Vẻ đẹp kiêu sa của người con gái Nhật Bản với bộ trang phục Kimono đang nép mình e ấp bên những cánh anh đào mỏng manh, cùng với đó là những ngón đàn mềm mại lướt nhanh trên các nhạc cụ truyền thống luôn là hình ảnh tuyệt đẹp về đất nước và con người Nhật Bản.
Trong đó, Kimono từ lâu đã trở thành một phần không thể tách rời của nền văn hóa đương đại. Trải qua hàng trăm năm phát triển với nhiều thời kỳ như Kamakura, Muromachi, Edo, Minh Trị và cho đến tận hôm nay, Kimono vẫn chứng tỏ sức quyến rũ đặc biệt của một trong những vẻ đẹp gắn liền với văn hóa Nhật Bản.
Lịch sử phát triển Kimono – quốc phục xứ Phù Tang
Trên thực tế, tồn tại nhiều thông tin về nguồn gốc của bộ trang phục Kimono, một số tài liệu cho rằng Kimono bắt nguồn từ áo Hitoe của người Triều Tiên với phần váy và cổ áo đan chéo vào nhau, tay áo rộng và được thắt chặt phía dưới ngực.
Bên cạnh đó, vẫn có những thông tin chỉ ra Kimono tồn tại nhiều điểm tương đồng với trang phục thời nhà Đường của Trung Quốc, bởi lẽ đây là thời điểm mà “Đường phục” đang rất thịnh hành tại xứ sở hoa anh đào.
Tuy nhiên, nguồn tin phổ biến nhất hiện nay thì khẳng định Kimono là trang phục ra đời vào khoảng năm 794 – năm 1142, dưới triều đại Heian.
Lúc bấy giờ, do chịu ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc, những bộ quần áo tách rời của người dân Nhật Bản đã được Thái tử Siotoku thay thế bằng những trang phục với phần áo và váy liền nhau, loại trang phục này áp dụng nghiêm ngặt với quan lại và được cho là tiền thân của Kimono ngày nay.
Sau thời đại Heian, Kimono tiếp tục phát triển qua các thời kỳ Kamakura, Muromachi, Edo và Minh Trị, những giai đoạn lịch sử này đã chứng kiến nhiều sự thay đổi từ màu sắc, họa tiết trang trí cho đến chất liệu để làm nên những bộ Kimono đầy sức hút.
Thời kỳ Kamakura (1192 – 1338) và thời kỳ Muromachi (1338 – 1573)
Kamakura và Muromachi là hai thời kỳ có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Kimono. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự chuyển mình của Kimono khi không còn là trang phục dành riêng cho tầng lớp thượng lưu mà ngày càng đi sâu vào cuộc sống của người dân đất nước mặt trời mọc.
Lúc này, Kimono thường mang màu sắc sặc sỡ với nhiều điểm khác biệt trong trang phục của nam và nữ, đặc biệt Kimono dành cho nam giới được may thêm quần chẽn ở bên trong.
Kamakura và Muromachi là thời kỳ của các võ sĩ đạo nên trong khoảng thời gian này, Hakama – một loại Kimono đã được ra đời nhằm mục đích sử dụng trên các võ đài. Trang phục gồm bảy nếp gấp với hai nếp phía trước và hai nếp phía sau đại diện cho bảy phẩm chất cần thiết trên hành trình trở thành võ sĩ đạo.
Người chiến binh luôn mang trên người bộ quần áo với màu sắc tượng trưng cho gia tộc của họ, có lẽ vì thế mà những trận chiến bao giờ cũng tràn ngập sắc màu.
Tuy nhiên, do đặc tính linh hoạt mà Hakama không chỉ xuất hiện trên các sàn đấu của những võ sĩ đạo mà dần trở nên phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày.
Thời kỳ Edo (1603 – 1868)
Do tính chất lịch sử đặc biệt mà thời kỳ Edo trở thành giai đoạn quan trọng khi đánh dấu nhiều sự thay đổi của bộ trang phục Kimono, thậm chí có những bộ trang phục đã trở thành các tác phẩm nghệ thuật được trân trọng, gìn giữ và tiếp nối qua nhiều thế hệ.
Edo là thời kỳ mà gia tộc Tokugawa chiếm đóng Nhật Bản, xứ sở hoa anh đào bị chia cắt thành nhiều vùng đất dưới sự cai trị của các lãnh chúa. Vì thế, trang phục của các chàng trai Samurai đã trở thành đồng phục, mỗi màu sắc đại diện cho từng vùng đất mà họ sinh sống.
Những bộ quần áo được khoác lên người các võ sĩ đạo thời kỳ Edo gồm có phần trang phục Kimono, váy Hakama và y phục không tay – Kamishimo. Nếu như váy Hakama mang lại sự thuận tiện và thoải mái trong quá trình di chuyển thì Kamishimo lại làm nổi bật phần vai cứng cáp của các chàng trai Samurai.
Edo là thời kỳ đánh dấu sự ra đời của thắt lưng Obi, loại phụ kiện này giúp bộ trang phục Kimono có được nét thẩm mỹ riêng biệt khi vừa tạo nên sự gọn gàng, vừa tô điểm thêm vẻ đẹp và sự tinh tế cho người mặc.
Theo thời gian, thắt lưng Obi trở thành vật dụng không thể vắng mặt mỗi khi khoác lên người bộ Kimono cầu kỳ.
Hiện tại, Obi đã có hơn 300 kiểu dáng khác nhau, phổ biến nhất là thắt lưng hình trụ ngang, giống với hình dạng của chiếc trống với tên gọi là Taiko – một nhạc cụ truyền thống của xứ sở Phù Tang.
Taiko được các quý bà Nhật Bản đặc biệt yêu thích và thường xuyên sử dụng, trong khi đó Fukura Suzume được biết đến là loại Obi dành cho các thiếu nữ với hình dáng được ví von với những chú chim.
Bên cạnh đó, Obi còn được sử dụng trên các bộ Kimono dành cho nam giới với hai loại chính là Kaku và Heko. Nhắc đến Heko Obi người dân Nhật Bản thường nhớ đến những chiếc thắt lưng mềm mại được tạo nên từ lụa, khác hoàn toàn với sự cứng cáp và có phần mạnh mẽ của Kaku Obi.
Thời kỳ Minh Trị (1868 – 1912)
Bắt đầu từ thời kỳ Edo, kiểu dáng trang phục Kimono của người dân xứ sở hoa anh đào không có quá nhiều sự thay đổi.
Tuy nhiên, sự cầu kỳ và tỉ mỉ của bộ trang phục đã gây nhiều trở ngại cho các hoạt động thường ngày, vì thế Kimono không còn được ưa chuộng và chỉ xuất hiện trong những nghi thức hoặc buổi lễ quan trọng.
Hơn thế nữa, đây là giai đoạn mà văn hóa Nhật Bản chịu nhiều ảnh hưởng từ các quốc gia phương Tây, chính phủ thường xuyên khuyến khích người dân sử dụng những trang phục nhẹ nhàng, do đó Kimono không còn giữ được vị thế vốn có.
Thời kỳ Taisho (1912 -1926)
Thời kỳ Taisho đánh dấu một số thay đổi lớn trong việc thiết kế Kimono, nổi bật nhất là việc sử dụng vải tơ Meisen làm chất liệu chính cho trang phục với ưu điểm về độ bền so với các chất liệu trước đây.
Những bộ Kimono được tạo nên từ Meisen rất bắt mắt và vô cùng tươi sáng, cũng vì thế mà chất liệu này ngày càng được ưa chuộng tại Nhật Bản.
Bên cạnh đó, đây cũng là giai đoạn suy thoái kinh tế, việc sử dụng Meisen không những đáp ứng được yêu cầu về chất lượng mà còn tiết kiệm được chi phí do giá thành không quá đắt đỏ.
Một số loại Kimono đặc trưng tại Nhật Bản
Nhìn chung, trang phục Kimono thường sặc sỡ về màu sắc với nhiều họa tiết và hoa văn được trang trí điệu nghệ. Điểm đặc biệt của bộ trang phục nằm ở số lượng lớn các lớp áo xếp chồng lên nhau, thậm chí những nhân vật hoàng gia Nhật Bản có thể mặc những loại Kimono với mười sáu lớp áo.
Tại xứ sở hoa anh đào, tùy thuộc vào từng loại Kimono mà người ta có thể nhận biết được tình trạng hôn nhân của người mặc. Bởi lẽ, các bộ trang phục dành cho các thiếu nữ thường có màu sắc và hoạt tiết tươi sáng, trái ngược với sự thanh lịch và trưởng trưởng thành trong bộ trang phục của những người phụ nữ đã kết hôn.
Furisode – Kimono dành cho các thiếu nữ
Furisode được xem là loại Kimono trang trọng nhất khi dành riêng cho các cô gái chưa kết hôn, đây là bộ trang phục hàm chứa ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên và trong sáng của các thiếu nữ.
Trong văn hóa Nhật Bản, các cô gái tròn hai mươi tuổi sẽ được tổ chức ngày lễ trưởng thành có tên Seijin Shiki, vào dịp này họ thường khoác lên người những bộ Furisode với màu sắc trẻ trung, tươi tắn. Ngoài ra, Furisode còn được sử dụng trong những ngày lễ lớn hoặc các buổi tiệc trà.
Furisode được làm từ lụa với đặc điểm nổi bật nằm ở phần ống tay áo rất dài và rộng nhằm mục đích che chắn phần tay của các thiếu nữ. Theo tương truyền, các cô gái thường vẫy ống tay áo để biểu lộ tình yêu với các chàng trai mà mình thầm thích.
Tomesode – Kimono dành cho người đã kết hôn
Khác với Furisode, Tomesode là loại Kimono dành cho những người phụ nữ đã kết hôn. Trang phục này có nền màu đen với thiết kế ống tay ngắn hơn Furisode và được sử dụng trong cả đời sống thường nhật cũng như trong các dịp lễ trang trọng của họ hàng.
Bên cạnh đó, trang Yamatoku đã nêu ra khởi nguồn của Tomesode khi cho rằng trang phục này xuất phát từ việc cắt ngắn tay áo Furisode sau khi kết hôn của các thiếu nữ Nhật Bản. Hơn nữa, từ Tome (留) trong tiếng Nhật có nghĩa là ở lại, vì thế Tomesode còn mang ngụ ý ở lại nhà chồng.
Những bộ Tomesode với thiết kế gồm phần gia huy tượng trưng cho họ tộc nhà chồng đính kết trên áo sẽ được sử dụng trong các lễ cưới hoặc lễ tang. Trong khi đó, những bộ Tomesode nhiều màu sắc được ưu tiên sử dụng trong đời sống hằng ngày.
Yukata – Kimono thời hiện đại
Hiện nay, Yukata là loại Kimono được sử dụng rộng rãi nhất tại xứ sở hoa anh đào nhờ vào đặc điểm thoải mái và không quá cầu kỳ so với các trang phục Kimono truyền thống.
Yukata được làm từ chất liệu cotton, thiết kế đơn giản khi chỉ có một lớp áo bên ngoài, cùng với đó là màu sắc hài hòa, tươi sáng tạo cảm giác dễ chịu cho người mặc.
Trở về nhiều năm trước đây, Yukata truyền thống được biết đến là loại trang phục gồm hai sắc màu trắng – xanh đen hoặc xanh đen – trắng và thường được sử dụng trong các sinh hoạt ở nhà sau.
Tuy nhiên, Yukata hiện được thiết kế với màu sắc tươi sáng và lộng lẫy hơn rất nhiều, không những thế đây còn là bộ trang phục dành được sự yêu thích của cả nữ giới và nam giới.
Với những đặc tính hiện đại và đơn giản, Yukata ngày càng được yêu thích khắp Nhật Bản, xuất hiện trên nhiều con phố của xứ sở Phù Tang vào những ngày hội hè và những lễ hội truyền thống như Bon Odori. Thậm chí trong các quán trọ Nhật Bản, Yukata cũng được sử dụng rộng rãi.
Shiromaku – trang phục cưới truyền thống của người Nhật Bản
Shiromaku là loại Kimono được các cô dâu Nhật Bản khoác lên người trong ngày lễ trọng đại nhất cuộc đời họ, đây được xem là trang phục Kimono rực rỡ và đẹp đẽ nhất tại xứ sở Phù Tang. Shiromaku sở hữu màu trắng tinh khiết, tượng trưng cho vẻ đẹp trong trẻo và sáng ngời của các nàng dâu khi về nhà chồng.
Trang phục luôn đi cùng với băng vải trắng choàng đầu kích thước lớn có tên gọi là Wataboshi. Theo quan niệm dân gian tại xứ sở hoa anh đào, Wataboshi có tác dụng che giấu những linh hồn tội lỗi ẩn giấu trong mái tóc dài của người thiếu nữ.
Tuy nhiên, Shiromaku chỉ được mặc khi hành lễ, sau đó nàng dâu sẽ chuyển sang một lễ phục khác có tên là Iro Uchikake. Đây là bộ Kimono thường có màu đỏ tươi kết hợp cùng nhiều họa tiết biểu trưng cho văn hóa Nhật Bản như sếu, hoa anh đào mang ngụ ý cầu chúc cuộc sống hôn nhân êm ấm và hạnh phúc.
Junihitoe – Kimono của tầng lớp quý tộc
Junihitoe còn có tên gọi khác là Thập Nhị Y, trang phục này được biết đến là loại Kimono với thiết kế cực kỳ phức tạp, vô cùng tao nhã và quý phái nên thường xuất hiện trong hoàng gia Nhật Bản và những gia đình thuộc tầng lớp quý tộc.
Junihitoe ra đời dưới triều đại Heian, bộ trang phục được thiết kế với lớp trong cùng là vải lụa trắng, các lớp áo tiếp theo đều mang một cái tên riêng biệt, Junihitoe được kết thúc bằng chiếc áo choàng với tổng trọng lượng trang phục có thể lên đến 20 kilogam.
Bên cạnh đó, màu sắc và cách sắp xếp các lớp áo cũng giữ vai trò vô cùng quan trọng. Bởi lẽ, đó là sự biểu hiện cho vẻ đẹp tinh tế, năng khiếu thẩm mỹ và phẩm giá tuyệt vời của một người phụ nữ truyền thống Nhật Bản.
Ngày nay, Junihitoe chỉ còn được bắt gặp trong các bộ phim điện ảnh, phim truyền hình đến từ xứ sở hoa anh đào hoặc những địa điểm du lịch, các bảo tàng, một số lễ hội hay các nghi lễ hoàng gia.
Kimono – vẻ đẹp kiêu sa của con người Nhật Bản
Kimono có quá trình hình thành và phát triển từ khá sớm, trải qua nhiều năm biến đổi cùng với những thăng trầm của lịch sử, loại trang phục này cho đến tận ngày nay vẫn được xem là một tác phẩm nghệ thuật vô cùng tuyệt vời, biểu trưng cho nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của xứ sở hoa anh đào.
Việc khoác lên người bộ trang phục Kimono cũng phản ánh rất nhiều điều về một con người, đó có thể là tính cách, tuổi tác, tầng lớp xã hội, tình trạng hôn nhân hay mức độ quan trọng của các nghi lễ.
Trong thời đại ngày nay, Kimono tuy không còn song hành trong cuộc sống hằng ngày của người dân Nhật Bản nhưng vẻ đẹp toát lên từ bộ trang phục này vẫn cho thấy sự kiêu sa và tinh tế của con người nơi đây.
Bên cạnh những cành anh đào đỏ thắm hay các hình ảnh hoạt hình anime đầy tính nghệ thuật, Kimono luôn là một trong những đại diện tiêu biểu nhất cho nền văn hóa đầy sức hấp dẫn của xứ sở Phù Tang.
Diệu Ngô
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất