Nguyễn Thành Long là cây bút trưởng thành trong giai đoạn đất nước phải đối diện với chiến tranh. Trong suốt sự nghiệp văn học, ông được biết đến với tư cách người chuyên viết truyện ngắn và ký, đặc biệt là về cuộc sống chiến đấu của nhân dân.
Với sự nghiêm túc và tâm huyết với nghề, Nguyễn Thành Long luôn hết lòng với trang viết của mình. Chính vì thế mà tác phẩm ông viết ra, đều để lại dư ba trong lòng người đọc bởi sự nhân văn sâu sắc mà nó gửi gắm.
Nguyễn Thành Long và sứ mệnh thiêng liêng của người viết
Nguyễn Thành Long sinh năm 1925 tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam nhưng nguyên quán ở Quy Nhơn, Bình Định. Trong lĩnh vực văn chương, nhà văn còn được biết đến với bút danh Phan Minh Thảo, Lưu Quỳnh.
Sinh ra trong một gia đình gia đình viên chức nhỏ, ông sớm bén duyên với nghề viết. Văn sĩ đã có bài báo được đăng lên trang Thanh Nghị tại Hà Nội khi chỉ vừa mười tám tuổi.
Ông là một trong những nhà văn tham gia sáng tác ở cả trước và sau Cách mạng tháng Tám. Ở mỗi chặng đường của lịch sử dân tộc, cây bút này luôn in dấu ấn mình bằng văn chương.
Văn sĩ đã cho xuất bản nhiều truyện ngắn, trong đó có nhiều tập tiêu biểu như Bát cơm cụ Hồ, Trong gió bão, Giữa trong xanh, Những tiếng vỗ cánh hay Sáng mai nao, xế chiều nào. Ngoài sáng tác văn, ông còn là dịch giả của hai tác phẩm nổi tiếng của Antoine de Saint-Exupéry là Em bé con nhà trời và Quê xứ con người.
Nguyễn Thành Long được nhận xét là một nhà văn mẫu mực, luôn nghiêm túc đối với câu chữ. Những bản thảo của ông đều chi chít dấu gạch xóa và sửa chữa, bản thân văn sĩ không bao giờ cẩu thả với đứa con tinh thần mình viết ra.
Ông còn thể hiện tài năng đặc biệt của mình ở lĩnh vực truyện ngắn và ký với lối viết nhẹ nhàng, tình cảm, thấm đẫm chất thơ. Văn Nguyễn Thành Long được nhiều nhà phê bình đánh giá là trong trẻo và gần gũi với người đọc.
Cây bút chuyên về bút ký và truyện ngắn viết văn như một món nợ, ấy là nợ đời, nợ Cách mạng và nhân dân. Chính vì thế mà ông đề cao sự kỹ lưỡng trong khi viết, mỗi chữ viết ra phải chứa đựng sức nặng và mang ý nghĩa riêng.
“Chữ Nguyễn Thành Long sít, chặt, nhỏ nhưng dễ đọc. Cả các truyện của ông cũng thế. Đi đâu về, ông cũng muốn viết, và không phải chỉ viết ký thôi, phải viết truyện mới hả, viết như một món nợ. Và người viết này rất sòng phẳng, rất muốn trả nợ cho đâu vào đấy. Thế là có thể ông ngồi hàng tuần hàng nửa tháng để hý hoáy xếp đặt, dàn truyện. Và có khi để hàng vài tháng, để viết một truyện ngắn”. – Tô Hoài nói về tâm huyết của Nguyễn Thành Long đối với nghề phu chữ.
Với Nguyễn Thành Long, viết văn cũng giống như làm người, phải sống và viết cho tử tế và hết lòng. Đây chính là cốt cách của một người nghệ sĩ đích thực, người xem văn học là “ngôi đền thiêng”.
Sự lặng lẽ trong nghề viết và cuộc đời của Nguyễn Thành Long
Nguyễn Thành Long còn là người rất lặng lẽ, cả trong sự nghiệp và cuộc sống. Sự lặng lẽ ấy chính là kết tinh của tài năng, những chiêm nghiệm về lẽ sống cũng như con người, chắp bút cho trang văn của ông bay cao và xa hơn.
“Trong ý nghĩ của một số người chúng tôi hồi ấy, Nguyễn Thành Long là nhà văn vừa có vốn liếng thực tế, vừa có học, lại có tấm lòng đôn hậu. Tài năng của anh là do công phu rèn luyện mà nên, có vẻ nó như một thứ tài có thể cố mà được nên chúng tôi càng thấy gần.” – Vương Trí Nhàn nhận xét về Nguyễn Thành Long trong tác phẩm Một cuộc sống khác
Tài năng văn học của nhà văn không đơn giản chỉ là bản năng thiên bẩm vốn có mà còn là sự học hỏi, không ngừng cố gắng trải nghiệm cuộc sống và trau dồi con chữ từng ngày.
Quá trình sáng tác của văn sĩ không phô trương mà trái lại, lặng lẽ và miệt mài. Tuy chất lượng tác phẩm không đồng nhất nhưng ông được đánh giá là cây bút có uy tín và phong cách riêng.
Từ việc lên ý tưởng cho đến phác bản thảo rồi chỉnh sửa, Nguyễn Thành Long đều làm việc trong âm thầm bởi lẽ, sự cô đơn là điều kiện tối cần của người viết, là thứ làm ngòi bút nhà văn xuất thần.
Sự lặng lẽ không chỉ hiện diện trong việc viết lách mà còn có mặt ở cả cuộc sống đời thường của nhà văn. Ông không phải người hay nói , thích cầu kỳ mà thường mang dáng vẻ điềm tĩnh, suy tư.
“Nguyễn Thành Long trong đời thường giản dị và có phần khắc khổ. Ông sống trong căn phòng trên gác hai của một khu biệt thự cũ kỹ. Sách vở ngổn ngang khắp nhà, trên nóc tủ, trên bàn làm việc, dưới gầm giường.” – Vương Trí Nhàn kể lại cuộc sống đời thường của tác giả Nguyễn Thành Long
Cả văn học và cuộc đời, dù ở lĩnh vực nào, độc giả cũng thấy một Nguyễn Thành Long âm thầm và lặng lẽ. Song người nghệ sĩ ấy luôn hết mình với đời và nghề, ông ở trong sự cô đơn mà sáng tác những tác phẩm giàu ý nghĩa nhân văn.
Chất thơ chắt lọc từ cuộc đời trong sáng tác Nguyễn Thành Long
Văn Nguyễn Thành Long có phần giống Thạch Lam, ấy là thứ văn đầy chất thơ và mang lại cho người đọc cái dư vị man mác buồn như xứ sở của họ.
Hầu hết sáng tác của nhà văn đều vương vấn nỗi buồn không tên, lơ lửng như ý thơ không thể nào tóm gọn. Truyện Nguyễn Thành Long không có nhiều tình huống hay chi tiết xung đột, vì thế mà nhiều lần ông bị hiểu lầm, phê phán đến lao đao.
Chất thơ trong trang viết nhà văn xuất phát từ chính cuộc sống bao la, văn sĩ đã lặn ngụp sâu vào trong lớp vỉa trầm tích hiện thực vốn nhiều đau thương để kiếm tìm vẻ đẹp của thiên nhiên, tâm hồn con người.
Văn Nguyễn Thành Long đẹp và thơ nhất khi miêu tả về cảnh sắc thiên nhiên. Tác giả đặt cái tâm của mình vào từng câu chữ, đạt đến trình độ mà không phải người nghệ sĩ nào cũng có thể nào làm được.
“Thành phố là một chiếc nhẫn nạm kim cương mỗi mặt đá một màu đặt trong một cái hộp xanh sẫm làm bằng rừng thông già. Mỗi lần ngửng lên, ta lại kinh ngạc, ta kinh ngạc hoài vì cái đẹp khêu gợi của những cái chao lá thông chúng tung những hình chóp ánh sáng trắng lên trời, màu trắng rỡ đọng trong lá xối xuống toả khói và hoà tan trong màu xanh ngọc lạnh của da trời.” – Một đoạn miêu tả vẻ đẹp thiên nhiên Đà Lạt trong tác phẩm Đà Lạt hoa hương của Nguyễn Thành Long
Tác giả phả vào trong văn không khí và hơi thở thiên nhiên, ngòi bút không dừng lại ở việc tả cảnh mà còn gợi cả ánh sáng, mùi hương, màu sắc của cảnh vật. Phải có sự cảm thụ tinh tế như một người họa sĩ thực thụ thì mới thai nghén được những trang viết tài hoa như vậy.
Nguyễn Thành Long rất chú trọng vào những chuyến đi thực tế. Điều đó không chỉ được thể hiện qua nội dung mà còn ở chỉ dẫn ngày, tháng, năm và địa chỉ rõ ràng trong truyện.
Ông là một người luôn muốn thâm nhập vào đời sống quần chúng nhân dân. Tác giả không xem việc đi thực tế là nhiệm vụ của người làm nghệ thuật mà còn là một cách thức để trau dồi vốn sống, tìm kiếm cảm hứng cho hình mẫu nhân vật.
Cũng chính vì đi nhiều nơi, gặp nhiều người mà nhà văn có nhiều trang văn rất đẹp và thơ mộng về từng vùng miền Tổ quốc. Ông phát hiện ở tất cả tầng lớp, dù là người làm những công việc thầm lặng nhất cũng đều có vẻ đẹp của sự hi sinh cao cả.
Nhân vật trong truyện Nguyễn Thành Long có cái gì đó trầm lặng mà gần gũi, họ lặng lẽ sống và cống hiến, hi sinh cho quê hương đất nước. Chất thơ chảy dạt dào trong sáng tác của ông còn bắt nguồn từ cốt cách và tâm hồn nơi nhân vật.
Lặng lẽ Sa Pa và câu chuyện của sự hi sinh cao cả
Khi liệt kê những tác phẩm tiêu biểu cho phong cách sáng tác của Nguyễn Thành Long, không thể không nhắc đến Lặng lẽ Sa Pa, được in trong tập Giữa trong xanh. Tác giả viết tác phẩm bằng tất cả tấm lòng, trân trọng từng nhân vật và sự đóng góp thầm lặng của họ.
Mỗi câu chữ viết ra đều có sự trau chuốt và chọn lọc kĩ lưỡng bởi tài năng nghệ thuật của nhà văn. Vì thế mà cái ý, cái tình như hòa lẫn vào câu chữ và lan tỏa đến trái tim người đọc.
Nhan đề đặc biệt và dụng ý nghệ thuật của tác giả
Nguyễn Thành Long không chỉ tài hoa trong cách xây dựng cốt truyện lẫn tạo hình nhân vật mà còn tinh tế trong việc chọn lựa nhan đề tác phẩm. Chỉ vỏn vẹn bốn chữ nhưng dường như nó đã thâu tóm được toàn bộ linh hồn câu chuyện.
Nhắc đến Sa Pa, có lẽ độc giả sẽ nghĩ đến một địa điểm du lịch nổi tiếng với thời tiết mát vẻ, thiên nhiên thơ mộng nhưng với Nguyễn Thành Long, đây còn là nơi của những hi sinh không tên thầm lặng.
Sự “lặng lẽ” trong tên của nhan đề không chỉ xuất phát từ mảnh đất Sa Pa mà còn là những đóng góp, hi sinh cho đất nước của con người nơi đây. Họ lặng lẽ sống, lặng lẽ cống hiến cho đất nước và dân tộc.
Không chỉ thâu tóm được nội dung toàn bài, nhan đề truyện còn thể hiện cả tài năng văn học của Nguyễn Thành Long ở việc vận dụng biện pháp đảo ngữ khéo léo và tài tình. Chữ “lặng lẽ” khi đảo lên đầu câu vừa mang đến sự ấn tượng, vừa nhấn mạnh chủ đề bài viết.
Cốt truyện độc đáo trong Lặng lẽ Sa Pa
Nguyễn Thành Long xây dựng cốt truyện khá đơn giản và có phần êm đềm. Nhân vật chính trong câu chuyện là anh thanh niên làm công tác khí tượng vật lý địa cầu trên đỉnh Yên Sơn cao hai nghìn sáu trăm mét.
Không có tình huống truyện gay cấn hay giật gân, tình huống truyện của Lặng lẽ Sa Pa chỉ là cuộc gặp gỡ tình cờ giữa người họa sĩ già, cô kỹ sư nông nghiệp và anh thanh niên làm nghề khí tượng trên núi cao.
