Hồn Trương Ba, da hàng thịt là một trong những vở kịch đặc sắc của Lưu Quang Vũ, sáng tác năm 1981 và ra mắt khán giả ba năm sau. Từ cốt truyện dân gian, nhà văn đã dựng nên một tác phẩm chứa đựng nhiều vấn đề xã hội, mang triết lý nhân sinh sâu sắc.
Bắt kịp bước chuyển mình của văn học thời hậu chiến, Hồn Trương Ba, da hàng thịt vừa xoay quanh những câu chuyện thế sự, vừa khai thác thế giới nội tâm con người. Điều này giúp vở kịch gây ấn tượng ngay lần đầu công diễn, từ đó sống mãi trong trái tim người yêu văn chương.
Lưu Quang Vũ là viên ngọc sáng của làng kịch nghệ Việt Nam
Lưu Quang Vũ sinh năm 1948 tại Phú Thọ, ông là cây bút nổi tiếng của nền văn học Việt Nam hiện đại. Xuất thân trong gia đình có cha là nhà viết kịch nên từ bé, Lưu Quang Vũ đã sớm tiếp xúc và bộc lộ năng khiếu ở nhiều loại hình nghệ thuật, tiêu biểu như thơ, kịch.
Suốt giai đoạn trưởng thành, ông đã chứng kiến những thay đổi của đất nước. Tất cả điều đó trở thành chất liệu để nhà văn viết nên các tác phẩm giàu tính hiện thực, nhân văn, dễ dàng thu hút độc giả bởi cách đặt vấn đề mới lạ hay nỗi trăn trở về thời đại.
Đối với Lưu Quang Vũ, thơ và kịch là hai sở trường nổi bật. Thơ ông thường nhẹ nhàng, bay bổng, tập trung thể hiện vẻ đẹp dung dị của cuộc sống.
Bên cạnh thơ, tài năng văn chương của Lưu Quang Vũ cũng tỏa sáng rực rỡ ở lĩnh vực kịch nghệ. Không chỉ trở thành hiện tượng đặc biệt của sân khấu kịch trường, ông còn được coi là một trong những nhà soạn kịch xuất sắc của Việt Nam.
Điều này được thể hiện qua hàng loạt vở kịch gây chấn động dư luận, đơn cử Sống mãi tuổi 17, Nàng Sita, Hồn Trương Ba, da hàng thịt hay Tôi và chúng ta. Trong đó, Hồn Trương Ba, da hàng thịt là tác phẩm có tiếng vang mạnh mẽ nhất.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là câu chuyện vừa hiện thực vừa hư ảo
Vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt kể về cuộc đời nhân vật Trương Ba, một người hiền lành, ngay thẳng và đánh cờ tướng rất giỏi. Kỳ nghệ của ông xuất chúng đến mức khiến vị tiên cờ Đế Thích cảm thấy thích thú, phải hạ phàm làm bạn cờ.
Trong một lần, Đế Thích tặng Trương Ba bó nhang và dặn khi nào muốn chơi cờ, hãy thắp nhang gọi ông xuống. Sau đó không lâu, Nam Tào bất cẩn gạch tên Trương Ba khỏi sổ sinh tử khiến ông qua đời một cách oan uổng.
Lo liệu tang sự xong, vợ Trương Ba thắp cho chồng một nén nhang nhưng không ngờ đó là cây nhang thần. Thế là Đế Thích xuất hiện, hay tin bạn mất, tiên cờ muốn làm phép cho Trương Ba sống lại nhưng thời gian qua lâu khiến thân xác của Trương Ba bị hư hỏng.
Đúng lúc đó, anh hàng thịt lại qua đời nên Đế Thích đã hoá phép để hồn Trương Ba trú ngụ trong thân xác hàng thịt. Cuộc hoán đổi này gây nên những tranh cãi không hồi kết giữa vợ Trương Ba và vợ hàng thịt.
Cả hai mang sự việc lên giải trình với quan trên, quan xử rằng: “Ban ngày sẽ trở thành anh hàng thịt, tối sẽ trở thành Trương Ba.” Từ sự phân chia này, những mâu thuẫn trong đời sống giữa linh hồn và thể xác bắt đầu nảy sinh.
Triết lý nhân sinh trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Lấy cảm hứng từ cốt truyện dân gian, Lưu Quang Vũ đã sáng tạo đáng kể cả về nội dung lẫn hình thức để viết nên một vở kịch đậm tính thời sự và đặt ra nhiều vấn đề khiến độc giả phải suy ngẫm.
Ông mở rộng tuyến nhân vật, không gian, bối cảnh truyện, làm phong phú các đoạn đối thoại, lời độc thoại từ đó khiến tầng nghĩa triết lý của vở kịch càng thêm sâu sắc.
Nếu truyện dân gian chỉ dừng lại ở cảnh hồn Trương Ba nhập vào xác hàng thịt và sống hạnh phúc với người thân đến cuối đời thì qua ngòi bút của Lưu Quang Vũ, đoạn kết đã được viết thêm, tập trung khai thác xung đột giữa hồn và xác để làm bật lên triết lý nhân sinh. Từ đây, ta có thể thấy rõ tư tưởng mới mẻ của Lưu Quang Vũ.
Trong khi truyện dân gian tuyệt đối hóa linh hồn thì nhà soạn kịch chú trọng mối quan hệ biện chứng giữa hồn và xác. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba với xác hàng thịt chính là cuộc đấu tranh giữa đạo đức và tội lỗi, khát vọng và dục vọng, phần người và phần con trong mỗi con người.
Không thiên vị cho thể xác lẫn linh hồn, ông trao cho Trương Ba và hàng thịt cơ hội nêu quan điểm, từ đó vấn đề được khai thác đa chiều. Dưới góc nhìn của Trương Ba, độc giả nhận ra khát vọng sống cao thượng, thánh thiện trước những cám dỗ vật chất phàm tục.
Trong khi đó, biện luận của xác hàng thịt đã vạch trần nếp nghĩ sai lầm của con người khi luôn đề cao tinh thần mà coi thường vật chất.
Xác hàng thịt: Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn. Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối, những người thân… Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quý, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác…
– Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Như vậy, hồn và xác là những ẩn dụ nghệ thuật lớn và cuộc đối thoại là một tình huống kịch đặc sắc, tô đậm bi kịch “bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo”. Cuối cùng, chân lý không thuộc về linh hồn cũng chẳng thuộc về thể xác, mà nằm ở sự phù hợp, hài hoà giữa hai thành tố này ở mỗi con người.
Hồn Trương Ba, da hàng thịt phê phán lối sống hời hợt trong xã hội đương thời
Bên cạnh việc thể hiện triết lý nhân sinh sâu sắc, Hồn Trương Ba, da hàng thịt cũng gián tiếp phê phán thái độ sống hời hợt của một số loại người.
Trong truyện dân gian, cái chết của Trương Ba xảy đến tự nhiên theo quy luật sinh, lão, bệnh, tử nhưng khi đi vào kịch Lưu Quang Vũ cái chết đó lại vì sự nhầm lẫn của Nam Tào, Bắc Đẩu. Đây là phép ẩn dụ cho thấy mặt trái của xã hội đương thời, nơi những người có chức, có quyền chỉ ham mê danh vọng, làm việc tắc trách, đẩy người dân vô tội vào cảnh lầm than.
Cùng với Nam Tào, Bắc Đẩu, tiên cờ Đế Thích cũng là nhân vật được Lưu Quang Vũ gửi gắm nhiều thông điệp đắt giá về thực trạng xã hội. Là thần tiên luôn đứng trên mọi sự thống khổ của trần gian, Đế Thích nhìn đời vô cùng đơn giản, chủ quan.
Ông chỉ mong muốn Trương Ba sống tiếp, còn sống như thế nào thì lại không bận tâm. Thỏa hiệp trước thực tại, Đế Thích cho rằng không ai có thể sống thật là mình một cách toàn vẹn, con người rồi sẽ tự đóng khuôn vào những điều kiện mà hoàn cảnh cho phép.
“Đế Thích: Thế ông ngỡ tất cả mọi người đều được là mình toàn vẹn cả ư? Ngay cả tôi đây. Ở bên ngoài, tôi đâu có được sống theo những điều tôi nghĩ bên trong. Mà cả Ngọc Hoàng nữa, chính người lắm khi cũng phải khuôn ép mình có xứng với danh vị Ngọc Hoàng.”
– Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Thông qua đoạn đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích, Lưu Quang Vũ thể hiện tinh thần phê phán xã hội mạnh mẽ. Ông nhấn mạnh vào tác hại của lòng tốt hời hợt và thói ích kỷ. Đây là những ung nhọt tưởng vô hại nhưng đang âm thầm làm mai một tâm hồn con người.
“Hồn Trương Ba: Không thể sống với bất cứ giá nào được, ông Đế Thích ạ! Có những cái giá đắt quá, không thể trả được… Lạ thật, từ lúc tôi có đủ can đảm đi đến quyết định này, tôi bỗng cảm thấy mình lại là Trương Ba thật, tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa.”
– Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Từ đó, nhà soạn kịch khẳng định quan điểm sống đúng đắn. Sự sống thật đáng quý nhưng không thể sống với cứ giá nào. Kể cả khi xã hội khắc nghiệt khiến việc làm theo lương tâm trở nên khó khăn thì vẫn luôn những giá trị sống, chân lý và lẽ phải xứng đáng để ta đấu tranh vì chúng.
Đặc sắc về nghệ thuật kịch trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Bên cạnh những điểm sáng về mặt nội dung, vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt cũng gây ấn tượng mạnh mẽ với độc giả bằng nghệ thuật kịch độc đáo.
Nhắc đến thể loại kịch, ta không thể nào không nhắc đến các thành tố bao gồm xung đột kịch, hành động kịch, nhân vật kịch và ngôn ngữ kịch. Mỗi thành tố này đều được Lưu Quang Vũ chau chuốt tỉ mỉ.
Nhà soạn kịch không để sự xuất hiện của nhân vật nào trở nên thừa thãi, từ Trương Ba, hàng thịt, Đế Thích đến những nhân vật phụ như vợ, con trai, con dâu, cháu gái Trương Ba và thằng cu Tị hàng xóm.
Mỗi người đều có nét tính cách riêng biệt, không trộn lẫn và có những phản ứng rất khác nhau trước sự thay đổi của Trương Ba. Điều đó khiến vở kịch trở nên sống động và độc giả có thể nhìn thấy một phần bản thân khi thưởng thức tác phẩm.
Chưa dừng lại như vậy, đối thoại kịch của Lưu Quang Vũ cũng giàu kịch tính và đậm chất triết lý. Nhịp độ nhanh hay chậm, ngôn ngữ ngắt quãng hay liền mạch, tất cả đều được Lưu Quang Vũ lựa chọn tỉ mỉ để làm nổi bật tâm lý nhân vật, đẩy xung đột kịch lên đến cao trào, góp phần mang lại cảm giác thỏa mãn khi nút thắt được tháo gỡ.
Sức ảnh hưởng của Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Được hoàn thành khâu sáng tác vào năm 1981 nhưng do tinh thần phê phán xã hội có phần mạnh mẽ, kịch bản Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã phải nằm im trong ngăn kéo một thời gian. Đến năm 1984, tác phẩm mới được dàn dựng rộng rãi.
Ngay từ thời điểm ra mắt, Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã nhanh chóng chứng minh sức hút của mình. Vở kịch được công diễn nhiều lần trong và ngoài nước, gây nên tiếng vang lớn. Đến nay dù thời gian đã trôi qua lâu nhưng sức sống của tác phẩm vẫn không bị mai một.
Bên cạnh việc liên tục được dựng lại trong những dịp kỉ niệm năm sinh năm mất của nhà soạn kịch, Hồn Trương Ba, da hàng thịt còn gợi cảm hứng cho đạo diễn Nguyễn Quang Dũng sản xuất bộ phim cùng tên vào năm 2006.
Bộ phim quy tụ nhiều tên tuổi nổi tiếng trong làng văn nghệ khi ấy như hoạ sĩ Trịnh Cung, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà thơ Đỗ Trung Quân, Phương Thanh, Vũ Ngọc Đãng… và đánh dấu lần đầu tiên cái Johnny Trí Nguyễn xuất hiện tại thị trường điện ảnh Việt Nam.
Cùng với rất nhiều tác phẩm đặc sắc khác, Hồn Trương Ba, da hàng thịt đã khiến tên tuổi nhà soạn kịch sống mãi theo năm tháng. Tài năng của ông thường xuyên được giới chuyên môn, đồng nghiệp và hậu thế hết lời ca ngợi. Nghệ sĩ Nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ:
Những năm 80 của thế kỷ XX, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã tạo nên một kỷ lục hiếm có trong đời sống hoạt động nghệ thuật từ trước đến nay, đó là trong 5 đợt hội diễn sân khấu ông có 8 vở tham gia thì 5 vở được tặng huy chương Vàng, 2 vở được tặng huy chương Bạc.
Trong khi đó, nghệ sĩ Nhân dân Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Hà Nội đánh giá:
Cho đến hôm nay, sau hơn 30 năm những vở kịch của Lưu Quang Vũ vẫn còn thấm đẫm tính thời sự với hiện thực xã hội nóng bỏng, vẫn đầy sức sống thời đại, khi thể hiện tâm tư nguyện vọng, trăn trở về cuộc sống. Xem kịch của ông, người ta nhận thấy những con người, số phận, tính cách, những biến cố và cách xử lý vấn đề, sự việc vẫn đang hiện hữu với đời sống xã hội hiện tại.
Còn nhà nghiên cứu văn học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lưu Khánh Thơ nhận định:
Lưu Quang Vũ được đánh giá là “nhà viết kịch xuất sắc của thời kỳ hiện đại”. Trong lịch sử sân khấu Việt Nam, thời kỳ Lưu Quang Vũ có lẽ là thời kỳ sôi động nhất, giàu sức sống nhất, thu hút đông đảo người xem nhất. Lưu Quang Vũ cũng là một trong những người đi tiên phong trong phong trào đổi mới văn hóa văn nghệ, dùng ngòi bút của mình góp phần đem lại những điều tốt đẹp cho con người và xã hội…
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch đặc sắc và để lại nhiều chiêm nghiệm về những vấn đề mang tính muôn thuở. Dù thời gian có trôi qua bao lâu đi chăng nữa, tác phẩm nói riêng và tên tuổi của Lưu Quang Vũ nói chung vẫn sẽ sống mãi trong trái tim những người yêu văn chương nghệ thuật.
Hạnh Vi
Hanh Vi
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất