào tình cảnh khốn khổ đến cùng cực. Nhân dân vốn đã đói khổ, lại phải oằn mình trả những thứ sưu thuế hết mực vô lý. Đặc biệt là thuế thân, một thứ thuế tàn nhẫn đến vô nhân đạo.
Thậm chí, ngay cả những người đã khuất như người em rể chị Dậu cũng không được chúng buông tha, đè gánh nợ lên người sống đang vật vã đói khổ. Đóng sưu người sống đã đành, đây đến người đã chết mà chúng cũng chẳng rộng lòng từ bi.
Cái hiện thực đó tái hiện qua hoàn cảnh đáng thương của gia đình chị Dậu – gia đình nghèo “nhất nhì trong hạng cùng đinh” của làng Đông Xá. Đến mùa sưu thuế, chị phải đóng thuế đinh cho chồng và cả thuế thân cho người em chồng đã mất vào năm ngoái.
Không đủ tiền nộp sưu, anh Dậu bị trói đánh tàn nhẫn, chị Dậu dẫu van xin thống thiết chúng cũng không chịu buông tha. Độc giả có thể thấy được sự thối nát và phi nhân tính của bè lũ tay sai trong một xã hội vốn đã mục ruỗng từ lâu.
Bằng ngòi bút sắc sảo và cảm quan chân thực, tác giả Ngô Tất Tố đã dựng nên những nhân vật bất hủ đại diện cho giai cấp thống trị và tay sai như cai lệ, người nhà lí trưởng. Tất cả bọn chúng đều đê tiện, hèn hạ, vô nhân tính và tàn ác hết mực.
Số phận đáng thương và phẩm cách đáng trân trọng của người nông dân
Ngô Tất Tố đã rất thành công khi khắc họa nhân vật chị Dậu với hoàn cảnh đáng thương, đói khổ, nghèo túng lại đèo bòng thêm suất sưu em chồng. Gia đình chị Dậu bị đẩy đến bước đường cùng của cuộc sống, rơi vào cảnh túng quẫn đến vô vọng.
Gia đình chị là một đại diện tiêu biểu cho bao gia đình phải chịu cảnh khốn khổ, phản ánh tình cảnh đau thương của người nông dân trong xã hội bấy giờ. Hơn hết, người đọc vẫn thấy được những phẩm chất đáng quý của người dân Việt Nam hiện lên trong tác phẩm.
Đó là tấm lòng yêu thương chồng hết mực, là sức sống tiềm tàng mạnh mẽ, rũ bùn đứng dậy của người phụ nữ trước sự tàn ác của bè lũ thống trị. Đó là tấm lòng thảo thơm, ân tình giúp đỡ của hàng xóm láng giềng mà bao đời người Việt gìn giữ và vun đắp.
Chị Dậu trong Tức nước vỡ bờ là người vợ và người mẹ giàu tình yêu thương
Chồng ốm đau, con cái còn nhỏ, chị Dậu nghiễm nhiên trở thành trụ cột trong gia đình khi phải gánh chịu mọi đau khổ, thậm chí túng quẫn vì sưu thuế. Chị đổ mồ hôi, sôi nước mắt để cứu anh Dậu.
Trước những áp bức bất công, bạo tàn thì chị Dậu vẫn mạnh mẽ cáng đáng, làm trụ cột cho cả gia đình trước cơn bão tố. Trước hết, chị hiện lên với vẻ đẹp của một người phụ nữ thủy chung, đảm đang mà giàu tình yêu thương, lo lắng cho chồng, cho con.
Người phụ nữ ấy tất tả chạy ngược xuôi để vay gạo và nấu bát cháo loãng cho chồng ăn lại sức. Từ cách chị chăm chồng, đỡ chồng dậy và cách xưng hô “Thầy em cố dậy húp tí cháo cho đỡ xót ruột” đã thể hiện sự dịu dàng vốn có của người phụ nữ Việt Nam.
Đó dường như đã là phẩm chất ngàn đời của người phụ nữ Việt Nam, ân cần, chu đáo và vị tha. Không một lời trách móc hay kêu ca, chị dành cho chồng sự chăm sóc tận tâm nhất, đó cũng là động lực phát sinh bên trong để người phụ nữ ấy vùng dậy mà bảo vệ chồng.
