Kiếm đạo là một trong những hình thức văn hóa lâu đời tại xứ Phù Tang. Không cầu kỳ như trà đạo hay bí ẩn như hương đạo, kiếm đạo Nhật bản (Kendo) gắn liền với tinh thần võ sĩ đạo, được xem là biểu tượng cho khí thế hiên ngang của toàn dân tộc.

Trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, thậm chí từng chịu sự cấm đoán của giai cấp cầm quyền. Sau tất cả, kiếm đạo vẫn tồn tại và phát triển cho đến ngày nay, trở thành một phần không thể tách rời của văn hóa xứ sở mặt trời mọc.

Sự ra đời của thanh kiếm Nihonto và giai đoạn đầu hình thành kiếm thuật (Kenjutsu) Nhật Bản

Theo ghi chép, Nihonto – thanh kiếm truyền thống Nhật Bản ra đời vào giữa triều đại Heian (794 – 1185). Thời điểm này, Nihonto sở hữu lưỡi kiếm sắc bén, hơi cong (Shinogi) cùng các đường gân dọc theo chiều dài thanh kiếm.

Vào thế kỷ thứ chín, những bộ lạc kỵ binh miền Bắc Nhật Bản và các võ sĩ Samurai thường xuyên sử dụng thanh kiếm Nihonto. Đặc biệt, nhờ sự phát triển của kỹ thuật rèn giai đoạn này, Nihonto đã được cải tiến rất nhiều với sự nhô cao của hình dạng lưỡi kiếm.

Kenjutsu (Kiếm thuật) là tên gọi chung dành cho các hình thức võ thuật dùng kiếm của Nhật Bản
Kenjutsu (Kiếm thuật) là tên gọi chung dành cho các hình thức võ thuật dùng kiếm của Nhật Bản

Sau cuộc chiến tranh Onin (1466 – 1467), nước Nhật trải qua giai đoạn hỗn loạn về chính trị xã hội và tình trạng này kéo dài xuyên suốt một thế kỷ, đây cũng là khoảng thời gian mà nhiều trường phái kiếm thuật (Kenjutsu) được sản sinh.

Những thanh kiếm Nihonto vốn được rèn bằng phương pháp Tatarafuki với nguồn nguyên liệu chính là bột sắt thu được trên các bãi bồi ven sông. Tuy nhiên, sự du nhập của súng ống vào hòn đảo Tatarafuki phía nam Nhật Bản khiến phương pháp này tiếp tục được ứng dụng vào việc sản xuất súng.

Sự thành công trong việc sử dụng bột sắt để chế tạo hỏa khí dẫn đến sự phát triển và chuyên môn hóa kỹ thuật rèn kiếm với các nguyên tắc tinh vi. Tất cả phương pháp đều được lưu giữ đến ngày nay bởi các trường phái kiếm thuật, nổi bật nhất là hai trường phái Shinkage-ryu và Itto-ryo.

Kiếm thuật thời kỳ Edo (1603 – 1867)

Từ năm 1603 – 1867, Nhật Bản trải qua giai đoạn hòa bình và thịnh vượng dưới thời kỳ Edo. Trong thời gian này, kiếm thuật đã trải qua bước chuyển mình mạnh mẽ, không chỉ là kỹ thuật thi đấu mà còn mang ý nghĩa tư tưởng tốt đẹp, góp phần phát hiện và nuôi dưỡng giá trị của người võ sĩ.

Điển hình, khái niệm Katsunin-ken được tập trung phát triển trong suốt thời kỳ Edo. Theo đó, Katsunin-ken ý nghĩa là “thanh kiếm mang lại sự sống”, giá trị cốt lõi của kiếm thuật nằm ở lối sống kỷ luật và quá trình rèn luyện, tu dưỡng nhân cách.

Nhiều quyển sách ghi chép về kiếm đạo như Heiho Kadensho, Fudochi Shinmyoroku, Gorin No Sho cũng ra đời trong giai đoạn này. Đây là những tác phẩm kinh điển, có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của kiếm đạo ngày nay.

Theo đó, các tác phẩm đã truyền dạy Samurai về sự can đảm, cách áp dụng kiếm thuật vào đời sống hằng ngày, đặc biệt là tư tưởng xem nhẹ sự sống và cái chết của tinh thần võ sĩ đạo.

Việc nghiên cứu kiếm thuật và giá trị tư tưởng được truyền đạt trong các tác phẩm này chính là cách thức mà người võ sĩ thực hành trau dồi tâm trí, thấu hiểu trách nhiệm và nghĩa vụ to lớn của họ đối với gia tộc, lãnh chúa.

Edo cũng là thời kỳ mà trường đào tạo kiếm thuật được mở ra trên khắp Nhật Bản, đây không chỉ là nơi lưu giữ các kỹ thuật kiếm được dùng trong chiến tranh mà còn giúp người học rèn luyện tính kỷ luật và sự dũng cảm.

Vào những năm 1711 – 1715, cha con Yamada Heizaemon Mitsuri và Naganuma Shirozaemon Kunisato đến từ trường kiếm thuật Jiki Shinkage đã sáng tạo ra thanh kiếm luyện tập bằng gỗ (Shinai) và áo giáp trọng lượng nhẹ (Bogu). 

Cấu trúc thanh kiếm Shinai
Cấu trúc thanh kiếm Shinai

Việc sáng tạo này được xem là vô cùng cần thiết vì giúp giảm thiểu nguy cơ chấn thương trong quá trình luyện tập. Đây cũng chính là tiền thân của kiếm đạo hiện đại Nhật Bản và được lưu truyền cho đến ngày nay.

Vào giai đoạn cuối thời kỳ Edo, nhiều dụng cụ mới trong việc luyện tập cũng được sản sinh, bên cạnh thanh kiếm Shinai còn có áo giáp che cơ thể (Do) với sự gia cố bằng chất liệu da và quét sơn phía ngoài. 

Đồng thời, ba võ đường lớn thời Edo là Gebukan, Renpeikan và Shigakkan đã ra đời, đánh dấu sự phát triển vượt bậc của kiếm thuật Nhật Bản.

Sự ra đời của kiếm đạo (Kendo) Nhật Bản thời kỳ Minh Trị Duy tân

Cuộc Duy tân Minh Trị năm 1868 đã dẫn đến việc bãi bỏ tầng lớp Samurai, từ đây việc đeo kiếm bên người bị cấm đoán, các trường phái và kỹ thuật kiếm Nhật Bản (Kenjutsu) bị suy giảm nghiêm trọng.

Tuy nhiên, Hiệp hội Đạo đức Võ đường Đại Nhật Bản (Dai Nippon Butoku Kai) được thành lập năm 1895 đã góp phần hồi sinh các giá trị của tầng lớp võ sĩ, bao gồm cả kiếm thuật.

Hình ảnh Dai Nippon Butoku Kai
Hình ảnh của Dai Nippon Butoku Kai

Đến năm 1912, Dai Nippon Butoku Kai được đổi tên thành Nippon Kendo Kata hay còn được biết đến với tên gọi Kendo. Từ đây, tổ chức Kendo tiến hành thống nhất các võ đường Nhật Bản, đồng thời đưa ra nhiều biện pháp chuẩn hóa kỹ thuật dùng kiếm tre.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, tổ chức Kendo bị chiếm đóng bởi quân đội đồng minh. Mãi đến năm 1952, Liên đoàn Kendo Nhật Bản mới được hình thành nhằm thống nhất việc giảng dạy kiếm thuật, đồng thời đổi tên võ thuật và kiếm thuật thành Budo (Võ đạo) và Kendo (Kiếm đạo).

Trang phục kiếm đạo Nhật Bản

Kendo là bộ môn kiếm thuật truyền thống Nhật Bản, xuất phát từ các võ sĩ Samurai. Do đó, trang phục của người luyện tập và thi đấu Kendo cũng mang dáng dấp của các Samurai.

Trang phục thi đấu thường thấy của các võ sĩ Kendo Nhật Bản
Trang phục thi đấu thường thấy của các võ sĩ Kendo Nhật Bản

Trang phục Kendo bao gồm áo khoác Keikogi và Hakama, một loại Kimono truyền thống tại xứ sở hoa anh đào. Một số môn võ thuật như Aikido, Judo, Laido và Kyudo cũng sử dụng trang phục tương tự Kendo.

Áo khoác Keikogi 

Keikogi còn có tên gọi khác là Uwagi, đây là loại áo nằm ở phần trên trang phục tập luyện và thi đấu Kendo. Kendo được làm từ chất liệu nhẹ, thoáng mát với lớp bông dày giữa hai mảnh áo nhằm bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương khi va đập mạnh.

Bên cạnh đó, thiết kế của Keikogi khá rộng rãi, điều này giúp việc di chuyển trở nên linh hoạt và dễ dàng hơn. Đặc biệt, ống tay áo dài và bao trọn phần khuỷu tay tạo nên cảm giác thoải mái trong quá trình luyện tập và thi đấu.

Cùng với đó, phần cổ Keikogi cũng được thiết kế vừa khít với cổ của người mặc. Về màu sắc, Keikogi thường sở hữu nhiều màu sắc khác nhau, trong đó phổ biến nhất là màu xanh và màu trắng.

Trang phục Hakama 

Từ xa xưa, Hakama thường được sử dụng nhằm bảo vệ đôi chân của người võ sĩ Samurai trong quá trình chiến đấu. Do đó, có nhiều sự lầm tưởng về công dụng của loại trang phục này đối với việc luyện tập kiếm đạo.

Hakama phù hợp để luyện tập Kendo vì đảm bảo sự lưu thông không khí xung quanh chân và các bộ phận ở phần dưới cơ thể, giúp việc di chuyển trở nên thuận lợi hơn.

Hakama gồm bảy nếp gấp tượng trưng cho bảy tính cách của người võ sĩ, đó là can đảm (Yuki), nhân ái (Jin), ngay thẳng (Gi), lịch thiệp (Rei), trung thực (Makoto), trung thành (Chugi) và danh dự (Meiyo).

Kiếm đạo – Tinh thần võ thuật đáng quý của dân tộc Nhật Bản

Kiếm đạo vốn được phát triển từ kiếm thuật truyền thống (Kenjutsu) và gắn liền với tinh thần võ sĩ đạo đầy tự hào của dân tộc Nhật Bản, đây được xem là một trong những tinh hoa văn hóa của xứ Phù tang.

Kiếm đạo - nét văn hóa tiêu biểu cho tinh thần thượng võ của dân tộc Nhật Bản
Kiếm đạo – nét văn hóa tiêu biểu cho tinh thần thượng võ của dân tộc Nhật Bản

Kiếm đạo không chỉ là câu chuyện về kỹ thuật dùng kiếm mà còn hướng người luyện tập đến những đức tính cao đẹp hơn. Điển hình là năm đạo gồm nhân đức, công bằng chính trực, tư cách cao thượng, trí tuệ minh mẫn, trung.

Luyện tập kiếm đạo nghiêm túc và đúng đắn chính là con đường hoàn thiện và phát triển bản thân, rèn luyện cả về tinh thần và trí tuệ. Do đó, kiếm đạo ngày nay đã vượt ngoài ranh giới Nhật Bản, đón nhận sự yêu mến rộng rãi trên khắp thế giới.

Diệu Ngô