Người họa sĩ già đi vẽ, cô kỹ sư thực hiện chuyến công tác miền núi còn anh thanh niên làm công việc khí tượng vật lý. Mỗi người một công việc riêng, đóng góp cho đất nước bằng những cách thức khác nhau nhưng lại tình cờ gặp nhau tại nơi núi cao hẻo lánh.
Cuộc gặp mặt của họ chỉ kéo dài vỏn vẹn có ba mươi phút nhưng cũng đủ để mỗi nhân vật trải lòng. Cuộc gặp gỡ tuy diễn ra một cách tình cờ nhưng ông họa sĩ lẫn cô kỹ sư đều có dịp hiểu hơn về những đức tính tốt đẹp nơi anh thanh niên.
Tính cách cô kỹ sư cũng được bộc lộ phần nào thông qua cuộc gặp gỡ có phần bất ngờ ấy. Nghe anh kể về cuộc đời và công việc, cô đã cảm động và vờ như để quên chiếc khăn mùi soa, thế nhưng anh vô tâm đến nỗi tưởng cô quên thật nên trả lại.
Nguyễn Thành Long thật sự rất tinh tế trong việc thêm thắt chi tiết nhỏ này vào mạch truyện, nó thuộc về tuổi trẻ, về những rung động giữa con người với nhau. Mối quan hệ này không quá rõ ràng để gọi tên mà đơn giản chỉ là sự mến mộ vu vơ thoáng qua bên đời.
Tác giả Lặng lẽ Sa Pa bằng tài năng, vốn liếng văn chương tích góp từ trải nghiệm thực tế về cuộc sống nhân dân khắp mọi miền đất nước đã xây dựng nên một cốt truyện vô cùng độc đáo, tuy đơn giản nhưng chứa đựng nhiều ý nghĩa nghệ thuật.
Chất thơ bàng bạc trong Lặng lẽ Sa Pa
Lặng lẽ Sa Pa được đánh giá là một truyện ngắn giàu chất thơ. Đây là giá trị đặc sắc của tác phẩm, được thể hiện ở cả hai phương diện, nội dung và hình thức.
Trước hết, chất trữ tình toát của tác phẩm toát lên từ vẻ đẹp thiên nhiên rừng núi Sa Pa. Ngòi bút Nguyễn Thành Long đặc biệt xuất thần ở màu sắc và đường nét cảnh vật.
“Mây hắt từng chiếc quạt trắng lên từ các thung lũng… Nắng bây giờ bắt đầu lèn tới, đốt cháy rừng cây. Những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng những ngón tay bằng bạc dưới cái nhìn bao che của những cây tử kính thỉnh thoảng nhô cái đầu màu hoa cà lên trên màu xanh của rừng. Mây bị nắng xua, cuộn tròn lại từng cục, lăn trên các vòm lá ướt sương, rơi xuống đường cái, luồn cả vào gầm xe”. – Vẻ đẹp hoang sơ, thơ mộng nơi núi rừng Tây Bắc.
Thiên nhiên trong Lặng lẽ Sa Pa mang dáng vẻ hùng vĩ nhưng cũng rất thơ mộng. Ấy là nhờ ngòi bút tài năng với những nét chấm phá, tô điểm đường nét, hình khối, màu sắc cảnh vật nơi đây.
Chất thơ nơi thiên nhiên vừa đưa người đọc đi vào công cuộc khám phá mảnh đất Sa Pa, vừa làm phông nền cho chất thơ nơi tâm hồn con người tỏa sáng.
Tất cả nhân vật trong Lặng lẽ Sa Pa đều hiện lên với vẻ đẹp rạng rỡ nơi tâm hồn và cách sống. Họ nghiêm túc với công việc, thầm lặng cống hiến cho Tổ quốc, cho cuộc sống của nhân dân.
Nổi bật là hình tượng anh thanh niên sống một mình trên đỉnh núi Yên Sơn. Qua lời kể của bác lái xe, sự nhìn nhận của ông họa sĩ và cô kỹ sư và cả lời nói, hành động của mình, anh hiện lên với những vẻ đẹp riêng.
Dù sống cô đơn giữa nơi hẻo lánh vắng người nhưng anh thanh niên vẫn tìm thấy niềm vui trong công việc lẫn những thú vui riêng. Anh có lối sống khoa học, ngăn nắp và có phần thơ mộng.
Dù không được tiếp xúc với nhiều người, anh vẫn rất chu đáo và biết cách quan tâm người khác. Người thanh niên ấy khiêm tốn khi tự nhận đóng góp của mình là nhỏ bé, đồng thời giới thiệu những người xứng đáng hơn để vẽ chân dung.
Tâm hồn cao đẹp, cách sống và thái độ sống của anh như một bài thơ thấm đẫm vẻ đẹp nhân văn. Chất thơ tác phẩm đã tập trung một cách cao độ nhất tại hình tượng nhân vật trung tâm này.
Nguyễn Thành Long không chỉ tạo nên một câu chuyện đầy chất thơ ở phương diện nội dung mà còn cả khía cạnh hình thức. Đó là một cốt truyện đơn giản, tình huống truyện nhẹ nhàng và không quá phức tạp.
Nhà văn đã sử dụng lớp ngôn ngữ trong sáng, giàu chất tạo hình khi viết về thiên nhiên. Ông cũng dùng nhiều từ ngữ chỉ màu sắc và từ láy, chúng khiến chất thơ chảy xuyên suốt tác phẩm.
Quan điểm về nghệ thuật trong sáng tác của Nguyễn Thành Long
Là một người nghệ sĩ tâm huyết với nghề, Nguyễn Thành Long cũng có cho mình những quan điểm riêng trong lĩnh vực Văn học.
Nhà văn dành cả đời để viết truyện ngắn, thỉnh thoảng ông có viết ký nhưng không nhiều. Tác giả cho rằng người viết truyện phải thể hiện được dấu ấn sáng tạo, mà trước hết là ở tấm lòng người cầm bút.
“Truyện ngắn phải mang dấu ấn của tác giả, biểu hiện sự tồn tại của tác giả. Dấu ấn ấy trước hết là tấm lòng đằm thắm của anh, sau đó là bút pháp, giọng nói, nhịp điệu câu chuyện của anh, những “cái áo”, “làn da” của tấm lòng tác giả. Nếu không có gì để nói, làm sao anh nâng nổi ngòi bút của anh cho được.” – Nguyễn Thành Long bày tỏ quan điểm về truyện ngắn
Văn sĩ đặc biệt đề cao tinh thần tự trau dồi vốn sống ở giới văn nghệ sĩ. Với ông, người cầm bút phải không ngừng học hỏi và nâng cao trình độ cũng như kinh nghiệm sống của bản thân.
“Tâm hồn nhà văn là hợp thành của nhiều thứ trình độ: chính trị, văn hóa, thẩm mỹ, thêm vào đó, cũng không kém phần quan trọng, là trình độ trải đời, trình độ nhạy cảm, khả năng căm giận, khả năng yêu thương…và cũng không kém phần quan trọng nữa là khả năng ước mơ, khả năng ước vọng.” – Nguyễn Thành Long khẳng định tâm hồn nhà văn phải thật khoáng đạt và sáng tạo
Không những trải nghiệm, người nghệ sĩ còn cần phải biết nhìn thấy ở những câu chuyện vụn vặt đời thường ý nghĩa nhân sinh sâu sắc về lẽ sống và viết nó thành văn, truyền tải thông điệp đến độc giả.
“Thì cũng là câu chuyện ấy mà trong tâm hồn nhà văn in lên thành một dạng khác.” – Nguyễn Thành đi đến một nhận xét quan trọng về cách nhìn nhận của nhà văn đối với cuộc đời
Trau chuốt đứa con tinh thần do mình viết ra ở phương diện nội dung thôi thì chưa đủ. Với Nguyễn Thành Long, người cầm bút phải đau đáu với ngôn từ, qua đó viết ra những chữ thật đẹp và quý giá.
“Nhưng có lẽ là giời đày tôi, tôi cứ phải lo nhận xét, ghi chép và đắn đo từng chữ như vậy.” – Nguyễn Thành Long tâm sự về nghề phu chữ
Tuy sáng tác của văn sĩ không đồ sộ nhưng ông vẫn được xem là một viên ngọc sáng của nền Văn học nước nhà. Những tác phẩm Nguyễn Thành Long viết cho đời, cho người sẽ mãi trường tồn với thời gian, lan tỏa dư ba trong lòng người đọc mọi thế hệ.
Hạ Nhiên
Bài viết cùng chuyên mục
Bài viết mới nhất