Chị Dậu đại diện cho số phận hẩm hiu của người nông dân trong Tức nước vỡ bờ
Trong đoạn trích, Ngô Tất Tố đã xây dựng thành công hình tượng người phụ nữ trong xã hội đương thời thông qua nhân vật chị Dậu. Ông chứng minh được sự sắc sảo của ngòi bút khi gây dựng những tình tiết xoay quanh nhân vật này, từ đó làm sáng lên phẩm chất người nông dân dù bị số phận đọa đày.
Trong tiểu thuyết Tắt đèn, chị Dậu được miêu tả như một người phụ nữ rất mực dịu dàng, vì bị áp bức bóc lột nên đành nhẫn nhục. Tuy vậy, chị Dậu vốn không thuộc loại người yếu đuối, chỉ biết than thân trách phận.
Người phụ nữ ấy hội tụ đầy đủ các phẩm chất đắt giá từ thông minh, sắc sảo, đảm đang đến cả tháo vát. Bên cạnh đó, ở chị còn tiềm tàng trong mình sức sống mãnh liệt và tinh thần phản kháng mạnh mẽ.
Ngay giữa đình làng, trước mặt bọn hào lí, chị đã dám “tru tréo”, kêu to lên sự bất nhân của chế độ sưu thuế thực dân, phong kiến “Khốn nạn thân tôi! Trời ơi! Em tôi chết rồi còn phải đóng sưu, hở trời!”.
Bị quăng từ đình làng về rồi được cứu sống, anh Dậu chỉ còn biết khóc em, khóc cái Tí, khóc cho số phận bạc bẽo của mình. Thế nhưng, chị Dậu khi ấy lại tỏ thái độ bất cần dù rất nhiều rắc rối đang bủa vây xung quanh.
Nếu có áp bức thì sẽ có đấu tranh
Nổi bật nhất trong tính cách của chị Dậu chính là tinh thần phản kháng hết sức mạnh mẽ. Nhan đề gốc có tên là Tức nước vỡ bờ, có nghĩa là khi người nông dân bị đẩy vào hoàn cảnh éo le đến cùng cực, tự khắc họ sẽ trỗi dậy để chống lại áp bức ấy.
Việc thu sưu thuế vẫn diễn ra gay gắt, bọn tay sai của các quan trên, lí trưởng cứ thế lộng hành, nhà chị Dậu thì ngày càng khó khăn. Chị phải bán khoai, bán chó, bán cả đứa con gái lớn cho nhà lí trưởng để nộp nốt sưu cho chồng mình.
Trước thái độ hung hăng và những lời lẽ hách dịch của cai lệ, chị Dậu “run run”, sợ thì ít mà lo cho chồng thì nhiều. Chị thậm chí gọi cai lệ bằng “ông”, tự xưng là “cháu” và van xin, cầu khẩn hắn bằng giọng tha thiết “Hai ông làm phúc nói với ông lí hãy cho cháu khất”.
Đến khi thấy tính mạng của chồng bị đe dọa, thái độ của chị Dậu bỗng chốc thay đổi hoàn toàn. Dù vẫn cố nài nỉ nhưng chị đã vội vàng đặt đứa con đang bế xuống đất, chạy đến đỡ lấy tay cai lệ, không để hắn đụng tới anh Dậu.
Từ “ông – cháu”, chị chuyển qua đối đáp “ông – tôi” với cai lệ. Người đàn bà uất ức ấy đã liều mình tự đặt ngang hàng với cai lệ để cảnh báo hắn rằng “Chồng tôi đau ốm, ông không được phép hành hạ!”.
Thái độ chị Dậu càng thêm quyết liệt, người đàn bà dịu dàng lúc này bỗng trở nên đáo để. Chị hạ cai lệ xuống thứ “mày” và ngang nhiên thách thức “Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem”.
Cảnh “tức nước vỡ bờ” miêu tả tinh tế diễn biến tâm lý của một tính cách nhất quán. Chị Dậu có thể nhẫn nhục nhưng khi bị dồn tới chân tường, người phụ nữ ấy cũng biết chống trả quyết liệt, thể hiện một khả năng phản kháng tiềm tàng:
“Cai lệ tát vào mặt chị một cái bốp, rồi hắn cứ nhảy vào cạnh anh Dậu, Chị Dậu nghiến hai hàm răng:
– Mày trói ngay chồng bà đi, bà cho mày xem!
Rồi chị túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa. Sức lẻo khoẻo của anh chàng nghiện chạy không kịp với sức xô đẩy của người đàn bà lực điền, hắn ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói vợ chồng kẻ thiếu sưu.
Người nhà lí trưởng sấn sổ bước đến, huơ gậy chực đánh chị Dậu. Nhanh như cắt, chị Dậu nắm ngay được gậy của hắn. Hai người giằng co nhau du đẩy nhau, rồi ai nấy đều buông gây ra, áp vào vật nhau. Hai đứa trẻ con kêu khóc om sòm. Kết cục, anh chàng “hầu cận ông lí” yếu hơn chị chàng con mọn, hắn bị chị này túm tóc lẳng cho một cái, ngã nhào ra thềm.”
Lúc này, giọng văn của Ngô Tất Tố trở nên hả hê. Dưới ngòi bút của ông, hình ảnh chị Dậu trở nên khỏe khoắn, quyết liệt bao nhiêu thì hình ảnh bọn tay sai hung ác lại càng nhỏ bé, hèn hạ, nực cười bấy nhiêu.
Cách miêu tả rất độc đáo của Ngô Tất Tố đã khiến cuộc đối đầu của chị và tên cai lệ trở nên sinh động. Trong xã hội bất công ấy, một cuộc chiến công lý diễn ra để trừng trị kẻ ác đã làm người ta phải khâm phục.
Thấy vợ mình như vậy, anh Dậu vừa run vừa khuyên bảo nhưng tất cả chỉ khiến chị Dậu thêm phẫn uất. Nếu “tức nước” thì tất yếu “vỡ bờ”, đó là quy luật muôn thuở, người nông dân đã chịu nhiều bất công nên khi bị dồn đến đường cùng, họ phản kháng với mục đích tự vệ chính đáng.
Rõ ràng, đó không còn là khuất phục mà chính là đứng lên chiến đấu, bảo vệ chính mình và người thân. Điểm sáng trong cái nhìn của Ngô Tất Tố đã hiện ra, bản thân ông nhìn được ở người nông dân chất phác một sức mạnh tiềm tàng như thế.
Đây chính là con đường để người nông dân tự giải thoát cho mình, dẫn họ đến tương lai. Ánh sáng của cách mạng chưa thể đến nơi đây nhưng nó đã nhen nhóm ngọn lửa để chờ ngày bùng phát, cháy lên dữ dội.
Tuy vậy, hành động của chị Dậu chỉ là một cá nhân chứ chưa phải xã hội cùng đấu tranh để giải phóng giai cấp. Câu nói mộc mạc đầy phẫn uất ấy giống như lời tuyên ngôn hùng hồn rằng nếu có áp bức, dứt khoát có đấu tranh.
Hình tượng chị Dậu và bức chân dung lạc quan về người nông dân trong Tức nước vỡ bờ
Sức mạnh kỳ diệu của chị Dậu là nỗi căm hờn, uất hận bị dồn nén đến mức không thể chịu đựng được nữa. Đó còn là sức mạnh của tình yêu thương chồng con vô bờ bến. Một người đàn bà vì chồng, vì con, sẵn sàng lấy thân mình che chở đòn roi và thậm chí là ngồi tù.
Nguyễn Tuân gọi chân dung chị Dậu trong Tắt đèn là “bức chân dung lạc quan”. Nguyễn Tuân quả quyết rằng ông đã gặp chị Dậu trong “một đám đông phá thóc của Nhật trong những ngày huyện kỳ Tổng khởi nghĩa”.
Nhân vật chị Dậu là một “đốm sáng” trong Tắt đèn, càng về cuối tác phẩm, cái đốm sáng ấy càng rực sáng. Đó là hình tượng người nông dân điển hình với những nỗi khổ sở, xót đau.
Dưới ngòi bút của Ngô Tất Tố, nhân vật chị Dậu với những nét điển hình về nỗi khổ sở, đau xót và cốt cách đẹp đẽ đã xé toang tấm màn nhung che đậy ung nhọt của lũ quan lại, cường hào, địa chủ chuyên sống phè phỡn trên mồ hôi, nước mắt của người nông dân.
Bởi vậy, chị Dậu trong tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố có khả năng bước ra khỏi trang văn để đến với cuộc đời và sống mãi trong đời sống tinh thần của độc giả.
Càng mến thương, cảm phục chị thì người đọc càng căm ghét cái chế độ bạo tàn đã dập vùi những kiếp sống nhỏ bé và càng thêm yêu mến chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa “người yêu người, sống để yêu nhau” mà Cách mạng tháng Tám đã mở ra.
Mân Côi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất